sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 16: Tại Sao, Con Trai?

Thưa Ông,

Tôi rất ngạc nhiên khi nhận được thư ông hỏi về con trai tôi, làm thế nào ông biết được tôi ở đây? Tôi chuyển đến chỗ này cách đây nhiều năm ngay sau khi chuyện đó bắt đầu diễn ra. Không ai biết tôi ở đây cả mà tôi cũng sợ người ta biết. Người mà tôi lo ngại chính là nó. Mỗi khi đọc báo tôi lại lắc đầu băn khoăn. Tôi đọc những gì người ta viết về nó và tự hỏi cái người đó có thật là con trai tôi không, nó có thực sự làm những việc này không?

Nó là một đứa ngoan, trừ tính nóng nảy và trừ chuyện nó không thể nói thật. Tôi không đưa ra cho ông được lý do nào. Chuyện bắt đầu vào một mùa hè trong dịp lễ Quốc Khánh, hồi đó nó chừng mười lăm tuổi. Con mèo Trudy nhà tôi biến mất cả đêm và cả ngày hôm sau. Tối hôm sau bà Cooper ở ngay sau nhà tôi sang nhà tôi bảo tôi rằng con Trudy lết vào sân sau nhà bà rồi chết. Con Trudy tanh bành nhưng bà nói bà vẫn nhận ra đó là Trudy. Ông Cooper chôn phần còn lại của Trudy.

Tanh bành? Tôi hỏi. Ý bà nói tanh bành là sao?

Ông Cooper thấy hai thằng bé ngoài đồng nhét pháo vào tai và chỗ đấy của Trudy. Ông ấy cố ngăn chúng lại nhưng chúng chạy mất.

Ai, ai có thể làm một trò như thế, ông ấy có nhận ra ai không?

Ông ấy không biết đứa kia nhưng một trong hai đứa chạy lối này. Ông Cooper nghĩ đó là con trai bà.

Tôi lắc đầu. Không, không phải thế đâu, nó không làm trò đó, nó thương Trudy mà, con Trudy ở với nhà tôi bao năm rồi, không, khôngphải là thằng con tôi đâu.

Tối hôm ấy tôi kể cho nó nghe chuyện con Trudy, nó tỏ vẻ ngạc nhiên và sốc, nói chúng tôi nên treo thưởng. Nó đánh máy một cái gì đó rồi hứa sẽ dán ở trường. Nhưng đêm đó trước lúc về phòng nó nói mẹ đừng coi nặng chuyện này quá, nó già rồi, phải sáu lăm hay bảy mươi tính theo tuổi mèo, nó đã khá thọ rồi.

Vào các buổi chiều và thứ Bảy nó đi làm, nó có chân sắp xếp hàng hóa ở cửa hàng Hartley. Betty Wilks, một người bạn của tôi làm ở đó, mách tôi công việc này và nói sẽ giới thiệu nó. Tối đó tôi bảo nó, nó nói, tốt, thiếu niên không dễ tìm việc.

Cái đêm nó lĩnh lương lần đầu, tôi nấu món khoái khẩu của nó và bày trên bàn sẵn chờ nó về. A người đàn ông của gia đình đây, tôi nói và ôm nó. Mẹ tự hào lắm, con lĩnh được bao nhiêu, con trai? Tám mươi đô, nó nói. Tôi kinh ngạc. Thật là tuyệt, con trai ạ, mẹ không thể tin được. Con đói ngấu rồi, nó nói, mình ăn đi.

Tôi vui, nhưng tôi không hiểu được, chỗ đó còn nhiều hơn lương của tôi.

Khi giặt quần áo tôi thấy giấy lĩnh lương của cửa hàng Hartley trong túi áo nó, chỉ ghi hai mươi tám đô, nó nói tám mươi. Sao nó không nói thật? Tôi không hiểu được.

Nếu tôi hỏi tối qua con đi đâu, nó sẽ trả lời đi xem biểu diễn. Rồi tôi sẽ phát hiện ra nó đi khiêu vũ ở trường hay lượn lờ cả đêm với ai đó bằng xe hơi. Tôi nghĩ có gì khác biệt đâu, sao nó không thể thành thật, chẳng có lý do gì mà dối mẹ cả.

Tôi nhớ có lần nó nói là đi thực địa về, tôi hỏi nó con thấy những gì trong chuyến đi. Và nó nhún vai bảo địa chất, đá núi lửa, tro, người ta chỉ cho bọn con nơi cách đây hàng triệu năm là một cái hồ lớn, bây giờ chỉ là sa mạc. Nó nhìn vào mắt tôi và huyên thuyên. Rồi tôi nhận được thư của nhà trường nói họ muốn xin phép cho nó đi thực địa, liệu nó có được phép đi không.

Gần cuối năm lớp mười hai, nó mua một chiếc xe hơi và đi chơi suốt. Tôi lo lắng về điểm chác của nó nhưng nó chỉ cười. Ngài biết đấy, nó là một học sinh xuất sắc, hẳn ngài biết rõ điều đó. Sau đó nó mua một khẩu súng ngắn và một con dao săn.

Tôi ghét nhìn thấy những thứ đó trong nhà và tôi bảo nó thế. Nó cười, lúc nào nó cũng cười. Nó nói nó sẽ để súng và dao trong cốp xe, nó nói dù sao để đó cũng dễ lấy hơn.

Một tối thứ Bảy nọ nó không về nhà. Tôi lo đến độ phờ phạc. Khoảng mười giờ sáng hôm sau nó về bảo tôi nấu bữa sáng cho nó, nó nói nó đi săn về nên rất đói, nó xin lỗi vì đã đi cả đêm, nó nói chúng đã lái một quãng đường dài đến chỗ kia. Nghe là lạ. Nó có vẻ run run.

Con đi đâu?

Lên tận Wenas. Bắn được vài phát.

Con đi với ai?

Fred

Fred?

Nó ngó tôi và tôi không nói gì nữa.

Ngày Chủ nhật kề sau đó tôi rón rén vào phòng nó lấy chìa khóa xe. Nó đã hứa mua đồ ăn sáng trên đường đi làm về tối hôm trước và tôi nghĩ nó để quên trong xe. Tôi thấy đôi giày mới của nó thò ra dưới giường dính đầy bùn và cát. Nó mở mắt.

Con trai, giày con làm sao thế? Nhìn giày con kìa.

Xe hết xăng, con phải đi bộ mua xăng. Nó ngồi dậy. Mẹ quan tâm làm gì?

Mẹ là mẹ con mà.

Trong lúc nó tắm tôi lấy chìa khóa và ra xe. Tôi không tìm thấy đồ ăn. Tôi thấy khẩu súng nằm trên một tấm khăn, cả con dao nữa, và tôi thấy áo sơmi của nó vo tròn, tôi giũ thì thấy máu me be bét. Nó còn ướt. Tôi thả nó xuống. Tôi đóng cốp xe quay vào nhà thì thấy nó đang đứng nhìn nơi cửa sổ và nó mở cửa cho tôi.

Con quên bảo mẹ, nó nói, con bị chảy máu mũi, con không biết cái áo đó có giặt đượckhông, hay là vứt đi vậy. Nó mỉm cười.

Mấy ngày sau tôi hỏi nó công việc ở chỗ làm thế nào. Nó bảo, tốt, nó mới được tăng lương. Nhưng tôi gặp Betty Wilks ngoài đường và chị ấy bảo mọi người ở Hartley đều rất tiếc khi nó bỏ việc, mọi người rất mến nó, Betty Wilks nói.

Sau đó hai đêm tôi nằm trên giường mà không ngủ được, tôi nhìn trần nhà chằm chằm. Tôi nghe tiếng xe nó dừng trước nhà, tôi lắng nghe tiếng nó tra chìa khóa vào ổ khóa và nó vào nhà bếp, đi qua hành lang về phòng rồi đóng cửa lại. Tôi dậy. Tôi có thể nhìn thấy đèn phòng nó hắt ra dưới cửa. Tôi gõ cửa và hỏi nó có muốn uống trà hay cà phê không, con trai, mẹ không ngủ được. Nó cúi xuống bên tủ quần áo, đóng rầm một ngăn kéo và quay sang tôi, mẹ ra khỏi đây đi, nó gào, ra khỏi đây đi, con chán thấy mẹ rình mò con rồi, nó gào. Tôi về phòng mình khóc đến khi ngủ thiếp. Đêm đó nó làm lòng tôi tan nát.

Sáng hôm sau nó dậy và đi trước khi tôi thấy nó, nhưng với tôi thế cũng được. Kể từ đó tôi coi nó như khách trọ trừ khi nó muốn thay đổi, tôi hết chịu được rồi. Nó sẽ phải xin lỗi nếu nó muốn chúng tôi không phải là những người lạ ở chung nhà.

Tối đó khi tôi về nó đã ăn tối xong. Mẹ khỏe không, nó hỏi, nó đỡ áo khoác cho tôi. Mọi việc hôm nay thế nào?

Tôi nói tối qua mẹ không ngủ được, con trai. Mẹ tự hứa sẽ không gợi lại chuyện và không cố làm cho con cảm thấy có lỗi nhưng mẹ không quen bị con trai mình nói bằng giọng như thế.

Con muốn cho mẹ xem cái này, nó nói, và nó cho tôi xem bài luận nó viết trong lớp dân sự. Tôi nghĩ là về mối quan hệ giữa quốc hội và tòa tối cao. (Đó là bài luận giúp nó đoạt giải khi tốt nghiệp!) Tôi gắng đọc và rồi tôi quyết định, đã đến lúc. Con này, mẹ muốn nói chuyện với con, với mọi sự như ngày nay nuôi dạy con cái là một việc khó khăn, đặc biệt khó khăn khi không có một người bố trong nhà, không có một người đàn ông mà chúng ta nương tựa khi cần. Con bây giờ đã gần trưởng thành nhưng mẹ vẫn còn trách nhiệm và mẹ cảm thấy mẹ có quyền được tôn trọng và đếm xỉa đến, mẹ đã cố công bằng, thành thật với con. Mẹ muốn sự thật, con à, đó là tất cả những gì mẹ đòi hỏi ở con, sự thật. Con trai, tôi thở một hơi, thử nghĩ nếu con có con mà khi con hỏi nó một cái gì đó, bất cứ thứ gì, nó đã ở đâu hoặc định đi đâu, định làm gì, bất cứ thứ gì, nó không bao giờ, không bao giờ nói sự thật? Mà nếu con hỏi nó có phải bên ngoài trời mưa không, lại trả lời không, trời đẹp và nắng, và mẹ nghĩ là nó sẽ cười một mình cho rằng con quá già hoặc quá ngốc nên không thấy quần áo nó ướt. Tại sao nó nói dối, con hỏi chính mình xem, nó được gì mẹ không hiểu. Mẹ cứ tự hỏi mình mà mẹ không có câu trả lời. Tại sao, con trai?

Nó không nói gì, nó cứ nhìn tôi chằm chằm, rồi nó nhích về phía tôi và nói con sẽ chỉ cho mẹ. Con bảo quỳ, con bảo mẹ quỳ xuống, nó nói, đó là lý giải đầu tiên.

Tôi chạy vào phòng mình khóa trái cửa. Tối đó nó bỏ đi, mang theo đồ đạc của nó, những thứ nó cần, và bỏ đi. Tin hay không thì tùy nhưng tôi chưa bao giờ gặp lại nó. Tôi thấy nó trong lễ tốt nghiệp nhưng lúc đó có nhiều người xung quanh. Tôi ngồi cùng cử tọa và nhìn thấy nó nhận bằng và giải thưởng cho bài luận của mình, rồi tôi nghe nó phát biểu và cùng vỗ tay với mọi người.

Sau đó tôi về nhà.

Tôi không bao giờ gặp lại nó. Ồ dĩ nhiên tôi thấy nó trên tivi và tôi thấy hình nó trên báo.

Tôi biết nó vàolính thủy đánh bộ và tôi nghe ai đó bảo nó ra khỏi lính thủy đánh bộ rồi đi học đại học bên bờ Đông rồi cưới cái con bé đó và đi làm chính trị. Tôi bắt đầu thấy tên nó trên báo. Tôi tìm ra địa chỉ của nó và viết thư cho nó, vài tháng tôi lại viết một lá thư, không bao giờ có hồi âm. Nó tranh cử thống đốc, đắc cử, và giờ nổi tiếng. Đó là khi tôi bắt đầu lo lắng.

Những nỗi sợ hãi này tăng dần trong tôi, tôi bắt đầu sợ, dĩ nhiên tôi thôi viết thư cho nó và tôi hy vọng rằng nó nghĩ tôi đã chết. Tôi chuyển đến đây. Tôi đặt một số điện thoại không đăng ký danh bạ. Và rồi tôi phải đổi tên. Nếu ông là người có quyền lực và ông muốn tìm ai đó thì ông tìm thấy, không khó khăn gì lắm.

Lẽ ra tôi phải thấy tự hào nhưng tôi sợ. Tuần trước tôi thấy một chiếc xe hơi trên phố và một người đàn ông ngồi trong mà tôi biết là theo dõi tôi, tôi đi ngay về nhà khóa cửa lại. Cách đây vài hôm điện thoại đổ chuông liên hồi khi tôi đã nằm nghỉ. Tôi nhấc điện thoại nhưng không có gì cả.

Tôi già rồi. Tôi là mẹ nó. Tôi phải là người mẹ hãnh diện nhất trong số các bà mẹ trên mặt đất nhưng tôi chỉ lo sợ.

Cảm ơn ông đã viết thư cho tôi. Tôi muốn phải có ai đó biết chuyện. Tôi rất xấu hổ.

Tôi cũng muốn biết làm thế nào mà ông biết được tên tôi và nơi tôi ở. Tôi đã cầu rằng không ai biết. Nhưng ông đã biết? Sao ông lại biết? Vui lòng nói cho tôi.

Trân trọng.

LŨ VỊT

Chiều hôm đó một cơn gió nổi lên mang theo trận mưa rào khiến cho lũ vịt đen kịt bay tán loạn khỏi mặt hồ tìm những cái hốc yên tĩnh trong rừng. Anh đang chẻ củi ở đằng sau nhà thì thấy bọn vịt bay cắt qua xa lộ rồi hạ xuống đầm lầy phía sau những rặng cây. Anh nhìn theo từng tốp sáu con, nhưng thường là từng đôi, tốp này theo sau tốp kia. Trời đã sẫm tối trên mặt hồ và sương giăng đầy nên anh không thể thấy bên kia hồ, nơi có trại cưa. Anh tranh thủ làm nhanh hơn, giáng cái nêm mạnh hơn xuống những khúc củi khô to, tách toạc chúng ra khiến những chỗ mục văng tung tóe. Trên dây phơi của vợ anh, căng giữa hai cây thông, ga giường và chăn đập phần phật trong gió. Anh khuân hai lượt hết chỗ củi vào trong cổng trước khi trời bắt đầu đổ mưa.

“Bữa tối xong rồi!” chị vợ gọi với ra từ bếp.

Anh vào trong rửa mặt. Trong khi ăn họ trò chuyện một chút, chủ yếu về những chuyến đi Reno. Đi làm ba ngày nữa, tới ngày lãnh lương, rồi tới kỳ nghỉ cuối tuần ở Reno. Ăn tối xong anh ra cổng và bắt đầu cho mấy con mồi nhử vào bao. Anh ngừng lại khi chị ra. Chị đứng ngay lối ra vào dõi theo anh.

“Sáng mai anh lại định đi săn?”

Anh nhìn tránh sang chỗ khác và nhìn ra hồ. “Nhìn thời tiết kìa. Sáng mai chắc trời đẹp.” Những tấm ga giường của chị kêu phành phạch trong gió và một cái chăn, “Đồ của em sắp ướt kìa.”

“Đằng nào thì cũng có khô đâu. Đã phơi ngoài đó hai ngày mà vẫn chưa khô.”

“Có chuyện gì vậy? Em không khỏe à?” anh nói.

“Em thấy bình thường.” Chị quay vào bếp, đóng cửa và nhìn anh qua cửa sổ. “Em chỉ ghét việc anh lúc nào cũng đi vắng,” chị nói với cái cửa sổ. Hơi thở chị bám lại trên kính, rồi mờ đi. Khi vào nhà, anh đặt mấy con mồi vào một góc và đi lấy túi đựng đồ ăn trưa. Chị đang đứng tì vào tủ bếp, tay đặt trên mép bồn rửa bát. Anh chạm vào hông vợ, giật váy chị.

“Em đợi đến khi mình đi Reno nhé. Ở đó mình sẽ vui.” Anh nói.

Chị gật đầu. Trong bếp thì nóng và có mấy giọt mồ hôi rịn trên mắt chị. “Khi anh về em sẽ dậy làm bữa sáng cho anh.”

“Em ngủ đi. Em cứ ngủ thì hơn.” Anh với tay ra phía sau chị để lấy túi đựng đồ ăn trưa.

“Hôn tạm biệt em đi,” chị nói.

Anh ôm chị. Chị siết chặt cánh tay quanh cổ anh và ghì anh. “Em yêu anh. Lái xe cẩn thận nhé.”

Chị đi lại cửa sổ nhà bếp và dõi nhìn anh chạy, nhảy qua mấy vũng nước mưa tới chỗ chiếc xe tải nhỏ. Chị vẫy tay khi anh ngoảnh lại từ trong buồng lái. Trời gần như tối và mưa nặng hạt.

Chị đang ngồi trên ghế bên cửa sổ phòng khách nghe radio và nghe mưa thì thấy ánh đèn xe tải của anh rẽ vào lối vào. Chị bật dậy vội vã ra cửa sau. Anh đứng đó ở cửa, chị sờ cái áo cao su ướt của anh.

“Họ bảo mọi người đi về nhà. Sếp trại cưa lên cơn đau tim. Ông ấy ngã xuống sàn ngay trong trại và chết.”

“Anh làm em sợ.” Chị cầm túi đựng đồ ăn trưa của anh rồi đóng cửa. “Ai nhỉ? Có phải đó là đốc công tên Mel?”

“Không, ông ấy tên là Jack Granger. Anh nghĩ ông ấy chừng năm mươi.” Anh bước lại gần cái lò sưởi bằng dầu và hơ tay. “Jesus, thật buồn cười! Ông ấy tới chỗ anh làm hỏi anh công việc thế nào rồi đi có lẽ chưa được năm phút thì Bill Bessie vào, bảo anh rằng Bill Granger vừa chết ngay trong trại.” Anh lắc đầu. “Chỉ vậy thôi.”

“Đừng nghĩ về chuyện đó nữa,” chị nói và cầm hai tay anh, xoa mấy ngón tay.

“Anh không nghĩ đâu. Những chuyện như vậy vẫn xảy ra. Mình chẳng biết đâu được.”

Mưa quất vào nhà và bắn tung tóe ngang những khung cửa sổ.

“Trời, trong đây nóng quá! Còn bia không?” anh nói.

“Chắc còn vài chai,” chị nói và theo anh đi ra bếp. Tóc anh còn ướt, chị lùa mấy ngón tay qua tóc anh khi anh ngồi xuống. Chị mở một chai bia cho anh và rót một ít vào ly của mình. Anh ngồi uống từng ngụm nhỏ, nhìn ra cửa sổ về khu rừng tối đen.

Anh nói, “Có người bảo ông ấy có vợ và hai con.”

Chị nói, “Tội nghiệp ông Granger đó, thật bất hạnh. Em vui vì có anh ở nhà, nhưng em không muốn chuyện như vậy xảy ra.”

“Anh cũng bảo mấy cậu kia như vậy. Đi về thì cũng thích, nhưng Chúa ơi, anh ghét được nghỉ kiểu này.” Anh khẽ nhích người trong ghế. “Em biết không, anh nghĩ hầu hết đám đàn ông có thể tiếp tục làm việc nhưng mấy cậu bé trong trại nói chúng không làm việc được khi ông ấy nằm đó như vậy.” Anh cạn chai bia rồi đứng lên. “Anh nói em nghe: anh thấy mừng khi chúng không làm việc được,” anh nói.

Chị nói, “Em cũng mừng khi anh không làm việc. Tối nay khi anh ra khỏi nhà, em có cảm giác thật là buồn cười. Em đang nghĩ về cái cảm giác đó, cái cảm giác buồn cười của em, thì thấy ánh đèn xe.”

“Tối hôm qua ông ấy mới ở trong phòng ăn kể chuyện cười, Granger là người tốt. Lúc nào cũng cười.”

Chị gật đầu. “Em chuẩn bị gì để ăn nhé, nếu như anh muốn ăn một chút.

“Anh không đói, nhưng anh sẽ ăn một chút,” anh nói.

Họ ngồi trong phòng khách nắm tay nhau xem ti vi.

“Trước đây anh chưa bao giờ thấy chương trình này,” anh nói.

Chị nói, “Em không còn quan tâm lắm đến chuyện xem ti vi. Chẳng có gì đáng xem cả. Thứ Bảy hay Chủ nhật thì còn đỡ. Những tối ngày thường thì chả có gì.”

Anh duỗi chân và ngả người ra. Anh nói, “Anh hơi mệt. Chắc anh sẽ đi ngủ.”

Chị nói, “Chắc em tắm rồi cũng đi ngủ.” Chị lùa tay qua tóc anh rồi buông tay ra và mân mê cổ anh. “Có lẽ tối nay mình vui với nhau một chút. Mình chả có mấy dịp với nhau.” Chị vuốt ve đùi anh bằng tay kia, nghiêng sang và hôn anh. “Anh nghĩ sao?”

“Nghe cũng được,” anh nói. Anh đứng dậy đến bên cửa sổ. Anh nhìn bóng cây bên ngoài nhưng vẫn có thể thấy chị đứng sau lưng anh hơi chệch sang một bên. “Em này, sao em không đi tắm đi rồi mình vào giường,” anh nói. Anh đứng đó một lát ngắm mưa quất vào cửa sổ. Anh nhìn đồng hồ đeo tay. Nếu đang làm việc thì giờ này là giờ ăn trưa. Anh vào phòng ngủ và bắt đầu cởi quần áo.

Mặc mỗi quần soóc, anh quay lại phòng khách và nhặt cuốn sách trên sàn lên – Những bài thơ được yêu chuộng nhất Hoa Kỳ. Anh đoán cái câu lạc bộ mà chị là thành viên gửi tới theo đường bưu điện. Anh đi quanh nhà để tắt đèn. Rồi anh quay lại phòng ngủ. Anh luồn vào dưới chăn, chồng gối của vợ lên gối của mình, bẻ cái đèn cổ vịt cho ánh sáng rọi vào trang sách. Anh mở giữa chừng cuốn sách và bắt đầu đọc vài bài thơ. Rồi anh gác cuốn sách lên tủ đầu giường và bẻ đèn hướng vào phía tường. Anh châm một điếu thuốc. Anh gối đầu lên cánh tay nằm đó hút thuốc. Anh nhìn thẳng vào tường. Ánh đèn soi rõ từng kẽ nứt nhỏ, từng chỗ phồng lên trong lớp vôi. Trong một góc, cao gần trần nhà, có một cái mạng nhện. Anh nghe tiếng mưa dội xuống từ trên mái.

Chị đứng dậy trong bồn tắm và bắt đầu lau người. Khi để ý thấy anh đang nhìn, chị mỉm cười, choàng khăn qua vai, bước một bước nhỏ trong bồn và làm dáng.

“Trông như thế nào?”

“Ổn,” anh nói.

“OK,” chị nói.

“Anh tưởng em vẫn còn…” anh nói.

“Em vẫn.” Chị lau người xong, thả khăn xuống sàn bên cạnh bồn tắm và duyên dáng bước lên đó. Chiếc gương bên cạnh chị đầy hơi nước và mùi cơ thể chị lan đến anh. Chị quay người lại với lấy cái hộp trên kệ. Rồi chị luồn vào quần lót và điều chỉnh miếng băng trắng. Chị cố nhìn anh, cố mỉm cười. Anh dụi điếu thuốc rồi cầm cuốn sách lên lại.

“Anh đang đọc gì đó?” chị nói.

“Anh không biết. Vớ vẩn ấy mà.” Anh lật ra bìa sau nhìn lướt qua phần tiểu sử.

Chị tắt đèn, ra khỏi buồng tắm và chải tóc. “Sáng mai anh vẫn đi?” chị nói.

“Chắc không,” anh nói.

Chị nói, “Em vui lắm. Mình sẽ ngủ nướng, rồi dậy, ăn một bữa sáng thịnh soạn.”

Anh chồm qua lấy thêm điếu thuốc.

Chị cất lược vào ngăn kéo, mở ngăn khác lấy một cái áo ngủ ra.

“Anh có nhớ anh mua cho em cái này hồi nào không?” chị nói.

Anh chỉ nhìn vợ.

Chị đi vòng qua mé giường phía anh. Họ nằm im một đỗi, hút điếu thuốc của anh đến khi anh gật đầu ra dấu anh đã hút xong, và khi đó chị dụi tắt. Anh chồm qua người chị, hôn lên vai chị, và tắt đèn. “Em biết không,” anh nói, trong khi nằm ngửa, “anh nghĩ là anh muốn đi khỏi đây. Đến một nơi nào đó.” Chị xích lại gần anh và luồn chân giữa hai chân anh. Họ nằm nghiêng quay mặt vào nhau, môi gần như chạm nhau. Anh băn khoăn không biết hơi thở anh có sạch như hơi thở chị. Anh nói, “Anh chỉ muốn đi. Mình ở đây đã lâu. Anh muốn quay về quê gặp lại bạn bè. Hoặc chuyển lên Oregon. Đó là một chỗ dễ chịu.”

“Nếu như anh muốn vậy,” chị nói.

“Anh nghĩ vậy,” anh nói. “Có nhiều chỗ để đi.”

Chị khẽ cựa quậy, cầm tay anh đặt trên ngực mình. Rồi chị mở miệng và hôn anh, dùng tay kia vít đầu anh xuống. Từ từ chị nhích lên phía trên giường, nhẹ nhàng đẩy anh xuống ngực mình. Anh ngậm lấy núm vú và bắt đầu mút. Anh cố nghĩ ra anh yêu vợ nhiều bao nhiêu hay là anh có yêu vợ không. Anh nghe tiếng chị thở và anh cũng nghe tiếng mưa. Họ nằm như thế.

Chị nói, “Nếu anh không muốn thì cũng không sao.”

“Không phải vậy,” anh nói, không biết mình định nói gì.

Anh buông chị ra khi anh đoán chị đã ngủ và xoay qua phần giường của mình. Anh cố nghĩ về Reno. Anh có nghĩ về những cái khe trong máy đánh bạc, cách những viên xúc xắc đổ và trông chúng thế nào khi lật dưới ánh đèn. Anh cố nghe cho được tiếng quả banh ru lét khi nó lăn quanh cái bánh xe lấp lánh. Anh cố tập trung vào cái bánh xe. Anh nhìn và nhìn và lắng nghe và lắng nghe và nghe thấy tiếng cưa và máy chầm chậm lại, dừng hẳn.

Anh ra khỏi giường đến bên cửa sổ. Bên ngoài tối đen và anh chẳng thể nhìn thấy gì, kể cả mưa. Nhưng anh có thể nghe thấy tiếng mưa, trượt từ mái nhà xuống vũng nước dưới cửa sổ. Anh có thể nghe thấy tiếng mưa khắp nhà. Anh lần tay lên chỗ nước đọng trên cửa kính.

Khi quay vào giường, anh nhích lại gần vợ và đặt tay lên hông chị. “Em ơi, dậy đi,” anh thì thào. Nhưng chị chỉ rùng mình rồi nhích ra tận mép giường. Chị vẫn ngủ say. “Dậy đi,” anh thì thào. “Anh nghe tiếng gì ngoài kia.”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx