sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Én Liệng Truông Mây - Hồi 24 - Phần 2

Sắc mặt Lý Vân Long thoáng biến đổi. Mấy ngày qua hắn theo Cao Đường sang Phương Mai để lo cho đại hội nên không biết giao tình giữa Đại Hồng và Trần Lâm đã khắng khít hơn. Hắn nhìn nàng tỏ vẻ ngạc nhiên rồi quay sang Trần Lâm, ánh mắt chợt nhoáng lên tia lửa tức giận xong lịm xuống ngay. Trong lòng hắn, cơn ghen tức đang cuồn cuộn dâng trào nhưng hắn không muốn tỏ rõ thái độ ra ngoài mặt. Tuy rất bực tức nhưng xưa nay hắn chưa bao giờ dám làm điều gì trái ý Đại Hồng, bởi lời nói của nàng đối với hắn là mệnh lệnh. Giọng hắn trở nên hằn học:

- Vậy à? Mọi người vui vẻ với nhau đi.

Rồi hắn hậm hực quay người bỏ đi. Đại Hồng như chẳng quan tâm gì đến thái độ của hắn, nàng nói:

- Chúng ta vào Tụ Nghĩa Đường đi. Chú Đỗ Trọng coi ở đó.

Hôm nay cả Đại Hồng và Tiểu Hồng đều mặc áo dài, điểm trang lộng lẫy, mỗi người mỗi vẻ, diễm lệ vô song. Bốn người kéo nhau đến quán, mọi người trông thấy đều chú mắt nhìn rồi thầm thán phục hai đôi trai tài, gái sắc này.

Trong khi đó ở tửu quán của Tụ Nghĩa Đường, đám đông đang râm ran bàn tán về các trận đấu vừa qua, trung tâm vẫn là Con Mọt Sách. Có tiếng hỏi:

- Anh nói đường roi của Tiểu Bạch Long là Cái thế thần côn của Kỳ Sơn phải không?

Con Mọt Sách đáp:

- Theo tôi biết là như vậy. Anh có công nhận mấy chiêu thức Tiểu Bạch Long sử dụng lúc nãy là thần diệu vô song không?

- Công nhận! Nhưng anh nói nó có thể sánh với đường roi đánh khắp thiên hạ vô địch thủ của chú Lía thì tôi còn chưa dám tin lắm.

- Anh đã chứng kiến đường roi của chú Lía chưa?

- Chưa, nhưng tổng binh Phan Ngọc Chánh, người có biệt hiệu Thiết côn vô địch mà còn không chịu nổi mười chiêu của chú Lía thì cũng có thể tưởng tượng là nó thần diệu đến bậc nào rồi.

- Quỷ Kiếm Ma Đao Lương Bát Vạn là một đại đạo khét tiếng ở hai phủ Quảng Ngãi và Quảng Nam, đã có không biết bao nhiêu người thảm bại dưới lưỡi quỷ kiếm xuất kỳ bất ý như ma quỷ của hắn. Ấy vậy mà chỉ với vài chiêu thôi, Tiểu Bạch Long đã đánh rơi cả hai cây ma đao, quỷ kiếm của hắn như lấy đồ trong túi. Vậy thì có thể so sánh hai đường roi này bên tám lạng bên nửa cân chăng?

- Mong sao hai đại đấu thủ này gặp nhau trong một trận thư hùng để chúng ta coi cho mãn nhãn.

- Đừng lo. Một đại cao thủ bao giờ cũng mong gặp được đối thủ xứng tay để phân cao thấp. Đó là sự kích thích của võ đạo mà cũng là sức hút giữa những anh hùng. Sau đại hội anh hùng này, tôi tin rằng Tây Hắc Hổ sẽ tìm đến Đông Bạch Long. Chúng ta hãy chờ xem.

Một người khác chen vào:

- Con Mọt Sách này, giữa Đông Bạch Long và Tây Hắc Hổ, nếu xảy ra trận tranh tài thì anh theo bên nào?

- Chú Lía là một vị hiệp sĩ chân chính, là cứu tinh của hàng vạn bá tánh, tính tình vừa hào hiệp vừa nhân đức, về mặt tình cảm từ lâu tôi đã rất mến phục con người này. Thêm vào tài năng nữa, cá nhân tôi nghiêng về chú Lía.

Có người lên tiếng:

- Nhưng chàng trai trẻ Tiểu Bạch Long trông phong thái như rồng, như phượng, tài cao mà hiền lành đức độ. Hãy xem cách chàng ta đối xử với kẻ định giết chết mình ban nãy thì biết. Những tính cách này cũng biểu hiện là một chân hiệp sĩ, có thua gì chú Lía đâu.

Con Mọt Sách nói:

- Anh nhận xét đúng. Họ là một đôi “thanh long, bạch hổ” thời nay, nếu họ kết hợp với nhau thì thiên hạ sẽ được hưởng phước lớn đấy.

Vừa lúc đó, bốn người bọn Trần Lâm bước vào quán, mọi người ngưng ngay cuộc nói chuyện. Đỗ Trọng từ trong chạy ra đón:

- Hai cô vào đây. Muốn gọi gì để đãi bạn? Chú sẽ bảo họ mang ra ngay.

Ông quay sang Trần Lâm:

- Chào Lâm Nhi, mừng cháu trở về bình an và học được một thân võ công cái thế.

Trần Lâm ôn tồn nói:

- Cảm ơn chú, còn phải nhờ chú chỉ dạy thêm.

Đỗ Trọng cười nói:

- Không dám nữa rồi. Đường roi của cháu được mệnh danh là Cái thế thần côn, chú còn phải học lại của cháu nữa đó.

Tiểu Hồng chen vào:

- Khoan đã, chú cho tụi cháu bốn đĩa yến sào, hai con cá lóc hấp, bốn con cua rang muối, rau thơm, cơm trắng, một bình Bàu Đá hạng nhất, một tiềm rượu nếp trắng Phú Đa. Chết chưa, nhiều quá chú nhớ hết không, để cháu nói lại nhé?

Đỗ Trọng cười vang:

- Nhớ hết, nhớ hết! Bộ tiểu cô nương cho rằng tôi đã già và đãng trí lắm rồi hay sao?

- Dạ, cháu đâu dám nghĩ vậy. Chú nói họ làm nhanh lên nghen, anh Lâm đánh nhau xong chắc đói lắm rồi đấy.

- Được, được! Chú bảo họ mang ra ngay.

Phan Sinh mỉm cười nói:

- Tiểu Hồng rành về các món ăn quá há?

Tiểu Hồng nhoẻn miệng cười.

- Ở nhà Tiểu Hồng vẫn thường tự tay mình làm món ăn cho cha và cậu Trung uống rượu. Nấu ăn cũng có nghệ thuật và cái thú của nó, anh đừng chê.

- Tôi đâu dám chê. Với bàn tay khéo léo của Tiểu Hồng thì những món ăn kia sẽ là cao lương, mỹ vị trên thế gian này.

Đại Hồng nguýt dài:

- Nó chỉ giỏi được vài ba món, có đáng gì mà khen quá, làm nó vênh mặt lên rồi kìa.

Thực khách đã ngồi chật ních trong quán. Trần Lâm chợt nhìn thấy Bàng Châu bước vào đưa mắt tìm bàn ngồi. Thấy không còn chỗ trống, anh ta định trở ra thì Trần Lâm vội hỏi nhanh ba người bạn. Tuy vậy, mắt chàng hướng về Đại Hồng vì chàng biết cô gái này hay trái tính:

- Vị Tào Sơn hiệp kia rất đáng mặt hiệp sĩ, mình mời anh ta đến ngồi chung cho vui nhé?

Đại Hồng cười vui vẻ nói:

- Anh sợ tôi khó chịu hả? Anh lại mời anh ta đi. Hôm nay là ngày của anh mà, ưu tiên cho anh quyết định đó.

Trần Lâm ôm quyền đùa:

- Đa tạ đại tiểu thư.

Chàng bước vội ra cửa chào Bàng Châu:

- Gặp nhau ban sáng là đã có duyên, cho phép tôi mời anh đến ngồi với mấy người bạn của tôi được không? Chúng ta cùng nhau uống một cuộc bèo mây gặp gỡ.

Bàng Châu cười ha hả nói:

- Còn hân hạnh nào bằng. Bỏ qua cơ hội này chẳng phải là điều ân hận suốt đời sao?

Họ trở lại bàn, Phan Sinh và hai cô gái đứng lên chào. Trần Lâm giới thiệu mọi người với nhau. Bàng Châu chào đáp lễ rồi nói:

- Trương Bàng Châu này hôm nay thật diễm phúc ba sinh mới được làm quen với những người bạn nam siêu quần, nữ tuyệt đại mỹ nhân thế này.

Phan Sinh nói:

- Ba người bạn này của tôi mới xứng với lời nói của anh, riêng tôi là một tên quê mùa nơi xó núi, làm sao gánh nổi hai chữ siêu quần kia?

- Phan huynh phong tư tuyệt thế, nếu chán nghề đao kiếm thô bạo như chúng tôi thì hẳn phải là bậc văn chương quán chúng, có tài nhả ngọc phun châu, sao lại không xứng chứ?

Tiểu Hồng nói:

- Thôi thôi, chúng ta đừng nên khách sáo với nhau. Tiểu Hồng thật khâm phục cách nhìn người của Trương huynh, mới gặp nhau đã biết Phan huynh là tay văn chương quán thế rồi. Mời ngồi! Tiểu Hồng xin được làm người rót rượu để các anh uống ly sơ ngộ với nhau.

Bàng Châu ôm quyền trang trọng nói:

- Tiểu Hồng cô nương thật là người khoáng đạt. Tôi vốn là kẻ thô lỗ, nếu có điều mạo phạm xin hai vị tiểu thư bỏ qua cho.

Rượu và thức ăn đã được mang ra. Trần Lâm rót rượu ra chung, múc hai chén rượu nếp cho hai cô gái rồi nói:

- Mời tất cả! Chúng ta uống mừng cho sự quen biết này.

Họ cạn ly. Phan Sinh chợt hỏi:

- Trong trận đấu lúc nãy tôi thật không hiểu vì sao anh đang thắng thế, sắp kết thúc trận đấu mà lại để thất bại.

Bàng Châu mỉm cười đáp:

- Võ học bao la, mỗi người có một tuyệt nghệ riêng. Vị bằng hữu Thiết Phiến Công Tử có tuyệt chiêu bí truyền của anh ta, tôi thất bại là vì tuyệt chiêu đó.

Bàng Châu biết Lý Vân Long là người thân của nhà họ Cao nên chàng không tiện nói ra thủ đoạn của hắn. Trần Lâm khen thầm sự tế nhị và tính cách trượng phu của Bàng Châu. Chàng hỏi:

- Anh mang một thân võ công tuyệt thế, hoài bão của anh thế nào?

Bàng Châu nói:

- Xin đừng quá khen. Tôi tham gia đại hội lần này không phải vì muốn cái danh hiệu vô địch mà là nhắm vào một nghìn lạng vàng giải thưởng. Tôi muốn dùng số tiền đó để giúp cho số người nghèo khó ở Quảng Nam. Đáng tiếc là tài nghệ kém cỏi nên chẳng được gì.

- Anh là người thứ hai mà tôi biết mục đích tham gia đại hội chỉ vì muốn dùng số vàng kia để cứu giúp người nghèo. Nếu may mắn đoạt giải, tôi muốn noi gương các anh, trao số giải thưởng ấy cho anh và người kia được chăng?

- Người kia là ai?

- Phong Điền Trần Tiểu Phi, đệ tử của Bang chủ bang Hành Khất Trần Đại Bằng.

- Là anh ta à? Đã có bang Hành Khất ở đây thì tôi đâu cần phải đa sự nữa. Cứ giao hết cho họ là được.

- Cũng hay. Anh ở lại đây đến khi kết thúc đại hội chứ?

- Tôi muốn vỗ tay chúc mừng khi anh đoạt giải.

- Cao thủ lớp lớp, tôi đâu có hi vọng.

- Tôi là người chuyên sử dụng roi nhưng khi nhìn thấy đường roi của anh thì ngộ ra rằng núi cao còn có núi cao hơn. Người bạn nào đó đã la lớn bốn tiếng “Cái thế thần côn”, quả thật là người có nhãn quan.

Bên kia Con Mọt Sách lên tiếng:

- Là tôi đã nói. Nếu có sai phạm xin Tào Sơn hiệp bỏ qua cho.

Nhất Hiệp vội nói:

- Không, không! Nhận xét của anh rất hợp ý tôi. Xin hỏi đại danh?

Con Mọt Sách ôm quyền đáp sang:

- Tiểu đệ Lưu Phương Tích.

Trần Lâm vội đứng lên nói:

- Phương Tích huynh kiến thức quảng bác, không gì không thông hiểu. Có thể cho kẻ quê mùa này làm quen để học hỏi thêm được không?

Phương Tích cũng đứng lên cười đáp:

- Chỉ sợ Lâm huynh chê tôi là con mọt sách mà thôi. Được kết giao với những bậc anh hùng như các anh, có ai ngu dại mà từ chối?

Trần Lâm bước qua bàn Phương Tích mời:

- Đã vậy, mời anh sang bên kia cùng chúng tôi uống vài chung tri ngộ.

Phương Tích vui vẻ bước theo Trần Lâm. Trong góc quán, Trần Kim Hùng nói với đám trẻ:

- Ở đời ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Đồng khí tương cầu. Kỳ đại hội này sẽ giúp cho những bậc chân hiệp sĩ kết hợp lại với nhau.

Nguyễn Nhạc thở dài nói:

- Con thấy phải có duyên mới kết hợp được với nhau, thiếu chữ duyên thì khó mà kết giao được dù mình rất thích. Tỉ như con, suốt ngày bôn ba lo chuyện cơm áo, đâu có được tự do giao kết với anh hùng thiên hạ.

Nguyễn Lữ nhìn anh bằng ánh mắt thông cảm:

- Anh cả quá vất vả vì công việc gia đình. Tiếc là em còn nhỏ, nếu không sẽ đỡ cho anh một phần.

- Còn nhỏ thì lo học hành, như vậy khi lớn lên mới có tài năng và cơ hội để mở mặt với đời, kết giao cùng anh hùng thiên hạ.

Nguyễn Huệ chen vào:

- Em sẽ làm được những gì anh cả nói.

Kim Hùng nói với Nguyễn Nhạc:

- Hai đứa nhỏ này cần có một minh sư tài kiêm văn võ mới không bỏ phí căn cơ của chúng. Để rồi ông nội tìm cho một người.

Lan Nhi hỏi:

- Còn có người giỏi hơn ông nội nữa hay sao mà phải tìm?

- Chỉ trong ba người của Phong Điền Tam Hữu thôi mà ông nội đã là người kém cỏi nhất rồi, nói đến cả thiên hạ này thì còn biết bao nhiêu kẻ tài ba hơn nội nữa.

- Vậy trong ba người các ông, ai giỏi hơn cả?

Kim Hùng nhéo nhẹ má cô cháu gái cười nói:

- Con bé nhiều chuyện này! Trong ba người bọn ta, tam đệ Văn Hiến là người tài kiêm văn võ, đáng mặt anh hùng. Ông nội không bằng được.

Văn Tuyết ngạc nhiên hỏi:

- Là Trương sư thúc à? Con thấy sư thúc dáng người nho nhã, cứ ngỡ người chỉ tinh nghiệp văn thôi, nghề võ lẽ nào lại hơn cả sư phụ sao?

- Đúng vậy. Trong con người nho nhã đó chứa đựng cả một túi càn khôn. Lữ và Huệ nếu được Văn Hiến dạy dỗ cho, tương lai sẽ rất lớn.

- Trương công hiện đang ở đâu vậy nội?

- Phú Xuân. Trước làm môn khách cho quan nội hữu Trương Văn Hạnh nhưng chú ấy chán cảnh triều đình thối nát nên đã bỏ về nhà tiếp tục nghề dạy học.

Tiểu Phi nói:

- Con thấy chính kiến của nhị vị sư thúc rất hợp thời, không hiểu sao nghĩa phụ lại không nhìn thấy để nảy sinh tình trạng chia rẽ như hôm rồi.

- Cha con lúc nào cũng cứng ngắt một quan niệm trung quân. Dù cho vua chúa có làm gì đi nữa thì cũng cúi đầu tuân theo một cách mù quáng. Ta và Trương sư thúc của con không chịu vậy.

Nguyễn Nhạc nói:

- Nếu Trương công chán cảnh triều đình, nội khuyên người vào đây mở trường dạy học, an dưỡng tuổi già. Con đỡ cho một tay. Cả cái huyện Tuy Viễn này không kiếm đâu ra được một người thầy dạy chữ cho xứng đáng cả. Sư thúc vào đây mở trường sẽ có rất đông học trò, thằng Lữ và thằng Huệ lại được thầy giỏi dạy cho nữa.

- Ừ, để nội nhắn cho chú ấy biết.

Tiếng trống báo hiệu tiếp tục cuộc đại hội anh hùng đã vang lên. Mọi người lục tục rời quán để trở lại đấu trường. Người xướng ngôn đứng giữa võ đài lớn tiếng:

- Trận kế tiếp, mời cao nguyên đệ nhất cao thủ Hầu vương A Phàm của tộc Sêđăng - Gia Lai và Trường quyền Lâm Ngọc Huy của Đập Đá.

Từ hàng ghế đấu thủ, một bóng người nhảy vọt lên sàn đấu như một con vượn. Người này tuổi ngoài ba mươi, nước da màu bánh mật của vùng núi rừng. Đôi chân và đôi tay của anh ta chuyển động liên tục, điệu bộ trông giống như một con khỉ, không khi nào đứng yên. Lâm Ngọc Huy cũng đã tung người lên sàn đấu, cúi đầu chào quan khách và trọng tài xong quay lại đối diện với A Phàm. Cả hai ôm quyền chào nhau. A Phàm cất tiếng lơ lớ khó nghe:

- Đánh đi!

Rồi như con khỉ, anh ta nhảy nhót chung quanh Ngọc Huy và bất thần tung hai bàn tay như móng cọp vừa tát vừa chộp vào mặt đối phương. Ngọc Huy là con võ sư Lâm Hữu Phong ở Đập Đá, sở trường về Thiếu Lâm trường quyền. Huy dùng sự trầm ổn nhưng cương mãnh để đối phó với sự mau lẹ và biến hóa của những thế võ mô phỏng động tác muôn thú ở Tây Nguyên. Cách đánh của A Phàm quả thật vô cùng phong phú. Bằng sự kết hợp các động tác của nhiều loài thú rừng, đường quyền của anh ta trở nên hết sức đa dạng: có lúc nhanh nhẹn như hầu quyền, có lúc lại uốn éo mềm mại như xà quyền và có khi lại mạnh bạo, hung hiểm như hổ quyền.

A Phàm nổi danh là Cao nguyên đệ nhất cao thủ, lối đánh biến hóa thiên hình vạn trạng của anh ta thật hiểm hóc khó lường. Sau một lúc giao đấu, Ngọc Huy đã bị trúng mấy đòn liền. Chàng ta tức giận hét lớn một tiếng, quyền pháp thay đổi liên tục từ La Hán quyền sang Kim Cương, Phục Hổ để đối phó với A Phàm. Ngọc Huy hét vang lên một tiếng nữa, lướt người theo thế song long sấn tới, cùi chỏ tung ra chiêu La Thông tảo bắc xốc vào ngực A Phàm. A Phàm trúng đòn dội người ra sau, mồm ứa máu, nhưng nhanh như cắt, anh ta uốn mình như một con mãng xà và né khỏi cú đá Hổ vĩ cước của Ngọc Huy đang xắn tới. Tiện đà, anh ta chụm bàn tay trái lại như đầu rắn mổ vào sau gáy Ngọc Huy, còn tay phải như chiếc móng cọp tạt mạnh vào hông chàng. Ngọc Huy xoay người né được cú mổ vào gáy nhưng hông lại lãnh trọn cú tạt như trời giáng, người lảo đảo thoái lui mấy bước. A Phàm không bỏ lỡ cơ hội, anh ta phóng tới lẹ như một con khỉ rồi tung mình lên cao, dùng đôi chân kẹp vào cổ Ngọc Huy vặn người vật mạnh xuống. Đòn đánh này tuy nguy hiểm nhưng nhờ vào sự nhanh nhẹn, A Phàm đã quật ngã được Ngọc Huy xuống sàn. Sau đó anh ta xoay mạnh hai chân bẻ ngoặt cổ địch thủ. Ngọc Huy trúng ba đòn liên tiếp, xương cổ bị gãy nên đành nằm im. A Phàm tung người lên nhảy nhót trên võ đài, trọng tài vội đến nắm tay anh ta giơ cao tuyên bố:

- Trận này A Phàm của Gia Lai thắng!

Tiếng vỗ tay hòa với tiếng hoan hô vang lên khắp nơi. Trần Kim Hùng nói:

- Võ công của Tây Nguyên thiên hình vạn trạng, thật đáng sợ!

Văn Tuyết hỏi:

- Làm sao để thủ thắng một đối thủ như vậy, thưa thầy?

- Đối phó với sự linh động, biến hóa thì phải dùng đến sự tĩnh lặng, chuyên nhất. Lâm Ngọc Huy đã quá nóng nảy bỏ mất sự trầm ổn, nghiêm mật của Thiếu Lâm quyền nên mới thất bại. Khi lâm trận, hãy buộc đối phương đánh theo sở trường của ta, đừng bao giờ để bị cuốn theo lối đánh của đối phương. Kẻ nào giữ vững sở trường của mình, người ấy chiếm tiên cơ. Cho nên trong giao đấu, nóng nảy là điều tối kỵ, phải luôn luôn điềm tĩnh.

Người phát ngôn lại xướng danh mời hai đấu thủ kế tiếp:

- Trận cuối cùng của ngày hôm nay, xin mời Tửu Quỷ Ngô Đồng Văn của Hóa Châu và Tiều Hiệp Võ Thăng của vùng núi Kỳ Sơn - Tuy Viễn.

Hai danh hiệu Tửu Quỷ và Tiều Hiệp vừa được xướng lên thì tiếng hoan hô đã vang dậy khắp nơi. Tiếng tăm của họ từ lâu đã được mọi người biết đến vì không những võ công cao siêu, quái dị, mà bề ngoài, tính cách của họ cũng khá khác thường. Tửu Quỷ lúc nào cũng như kẻ say, tay ôm bầu rượu, đầu tóc bù xù, áo quần dơ dáy chẳng khác nào một kẻ ăn xin. Thiên hạ đồn rằng con người chuyên ngủ đình ngủ chợ này ngày xưa vốn là một tay phong lưu công tử, võ nghệ siêu quần, thừa hưởng một gia tài kếch sù, nhưng chỉ vì mê đắm một nàng ca kỹ tuyệt sắc ở Triêu Dương Các trên bờ Hương Giang, kinh thành Phú Xuân mà đắm chìm trong men rượu. Tình yêu của họ đang lúc gắn bó mặn nồng bỗng nàng lâm bạo bệnh, hắn đổ cả cơ nghiệp để cứu người yêu nhưng nàng vẫn chết. Từ đó hắn ôm bầu rượu lang thang, miệng nghêu ngao bài ca mà ngày xưa nàng ca kỹ hát tặng riêng cho mình, giết dần giết mòn cuộc đời mình nơi đầu đường, xó chợ. Ai cũng thắc mắc không biết tại sao con người coi cả thế gian không bằng một giọt rượu này lại tham gia anh hùng đại hội. Và dù đứng trên võ đài, tay trái của hắn vẫn ôm chiếc hồ lô đầy rượu, một vật bất ly thân.

Còn người mang hiệu là Kỳ Sơn Tiều Hiệp, dễ khiến người ta liên tưởng đến một người tiều phu đốn củi nghèo nàn, áo vải quần thô, tướng mạo thô kệch. Tuy nhiên, khi chàng ta tung người nhảy lên võ đài, mọi người đều không khỏi ồ lên kinh ngạc. Tiều Hiệp hai tay cầm hai chiếc búa nhỏ nhưng tướng chẳng giống người đốn củi chút nào. Trái lại, áo quần chàng ta tươm tất, chỉnh tề, dáng dấp lại tao nhã, nếu chàng ta mặc áo nho gia và cất đi song phủ thì trông chẳng khác nào một vị nho hiệp. Họ Võ ở Kỳ Sơn vốn gốc Nghệ An vào lập nghiệp ở chùa Nhạn Tháp đã mấy đời, sau đó một chi trong họ dời xuống gần Kỳ Sơn. Võ gia thuộc hạng phú nông, giàu có, là dòng họ giỏi võ nức tiếng trong vùng. Võ Thăng tuổi ngoài hai mươi, tính tình hào hiệp hay giúp người. Chàng ta sử dụng đôi búa tuyệt luân, lại có thú lâm tuyền nên xây dựng một sơn trại trong núi Kỳ Sơn nuôi muông thú, vì vậy mà người đời tặng cho ngoại hiệu là Kỳ Sơn Tiều Hiệp.

Võ Thăng ôm quyền chào Tửu Quỷ hỏi:

- Anh bạn định dùng chiếc hồ lô này để giao đấu với hai chiếc búa của tôi hay sao?

Tửu Quỷ vỗ vỗ vào chiếc hồ lô rượu, giọng lè nhè đáp:

- Cả cuộc đời ta không còn vật gì khác ngoài nó, không dùng nó thì dùng cái gì?

- Chỉ e chiếc búa của tôi sẽ làm vỡ nó đi, các hạ lấy gì đựng rượu?

Tửu Quỷ đưa bình rượu lên nốc một hơi đáp:

- Anh bạn có thể đập vỡ được cái hồ lô này thì ta xin thua.

- Đã vậy xin cẩn thận.

Dứt lời, Võ Thăng lướt ngựa Song long tới, dùng thế Phạt thảo tầm xà quét đôi búa vào chân Tửu Quỷ. Tửu Quỷ như người say rượu, bước chân lảo đảo, ngã ngửa té về phía sau, tay đưa bầu rượu lên nốc một hớp. Động tác của hắn như người say bị té nhưng thật vừa khéo tránh được hai đường phạt của hai chiếc búa. Võ Thăng bước tới, chiếc búa trên tay phải theo thế Hậu trảm thanh xà bổ mạnh xuống. Chân trái Tửu Quỷ đưa thẳng lên, đạp thật nhanh vào cán búa, còn chân phải đá vào hạ bàn đối phương. Võ Thăng giật mình thoái bộ, búa trên tay trái chém vào chân địch thủ. Tửu Quỷ lăn tròn trên sàn đấu, né đòn rồi tung người đứng lên. Võ Thăng liền lướt tới, đôi búa trên tay ra thế Triều dương đảo bộ phạt ngang vào thượng bàn đối thủ. Tửu Quỷ lắc lư thân hình né khỏi đường búa, đồng thời chiếc hồ lô trong tay đẩy mạnh ra tấn công vào hông đối phương. Võ Thăng nhảy ra sau, hạ tấn thành phục hổ tấn, song phủ theo thế Ẩn thân hoá thạch trảm ngược lên, công vào chiếc hồ lô. Bước chân Tửu Quỷ như người bị trượt té, thu hồ lô về né khỏi hai chiếc búa. Trông Tửu Quỷ như người say không còn chút hơi sức nào, thân người xiên qua xẹo lại nhưng những động tác xiên xẹo đó lại cực kỳ chuẩn xác và khéo léo, luôn thoát khỏi những đòn tấn công hiểm hóc và mạnh bạo của đôi búa trên tay Tiều Hiệp.

Kim Hùng nói với bọn trẻ:

- Đó là Túy quyền, một môn võ công thượng thừa có từ thời nhà thơ say Tửu Tiên Lý Bạch bên Trung Quốc. Anh chàng Tửu Quỷ sử dụng bài Túy quyền này đáng được liệt vào hạng cao thủ thượng thừa, coi đôi tay anh ta như vô khí, vô lực nhưng nếu để trúng đòn thì chẳng khác nào bị thiết thủ đập trúng. Thủ pháp của loại quyền này chứa đựng một lực âm nhu lợi hại vô cùng.

Nguyễn Huệ hỏi:

- Bộ pháp của anh ta như người say mèm nhưng vẫn thoát khỏi được những đường búa hiểm ác, đó là bộ pháp gì vậy ông nội?

- Loại quyền pháp này còn có tên gọi là Túy bát tiên quyền. Bộ pháp căn bản dựa theo cửu cung bát quái bộ, vì thế những bước đi xiêu vẹo của Tửu Quỷ tuy không ra hình thức gì cả nhưng thật ra mỗi bước chân đều biến hóa theo cửu cung bát quái bộ. Muốn đánh trúng được anh ta rất khó.

Văn Tuyết hỏi:

- Muốn triệt phá bộ pháp này thì làm cách nào?

- Mọi sự đều có chỗ lợi chỗ hại, chỗ sanh chỗ tử của nó cả. Các con phải tập luyện sao cho khi lâm trận, tùy từng đối thủ, từng giai đoạn mà nhìn ra chỗ hại, chỗ tử của địch để đánh vào. Được như vậy thì không cần biết chiêu thức của địch loại gì và cần dùng cách gì để đối phó nữa. Con hiểu nguyên lý này không?

Đôi mắt Nguyễn Huệ chợt sáng lên, đó là thói quen biểu hiện của chú nhỏ này mỗi khi thấu hiểu điều gì. Huệ nói:

- Như vậy là cứ thuận theo thời mà tạo ra thế. Tùy từng đối thủ mà có cách đánh riêng phải không nội?

Kim Hùng đưa tay vuốt đầu Nguyễn Huệ cười nói:

- Con thông minh lắm. Những đạo lý cao siêu của võ học con thấu hiểu rất nhanh. Sau này tất trở thành kỳ tài trong võ lâm.

Nguyễn Huệ toét miệng cười:

- Ông nội đã nói rõ đến mức đó mà còn không hiểu nữa sao. Ông quá khen con rồi.

Nguyễn Văn Tuyết nói:

- Chú mày nói thế chứ như ta đây đâu đã hiểu ngay được đâu.

Cô bé Lan cười trêu:

- Thì tại vì anh ngốc tử hơn người ta, chỉ giỏi có tài ngỗ nghịch mà thôi.

Kim Hùng suỵt một tiếng ra dấu bảo im lặng để tiếp tục theo dõi trận đấu. Ngay từ đầu, Võ Thăng nghĩ mình sử dụng đôi búa còn đối phương chỉ có chiếc hồ lô rượu nên trong bụng đã có ý ra chiêu nhân nhượng. Nhưng chàng thấy đánh đã khá lâu mà hai chiếc búa vẫn chưa đụng được đối phương, trái lại còn bị chiếc hồ lô đập trúng nữa thì bèn đổi ngay thế đánh. Chàng di chuyển bộ pháp nhanh hơn, song phủ tung ra những cú phạt, cú bổ như vũ bão, kình lực kinh người. Tửu Quỷ biết địch thủ đã giở tuyệt chiêu nên bộ pháp cũng thi triển nhanh hơn, thân hình như người say túy lúy, đôi tay như những con rắn uốn lượn vừa né tránh vừa tấn công, thỉnh thoảng lại đưa hồ lô lên miệng tu một hớp. Bỗng Võ Thăng thét lớn một tiếng, người lăn tròn trên sàn đấu, song phủ theo thế Địa đường lang liên tục phạt vào chân Tửu Quỷ. Tửu Quỷ cả kinh tung người lên cao lộn một vòng né tránh. Võ Thăng không bỏ lỡ cơ hội, nhanh chóng bật người dậy, hai chiếc búa theo thế Thần lôi xuất thế phạt thẳng vào người Tửu Quỷ đang từ trên không lao xuống. Tửu Quỷ thấy nguy vội đưa chiếc hồ lô đập vào lưỡi búa, mượn lực tung ngược người ra xa. Chiếc hồ lô không chịu nổi cú va chạm nên bị bể một lỗ lớn, rượu từ trong bình chảy ra. Tửu Quỷ vội la lớn:

- Ta thua, không đánh nữa!

Rồi hắn ngửa mặt lên, há mồm hứng dòng rượu đang chảy ra từ chỗ bể mà nuốt ừng ực, không để rơi một giọt nào, người lắc lư như đã say khước.

Võ Thăng ôm quyền nói:

- Thứ lỗi vì đã làm bể bầu rượu của anh. Cho phép tôi được mời anh một bữa rượu, tôi sẽ đền anh một bầu rượu nguyên lành khác được chăng?

Tửu Quỷ lè nhè đáp:

- Được chứ sao không. Đời ta chưa hề từ chối ai mời rượu cả. Rượu Bàu Đá ở Quy Nhơn lại là danh tửu, sao lại chối từ? Chiêu Địa đường lang của ngươi hay lắm, ta thật bất ngờ. Ha ha...

- Hay lắm! Thú vị lắm! Vậy chúng ta đi.

Nói xong hai người nhảy xuống võ đài đi về hướng tửu quán Tụ Nghĩa Đường trong tiếng reo hò thích thú của quần hùng dự hội. Trọng tài tuyên bố mà không có người thắng cuộc ở đó:

- Trận này Tiều Hiệp thắng. Chúng ta đã kết thúc vòng đầu. Mời anh hùng các lộ và bà con ngày mai trở lại chứng kiến những trận tranh tài vòng bán kết.

Đám khán giả lục tục kéo nhau vào các tửu quán để bàn tán về những trận đấu. Kim Hùng hỏi đám trẻ:

- Các con nhận thấy gì qua trận đấu vừa rồi?

Nguyễn Huệ đáp ngay:

- Tiều Hiệp đã áp dụng đúng điều mà nội đã nói ban nãy. Chiêu thức Địa đường lang không có trong phủ pháp nhưng anh ta đã đem thủ pháp của siêu đao áp dụng vào khiến cho Tửu Quỷ thất thế, bỏ sàn đấu nhảy tung lên cao. Túy quyền chỉ nhờ vào bộ pháp linh hoạt, nay tung người lên cao thì như cọp xuống đồng bằng rồi.

Kim Hùng cười ha hả nói:

- Giỏi lắm! Túy quyền chủ về bộ pháp linh diệu, lợi thế của Túy quyền là bám đất, từ đó bằng những bước đi biến hóa họ vừa né đòn vừa tấn công. Nếu ta buộc địch thủ rời bỏ lợi địa của họ thì họ ắt phải lâm vào bại địa. Võ Thăng đã rất nhanh trí khi sử dụng chiêu thức Địa đường lang trong trận đấu này. Cho nên, tùy thời, tùy lúc mà sử dụng thì một chiêu thức tầm thường cũng có thể trở thành tuyệt chiêu đưa địch thủ vào thảm bại.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx