sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Đời nhẹ khôn kham - Phần II - Chương 1

PHẦN HAI

Tâm hồn và thể xác

1

Thật vô lí nếu người viết cố gắng thuyết phục người đọc những nhân vật trong tiểu thuyết mình có thật ngoài đời. Họ không từ bụng mẹ chui ra. Họ nảy sinh từ đôi ba nhóm chữ có vẻ gây kích động hay từ cảnh huống cơ bản nào đó. Tomas được đẻ ra từ câu nói “Einmal ist keinmal”, và Tereza từ tiếng sôi bụng cồn cào vì cơn đói.

Hôm đến nhà Tomas lần đầu, bụng cô bỗng dưng sôi lên đùng đùng. Buổi sáng, lúc đứng chờ trên sân ga, cô chỉ ăn lót dạ qua loa một mẩu bánh mì thịt. Cô để hết tâm trí vào chuyến hành trình liều lĩnh trước mắt mà quên khuấy chuyện ăn uống. Nhưng ta rất dễ biến thành nạn nhân của chính thân thể ta nếu ta lãng quên nó. Cô ngượng chín người lúc đứng trước mặt Tomas, bụng sôi réo sùng sục. Cô muốn khóc lên được. Nhưng may quá, chỉ mười giây đồng hồ sau Tomas đã quàng tay lên người cô và cô quên hẳn tiếng sôi bụng của mình.

2

Tereza nảy sinh từ cảnh huống trong đó luật đối tính bất khả hòa giải giữa tâm hồn và thể xác, cuộc nghiệm sinh cơ bản của kiếp người, tàn nhẫn phơi bày.

Thuở xưa, con người lạ lẫm lắng nghe tiếng đập đều đặn phát ra từ lồng ngực, thắc mắc không hiểu đó là tiếng gì. Hắn không có khả năng nhận ra chính bản thân mình với thể xác quá lạ lùng, xa lạ. Thể xác là cái cũi, và trong cái cũi đó là vật gì biết ngắm nhìn, lắng nghe, sợ hãi, nghĩ suy, kinh ngạc; cái gì đó, phần còn lại ngoài thể xác, chính là tâm hồn.

Ngày nay, dĩ nhiên, thể xác không còn xa lạ nữa: chúng ta thừa biết tiếng đập phát ra từ lồng ngực là do quả tim và mũi chúng ta chẳng qua chỉ là cái ống hút thò ra từ thể xác có nhiệm vụ hút khí ốc-xy vào hai lá phổi. Bộ mặt chúng ta chỉ là nơi ghi tiếp mọi năng động của thể xác: tiêu hóa, hô hấp, nghe nhìn, suy nghĩ.

Kể từ khi con người tìm tòi, khám phá và đặt tên cho các bộ phận trên thân thể mình, thân thể bớt phiền nhiễu con người nhiều lắm. Con người biết tâm hồn chẳng qua chỉ là chất xám trong não bộ. Sự đối chọi giữa tâm hồn và thể xác bị che phủ bởi hàng trăm danh từ khoa học và chúng ta cả cười, cho đó là thành kiến đã phai nhạt rất nhiều.

Nhưng thử bắt người mới yêu lắng nghe tiếng bụng mình sôi sùng sục, nghe tiếng hòa hợp giữa tâm hồn và thể xác mình. Lập tức cái ảo ảnh trữ tình của kỉ nguyên khoa học tan biến ngay vào hư không.

3

Qua thể xác, Tereza cố nhìn vào nội tâm mình. Đó là lí do tại sao, ngay từ khi còn bé thơ, cô đã có thói quen đứng trước gương. Và vì sợ bị mẹ bắt gặp nên mỗi lần liếc mắt nhìn vào gương soi cô có mặc cảm mình đang phạm phải tật xấu bí mật nào đó.

Cô hay soi gương không phải vì thích chưng diện. Cô bị mê hoặc bởi “cái tôi” của cô. Nhìn vào gương, cô không nghĩ cô đang nhìn vào cái bề mặt phần thân xác, đây chính là tâm hồn cô đang hiện ra trên khuôn mặt. Cô quên mũi cô chỉ là cái ống có nhiệm vụ hít khí ốc-xy vào hai lá phổi. Cô thật sự tin tưởng cô trông thấy bản chất mình hiện ra trên mặt gương.

Soi gương mãi, đôi lúc cô bực dọc về những nét của mẹ cô trên khuôn mặt mình. Càng nhìn vào tấm gương cô càng ước ao phải chi những gì thuộc về mẹ cô có ngày biến đi để nhường chỗ cho những gì thuộc về cô mà thôi. Mỗi lần thấy lời ước nguyện thành tựu cô say đắm trong ý tưởng: tâm hồn cô ngoi lên, tràn ra ngoài thân thể như đoàn tàu thủy túa lên boong tàu, đưa tay lên trời vẫy vẫy, vui sướng cùng cất tiếng hát vang.

4

Cô giống mẹ cô cả tính nết. Đôi lúc tôi có cảm tưởng cuộc đời cô chỉ là đoạn nối dài phần đời mẹ cô, giống như đường banh trái bi-da chỉ là cánh tay người chơi banh vươn dài.

Cuộc đời Tereza bắt đầu từ đâu và từ lúc nào?

Có lẽ nó bắt đầu từ khi ông ngoại cô, một thương gia sinh sống ở Praha, tán dương quá đáng về sắc đẹp cô con gái yêu quý của ông, tức là mẹ Tereza. Năm mẹ cô lên ba lên bốn gì đó, ông bảo mọi người rằng con gái ông đẹp như Thánh Mẫu trong tranh của Raphael. Cô gái bốn tuổi không bao giờ quên điều đó. Khi lớn lên đi học, cô không chịu lắng nghe lời giảng dạy của thầy cô trong lớp học mà cứ ngồi mơ mộng miên man về bức tranh nào của Raphael có hình Thánh Mẫu giống mình.

Rồi đến tuổi cập kê, tính chuyện dựng vợ gả chồng, bà mẹ Tereza có cả thảy chín người đàn ông theo đuổi. Họ quỳ dưới chân bà thành vòng tròn. Đứng giữa chín người đàn ông như nàng công chúa kiêu sa, bà không biết chọn lựa ai bây giờ: người thứ nhất điển trai nhất, người thứ hai khôn ngoan lanh lợi nhất, người thứ ba giàu có nhất, người thứ tư thể thao nhất, người thứ năm có gia đình sang cả đàng hoàng, người thứ sáu biết làm thơ, người thứ bảy đi đâu đi đó rất nhiều, người thứ tám biết chơi vĩ cầm, người thứ chín tráng kiện nhất. Nhưng cả chín người quỳ mọp dưới chân bà như nhau, da đầu gối họ chai lì, dày cộm như nhau.

Lí do cuối cùng bà chọn người thứ chín chẳng phải vì gã là người tráng kiện nhất trong bọn mà chỉ vì gã cố tình tặng cho bà cái bào thai. Bà kêu khẽ vào tai gã “Hãy cẩn thận” trong lúc hai người ân ái, thế mà gã không chịu nghe lời bà. Bà mang thai và không tìm ra thầy thuốc nào chịu phá thai. Thế là Tereza ra đời. Bà con trong họ khắp nơi đổ về đứng bên nôi đứa bé sơ sinh nói chuyện con cái. Bà mẹ Tereza chán chường chẳng thèm nói câu nào. Bà đang nghĩ đến tám gã đàn ông kia, dường như cả tám người đều tốt lành, cao đẹp hơn gã đàn ông thứ chín này.

Giống như Tereza, bà mẹ cô cũng có thói quen hay nhìn mình trong gương. Một hôm bà khám phá ra những đường nhăn dưới đuôi mắt và bà quyết định cuộc hôn nhân này không đi đến đâu. Cùng lúc bà gặp gã đàn ông khác, một người không đàn ông chút nào, có tiền án, dính líu đến vài vụ lường gạt, chưa kể gã đã có hai đời vợ trước. Bà ghét thậm tệ những kẻ đầu gối chai lì quỳ mọp trước mặt bà khi xưa. Bây giờ bà muốn chính bà là người quỳ xuống trước mặt người đàn ông nào đó. Bà quỳ xuống trước mặt gã đàn ông gian xảo mới gặp này và bỏ mặc cha con Tereza tự xoay xở trong cuộc sống.

Người đàn ông tráng kiện nhất bỗng chốc biến thành người cùng quẫn nhất. Ông cùng quẫn đến nỗi không gì trên cõi đời này còn ý nghĩa nữa. Ông nói toạc ra những điều ông nghĩ trong đầu và bọn công an không để ông yên. Ông bị bắt ra tòa và lãnh án nhiều năm tù. Nhà cửa bị tịch thu và Tereza lại quay về sinh sống với bà mẹ.

Người đàn ông cùng quẫn chết trong tù sau thời gian ngắn. Tereza theo mẹ cùng người cha ghẻ về sống tại thị trấn nhỏ gần cao nguyên. Người cha ghẻ làm thư kí dưới phố, bà mẹ làm công trong một tiệm tạp hóa. Bà còn đẻ thêm ba người con nữa. Bà nhìn vào gương và thấy giờ đây bà là một bà già xấu xí.

5

Khi biết đã mất hết mọi thứ trên đời, bà bắt đầu truy tìm xem ai là thủ phạm làm cuộc đời bà khốn khổ như vầy. Dưới mắt bà, ai cũng có thể là thủ phạm: người chồng thứ nhất, tráng kiện, đàn ông, nhưng không có tình yêu, không chịu nghe lời bà cảnh giác khiến bà mang thai; người chồng thứ hai, có tình yêu nhưng không đàn ông chút nào, người lôi kéo bà về cái xó xỉnh này và bắt bà sống trong cảnh ghen tuông thường trực vì ông ta lén lút đi lại với hết người đàn bà này sang người đàn bà nọ. Nhưng bà bất lực trước cả hai người đàn ông. Người duy nhất nằm dưới quyền sinh sát của bà, người không có lối thoát, người làm con tin cho bà giải tỏa tất cả những nguyên cớ làm đời bà khốn khổ, chính là Tereza.

Phải chăng Tereza đã là nguyên nhân định đoạt cả cuộc đời bà mẹ cô? Chính cô? Sự gặp gỡ phi lí giữa con tinh trùng người đàn ông tráng kiện nhất và noãn châu người đàn bà xinh đẹp nhất? Vâng, trong phút giây định mệnh đó, giây phút có tên là Tereza, cuộc chạy đua đường trường đầy lầm lỗi, cuộc đời bà mẹ cô khởi đầu.

Bà không ngừng nhắc nhở cô, làm mẹ tức là hi sinh mọi thứ. Lời nói bà chứng thực bởi kinh nghiệm của người đàn bà đánh mất mọi thứ trên đời chỉ vì một đứa trẻ. Tereza lắng nghe và cô tin tưởng giá trị cao cả nhất trong đời sống là bổn phận làm mẹ, làm mẹ tức là hi sinh. Nếu người mẹ là Hi sinh được nhân cách hóa thì đứa con là Tội lỗi không có cơ may dung thứ.

6

Dĩ nhiên, Tereza đâu biết câu chuyện xảy ra trong đêm tối khi mẹ cô kêu khẽ vào tai cha cô, “Hãy cẩn thận.” Lương tâm cô cắn rứt nhưng có mơ hồ, lãng đãng như nguyên tội của thủy tổ loài người. Cô tìm mọi cách gột rửa nó ra khỏi tâm hồn mình. Cô thôi học từ năm mười lăm tuổi và đi kiếm tiền giúp mẹ. Cô làm nghề hầu bàn. Tiền kiếm được cô đem về đưa hết cho bà. Cô sẵn sàng làm bất cứ việc gì để có tình thương của bà. Cô làm việc nhà, săn sóc lũ em ghẻ, dùng trọn ngày Chủ nhật lau chùi nhà cửa và giặt giũ quần áo cho cả gia đình. Thật đáng tiếc vì cô là người thông minh. Cô khao khát muốn vươn lên cao, nhưng ở cái xó xỉnh nơi cô sinh sống làm gì có cơ hội cho cô với lên? Ngồi giặt quần áo cô luôn đặt một quyển sách bên cạnh. Lúc giở trang sách, cô vô ý làm nước bắn tung tóe ướt cả quyển sách.

Trong nhà không ai biết xấu hổ là gì. Mẹ cô mặc quần áo lót thản nhiên đi lại trong nhà, có khi bà còn không thèm che đậy bộ ngực. Mùa hè nóng bức bà cởi hết quần áo, trần truồng như nhộng là chuyện thường. Người cha ghẻ không đến nỗi vậy, nhưng ông ta hay xông vào phòng tắm mỗi khi Tereza tắm rửa bên trong. Có lần cô khóa cửa phòng tắm, bà mẹ cô thấy vậy giận dữ la lối: “Mày làm cái giống gì vậy Tereza? Bộ mày nghĩ sắc đẹp mày sẽ bị ông ấy cắn nát ra đấy à?”

(Sự va chạm này cho thấy lòng ghét bỏ con gái còn nặng hơn lòng nghi kị người chồng. Tội lỗi con gái bà to tày đình, nó che lấp cả ý tưởng bậy bạ đen tối của người chồng. Những quyền hạn tối thiểu của Tereza – như có quyền khóa cửa phòng tắm – với bà, còn đáng bị xét hơn cả ý tưởng dâm ô của người chồng muốn giở trò bậy bạ với người con gái riêng.)

Có lần vào một buổi tối mùa đông, đèn trong nhà cháy sáng và bà không buồn khoác lên người mảnh vải che thân nào. Tereza thấy vậy, vội vã chạy ra kéo bức màn cửa để hàng xóm trước nhà không nhìn thấy thân thể trần truồng của bà. Cô nghe tiếng bà cười lớn phía sau lưng. Ngày hôm sau, vài người bạn quen đến nhà chơi: bà hàng xóm, bà làm việc cùng chỗ, nữ giáo viên, và cả ba mụ khác vẫn thường đến nhà lê la tụ họp. Có cả cậu trai chừng mười lăm mười sáu tuổi, con một người đàn bà theo mẹ đến chơi. Cô vừa cất tiếng chào hỏi cậu trai, bà mẹ cô lập tức kể mọi người nghe về chuyển xảy ra hồi tối. Bà phá lên cười, đám đàn bà cũng cất tiếng cười theo. “Buồn cười chết thôi các bà ạ. Cái con bé Tereza nhà tôi, nó không chịu nghĩ cơ thể con người ta tiểu tiện và đánh rắm tùm lum.” Bà nói trong lúc cười. Tereza đỏ chín cả mặt, nhưng mẹ cô vẫn tiếp tục, “Có gì ghê gớm đâu nào?” Bà tự trả lời rồi tiếp tục cười. Những người đàn bà khác cũng ré lên cười theo.

7

Bà mẹ Tereza có tật hỉ mũi rất to, bà nói bô bô về đời sống riêng tư trong phòng the, bà còn thú vị biểu diễn cho mọi người xem hàm răng giả của bà. Bà rất khéo léo dùng lưỡi điều khiển hàm răng giả. Miệng bà chành ra, bà dùng lưỡi đẩy hàm trên xuống hàm dưới, khiến khuôn mặt bà trở nên rúm ró trông gớm ghiếc, ghê sợ.

Hành động này của bà chẳng qua là cố gắng muốn gạt đi tất cả những gì dính líu đến tuổi trẻ và sắc đẹp. Khi bà còn son trẻ, khi bà có chín gã đàn ông say mê theo đuổi, quỳ xuống chung quanh bà, bà rất lo ngại trong việc bảo vệ tiết hạnh, như thể giá trị người con gái ở tính nết đằm thắm đoan trang chứ không phải sắc đẹp bên ngoài. Giờ đây bà không những mất hết vẻ nết na đằm thắm, bà còn thẳng tay đập phá tan tành. Bà dùng sự luông tuồng, thô bỉ vạch ra lằn ranh ngăn cách đời bà, với bà sự trẻ đẹp chỉ có ở đầu môi chót lưỡi người đời, tuyệt đối không có giá trị gì.

Tôi thấy cuộc đời Tereza là hậu quả hành vi bà mẹ cô, hành vi cố ý gạt bỏ hình ảnh người con gái đẹp ra khỏi đời sống cô, bà ném bỏ nó tuốt phía sau lưng cô.

(Và nếu Tereza có dáng đi rụt rè, nếu cử chỉ cô thiếu dịu dàng, duyên dáng thì chúng ta cũng đừng nên ngạc nhiên: hành vi, ngôn ngữ hung tợn, thô bạo, đầy chất tự hủy của mẹ cô để lại dấu hằn không sao xóa nhòa được trong tâm khảm cô.)

8

Bà mẹ Tereza đòi hỏi phải có công lí. Bà muốn thủ phạm làm đời bà khốn khổ phải đền tội. Đó là lí do tại sao bà trì kéo Tereza vào cái thế giới luông tuồng, thô bỉ của bà, thế giới không có chỗ đứng cho tuổi trẻ và sắc đẹp, thế giới trống rỗng ngoại trừ những trại tập trung khổng lồ lúc nhúc xác người nằm xếp lớp bên nhau, thế giới không có tâm hồn.

Giờ đây chúng ta có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa tật xấu bí mật của Tereza, tật hay nhìn khuôn mặt mình trong gương. Nó là trận chiến không ngừng giữa cô và bà mẹ. Nó là ý muốn khát khao thân xác mình không giống những thân xác khác, để thấy nét mặt bên ngoài là đoàn thủy thủ từ dưới hầm tàu chạy túa lên boong vui sướng hát ca. Cô thấy khó khăn lắm: tâm hồn cô – một tâm hồn sâu thẳm, nhát nhúa, chìm đắm – nằm yên nấp tận dưới đáy lòng cô. Cô thấy xấu hổ khi phải trưng bày nó ra cho mọi người xem xét. Thế rồi cái hôm đầu tiên cô gặp Tomas. Lách người qua bọn đàn ông ồn ào, nồng nặc hơi rượu bia trong tiệm ăn, thân xác cô lún xuống dưới sức nặng khay bia cô bưng trên tay, và tâm hồn cô thì lưng chừng đâu đó, khoảng ngang bụng hay cạnh sườn. Tomas cất tiếng gọi cô. Tiếng gọi có ý nghĩa rất lớn, bởi nó xuất phát từ người không biết chút gì về bà mẹ cô và lũ đàn ông say khướt miệng không ngớt buông lời chọc ghẹo chớt nhả này. Vai trò một người ngoài cuộc đưa Tomas lên cao, vượt hẳn những gã tầm thường khác.

Điều nữa khiến anh được cô đặc biệt chú ý: trước mặt anh là quyển sách đang xem dở. Xưa nay có ai bước vào tiệm ăn này đem theo sách ngồi đọc bao giờ đâu. Dưới mắt Tereza, sách vở là biểu tượng cho hội tình thương bí mật. Bởi khí giới duy nhất cô có trong tay để chống chọi với cái thế giới thôi bỉ, nhơ nhớp chung quanh cô là những quyển sách cô mượn từ thư viện thành phố. Nhất là tiểu thuyết. Cô đọc bất cứ quyển gì cô vớ được trong tay, từ Fielding cho đến Tomas Mann. Sách vở không những giúp cô tạm thời thoát khỏi đời sống buồn nản, chán ngắt cô đang vương mắc, nó còn mang ý nghĩa khác: cô rất thích đi bộ xuống phố, trên tay ôm một quyển sách. Với cô quyển sách có ý nghĩa giống như cách đây gần thế kỉ người đàn ông lịch sự, bảnh bao cầm trên tay cây can khi bước ra đường phố. Nhờ quyển sách cô thấy mình khác những người chung quanh.

(So sánh quyển sách với cây can không chính xác tuyệt đối lắm. Cây can khiến người đàn ông lịch sự, bảnh bao kia không những khác người, nó còn giúp ông ta hợp thời trang, mới mẻ. Quyển sách làm Tereza khác người, nhưng trông cô cũ kĩ, quê mùa đến tội nghiệp. Cô thấy đám trai trẻ qua lại trên đường phố với chiếc máy thu thanh áp sát tai trông thật ngớ ngẩn, dị hợm. Dưới mắt cô, bọn con trai đó chẳng có gì tân tiến, mới mẻ.)

Vì thế người đàn ông cất tiếng gọi cô trong tiệm ăn khách sạn là người lạ mặt và cũng là hội viên hội tình thương bí mật. Anh gọi cô bằng giọng từ tốn, nhã nhặn, và Tereza cảm thấy tâm hồn cô đột nhiên như muốn vùng lên chạy xuyên qua trăm ngàn mạch máu nhỏ li ti, tràn trên mặt và nôn nóng hiện ra cho anh trông thấy.

9

Từ hôm ở Zurich về, Tomas cảm thấy bất ổn với ý tưởng cuộc gặp gỡ giữa anh và Tereza chỉ là kết quả của sáu chuyện ngẫu nhiên.

Nhưng có phải càng nhiều ngẫu nhiên bao nhiêu biến cố càng trọng đại, càng đáng nói bấy nhiêu?

Sự tình cờ và chỉ có sự tình cờ mới ưu ái gửi đến chúng ta những thông điệp. Việc xảy ra do nhu cầu, được tiên liệu trước tái diễn ngày này qua ngày nọ, có khác chi món vật ù lì, câm nín. Chỉ có sự tình cờ mới có khả năng kể lể, chuyên chở thông điệp đến chúng ta.

Tomas xuất hiện trước mặt Tereza trong tiệm ăn khách sạn là một nguyên nhân tuyệt đối. Anh ngồi đó, mải miết đọc quyển sách, bất chợt ngẩng đầu lên và thấy cô đang bước đến, anh khẽ mỉm cười nói: “Cô làm ơn cho li cô-nhắc.”

Ngay sau đó, ngẫu nhiên máy hát trong tiệm ăn đang phát ra âm nhạc. Lúc bước vào sau quầy rượu rót li cô-nhắc, Tereza vặn nút cho tiếng nhạc lớn hơn một chút. Cô nhận ra đó là khúc nhạc của Beethoven. Cô bắt đầu biết nghe và thưởng thức nhạc Beethoven từ hôm thị xã nơi cô ở đón tiếp ban nhạc bốn đàn dây từ Praha xuống trình diễn. Tereza (như chúng ta biết, luôn luôn khao khát muốn vươn tới “cái gì cao hơn”) bỏ thì giờ đến nghe buổi trình tấu. Thính đường trống trơn, không ma nào thèm đến nghe ngoại trừ cặp vợ chồng người dược sĩ có tiệm bán thuốc dưới phố. Mặc dù khán giả chỉ vỏn vẹn có ba người nhưng ban nhạc rất tử tế, họ đã không hủy buổi trình diễn. Họ tấu cho ba người nghe trọn vẹn ba tứ cầm khúc cuối của Beethoven.

Sau đó, vợ chồng người dược sĩ có nhã ý mời bốn người trong ban nhạc đi dùng cơm tối và họ mời luôn cô gái khán giả. Từ bữa đó trở đi, Beethoven trở thành hình tượng cái thế giới khác thường kia, thế giới cô luôn vọng tưởng tới. Đi vòng qua quầy rượu với li cô-nhắc của Tomas trên tay, cô cố tìm hiểu thông điệp của sự tình cờ: Làm cách nào có chuyện tiếng nhạc Beethoven trổi lên ngay lúc cô rót rượu cho người lạ mặt mà cô thấy dễ mến?

Nhu cầu thương không cần biết đến công thức ảo diệu nào – nó hoàn toàn dựa trên sự tình cờ. Nếu tình yêu muốn trở nên bất tử thì bao nhiêu tình cờ hãy lập tức bắt đầu phấp phới bay xuống như đàn chim đậu lên bờ vai thánh Francis Assisi.

10

Anh gọi cô đến tính tiền li cô-nhắc. Anh đóng quyển sách lại và cô chợt nảy ra ý nghĩ muốn hỏi anh đang đọc quyển sách gì.

“Cô tính tiền li rượu vào tiền phòng được chứ?” Anh hỏi cô.

“Dạ được. Ông ở phòng số mấy?”

Anh đưa chìa khóa phòng khách sạn cho cô xem. Chiếc chìa khóa đeo lủng lẳng vào miếng gỗ nhỏ có con số sáu màu đỏ sẫm.

“Lạ nhỉ? Con số sáu.” Cô buột miệng.

“Cái gì lạ?” Anh hỏi cô.

Cô chợt nhớ căn nhà cô chung sống với cha mẹ ở Praha trước khi hai người xa nhau. Căn nhà số sáu. Nhưng cô không nói với anh điều này (chúng ta có thể cho đó là mánh khóe của cô): “Ông ở phòng số sáu còn tôi tan việc lúc sáu giờ.”

“Chuyến xe lửa tôi khởi hành lúc bảy giờ”. Người lạ mặt nói.

Cô không biết nói gì thêm đành đưa tờ biên nhận cho anh kí rồi mang ra quầy tính tiền. Lúc cô làm xong việc người lạ mặt không còn ngồi chỗ cũ nữa. Ông ta có hiểu ra câu nói kín đáo của cô không nhỉ? Cô rời khách sạn lòng rộn ràng niềm vui khó tả.

Đối diện khách sạn là một công viên trơ trụi, xác xơ. Ở chốn tỉnh lẻ xấu xí, tồi tàn này chỉ có chừng đó thôi, nhưng với Tereza, cái công viên nhỏ bé, khiêm nhường đó là hòn đảo xinh đẹp: Nó có vườn cỏ, bốn cây bạch dương, ghế ngồi, một cây liễu, và vài bụi cây con.

Người khách lạ ngồi trên chiếc ghế dài màu vàng mắt nhìn lơ đãng vào cửa ra vào khách sạn. Cũng chiếc ghế đó mới ngày hôm qua cô ngồi với quyển sách trên đùi! Tới đó cô biết (đàn chim của sự tình cờ đã bắt đầu đáp xuống vai cô) người khách lạ này là định mệnh đời cô. Ông ta gọi cô lại, mời cô ngồi xuống bên cạnh (đoàn thủy thủ tâm hồn cô đang túa chạy lên boong tàu thân thể.) Sau đó cô đưa ông ta ra trạm ga, và trước khi từ giã ông ta trao cô tấm thẻ. “Khi nào cô có dịp ghé thăm Praha...”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx