sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Độc Chiếm Hoa Khôi - Phần 20

Chiếc gương báu (Nhị phách)

Năm Long Hưng đời Tống, ở huyện Lạc Sơn tỉnh Tứ Xuyên có một người đánh cá tên gọi Vương Giáp. Vương Giáp không giàu có gì nhưng rất tốt bụng, hay làm điều tốt giúp đỡ người. Một hôm đang cùng với vợ giăng lưới bắt cá, bác ta nhìn thấy dưới đáy nước như có vật gì sáng lóe, bèn vớt lên xem thì thấy một cái gương cổ, trên có khắc bốn chữ “Tụ bảo chi kính”. Hai vợ chồng đều không biết chữ nên không hiểu giá trị của cái gương, bèn cầm về nhà cất để đấy.

Lại một hôm, Vương Giáp một mình đánh cá ở bên sông, thấy trên bãi có hai hòn đá nhỏ bằng hạt sen, trong vắt và sáng lóng lánh. Bác ta bèn nhặt lấy đem về nhà lấy vải bọc lại rồi đeo lên thắt lưng. Mấy hôm sau, có người Ba Tư qua nơi này, nhìn thấy Vương Giáp bảo ngay rằng trong người bác ta có báu vật. Đoán chắc người này biết xem ngọc, Vương Giáp bèn lấy hai viên đá nhỏ đó ra cho ông ta xem. Ông ta vừa nhìn thấy đã nắc nỏm không ngớt, rằng đây là hai viên “đá lọc nước”, nó có thể làm nước đục thành trong, biến nước biển mặn thành nhạt. Rồi ông ta bỏ ra ba vạn đồng mua hai viên đá đó. Thấy ông ta đúng là người biết quý của, Vương Giáp bèn lấy cái gương cổ ra. Người này nhìn thấy lập tức vái lạy nói: “Đây là cái gương quý, vô cùng kỳ diệu, ông phải cất giữ cho cẩn thận”. Vương Giáp bảo người đó hãy mua luôn cả cái gương này đi. Người đó nói: “Không phải bất cứ ai cũng có thể có được gương này. Tôi có được một báu vật đá lọc nước là đủ lắm rồi”. Nói xong từ biệt rồi bỏ đi. Vương Giáp nghe lời, cất thật kỹ cái gương cổ đi.

Kể cũng lạ, từ khi có được cái gương, Vương Giáp như được vận đỏ, vàng bạc của cải cứ tự nhiên tới. Chẳng bao lâu, trong nhà nào hũ nào bình, toàn để đầy vàng bạc. Thấy vậy, hai vợ chồng đâm lo, một là vì suốt đời họ quen ăn uống rau dưa, chẳng cần gì nhiều vàng bạc như vậy, hai là số của này không phải tự mình làm ra, sợ rằng trời chẳng để yên. Họ bàn nhau mãi, cuối cùng đem tất cả vàng bạc ra bố thí cho người nghèo khó. Còn cái gương thì đem biếu Thiền viện Bạch Thủy ở núi Nga My. Thế là hai người ăn chay mười mấy ngày rồi chân thành mang cái gương đi tặng.

Sư trụ trì Thiền viện Bạch Thủy là Pháp Luân từ lâu đã nghe nói đến cái gương thần kỳ ở nhà Vương Giáp, bây giờ thấy vợ chồng Vương Giáp thành tâm đến tặng thì nẩy lòng tham, định chiếm lấy làm của riêng. Đợi cho vợ chồng Vương Giáp đi khỏi, lão bèn tìm một người thợ giỏi làm một cái gương giống hệt như vậy. Lão trả rất hậu cho người thợ đó và dặn rằng phải giữ bí mật. Lão đem giấu chiếc gương quý đi rồi đem gương giả đặt sau chỗ tượng Phật, tự nghĩ rằng sẽ chẳng ai biết được.

Pháp Luân có được gương quý rồi, từ đó tiền của bạc vàng cứ tự nhiên đến. Lão bắt đầu xây cất, tu sửa ngôi chùa rất lộng lẫy, rồi lại mua rất nhiều kẻ hầu người hạ. Chỉ một thời gian, ngôi chùa trở nên thịnh vượng, giàu có không sao kể hết.

Còn Vương Giáp, từ sau khi dâng biếu cái gương rồi, nhà ngày càng càng sa sút, hai vợ chồng cũng đã lớn tuổi không có sức đi giăng lưới bắt cá nữa, cuộc sống ngày càng cực khổ. Nghĩ lại hồi trước cái gương đã mang lại cho bao nhiêu là tiền của, họ thấy tiếc. Thế rồi họ quyết định đi đến Thiền viện Bạch Thủy đòi lại chiếc gương để cuộc sống yên ổn lúc tuổi già.

Đến nơi, Vương Giáp cứ lo là Pháp Luân sẽ từ chối không trả lại, nào ngờ vừa nghe nói lão rất bình thản trả lời rằng: “Gương báu vốn là vật ngoài thân, bây giờ nên trở về với chủ cũ thôi”. Lão bảo Vương Giáp tự trèo lên bệ Phật lấy gương xuống. Vương Giáp nhìn kỹ cái gương thấy hoàn toàn giống cái gương trước, bèn yên tâm mang về.

Về nhà rồi, hai vợ chồng ngày ngày mong ngóng gương quý mang lại vận đỏ cho mình, vàng bạc lại cứ tự nhiên mà tới, nhưng chờ mãi chẳng hề thấy vận đỏ nào. Họ vẫn sống rất khổ cực, trong khi đó Thiền viện Bạch Thủy vẫn cứ thịnh vượng, tiền của bạc vàng đổ vào như nước thủy triều dồn đến. Thấy vậy, có người nói có lẽ vị sư trụ trì Thiền viện đã giấu cái gương thật đi mà trả lại cái gương giả, vậy là tham quá! Người thợ làm gương kia trước đây không biết Pháp Luân bảo làm gương để làm gì, nay nghe người ta bàn tán như vậy mới biết điều bí mật, bèn nói toạc chuyện ra.

Ở phủ Thành Đô có một viên quan Đề hình tên là Hồn Diệu. Viên quan này cũng tham lam. Khi nghe nói ở Thiền viện Bạch Thủy từ khi có được cái gương báu đã vô cùng giàu có, lão nghĩ mình có quyền thế, nhất định sẽ chiếm được cái gương đó. Bèn sai một kẻ tâm phúc là Tống Hỷ đến Thiền viện để đòi gương. Tống Hỷ đến nơi, nói cho Pháp Luân biết ý muốn của quan Đề Hình. Pháp Luân nói Thiền viện Bạch Thủy trước đây quả có cái gương quý do thí chủ Vương Giáp cúng, nhưng bây giờ thí chủ đó đã lấy lại rồi nên chùa không còn cái gương nào cả. Rồi Pháp Luân ngầm đút cho Tống Hỷ rất nhiều bạc, bảo y cứ về nói với quan như vậy.

Hồn Diệu vừa nghe Tống Hỷ nói lại nổi trận lôi đình, quát: “Ta tra xét thấy có rõ ràng mà lão dám bảo là không có. Ngươi hãy đi lấy về cho ta, nếu lão không nộp, ta sẽ giết sạch lũ lừa lọc đó!”

Tống Hỷ lại đành phải đến Thiền viện. Pháp Luân vẫn khăng khăng nói là Vương Giáp đã đòi cái gương về rồi, trong chùa hiện không có gương báu. Rồi lão lấy một ngàn lượng vàng bảo Tống Hỷ đem về biếu quan Đề Hình.

Quan nhìn thấy vàng cười híp mắt lại, nhưng rồi lại nghĩ nếu như có được cái gương báu thì sẽ muốn gì có nấy, cần gì số vàng này? Còn lão Pháp Luân, đã nói rành rành rằng gương báu đã trả về chủ cũ, tại sao lại còn đem nhiều vàng thế này hối lộ ta? Thế là quan Đề Hình kết tội Pháp Luân hối lộ quan, và cho rằng lão đang ở trong tay mình, ra lệnh bắt Pháp Luân giam vào ngục. Nhân chứng, vật chứng đều đầy đủ, quan Đề Hình cho rằng thế nào Pháp Luân cũng phải chịu, nên ngày ngày cho người dùng nghiêm hình khảo đả Pháp Luân bắt lão phải nộp gương báu. Thế nhưng Pháp Luân cứ một mực nói rằng gương báu đã trả lại cho Vương Giáp. Quan tức lắm, sai đánh Pháp Luân thừa sống thiếu chết, nhưng vẫn không biết cái gương đang ở đâu, bèn sai bốn tên công sai tới thẳng Thiền viện lục soát hết trong ngoài.

Pháp Luân có một đồ đệ là Chân Không vốn rất khôn ngoan lanh lợi, xưa nay việc gì cũng làm theo sư phụ. Pháp Luân xem y là người tâm phúc, chuyện gì cũng nói cho y biết. Hôm đó, Tống Hỷ vừa đi khỏi, Pháp Luân có linh tính là sẽ rắc rối to, bèn lập tức cùng Chân Không đem giấu kỹ tất cả mọi của cải vàng bạc trong chùa trong đó có cả cái gương báu. Lúc Pháp Luân bị công sai giải đi, Chân Không an ủi lão rằng: “Sư phụ cứ yên tâm, Chân Không này nhất định sẽ dùng vàng bạc đánh thông mọi khâu để cứu sư phụ”.

Thế nhưng, Chân Không là tên khẩu Phật tâm xà, y thấy sư phụ bị bắt như vậy thì như mở cở trong bụng: món tài sản lớn như thế, lại thêm cái gương báu nữa, đủ cho ta sung sướng suốt cả đời! Thế là ngay đêm ấy, y thu gom của cải quý giá trốn đi. Đến lúc Tống Hỷ và bốn tên công sai tới thì đã thấy trống không. Người trong chùa nói: “Chân Không gánh tiền của đi cứu sư phụ rồi”. Tống Hỷ chỉ đành tay không trở về bẩm báo.

Ở trong ngục, Pháp Luân ngày ngày trông ngóng đồ đệ đến cứu, bây giờ nghe cai ngục nói Chân Không đã vơ vét tất cả của cải trong chùa trốn đi rồi thì căm giận vô cùng, lại thêm suốt ngày bị nghiêm hình khảo đả, ông sư quen sống sung sướng đầy đủ này chịu sao cho nổi nên đêm đó đã lìa đời ngay trong ngục.

Chân Không trốn ra khỏi vùng, thuê một tên phu, rồi xuyên núi vượt khe, đi về hướng Lê Chân. Y định tìm một nơi yên tĩnh đẹp đẽ để sống thật thoải mái cuộc đời thế tục. Nhưng đang đi thì bỗng trời đất mù mịt tối sầm, không còn nhìn ra phương hướng nữa. Lúc đó, bỗng từ đám mây mù lóe lên một người. Người này trông rất uy nghi, tay cầm cây phương thiên họa kích, chặn đứng bọn Chân Không lại. Tên phu sợ quá vứt bỏ gánh đồ, co chân chạy. Chân Không hoảng hồn ôm lấy cái gương báu đâm đầu nhào về phía trước rồi loạng choạng lao vào rừng sâu. Bỗng một trận cuồng phong nổi lên, một con hổ dữ từ trong rừng xuất hiện cắn chết tươi Chân Không. Hôm đó, vợ chồng Vương Giáp đi tìm người bà con, đến chỗ đầu khe suối bỗng nhìn thấy một gánh đồ vứt ở giữa đường. Đến gần nhìn thấy toàn là vàng bạc của cải. Hai vợ chồng nghĩ chắc là người gánh mệt quá đi tìm chỗ nào nghỉ chân. Họ cứ đứng canh cái gánh, mãi cho đến lúc mặt trăng đã lặn vẫn không thấy ai lại lấy. Vương Giáp bèn nhấc gánh đem về nhà. Họ đâu có biết số vàng bạc của cải đó đều là do cái gương báu đem lại.

Về đến nhà, hai vợ chồng đem số vàng bạc của cải đó phân phát hết cho những người nghèo khổ không nơi nương tựa, còn họ thì vẫn sống thanh bạch như cũ.

Của phi nghĩa chẳng bền lâu (Nhị phách)

Thời nhà Tống, ở thôn Tào Nam thành Biện Lương có một chàng tú tài họ Chu tên Vinh Tổ, tên chữ Bá Thành. Nhà họ Chu này nhiều đời làm nghề kinh doanh buôn bán, gia sản rất lớn. Vợ chàng ta là Trương Thị, mới sinh được đứa con trai là Trường Thọ, con còn nhỏ, Chu Tú Tài phải lên đường vào kinh ứng thí. Vì không nỡ xa vợ yếu con thơ nên chàng ta quyết định đem đi theo cùng. Trong nhà có một số vàng bạc ông cha để lại mang đi đường không tiện, chàng ta bèn đào một cái hố ở chân tường sau nhà, đem chôn xuống đấy. Sau đó, tìm một người trông nom nhà cửa rồi lên đường.

Một đêm, người coi nhà ngủ quá say, kẻ trộm lẻn vào lấy hết sạch sẽ mọi đồ vật. Không còn gì để sống, người coi nhà chỉ đành buồn bã luẩn quẩn trong thôn.

Trong thôn có một gã lưu manh tên gọi Giả Nhân. Mọi người đều gọi gã là Cùng Giả Nhi. Hôm đó, Cùng Giả Nhi không có việc gì làm, đi loanh quanh trong thôn. Người coi nhà cho Chu Tú Tài thấy hắn bỗng nảy ý khôn ngoan, nghĩ bụng nhà này bị lấy trộm hết chẳng còn thứ gì có thể bán được nữa, chỉ có bức tường ở vườn sau ta bán lấy tiền tiêu qua ngày. Thế là anh ta gọi Cùng Giả Nhi đến nói chuyện bán bức tường. Cùng Giả Nhi thấy cũng có thể kiếm chút ít nên bằng lòng mua. Mấy hôm sau, Giả Nhân mang búa đến để phá bức tường. Vừa đập được một góc thì thấy lộ ra một tảng đá, dưới tảng đá có một cái vò đựng đầy vàng và bạc, cục lớn cục nhỏ, lấp la lấp lánh trong hố tối. Giả Nhân mừng hú, nghẹn cả thở, vội vàng bỏ hết vàng bạc vào cái sọt xúc đất, trên phủ kín đất cát rồi gánh từng gánh về căn nhà nát của mình đem chôn kỹ.

Thần không biết, quỷ chẳng hay, chỉ trong một đêm mà Cùng Giả Nhi trở thành cự phú. Sợ mọi người sinh nghi, hắn bắt đầu làm việc buôn bán lặt vặt, sau đó mua một căn nhà, chuyển số vàng bạc trong căn nhà nát về đó, rồi lấy vợ, mở cửa hàng đàng hoàng, mở tiệm bán tương, tiệm bán dầu, tiệm bán rượu, rồi trở thành nhà buôn lớn trong vùng. Mọi người đều cho là hắn biết cách kinh doanh, đổi cách nhìn với hắn, không gọi hắn là Cùng Giả Nhi nữa mà gọi là Giả Viên ngoại.

Giả Viên ngoại tuy càng ngày càng buôn bán lớn, song không có được mụn con nào, gia tài như vậy mà không có người thừa kế, vì vậy mà buồn bã chán nản. Sau mới bàn với vợ rằng nếu có đứa con trai nhà nào tốt lành thì mua lấy một đứa cũng được. Được vợ đồng ý, Giả Viên ngoại bèn nhờ người quản gia là Trần Đức Phủ đi lo chuyện đó. Trần Đức Phủ lại đi nhờ những người làm công ở các cửa hàng khác.

Lại nói Chu Tú Tài đem vợ con lên kinh ứng thí, do vận khí không may nên thi trượt, khi trở về nhà, nhìn thấy gia tài sạch không, buồn bực quá bèn bán luôn cái nhà, đưa nhau đến nhà bà con ở Lạc Dương. Thế nhưng lại không may nữa, nhà bà con ở Lạc Dương đã dọn đi nơi khác từ lâu. Không làm sao được, chàng ta lại phải mang vợ con quay về Tào Nam.

Lúc này đang lúc mùa đông giá rét, cả nhà không có lấy một đồng xu, chẳng nơi sinh sống, chỉ đành đi lang thang nơi đường phố ngõ xóm. Một hôm, tuyết rơi rất nhiều, ba vợ chồng con cái thật sự không chịu nổi, bèn vào một quán rượu để tránh tuyết. Quán rượu này là của Giả nhân. Tiểu nhị trong quán này thấy khách vào bèn bưng rượu tới. Chu Tú Tài lắc đầu thở dài nói: “Tôi làm gì có tiền mà uống rượu!”. Rồi kể cho tiểu nhị nghe thân thế cảnh ngộ của mình. Tiểu nhị nhìn thấy con trai của chàng ta chừng năm, sáu tuổi, trông trắng trẻo ngoan ngoãn, liền nhớ đến lời dặn của Trần Đức Phủ, mới dạm hỏi rằng: “Các người có chịu bán đứa trẻ này không?”. Làm cha làm mẹ ai lại nỡ đem ruột thịt của mình mà cho người khác, nhưng Chu Tú Tài nghĩ đi rồi nghĩ lại, nếu như thằng bé gặp được một nhà tốt lành thì chẳng hơn là sống đói rét với mình ư?

Tiểu nhị mới nói chuyện ông Viên Ngoại giàu có nhất vùng này muốn có một đứa con, nếu đem Trường Thọ cho ông ta thì đảm bảo sẽ không bị khổ. Nghe nói thế, Chu Tú Tài bèn chấp nhận.

Tiểu nhị nói cho Trần Đức Phủ biết, Trần Đức Phủ lập tức đem ba người tới gặp Giả Viên ngoại.

Nhìn thấy Trường Thọ, Giả Viên ngoại rất vừa lòng, bèn bảo vợ ôm thằng bé đưa vào nhà trong, rồi bảo Trần Đức Phủ làm giấy chứng nhận, lập một tờ giao kèo. Trong giao kèo qui định: Hai bên đã ký vào hợp đồng rồi thì không được thay đổi, nếu một bên làm trái sẽ phải chịu phạt một ngàn quan tiền. Trần Đức Phủ hỏi: “Thế thằng bé đáng bao nhiêu?” Giả Viên ngoại nói sẽ đưa tiền nhưng không nói con số chính xác. Chu Tú Tài là người có học, không mặt nào mà đòi cụ thể là bao nhiêu, bèn ký luôn vào giao kèo. Trường Thọ mới năm, sáu tuổi, song hình như nó đã hiểu chuyện mua bán này, cứ ở trong nhà khóc toáng lên. Giả Viên ngoại nói mình phải vào dỗ thằng bé rồi bỏ mặc vợ chồng Chu Tú Tài ở ngoài. Trương Thị cứ gạt nước mắt suốt, còn Chu Tú Tài thì giục Trần Đức Phủ đi đòi lấy tiền.

Trần Đức Phủ vào trong nhà, không ngờ Giả Viên ngoại nói: “Tôi để thằng con ông ta ở lại nhà tôi ăn cơm, lẽ ra là ông ta phải đưa tiền cho tôi mới phải. Nhưng hiện nay họ cùng khốn lao đao như vậy, chắc cũng chẳng đào đâu ra tiền. Thôi đuổi họ đi đi cho xong. Nếu muốn làm ngược lại thì cứ theo bản giao kèo đã ký, phải phạt một ngàn quan”.

Trần Đức Phủ không ngờ Giả Viên ngoại lại lưu manh như vậy, chỉ đành lấy ra hai quan tiền của mình đưa cho Chu Tú Tài. Biết mình đã bị lừa, Chu Tú Tài căm tức nghiến răng nghiến lợi song cũng không làm sao được, chỉ đành cùng vợ ôm mặt khóc mà đi.

Thấm thoát đã qua hơn mười năm, Trường Thọ đã thành chàng trai mười bảy tuổi. Chuyện lúc bé, cậu ta dần dần quên đi, chỉ biết Giả Viên ngoại là cha của mình. Vì nhà có tiền, lại được Giả Viên ngoại chiều chuộng, từ nhỏ đã tiêu pha hoang phí, mọi người đều gọi là “Thằng xả tiền”. Mấy hôm đó, Giả Viên ngoại bệnh nặng, nhân ngày lễ Đông nhạc Thánh Đế, Trường Thọ tới đền Đông nhạc thắp hương và cầu xin cho cha chóng khỏi bệnh. Trước đền Đông nhạc, người tới thắp hương nườm nượp, vô cùng náo nhiệt. Trường Thọ thấy mệt, định ngồi xuống chỗ hành lang sạch sẽ để nghỉ, nhưng có hai vợ chồng ông già tóc bạc lam lũ đã ngồi ở đấy rồi.

Hai người đó không ai khác mà chính là cha mẹ của Trường Thọ. Họ bán con xong, đi lang thang khắp chốn, xin ăn để sống. Hôm nay nhân ngày lễ Thánh Đế, đến đây viết chữ thuê cho người ta để kiếm mấy xu.

Trường Thọ thấy họ nghèo khổ như vậy bèn lên giọng sang trọng quát: “Tránh ra! Tránh ra!” Chu Tú Tài phải khó khăn lắm mới kiếm được chỗ này, đời nào chịu nhường cho người khác. Trường Thọ bèn sai gia nhân đuổi họ đi. Hai vợ chồng già làm sao chịu nổi đấm đá, chỉ đành ấm ức mà tránh đi.

Khi Trường Thọ trở về nhà thì Giả Viên ngoại đã chết. Một gia tài lớn được kế thừa, Trường Thọ trở thành tiểu viên ngoại.

Lại nói vợ chồng Chu Tú Tài căm tức đầy ruột nhưng chỉ đành đỡ nhau lảo đảo bước đi. Vào một hẻm nhỏ, họ nhìn thấy một cái sạp “Bố thí thuốc”, nghĩ bụng thời buổi này mà lại có người cho không thuốc, bèn bước vào xin thuốc rồi cảm tạ. Ông già chủ sạp nói: “Chẳng phải cảm tạ gì cả, cứ làm cho mọi người biết tên tôi là được rồi. Tên tôi là Trần Đức Phủ”.

Nghe cái tên này quen quá, Chu Tú Tài nhớ lại lúc bán con, chính Trần Đức Phủ là người làm chứng, bèn lập tức hỏi về tình hình Trường Thọ thế nào. Trần Đức Phủ nói: “Chúc mừng, chúc mừng, Trường Thọ vừa được thừa kế tất cả tài sản của Giả Viên ngoại, đã trở thành một tiểu tài chủ nổi tiếng rồi”.

Ông ta lập tức đến nhà họ Giả, đem chuyện mười mấy năm về trước, cha mẹ Trường Thọ bị cùng đường phải bán cậu ta cho Giả Viên ngoại thế nào, đầu đuôi nói hết. Nghe kể, Trường Thọ cũng lờ mờ nhớ lại chuyện xưa, vội đến ngay chỗ sạp thuốc nhận cha mẹ. Ba người nhìn nhau, kinh ngạc đến ngớ người, nhưng cha mẹ thấy con trai trở thành đứa độc ác bắt nạt họ chỗ trước miếu thì giận quá không nói nên lời. Trường Thọ thấy người bị đuổi trước miếu là cha mẹ ruột của mình thì xấu hổ quá không nơi độn thổ. Cậu ta quỳ xuống xin cha mẹ tha thứ, rồi gọi gia nhân bưng lên một tráp vàng thoi. Chu Tú Tài lòng nào mà nhận tiền của con được. Trường Thọ nói, nếu cha mẹ không nhận cậu ta sẽ quỳ mãi không đứng dậy. Cuối cùng, Chu Tú Tài phải nhận, mở cái tráp ra bỗng thất kinh, thì ra trong tráp có thỏi vàng như viên gạch trên khắc rõ 3 chữ “Chu Phụng Ký”. Chu Phụng Ký là tên ông nội của Chu Tú Tài. Lúc này Chu Tú Tài mới rõ là hơn mười năm trước số vàng bạc mà chính tay mình chôn ở vườn sau đã bị ai đào hết.

Chu Tú Tài đã từ phú gia biến thành nghèo khó, chịu biết bao khổ sở. Giả Nhân đã từ tên kiết xác bỗng giàu có hẳn lên, đến lúc chết lại hai bàn tay trắng. Bây giờ tất cả gia tài quy về chỗ cũ. Ông già họ Trần bất giác cảm khái nói: “Cái gì là của mình thì có đẩy cũng không đi. Cái gì không phải là của mình thì dù có phí bao tâm cơ cũng chẳng thuộc về mình!”

Trường Thọ biết cha mẹ đã chịu gian lao mười mấy năm trời nên từ đó ăn ở với cha mẹ vô cùng hiếu thuận.

Chu Tú Tài bảo con đem số vàng bạc trong nhà cho hết những người cùng khổ không nơi nương tựa. Còn họ thì sống rất tiết kiệm để không quên cuộc sống mười mấy năm gian khổ khốn cùng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx