sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Én Liệng Truông Mây - Hồi 01 - Phần 1

PHI LỘ

Một buổi chiều thu khi ánh dương quang vừa tắt, mảnh trăng thượng huyền như chiếc lưỡi liềm treo lơ lửng trên hàng tre bao bọc ngôi làng Liên Chiểu, huyện Mộ Hoa , phủ Quảng Ngãi. Vài tia chớp lóe lên trên bầu trời âm u phía biển Đông báo hiệu cơn mưa sắp tới. Rồi chỉ phút chốc sau, mây đen ùn ùn kéo đến, phủ kín bầu trời, bao trùm vạn vật, gió mạnh từ biển thổi vào mang theo hơi nước mát lạnh. Chớp giật liên hồi và sấm động từ biển khơi tiến dần vào đất liền. Sau những tiếng nổ vang trời, mưa bắt đầu trút nước. Gió trở mạnh hơn, giật từng hồi khiến cơn mưa càng lúc càng trở nên dữ dội. Những hạt mưa tạt mạnh vào cỏ cây cuốn theo hàng ngàn chiếc lá. Cảnh tượng khiến người ta kinh hãi và dự cảm sẽ có điều gì đó không lành sắp xảy ra. Mọi nhà đều đóng kín cửa, không ai dám ra ngoài vì sợ tai bay vạ gió khi trời đang nổi cơn cuồng nộ thế này. Tuy vậy cũng có kẻ lớn gan hé cửa lén nhìn ra bên ngoài. Và những gì đang diễn ra trong đêm bão tố qua ánh chớp đã làm họ kinh hồn bạt vía, tay chân rụng rời.

Tại nông trang bên bờ nam Liên Trì cách núi Long Cốt không xa bỗng xuất hiện nhiều bóng đen như những bóng ma, nhanh chóng bao vây trang trại. Bọn họ đều mặc đồ dạ hành, mặt bịt kín, trên tay đao kiếm sáng ngời. Hòa trong tiếng gió loạn sấm cuồng là những tiếng gào thét và tiếng đao kiếm chạm nhau chan chát. Đao ảnh, kiếm quang lấp loáng dưới ánh sáng của những tia chớp. Rồi những tiếng rú thảm thiết vang lên không ngớt. Cuộc chém giết kéo dài không bao lâu thì trong đám hỗn loạn bỗng có tiếng la lớn:

– Anh cả chạy mau đi! Trần gia chúng ta dù chết hết cũng phải bảo vệ thanh Ô Long đao, đừng để bọn giặc Tàu cướp đoạt.

Ngay sau đó là tiếng huýt gió, tiếng vó ngựa dồn dập vang lên. Dưới ánh chớp người ta nhìn thấy một người đàn ông tay cầm đao nằm rạp trên lưng ngựa phóng như bay vào vùng núi Long Cốt. Lại có tiếng người đang đuổi theo sát phía sau:

– Muốn sống sót hãy để bảo đao Ô Long lại cho ta!

Hai con ngựa lao đi mất hút trong màn đêm. Cuộc thảm sát vẫn tiếp diễn cho đến khi cơn mưa nhẹ hạt dần. Lúc này, không gian quanh vùng Liên Trì bỗng bừng sáng bởi ánh lửa bốc lên từ những ngôi nhà ở Trần gia trang. Cảnh vật im ắng sau cơn hoảng loạn, chỉ còn tiếng nổ lách tách của ngọn lửa đang bùng cháy mỗi lúc một mạnh hơn. Người ta nhìn thấy ánh lửa bên Liên Trì nhưng không một ai dám đến xem vì họ vẫn còn khiếp đảm bởi những thanh âm cuồng nộ vừa qua.

Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www. - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Sáng hôm sau người dân quanh vùng Liên Chiểu bàng hoàng khi biết cả nhà Trần gia, vốn là những người nhân đức nhất vùng, đã bị giết sạch không còn một ai. Tất cả xác chết bị bọn sát nhân mang bỏ vào trong nhà rồi nổi lửa đốt. Trong một đêm, cả nông trang rộng lớn bị thiêu rụi chỉ còn lại một đống tro tàn. Cái tin hãi hùng đó lan nhanh làm chấn động cả phủ Quảng Ngãi. Ai cũng thắc mắc lẫn ngạc nhiên vì một gia đình nhân đức, tốt bụng như Trần gia sao lại có thể lâm vào cảnh thảm sát bi thương như vậy. Suốt bao đời kể từ lúc rời bỏ Đàng Ngoài vào cư trú tại Liên Trì, họ đã không ngừng tu nhơn tích đức, giúp đỡ mọi người trong vùng bất kể thân sơ thì làm sao có thể gây thù chuốc oán với ai được? Còn thanh bảo đao Ô Long là vật quí giá thế nào mà dù cho toàn gia bị tiêu diệt, họ vẫn cương quyết bảo vệ nó đến cùng?

Trong khi bao nhiêu nghi vấn đặt ra còn chưa có lời giải đáp thì ngay trưa hôm đó từ núi Bích Khê ở huyện Phù Ly lại có một tin hãi hùng không kém lan đến. Gia đình của một người tên Võ Trụ cũng lâm cảnh toàn gia thảm sát và trang trại ngựa của họ dưới chân núi Bích Khê gần đầm Trà Ô cũng bị thiêu rụi trong cùng một đêm giống như Trần gia tại Liên Trì. Người ta kháo nhau rằng, đó là một cuộc chém giết vô cùng tàn ác nhưng may mắn là nhà họ Võ có hai người thoát nạn. Một con bạch mã chở trên lưng một người đàn bà và một đứa bé phóng nước đại trong đêm, thoát khỏi vòng vây của bọn sát nhân. Mọi người suy đoán người chạy thoát là vợ và đứa con trai duy nhất khoảng sáu, bảy tuổi của Võ Trụ.

Hai vụ đại huyết án xảy ra cùng một lúc mà không để lại một dấu tích khả nghi nào, chứng tỏ hung thủ đã tính toán kỹ lưỡng và sắp đặt kế hoạch từ lâu. Tất cả mọi cố gắng điều tra của nhà cầm quyền thuộc ba phủ của dinh Quảng Nam đều vô vọng. Hung thủ là ai? Chúng có âm mưu gì khi thực hiện hai cuộc thảm sát vào cùng một thời điểm? Vì tư thù hay vì quyền lợi của mỏ vàng Kim Sơn mà Võ gia bị diệt vong? Thanh Ô Long bảo đao của Trần gia hiện lọt vào tay ai? Bí mật vẫn hoàn toàn bí mật.

Vào một đêm sau vụ huyết án, dưới ánh trăng, người ta thấy có bốn chàng thanh niên khoảng ba mươi tuổi và một cô gái độ chừng mười tám, bày hương án trước ngôi mộ tập thể của Trần gia ở chân núi Long Cốt lễ bái. Họ dùng rượu rưới xuống đất trước bàn thờ thay lời tiễn đưa những người quá cố, mà cũng có lẽ, đó là lời thề trước những vong linh bị chết một cách thảm thương, oan ức. Sau đó, họ ngồi uống rượu với nhau. Người cao tuổi nhất trong bốn chàng thanh niên cao giọng ngâm:

Hồi vấn cố tri thiên lý mưu

Bàng hoàng tặc loạn một thiên vưu

Phương liên thẩm thẩm Liên Trì hận

Thanh thảo thê thê Long Cốt cừu

Phủ khốc hàn tinh xuy vạn ảnh

Ngưỡng hào oán khí phún thiên ưu

Phiêu phiêu ma ảnh uất triêm lệ

Túy thệ truy thù tế vĩ lưu.

Tạm dịch:

Ta quay về hỏi cố tri về mưu ngàn dặm

Bàng hoàng thấy giặc loạn làm mất của quý trời đất

Sen thơm gãy chìm khắp gây nên hận Liên Trì

Cỏ xanh thảm thiết in mối thù núi Long Cốt

Cúi xuống khóc, những điểm hàn tinh thổi vạn ảnh

Ngửa lên la to oán khí phun ngàn mối lo

Ma ảnh bay bay đẫm lệ tức uất

Say, thề đuổi giết quân thù tế dòng tộc lớn.

Giọng ngâm chan chứa niềm bi hận. Một người trong bọn nói:

- Tuyệt tác! Bài thơ nghe thống hận tận tâm can.

Một người khác tiếp lời, giọng cương quyết:

- Ta thề sẽ tìm cho ra tên hung thủ chính đứng sau hai vụ án này, phanh thây hắn ra trăm ngàn mảnh để trả thù cho gần bốn mươi nhân mạng của Võ gia và Trần gia.

Cô gái nhỏ nói, giọng uất nghẹn:

- Bài thơ này Bằng huynh nên đặt cho nó một cái tên chứ?

Người được gọi là “Bằng huynh” gật gù:

- Đặt là Liên Trì – Long Cốt hận tạm vậy!

Người nãy giờ chưa lên tiếng xen vào:

- Hay lắm! Mối hận ở Liên Trì và núi Long Cốt này chúng ta không trả được thề không làm người!

Cả bốn người bưng bốn chung rượu vừa rót xuống đất vừa đồng thanh nói:

- Không trả được thù, thề không làm người!!!

Bốn chàng thanh niên và người thiếu nữ dưới trăng ấy là ai? Họ có vén được bức màn bí mật đang phủ kín hai vụ huyết án kia và tìm ra chân dung hung thủ được hay không? Muốn biết rõ sự việc, hãy theo chân của họ trở lại thời kỳ nước Đại Việt rơi vào cảnh Nam Bắc phân tranh vào cuối nhà Hậu Lê với chúa Trịnh Giang ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong.

***

HỒI THỨ NHẤT

Đất Phù Ly, song hùng đồng xuất thế

Thành Phú Xuân, hào kiệt ngộ anh tài

*

Kim Sơn - Núi Vàng!!!

Đó là một tập hợp những ngọn núi thuộc dãy Trường Sơn, nối liền với dãy núi An Lão nằm trong địa phận huyện Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn, phía chính Tây trị sở Lại Khánh, nơi khởi nguồn của dòng Lại Dương Giang, một trong ba con sông lớn ở phủ Quy Nhơn.

Dãy Kim Sơn trập trùng hiểm trở, cổ thụ ngàn năm cao lớn rậm rạp, nhiều nơi mây mọc chằng chịt, gai góc um tùm tạo thành những truông mây bạt ngàn. Núi có tên Kim Sơn vì trong núi có nhiều vàng. Vàng ở đây đã được triều đình nhà Lê khai thác để đúc người vàng cống cho nhà Minh. Lệ cống người vàng thâm độc này có từ đầu đời nhà Hậu Lê. Nguyên do vì nhà Minh đòi vua Lê Thái Tổ phải đền mạng cho tướng Liễu Thăng đã bị tướng Lê Sát của ta chém đầu ở ải Chi Lăng năm 1427. Suốt mấy trăm năm, lượng vàng khắp nơi trong nước Đại Việt bị cống dần sang Trung Hoa.

Vùng Lại Khánh và Bồng Sơn có nhiều người giàu lên nhờ thu mua, tinh lọc, chế biến vàng nữ trang. Trong số đó phải kể đến họ Trần ở Hoàng Kim Môn gần thành Lại Khánh. Họ Trần đã có mặt ở núi vàng từ lúc nơi đây được phát hiện và khai thác. Họ làm nghề thu mua và chế biến vàng từ thuở khai thiên đến thời Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi vào năm 1738 đã truyền được năm đời. Người nối dõi đời thứ năm là Trần Đại Chí. Đại Chí vốn là người khôn ngoan, sống kín đáo nhưng lại kết giao rất rộng với những nhà giàu, có thế lực, các quan chức phủ, huyện của chính quyền sở tại... Một trong những gia tộc có mối giao tình mật thiết với ông ta là Châu gia trang của Châu Doãn Thành ở mặt nam núi Bích Khê, thuộc địa phận Phù Ly. Trần Đại Chí và Châu Doãn Thành tuy không kết nghĩa sinh tử chi giao nhưng tình như thủ túc, luôn tương trợ nhau trong công việc kinh doanh.

Châu gia trang là trang trại nuôi ngựa lớn nhất nhì phủ Quy Nhơn, với hàng trăm giống ngựa quí hiếm. Dòng họ Châu không ai rõ gốc tích nhưng đã nhiều đời cư ngụ tại Phù Ly. Châu Doãn Trí nối dòng đời thứ ba, là người ham thích võ nghệ. Ông theo học nhiều thầy và vốn cơ trí hơn người, ông đã tinh lọc tuyệt chiêu võ học nhiều nơi để sáng chế riêng cho Châu gia một bộ bí kíp võ học lấy tên là Châu gia quyền pháp và đao pháp truyền lại cho con cháu. Châu gia cùng Trần gia ở phía bắc tạo thành Châu – Trần nhị trang nổi danh khắp phủ Quy Nhơn.

Doãn Thành cưới Phan thị, sinh được đứa con trai đầu lòng đặt tên là Châu Doãn Chữ. Năm Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi, Phan thị sinh người con trai thứ hai, đặt tên Châu Doãn Ngạnh. Một hôm, thầy tướng Lư Trung Tử vốn nổi tiếng khắp phủ Quy Nhơn ghé thăm Châu gia trang, thấy đứa bé mới sinh có tướng mạo lạ kỳ đã không tiếc lời ngợi khen. Dù vậy, ông cho rằng đứa bé nên có một cái tên khác. Doãn Thành nghe lời thầy liền đặt thêm cho Doãn Ngạnh cái tên Châu Văn Tiếp. Thầy Trung Tử gật gù:

- Đứa bé này mai sau ắt sẽ là tay anh hùng nổi danh khắp thiên hạ, Châu huynh phải lưu tâm đào tạo cho nó. Dòng họ Châu có được lưu danh thiên cổ hay không là nhờ nó đấy.

Châu Doãn Thành mừng rỡ trong bụng nhưng vẫn khiêm tốn nói:

- Lư tiên sinh đã quá khen. Châu gia chúng tôi chỉ cần được sống no đủ, nào dám mơ đến việc lưu danh thiên cổ.

- Tôi không nói quá đâu. Đứa trẻ này ngũ quan đoan chính, còn nhỏ mà chính khí đã lan tỏa khắp toàn thân, gặp buổi loạn lạc ắt sẽ là người “Lương sơn tá quốc” (quân giỏi ở núi rừng lo giúp nước).

- Đa tạ Lư tiên sinh đã có lời khen. Nếu được như thế thì Châu gia chúng tôi sẽ đời đời làm việc nhân đức để đáp tạ ơn trời.

Từ đó Châu Doãn Thành đổi hẳn cung cách sống, ra sức làm việc nghĩa. Ông đem tiền của giúp đỡ người hoạn nạn, bố thí kẻ khó khăn. Hôm thôi nôi của Châu Văn Tiếp, Châu gia trang mở tiệc linh đình, mời tất cả bằng hữu khắp nơi đến dự. Khách khứa ngoài vị quan huyện Phù Ly Bùi Thế Phát còn có mặt người bạn thiết Trần Đại Chí, trại chủ một trại mộc lớn ở huyện Phù Ly Lê Lập, thầy tướng Lư Trung Tử, Võ Trụ ở tiểu trang trại ngựa trong núi Bích Khê gần đầm Trà Ô cùng rất nhiều khách giang hồ khác. Khi mọi người đã yên vị, Châu Doãn Thành vui vẻ lên tiếng:

- Chào tất cả các bạn hữu, cảm ơn mọi người đã nể mặt Châu mỗ mà quá bước đến đây tham dự lễ thôi nôi đứa con thứ của tôi. Thầy Mạnh Tử nói: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (có ba tội bất hiếu, trong đó không có con nối dõi là tội lớn nhất). Châu mỗ nay đã có được hai mụn con trai nối dõi nên tránh được đại tội bất hiếu, do đó trong lòng cao hứng muốn mời mọi người đến cùng uống chung rượu chia vui. Vài chung rượu nhạt, dăm ba món ăn đạm bạc miền quê tỏ chút lòng biết ơn, mong mọi người niệm tình.

Ai nấy nghe xong đều vui vẻ nói:

- Châu huynh đừng quá khách sáo. Là chỗ thân tình cả mà.

Thầy Trung Tử đứng lên góp lời:

- Cá nhân tôi đã có duyên nhìn thấy diện mạo nhị công tử. Lư Trung Tử tôi nói ra e mọi người cho đó là lời ba hoa nhưng quả thật nhị công tử tướng mạo phi phàm, mai sau sẽ là bậc siêu quần “lương sơn tá quốc”.

Không biết Lư Trung Tử tâm đắc điều gì ở đứa bé mà lại luôn dùng bốn chữ “lương sơn tá quốc” để khen nó.

Châu Doãn Thành trong lòng hoan hỉ vô cùng, vội chắp tay vái tạ nói:

- Đa tạ Lư tiên sinh đã có lòng đề cao. Cháu còn bé quá, chưa biết về sau thế nào nên thật không dám nhận.

Quan huyện Bùi Thế Phát ngắt lời:

- Châu huynh không cần nhún nhường. Mau đem cháu ra đây cho mọi người nhìn mặt sẽ biết rõ thực hư chứ gì.

Châu Doãn Thành vui vẻ:

- Được thôi, được thôi!

Sau đó, ông ra hiệu cho gia nhân vào gọi Phan thị bế đứa trẻ ra. Phan thị là một thiếu phụ trẻ, vừa xinh đẹp vừa phúc hậu. Bà cúi chào mọi người, trao đứa bé cho chồng rồi lui lại đứng nép phía sau lưng. Châu Doãn Thành bồng con nói với quan khách:

- Đây là vợ tôi, còn đây là đứa con thứ hai. Hy vọng nó không ngỗ nghịch làm cho Châu gia phải xấu hổ là phước lắm rồi.

Nói xong ông bồng đứa trẻ đi xuống các bàn tiệc để cho bạn bè nhìn mặt. Mọi người đều tấm tắc khen và đồng ý rằng Lư Trung Tử đã không nói quá. Võ Trụ quan sát đứa bé rất kỹ, trong lòng thầm nghĩ: “Năm tháng nữa vợ mình cũng đến kỳ sinh nở. Ước gì cũng sinh được một thằng con trai kháu khỉnh thế này thì hạnh phúc biết bao!”. Suy nghĩ ấy cứ lởn vởn mãi trong đầu Võ Trụ cho đến khi tan tiệc về nhà. Đêm đó ông nói với vợ:

- Hôm nay anh đi dự đám thôi nôi đứa con thứ hai của Châu gia, thằng bé có tướng mạo rất lạ. Thầy Lư Trung Tử đoán sau này nó sẽ lưu danh thiên cổ khiến anh cứ mơ rằng em cũng sẽ sinh được một thằng con trai như họ Châu vậy.

Vừa nói ông vừa âu yếm đưa tay sờ vào bụng vợ. Vợ ông nghe chồng tâm sự thì mỉm cười:

- Châu gia bao đời giàu có, thế lực, con cái người ta có cơ hội tá quốc lương sơn là phải. Còn anh một mình trơ trọi, cực khổ chắt chiu mấy năm nay mới có được một trang trại nhỏ thì so bì sao được với người ta?

- Giàu có chỉ là thứ yếu, nên danh hay không là nhờ vào phước đức ông bà để lại và ơn trời ban cho. Họ Võ nhà ta tuy bao đời nghèo khó nhưng lúc nào cũng lấy chữ đức làm đầu, chữ nhân làm trọng, em lại là người hiền lương, biết đâu trời thương cho chúng ta một mụn con như ý thì sao?

Nguyễn thị nghe chồng nói cho là phải, liền đưa tay vuốt bụng mình khẽ khàng nói:

- Đứa bé này mới bốn tháng mà em thấy nặng nề quá, chắc là con trai rồi. Ước gì con chúng ta được như lời anh nói thì tốt biết bao.

Đêm đó Nguyễn thị mơ thấy có một vị thần to lớn, đen trũi giống hệt vị hộ pháp ở ngôi chùa mà nàng thường đến lễ bái, bỗng nhiên từ trên trời bay xuống chui tọt vào miệng nàng. Nàng kinh hãi la lên. Võ Trụ nằm bên giật mình thức giấc, lay vợ dậy.

- Em làm sao vậy?

Nguyễn thị mở mắt, trán đẫm mồ hôi, hổn hển trả lời:

- Em vừa mới nằm mơ, giấc mơ kỳ lạ lắm.

- Em mơ thấy gì?

Nguyễn thị đưa hai bàn tay ôm lấy ngực, cố dằn nhịp thở xuống:

- Em mơ thấy có một vị thần to lớn, đen trũi như vị hộ pháp trong chùa từ trên trời bay xuống rồi chui thẳng vào miệng khiến em sợ quá.

Võ Trụ trấn an vợ:

- Chắc em nghĩ ngợi chuyện anh nói về con mình nên ngủ mơ thôi, không có việc gì đâu. Thôi ngủ đi, đang có mang phải cẩn thận sức khỏe mới được.

Năm tháng sau, Nguyễn thị hạ sanh một bé trai bụ bẫm, nước da ngăm đen, khỏe mạnh. Võ Trụ đặt tên cho nó là Võ Văn Doan. Khi đứa bé đầy tháng, vợ chồng Võ Trụ bế con lên núi Bích Khê ra mắt thầy mình là Đại Bi thiền sư. Nhìn thấy tướng mạo đứa bé, thiền sư giật mình than:

- Thằng bé này tướng mạo hiếm thấy, sau tất làm nên việc kinh thiên động địa. Chỉ e tính nó cương ngạnh, nếu không khéo dạy dỗ sẽ trở thành mối lo cho thiên hạ. Hai con phải hết sức tu nhân tích đức và đem những điều nhân nghĩa dạy cho nó, được vậy thì thiên hạ sẽ hưởng phước lây.

Võ Trụ nghe thiền sư nói, lo lắng thưa:

- Thưa thầy, hai con vốn ngu muội, không biết có đủ khả năng dạy dỗ cho nó nên người tốt được không. Hay con gởi nó lên đây nhờ thầy giáo huấn để tránh sự đáng tiếc về sau.

- Là họa là phúc, mọi sự đều đã có nhân duyên từ tiền kiếp. Việc các con cần làm bây giờ là phải cố gắng tu tâm hành thiện, đem cái thiện nghiệp của mình làm nhẹ bớt hung nghiệp cho đứa trẻ. Phải ráng dạy cho nó có tâm ngay thẳng, biết thương người. Các con nên nhớ rằng để cải hóa những đứa trẻ ngỗ nghịch không gì bằng tình thương, nhất là tình thương của người mẹ.

Võ Trụ nài nỉ:

- Vài năm nữa đợi nó lớn lên, xin thầy thương chúng con mà nhận nó về dạy dỗ. Như vậy con mới an tâm.

Thiền sư mỉm cười:

- Vợ chồng con đều có tâm lành, thầy chỉ nói xa thế thôi chứ không đến nỗi nào, hai con đừng lo lắng quá.

Nguyễn thị thưa:

- Con xin ghi khắc lời thầy trong tâm để dạy dỗ thằng bé sau này. Mong cho nó có đủ duyên phước để nhận được sự giáo huấn của thầy.

Từ lúc nghe được lời dạy bảo của Đại Bi thiền sư, vợ chồng Võ Trụ càng trì tâm hướng thiện, chí thú làm ăn, mong dành được chút vốn liếng để đào tạo con thành tài.

Năm tháng thoi đưa, giống ngựa quí ở núi Bích Khê cạn dần, Võ Trụ cùng đám đệ tử phải đi xa hơn, vào tận vùng Kim Sơn để tìm bắt, mang về trại nhân giống và thuần hóa trước khi bán cho Châu gia trang. Một hôm đang sục sạo trong núi Kim Sơn, Võ Trụ bỗng phát hiện một con ngựa có bộ lông đỏ như huyết. Biết đó là loài ngựa cực kỳ hiếm, xưa nay chưa từng thấy nên Võ Trụ quyết lòng bắt cho bằng được. Ông cố đuổi theo con vật vào sâu trong vùng rừng rậm Kim Sơn, giáp với Vĩnh Thạnh. Cuối cùng thì ông cũng quăng được vòng dây vào cổ con Huyết mã. Sau một hồi vật lộn, con ngựa hung dữ phải chịu thuần phục. Võ Trụ cột ngựa vào gốc cây rồi xuống con suối nhỏ gần đó rửa mặt. Dưới ánh nắng chiều xuyên qua kẽ lá, những tia sáng từ dòng suối phản chiếu lấp lánh khiến ông không khỏi hiếu kỳ. Ông nhìn xuống đáy dòng suối, với tay nhặt thử vật phát ra ánh sáng ấy lên xem. Bỗng dưng, ông giật mình la lớn:

– Kim Sơn! Vàng! Đúng là vàng ở Kim Sơn rồi! Ha ha... Đúng là vàng ở Kim Sơn rồi!

Quả là “mừng như bắt được vàng”. Và vì quá mừng nên lúc này Võ Trụ đã quên mất sự mệt mỏi, quên cả con ngựa quí đang cột bên gốc cây, ông đi tới đi lui dọc theo con suối tìm nhặt những viên vàng lấp lánh dưới đáy nước. Khi hai túi đã khá nặng thì trời vừa chạng vạng tối, ông trở lên dắt con Huyết mã tìm lối trở ra, dọc đường không quên bẻ cây, đặt đá làm dấu định bụng hôm sau sẽ trở lại tìm kiếm tiếp. Ra đến bìa rừng, đám đệ tử đang chờ bên ngoài mừng rỡ chạy đến đón. Võ Trụ biết việc này hết sức hệ trọng nên dù trong bụng đang mừng vô hạn nhưng vẫn giữ nét mặt bình tĩnh. Đêm đó ông đem số vàng ra cho vợ xem, tay run run vốc nắm vàng thầm thì:

- Em xem này! Vàng đấy, vàng ở Kim Sơn đấy! Chúng ta giàu to rồi. Em xem kỹ đi!

Nguyễn thị cầm mấy viên lên soi dưới ánh đèn. Đúng là vàng ư? Cả đời nàng chưa bao giờ nhìn thấy vàng thỏi nên không biết thật hay giả:

- Anh có chắc là vàng thật không? Nhiều thế này chúng ta phải làm gì với chúng bây giờ?

- Là vàng thật đó, có điều vàng này bị pha tạp, cần phải qua giai đoạn tinh lọc mới có được vàng nguyên chất. Chà! Chúng ta phải làm gì với nó đây? Vả lại, không phải chỉ có bấy nhiêu thôi đâu, anh nghĩ trong vùng núi hoang đó còn nhiều lắm. Làm sao để khai thác hết được đây?

- Chúng ta không thể độc chiếm một mình được đâu.

Võ Trụ trầm ngâm một lát hỏi:

- Theo ý em thì chúng ta làm thế nào?

- Em nghĩ mình nên hỏi ý kiến thầy xem sao rồi cứ theo đó mà hành xử thì an tâm hơn.

- Em nói phải. Nhưng mấy ngày trước thầy đã theo sư bá ở Thập Tháp Di Đà tự đi Phú Xuân để lập đàn cầu siêu giải sấm gì đó. Nghe đâu hai năm nay trong thiên hạ bỗng dưng lan truyền lời sấm kỳ lạ lắm. Theo lời sấm thì phủ Chúa chỉ truyền được đúng tám đời. Lời sấm còn tiên tri sắp tới đất nước sẽ xảy ra nhiều thiên tai kỳ quái khiến Chúa Võ lo sợ đã triệu tất cả những sư thầy đạo hạnh cao thâm về Phú Xuân cúng tế đất trời để giải lời sấm kỳ quái kia.

Nguyễn thị ngạc nhiên:

- Có chuyện lạ thế à? Nếu lời sấm đúng thì thời loạn lạc sắp đến rồi. Doan nhi ắt sẽ phải lớn lên trong cảnh khói lửa binh đao. Em lo quá!

- Vậy nên chúng ta phải có chút của cải phòng thân để lo cho tương lai của nó. Anh sẽ tìm thêm một ít nữa, đợi thầy về chúng ta báo lại sau.

- Như thế cũng được nhưng anh phải cẩn thận.

- Em an tâm!

Hôm sau Võ Trụ cùng người học trò thân tín nhất là Đặng Chí Hiếu mang theo dụng cụ đào đất trở lại Kim Sơn. Đứng bên bờ suối, Võ Trụ nói với Chí Hiếu:

- Thầy có bí mật này muốn chia sẻ với con. Hôm qua thầy đuổi theo con Huyết mã đến đây, vô tình phát hiện ra dưới đáy dòng suối này có vàng. Trong số các đệ tử và gia nhân, thầy biết con là người có tâm địa tốt nên đưa con đến đây để cùng tìm xem lượng vàng ở đây còn nhiều hay ít. Việc này nếu lộ ra ngoài thì cả gia trang chúng ta sẽ mang đại họa diệt vong. Con ghi nhớ kỹ.

Chí Hiếu nghe nói giật mình, cảm động thưa:

- Thầy dạy thế nào con sẽ nghe theo thế ấy, quyết không phụ lòng thương yêu của thầy.

Hai thầy trò xuống suối dò tìm. Họ lần theo con suối lên đến tận đầu nguồn thì thấy con suối chia làm hai ngả rẽ bèn chia nhau mỗi người một ngả tiếp tục tìm kiếm. Hồi lâu bỗng nghe tiếng Chí Hiếu gọi lớn:

- Thầy ơi, mau đến đây xem! Ở đây con tìm thấy nhiều lắm!

Võ Trụ vội vàng tìm đến chỗ của Chí Hiếu thấy hắn đang mê say đào xới, chiếc túi đeo bên hông đã trễ xuống vì sức nặng. Chí Hiếu ngừng tay mừng rỡ nói:

- Chắc là mỏ vàng ở đây rồi thầy ạ. Xem này, chỉ cuốc vài nhát là đã thấy vàng.

Võ Trụ quan sát kỹ một lúc rồi bảo:

- Con tiếp tục đào nữa đi.

Chí Hiếu hì hục đào. Đất vỡ ra, hai thầy trò bóp nát rồi hốt từng bụm nhúng vào dòng nước suối. Nước chảy trôi đất, đọng lại những mẫu vàng nho nhỏ trên tay.

Võ Trụ nói:

- Làm thế này không được. Vàng còn lẫn trong đất sẽ trôi theo dòng suối. Chúng ta phải tìm cách khác để đãi kỹ hơn.

- Ý thầy như thế nào?

- Chúng ta về chuẩn bị đầy đủ dụng cụ đãi vàng rồi quay lại khai thác.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx