Sáng hôm sau, Eragon đi tìm Arya để xin lỗi. Hơn một tiếng đồng hồ, nó vẫn không gặp được cô. Dường như Arya đã biến mất vào một nơi kín đáo nào đó trong hoàng cung Ellesméra. Một lần thoáng thấy cô gần lối vào điện Tialdarí, nó lên tiếng gọi, nhưng Arya lẩn ngay trước khi nó kịp lại gần. “Nàng cố tình tránh mặt ta”. Sau cùng, Eragon mới nhận ra.
Suốt nhiều ngày sau đó, Eragon cắm cúi học, siêng năng tới nỗi sư phụ phải ngỏ lời khen.
Đêm ngày Eragon vùi đầu vào bài vở, học thuộc lòng những câu thần chú để phát triển, phong bế, thu hồi nội lực; tìm hiểu những tên thật sự của cây cối và loài vật; nghiên cứu những nguy hiểm khi sử dụng thần chú để biến hoá một sự vật; và cách hô mưa gọi gió, cùng vô vàn kỹ năng để hiểu biết những sức mạnh của thiên nhiên. Eragon vượt trội trong bài học về những câu thần chú để đương đầu với những năng lượng to lớn như: ánh sáng, hơi nóng, nam châm; vì nó có một tài năng đặc biệt, có thể phán đoán chính xác khi xuất chiêu tốn bao nhiêu công lực, hoặc chiêu thức đó có vượt quá năng lực của nó không.
Trong thời gina Oromis giảng giải hay Eragon một mình luyện tập những chiêu thức và những câu thần chú khó khăn, thỉnh thoảng ông lùn Orik đến quan sát, lẳng lặng đứng bên bờ vực, không phê phán gì.
Oromis bắt đệ tử hoàn thành nhiều bài học đầy thách thức: nấu ăn bằng phép thuật, phát hiện và vô hiệu hoá thuốc độc trong thực phẩm. Từ đó, nó phải kiểm tra nhiều nọc độc trong thực phẩm. Từ đó, nó phải kiểm tra nhiều nọc độc khác nhau mà sư phụ đã lén bỏ vào đồ ăn. Đã hơn một lần Eragon đành nhịn đói vì không tìm ra thuốc độc hoặc không có khả năng hoá giải chất độc. đã hai lần nó bị ói mửa và sư phụ phải ra tay chữa trị. Sư phụ còn bắt Eragon niệm những câu thần chú có những yếu tố khác nhau cùng một lúc. Việc này đòi hỏi nó phải tập trung cao độ để có thể nhằm trúng mục tiêu đúng ý định.
Oromis giảng giải hàng giờ về kỹ năng len lỏi vào mục tiêu bằng công lực, sau đó hoá giải hoặc tạo mục tiêu thành hình tượng theo ý muốn. Ông bảo:
- Đó là cách Rhunon đã yểm bùa cho những thanh kiếm của các kỵ sĩ để chúng không bao giờ bị cùn nhụt hay bị gãy; đó cùng là cách chúng ta ca hát cho cây lớn lên thành những khuôn mẫu theo ý chúng ta. Cũng bằng cách đó, chúng ta đã gài bẫy trong hộp, chỉ khi mở, bẫy mới hoạt động; và người lùn, cũng như chúng ta, dùng phương pháp này để chữa thương và tạo ra những Erisdar – đèn lồng. Đây là những câu thần chú hiệu nghiệm nhất, vì chúng đã âm thầm ngủ yên suốt hơn ngàn năm, nên khó mà nhận ra hay ngăn chặn được. Chúng tràn lan trên đất nước Alagaesia, tạo nên hình dáng đất đai sông núi và định mệnh của những con người sinh sống tại nơi này.
Eragon hỏi:
- Thần tiên có thể sử dụng phương pháp này để làm đổi thay thể xác không ạ? Hay…việc này quá nguy hiểm?
- Hỡi ôi! Con đã chạm tới yếu điểm lớn nhất của thần tiên chúng ta rồi: đó là tính phù phiếm, chỉ say mê cái đẹp. Chúng ta yêu cái đẹp trong muôn hình vạn vẻ và tìm cách tái hiện nét đẹp đó trong những biểu tượng của mình. Đó là lý do chúng ta được biết đến trong những chuyện thần tiên, cổ tích. Mỗi thần tiên đều có ngoại hình đúng y như vị đó mong muốn. Khi đọc thần chú tạo dáng và phát triển cho sinh vật, họ thường tìm cách làm thay đổi ngoại hình của chính họ, phản ảnh một dáng vẻ tốt về thẩm mỹ, họ đổi thay cấu trúc hình thể cho thích hợp với những gì chung quanh. Nhiều khi, trông họ giống muông thú nhiều hơn thần tiên. Con sẽ được thấy điều này trong Lễ-hội Huyết-thệ sắp tới. Rất hiếm có một vật chất thích hợp trong việc chứa đựng năng lượng hoà nhập vào chúng, trái lại, năng lượng đó tạo nên một sức mạnh phản hồi, mạnh đến nỗi, nếu con chạm tay vào sẽ bị một tia chớp xuyên qua người. Vật chất tốt nhất để sử dụng vào mục tiêu này là đá quý, như kim cương chẳng hạn. Thạch anh, mã não và những loại đá kém hơn đều không công hiệu bằng, nhưng tất cả đá quý đều thích hợp. Đó là lý do các chuôi kiếm của kỵ sỹ luôn có đính một viên ngọc. Đó cũng là lý do sợi dây chuyền người lùn cho con – làm toàn bằng kim loại – phải hút cạn nội công của con để lấy năng lực, vì bản thân nó không hề có chút năng lực nào.
Khi không có sư phụ, Eragon tự học thêm bằng cách đọc những gì ông đã trao cho nó. Thói quen đó tạo cho nó thành một con nghiện sách. Thời gian ở nhà, cậu Garrow chỉ dạy nó đủ biết làm sao cai quản ruộng vườn. Bây giờ những trang sách ngồn ngộn tri thức làm thoả mãn cơn khát hiểu biết của nó từ trước tới giờ, như những cơn mưa rào đổ xuống sa mạc khô cằn, nứt nẻ. Eragon ngốn ngấu từ địa lý, sinh vật, giải phẫu, triết học tới lịch sử. Quan trọng hơn, những hiểu biết đó đã mở đầu cho việc thay đổi nếp suy nghĩ của nó. Chúng bắt buộc Eragon phải xem xét lại tất cả những gì nó từng thừa nhận và tin tưởng, từ quyền lợi của cá nhân trong xã hội, tới nguyên nhân di động của mặt trời.
Thấy một tập đề cập đến Urgal và văn hoá của chúng, nhưng Eragon chỉ đọc phớt qua, dù sư phụ đã nhắc nhở đề tài này.
Hy vọng sẽ hiểu Arya nhiều hơn, Eragon nghiên cứu rất nhiều đề tài thần tiên. Nó rất ngạc nhiên khi phát hiện: thần tiên không thực sự kết hôn; nếu muốn, họ sẽ chỉ là đôi bạn trong một ngày hay…một thế kỷ. Trẻ con rất hiếm trong quần thể thần tiên. Có một đứa con được coi như là lời nguyện thề tuyệt đối của tình yêu.
Eragon cũng tìm hiểu được một điều: từ khi thần tiên và loài người gặp nhau, chỉ có vài cặp vững bền. Hầu hết là nam kỵ sĩ thuộc loài người gắn bó với bạn tình là thần tiên. Tuy nhiên, qua những tài liệu đầy ẩn dụ, đa số những mối tình này đều kết thúc trong bi thảm. Trong đó có lý do vì tuổi thọ và cái chết của con người, còn thần tiên thì thoát khỏi sự huỷ hoại của thời gian.
Những cuốn tiểu thuyết, thơ ca, sử thi…thu hút trí tưởng tượng của Eragon; vì trước kia nó mới chỉ được biết những chuyện ông già Brom thường ngâm nga trong làng Carvahall. Nó nhấm nháp những thiên anh hùng ca như thưởng thức bữa ăn thịnh soạn, nấn ná từng trang trong Chiến Công của Gada hoặc Cái Chết của Umhodan… Saphira cũng rất tiến bộ trong học tập. Tư tưởng hai đứa luôn kết nối với nhau, nên Eragon nhận thấy dần dần rồng vàng Glaedr cũng bắt Saphira vượt qua một chế độ rèn luyện căng thẳng như nó. Cô nàng phải bay lượn, nhào xuống, phóng lên với một tảng đá quắp dưới chân. Để tăng sức chịu đựng, Glaedr bắt Saphira phun lửa suốt mấy tiếng lên một trụ đá, để làm đá phải tan chảy. Lúc đầu, Saphira chỉ có thể giữ ngọn lửa mỗi lần được mấy phút, nhưng rồi ngọn đuốc sáng rực ào ào tuôn ra từ miệng nó liên tục hơn nửa tiếng. Qua những bài học về rồng, Glaedr truyền đạt cho Saphira, Eragon hiểu biết một số chi tiết về lịch sử và đời sống của loài rồng. Điều này bổ sung cho những hiểu biết về nòi giống của mà Saphira mới chỉ có được nhờ bản năng. Nhưng có nhiều điều làm Eragon thắc mắc, không hiểu nổi. Nó ngờ cô em rồng đã che dấu những bí mật riêng tư của loài rồng, không thể tiết lộ cho bất kỳ ai. Tuy nhiên, Eragon cũng biết được một điều mà Saphira rất trân trọng: tên cha của cô nàng là Iormúngr và mẹ là Vervada. Vervada có nghĩa là Búa -Tầm-Sét trong cổ ngữ. Trong khi Iormúngr gắn bó với một kỵ sĩ, thì Vervada lại là một rồng hoang dã. Vervada sinh được rất nhiều trứng, nhưng chỉ chịu giao phó một trứng cho các kỵ sĩ, đó chính là Saphira. Cha mẹ Saphira đều bị chết trong thời kỳ kỵ sĩ suy tàn.
Có những ngày, Eragon và Saphira bay cùng sư phụ Oromis và Glaedr để tập hợp tác chiến trên không, hay đi thăm những tàn tích đổ nát ẩn trong vùng đất Du Weldenvarden. Lại có những ngày, chương trình thay đổi: Eragon bay và tập luyện cùng rồng, còn Saphira ở lại cùng sư phụ trên bờ vực Tel’naeir.
Mỗi buổi sáng Eragon lại luyện kiếm cùng Vanir và buổi nào cũng bị choáng váng một hai lần. Để làm vấn đề thêm tệ hại, anh chàng tiên trẻ luôn tỏ ra kiêu kỳ, hạ cố. Tuy nhiên anh ta cũng luôn giữ vẻ mặt lịch sự một cách khinh khỉnh và tỉnh bơ trước những lời châm chọc của Eragon. Dường như mỗi hành động của Vanir đều là một sự nhục mạ nó. Những bạn bè của Vanir – Eragon đoán chắc đều là thần tiên thế hệ trẻ – cũng ngấm ngầm coi thường nó, nhưng lại tỏ ra rất trọng nể Saphira.
Sự đố kỵ lên tới cao độ sau lần, chỉ trong một hiệp đấu Eragon bị hạ tới sáu lần. Vanir hạ thấp kiếm, nói:
- Lại chết. Khắc–Tinh của Tà-Thần, sao cứ tái diễn trò này mãi thế? Muốn tiếp tục không?
Eragon ậm ừ, lưng nó đau tới nỗi không thể thốt lên lời ganh đua cùng hắn ta nổi nữa. Nhưng Vanir vẫn không buông tha:
- Ta hơi tò mò muốn biết: chậm chạp như rùa vậy, thế mi đã giết Tà Thần Durza bằng cách nào? Thật tình ta không thể đoán nổi.
Eragon nén đau, cố trả lời:
- Ta tấn công bất ngờ.
- Xin lỗi, nếu ta không lầm thì chiến thắng này có mánh khoé lừa gạt?
Eragon nghiến răng, hổn hển:
- Nếu ta là một thần tiên và mi là một con người bình thường, mi cũng sẽ không kháng cự nổi với thanh kiếm của ta đâu.
- Có thể.
Vừa nói Vanir vừa trụ bộ, rồi chỉ trong vài giây với hai chiêu xuất ra, hắn nhẹ nhàng đoạt vũ khí của Eragon, ngạo mạn cười nói:
- Nhưng ta lại không nghĩ thế đâu. Đừng huênh hoang với một tay kiếm tài giỏi hơn mi, nếu không anh ta sẽ sớm cho mi về chầu tiên tổ đó.
Eragon giận điên lên, vận nội công, hết sức bình sinh thu gom phép thuật, bao nhiêu căm tức đều tuôn trào ra bằng câu thần chú “Malthinae!”, để trói chân tay và làm hàm của Vanir bất động. Như vậy hắn sẽ không thể mở miệng để tự hoá giải và phản công được nữa. Mắt Vanir như lồi ra vì phẫn nộ. Eragon lên tiếng:
- Và mi cũng đừng huênh hoang với một người phép thuật cao cường hơn mình nữa.
Đôi lông mày đen kịt của Vanir nhíu sát nhau.
Không một âm thanh thoát ra từ miệng hắn, nhưng một sức mạnh vô hình dội mạnh lên ngực Eragon, quăng nó ngã ngửa trên bãi cỏ xa mấy thước, phổi nó vang lên một tiếng “hự”. Cú va chạm làm rối loạn sự kiểm soát phép thuật của Eragon và giải phòng Vanir.
Eragon bàng hoàng tự hỏi: “Hắn làm cách nào vậy?” Vanir đủng đỉnh tiến lại, nói:
- Đó là kết quả sự ngu ngốc của mi. Mi không hiểu mình nói gì. Cứ nghĩ đến chuyện mi là kẻ kế vị cố kỵ sĩ Vrael, mi được ngự trong nơi dành cho ông, mi được học hành với Hiền Nhân Sám Hối… Hắn lắc đầu chán ngán:
- Ta phát ói vì những đặc ân đó lại ban phát cho một con người vô giá trị như mi. Thậm chí mi còn không biết phép thuật là gì, chứ đừng nói chi chuyện sử dụng phép thuật.
- Ta đã làm gì không phải với mi? Sao mi miệt thị ta quá vậy? Chẳng lẽ mi mong không có một kỵ sĩ nào tồn tại để gánh vác việc chống lại Galbatorix?
- Những lời ta nói đều có nguyên nhân của nó.
- Vậy thì nói ra đi.
- Như Nuala đã viết trong những biên bản hội nghị: sự lắng nghe là con đường khôn ngoan, nhưng phải là kết quả của một quyết định tỉnh táo, chứ không phải là một tri thức ngu si, vô giá trị.
- Đừng xa xôi bóng gió nữa, Vanir, nói rõ ra đi.
Vanir lạnh lùng mỉm cười:
- Xin tuân lệnh, ngài kỵ sĩ.
Ghé sát mặt Eragon, để nó có thể nghe được tiếng thì thầm, hắn tỉnh bơ nhỏ nhẹ:
- Suốt tám mươi năm, sau ngày suy tàn của các kỵ sĩ, chúng ta không còn nuôi hy vọng chiến thắng nữa. Chúng ta ẩn trốn để sống còn bằng mưu mô và phép thuật – dù chỉ tạm thời – vì dần dần Galbatorix sẽ đủ mạnh để tiến quân, quét sạch hàng rào phòng thủ của chúng ta. Thế rồi, sau thời gian dài đằng đẵng chúng ta đành phó thác cho số mệnh, Brom và Jeod giải thoát trứng của Saphira, một lần nữa chúng ta nuôi hy vọng lật đổ tiên bạo chúa. Tưởng tượng chúng ta đã vui mừng đến thế nào. Biết rằng để đương đầu với Galbatorix, vị tân kỵ sĩ sẽ phải dũng mãnh hơn các bậc tiền nhiệm, thậm chí mạnh hơn cả tiền bối Vrael. Vậy mà phần thưởng cho nỗi mòn mỏi đợi chờ đó của chúng ta là gì? Một con người đồng loại của Galbatorix. Tệ hơn nữa…một kẻ tàn tật. Eragon, mi làm tất cả chúng ta thất vọng, ngay từ giây phút mi chạm tay vào trứng Saphira. Đừng mong chúng ta phải hoan hỉ vì sự hiện diện của mi tại nơi này.
Nhẹ đặt hai ngón tay lên môi, Vanir tránh sang một bên, bước khỏi bãi tập, để Eragon thờ thần như bị chôn xuống đất: “Hắn nói đúng. Mình không xứng đáng được trao nhiệm vụ này. Bất cứ thần tiền nào, kể cả Vanir, đều sẽ là một kỵ sĩ tài giỏi hơn mình”.
Saphira phóng mạnh tâm tưởng, giận dữ nói: “Eragon, anh coi sự phán đoán của em chẳng là gì sao? Anh quên rằng, khi còn trong trứng, Arya đã đặt em trước những tay thần tiên này, kể cả những thiếu niên của Varden? Và em đã từ chối tất cả. Em đã không chọn anh, nếu như anh không thể giúp giống nòi của anh, của em, của thần tiên – vì định mệnh đã ràng buộc ba loài của chúng ta. Đừng bao giờ quên, em đã chọn đúng người, đúng nơi chốn, đúng thời điểm.” “Dù có đúng như vậy, thì đó là chuyện trước khi anh bị tà thần gây thương tổn. Còn giờ đây anh chỉ thấy tương lai chúng ta đen tối quá. Anh không bỏ cuộc, nhưng anh thất vọng, vì có lẽ chúng ta không thể nào chiến thắng. Có thể công việc của anh em mình không phải là lật đổ Galbatorix, mà chỉ dọn đường cho một kỵ sĩ sẽ được một trứng rồng còn lại chọn lựa”.
*** Trở về bờ vực, Eragon thấy sư phụ đang ở trong lều. Ngồi bên bàn, ông đang vẽ một bức phong cảnh bằng mực đen dưới những dòng chữ vừa viết xong.
Eragon quì gối.
- Con chào thầy.
Mười lăm phút trôi qua trước khi Oromis điểm xuyết thêm mấy lộc non lên cây trường xuân, rửa ngọn bút lông trong bình nước bằng đất nung, rồi ông mới nhìn Eragon, hỏi:
- Sao con tới sớm vậy?
- Con xin lỗi đã làm phiền sư phụ, nhưng Vanir đã ngưng ngang buổi luyện kiếm. Còn lại một mình, con không biết phải làm gì.
- Vì sao Vanir lại bỏ đi, Eragon thiếu hiệp?
Hỏi xong, ông xếp hai tay lên đùi, lắng nghe Eragon kể lại những đụng độ giữa nó và vị tiên trẻ. Sau cùng nó kết luận:
- Đáng lẽ con không nên mất bình tĩnh đến thế. Những lời nói và hành động của con chỉ càng chứng tỏ mình là một đứa ngu ngốc. Con đã làm thầy thất vọng.
- Đúng vậy. Con đã làm ta thất vọng. Cho dù bị Vanir châm chọc, con cũng không nên đáp trả bằng cung cách đó. Con phải biết cách kiềm chế cảm xúc. Eragon hãy nhớ rằng, nếu con để sự nóng giận ảnh hưởng đến suy tính trong khi giao đấu, có thể con sẽ phải trả giá bằng mạng sống. Hơn nữa, thái độ trẻ con đó, chỉ thêm bằng cớ để các thần tiên có thêm lý lẽ phản đối con. Việc đại sự của chúng ta, không thể để những lỗi lầm như vậy xảy ra được.
- Thưa sư phụ, con đã biết lỗi mình và hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa.
Oromis tỏ vẻ hài lòng, ngồi chờ tới giờ luyện quyền thuật. Eragon rụt rè hỏi:
- Thưa thầy, bằng cách nào mà Vanir không hề thốt ra một lời mà vẫn có thể sử dụng phép thuật?
- Hắn đã làm vậy sao? Có thể hắn được một thần tiên khác hỗ trợ.
Eragon lắc đầu:
- Không đâu. Ngày đầu tiên tới hoàng cung Ellesméra, con cũng đã thấy nữ hoàng Islanzadí chỉ vỗ tay một tiếng, mà tạo ra một cơn mưa hoa. Vanir còn bảo: con không hiểu các cách điều hành phép thuật là gì? Hắn nói vậy là sao?
- Một lần nữa con lại muốn biết những điều con chưa sẵn sàng được biết. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này thầy chỉ có thể cho con biết một điều: chuyện con hỏi là điều không được truyền dạy cho các kỵ sĩ – cũng như không được truyền dạy cho các pháp sư của chúng ta – chỉ đến khi họ có khả năng làm chủ tất cả mọi phương diện về phép thuật, vì đây là bí mật đối với bản chất thật sự của phép thuật và cổ ngữ. Ai biết điều đó, sẽ đạt được quyền năng rất to lớn, đúng vậy, nhưng đồng thời cũng sẽ gặp những mối hiểm nguy vô cùng khủng khiếp.
Im lặng một lúc rồi ông hỏi:
- Cổ ngữ gắn bó với phép thuật như thế nào, Eragon?
- Cổ ngữ có thể phóng phép thuật lưu trữ trong cơ thể để hành động bằng một câu thần chú.
- A, nếu vậy thì theo ý con, một âm thanh, một sự rung động trong không khí cũng có thể khơi dậy năng lực này sao? Những âm thanh ngẫu nhiên phát ra từ một sinh vật hay đồ vật chẳng hạn?
- Dạ, đúng vậy, thưa thầy.
- Con không thấy điều đó…có vẻ kỳ cục, vô lý sao?
Bối rối, Eragon ngập ngừng nói:
- Thưa thầy, cho dù vô lý, nhưng…nó vẫn xảy ra. Trăng khuyết rồi tròn, bốn mùa thay đổi, chim bay về phương nam để trốn đông…Con có nên nghĩ những chuyện đó là kỳ cục và vô lý không?
- Tất nhiên là không. Nhưng làm sao mà âm thanh có thể làm được quá nhiều chuyện đến thế chứ? Có một cường độ âm thanh kiểu mẫu nào thật sự gây ra một loạt phản ứng cho phép ta điều khiển năng lượng không? Không, âm thanh không có tác dụng đối với phép thuật. Nói ra một từ hay một câu bằng cổ ngữ không là điều quan trọng. Điều quan trọng là khi con “suy tưởng” bằng cổ ngữ.
Với một cái lắc nhẹ cổ tay, một tia lửa vàng thoáng hiện trên bàn tay ông rồi vụt biến, Oromis nói tiếp:
- Tuy nhiên trừ khi cấp bách, chúng ta vẫn phải đọc to thần chú, để tránh xao lãng tư tưởng, làm đứt đoạn những câu muốn nói. Đó là một điều tối nguy hiểm ngay cả đối với những pháp sư cao tay, dày dạn kinh nghiệm nhất.
Nhớ lại khi gần chết đuối dưới thác hồ Kóstha-mérna, vì chìm nghỉm dưới nước, không thể mở miệng đọc thần chú, Eragon thầm nhủ: “Nếu sớm biết chuyện này, mình đã tự cứu được rồi”. Nó nói:
- Thưa sư phụ, âm thanh không gây ảnh hưởng đến phép thuật, sao tư tưởng lại có thể điều khiển được phép thuật?
- Vì sao ư? Thầy phải nói ngay cho con biết, bản thân chúng ta không có nguồn phép thuật nào. Phép thuật tồn tại trong chính nó, không lệ thuộc vào bất cứ câu thần chú nào, giống như ma trơi trên đầm lầy gần Arough, như giếng thần trong hang động Mani của rặng nuí Beor, như những tinh thể trong suốt bồng bềnh trên Eoam. Những phép thuật hoang dại như thế ẩn hiện, bí hiểm và mạnh hơn bất cứ phép thuật nào do chúng ta tạo ra. Nhiều thế kỷ trước, phép thuật là như vậy. Để sử dụng chúng, không cần đòi hỏi gì ngoài khả năng nhận thức phép thuật bằng tâm tưởng – khả năng này, pháp sư nào cũng phải có – cộng với sức mạnh và lòng khát khao sử dụng phép thuật. Nhưng vì không có cơ cấu cổ ngữ, các pháp sư không thể làm chủ tài năng của họ, nên xảy ra rất nhiều tai hại, kết quả là hàng ngàn người bị chết. Qua thời gian, họ khám phá ra rằng diễn đạt ý định bằng cổ ngữ, giúp họ ổn định tư tưởng và tránh được những sai lầm to lớn. Tuy nhiên, cũng đã có một tai nạn khủng khiếp xảy ra, suýt tiêu diệt toàn thể sinh linh trên thế giới. Qua những trang viết còn sót lại, chúng ta mới được biết sự kiện này. Nhưng ai hay vật gì đã niệm câu thần chú tai hoạ đó thì vẫn còn là một điều bí ẩn với chúng ta.
Ông trầm ngâm rồi tiếp:
- Sau đó, cũng theo những bản viết tay, một loài được gọi là Người Xám (không phải thần tiên, vì khi đó chúng ta còn rất non trẻ) đã tập hợp năng lực của họ mà luyện nên một quyền năng phép thuật, có lẽ đó là một quyền năng lớn mạnh nhất từ trước đến mãi mãi về sau. Họ đã cùng nhau thay đổi bản chất của phép thuật. Họ làm cho phép thuật trở thành một công cụ của ngôn ngữ – ngôn ngữ cổ. Họ có thể nhìn ta, nghĩ về ta và nói “đốt cháy cánh cửa”, phép thuật sẽ làm cánh cửa bùng cháy, chứ không đốt cháy ta. Họ còn làm cánh cửa bùng cháy, chứ không đốt cháy ta. Họ còn làm cho cổ ngữ có hai tính cách độc đáo: khả năng ngăn ngừa những người nói dối khi sử dụng cổ ngữ, và khả năng diễn tả bản chất thật sự của sự việc. Bằng cách nào họ làm được điều này vẫn còn là một bí ẩn. Nội dung những tài liệu còn lại rất khác nhau về những gì xảy ra với Người Xám, nhưng dường như chính bùa chú đã rút cạn kiệt năng lực của họ, làm cho họ chỉ còn lại như cái bóng của chính mình. Họ héo tàn dần, sống âm thầm trong các thành phố riêng biết cho đến khi đá tan thành cát bụi, hoặc kết duyên cùng những nòi giống trẻ hơn, và…do đó nòi giống họ như tan vào bóng tối.
Eragon hỏi:
- Vậy thì ta vẫn có thể sử dụng phép thuật mà không cần cổ ngữ?
- Với những gì chính con đã chứng kiến, con nghĩ sao về chuyện Saphira phun lửa? Saphira biến ngôi mộ bằng đá sỏi của Brom thành ngôi mộ kim cương? Và in dấu chúc phúc cho đứa trẻ tại Farthen Dur? Saphira có thốt lời nào đâu. Tâm trí rồng khác chúng ta, chúng không cần bảo vệ khỏi phép thuật. Trừ chuyện phun lửa, chúng không thể sử dụng phép thuật một cách có ý thức, nhưng khi tài năng thiên phú đó bật lên trong chúng thì sức mạnh của chúng không gì so sánh được…Này, con có vẻ bối rối, sao vậy Eragon?
Lom lom nhìn xuống hai bàn tay, Eragon hỏi:
- Nhưng chuyện này có ý nghĩa gì với con, thưa sư phụ?
- Nó có nghĩa là con phải tiếp tục học cổ ngữ, vì con có thể hoàn thành được nhiều việc rất phức tạp, nếu không những việc đó sẽ trở thành rất, rất nguy hiểm đối với con. Nó có nghĩa, nếu con bị bắt, bị làm cho bất động, con vẫn có thể nhiệm chú để tự giải phóng, như Vanir đã làm đó. Nó cũng có nghĩa là khi con bị bắt, bị đầu độc và không kêu lên nổi bằng cổ ngữ, phải, kể cả những lúc vậy, con vẫn có thể nghĩ đến một câu thần chú. Tuy nhiên, con vẫn có thể nghĩ đến một câu thần chú. Tuy nhiên, chỉ khi tình hình thật sự nghiêm trọng nhất con cũng có thể tạo ra một câu thần chú chưa từng có trong cổ ngữ. Nhưng phải hết sức thận trọng đối với ma lực của những khả năng này. Ngay cả những thần tiên phép thuật cao cường nhất cũng phải đắn đo không dám đùa giỡn với chúng, vì sợ chết, thậm chí còn tệ hơn cái chết nữa.
Sau đó, suốt thời gian ở lại Ellesméra, sáng nào Eragon cũng luyện kiếm cùng Vanir, nhưng không hề lần nào tỏ ra mất bình tĩnh, dù anh tiên trẻ khiêu khích mọi cách từ lời nói tới hành động.
Không phải Eragon quá nhiệt tình đua tranh, nhưng cơn đau của chấn thương lưng mỗi lúc mỗi thường xuyên hơn, vượt quá sức chịu đựng của nó. Những chiêu thức tới tấp công và thủ, trước đây không đến nỗi gây khó dễ cho nó, nhưng bây giờ làm nó choáng váng, quằn quại trên mặt đất. Ngay cả khi luyện Xà-Hạc quyền cũng làm nó lảo đảo khi phóng ra những chiêu thức mạnh. Eragon không còn đủ sức luyện tập ba bốn môn trong một ngày như vậy nữa.
Mặt mày hốc hác, Eragon đi đứng, hành động chậm chạp như người đang dưỡng sức. Nó không còn tỉnh táo khi suy nghĩ hoặc lắng nghe lời giảng giải của thầy. Đôi khi đầu óc nó như mụ mị đi. Những lúc rảnh rỗi hiếm hoi, Eragon lại lấy cái nhẫn cuốn vòng của Orik, tập trung tháo gỡ cho đầu óc bớt căng thẳng. Khi hai anh em có dịp gần nhau, Saphira năn nỉ Eragon lượn mấy vòng cho thoải mái.
Một sáng, đang bay cùng Saphira, Eragon tâm sự “Anh có một cái tên mới để gọi sự đau đớn” “Tên gì?” “Quên lãng. Vì khi đau đớn, người ta chẳng nghĩ đến gì nữa. Không tư tưởng, không cảm xúc. Chỉ mong một điều thoát khỏi nỗi đau. Khi cái đau tạm qua đi, sức khoẻ hồi phục, sự quên lãng mới rời khỏi ta, làm ta nhận ra mình là ai, mới nhận ra mình chỉ là một sinh vật nhỏ bé, một sinh vật chỉ có một khát vọng duy nhất: chạy trốn khỏi sự đau đớn. Saphira, cơ thể anh rã rời như một con ngựa già phải cày bừa quá nhiều thửa ruộng. Hãy gắn kết với anh bằng tư tưởng của em, nếu không anh có thể tan tác từng mảnh, chẳng nhớ mình là ai nữa”.
“Em sẽ không bao giờ rời xa anh đâu.” Nhưng rồi ngay sau đó, Eragon cảm thấy như một nạn nhân bị tế thần với ba lần liên tiếp lên cơn đau dữ dội trong khi giao đấu với Vanir, tiếp theo là hai lần trong buổi tập Xà-Hạc quyền. Vừa gượng ngồi dậy sau một cú lăn lông lốc trên mặt đất, sư phụ nó đã nói ngay:
- Làm lại, Eragon. Con phải hoàn chỉnh thế cân bằng.
Khoanh chặt hai tay để che giấu sự run rẩy toàn thân, Eragon lắc đầu:
- Con không tâp nữa.
- Sao?
- Không tập nữa – Đứng dậy ngay. Thử lại lần nữa.
- Không.
Oromis quì gối, đặt bàn tay mát lạnh lên má đệ tử, nhìn nó bằng ánh mắt đầy trìu mến. Eragon cảm thấy hết tấm lòng thương yêu của thầy dành cho nó, và nó cũng biết rằng – nếu có thể – ông sẵn lòng chịu đau đớn thay cho nó.
Oromis nhẹ nhàng nói:
- Đừng ngã lòng. Không bao giờ được mất niềm hy vọng, con ạ.
Dường như có một nguồn năng lực từ ông truyền sang Eragon khi nó nghe lời ông nói:
- Chúng ta là kỵ sĩ. Chúng ta đứng giữa ánh sáng và bóng tối, phải giữ thế cân bằng giữa hai ranh giới này. Ngu dốt, sợ hãi, ganh ghét đều là kẻ thù của chúng ta. Hãy chối bỏ chúng với tất cả ý chí của con, nếu không chắc chắn con sẽ gặp toàn thất bại.
Đứng dậy, ông đưa tay đón nó:
- Nào, đứng lên, Khắc-Tinh của Tà-Thần, hãy chứng tỏ con có thể chiến thắng bản năng yếu đuối của thể xác mình.
Hít sâu một hơi, Eragon nhăn mặt, chống tay cố đứng dậy. Hơi lảo đảo, rồi gượng đứng thẳng người, nó nhìn thẳng mắt sư phụ:
Vị tiên già gật đầu tươi tỉnh.
Eragon nín lặng cho đến sau buổi tập quyền, khi hai thầy trò ra suối tắm, nó mới lên tiếng:
- Sư phụ… – Nói đi con.
- Vì sao con phải chịu đựng sự tập luyện như hành xác thế này? Với phép thuật, thầy có thể truyền cho con tất cả tài năng con cần thiết, thầy có thể định hình thân thể con như thầy đã làm cho cây cối mọc theo ý thầy.
- Ta có thể. Nhưng nếu ta làm vậy, con sẽ không hiểu bằng cách nào cơ thể và khả năng con được như thế; con cũng sẽ không biết giữ gìn chúng như thế nào. Không thể đi đường tắt được, Eragon.
Trầm mình xuống nước lạnh chỉ đến cổ, Eragon hụp đầu dưới mặt nước, ôm lấy tảng đá. Nó để thân mình sóng soài trong lòng suối, cảm thấy như mình là một mũi tên bay qua dòng nước.
@by txiuqw4