sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Én Liệng Truông Mây - Hồi 31 - Phần 2

Nói xong Tín Nhi cười hi hi. Trần Lâm chợt thấy thương chú bé này vô cùng. Chớp mắt, họ đã tới chân hòn Trưng Sơn. Qua vài khúc quanh nữa họ đến nơi. Gian thạch động nằm gần một con suối rất kín đáo, khó mà phát hiện. Động không rộng lắm nhưng cũng tươm tất sạch sẽ. Đinh Hồng Liệt nghe tiếng động bên ngoài liền cất giọng yếu ớt vọng ra.

- Tín Nhi về đó à?

- Dạ, sư phụ. Con có đưa một người về coi bệnh cho sư phụ đây.

- Bệnh của sư phụ nay họa chỉ có Đại La Kim Tiên mới chữa được, con mất công tìm thầy làm gì cho vất vả, tốn kém?

Trần Lâm bước đến gần. Chàng nhìn thấy một người đàn ông trung niên, thân người khá ốm, có lẽ là vì bệnh và cũng vì tạng người thon nhỏ. Nét mặt chân chính đường hoàng, không có vẻ gì là của một tên ăn trộm cả. Trần Lâm chào:

- Cháu là Trần Lâm, xin chào Thâu hiệp.

Đinh Hồng Liệt mỉm cười héo hắt:

- Thâu hiệp sắp biến thành Tử hiệp rồi, có gì đáng nói tới nửa đâu. Anh là Tiểu Bạch Long Trần Lâm à?

- Dạ.

- Thật là hạnh ngộ, ngưỡng mộ đã lâu, chỉ tiếc lúc gặp mặt thì tấm thân ta đã thành tàn phế.

- Để cháu thử xem sao.

Nói xong chàng xem xét vết thương, thấy gần nửa thân người bên trái đã tím bầm. Hồng Liệt nói:

- Ta đã cố vận công chặn độc nhưng nó vẫn cứ lan dần lên trên. E rằng mươi ngày nữa sẽ chạy đến tim, lúc đó thì hết chữa.

- Cũng chưa đến mức tuyệt vọng đâu. Chú chịu đau một tí nhé. Để cháu trục độc ra hết thì sẽ khỏi thôi.

Tín Nhi nghe nói mừng rỡ hỏi:

- Anh có thể chữa được độc cho sư phụ ư? Tín Nhi nguyện nhớ ơn anh suốt đời.

- Không cần nhớ ơn đâu. Mau đi lấy nước sạch mang đến đây.

Tín Nhi vội chạy đi lấy nước mang đến. Trần Lâm dùng con dao nhỏ rạch một đường ngay chỗ vết cắn rồi lấy viên Tị độc châu ra để vào đó. Máu đen từ bên trong cơ thể Hồng Liệt chảy ra, mùi hôi thối nồng nặc cả gian thạch động. Viên ngọc đang sáng chói từ từ chuyển sắc đen. Viên ngọc càng đen thì màu bầm tím trên cơ thể của Đinh Hồng Liệt càng giảm dần. Trần Lâm áp tay vào lưng Hồng Liệt vận công đẩy máu độc dồn xuống nơi vết rạch. Chừng cạn một tuần trà, màu bầm đen trên cơ thể Hồng Liệt đã tan biến hết, chỉ còn tai tái bởi mất máu và thiếu dinh dưỡng lâu ngày. Trần Lâm lấy thuốc rịt vào miệng vết cắt, cho Hồng Liệt uống một viên thuốc màu hồng thơm phức. Chàng nói:

- Viên này là Đại bổ hoàn giúp cho máu huyết lưu thông và hồi sức rất nhanh.

Rồi chàng xoa bóp khắp cơ thể Hồng Liệt, vận Cửu dương công truyền vào để giúp cho thuốc mau phát huy công hiệu. Tay chân của Hồng Liệt đã từ từ cử động được trở lại. Hai thầy trò hết lời cảm tạ Trần Lâm. Tín Nhi mừng rơi nước mắt, nó sụp xuống lạy:

- Cảm ơn Lâm đại ca đã cứu chữa cho sư phụ của Tín Nhi.

Trần Lâm vội vàng đỡ hắn lên:

- Đừng có làm cái trò đàn bà thút thít nữa. Hoạn nạn giúp nhau là chuyện thường tình thôi mà.

Tín Nhi sụt sùi nói:

- Tín Nhi chỉ có sư phụ là người thân thôi, làm sao Tín Nhi không vui mừng đến phát khóc được?

- Bây giờ thì yên tâm rồi, chỉ cần tịnh dưỡng năm ba hôm nữa là bình phục lại như xưa thôi. Mà Đinh thúc bị rắn cắn trong trường hợp nào? Loại rắn này vừa rất độc vừa nhanh nhẹn, nó sẽ còn cắn nhiều người khác nữa nếu không tìm cách trừ đi.

Đinh Hồng Liệt thở dài kể:

- Ta nghe tin đồn cây thần kiếm có quyền uy bách chiến bách thắng của Tộc Vua Lửa người JaRai, một tộc thiểu số miền cao, đã mất tích từ lâu, nay bỗng dưng xuất hiện. Ta định lên miền đó để dò thăm hư thực thế nào, trớ trêu thay, còn chưa có được manh mối gì đã bị rắn cắn đành chạy thục mạng trở về.

- Cây kiếm đó có gì quí khiến Đinh thúc phải bận tâm đến thế?

- Tương truyền đó là cây kiếm vô địch, có nó trong tay sẽ trăm trận trăm thắng. Ta nhìn thấy giang san nghiêng ngửa, nếu có cây kiếm kia trao vào tay người tuấn kiệt thì nhân dân mình sẽ không còn cơ cực như thế này nữa. Hà! Tiếc thật! Có lẽ số mạng của đám dân đen còn phải nếm trải nhiều khổ đau, chưa biết đến bao giờ mới qua khỏi.

- Chẳng lẽ không có kiếm thần, con người tự mình thay đổi không được ư?

- Được chứ, nhưng khó lắm! Vả lại ta còn chưa có cơ duyên tìm thấy người có thể xoay chuyển được vận mệnh này.

Trần Lâm im lặng một lúc rồi nói:

- Đinh thúc cứ tịnh dưỡng cho bình phục đã, mọi việc khác hãy tính sau. Xin cáo từ, hai người bảo trọng.

Tín Nhi hỏi:

- Lâm đại ca đi đâu?

- Ta chỉ lang thang đây đó xem địa linh nhân kiệt, cẩm tú sơn hà mà thôi. Chẳng có mục đích cố định nào cả.

Tín Nhi cười nói:

- Đợi sư phụ bình phục xong thế nào Tín Nhi cũng tìm đại ca để đi xem sơn hà cẩm tú. Hì hì...

Trần Lâm đánh tay với Tín Nhi cười:

- Nhất định thế nhé! Hẹn gặp lại!

Chàng chào hai thầy trò Hồng Liệt xong thả ngựa đi lên đỉnh Trưng Sơn đang đứng sừng sững như một cây bút chọc trời. Từ đỉnh núi cao, chàng thấy bờ nam bên kia dòng Côn Giang có dãy núi như hình nghiên mực, ở giữa là dòng sông Côn, nước từ trên nguồn trong dãy núi cao Vĩnh Thạnh đổ về cuồn cuộn, lấp lánh. Xa xa, núi non hùng vĩ trong thế “tả phù hữu bật”, quả là chốn địa linh vượng khí ngất trời. Chàng bỗng cất cao giọng ngâm vang giữa cảnh núi rừng tĩnh mịch:

Hà ngạn y y lục trúc

Côn Giang mãng mãng cức kinh

Phong, Nhã, Đàn Hương tuyệt tích

Oán ngôn mãn địa thao linh

Hồ!

Quốc phá tàn lê thứ

Gia vong thương đan tâm

Đông vọng.

Thương hải mang mang vô  hoàn bách

Tây quy.

Địa linh minh chúa độn minh lâm

Tổ tổ hề!

Bất di vương chí hồ vi cách

Bằng bằng hề!

Lược thao cô nguyện mạc năng yên.

Ngã nhược túy mệnh ư cao sơn, mộng hồ thiên lý quyết.

Dịch nghĩa:

Bờ sông nào trúc xanh biếc sóng hàng thẳng tắp.

Mà bờ Côn Giang sao rậm rịt cỏ gai.

Thơ Phong, Nhã và mùi Đàn Hương không còn thấy đâu. (Trong Kinh Thư có hai thiên: thơ Phong là thơ dân dã. Thơ Nhã là thơ cung đình gồm Đại Nhã và Tiểu Nhã. Sau hai từ Phong, Nhã dùng chỉ văn chương thi phú hay người có nét đẹp văn thi).

Lời oán than đầy đất động đến vong linh tiên tổ.

Ôi! Đất nước tan hoang làm tổn hại dân lành.

Nhà mất làm đau tấm lòng son sắt.

Ngóng về đôn

Biển xanh mênh mông không có một chiếc thuyền nào quay về.

Hướng về tây.

Đất linh mà sao bóng chân chúa còn ẩn khuất trong rừng rậm thâm u (khoảng 5-7 năm sau chân chúa mới xuất hiện, đó là vua Quang Trung Nguyễn Huệ).

Hỡi các vị tổ, không truyền lại đời sau chí vương đạo thì lấy gì thay đổi cho tốt đẹp.

Ơi những người bạn vĩ đại (như những cánh chim Bằng), tài thao lược (tức Lục Thao của Trương Lương và Tam Lược của Hoàng Thạch Công) vì đâu chỉ mình ta đơn độc mang nguyện lớn mà không có sự kết minh.

Ta nay như say mệnh trên núi cao, mộng quyết thắng ngoài ngàn dặm.

Chợt đâu đó có tiếng ngâm sang sảng phụ họa với Trần Lâm:

Ngã duy cuồng ca vu hồ hải, lý lãng lung hoang lung

Hà!

Cấp cấp nhược Tứ, Kỳ.

Xung tiên như thiết thỉ

Bình cường diệt bạo, phóng nuy chiên.

Dịch nghĩa:

Ta chỉ ca tràn trên sông nước, biển hồ, đạp sóng, thâu tóm vùng trời hoang (ý nói đời loạn, luân thường đạo lý bị phế bỏ...)

Hà! Gấp gáp như ngựa Tứ, ngựa Kỳ (những danh mã ngày xưa, ngày đi ngàn dặm).

Xông lên phía trước như mũi tên sắt. Tiêu diệt, dẹp bỏ những kẻ ỷ mạnh, tà ác, gỡ bỏ những khó khăn cho kẻ yếu.

Nghe giọng quen quen, Trần Lâm cất cao tiếng gọi:

- Có phải Tây Hắc Hổ đó không?

- Có phải Đông Bạch Long đó không?

Một con Bạch mã phóng nhanh lên đỉnh núi, trên lưng ngựa là một chàng thanh niên y phục toàn một màu đen. Đúng là chàng Lía. Hai bên gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, nỗi vui không sao kể xiết. Thật là hữu duyên thiên lý! Lía nói:

- Kể từ cách biệt lòng ta lúc nào cũng nhớ đến Lâm huynh. Ôi, không ngờ hôm nay lại gặp nhau trên đỉnh núi cao này. Bấy nay tao ngộ thế nào?

Trần Lâm nói:

- Sau lần làm thủ hạ bại tướng của huynh tôi đã từ giã Cao gia trang lang thang hồ hải, nghe đồn vùng Tây Sơn kỳ sơn thủy tú nên ghé thăm. Nhìn cảnh núi non hùng vĩ, anh khí ngút trời mới sinh tình ngâm mấy câu thơ, không ngờ lại thu hút được huynh. Thật là kỳ ngộ!

- Mỗi năm ngày này tôi đều về núi Trưng Sơn để tế mộ mẹ và sư phụ.

Trần Lâm ngạc nhiên hỏi:

- Mộ của sư phụ và bá mẫu ở núi này à? Huynh đã tế mộ rồi chưa?

- Chưa, vừa đến đây nghe tiếng ngâm của huynh nên vội ứng tiếng rồi phóng ngựa chạy đến nơi.

- Nếu vậy tôi xin được theo chân anh để lạy bá mẫu một lạy.

Lía bèn dẫn Trần Lâm đến thăm mộ mẹ mình. Lía bày đồ tế lễ rồi sụt sùi vái lạy. Trần Lâm cũng lạy theo. Lễ xong hai chàng bày rượu ra uống. Vầng trăng mười sáu từ từ lên khỏi ngọn cây. Cả hai từ trên cao nhìn xuống cánh đồng Phú Lạc chạy dài qua tận Kiên Mỹ, dòng Côn Giang lấp lánh lượn quanh, cảnh trí đêm trăng đẹp vô cùng. Lía đưa tay chỉ cho Trần Lâm thôn Phú Lạc mờ mờ dưới chân núi nói:

- Đó là quê ngoại của tôi. Tôi đã lớn lên ở đó.

Nghe giọng nói của Lía đượm nỗi u buồn, Trần Lâm ướm hỏi:

- Tao ngộ nào đưa anh trở thành thủ lĩnh Truông Mây tận ngoài Hoài Ân?

Rượu lâng lâng, Lía bùi ngùi kể qua thân thế và chuyện của mình cho Trần Lâm nghe. Dứt lời chàng thở dài nói:

- Chúng tôi đã ăn cướp của hầu hết những nhà giàu trong hai phủ Quảng Ngãi và Quy Nhơn, kể cả kho lẫm của phủ Chúa nhưng không thể nào cứu được số dân nghèo đói đang đổ về đây ngày một nhiều.

- Hành động của các anh thật cao cả nhưng đó chỉ là những biện pháp vá víu tạm thời, không phải là kế sách lâu dài, mà bá tánh thì cần có một kế sách lâu dài, một sự thay đổi toàn triệt để có thể an cư lạc nghiệp.

- Kế sách ấy như thế nào?

Trần Lâm uống cạn chung rượu, đưa mắt nhìn ra xa nói:

- Bao nhiêu năm nay tên Phúc Loan đã làm loạn kỷ cương phủ chúa, lại sưu cao thuế nặng, mua quan bán tước. Cả triều giờ toàn một bọn tham quan chỉ biết lo vơ vét của công, bóc lột bá tánh, dân tình đói khổ. Còn trung thần, nghĩa sĩ trong thiên hạ một số bị hãm hại, một số bỏ đi, ai ai cũng đều nghiến răng căm giận. Cả cái chính quyền nhà chúa giờ như căn nhà mục, nếu có một lực lượng đứng lên, góp gió lại thành một cơn bão thổi vào thì căn nhà mục kia sẽ đổ quị.

Lía hỏi:

- Lực lượng nào có thể đứng lên tạo ra cơn bão đó.

- Bá tánh nghèo khổ, đó là một lực lượng vừa đông đảo, vừa có đủ những động lực thúc đẩy họ đứng lên chiến đấu để đánh đổ bạo quyền. Vì họ đấu tranh để tự cứu lấy chính mình nên họ sẽ hết lòng, hết sức mà hi sinh.

- Bá tánh tuy đông nhưng là những cá nhân lẻ tẻ, đến từ khắp bốn phương trời. Muốn tập hợp họ thành một khối là chuyện vô cùng khó khăn.

- Hiện nay bá tánh hai phủ Quảng Ngãi và Quy Nhơn ai cũng đội ơn các hiệp sĩ Truông Mây, nhất là Lía huynh. Chỉ cần huynh lên tiếng kêu gọi, tôi tin họ sẽ hưởng ứng hết sức mình. Huống chi, không chỉ bá tánh hai phủ này thôi, cả nước cũng đang ngóng chờ một sự thay đổi tận gốc rễ sự nghèo khó, bất công này.

Lía thở dài:

- Tôi biết việc mình đang làm chỉ là cách tạm thời trị bệnh ngoài da chứ không trừ được căn bệnh tận trong phế phủ. Nhưng cũng tự biết mình văn dốt, võ dát, không đủ lực để mưu cầu việc lớn nên đành ôm hận nhìn bá tánh điêu linh.

- Nếu huynh không chê, tôi nguyện sát cánh bên huynh để chung lo việc lớn.

Lía mừng rỡ nói:

- Được như vậy thì còn gì bằng! Từ lâu tôi nghe nói Tiểu Bạch Long trí dũng song toàn, được huynh đứng ra lo liệu, Lía tôi dù nát thân cũng không từ.

Cả hai người nhìn nhau bỗng cùng bật ra nói:

- Chúng ta kết nghĩa đệ huynh, nên chăng?

Và cả hai cùng bật cười ha hả. Lía nói:

- Không ngờ hai ta lại cùng có ý tưởng đó. Số trời đã định, chúng ta còn chờ gì mà không làm lễ kết bái anh em ngay đêm nay?

Hai chàng bèn giả bày bàn hương án, dưới ánh trăng cùng nhau cắt máu ăn thề, nguyện đồng sinh đồng tử một lòng cứu nước cứu dân. Lía sanh năm Canh Thân, lớn hơn Trần Lâm sáu tuổi nên làm đại ca. Trần Lâm khi biết tuổi Lía thuộc mạng Thạch Lựu Mộc thì nghĩ thầm: “Lía huynh thuộc mạng Mộc, là tướng tinh của sao Giác Mộc Giảo như sư phụ đã nói chăng?” Điểm lại những việc xảy ra trong vòng hai ba ngày nay, những cơ duyên đưa đẩy khiến chàng sở hữu được hai bộ binh pháp quí hiếm, lại tình cờ gặp và kết nghĩa anh em với nhân vật anh hùng số một của thời đại, tất cả khiến chàng cảm thấy phấn khởi vô cùng. Chàng cho rằng cơ duyên đã hội đủ để có thể thực hiện lời thề xưa. Đêm đó rượu say, hai chàng hiệp sĩ gác chân lên nhau nằm ngủ dưới trăng.

Thật là:

Cho hay thanh khí tương hòa

Bèo mây gặp gỡ cũng là tri âm.

***

Hai con tuấn mã một đen một trắng chở trên lưng hai chàng hiệp sĩ phi nước đại trên con đường độc đạo từ Trưng Sơn qua Vĩnh Thạnh về Truông Mây ở Ân Đức, Hoài Nhơn. Dọc đường Trần Lâm và Lía đã nghiên cứu địa hình những nơi có địa thế hiểm yếu, những con đường, sông suối, núi non có lợi thế dụng binh. Lía nói:

- Ở Núi Bà, chúng ta cũng có một phân trại do tam đệ Hồ Bân đang cai quản, mọi hoạt động vùng Tuy Viễn sẽ xuất phát từ phân trại đó.

- Như vậy thật hay, nhưng chúng ta phải xây dựng trại Kim Sơn cho thật vững mạnh để làm căn cứ trung ương, sau đó mới tính tới việc mở rộng địa bàn hoạt động.

- Mọi việc từ nay sẽ do Lâm đệ quyết định. Ta chỉ việc nghe theo là được.

Truông Mây, Hoài Ân là một vùng núi non hiểm trở, mây mọc um tùm, nếu không có người hướng dẫn thật khó mà tìm ra lối đi. Phía bên phải là hòn độc sơn, thường gọi là Núi Một. Trước mặt, về phía đông là dòng Kim Sơn rộng lớn, mùa này nước chảy rất xiết. Sau lưng, núi non trùng điệp bạt ngàn. Mặt phía bắc là vùng đất thấp chạy dài đến nhánh sông từ nguồn An Lão chảy về, tạo thành một tam giác biệt lập với vùng bình nguyên Bồng Sơn, Lại Khánh. Nhánh sông từ nguồn An Lão hợp cùng nhánh Kim Sơn tạo thành sông Lại Dương gần huyện lỵ Bồng Sơn và chảy xuống biển Đông ra cửa An Dũ. Hai nhánh sông này như cái hào sâu che chắn mặt trước của Truông Mây. Vùng đất này quả thật là nơi vượng địa, có thế Minh Đường thủy tụ, Huyền Vũ ổn định bề thế. Lại có Thanh Long bên phải, Bạch Hổ bên trái, quả đúng là vừa đắc địa vừa hiểm yếu. Tiến ra thì thênh thang, rút về thì vững vàng hiểm trở.

Lía đưa Trần Lâm về trại, sai gióng chiêng triệu tập hết các đầu lĩnh cùng lâu la để làm lễ tương kiến. Các đầu lĩnh Truông Mây ngoài Lía còn có cha Hồ, chú Nhẫn, Lưu Đằng, Trương Văn Bảo và Lam Tiểu Muội. Và một người nữa là Hồ Bân đang thống lãnh hơn trăm lâu la khai thác vùng Truông Mây, Núi Bà.

Anh em trong Truông Mây đều đã nghe tiếng Trần Lâm từ sau trận đấu kinh thiên với Lía dạo nọ. Nay gặp mặt, thấy chàng nho nhã như một thư sinh thì có hơi kinh ngạc, nhất là Lam Tiểu Muội. Nàng vốn ỷ mình võ công cao cường nên có ý không phục chàng thanh niên này cho lắm. Nhân khi Lía đề nghị nàng kêu Lâm bằng anh, nàng hỏi ra mới biết Lâm chỉ bằng tuổi mình nên nói:

- Hai người bằng tuổi nhau, đành phải dựa vào tài năng để phân định ngôi thứ. Ai thắng thì người đó làm lớn.

Trần Lâm nói:

- Không cần phải so tài. Tôi xin được làm em của Lam tỉ.

Tiểu Muội phản đối:

- Không được, như thế không công bằng. Ta ghét nhất sự bất công.

Lía cười lớn nói:

- Lâm đệ cứ chiều theo ý của Lam muội đi. Cô gái này đã muốn làm cái gì thì chỉ có trời mới cản được.

Trần Lâm nói:

- Thôi được! Nhưng chỉ điểm tới cho biết rồi thôi nhé.

Lam Tiểu Muội cười nói:

- Được, tôi sẽ không làm huynh bị thương đâu. Nào mời!

Trần Lâm nghĩ rằng đây cũng là cơ hội để nhiếp phục mọi người nên lớn tiếng nói:

- Lâm tôi xin nhường tỉ trước năm chiêu. Tỉ cứ ra tay thật tình đừng ngại, vì với chỉ một chiêu phản kích của tôi thôi là tỉ sẽ không còn đường ra tay nữa đâu.

Lam Tiểu Muội trợn mắt nói:

- Nhường trước năm chiêu ư? Ta e rằng sau chỉ ba chiêu là huynh đã bỏ mạng rồi. Đừng quá tự phụ như thế!

Lía cười ha hả nói:

- Lam muội cứ tận sức ra tay đi. Nếu muội đụng được tới chéo áo của Lâm đệ thì ta sẽ thưởng cho.

Lam Tiểu Muội nghe nói chạm tự ái, nàng lớn tiếng:

- Không phải lỗi của muội đó nhé. Ta ra tay đây!

Trần Lâm cười nói:

- Lam tỉ cứ tự nhiên.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx