sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Én Liệng Truông Mây - Hồi 30 - Phần 2

Rời Nước Mặn, Trần Lâm ruổi ngựa lên vùng phủ lỵ Quy Nhơn, vào tửu quán Bên Đường ở chợ rượu Phú Đa mà chàng từng nghe tiếng nhưng chưa lần nào ghé qua. Trong tửu lầu, khách khứa đông nghịt. Họ đang lắng nghe một anh chàng tuổi độ hai lăm thao thao bất tuyệt kể về những chiến tích và lòng hào hiệp của đảng cướp Truông Mây. Anh ta thần thánh hóa những trận đánh của chàng Lía, tưởng chừng như đã tai nghe mắt thấy tất cả. Đến lúc anh ta thuật lại trận đánh giữa Đông Bạch Long và Tây Hắc Hổ, mới thật là ly kỳ, kinh thiên động địa. Trần Lâm ngồi nghe mà trong bụng không khỏi cười thầm cho tài ba hoa của anh ta.

Bỗng nhiên có bốn con ngựa phóng nhanh vào chợ và dừng lại trước quán. Bốn tên thanh niên vận võ phục đen nhảy xuống ngựa bước vào, một tên tiến lại quầy rượu, miệng oang oang:

- Tôi lấy trăm lít rượu loại hôm trước đó, Hồ đại ca nói rượu của quán này ngon hơn các nơi khác. Ông chủ nhớ lấy đúng thứ hôm nọ nhé.

Ba tên còn lại thấy mọi người đang chăm chú nghe kể chuyện cũng xáp vào. Một tên trong bọn thấy tên kể chuyện luôn mồm ca tụng chú Lía và các hiệp sĩ Truông Mây hắn bèn móc túi lấy ra một nén bạc thảy lên bàn trước mặt người kể chuyện nói:

- Thưởng cho ngươi đó!

Anh chàng kể chuyện ngưng lại, ngẩng đầu lên ngạc nhiên hỏi:

- Thưởng cho tôi về việc gì?

- Về việc ngươi biết thưởng thức tài nghệ của thủ lĩnh đại ca và ca ngợi các hiệp sĩ Truông Mây.

Anh chàng kể chuyện cầm nén bạc thảy trả lại nói:

- Tôi kể chuyện cho bà con nghe là do tôi thích kể chứ không phải để xin tiền thưởng. Cảm ơn, anh bạn cất đi.

Tên áo đen nói lớn:

- Ta thưởng thì cứ lấy đi, còn làm bộ làm tịch nữa.

Anh kể chuyện phật ý:

- Tôi không lấy là không lấy, việc gì phải làm bộ với anh bạn?

Tên thứ hai trong nhóm ba người đứng bên nói:

- Năm Dồ, đôi co làm gì, nó không lấy thì mày nhét vào họng nó là xong chứ gì?

Năm Dồ hất hàm hỏi người kể chuyện:

- Mày nghe bạn tao nói không? Mày làm bộ từ chối lần nữa là tao nhét vào họng mày đó. Nhận lấy và kể tiếp cho bà con ở đây nghe đi.

Anh chàng kể chuyện mặt đỏ như gấc chín, đứng lên nói lớn:

- Ta nói không lấy là không lấy! Các ngươi là ai mà bắt người khác phải nghe lời của mình?

Năm Dồ cười ha hả nói:

- Chúng ta là ai hả? Ha ha... là các hiệp sĩ Truông Mây mà nãy giờ ngươi luôn mồm ca ngợi đó. Giờ chịu lấy chưa?

Anh chàng kể chuyện bĩu môi:

- Các ngươi mà là những hiệp sĩ Truông Mây à? Thủ hạ của chú Lía đâu có cái thứ ngang tàng hống hách như các ngươi. Họa ra các ngươi là dư đảng còn sống sót của bọn cướp biển Ngưu Ma vương thì có.

Năm Dồ bị sỉ nhục trước mặt bao nhiêu người, hung tính nổi lên, hắn liền nói lớn:

- Tao không tiện đấm vỡ mặt mày trong quán, mày dám bước ra ngoài sân không?

- Ta sợ gì ngươi mà không dám?

Nói xong anh ta bước ra ngoài sân, hiên ngang đứng chờ. Năm Dồ cũng bước theo sau. Hắn nói:

- Giờ thì tao sẽ đấm bể mặt mày ra cho mày biết các ông là hiệp sĩ Truông Mây thứ thiệt hay giả.

Năm Dồ nhào vô ra quyền đấm thẳng vào mặt anh chàng kể chuyện. Anh ta né người tránh đòn rồi ra chiêu phản công. Anh ta là tay rất khá nên chỉ sau vài chiêu, Năm Dồ đã lãnh trọn một cú đấm vào mặt tá hỏa. Hai tên đồng bọn thấy vậy liền xông vào giúp Năm Dồ tấn công anh chàng kể chuyện. Một chọi ba nhưng anh ta không hề nao núng, tả xung hữu đột trong vòng vây. Tuy thỉnh thoảng anh ta cũng bị trúng đòn nhưng bù lại ba tên áo đen cũng trúng không ít đòn phản công. Tên thứ tư trong bọn sau khi đem mấy thùng rượu treo lên bốn con ngựa liền chạy lại xem. Hắn thấy anh chàng kể chuyện vẫn còn ngoan cường chiến đấu thì nhào vô đánh hùa giúp đồng bọn. Bây giờ thì anh kể chuyện đã kém thế thấy rõ nên bị trúng đòn liên tục.

Đang lúc hai bên ẩu đả túi bụi, bỗng có hai con tuấn mã trên lưng chở một thiếu nữ áo vàng tuổi khoảng mười ba, mười bốn và cô kia trong bộ y phục màu trắng tuổi có vẻ nhỏ hơn đến xem. Trận đấu đương đến hồi kết thúc vì lúc này anh chàng kể chuyện bị trúng đòn liên tục coi bộ sắp mất mạng đến nơi. Thiếu nữ áo vàng thấy cảnh bất bình không nhịn được đã tung mình khỏi ngựa nhảy vào tấn công bốn tên áo đen cứu nguy. Nàng hét lớn:

- Dừng tay! Các người ỷ bốn vây đánh một coi sao cho được?

Bốn tên áo đen thấy kẻ can thiệp là một cô gái trẻ tuổi xinh đẹp thì khoái chí cười to. Chúng dừng tay trố mắt nhìn cô gái, tặc lưỡi không ngớt. Năm Dồ buông lời thô tục chọc ghẹo:

- Này cô em áo vàng, cô em xinh đẹp như vậy các anh làm sao nỡ ra tay? Hay cô em theo bọn anh về Truông Mây tụ nghĩa rồi chúng ta có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu nghen?

Sắc mặt cô gái đỏ lên vì giận. Cô không nói tiếng nào, chỉ thấy tà áo vàng phấp phới, bốn tiếng bốp vang lên liên tục. Năm Dồ lãnh đủ bốn cái tát như trời giáng vào mặt, máu mồm phụt ra mang theo mấy chiếc răng. Lối xuất thủ của cô thật thần tốc, cả bốn tên áo đen và mọi người đứng xem chung quanh đều không thể nhìn thấy cô đã ra tay cách nào. Ai nấy đều vô cùng kinh ngạc. Ba tên còn lại kinh khiếp, biết là đã gặp phải cao thủ nên đồng loạt ra tay tấn công người đẹp. Cô gái tuy dáng người mảnh mai nhưng võ nghệ cao cường. Chỉ trong chớp mắt, cả bốn tên áo đen đã lãnh đủ mấy cú đấm vào mặt, tên nào tên nấy máu mồm máu mũi trào ra như suối. Cả bọn biết không xong liền vội vàng bỏ chạy, phóng nhanh lên lưng ngựa. Một tên muốn giữ thể diện quay lại hăm dọa:

- Con cọp cái ngươi giỏi lắm, tên họ ngươi là gì, một ngày nào đó bọn ta sẽ tìm đến để đòi lại món nợ hôm nay.

Cô gái nhìn theo phủi tay nói lớn:

- Ta là Bùi Thị Xuân ở Xuân Hòa, Tuy Viễn. Muốn báo thù thì cứ tìm đến, bất kỳ lúc nào ta cũng sẵn sàng tiếp đón. Bọn khốn các ngươi về nói lại với chú Lía, nếu còn để thủ hạ ra ngoài phá phách thì có ngày ta tìm đến Truông Mây hỏi tội đó.

Tên nọ nói:

- Giỏi lắm! Hẹn gặp lại!

Rồi cả bọn phóng ngựa chạy mất dạng. Cô gái áo trắng đi cùng bấy giờ mới nói nhỏ:

- Cháu lại gây sự nữa rồi.

Bùi Thị Xuân nói:

- Cô đừng lo, những bọn như thế không cho một bài học không được.

- Nhưng bọn Truông Mây lúc này mạnh lắm, không nên trêu vào.

Bùi Thị Xuân nói:

- Cháu nghĩ bọn này chỉ lén ra ngoài làm bậy thôi chứ kỷ luật Truông Mây nghiêm cấm lâu la ra ngoài hà hiếp dân lành. Có khi chú Lía còn tìm đến cảm ơn cháu nữa là đằng khác.

Cô nói xong cất tiếng cười khanh khách. Nụ cười tươi như hoa, tiếng cười trong như ngọc. Cô phóng người lên ngựa nói:

- Thôi chúng ta đi, đừng để lỡ đêm hát tối nay của Tứ Linh và Nhưng Huy. Lâu lâu mới được phép ra ngoài đó cô.

Hai cô gái liền phóng ngựa chạy đi, không màng đến lời cảm ơn của anh chàng kể chuyện. Trần Lâm nãy giờ vẫn theo dõi diễn biến của sự việc, nhìn thấy lối xuất thủ của cô gái không khỏi kinh ngạc nghĩ thầm: “Lối xuất thủ của thiếu nữ này sao giống với chú Ngô Mãnh, bạn của cha mình ngày trước quá. Từ ngày có biến cố ở Phú Xuân không biết chú ấy đã đi đâu, không chừng thiếu nữ này có quan hệ gì đó với chú ấy cũng nên”. Chàng đang miên man suy nghĩ thì chợt có người từ bên ngoài tửu quán bước vào rồi tiến đến gần chàng nói:

- Lâm huynh! Làm gì mà thơ thẩn như người mất hồn vậy? Nghĩ đến hai vị tiểu thư kia à?

Trần Lâm thoáng giật mình quay lại rồi reo lên:

- Lưu huynh! Anh cũng có mặt ở đây à? Ngồi uống với tôi vài ly.

Người vừa đến chính là Lưu Phương Tích. Chàng ngồi xuống đối diện với Trần Lâm hỏi:

- Lâm huynh đã từ giã Cao gia trang rồi phải không?

Lâm gật đầu:

- Tôi muốn tứ hải vân du để xem mùi thế sự nó biến chuyển lẽ nào.

- Thế sự bây giờ bốc mùi không ngửi nổi. Tôi thật tình chỉ muốn lên tận đỉnh núi cao để cái mũi khỏi phải khó chịu mỗi ngày.

Trần Lâm nghe câu châm biếm của Phương Tích cũng phải phì cười:

- Lên đỉnh núi cao trốn lánh sao bằng xắn tay vào làm cho cái mùi khó ngửi kia trở thành hương hoa buổi sáng để trăm họ được thơm lây?

Phương Tích uống cạn chung rượu Trần Lâm vừa rót ra, vỗ tay đánh đét một cái nói:

- Có chí khí! Nếu huynh xắn tay lên thì tôi cũng xin vén áo để hỗ trợ. Chúng ta nâng chén uống cho câu nói vừa rồi.

Hai người nâng chung rượu lên cụng vào nhau rồi uống cạn. Trần Lâm hỏi:

- Lưu huynh biết hai cô gái lúc nãy chứ?

- Biết! Cô áo vàng là Bùi Thị Xuân, cô áo trắng là cô ruột của cô ta, Bùi Thị Nhạn. Họ Bùi là dòng họ lớn, rất giàu có ở đất Tây Sơn này.

- Cô Xuân này còn trẻ mà võ nghệ thật cao cường, huynh có biết sư phụ của cô ta là ai không?

- Nghe đồn rằng từ bé cô Xuân đã được một bà lão bí mật truyền thụ võ công cho. Sau bà lão tự dưng biến mất, không biết đi đâu. Mấy năm trước đây, Bùi ông lại mời được một ông thầy võ rất nổi danh về tiếp tục dạy cho cô ta.

- Huynh có biết ông thầy võ đó tên gì không?

- Nghe đâu là Ngô Mãnh, ông ta trước kia vốn là hữu hộ vệ của Hình bộ, sau Tôn Thất Dục bị oan án nên ông ta dẫn theo đứa cháu nhỏ là Ngô Văn Sở lưu lạc khắp nơi, không hiểu sao lại được họ Bùi mời về làm gia sư.

Trần Lâm nghe nói mừng thầm trong bụng: “Đúng là Ngô thúc đã lưu lạc vào đây. Tiếc là mình không tiện bày tỏ thân thế lúc này. Thôi cứ để sau này hẵng tính”. Chàng đổi đề tài câu chuyện:

- Lưu huynh dự định sẽ làm gì?

- Tôi còn một ít việc gia đình phải giải quyết. Lâm huynh định đi đâu?

- Tôi muốn lên vùng Tây Sơn để thăm qua vùng đất mà đã nghe rất nhiều người cho là chốn địa linh của xứ sở này.

- Hay đấy! Anh nên lên đó xem qua cho biết. Nhà tôi ở Nhơn Thành, tháng sau công việc của tôi xong rồi, anh có việc gì cần đến tôi cứ ghé lại, tôi sẽ tháp tùng cùng anh.

- Lúc nãy nghe Bùi Thị Xuân nói tối nay có hát bộ ở đâu đó, tôi muốn đi coi cho biết. Từ lâu vẫn nghe nói về bộ môn nghệ thuật đặc sắc này của phủ Quy Nhơn mà chưa được thưởng thức qua.

- Nếu vậy tối nay tôi sẽ đưa anh đi. Gánh Tứ Linh và Nhưng Huy là gánh hát nổi tiếng nhất ở phủ nhà đấy.

- Tuyệt! Nhưng sao lại gọi bộ môn nghệ thuật này là hát bộ, có phải vì khi hát diễn viên phải làm điệu bộ theo câu hát nên mới gọi thế không?

Phương Tích mỉm cười đáp:

- Đại đa số bà con đều nghĩ như vậy nhưng thật sự thì không đúng. Hát bội chứ không phải là hát bộ. Đó là bộ môn hát tuồng đã có từ xưa của nước ta, nhưng về sau mới được ngài Lộc Khê Đào Duy Từ, một vị kỳ nhân đời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đặt lại nền móng, kết hợp nghệ thuật tuồng du nhập từ Trung Hoa cổ xưa với lối hát cung đình của Chiêm Thành mà tạo ra nét đặc trưng cho bộ môn hát bội đặc biệt của phủ Quy Nhơn ta.

- Ra là thế. Nghe nói ngài Lộc Khê Đào Duy Từ còn viết cuốn binh thư Hổ Trướng Khu Cơ nữa. Lưu huynh là người uyên bác, không biết có lưu giữ được bản nào không?

Phương Tích nở nụ cười đắc ý nói:

- Anh gãi đúng chỗ ngứa của tôi rồi đó. Tôi hiện đang giữ một bản, tôi coi nó như vật gia bảo của mình, nhưng tôi sẽ tặng cho anh.

Trần Lâm vội nói:

- Vật gia bảo của anh mà đem tặng cho tôi sao được?

- Ậy, ngựa hay tặng tráng sĩ, kiếm báu tặng anh hùng. Tôi giao du rất rộng nhưng nhìn lại chỉ có anh là người xứng đáng để giữ cuốn sách này, anh không cần e ngại. Lát nữa ghé nhà tôi trước rồi tiện thể đi coi hát bội luôn.

Trần Lâm mừng rỡ nói:

- Nếu vậy thì tôi xin cảm ơn anh. Đêm nay họ hát ở đâu?

- Trong sân chầu của thành Đồ Bàn cũ. Nhà tôi gần đó.

- Vậy thì hay quá! Tôi đang muốn ghé thăm ngôi thành đó để xem chứng tích của một dân tộc, một triều đại huy hoàng xưa, nay như thế nào.

Phương Tích thở dài cảm khái:

- Thương hải biến tang điền! Cả một thời huy hoàng của một đế chế hùng mạnh nay chỉ còn lại một tòa thành hoang phế.

Rồi chàng uống cạn chung rượu, khà một tiếng cao giọng ngâm:

Tà dương đình mã vọng,

Vô hạn phế hưng tình.

Viên uyển tăng vi tự

Cung đình mục tự canh.

Tàn sơn dư cổ tháp

Thặng thủy thoán hoang thành.

Thần đạo nguyên vô cứ,

Tây quan mạn khắc minh.

Tạm dịch:

Chiều tà dừng ngựa, trông,

Hưng phế man mác lòng.

Vườn hoa sư thờ Phật,

Cung điện hóa thành đồng.

Núi mòn trơ cổ tháp,

Nước úng đọng quanh thành.

Đạo thần vốn huyền nhiệm,

Ải Tây ghi bài minh.

Trần Lâm khen:

- Bài thơ của Lưu huynh man mác tình hoài cổ. Tuyệt!

Phương Tích vội xua tay nói:

- Không phải của tôi đâu, của dật sĩ Ngô Thế Lân ở Vu Lai đó. Người này là một dị sĩ thời nay, tài chẳng kém La Sơn Phu Tử nhưng chính khí vời vợi nên nhất định lánh đời không chịu ra làm quan. Nhân năm kia ông có ghé qua Đồ Bàn, thấy cảnh hoang phế của cố đô mà chạnh lòng viết ra bài “Quá Đồ Bàn cố thành hoài cổ” này.

- Giao tình của anh với ông ta thế nào?

- Chỉ là chỗ sơ giao, bình thủy tương phùng.

- Những người như thế không quen biết được quả là điều đáng tiếc.

- Có dịp chúng ta cùng nhau ra Hóa Châu tìm thăm ông ta. Đó là một nhà dịch lý uyên thâm bậc nhất mà tôi từng biết. Thôi chúng ta đi.

Đêm đó, họ ghé sân chầu của thành Đồ Bàn xem hát bội. Gánh hát diễn vở “Phụng Nghi Đình”. Ở đoạn kết, lúc Đổng Trác bị giết, bà con bên dưới ai nấy đều nức lòng hả dạ và chỉ mong sao tên Quốc phó Trương Phúc Loan cũng chết đi cho bá tánh được an thân.

Sau khi xem hát, Phương Tích mời Trần Lâm về nhà, giữ chàng ở lại đó mấy hôm. Phương Tích sống cô độc một mình vì cha mẹ chàng đã lần lượt qua đời mấy năm trước sau cơn bạo bệnh. Suốt những ngày đó, cả hai đem cuốn binh thư Hổ Trướng Khu Cơ của Đào Duy Từ ra cùng nhau tham khảo và bàn luận. Những lý luận sâu sắc của Trần Lâm trong cách phân tích cả ba thiên “Thiên, Địa, Nhân” mà Đào Duy Từ đã viết khiến cho Lưu Phương Tích vô cùng thán phục.

Từ giã Phương Tích, Trần Lâm thả ngựa dạo khắp phủ lỵ Quy Nhơn. Đợi trăng lên, chàng dừng chân ghé thăm bến My Lăng huyền thoại, nơi mà hơn ba trăm năm trước đã có một chàng kiếm khách đất Thăng Long bỏ nước vào đất Chiêm, ẩn thân làm gã lái đò để bảo vệ cho Huyền Trân Công chúa. Cũng nhờ vào tấm tình si ấy, chàng kiếm sĩ đã kịp thời báo về Thăng Long để triều đình nhà Trần có kế hoạch cứu Công chúa Huyền Trân thoát khỏi nạn bị hỏa thiêu theo chồng là vua Chiêm Chế Mân. Bến cũ còn đây, người xưa đâu tá? Chỉ còn lại dòng nước Côn Giang lạnh lùng trôi dưới ánh trăng vàng, giữa đôi bờ cỏ cây hoang dại. Bên kia bờ, con đò cô độc của ai đó cắm giữa dòng sông như đang say giấc điệp. Lòng chàng dạt dào cảm khái bèn cất cao tiếng hát lồng lộng giữa đêm trăng:

Côn Giang hề!

Giang thủy biếc! Giang  nguyệt lung!

Chảy về đâu? Đâu hỡi bóng anh hùng?

Nguyệt mãn hề! Mộng xưa sao cứ khuyết?

Sóng gợn hề! Sao lửa dậy không trung?

Dạo Côn Giang, tuấn kiệt xưa mấy kẻ

Mà đêm nay thiếu vắng một tri âm

Đời loạn lạc ngoài kia dâu với bể

Dòng Côn Giang trôi mãi với thăng trầm.

Dịch nghĩa:

Ôi dòng Côn Giang!

Nước xanh biếc! Ánh trăng lung linh!

Nước chảy về đâu? Đâu bóng anh hùng?

Vầng trăng đầy sao mộng xưa cứ khuyết?

Sóng Côn Giang vẫn gợn sao lửa khói điêu tàn dậy không trung?

Trên bờ Côn Giang xưa hào kiệt biết bao người đã từng dạo bước, mà đêm nay lại thiếu vắng một tri âm.

Đời vẫn còn loạn lạc, dòng Côn Giang đã chứng kiến biết bao cảnh thăng trầm.

Bỗng có tiếng ngâm vang lên từ chiếc thuyền con bên kia bờ sông:

Lạc hoa lưu thủy tự nhiên tình

Suy thịnh tồn vong tạo hóa sinh

Mạc vấn vô tâm chung đỉnh sự

My Lăng Điếu Tẩu mộng Trang Sinh.

Dịch nghĩa:

Hoa rơi, nước chảy là cái tình của tự nhiên

Suy thịnh còn mất là lẽ của tạo hóa khi sinh ra vạn vật

Đừng hỏi vì sao không lưu tâm đến chuyện chung đỉnh

Lão câu cá bến My Lăng mộng thấy Trang Sinh.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx