sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Đời nhẹ khôn kham - Phần III - Chương 4

7

Quyển từ điển ngắn những từ ngữ bị hiểu sai (phần kết).

NGÔI NHÀ THỜ CỔ Ở AMSTERDAM

Một bên đường là phố xá, cửa tiệm nối tiếp nhau. Sau cửa kính, mỗi cô gái điếm chiếm một căn phòng nhỏ. Các cô ngồi sát cửa kính, an vị trong chiếc ghế bành bọc nhung, trên người chỉ mặc nịt vú và quần lót. Trông các cô như những chị mèo buồn thỉu buồn thiu.

Phía bên kia đường sừng sững ngôi nhà thờ Gô-tích xây từ thế kỷ mười bốn.

Giữa thế giới các cô gái điếm và thế giới của Thượng đế, con đường như dòng sông chia ngăn hai đế quốc, mùi nước tiểu lưu cữu xông lên nồng nặc.

Bên trong ngôi nhà thờ cổ, tất cả những gì còn sót lại phơi bày di tích tòa thánh đường Gô-tích là bốn bức tường cao vòi vọi màu trắng trần trụi, cộng với cột kèo, nóc trần và cửa sổ chung quanh. Trên tường trống trơn, ngay một pho tượng nhỏ cũng không. Ngôi nhà thờ trống hốc như phòng tập thể dục, ngoại trừ ngay chính giữa lỏng chỏng mấy dãy ghế dựa vây quanh cái bục nhỏ dành cho người đứng giảng kinh. Phía sau dãy ghế là phòng ngăn làm bằng gỗ và mấy hàng ghế dài dành riêng cho hạng người giàu có.

Đồ đạc trong ngôi nhà thờ hình như được xếp đặt không chút quan tâm gì đến hình thể bức tường và cột kèo chung quanh, như thể muốn cho thấy sự cách biệt là lòng khinh miệt kiến trúc Gô-tích. Nhiều thế kỷ trước, người Tân giáo[3] biến tòa thánh đường thành nhà kho. Công dụng duy nhất của nó là che chở những tín đồ ngoan đạo khỏi bị mưa, tuyết.

[3] Chú thích của người dịch: Đạo thuyết của John Calvin (1509-1564), nhấn mạnh sự chí cao của Thượng Đế và tin vào thuyết tiền định.

Ngôi nhà thờ khiến Franz ngây ngất: cuộc Diễn hành Vĩ đại của Lịch sử từng diễn qua chính gian sảnh đường rộng lớn này!

Sabina nhớ sau khi Cộng sản lên nắm chính quyền, người ta biến những tòa lâu đài cổ kính ở Bohemia thành trung tâm huấn luyện, nhà dưỡng lão, và có khi cả chuồng bò. Cô có ghé thăm một trong những chuồng bò đó: móc sắt đóng đầy trên tường dùng để cột bò. Lũ bò đưa mắt lim dim nhìn ra cửa sổ, ngoài sân gà qué chạy tứ tung.

“Chính sự hoang lạnh làm anh mê hoặc. Người ta vào dọn sạch mọi thứ từ bàn ghế cho đến tượng Chúa, tranh vẽ, ghế ngồi, thảm lót sàn, sách vở, và rồi có lúc thấy nhẹ nhõm vui sướng, họ ném tất cả các thứ đó ra ngoài cửa như đổ tống đổ tháo đồ ăn thừa ngày hôm qua. Em hình dung ra cây chổi của Hercules càn quét qua tòa thánh đường này như thế nào không?”

“Người nghèo phải đứng, trong khi người giàu có ghế ngồi,” Sabina nói trong lúc đưa tay chỉ mấy dãy ghế dựa. “Nhưng có điểm chung buộc gã ăn mày vào ông chủ nhà băng: đó là lòng ghét bỏ cái đẹp.”

“Đẹp là gì?” Franz hỏi lại và anh thấy hình ảnh mình bên cạnh vợ, vì lời khẩn khoản của cô, trong một buổi khai mạc phòng tranh mới đây với những bài diễn văn, những từ ngữ hư phù đến vô tận. Văn hóa hư phù, nghệ thuật hư phù.

Khi còn trong Đoàn Thanh niên Sinh viên, tâm hồn Sabina bị ung độc bởi tiếng nhạc diễn hành đinh tai nhức óc liên tục phát ra từ máy khuếch âm. Một hôm này Chủ Nhật cô mượn chiếc xe gắn máy phóng lên đồi. Cô dừng xe tại một xóm làng xa lạ, dựng xe bên cạnh ngôi nhà thờ đoạn bước chân vào. Bên trong nhà thờ, lễ Mi-sa đang cử hành. Chế độ không cho phép tự do tôn giáo nên hầu hết đều lảng nơi thờ tự. Ngồi trên băng ghế chỉ có ngừơi già cả, bởi người già không sợ chế độ. Người già chỉ sợ cái chết.

Vị linh mục nói như hát, và mọi người đồng thanh lặp lại. Đó là bài kinh cầu. Lời kinh lặp đi lặp lại như gã lang thang vô định không thể dời mắt khỏi phong cảnh đồng quê hay như người không làm chủ được đời sống. Cô ngồi xuống hàng ghế cuối, mắt nhắm lại để lắng nghe lời kinh âm vang như tiếng nhạc, rồi lại mở mắt nhìn lên vòm nhà màu xanh có điểm những ngôi sao vàng. Cứ thế cô mê thiếp đi.

Tại ngôi nhà thờ đó, điều cô không chủ ý nhưng bất ngờ hội ngộ là cái đẹp chứ không phải Thượng đế. Cô biết chắc cả ngôi nhà thờ lẫn bài kinh cầu đều không có gì đáng nói, nhưng bên cạnh cái công trường đang xây cất, nơi cô phải chịu đựng hàng ngày những bài hát ồn ào chát chúa, ngôi nhà thờ và khúc kinh cầu trở nên đẹp đẽ vô cùng. Buổi lễ Mi-sa đẹp đẽ bởi thốt nhiên nó kì bí hiện lên cho cô thấy thế giới bội phản.

Từ lúc đó cô nhận thức ra cái đẹp là thế giới bội phản. Chúng ta tìm thấy cái đẹp chỉ khi nào những người cấm đoán sao nhãng, không để ý. Cái đẹp nằm ẩn giấu dưới quanh cảnh ngày diễn hành mùng một tháng năm. Nếu muốn tìm ra nó, chúng ta phải triệt hủy khung cảnh bên ngoài.

“Đây là lần đầu tiên một ngôi nhà thờ làm anh mê hoặc.” Franz bảo cô.

Không phải niềm tin vào tôn giáo hay chủ nghĩa khổ hạnh khiến anh chấn động như vậy; có cái gì khác, cái gì rất riêng tư, riêng tư đến nỗi ngay cả Sabina anh cũng không dám đem ra bàn luận. Hình như anh nghe tiếng nói đâu đây thúc giục anh hãy giật lấy cây chổi của Hercules để quét sạch tất cả những buổi khai mạc tranh của Marie-Claude, tất cả những anh ca sĩ của Marie-Anne, tất cả những buổi họp hành, diễn thuyết, tất cả những bài diễn văn vô bổ, những từ ngữ hão huyền phù phiếm – hãy quét sạch chúng ra khỏi đời anh. Khoảng không gian rộng lớn hoang vắng của ngôi nhà thờ ở Amsterdam thốt nhiên kì bí hiện lên cho anh thấy hình ảnh của chính anh sau khi giải thoát.

SỨC MẠNH

Có lần nằm trên giường khách sạn nơi hai người làm tình với nhau, Sabina bảo Franz trong lúc vuốt ve cánh tay trần của anh. “Bắp thịt anh, chao ơi là rắn chắc!”

Franz khoái chí vì lời khen tặng lắm. Anh nhảy ra khỏi giường, xuống tấn, rồi dùng một tay từ từ nhấc bổng chiếc ghế làm bằng gỗ sến nặng trình trịch. Anh nói, “Em không bao giờ phải e sợ ai. Có anh bảo vệ em trong bất cứ hoàn cảnh nào. Anh từng là vô địch nhu đạo đấy!”

Lúc anh nhấc chiếc ghế nặng nề lên khỏi đầu bằng một cánh tay, cô bảo anh, “Ừ, anh khỏe như vậy tốt lắm.”

Nhưng sâu kín bên trong cô nói với chính mình, Franz có thể khỏe mạnh, nhưng sức mạnh đó của anh chĩa thẳng ra bên ngoài, còn đối với những người anh sống chung, những người anh yêu quý, anh yếu đuối lắm. Sự yếu đuối của Franz có tên gọi khác là lòng lương hảo. Franz không bao giờ mở miệng ra lệnh bắt Sabina phải làm điều này điều nọ. Anh không bao giờ buông mệnh lệnh, như Tomas từng làm, bắt cô đặt tấm gương soi dưới sàn nhà rồi bước qua bước lại trên đó, trần truồng. Không phải anh không có khoái cảm nhục dục; chỉ vì anh không đủ sức mạnh ra lệnh cho ai. Có những sự việc chỉ thức hiện được qua bạo hành. Không có bạo hành quả khó có tình yêu xác thịt.

Sabina nhìn Franz đi qua đi lại trong phòng với chiếc ghế nhấc bổng khỏi đỉnh đầu; cô thấy cảnh tượng kì khôi nhưng nó làm cô vương vấn nỗi buồn lạ lùng khó tả.

Franz đặt ghế đối diện Sabina đoạn ngồi xuống. Anh bảo cô, “Dĩ nhiên anh tự hào về sức mạnh của mình, nhưng ở Geneva anh biết làm gì với những bắp thịt này? Nó như món vật trang trí mà thôi, như chòm lông đuôi của con công. Trong đời anh chưa bao giờ đánh nhau với ai.”

Sabina tiếp tục mơ màng: Nếu cô có người đàn ông đầy uy quyền đời cô sẽ ra sao? Người đàn ông muốn làm chủ đời cô? Cô sẽ chịu cảnh sống đó được bao lâu? Không đầy năm phút! Từ đó cô suy ra sự kiện là không người đàn ông nào trên cõi đời này thích hợp cho cô. Mạnh hay yếu.

“Tại sao anh không bao giờ dùng sức mạnh với em?” Cô hỏi Franz.

“Bởi vì yêu là khước từ sức mạnh.” Franz nói nhẹ.

Sabina nhận thức ra hai điều: thứ nhất, câu nói của Franz thật cao thượng và chính đáng; thứ hai, câu nói loại anh khỏi đời sống tình cảm của cô.

SỐNG TRONG SỰ THẬT

Đâu đó trong nhật kí hay thư từ, Kafka đặt ra công thức đó. Franz không nhớ rõ từ đâu. Tuy thế nó chiếm ngự tâm tưởng anh. Nhưng sống trong sự thật là gì? Giải thích cách tiêu cực thì dễ thôi: sống trong sự thật là không nói dối, không giấu giếm ai điều gì, sống không giả vờ, đóng kịch.

Tuy vậy, từ ngày gặp Sabina, Franz sống trong dối trá. Anh bịa ra những hội nghị ở Amsterdam, những buổi diễn thuyết ở Madrid để lừa dối vợ; anh không đi dạo phố với Sabina ở Geneva. Và anh thấy thú vị với trò dối gạt giấu giếm đó: nó mới mẻ với anh quá. Anh thấy kích động như cậu học trò cưng của thầy giáo một hôm nổi hứng thu hết can đảm trốn học đi chơi.

Với Sabina, sống trong sự thật, dù là thành thật với chính mình hay với người khác, chỉ khả hữu ở ngoài tầm kiểm soát của tập thể: giây phút có ai ghé mắt vào quan sát những việc ta làm, tự động ta mở hết ra cho con mắt đó, và việc làm chẳng còn gì thực tâm nữa. Có một tập thể, lúc nào cũng canh cánh trong đầu cái tập thể, có nghĩa là sống trong trá ngụy. Sabina ghét cay ghét đắng loại văn chương trong đó con người cho đi mọi bí mật thầm kín của riêng mình và của tình bằng hữu. Người mất riêng tư là người mất tất cả, Sabina nghĩ vậy. Và kẻ nào tự ý cho đi những điều riêng tư, kẻ đó là con quái vật. Đó là lí do tại sao Sabina không chút khổ tâm khi phải giữ kín mối tình trong vòng bí mật. Trái lại là đằng khác, chỉ có cách đó cô mới có thể sống trong sự thật.

Franz thì ngược lại, anh chắc mẩm chính sự phân chia đời sống thành hai phần tách bạch, trong nhà và ngoài xã hội, là nguyên do mọi điều giả dối: con người trong nhà khác hẳn con người trước công chúng. Với Franz, sống trong sự thật là phá đổ bức tường ngăn chia hai môi trường sống đó. Anh hay mượn câu nói của André Breton về thuật sống “trong ngôi nhà kính” nơi không có bí mật nào bị che phủ và mọi người đều có thể ngắm nhau trong suốt.

Khi anh nghe vợ mình nói với Sabina, “Đôi bông tai sao xấu thế!” anh biết ngay anh không thể tiếp tục sống trong giả dối thêm phút giây nào và anh phải đứng ra bênh vực Sabina. Anh chưa làm chỉ vì anh sợ mình sẽ trở thành kẻ phản bội mối tình bí mật của hai người.

Hôm sau bữa tiệc rượu, anh có chương trình đi Roma với Sabina hưởng thời gian cuối tuần. Anh không sao gột rửa được câu nói “Đôi bông tai sao xấu thế!” ra khỏi đầu óc anh. Nó khiến anh nhìn Marie-Claude dưới tia sáng hoàn toàn mới lạ. Thái độ khiêu khích của Marie-Claude – vững vàng, miệng nói huyên thuyên, trên người đầy sinh lực – giúp anh trút bỏ cái hệ lụy một tâm hồn lương hảo anh kiên nhẫn gánh vác suốt hai mươi năm trời vợ chồng chung sống. Anh chạnh nhớ khoảng không gian cực kì trống rỗng bên ngôi nhà thờ cổ ở Amsterdam và anh choáng váng với cảm giác đê mê ngây ngất lạ lùng không hiểu nổi do cái khoảng không rộng lớn đó gây nên trong anh.

Marie-Claude bước vào phòng trong lúc anh nhét quần áo vào va li. Cô nói về những người khách trong bữa tiệc, đồng ý quan điểm người này, cười chê người kia.

Franz nhìn cô một lúc lâu rồi nói, “Anh không có buổi hội họp nào ở Roma cả.”

Cô không hiểu ý anh. “Vậy tại sao anh phải đi?”

“Anh đi vì chín tháng nay anh có một cô nhân tình,” anh bảo cô. “Cô ấy và anh không thích gặp nhau ở Geneva. Đó là lí do tại sao anh vắng nhà luôn. Anh nghĩ đã đến lúc phải nói ra sự thật cho em rõ.”

Nói được mấy câu anh bỗng hoảng trí. Anh quay mặt ra chỗ khác để khỏi phải nhìn thấy nét tuyệt vọng anh nghĩ đang hiện dần trên khuôn mặt Marie-Claude.

Sau một khắc im lặng anh nghe cô nói, “Vâng, em nghĩ đã đến lúc em phải được biết.”

Giọng cô chắc nịch đến nỗi Franz phải quay mặt lại. Nét mặt cô không chút bối rối; thật ra, trông cô y như người đàn bà mấy hôm trước đây thốt ra câu nói giọng khản đục, “Đôi bông tai sao xấu thế!”

Cô nói tiếp: “Anh có can đảm cho em biết anh phản bội em chín tháng trời nay, vậy anh có thể nói luôn người đàn bà đó là ai không?”

Anh lúc nào cũng tự nhủ mình không có quyền làm khổ Marie-Claude và phải biết quý trọng người đàn bà trong cô. Nhưng người đàn bà trong cô bỏ đi đâu mất rồi? Nói cách khác, cái gì xảy đến hình ảnh người mẹ anh vẫn hằng liên tưởng qua vợ anh? Mẹ anh, buồn bã, bầm dập, mẹ anh, hai chân xỏ hai chiếc giày khác nhau, bước ra khỏi Marie-Claude mất rồi – hay có lẽ không, có lẽ bà chẳng bao giờ hiện hữu trong con người Marie-Claude. Tất cả đột nhiên lóe lên trong anh với nỗi chán chường thê thiết. “Anh không có lí do nào phải giấu giếm em nữa.” Anh bảo cô.

Nếu anh không thành công làm cô tổn thương với lòng dạ thiếu chung thủy của mình, khi tiết lộ tình địch cô là ai, anh chắc mẩm cô sẽ đau lắm. Nhìn thẳng vào mắt cô, anh kể cô nghe về Sabina.

Một lúc sau anh gặp Sabina ở phi trường. Lúc phi cơ nhắc cánh bay bổng lên cao, anh thấy mình nhẹ ra, nhẹ ra mãi. Cuối cùng, anh nói với chính mình, sau chín tháng trời anh sống trong sự thật.

8

Sabina có cảm tưởng Franz phá tung cánh cửa bí mật của hai người. Như thể cô đang nhìn soi mói vào đầu óc Marie-Claude, Marie-Anne, ông họa sĩ Alain, nhà điêu khắc có ngón tay suýt bị cứa – tất cả những người cô quen biết ở thành phố Geneva này. Dù muốn dù không giờ đây cô trở thành tình địch của người đàn bà cô không bao giờ muốn lí đến. Franz sẽ li dị vợ và cô sẽ thế chỗ Marie-Claude vào nằm trên chiếc giường vợ chồng rộng lớn kia của anh. Hết người này đến người kia từ khoảng cách xa gần sẽ tuần tự tìm đến, cô sẽ phải đóng kịch trước mặt họ; thay vì là Sabina, cô sẽ phải đóng vai trò của Sabina, quyết định thế nào cho vai trò trở nên xuất sắc nhất. Một khi tình yêu cô bị đem ra phơi bày trước mặt mọi người, nó sẽ có trọng lượng và biến thành hệ lụy. Mới nghĩ đến chừng đó Sabina đã co rúm người lại.

Hai người ăn tối tại một nhà hàng ở Roma. Cô im lặng ngồi uống li rượu vang.

“Em không thấy đói?” Franz hỏi cô.

Cô bảo anh cô không đói. Cô vẫn còn hoang mang không rõ mình có nên vui mừng hay không. Cô nhớ lần hai người trên chuyến tàu tốc hành đi Amsterdam, lần đó cô như muốn quỳ xuống trước mặt anh, van xin anh hãy ôm cô thật chặt, hãy siết cô trong vòng tay anh, và đừng bao giờ để cô vuột mất. Cô xiết bao mong mỏi có ngày mình về đến chặng cuối con đường bội phản đầy trắc trở kia. Cô muốn dừng bước ngay đây.

Cô cố gắng khuếch đại lòng mong mỏi đó, cô dựa vào nó, kêu gọi nó trợ giúp mình. Nhưng cô chỉ thấy cảm giác chán ngấy càng lúc càng gia tăng.

Hai người băng qua phố phường Roma tản bộ về khách sạn. Họ đi bên nhau trong im lặng giữa tiếng huyên náo của đám đông dân Ý nhộn nhịp chung quanh đang la hét om xòm, tay chân múa may cuồng loạn. Vì thế họ đi bên nhau trong im lặng và không nghe được tiếng im lặng của nhau.

Sabina tắm gội rất lâu trong phòng tắm; Franz nằm sẵn trong chăn đợi cô. Như mọi lần khác, ngọn đèn nhỏ mờ mờ tỏa lên gian phòng.

Từ phòng tắm bước ra, cô đưa tay tắt đèn. Đó là lần đầu tiên cô làm cử chỉ này. Franz lẽ ra phải để ý. Nhưng anh không nhận ra bởi với anh ánh sáng không có ý nghĩa gì. Như chúng ta biết, anh làm tình với hai mắt nhắm nghiền.

Sự thật, chính đôi mắt nhắm nghiền của Franz khiến Sabina tắt đèn. Cô không chịu nổi phải nhìn hai mi mắt nhắm tịt đó thêm giây phút nào nữa. Đôi mắt, như câu nói thường nghe, là cửa sổ linh hồn. Vì thế thân xác Franz, nhấp nhổm trên thân xác cô với đôi mắt nhắm nghiền là thân xác không có linh hồn. Nó giống như con thú mới đẻ, hai mắt còn mù tịt và ư ử rúc vào tìm vú mẹ. Cái anh chàng Franz vạm vỡ khỏe mạnh lúc giao hợp trông giống con chó con khổng lồ bú vú mẹ. Anh ngậm đầu vú cô trong miệng như thể đang bú sữa mẹ! Ý nghĩ Franz người đàn ông trưởng thành ở phần dưới và đứa bé đang bú vú mẹ ở phần trên làm cô gớm nhờm đến tê tái cả người. Hóa ra cô đang giao hợp với đứa bé con! Không, cô sẽ không bao giờ phải trông thấy thân xác anh di động đầy tuyệt vọng trên thân thể cô nữa, cô sẽ không bao giờ hiến dâng bộ ngực cô cho anh, đồ chó con, hôm nay là lần cuối cùng, nhất định lần cuối cùng!

Dĩ nhiên, cô biết như thế không công bằng chút nào, cô biết Franz là người đàn ông tốt lành nhất trong những người đến với cô – anh thông thái, hiểu tranh cô vẽ, anh còn điển trai và tốt bụng – nhưng càng nghĩ cô càng muốn hất bỏ cái trí tuệ, càng muốn bôi xóa lòng lương hảo, càng muốn vi phạm cái sức mạnh vô hiệu đó của anh.

Đêm đó, cô làm tình với anh say đắm cuồng nhiệt hơn những lần khác, do nhận thức đây là lần ân ái cuối cùng. Trong lúc làm tình, cô bay đi thật xa, thật xa. Một lần nữa cô nghe tiếng tù và vang vọng từ khoảng cách xa xôi kêu gọi lòng bội phản, và cô biết cô không tài nào cưỡng chế nổi. Cô thấy bến bờ tự do rộng lớn đang dàn trải trước mặt mình, và cảnh tượng bao la bát ngát đó khiến cô thấy lòng tràn đầy kích động. Cô chưa từng làm tình với Franz say mê đắm đuối như thế bao giờ.

Franz khóc mùi mẫn trong lúc nằm đè trên thân thể cô; anh tin chắc điều mình hiểu: Sabina giữ im lặng suốt bữa ăn tối, không nói câu nào về quyết định của anh, nhưng đây mới là câu trả lời của cô. Cô bộc lộ cho anh thấy rõ ràng cô vô cùng vui sướng, lòng cô tràn ngập nỗi đam mê và cô sẵn sàng về chung sống với anh cho đến hết cuộc đời. Anh có cảm tưởng anh như người đang phóng ngựa đi vào cõi hư vô huyền diệu, cõi hư vô không vợ, không con, không nhà cửa, cõi hư vô huyền diệu được quét sạch nhờ cây chổi của Hercules, cõi hư vô huyền diệu anh sẽ lấp đầy bằng tình yêu của anh.

Người này cưỡi người kia như đang cưỡi ngựa và mỗi người mỗi hướng, ra sức sải vó về những khoảng trời hoan lạc xa xăm, say sưa vì lòng bội phản giúp mình giải thoát. Franz cưỡi lên Sabina, phản bội vợ mình; Sabina cưỡi lên Franz, phản bội chính Franz.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx