sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Én Liệng Truông Mây - Hồi 32 - Phần 1

HỒI THỨ BA MƯƠI HAI

Đao vô ảnh Thiên Tường báo thù cha

Tặng thần kiếm liên minh bản Đá Vách

Hôm sau, Lía, Trần Lâm và một thủ hạ thân tín của Lía tên Triệu Thiên Tường lên đường đi bản Đá Vách. Họ dùng ngựa đi xuyên qua núi An Lão, theo đường thượng đạo để đến Thạch Bích Sơn. Mấy đời Chúa Nguyễn từ khi vào Nam, vì đường liên trạm chính dưới đồng bằng tuy tiện lợi nhưng lại gặp nhiều sông lớn nên đã cho mở thêm con đường thượng đạo này. Đường chạy dọc theo miền núi từ Nghệ An vào Tây Sơn thượng, nối dài đến tận Diên Khánh. Con đường này cũng giúp cho việc giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa người Kinh và người Thượng hay người Man trên các miền cao được thuận lợi hơn.

Dọc đường, Lía bỗng lên tiếng:

- Lâm đệ này, cô Tiểu Hồng họ Cao ở Quy Nhơn vừa xinh đẹp, phúc hậu, tài hoa lại vừa giàu có nữa. Hình như cô ta có mối cảm tình đặc biệt với đệ phải không?

Trần Lâm ngạc nhiên:

- Sao đại ca biết nàng có cảm tình đặc biệt với đệ?

- Hôm đó khi đệ sẩy chân, chỉ nghe tiếng la hoảng của nàng, ta đã đoán ra rồi. À này, sao đệ lại bỏ nơi phúc ấm đó mà đi vậy? Không có chút rung động nào với mỹ nhân ư?

Trần Lâm thở dài nói:

- Vì đệ còn mắc một lời thề. Chừng nào chưa làm nên công trạng gì thì chưa thể vướng víu những ân tình nhi nữ.

- Quả là trang nam tử! Thảo nào đệ vì việc Truông Mây mà không một phút giây ngơi nghỉ. Đáng tiếc đại ca ngu dốt, không thể nào đỡ đệ một tay được. Thật là vô dụng!

- Đại ca đừng nói vậy. Cái hữu dụng của đại ca còn lớn hơn của đệ gấp nhiều lần. Đại ca thử nghĩ xem, không có đại ca thì có Truông Mây ngày nay không?

Triệu Thiên Tường giờ mới lên tiếng:

- Đúng vậy!

Lía cười ha hả, quay sang Thiên Tường:

- Cả tên câm này cũng biết lên tiếng đồng ý nữa ư? Ha ha, các người đừng có hùa nhau cho người đại ca này ăn bánh vẽ đó nhé.

Trần Lâm đổi đề tài câu chuyện:

- Đại ca năm nay cũng lớn tuổi rồi, đã đến lúc Truông Mây phải có một áp trại phu nhân. Đại ca nghĩ có phải không?

Thiên Tường lại lên tiếng:

- Đúng vậy!

Lía lại cười ha hả, tiếng cười vang động cả núi rừng:

- Làm trai chỉ sợ không xong việc lớn, lo gì không có đàn bà.

Trần Lâm bỗng lên tiếng gọi Lía:

- Đại ca, tiểu đệ có điều này cần xin lỗi với đại ca.

Lía ngạc nhiên hỏi:

- Đệ có lỗi gì với ta mà phải xin lỗi?

- Đệ chưa nói với đại ca là cha của đệ hãy còn sống.

- Thế à? Thật là đáng mừng! Chúc mừng đệ! Thúc thúc bây giờ ở đâu? Sao lâu nay đệ không đưa người về đây sống với chúng ta?

- Đệ có một nỗi khổ tâm riêng nên thời gian qua chưa dám về gặp cha. Nhưng sau khi việc ở Đá Vách hoàn thành, đệ sẽ trở về tìm người.

- Nên lắm! Nhưng nỗi khổ tâm đó đại ca có thể chia sớt được không? Nếu đệ không muốn nói cũng không sao. Đại ca chỉ quan tâm đến đệ mà thôi.

Trần Lâm đưa mắt nhìn xa xăm như hồi tưởng lại cái dĩ vãng đau buồn, một lát sau chàng kể:

- Đệ có một đứa em gái rất xinh và rất ngoan, vì mẹ mất sớm nên hai anh em thương nhau lắm. Năm đệ mười tuổi, đệ đã lỡ tay làm chết đứa em gái của mình. Vì sợ cha bắt tội nên đệ đã bỏ nhà đi. Cha đệ xuất thân là võ tướng, chí thì cao nhưng sinh bất phùng thời nên quan trường lận đận, võ tướng trở thành điếu đồ nam hải. Do đó, người đã dạy dỗ anh em đệ nghiêm khắc lắm. Trong một phút thiếu suy nghĩ, đệ đã trốn lên đoàn thuyền buôn của chú Lê Trung đang từ Thuận An đi vào Quy Nhơn. Từ đó đệ lênh đênh hồ hải, vừa lo sợ vừa hối hận nên đã lập lời thề là ngày nào còn chưa thành danh để bù đắp phần nào lỗi lầm xưa thì chưa về gặp mặt cha.

Lía gật gù tỏ vẻ thông cảm:

- Thảo nào... Không ngờ gia đình đệ lại có những chuyện đắng cay như thế. Nhưng không đắng cay sao thành anh hùng được phải không? Như Tường đệ đây, cảnh ngộ của hắn cũng thê thảm chẳng kém gì đệ.

Trần Lâm nhìn sang Thiên Tường:

- Từ lâu thấy đệ rất kiệm lời, suốt ngày trầm mặc, huynh cũng đoán ra có lẽ đệ đã trải qua những nghịch cảnh trong đời. Huynh có thể chia sẻ cùng đệ không?

Lía nói:

- Chia sẻ cùng hắn thì được thôi, nhưng bắt hắn mở miệng kể thì không xong đâu. Để đại ca thay hắn kể cho Lâm đệ nghe vậy.

Thiên Tường ậm ừ:

- Cảm ơn đại ca.

Ba con ngựa chầm chậm lúc leo dốc khi xuống đồi và giọng Lía cũng vang lên kể đâu đuôi lại chuyện của người cận vệ của mình.

Thiên Tường vốn con nhà giàu có, cha là Triệu Dõng xuất thân nghèo khó nhưng lại có hai bàn tay tuyệt khéo, đặc biệt là điêu khắc, chạm trổ trên đồ gỗ nên được nhận làm thợ chính cho một trang trại gỗ ở gần huyện thành Phù Ly. Nhờ hai bàn tay khéo léo của Triệu Dõng mà các mặt hàng bàn ghế, tủ thờ... của trang trại gỗ làm ăn rất phát đạt, danh tiếng khắp cõi Nam hà. Trại chủ là Lê Lập vốn thuộc dòng dõi Lê Bang, con rể tướng Lê Sát, một đại công thần nhà Lê. Sau Lê Sát vì lộng quyền bị vua Lê Thái Tông xử tử, Lê Bang bị đày đi biệt xứ, con cháu lưu lạc vào vùng Phù Ly lập nghiệp. Tính đến Lê Lập, nay đã tám đời. Lê Lập vốn người nhân đức nhưng hiếm muộn con. Khi sinh được đứa con gái duy nhất là Lê Ngọc Loan thì năm năm sau vợ ông ta mất. Ngọc Loan càng lớn càng xinh đẹp, Lê Lập quý nàng như ngọc, thấy Triệu Dõng giỏi giang hiền lành nên gả Ngọc Loan rồi giao cho trông coi việc kinh doanh của trang trại. Hai năm sau họ sinh ra Thiên Tường, khi cháu ngoại được ba tuổi thì Lê Lập mắc bệnh qua đời. Triệu Dõng chính thức thừa hưởng gia sản của nhà vợ.

Triệu Dõng có một người bạn cùng quê tên Nguyễn Dao, chơi thân với nhau từ bé. Dao là người lanh lợi, có tham vọng nhưng vì nghèo lại không gặp thời nên luôn đụng phải cảnh trớ trêu, thất bại. Hắn thường trách trời cao và tỏ ý không cam tâm. Có một dạo hắn bỏ đi theo một người Tàu mãi võ kiếm sống và được chân truyền các môn quyền cước, kiếm pháp từ người thầy Tàu này. Sau ba năm lưu lạc hắn lại tay trắng trở về, chỉ được một thân võ nghệ. Triệu Dõng được cha vợ giao cho trông coi trang trại, ông đã tìm cách giúp Dao mở một cửa hàng bán đồ gỗ gia dụng. Công việc của Dao tiến triển tốt đẹp khiến mối giao tình giữa hai người càng trở nên khăng khít. Họ coi nhau như anh em ruột.

Không may, một hôm cả cửa hàng của Dao bị hỏa hoạn, bao nhiêu đồ gỗ bị thiêu rụi thành tro. Dao trở thành trắng tay, chưa kể đến số nợ tiền hàng đã lấy từ trang trại của Dõng. Thương bạn, lúc ấy Lê Lập cũng đã qua đời, Triệu Dõng bèn kêu Dao về ở luôn nơi trang trại để giúp mình quản lý mọi việc. Mỗi ngày cứ đến tối là hai người thường ngồi lại với nhau uống vài chung rượu để thảo luận công việc kinh doanh. Dõng quen với sở thích của cha vợ, thích uống rượu Bàu Đá loại một ở sông Côn ngâm thuốc bắc và côn trùng. Rượu được ngâm trong bình lớn, giấu dưới hầm lâu năm, mỗi lần trích ra vào bình nhỏ đủ để uống trong bảy ngày.

Cửa hàng thuốc Bắc nằm gần cửa hàng đồ gỗ của Dao lúc trước, do một người Hoa làm chủ, là chỗ quen biết vì đã cung cấp thuốc Bắc cho nhà họ Lê từ nhiều năm nay. Qua chủ tiệm thuốc Bắc, Dao có quen một số thương nhân người Hoa từ Trung Quốc sang. Một trong số đó có tên rất rành về độc dược. Dao gạ gẫm và nhờ tên đó mua cho hắn một số độc dược đặc chế ở Miêu Cương, có độc tính cao nhưng phát tán chậm.

Một hôm có công việc phải giao cho Nguyễn Dao đi xa. Trước khi đi, hắn đã lén bỏ thuốc vào bình rượu đã trích ra rồi mới lên đường. Triệu Dõng vẫn giữ thói quen uống rượu hàng đêm của mình. Một tuần sau, bình rượu vừa hết, Triệu Dõng thay bình khác thì chất độc cũng bắt đầu phát tác. Cơ thể ông bải hoải như mất hết khí lực, không thiết ăn uống, tim đập yếu dần rồi từ từ hôn mê. Ngọc Loan chạy chữa hết cách nhưng sau hai tuần, Triệu Dõng qua đời. Các thầy thuốc đều cho rằng ông bị ngộ độc nhưng là độc gì thì họ không biết. Khi Nguyễn Dao xong việc ở xa về, hay tin Triệu Dõng chết, hắn ôm thây kêu gào thảm thiết khiến ai nấy đều cảm động. Triệu Thiên Tường theo đám tang chôn cha mình lúc cậu mới mười tuổi. Từ đó, mọi việc kinh doanh giao vào một tay Nguyễn Dao coi sóc, vài ba ngày hắn lại tìm gặp Ngọc Loan để báo cáo công việc.

Cái chết kỳ lạ của chồng khiến Ngọc Loan nảy sinh nhiều nghi vấn. Nhà họ Lê truyền đời rất nhiều sách vở để lại cho con cháu. Trong đó có cả bộ sách võ học gia truyền mà nhờ đó ngày xưa Lê Sát đã trở thành vị tướng lãnh bậc nhất của Lê Lợi. Bộ sách bao gồm kiếm phổ Lôi phong kinh điện, côn pháp và Vô ảnh phi đao bí lục. Từ khi Thiên Tường lên bảy, Ngọc Loan đã mướn võ sư về dạy cho con. Rồi tám tuổi, bà bắt đầu đem kiếm phổ gia truyền cho Thiên Tường học. Họ Lê vì chuyện Lê Sát ngày xưa bị xử tử nên đã chán đường võ nghiệp và quan trường, con cháu dù có luyện võ cũng chỉ để phòng thân. Ngọc Loan là phận gái, lại con một nên Lê Lập không cho học võ, nhưng lý thuyết môn võ gia truyền bà nắm rất vững. Thiên Tường được di truyền đôi tay khéo léo của cha nên cậu ta có vẻ thích thú nhất môn phi đao.

Trong tủ sách của gia đình cũng có một cuốn sách thuốc, nói về y lý và các phương thuốc chữa bệnh cùng các loại độc từ động thực vật. Tuy Ngọc Loan đã nghiên cứu sách này từ lâu nhưng cũng không thể nào đoán ra được chất độc mà chồng bà trúng phải là loại gì. Dẫu trong lòng ngờ vực nhưng bà vẫn im lặng, không tỏ vẻ gì là đang cố truy cứu nguyên nhân cái chết của chồng. Hai năm trôi qua, Nguyễn Dao tỏ ra rất trung thực trong công việc kinh doanh cũng như chăm sóc cho Ngọc Loan cùng Thiên Tường rất chu đáo. Nhưng càng ngày, hắn càng lộ rõ mối quan tâm đối với Ngọc Loan. Dù vậy, bà vẫn rất khôn khéo tránh né. Bà giao hẳn công việc kinh doanh cho Dao, chỉ chuyên tâm dạy Thiên Tường học chữ lẫn học võ.

Trong số gia nhân của nhà họ Lê có tên Trương Tam, hắn vốn là một đứa trẻ mồ côi nghèo kiết xác nên trở nghề ăn trộm nuôi thân. Một hôm, hắn đi ăn trộm bị chủ nhà phát giác. Vì nhà này năm trước đã bị mất trộm một vố khá lớn nên đề phòng rất kỹ, chủ nhà lại giỏi võ nữa. Hắn bị chủ nhà đánh một trận tưởng chết rồi đem quăng xác ra đồng vắng. May cho hắn, sáng hôm ấy Lê Lập có việc đi ngang, thấy hắn còn thoi thóp thở bèn mang về nhà thuốc thang cứu chữa. Hắn như người chết đi sống lại, dập đầu lạy Lê Lập xin làm phận tôi đòi để đền ơn. Lê Lập thương tình cho hắn ở lại trông coi việc bếp núc trong trại.

Từ đó, Trương Tam thay đổi hẳn, trở thành một người tốt. Hắn hết mực trung thành và quán xuyến mọi việc rất chu đáo. Ngọc Loan coi hắn như cha chú, hắn cũng thương yêu bà rất mực. Nhìn quanh trong đám gia nhân, Ngọc Loan thấy chỉ còn mỗi Trương Tam là người có thể tin cậy được, bà kín đáo nhờ hắn dò hỏi xem những người Hoa đi lại với tiệm thuốc Bắc có nhân vật nào hiểu biết về chất độc không. Trương Tam ngày xưa vốn là tay lang bạt kỳ hồ nên rất khôn khéo. Hắn dùng đủ trăm phương ngàn kế, cuối cùng cũng biết được chủ tiệm thuốc Bắc có người khách chuyên cung cấp hàng cho tiệm, rất sành về độc dược. Người này thường liên hệ với thổ dân Miêu Cương để mua các vị thuốc độc. Nhưng hai năm nay không thấy hắn cung cấp hàng nữa, nghe đâu hắn bị mất tích rồi.

Nghe đến hai chữ Miêu Cương, Ngọc Loan mới nhớ ra khi xưa cha bà có nhắc đến một chất kịch độc vô cùng lợi hại của xứ ấy có tên là Thất nhật tiêu tâm tán. Loại độc này uống vào sau bảy ngày mới phát tác, khi phát tác thì tim phổi bị phá hủy dần rồi sau bảy ngày nữa mới tắt thở, không thuốc gì có thể chữa được. Bà ngấm ngầm suy xét lại các sự việc, từ lúc Nguyễn Dao ra đi cho đến lúc hắn trở về và những gì hắn có được ngày hôm nay, từ đó bà đoan chắc rằng Dao có liên quan đến việc này. Bà bắt đầu lập ra kế hoạch theo dõi.

Trước tiên, bà tỏ ra thân mật với hắn, cùng hắn lo toan công việc. Dao ngỡ là Ngọc Loan sau ba năm thủ tiết đã bắt đầu có tình ý với mình nên hắn càng tỏ rõ ý muốn cưới bà làm vợ. Bà tìm cách đẩy đưa để hắn khỏi nghi ngờ. Một đêm kia, tình cờ bà nghe lén được cuộc nói chuyện của hắn với một tên lạ mặt, giọng nói lơ lớ như người Hoa, trên má phải có một vết sẹo như vết chém. Qua cuộc trao đổi của hai người, bà biết ra chính tên này là kẻ đã bí mật thủ tiêu người Hoa bán thuốc độc ngày xưa theo lệnh của Dao. Họ còn tiếc rẻ vì đã hết thuốc để đầu độc Thiên Tường vì nếu cậu ta chết đi thì cả cái gia tài này cùng Ngọc Loan sẽ hiển nhiên thuộc về tay hắn một cách danh chính ngôn thuận. Tên mặt sẹo bàn kế tìm cách khác giết Thiên Tường.

Nghe đến đây, Ngọc Loan liền về phòng, đêm đó chuẩn bị sẵn ít hành trang. Hôm sau, bà bí mật sai Trương Tam giấu hành lý và hai con ngựa ở một nơi rồi nói dối với Nguyễn Dao là đưa Thiên Tường đi thăm mộ Triệu Dõng. Nguyễn Dao chẳng chút nghi ngờ gì. Hai mẹ con bà đến nơi hẹn, bảo Trương Tam trở về trang trại dòm ngó mọi việc rồi lên ngựa phóng về miệt núi rừng Vĩnh Thạnh, Kim Sơn bỏ trốn. Hai mẹ con tìm một khu đất gần con suối lớn cất nhà ở đó. Cuộc sống của hai người rất vất vả. Thiên Tường đôi lúc hỏi mẹ vì sao lại phải chọn miền rừng núi xa xôi đầy cọp beo này ẩn lánh, Ngọc Loan trả lời vì con người ngoài kia có lẽ còn độc ác hơn cả cọp beo ở đây. Sau đó, bà kể cho Thiên Tường biết mọi việc.

Từ khi biết kẻ hại chết cha mình để đoạt tài sản, Thiên Tường đã cố công ngày đêm luyện tập võ nghệ. Ngoài những lúc phụ mẹ trong việc sinh nhai, cậu chuyên tâm vào việc phóng phi đao. Cậu làm một hình nhân Nguyễn Dao rồi ngày ngày tập phóng vào tim hắn. Thiên Tường còn tập phóng cả trong bóng tối. Ba năm sau, tay kiếm của Thiên Tường đã thuộc hàng cao thủ. Riêng tuyệt nghệ phóng phi đao đã trở nên bách phát bách trúng dù là trong đêm tối hay nhắm mắt, xoay lưng. Ngọc Loan thấy con mình tài nghệ đã thành, cũng muốn tìm cách trở về trả thù nhưng còn do dự vì bà lo sợ võ nghệ của Nguyễn Dao cao cường, giờ chắc hẳn hắn còn có nhiều thủ hạ theo bên. Bà hẹn với Thiên Tường nửa năm nữa, chờ đến ngày giỗ cha cậu thì sẽ về giết kẻ thù để tế chồng và cha.

Nhưng trời không thương kẻ hiền, một hôm Thiên Tường vì mải đuổi theo một con nai bị thương nên về nhà trễ. Khi vác con nai về đến nhà, chàng nhìn thấy xác mẹ đang bị một con cọp lớn xé ăn. Cậu gầm lên một tiếng và phóng một loạt phi đao vào mắt tai mũi... con cọp. Con cọp ngã lăn ra chết. Thiên Tường cũng ôm thi hài mẹ khóc đến ngất xỉu. Tỉnh dậy, Thiên Tường lo việc tẩm liệm mẹ, khóc liền ba ngày đêm nữa rồi mới đem chôn. Cậu tìm một khúc gỗ cẩm lai khắc thành một bức tượng bán thân cho mẹ rồi đặt tượng trước mồ. Việc khắc tượng cho mẹ từ đó như trở thành thói quen của cậu. Suốt ngày, cậu câm như hến, trên tay lúc nào cũng có một mẫu gỗ nhỏ và cây liễu diệp phi đao. Con dao nhỏ đó khi hữu sự sẽ cắm thẳng vào tim địch thủ trong chớp mắt. Thiên Tường ở lại canh mộ mẹ ba tháng, sau đó lên đường trở lại Phù Ly tìm Nguyễn Dao.

Trang trại mộc bây giờ đã khang trang hơn ngày xưa nhiều. Nguyễn Dao là người lanh lợi lại nhiều tham vọng và mánh lới nên đã mua chuộc quan trên, mở rộng kinh doanh về nhiều phương diện khác. Hôm Thiên Tường trở về cũng là ngày Nguyễn Dao làm lễ thọ tứ tuần của hắn. Trang trại có mặt rất nhiều nhân vật thế lực trong phủ Quy Nhơn như quan trấn thủ Hoàng Công Đức, quan huyện Phù Ly, những nhà doanh thương lớn ở Phù Ly, Bồng Sơn và nhiều hào khách giang hồ. Bấy giờ, dưới tay Nguyễn Dao có rất nhiều thủ hạ võ nghệ cao cường để bảo vệ các việc làm ăn phi pháp của hắn. Từ ngày Ngọc Loan dẫn con bỏ trốn, hắn đã cho người dò tìm khắp nơi nhưng không thấy tung tích. Bây giờ bên cạnh hắn đã có một thiếu nữ khoảng hai mươi lăm tuổi tên Quỳnh Dao, rất xinh đẹp. Nàng ta là người mà hắn đã chuộc ra từ một kỹ viện ở ngoài Phú Xuân và cưới về làm vợ. Sắc đẹp của nàng đã thu hút ánh nhìn tham lam của Hoàng Công Đức. Lão ta vừa len lén ngắm nàng vừa nuốt nước bọt. Đôi lần, nàng cũng nhìn lại lão bằng ánh mắt thu hồn và hé nụ cười thật xinh, thật khêu gợi khiến lão càng hồn xiêu phách lạc.

Khi mọi người nâng ly chúc mừng Nguyễn Dao thì Thiên Tường xuất hiện. Chàng đánh ngã mấy tên gác cửa rồi ung dung bước vào, chậm rãi lên tiếng:

- Thiên Tường xin chúc mừng Dao thúc thúc thọ tỉ nam sơn, phước như đông hải.

Tất cả mọi người đang có mặt trong phòng đều lộ vẻ ngạc nhiên quay ra nhìn chàng thanh niên mới bước vào. Thiên Tường mặt lạnh như tiền, tia mắt sắc như dao. Nguyễn Dao nhìn thấy Thiên Tường thì hết sức bất ngờ, nhưng vốn là người gian ngoan trầm tĩnh nên sau một thoáng giật mình, hắn đã đứng lên làm bộ vui mừng nói lớn:

- Kìa cháu Thiên Tường đó ư? Bốn năm năm nay cháu và mẹ cháu đã đi đâu làm thúc tìm hoài không thấy. Cháu đã trưởng thành như thế này rồi à? Nay cháu trở về thì hay quá, đỡ cho thúc khỏi phải lo lắng trông coi trang trại này nữa rồi. Còn mẹ cháu đâu? Cháu đến đây để thúc giới thiệu với mọi người.

Rồi hắn quay sang các thực khách nói:

- Xin giới thiệu với quí vị, đây là cháu Thiên Tường, con của nghĩa huynh Triệu Dõng của tại hạ. Bấy lâu nay tại hạ ra sức trông nom trang trại này là cũng để chờ cháu Tường cùng tẩu tẩu Ngọc Loan trở về mà giao lại.

Hắn quay sang Thiên Tường nói tiếp:

- Cháu đã trở về thì từ nay ở lại đây để quản lý cơ nghiệp của cha cháu. Mà tẩu tẩu đâu sao không thấy về cùng? Thúc thật là nhớ mong hai người.

Hắn nói một hơi dài, mặt lộ vẻ vui mừng, đứng dậy toan bước đến thì Thiên Tường đã giơ tay ra dấu cản lại:

- Thúc thúc cứ ngồi xuống đó đi đã. Cháu cảm ơn sự quan tâm của thúc thúc về mẹ con cháu, cũng như công sức của thúc thúc đã làm cho trang trại họ Lê này lớn mạnh hơn xưa. Đáng tiếc mẹ cháu đã bị cọp xé xác rồi.

Giọng Thiên Tường hơi nghẹn lại. Nguyễn Dao và mọi người đều ồ lên kinh ngạc. Hắn hỏi gấp:

- Cháu nói sao? Mẹ cháu bị cọp ăn à? Mà vì sao? Tại sao hai mẹ con cháu không dưng lại bỏ đi để đến nỗi gặp tai hoạ này?

Thiên Tường dằn cơn xúc động, nét mặt trở lại vẻ lạnh lùng nói:

- Mẹ cháu cho rằng thà vào rừng sống với cọp còn hơn là ở bên cạnh thúc thúc. Trước sau gì mẹ con cháu cũng sẽ như cha cháu mà chết vì Thất nhật tiêu tâm tán thôi.

Mặt Nguyễn Dao thoáng tái đi, nhưng hắn lấy lại bình tĩnh rất nhanh:

- Cháu đang nói bậy gì đó? Tại sao cháu lại có thể có ý nghĩ điên rồ như vậy? Cha cháu với ta tình như anh em ruột, ta lẽ nào...

Thiên Tường cướp lời:

- Chính vì tình như anh em ruột mà thúc thúc còn dám ra tay đầu độc bằng thứ thuốc độc Thất nhật tiêu tâm tán của Miêu Cương để đoạt gia tài này thì mẹ con cháu có sá gì? Vì vậy mẹ cháu mới dẫn cháu trốn vào rừng để tránh cái họa nhổ cỏ tận gốc.

Mặt Nguyễn Dao đỏ dần lên:

- Ở đây có cả quan trấn thủ Quy Nhơn, cháu đừng có điên khùng nói bậy. Bằng cớ gì mà cháu dám nói lên những lời vừa vô căn cứ vừa độc ác như vậy?

Thiên Tường chỉ người đang ngồi bên cạnh Nguyễn Dao hỏi:

- Xin hỏi thúc thúc, người có vết sẹo bên má phải này là gì của thúc thúc?

- Đây là Dư Thiết Thạch, bạn thân thiết của thúc, từng là đường chủ phân đường Quảng Tây của Thiên Địa Hội, hiệp danh Quỷ Kiếm Sầu một thời lừng lẫy khắp vùng Giang Nam. Tại sao cháu lại hỏi đến Thạch huynh?

Thiên Tường quay sang Thiết Thạch giọng lạnh băng:

- Các hạ là kẻ liên lạc với người bán thuốc ở Sơn Đông, mua chất độc Thất nhật tiêu tâm tán cho thúc phụ ta rồi giết người diệt khẩu vào bảy năm về trước phải không?

Thiết Thạch nghe hỏi rúng động cả người. Hắn trấn tỉnh hỏi lại:

- Ngươi căn cứ vào đâu mà hỏi ta những điều vô lý như thế?

- Cái đêm ngươi và Dao thúc bàn việc giết ta để nhổ sạch cỏ họ Triệu và họ Lê, mẹ ta nghe được nên mới đem ta trốn đi.

- Ta và ngươi chưa hề gặp mặt, ngươi chỉ nghe mẹ ngươi nói càn thì làm sao có thể xác định được là ta?

- Cái sẹo trên má phải của ngươi đã tố cáo ngươi!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx