sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Én Liệng Truông Mây - Hồi 25 - Phần 3

Trời hừng đông thì mọi việc đã sẵn sàng. Trần Lâm tung người lên đỉnh cột buồm, tiện tay giật lá cờ đầu trâu ném xuống. Chàng đưa mắt nhìn ra xa, mười mấy chiến thuyền đang trương buồm nhắm hướng đảo tiến tới, trên cột buồm là cờ phủ Chúa đang bay phấp phới. Chàng nhảy xuống cười nói với mọi người:

- Đúng là thủy quân Quy Nhơn đang kéo đến. Chúng ta lên bờ chờ họ thôi.

Nói xong chàng tìm một tấm vải trắng, nhảy lên đỉnh cột buồm buộc lại làm lá cờ đầu hàng rồi nhảy xuống. Nhìn lá cờ trắng bay phần phật trong gió sớm, Bàng Châu cười nói:

- Lâm huynh làm việc thật chu đáo, gọn gàng.

Trần Lâm nói:

- Chúng ta lên bờ lo việc hỏa thiêu Ma Vương trại đi.

Họ lại đưa các cô gái trở lên bờ. Trần Lâm hỏi Bạch Lan:

- Cô có biết kho tàng của bọn cướp cất giữ ở đâu không?

Bạch Lan đáp:

- Dường như chúng để trong chiếc rương ngay dưới gầm giường của tên Ma Vương.

Trần Lâm liền vào gian nhà của tên Ma Vương tìm. Quả nhiên có một chiếc rương lớn ở dưới gầm. Chàng kéo chiếc rương ra ngoài, chiếc rương đã bị khóa lại bằng một ổ khóa lớn và chắc chắn. Tiểu Phi rút thanh chủy thủ ra chém một nhát, ổ khóa đứt ngọt. Trần Lâm mở nắp rương, trong đó chứa rất nhiều ngọc ngà, vàng và nữ trang. Chàng nói:

- Được lắm! Bà con dân nghèo kỳ này lại được một số tiền lớn để trang trải nữa rồi. Bây giờ chúng ta có thể nổi lửa hỏa thiêu Ma vương trại rồi đó.

Họ mang tất cả củi khô mà bọn cướp dự trữ để nấu ăn cùng những vật dụng bắt lửa và xác bọn cướp dồn hết vào những gian nhà rồi phóng hỏa. Riêng xác của Ngưu Ma Vương, họ giữ nguyên lại để giao cho quan binh. Phút chốc ngọn lửa đã bùng lên cao, khói đen bốc lên đến vài mươi trượng. Cả bọn mang theo chiếc rương trở lại bãi cát đứng nhìn. Trần Lâm hỏi những cô gái:

- Các cô quê quán ở đâu? Bị chúng bắt ra đây bao lâu rồi?

Bạch Lan đáp:

- Dạ, bọn em bị chúng bắt làm nhiều đợt từ nhiều nơi. Khi nào hành hạ đến chán chê thì bọn chúng sẽ giết đi, sau đó lại tìm bắt những người khác đến thay thế.

Tiểu Phi trợn mắt nói:

- Bọn súc sinh này thật chẳng khác gì dã thú! Để chúng chết êm thắm thế này thật quá dễ dãi so với tội ác của chúng.

Trần Lâm nói:

- Chúng cũng đã đền tội rồi. Chết là chết! Hành hạ chúng chỉ tạo thêm ác nghiệp cho chính mình mà thôi.

Chàng quay sang các cô gái:

- Lát nữa quan binh sẽ đưa các cô về đất liền, sau đó ai về nhà nấy. Từ nay không còn sợ bọn cướp này hiếp đáp nữa.

Mấy cô gái nghe nói đều mừng rỡ, nhưng sau lại cùng nhau ôm mặt khóc thút thít. Bàng Châu ngạc nhiên hỏi:

- Ơ, mấy cô này thật lạ! Được về nhà không vui hay sao mà còn khóc?

Bạch Lan nói nhỏ:

- Bọn em bị chúng hành hạ đến thân tàn ma dại, nay về quê thì còn mặt mũi nào nhìn lại cha mẹ, anh em, bà con chòm xóm?

Trần Lâm an ủi:

- Tai họa giáng xuống là do nghiệp dĩ mà chúng ta đã vay từ kiếp trước, nay trả lại, tự bản thân các cô không có lỗi gì. Đã không làm lỗi thì đâu cần phải hổ thẹn.

Chàng mở rương phát cho mỗi cô ba thỏi vàng, mỗi thỏi mười lượng vàng ròng, sau đó trao thêm cho mỗi cô một món nữ trang. Xong chàng nói:

- Các cô trở về dùng những thứ này để làm lại cuộc đời, coi như là sự đền bù. Hãy quên đi dĩ vãng, vui lên mà hướng tới tương lai.

Hơn hai mươi cô gái nhận vàng và nữ trang bỗng òa khóc vì sung sướng và cảm động trước việc làm của ba chàng hiệp sĩ. Bạch Lan quệt nước mắt nói:

- Bạch Lan xin thay mặt chị em cảm tạ tấm lòng hào hiệp của ba vị hiệp sĩ. Xin cho chúng em biết danh tánh để khắc cốt ghi tâm.

Trần Lâm mỉm cười nói:

- Không có gì lớn lao đâu, các cô đừng bận lòng. Tôi là Trần Lâm, đây là Trương Bàng Châu huynh, còn đây là Trần Tiểu Phi.

Các cô gái đồng thanh nói:

- Chúng em sẽ ghi nhớ ơn đức và tên của ba vị đến đời đời kiếp kiếp.

Trần Lâm giao chiếc rương cho Tiểu Phi nói:

- Phần còn lại giao cho đệ để đưa về cho bang Hành Khất.

Tiểu Phi cười nói:

- Một mình Lâm huynh mà số tiền đóng góp cho bang Hành Khất còn lớn hơn cả bang hội thu nhặt trong bao nhiêu năm qua. Nghĩa phụ, anh em trong hội và bà con nghèo sẽ nhớ ơn anh lắm.

- Lần này là công của ba anh em chúng ta chứ có phải của riêng tôi đâu. Mà cũng không nên bận tâm đến làm gì.

Vừa lúc đó mười hai chiến thuyền cũng đang cập vào bãi cát. Trên chiếc soái thuyền, lá soái kỳ thêu chữ Hoàng thật lớn tung bay phấp phới. Bọn thủy binh nhảy xuống nước, họ bắt ngay một chiếc cầu gỗ vào bờ. Hoàng Kim Phụng trong bộ binh phục đi trước, sau đó là Cao Đại Hồng trong bộ đồ ngắn màu hoàng yến, sau nữa là Lê Trung lần lượt bước qua cầu đến bãi cát. Hơn trăm thủy binh hàng ngũ chỉnh tề, giáo gươm sáng chói rầm rập theo sau. Hoàng Kim Phụng đưa mắt nhìn lướt qua xác chết của Ngưu Ma Vương đang nằm dưới đất và đám lửa đang bốc cao cất tiếng cười ha hả nói lớn:

- Thật là tài ba hãn thế, gan mật trùm đời. Hoàng Kim Phụng này xin cúi đầu bái phục trước ba vị đại hiệp sĩ. Có ai bị thương tổn gì không?

Trần Lâm ôm quyền ôn tồn nói:

- Chúng tôi không sao. Ngài lãnh binh quá khen rồi. Ba chúng tôi chỉ vì gặp may mắn nên sự việc mới thành công dễ dàng như vậy, có tài cán gì đâu mà ngài nói thế khiến chúng tôi đắc tội.

Đại Hồng đứng yên nhìn sững con người đầy máu me của Trần Lâm, hai hàng nước mắt không ngớt trào ra chảy dài trên má. Bỗng nàng nhào đến, đôi tay nhỏ nhắn đấm liên tục vào ngực chàng, nức nở nói:

- Tiểu Lâm Nhi ác độc, ngươi chết đi, chết đi. Ngươi có biết là đã làm cho ta lo sợ đến chừng nào không? Đồ tiểu tử ác độc, ngươi chết đi.

Nàng đấm rõ mạnh, đấm liên tục rồi bỗng gục đầu vào ngực Trần Lâm òa khóc nức nở. Trần Lâm đứng buông thõng hai tay để mặc cho nàng khóc. Tình huống này giống hệt như lúc chàng mới trở về, Tiểu Hồng cũng đã hành động như vậy. Cả hai lần, những giọt nước mắt của hai người thiếu nữ đều vì mừng vui mà rơi xuống. Nhưng với Tiểu Hồng, chàng cảm nhận được ở đó là một tấm lòng thương mến của một người bạn, một đứa em gái mừng người anh sống sót trở về. Còn lúc này đây, những giọt nước mắt của Đại Hồng đang rơi xuống làm ngực áo chàng ướt đẫm lại là những giọt nước mắt xuất phát từ một trái tim nồng cháy yêu thương, mừng rỡ vì người mình yêu đã thoát khỏi một tai ách lớn. Nước mắt của một cô gái có nhan sắc nghiêng thành thấm vào tim một chàng trai mới lớn đã bốc lên thành một thứ hơi men nồng nàn, kỳ ảo, ngất ngây. Trần Lâm cảm thấy choáng váng, chàng vội đưa hai tay đỡ hai bờ vai nhỏ nhắn của Đại Hồng nhẹ nhàng đẩy ra. Nhìn khuôn mặt đẫm lệ của nàng, chàng cười đùa:

- Tôi đã nói rồi mà, những kẻ mà người đời cho là đáng chết thì ông trời sẽ bắt sống mãi. Đại Hồng quên rồi sao? Tôi không chết được đâu.

Sau cơn xúc động mạnh, Đại Hồng đã lấy lại được sự bình tĩnh. Nàng cười trong nước mắt:

- Ừ, tôi quên mất. Anh còn phải sống để theo ám tôi nữa đã chứ. Tên Tiểu Lâm Nhi bất tử này.

Chợt phát hiện ra y phục của Trần Lâm đầy máu, nàng hoảng hốt hỏi:

- Anh có bị thương không? Sao máu me đầy người thế này?

- Tôi không sao. Chỉ là máu của bọn cướp dính vào thôi. Là Đại Hồng bắt chú Lê Trung đi báo cho ngài lãnh binh đây biết để đem quân tới tiếp viện phải không? Làm sao Đại Hồng biết được tôi ra đây?

Đại Hồng làm mặt giận:

- Anh làm một việc điên rồ như vậy mà còn hỏi nữa à? Là Phan Sinh lúc từ giã Tiểu Hồng đã để lộ ra.

Lê Trung bước tới nói:

- Nó gạn hỏi mãi rồi khóc lóc ỉ ôi nên chú đành nói thật ra. Thế là nó bắt chú phải đi cùng nó sang báo cho ngài lãnh binh đây biết để đem quân tiếp viện. Chú xin lỗi. Thật ra chú cũng lo lắng cho an nguy của ba người bọn cháu.

Trần Lâm mỉm cười:

- Cảm ơn Đại Hồng và chú.

Chàng quay sang lãnh binh Hoàng Kim Phụng nói:

- Cảm ơn ngài lãnh binh đã tiếp viện. Giờ xin giao xác tên Ngưu Ma Vương lại cho ngài. Chúng tôi có thu được một rương châu báu của bọn cướp nhưng đã tự ý chia cho các cô gái này một phần, phần còn lại dự định sẽ giao cho bang Hành Khất ở Hóa Châu để lo cho bà con nghèo của chúng ta, giờ xin trao lại cho ngài lãnh binh xử trí.

Kim Phụng cười nói:

- Xác tên Ngưu Ma Vương tôi xin nhận để báo cáo lên thượng cấp, còn rương châu báu là chiến lợi phẩm của ba vị hiệp sĩ, tôi không dám biết tới. Sử dụng theo ý Lâm hiệp sĩ như vậy thật là hoàn hảo, đáng khen. Có thể cho tôi biết sơ qua diễn tiến việc tiêu diệt trọn ổ sào huyệt này không?

Trần Lâm bèn thuật lại đầu đuôi sự việc cho mọi người nghe. Cuối cùng chàng nói:

- Chúng tôi gặp may mắn là cả trại cướp đều say mèm nên việc ra tay hạ sát bọn chúng không trở ngại gì.

Kim Phụng hỏi:

- Còn tên Ngưu Ma Vương này hẳn là do Lâm hiệp sĩ giết chết phải không? Người ta đồn rằng hắn là tên võ nghệ rất cao cường, cây Cương thiết Đoạn Môn đao của hắn từng nổi danh khắp Quảng Đông và Nam Hải, nhưng nhìn vết kiếm nơi yết hầu thì biết là hắn đã thảm bại rất nhanh dưới kiếm của hiệp sĩ.

Bàng Châu đáp thay:

- Ngài lãnh binh thật tinh tường. Lâm huynh chỉ bằng một chiêu kiếm đã đâm thủng yết hầu của tên Ma Vương dù hắn vung đao tấn công trước. Tuyệt chiêu Nhất điểm hồng này đáng được lưu truyền thiên cổ.

Đại Hồng nét mặt rạng rỡ, ánh mắt trìu mến liếc nhìn chàng, miệng nở nụ cười nói:

- Tôi sẽ khao anh hai cuộc để thưởng công và bày tỏ lòng hâm mộ đối với một tay kiếm khách đại tài.

Trần Lâm ôm quyền trịnh trọng nói:

- Đa tạ Cao đại tiểu thư, kẻ hèn này sẽ đến dự.

Cả hai cùng mỉm cười. Hoàng Kim Phụng nói:

- Đại công cáo thành. Không biết ba vị hiệp sĩ có cho tôi cơ hội được mời về doanh trại để uống ly rượu mừng chiến thắng hay không?

Tiểu Phi lên tiếng:

- Ngài lãnh binh thứ cho. Tôi phải trở về gặp sư thúc trước đã. Xin cho hẹn một dịp khác.

Bàng Châu cũng nói:

- Đã thế thì xin cho chúng tôi cùng hẹn một dịp khác sẽ ghé thủy trại uống cùng ngài lãnh binh vậy.

Kim Phụng cười:

- Không sao, có duyên thì gặp lại.

Trần Lâm nói:

- Hàng trăm xác chết này tuy đã bị hỏa thiêu nhưng lãnh binh cũng nên cho người dọn dẹp, thu nhặt hài cốt rồi chôn cất đàng hoàng. Lúc còn sống tuy họ là những tên hung ác nhưng khi chết rồi thì mọi thù hận đều tiêu tan. Phần các cô gái này xin lãnh binh giúp đưa họ trở về nhà. Việc của chúng tôi đã xong, xin đi trước.

Kim Phụng ngạc nhiên hỏi:

- Tôi sẽ cho bọn lính lo việc đó. Các vị không cùng về với chúng tôi à?

- Chúng tôi về bằng chiếc khinh thuyền ngài đã cho mượn hôm trước. Chúng tôi sẽ mang trả lại cho ngài sau.

Các cô gái kéo đến trước mặt ba chàng hiệp sĩ buồn bã nói:

- Ơn đức của ba vị bọn chúng em xin ghi nhớ suốt đời. Cầu Trời Phật luôn phù hộ cho ba vị vượt qua được mọi điều nguy hiểm.

Bàng Châu cười ha hả nói:

- Cảm ơn các cô. Biết đâu có ngày nào đó chúng tôi lại có việc nhờ đến các cô cứu giúp cũng không chừng. Thôi chào tất cả các cô nhé!

Bạch Lan nói:

- Nếu có việc, dẫu nát thân Bạch Lan cũng sẽ liều chết báo đền các anh.

Họ bịn rịn vẫy tay chào. Bọn Trần Lâm ba người cùng Lê Trung, Đại Hồng lên một chiếc thuyền nhỏ còn chưa bị đắm của bọn cướp, chèo đến bãi đá nơi giấu chiếc khinh thuyền. Họ đổi thuyền rồi dong buồm trở lại Quy Nhơn.

Tin bọn cướp biển Ngưu Ma Vương bị ba chàng hiệp sĩ tiêu diệt gọn chỉ nội trong một đêm đã bay nhanh khắp Đàng Trong. Dân chúng khắp nơi ca tụng về tài trí đởm lược và công đức của Đông Bạch Long. Họ thêu dệt, bàn tán rồi đem so sánh Đông Bạch Long với Tây Hắc Hổ, coi hai người này như những tấm gương hiệp sĩ chân chính bậc nhất thời bấy giờ.

Người dân ven miệt duyên hải hai phủ Quy Nhơn và Diên Khánh mừng rỡ, còn những nhà buôn hàng hải có thương thuyền hay đi ngang qua vùng biển này cũng thở phào nhẹ nhõm như trút được phần nào gánh nặng. Họ mong sao các chàng hiệp sĩ sẽ tiếp tục phá tan sào huyệt bọn cướp Tập Đình và Lý Tài ở Cù lao Ré nữa thì toàn vùng biển Đông sẽ được an hưởng thanh bình. Quan tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên hay tin vỗ tay cười lớn. Bấy lâu nay vì chuyện bọn cướp này lộng hành mà ông đã bị Phú Xuân đàn hặc không ít. Ông lệnh cho khám lý xuất năm trăm lượng vàng ban thưởng cho ba chàng hiệp sĩ đã có công tiêu diệt đảng cướp, lại sai người bêu đầu Ngưu Ma Vương nơi cổng thành để thị chúng.

Cao Đường cũng vui mừng không kém vì trong đoàn thuyền của ông nay đã có một tay kiếm đệ nhất giang hồ, tài trí phi phàm đi theo. Nhưng so với nỗi lo cướp biển thì mối lo về bọn chú Lía sẽ ghé gia trang cũng to lớn không kém. Cao Đường gọi Lê Trung vào bàn thảo. Ông hỏi:

- Theo cậu thì nên nhờ Trần Lâm ở lại gia trang hay để đi theo đoàn thuyền?

Lê Trung đáp:

- Tôi chưa nói chuyện nhưng vẫn biết Trần Lâm trong ý chỉ muốn theo đoàn thuyền một thời gian nữa để đền ơn tôi và anh em thủy thủ đoàn đã cưu mang nó lúc xưa. Chí của nó rất lớn, chỉ muốn vùng vẫy giang hồ, không thích bó chân một nơi.

Cao Đường thở dài:

- Sau lần bại trận, bị bỉ mặt, Vân Long đã bỏ đi biệt dạng. Sắp tới tôi và quan khám lý lại có nhiều việc làm ăn lớn, nếu được một người tài trí như Trần Lâm bên cạnh thì công việc sẽ dễ dàng hơn nhiều.

- Hoàng Công Đức là tên tham lam. Dượng làm ăn chung với hắn phải coi chừng.

- Tôi biết. Nhưng thời nay quan chức nào mà chả tham lam? Chúng có tham lam thì mình mới dễ bề thao túng. Cậu coi, biến Quy Nhơn thành thương cảng chính cho phủ nhà là một việc làm rất khó, nhưng nếu thành công thì nó sẽ mang lại cho ta một nguồn lợi nhuận khổng lồ, đời này sang đời khác. Để thực hiện được điều này, không dựa vào Hoàng Công Đức làm sao được?

- Tôi biết. Nói ra là chỉ để nhắc chừng dượng vậy thôi.

Cao Đường mỉm cười tự tin:

- Hắn không qua được tôi đâu. Huống gì vợ hắn mới mất, hắn có ý muốn làm con rể nhà họ Cao ta đó.

Lê Trung giật nảy người hỏi:

- Hắn muốn làm rể của dượng à? Hắn nhắm vào ai vậy?

- Đại Hồng. Nhưng chỉ từ một vài hành động và ý tứ của hắn mà tôi phỏng đoán vậy thôi.

Lê Trung thở dài nói:

- Tính tình Đại Hồng, dượng cũng biết rồi. Không khéo là hỏng cả đại sự. Dượng nên cẩn thận.

- Tôi biết. Nhờ cậu hỏi ý Trần Lâm giúp tôi. Tôi muốn giữ nó ở lại gia trang. Số vàng năm trăm lượng của tuần phủ thưởng cho ba chàng hiệp sĩ nhờ cậu mang về trao cho họ.

- Vâng, tôi sẽ hỏi.

Lê Trung mang số vàng về thuyền trao cho Trần Lâm và Bàng Châu. Vị Nhất hiệp nhất định không chịu nhận, sau bị ép quá anh ta mới phải lấy trăm lạng, số còn lại Trần Lâm đem tặng hết cho anh em thủy thủ trên thuyền. Bọn thủy thủ mừng rỡ ôm Trần Lâm cảm tạ tíu tít, họ góp nhau để dành lại cho chàng hai trăm lạng, nói là chờ ngày Trần Lâm cưới vợ sẽ dùng tới.

Đêm đó, Lê Trung gọi Trần Lâm ra sau vườn nhà của mình uống rượu. Ông hỏi:

- Cao Đường muốn nhờ cháu ở lại hộ trang, cháu nghĩ sao?

Trần Lâm đáp:

- Cháu muốn đi theo giúp chú và anh em một thời gian nữa. Đời trai chí tại bốn phương, cháu không muốn bó chân ngồi lại chỗ này làm kẻ giữ cửa cho người ta. Chú nói với Cao trang chủ là cháu xin lỗi.

Lê Trung nói:

- Thật ra cháu ở lại đây cũng có cái lợi. Nhân thời gian rảnh rỗi cháu có thể nghiên cứu thêm về thiên văn, dịch lý, binh thư. Tiểu Hồng tàng trữ cả một kho kinh sách quí báu. Sáu năm qua cháu lo về võ luyện, bỏ thêm vài năm nữa để văn ôn. Như vậy khi thời cơ đến cháu mới có đủ tài trí mà đoạt lấy cơ trời trong tay thiên hạ.

Trần Lâm trầm ngâm một lúc rồi hỏi:

- Chú nghĩ sao về thái độ của Đại Hồng trong sự việc vừa qua?

Lê Trung mỉm cười đáp:

- Con bé đó một khi đã muốn làm việc gì thì bất chấp mọi sự để làm cho bằng được. Nó có cảm tình với cháu. Nó thật sự lo lắng cho an nguy của cháu, nhất định bắt chú phải đi nhờ Kim Phụng rồi bất chấp hiểm nguy đòi đi theo ra đảo cho bằng được.

Trần Lâm thở dài nói:

- Đó là cái khó của cháu nếu ở lại đây.

- Cháu không muốn tiếp nhận tình cảm của Đại Hồng à?

- Làm trai mà một mái nhà cũng không có, công danh, sự nghiệp cũng không. Chú nghĩ cháu có thể chấp nhận được sao? Hơn nữa, cháu còn có một lời thề chưa thực hiện, chuyện tình cảm cháu quyết không nghĩ tới và cũng không muốn vướng bận.

Lê Trung uống cạn chung rượu, lấy ngón tay gõ gõ vào thành chung nói:

- Có chí khí. Tùy ở quyết định của cháu cả. Chú sẽ nói lại với Cao Đường.

- Chừng nào đoàn thuyền của mình lại ra khơi ?

- Năm hôm nữa. Đi Cù lao Phố. Dạo này tình hình trong đó cũng rắc rối lắm. Có cháu đi cũng hay.

- Rắc rối về chuyện gì vậy chú?

- Bọn Nhật Bổn sang mở một vài hiệu buôn ở Cù lao Phố, thương thuyền của họ ra vào buôn bán cũng rất nhiều. Bọn kiếm khách Nhật Bổn hống hách ngang tàng chẳng coi võ sĩ các nước khác ra gì. Đã có nhiều trận lưu huyết xảy ra.

- Với ai?

- Có khi thì chúng đấu với võ sĩ Xiêm La, có khi với bọn Tây mũi lõ, cũng có khi với võ sĩ Đại Việt. Phần lớn chúng thắng nên càng tỏ ý coi thường anh hùng thiên hạ.

- Cháu nhớ lúc trước ở Cù lao Phố có hai võ đường Kim Cương Môn và Thần Quyền Môn mà. Họ không làm gì được bọn Nhật à?

- Hai võ đường này là chủ buôn, có mối giao dịch lớn với bọn Nhật, do đó họ không muốn ra mặt đối phó.

- Ra là thế! Bởi vậy nên bọn Nhật càng lộng hành?

- Đúng vậy. Nhưng đó cũng chỉ là chuyện thỉnh thoảng đánh chém nhau ngoài ánh sáng trên đường phố. Chuyện giết người trong bóng tối còn ghê gớm hơn.

Trần Lâm kinh ngạc hỏi:

- Giết người trong bóng tối à? Là ai giết ai hở chú?

- Là bọn Mãn Thanh tìm giết những người Minh Hương phản Thanh phục Minh bị thất bại trốn sang Đại Việt. Chúng phái sát thủ sang đây bí mật thủ tiêu hàng loạt người Minh Hương ở Cù lao Phố và làng Minh Hương ở vùng Nhà Bè, Gia Định.

Trần Lâm như bị kích động bởi chuyện này. Chàng hỏi:

- Người Minh Hương chạy sang đây lập nghiệp lẽ ra triều đình Đại Việt phải bảo vệ họ, sao lại để bọn sát thủ Mãn Thanh lộng hành như vậy được?

- Cháu chưa biết đó thôi. Cơ cấu hành chánh của triều đình chúa Nguyễn ở miền Nam còn lỏng lẻo lắm, chả thế mà ngày xưa bọn Lý Văn Quang ở Phúc Kiến sang đã nổi loạn muốn bá chiếm Giản Phố và cả miền đất Chân Lạp cũ. Việc bảo vệ cho người Minh Hương thật khó mà chu toàn được, nhất là bọn sát thủ chỉ thủ tiêu một cách âm thầm từng người, từng nhóm nhỏ một thì làm sao mà bảo vệ?

Trần Lâm chợt nhớ xưa kia cha mình cũng đã từng góp sức tiêu diệt bọn Lý Văn Quang nên hào khí nổi lên:

- Phải tìm cho ra bọn đầu não nằm vùng điều khiển tổ chức sát thủ kia. Diệt gọn bọn đó đi là yên việc chứ khó gì!

Lê Trung mỉm cười hỏi:

- Cháu lại nổi máu hiệp sĩ muốn rút kiếm tương trợ phải không?

- Nếu làm được việc đó cũng hay chớ chú? Đó cũng là vinh dự và thể diện của nước nhà mà.

- Tốt! Làm trai kiến nghĩa dũng vi. Cháu có định gọi Bàng Châu đi cùng không? Con người này tốt lắm.

- Vâng. Bàng Châu là một chính nhân hiệp sĩ rất đáng để kết giao. Nhưng anh ấy dự định trở về Tào Sơn chuẩn bị chuyện gia thất, cháu không muốn làm lỡ đại sự đó.

- Ở đời thành công hay thất bại phần lớn tùy thuộc vào bằng hữu và những thủ hạ chung quanh. Cháu muốn nên việc lớn phải kết giao rộng rãi, về sau hành sự sẽ dễ dàng hơn.

Chợt nhớ đến lời nói của Cao Đường, Lê Trung nhắc:

- Cho dù thế nào, cháu cũng không nên làm thương tổn tính tự ái của Đại Hồng một cách quá lộ liễu. Đừng quên buổi tiệc mừng mà nó dành riêng cho cháu vào chiều mai.

- Vâng, cháu không quên đâu. Chú cũng biết bọn cháu đã cùng chơi đùa, gây gổ với nhau từ lúc còn nhỏ mà.

***


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx