sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Động phòng hoa chúc cách vách - Chương 03 - Phần 2

Diệp Chính Thần không phản bác, khẽ vỗ đầu tôi: “Không trêu em nữa. Đúng là em cần phải tìm một chàng trai tốt để lấy đi thôi, già như thế này rồi, nếu không lấy thì sẽ ế đấy.”

“Sư huynh, anh thấy anh chàng Ngô Dương ấy thế nào?”

“Em thích là được.” Diệp Chính Thần nói rồi quay người bước vào phòng, đóng cửa lại, để mặc tôi đứng ngoài hành lang. Đúng là đồ vô lương tâm, uổng công tôi định quay về giúp anh thay quần áo.

Mặc dù người ấy không có lương tâm, nhưng tôi vẫn nhớ đến anh. Ngày hôm sau, suốt giờ lên lớp mà đầu óc tôi cứ để tận đâu, nào là vết thương của anh còn đau không, cử động có khó khăn gì không, khi thay áo thì sẽ như thế nào. Đến khi giảng viên nói hết giờ, tôi vội chạy ra khỏi giảng đường, đến ngay siêu thị mua xương sườn và hoa quả, rồi đi thẳng đến nhà anh.

Tôi bấm chuông mấy tiếng, nghe tiếng người bên trong vọng ra: “Cửa không khóa”, liền đẩy cửa vào nhà.

Diệp Chính Thần đang gội đầu, cánh tay phải quấn chặt băng, khua khua trên không trung một cách bất lực, tay trái vã nước lên đầu một cách vụng về, nước chảy theo tấm lưng màu nâu xuống dưới. Cơ bắp trên lưng anh rất rắn chắc, hoàn toàn không phải kiểu lưng của những bác sĩ suốt ngày chỉ biết đến sách vở.

Lén quan sát thân hình của người ấy một lúc, cho tới khi nước miếng sắp chảy ra, tôi mới đặt túi hoa quả trong tay xuống, cầm chiếc khăn mặt, lau lưng giúp anh: “Để em giúp anh.”

“Về sớm thế à? Không tới phòng nghiên cứu, không sợ giáo sư sẽ lột da em ra à?” Diệp Chính Thần đón chiếc khăn, lau mặt.

“Dù sao cũng đã bị lột hai lần rồi, có gì mà phải sợ lần lột da thứ ba.”

Diệp Chính Thần nháy mắt với tôi: “Em không nỡ để anh ở nhà một mình như thế sao?”

“Đừng có phí lời nữa.” Tôi lườm Diệp Chính Thần một cái rồi mang cho anh một cái ghế. “Nào, ngồi xuống đây!”

Diệp Chính Thần ngoan ngoãn ngồi xuống, tôi bắt chước cách gội đầu khô ở các hiệu gội đầu, lau hết nước trên tóc, cho lên đầu một ít dầu gội, từ từ vò. Tóc của Diệp Chính Thần rất mềm, khẽ chạm vào lòng bàn tay tôi, khiến tôi chợt nhớ đến những thanh sô cô la mềm ngọt. Tôi cứ vò mãi, vò mãi, mắt vô tình dừng lại ở nửa người trên để trần của Diệp Chính Thần.

Nói thực lòng, tấm lưng ấy không gầy guộc với những đốt xương nhô lên, cũng không giống một phản toàn thịt, nó rắn chắc và rất mạnh mẽ. Tóm lại một câu là: rất đàn ông.

“Này?” Người ấy lau bọt xà phòng trên mắt với vẻ không hài lòng, rồi nhìn tôi bằng cặp mắt hơi mơ màng.

“Ồ...” Lúc đó, tôi mới phát hiện ra là mình đã làm bắn xà phòng vào mắt anh, vội cầm khăn lên lau. “Xin lỗi! Xin lỗi!”

“Em đang nghĩ tới chuyện gì vậy? Sao cứ như người mất hồn thế?”

Tôi không biết phải nói gì, không lẽ lại nói với anh rằng tôi thấy thân hình anh rất tuyệt. Để che giấu vẻ bối rối, tôi vội chuyển chủ đề câu chuyện: “Hôm nay em gặp anh Phùng và Ngô Dương ở nhà ăn, rồi cùng ăn cơm với bọn họ.”

“Ồ. Hèn gì...” Anh nhắm mắt lại, không hỏi thêm gì nữa.

Có lẽ tôi và Ngô Dương rất có duyên, tối hôm qua vừa mới làm quen, hôm nay lại gặp ở nhà ăn. Ngô Dương vốn đã cao, lại mặc bộ đồ tập huấn, nhìn nổi bật hơn hẳn những người Nhật Bản thấp bé.

Nhìn thấy tôi, Ngô Dương bèn tới chào, rồi nói anh đang bị cảm và hỏi loại thuốc cảm nào ở Nhật Bản là tốt nhất.

“Trong phòng em có thuốc cảm.” Tôi định nói để Ngô Dương tới lấy, hoặc là để tôi mang đến cho, nhưng rồi lại nghĩ chúng tôi chưa quen nhau lắm nên bảo: “Đợi anh Phùng rảnh, em sẽ bảo anh ấy mang tới cho anh.”

“Cảm ơn!”

Tôi mỉm cười đáp: “Vì nhân dân phục vụ mà.”

Ngô Dương cũng cười, khi anh cười, trên má hiện rõ hai lúm đồng tiền, trông rất đáng yêu, không giống như Diệp Chính Thần. Bởi nụ cười của Diệp Chính Thần luôn khiến người ta phải suy nghĩ, con người anh lại càng khiến người ta phải suy nghĩ nhiều hơn...

“Sư huynh.” Tôi có một câu muốn hỏi từ lâu rồi: “Hồi ở trong nước anh học trường nào?”

“Trường Đại học Y khoa Bắc Kinh. Sao lại hỏi chuyện đó?”

“Không có gì, chỉ tiện hỏi thế thôi. Thực tình, em cảm thấy ở con người anh có khí chất của quân nhân.”

“Quân nhân?” Diệp Chính Thần mở to mắt nhìn tôi, trừ những lúc tiếp xúc với bệnh nhân, tôi rất ít khi thấy ánh mắt chăm chú ấy của Diệp Chính Thần. “Khí chất gì?”

“Em không thể nói rõ được, vì đó chỉ là cảm giác. Ví dụ, thói quen trong cuộc sống của anh giống như đã được rèn luyện trong quân đội, tư thế đứng cũng rất thẳng, và anh rất yêu quý quốc kỳ...” Tôi nhớ có lần, trước cửa khu ký túc xá có một lá cờ Trung Quốc bé xíu nằm trên mặt đất, chẳng ai để ý đến nó, chỉ có Diệp Chính Thần khi đi qua nhìn thấy đã cúi xuống nhặt nó lên, lau sạch đất cát rồi cắm lên hàng rào bên cạnh. Hành động ấy của anh mang phẩm chất của quân nhân rất rõ.

“Em có học những bài đạo đức hồi tiểu học không thế? Thầy giáo không dạy em quốc kỳ là sự tôn nghiêm của dân tộc chúng ta à?”

Hình như đã giảng rồi, không nhớ nữa.

“Này, sao anh lại giỏi như vậy?” Tôi chỉ hàng rào ngăn cao hơn hai mét ở lan can. “Hôm ấy anh đã trèo qua nó trong chưa đầy ba phút.”

“Hàng rào kia không hề cao, số người không vượt qua được nó trong năm phút cũng không nhiều.” Anh cười, nụ cười trông đến ghét, chắc hẳn anh đang nhớ lại điệu bộ trèo mãi không qua của tôi lúc đó.

Ngẫm nghĩ một lát, tôi lại hỏi: “Vậy cha anh làm nghề gì?”

Diệp Chính Thần ngước lên, nhìn vào mắt tôi, vẻ mặt không có gì đặc biệt: “Cha anh là một người buôn bán, ông ấy hy vọng anh sẽ là một bác sĩ giỏi, vì thế đã đưa anh sang Nhật học. Sao bỗng dưng em lại hỏi như vậy?” Diệp Chính Thần nhìn tôi với vẻ tò mò.

“Hì hì, không có gì... Chỉ là tò mò chút thôi. Hình như anh chưa bao giờ kể cho em nghe về gia đình anh...” Tôi tránh ánh mắt của anh, cười nhưng không để anh biết việc tôi luôn ngưỡng mộ những chàng trai là quân nhân...

“Nhà anh... chẳng có chuyện gì để nói cả.” Diệp Chính Thần tỏ ra không mấy hứng thú khi nói về điều này, cau mày lại.

Tôi cũng không hỏi nữa, tiếp tục gội đầu cho anh, vò hết lần này đến lần khác, ấn các huyệt để đầu óc thư thái. Gội xong, tôi lau khô đầu cho anh.

“Xong rồi, để em về hầm canh xương sườn cho anh, lát nữa em sẽ mang sang.”

Đột nhiên Diệp Chính Thần nắm lấy cổ tay tôi: “Vì sao em lại đối xử tốt với anh như vậy?”

“Vì anh cũng chăm sóc em mà.” Tôi khẽ rút tay lại, cúi đầu chào, rồi cười ranh mãnh: “Sư huynh, mấy tháng vừa rồi được anh quan tâm, em vô cùng cảm kích.”

“Em không có chút suy nghĩ nào khác ư?”

“Anh yên tâm, em hoàn toàn không dám có bất cứ suy nghĩ nào vượt quá giới hạn. Em luôn coi anh như anh trai.”

Tôi đưa mắt nhìn xung quanh, bỗng nhìn thấy một bóng người lướt qua cửa sổ, người ấy mặc bộ đồ tập huấn.

Tôi vội chạy ra ngoài nhìn, đúng là Ngô Dương. Vừa nhìn thấy tôi, Ngô Dương bẽn lẽn cười, hai lúm đồng tiền hằn sâu trên má: “Anh Phùng nói có việc nên bảo anh tới lấy thuốc.”

“Ồ, vâng, anh chờ một chút.” Nhìn thấy bộ quân phục của Ngô Dương, đầu óc tôi bỗng trở nên thiếu linh hoạt, tôi chẳng nghĩ được gì, vào trong phòng lấy thuốc cho anh.

Ngô Dương đi xa rồi, tôi mới thấy hối hận, một cơ hội tốt như vậy, lẽ ra tôi phải mời anh vào phòng uống chút cà phê và nói chuyện về lý tưởng và cuộc đời. Chà, thế là bỏ lỡ một cơ hội ngàn năm có một!

Đã tưởng rằng cơ hội không nên bỏ qua, vì nếu bỏ qua thì không bao giờ gặp lại nữa, nhưng không ngờ, mấy ngày sau đó, ngày nào Ngô Dương cũng gọi điện cho tôi, mặc dù lúc đầu đều là nhờ tôi tư vấn về bệnh tình của anh, nhưng nói chuyện một lúc thì lại chuyển sang chủ đề khác, Ngô Dương tỏ ra rất quan tâm đến cuộc sống ở Nhật Bản của tôi.

Nhiều người nói rằng, khi ở nước ngoài, cảm giác cô đơn rất dễ khiến cho những chàng trai và cô gái độc thân nảy sinh tình cảm. Tôi không biết có phải vì thấy cô đơn nên Ngô Dương mới có tình cảm tốt với tôi hay không, còn tôi thì ngày càng cảm thấy có cảm tình với bộ quân phục của anh.

Làn gió đầu xuân thổi qua cửa sổ, tôi đứng bên cửa sổ vừa giúp Diệp Chính Thần lau lưng, vừa suy nghĩ vẩn vơ.

“Nghĩ gì thế? Lưng của anh bị em làm cho trầy da rồi đấy!” Diệp Chính Thần nhắc.

Tôi vội bỏ chiếc khăn xuống, trong lòng cảm thấy rất áy náy, rồi lại thận trọng giúp anh mặc áo: “Sư huynh, anh nói xem, em và Ngô Dương liệu có thành không? Anh ấy chỉ tập huấn ở Nhật Bản có nửa năm...”

Diệp Chính Thần không nhìn tôi: “Nửa năm cũng là rất lâu rồi, để cặp kè với một cô gái không có đầu óc như em thì quá đủ.”

“Em nói chuyện nghiêm túc đấy.”

“Anh cũng đâu có nói đùa.”

Tôi tức giận, ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, vân vê chiếc cổ áo của anh, tâm trạng rất nặng nề: “Anh ấy muốn thân với em, như thế có phải là anh ấy đã có tình cảm với em không?”

“Đàn ông đều có tình cảm đối với những cô gái trẻ và xinh đẹp.”

“Xì.” Tôi lườm Diệp Chính Thần vẻ coi thường. “Anh tưởng ai cũng háo sắc như anh à? Người ta là quân nhân đấy...”

Diệp Chính Thần sửa lại lần thứ n cho tôi: “Cảnh sát vũ trang.”

“Thì cũng như thế cả”, tôi hạ thấp giọng. “Em cũng không kén chọn, chỉ cần mặc bộ sắc phục màu xanh là được.”

Người ấy không thèm để ý đến tôi nữa mà chú tâm lướt web. Tôi chưa chịu thôi, kéo cổ áo người ấy, nói với vẻ ăn vạ: “Sư huynh, anh có nhiều kinh nghiệm, hãy cho em vài ý kiến đi.”

“Rất xin lỗi, anh chẳng có kinh nghiệm nào về mặt ấy cả.”

“Anh là đàn ông, anh sẽ hiểu suy nghĩ của đàn ông.”

“...” Người ấy vẫn không nhìn tôi.

“Chuyện này quan hệ tới chuyện đại sự cả đời em, em coi anh như anh trai nên mới hỏi ý kiến, anh không thể làm ngơ như thế!”

Người kia bị tôi bám lấy như vậy, chẳng còn cách nào khác, đành ngồi ngay ngắn lại: “Em hãy nói cho anh biết, em thích Ngô Dương ở điểm nào?”

Tôi trả lời, không cần suy nghĩ: “Vì anh ấy mặc quân phục.”

“Có phải người đàn ông nào mặc quân phục em cũng thích không?” Rồi Diệp Chính Thần chỉ vào mình: “Thế còn anh? Nếu anh mặc quân phục, em cũng thích chứ?”

Tôi gật đầu, tưởng tượng cảnh Diệp Chính Thần mặc quân phục, trong lòng chợt thấy râm ran như bị mèo cào: “Vâng, sư huynh, hay là để hôm nào em mượn bộ quân phục của Ngô Dương về, anh mặc cho em xem nhé!”

“Đừng nhìn anh với ánh mắt chỉ biết đến hình thức ấy.”

“Một lần thôi.”

“Không mặc.”

Tôi vẫn không chịu từ bỏ: “Chỉ một lần thôi, buổi tối em sẽ hầm canh cho anh.”

Diệp Chính Thần nghĩ một chút rồi ghé sát vào tai tôi, hơi thở của anh nóng hổi: “Buổi tối em tắm cho anh.”

“Đúng là đồ háo sắc!”

Diệp Chính Thần chỉ vào mình với vẻ vô tội: “Anh mà háo sắc? Anh đâu có đòi em phải mặc quân phục cho anh xem.”

Nói cũng phải. Tôi ghé sát về phía anh, tiếp tục nịnh: “Sư huynh, anh thích bộ trang phục nào, để em cũng mặc cho anh xem.”

Diệp Chính Thần nheo mắt, cười với vẻ ranh mãnh khiến tôi sởn cả da: “Anh thích em mặc bộ blouse màu trắng, trông rất truyền thống... hoặc là em chỉ mặc bộ đồ ngủ, dưới ánh đèn, những thứ cần nhìn thấy đều có thể nhìn thấy...”

Đúng là quá vô duyên!

Tôi tức quá, đưa chân đá, trúng chân của Diệp Chính Thần. Rõ ràng là tôi không dùng sức nhiều nhưng Diệp Chính Thần lại ôm chân kêu đau, trông có vẻ đau hơn cả khi bị thương ở vai.

“Đau lắm à?” Tôi khẽ hỏi. Sự xấu hổ biến mất, chỉ còn nỗi xót thương.

“…” Người ấy tức giận không thèm để ý gì tới tôi.

“Để em xoa cho.”

“Thôi được.” Giọng nói vô cùng mừng rỡ, rồi người ấy gác chân lên đùi tôi. Tôi rất nghi ngờ, không biết anh có đau thật không. Nếu không chạm tới thì không thể biết được cơ bắp ở chân Diệp Chính Thần rất rắn chắc.

Bóp nhẹ cái chân ấy một lúc, tôi hỏi: “Còn đau nữa không?”

Diệp Chính Thần không trả lời.

Tôi ngước lên, bắt gặp anh đang nhìn tôi, dường như có ngọn lửa thiêu cháy đang bùng lên trong ánh mắt ấy. Tôi đã bắt gặp ánh mắt ấy một lần, đó là lần đầu tiên tôi mời Diệp Chính Thần ăn lẩu, anh đã nhìn những miếng thịt cuộn lên trong nồi nước dùng sôi sùng sục như vậy.

“Sư huynh, có phải anh đói rồi không?” Tôi hỏi thăm dò.

“Ồ... Đúng là hơi đói.” Người ấy đáp bằng giọng không chút xấu hổ: “Anh muốn ăn thịt.”

“Trong tủ lạnh phòng em còn mấy chiếc chân giò, anh chờ chút, em sẽ luộc cho anh ăn.”

“Anh không thích ăn.”

Tôi vuốt ve đầu anh, dịu dàng dỗ dành: “Ngoan nào, sẽ bổ sung chất đạm để vết thương mau lành.”

Người bị thương luôn kén ăn, tính tình lại cố chấp, giờ lại tỏ ra nghe lời một cách hiếm hoi, đồng ý mà không nói một câu.

Ăn tối xong, tôi nhìn chiếc đồng hồ đeo tay của Diệp Chính Thần. Chiếc đồng hồ mạ vàng chói mắt hơn cả lần trước, những viên kim cương chạm đầy trên đó.

“Hơn sáu giờ rồi, em phải tới cửa hàng tiện lợi làm thêm đây.”

“Em làm thêm ở cửa hàng tiện lợi à?”

“Vâng, học phí ở Nhật Bản đắt kinh khủng, còn học bổng thì chẳng biết khi nào mới xin được...” Vừa nói tôi vừa thu dọn bát đũa. Tiền cha tôi cho chỉ đủ nộp một năm học phí, tiền học phí nửa năm sau và tiền sinh hoạt phí không biết trông chờ vào đâu.

“Em không có tiền nộp học phí?! Sao không nói sớm?”

Thấy Diệp Chính Thần đứng dậy, đi lấy ví tiền, tôi vội nói: “Em có tiền, cái chính là em muốn rèn luyện khả năng nói tiếng Nhật. Lý Khải giới thiệu cho em việc làm cửa hàng tiện lợi, bên kia cây cầu đá, rất gần, mỗi tối làm ba tiếng, không vất vả lắm.”

“Lý Khải? Là Lý Khải học khoa Kỹ thuật chứ gì?”

“Vâng!” Lý Khải là học viên khoa Kỹ thuật của Đại học Osaka, tôi và Tần Tuyết thường gặp anh ở nhà ăn. Anh gầy gò, mặt mũi thanh tú, mang dáng dấp của tài tử phong lưu vùng Chiết Giang. Sau mấy lần tiếp xúc, tôi thấy anh là một người rất tốt, nói năng, cử chỉ rất có văn hóa, chứ không giống những người khác...

“Ba tiếng, như vậy là phải làm đến mười giờ đêm còn gì.”

“Vâng, cũng không phải muộn lắm.”

Sắp xếp mọi thứ cho người ấy xong, tôi định đi luôn, chợt nhớ hôm nay dự báo sẽ có mưa, bèn quay về nhà lấy ô thì nghe thấy tiếng Diệp Chính Thần từ trong nhà vọng ra: “Cô bé, ba ngày nay anh không tắm rồi, nhớ về sớm giúp anh đấy nhé!”

“Gọi những người yêu cũ của anh đến giúp đi.”

“Anh không có, em thuê giúp anh một người đi, nhưng nhớ là phải xinh đẹp đấy.”

“Này!” Tiện tay tôi cầm một chiếc dép lê, ném về phía Diệp Chính Thần. Trong số những người trơ trẽn tôi từng gặp, chưa thấy ai trơ trẽn như anh.

Ngày đầu tiên đi làm, tôi hơi lúng túng. Có lúc trao đổi hồi lâu mà vẫn không hiểu ý của người đang nói chuyện với mình, tôi cũng cảm thấy nản. May mà khách và chủ cửa hàng là những người độ lượng, không so đo, còn luôn miệng an ủi tôi: “Không sao, không sao!”

Đang làm việc thì Ngô Dương gọi, nói rằng bọn họ mời anh chị Phùng và mấy học viên trong khu nhà chúng tôi cùng đi ăn cơm, hỏi tôi có thời gian đi cùng không.

“Em đang đi làm thêm.”

Ngô Dương im lặng một lúc rồi nói: “Em có thể tới muộn một chút, chúng ta sẽ cùng đi hát karaoke.”

“Ồ... Vâng... Em sẽ cố gắng.”

Chị Phùng giằng lấy điện thoại: “Tiểu Băng, em tới đi, coi như em đi cùng chị.”

“Vậy hết giờ làm em sẽ gọi cho chị.”

“Được, ở chỗ mà chị em mình hay tới ấy nhé! Hết giờ em đến thẳng đó, bọn chị sẽ đợi.”

Vì bận rộn với công việc nên hai tiếng đồng hồ cũng trôi qua rất nhanh. Chín rưỡi Lý Khải đã đến để thay ca, anh nói vì sợ lát nữa sẽ mưa nên đến trước, cũng là để tôi khỏi gặp mưa. Tôi cảm ơn anh, vội thu xếp đồ rồi tới quán karaoke.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx