sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 5

Chương 5: Những cô gái công xiềng

Cần đến hai trăm đôi bàn tay để tạo ra một chiếc giày chạy. Mọi thứ bắt đầu với một người gọi là thợ cắt, người này sẽ dập một mảnh vải lưới thành những hình cong khác nhau, giống như bức tranh ghép của trẻ con. Tiếp đó là thợ may. Họ khâu những mảnh đó thành phần trên của chiếc giày, gắn vào những thứ khác - một logo nhựa, lỗ xỏ dây giày - lần lượt. Sau đó, công nhân đế sẽ dùng lò hồng ngoại làm nóng các phần của đế giày rồi gắn lại bằng keo. Thợ ghép, thường là nam giới, vì công việc này đòi hỏi sức mạnh nhiều hơn - sẽ căng phần trên của chiếc giày vào một cái khuôn nhựa, gọi là cốt giày, một thứ trông như bàn chân người. Họ buộc chặt phần trên, quét keo lên đế giày, rồi ép phần trên và đế giày với nhau. Một chiếc máy sẽ đè lên một lực khoảng bốn lăm ki lô gam lên mỗi chiếc giày. Người thợ sửa sang cuối cùng gỡ cốt giày ra, kiểm tra từng chiếc giày một xem có lỗi gì không, sau đó đặt từng đôi vào hộp carton. Các hộp này được đặt vào thùng gỗ, mười hộp một thùng, và chuyển đi khắp thế giới trong vòng ba ngày. Trên lưỡi mỗi chiếc giày đều có một cái nhãn đề: MADE IN CHINA (Sản xuất tại Trung Quốc).

Nếu bạn đi giày thể thao, rất có thể bạn đã từng đi một đôi giày được sản xuất ở nhà máy Dụ Nguyên (Yue Yuen) ở Đông Quản. Nhà máy của gia tộc người Đài Loan này là nhà gia công lớn nhất cho các hãng Nike, Adidas và Reebok, cả các hãng nhỏ hơn như Puma và Asics. Tất cả các hãng này đã ngừng sản xuất giày từ nhiều năm về trước và quẳng việc sản xuất này cho các nhà máy bên ngoài có thể làm với giá rẻ hơn nhiều. Bí mật của nhà máy Dụ Nguyên là sự tích hợp theo chiều dọc: nhà máy kiểm soát mọi bước của quá trình gia công sản xuất - từ thiết kế ban đầu cho tới sản xuất keo, đế giày, khuôn, cốt giày cho đến cắt, may, và ghép các sản phẩm đã hoàn thành lại với nhau. Một phần ba số lượng giày - trên thế giới được sản xuất ở tỉnh Quảng Đông; cơ sở sản xuất của Dụ Nguyên là lớn nhất ở đây.

Bảy mươi nghìn con người làm việc tại nhà máy ở Đông Quản của Dụ Nguyên. Hãy thử hình dung rằng toàn bộ dân số của Santa Fe, bang New Mexico ở Mỹ, đều ở độ tuổi dưới ba mươi và đều liên quan đến việc sản xuất giày thể thao mà xem. Bên trong bức tường gạch của tổ hợp nhà máy, các công nhân ngủ trong khu tập thể, ăn ở nhà ăn tập thể và mua sắm ở cửa hàng bên trong nhà máy. Dụ Nguyên có một vườn trẻ cho con cái công nhân viên và một bệnh viện có đội ngũ y bác sĩ nhân viên y tế lên tới 150 người; nó còn có một rạp chiếu phim và một đoàn nghệ thuật biểu diễn, các hoạt động tình nguyện và cả lớp dạy tiếng Anh. Nhà máy tự điều hành nhà máy điện và bộ phận cứu hỏa của riêng mình. Đôi khi chính quyền thành phố Đông Quản còn mượn xe thang cứu hỏa của Dụ Nguyên, chiếc cao nhất trong vùng, để đi dập lửa. Dụ Nguyên có nước đóng chai do chính nhà máy sản xuất. Những người dân địa phương sẽ kể với bạn rằng nhà máy này còn tự trồng trọt thực phẩm, nhưng điều đó không đúng mà chỉ là nhà máy có ký hợp đồng với nông dân trong vùng để đảm bảo nguồn thực phẩm cho mình. Không gì ngoại trừ ngày tận thế có thể cản trở nguồn cung cấp cho thế giới cái mà những người làm trong ngành công nghiệp này gọi là "giày thể thao hàng hiệu".

Đối với những người di trú trẻ, Dụ Nguyên tạo ra sự ổn định. Lương công nhân làm việc ở dây chuyền lắp ráp chỉ ở mức trung bình - khoảng bảy mươi hai đô la một tháng sau khi đã khấu trừ các khoản, bằng với mức lương thấp nhất của thành phố - nhưng nó được trả đều đặn hằng tháng và đúng kỳ hạn. Công việc giới hạn trong mười một tiếng một ngày và sáu mươi tiếng một tuần, nghỉ ngày Chủ nhật, một trường hợp hiếm hoi trong ngành công nghiệp chẳng thiếu gì chuyện công nhân phải làm việc qua đêm này. Công nhân nhà máy Dụ Nguyên ngủ mười người một phòng trên giường sắt, thế là quá tốt so với mức trung bình. Các cô gái trẻ thường phải trả một trăm nhân dân tệ cho người trung gian để kiếm được một việc làm ở đây, đàn ông thì phải gấp vài lần như thế. Tám mươi phần trăm công nhân ở Dụ Nguyên là phụ nữ, hầu hết ở độ tuổi từ mười tám đến hai mươi lăm.

Một người di trú làm việc ở Dụ Nguyên có thể sẽ không bao giờ làm việc ở nơi nào khác nữa. Sau một số năm, cô ta có thể nghỉ việc và trở về quê - để thăm một người họ hàng bị ốm hoặc làm lễ đính hôn, để nghỉ ngơi hoặc sinh con - rồi sau đó lại quay lại Dụ Nguyên. Công nhân có thể giới thiệu anh chị em hoặc họ hàng hay người cùng làng vào làm việc trong nhà máy, nhà máy khuyến khích điều này; lấy một ví dụ, mười thành viên của một đại gia đình đều làm việc trong nhà máy này. Tốc độ thay thế công nhân khá cao - năm phần trăm một tháng, có nghĩa rằng hơn một nửa lực lượng lao động thay đổi trong một năm - nhưng con số đó chưa tính đến rất nhiều công nhân nghỉ việc chỉ để rồi quay trở lại làm việc tiếp. Chu Ân Phương vào làm ở Dụ Nguyên năm 1991, khi cô mười bảy tuổi. Cô gặp chồng mình trong nhà máy, tạm nghỉ để sinh hai đứa con, đàm phán để được thăng tiến và giờ cô đã là giám đốc một nhà máy con quản lý 1.500 công nhân. "Tôi muốn làm việc ở đây cho tới khi về hưu," cô nói với tôi như vậy. Chu Ân Phương mới ba mươi tuổi, nhưng trong giọng cô đã mang âm sắc khàn khàn của một người đàn bà đứng tuổi. Theo công nhân., tất cả các sếp ở Dụ Nguyên, đều có giọng khàn khàn khó nghe sau nhiều năm hét lên ra lệnh trong tiếng ầm ầm của máy móc.

Thăng tiến là chuyện hoàn toàn có thể; nhu cầu sản xuất quá lớn, quá bức thiết đến nỗi Dụ Nguyên buộc phải thăng cấp ngay từ bên trong bộ máy của mình. Hầu hết các quản lý trong công ty, từ người giám sát một dây chuyền đơn lẻ cho đến lãnh đạo cả một xưởng sản xuất, đều là những người di trú đến từ các vùng nông thôn, những người bắt đầu tất cả từ dây chuyền sản xuất. Có cả một hệ thống cấp bậc cực kỳ phức tạp. Các quản lý được chia làm mười ba cấp bậc, từ tập sự cho đến giám đốc điều hành, họ có đặc điểm là gọi nhau bằng chức vị chứ không phải bằng tên. Có một quám ăn chỉ phục vụ riêng cho các trưởng dây chuyền sản xuất, trong khi một quán khác phục vụ các giám sát sản xuất, cao hơn một mức. Trẻ con là một dấu hiệu của địa vị ở nơi đây: chỉ có những người ở cấp bậc trưởng dây chuyền trở lên mới được sống bên trong nhà máy với vợ, chồng và một đứa con. Công nhân bình thường thường bỏ con cái ở quê cho ông bà chăm nom.

Xã hội bên trong nhà máy chia theo ranh giới các tỉnh. Công nhân quê ở cùng một tỉnh tụ lại với nhau, nói thứ tiếng địa phương mà người ngoài không thể nào hiểu nổi. Những người đến từ tỉnh có nhiều dân di trú hơn thì phân chia dựa theo huyện quê nhà của họ. Những công nhân quê ở các tỉnh liền kề nhau như An Huy, Hà Nam, Thiểm Tây và Sơn Đông có thể nói chuyện với nhau bằng phương ngữ riêng của họ; họ gọi nhau là "bạn nửa đồng hương," một cách gọi gợi cảm giác gần gũi hơn. Công ty không ngăn cản sự phân biệt địa phương này: các quán ăn để cho công nhân lựa chọn nhiều món đặc trưng của Hồ Nam, Tứ Xuyên, hoặc Quảng Dông. Việc đúc kết các tính cách điển hình của từng tỉnh tạo thêm sắc thái cho việc tuyển dụng. Một ông chủ có thể cấm cửa cả một tỉnh nếu ông ta tin rằng cả trăm triệu con người đến từ cùng một nơi có thể sở hữu chung một đặc trưng về tính cách. Người Hà Nam hay đánh lộn. Người An Huy thì làm việc chăm chỉ nhưng không đáng tin cậy.

Các công nhân có thể sống nhiều ngày mà không cần phải mạo hiểm đi qua cánh cổng bảo vệ của Dụ Nguyên, rất nhiều người trong số họ làm như vậy, lấy lý do rằng thế giới bên ngoài rất luan (loạn) - hỗn loạn, nguy hiểm. Nhưng cuộc sống bên trong những bức tường của Dụ Nguyên cũng có thể bất ổn chẳng kém. Trộm vặt nhiều như kiến cỏ, trong nỗ lực giảm bớt loại tội phạm này, các công nhân bị cấm lại gần khu nhà tập thể suốt thời gian làm việc. Những cuộc cãi vã ở xưởng bị mang cả về phòng ngủ tập thể, bởi các công nhân ở cùng dây chuyền được yêu cầu ở chung phòng để tăng hiệu suất làm việc. Bên trong Dụ Nguyên cũng có các băng đảng hoành hành. Một số băng cướp tiền của công nhân trong ngày trả lương; một số băng khác lại nhắm đến chuyện ăn cắp các phần khác nhau của chiếc giày. Các băng đảng cũng thực hiện sự tích hợp hàng dọc của riêng chúng. Một nhóm có thể lén tuồn dây giày ra khỏi nhà máy, trong khi các nhóm khác ăn trộm đế giày. Các phần này được ghép vào thành những chiếc giày hoàn chỉnh và phân phối ở một khu khác của thành phố. Trong giới hàng giả ở Trung Quốc, khu vực như thế là một lĩnh vực riêng chuyên biệt - lắp ghép trái phép những phần khác nhau của hàng hiệu. Các băng nhóm này được tổ chức theo địa bàn tỉnh, trong đó những người đến từ Hồ Nam đáng sợ nhất.

Tình tay ba và quan hệ ngoài hôn nhân khá phổ biến, cũng nhiều như mang thai ngoài giá thú và phá thai. Vài năm trước, một cô gái trẻ đã tự tử vì thất tình; một người khác đã sinh con trong buồng tắm nhà tập thể và vứt đứa bé vào toilet. Đứa trẻ chết và người phụ nữ trẻ đó bị gửi trả về nhà. "Chúng tôi có bảy mươi nghìn con người. Đây là cả một thành phố," Luke Lee, quản lý phụ trách sức khỏe và an toàn cho công nhân của Dụ Nguyên nói. "Bất cứ vấn đề nào mà thành phố có, chúng tôi cũng có ở trong nhà máy này."

Vào những dịp cuối tuần, dây chuyền sản xuất ngừng hoạt động, tâm trạng bên trong khu tổ hợp Dụ Nguyên cũng thay đổi. Các cô gái cả tuần trước đó vốn bước đi đầy dứt khoát và đeo gương mặt vô cảm, bỗng trở nên chậm chạp uể oải. Họ đi tay trong tay với các cô bạn gái khác, thẻ nhân viên nhà máy móc dây da đeo lủng lẳng trên cổ hoặc vào những sợi xích gắn ở thắt lưng, trông như mấy cô bảo vệ trường học ở Mỹ. Họ diện áo sát nách mỏng và quần bò, hoặc váy dạ tiệc màu đen, đi giày cao gót; thỉnh thoảng cũng có vài cô bạn ăn mặc giống hệt nhau, tuyên bố tình bạn thắm thiết của họ với cả thế giới. Họ ăn kem ốc quế và ngồi chân trần trên bãi cỏ theo từng nhóm hai hoặc ba người, khi thì đọc tạp chí, khi thì tâm sự chuyện nọ chuyện kia. Cũng có khi chỉ có một cô gái ngồi một mình, nhìn mơ màng vào cõi hư không.

Nhà tập thể không có chỗ cho sự riêng tư. Các cô gái đứng ở hành lang chải mái tóc vừa gội xong của mình trước mảnh gương bé xíu bằng lòng bàn tay, các cô gái mặc quần soóc xách theo xô nước nhỏ lõng bõng để lau sàn nhà. Những người sống ở tầng trên vươn người qua rào chắn ban công nhà tập thể, soi xem bên dưới có chuyện gì xảy ra không và hét gọi các bạn ở nhiều tầng dưới đó. Một bản pop ballad vang lên từ chiếc đài chạy băng cassette trong buổi sáng mù sương: Anh yêu em, rất yêu em, như chuột yêu gạo. Không khí tỏa ra mùi của đồ giặt mới treo lên phơi khô; chất tẩy trắng, bột giặt và mùi ẩm mốc là những mùi vĩnh hằng của nhà máy Dụ Nguyên này.

Một sáng Chủ nhật tháng Sáu năm 2004, vài cô gái trẻ nằm trên giường sắt tán gẫu với nhau trong phòng 805, nhà J. Căn phòng toát lên vẻ bừa bộn của một bữa ngủ rốn đã về đến cuối, các cô gái vẫn nằm ườn ra trong bộ đồ ngủ mặc dù đã mười một giờ trưa.

"Khi gặp gỡ một người đàn ông ngoài làng," một cô nói, "mình không biết được con người thực của anh ta và cũng chẳng biết gì về gia đình anh ta nốt."

"Nếu bạn có bạn trai khi đang ở xa nhà, bố mẹ bạn ở quê sẽ chẳng còn mặt mũi nào nữa đâu."

"Bạn có thể kết bạn với ai đó, rồi về quê và lại mất hết cả liên lạc thôi."

"Khi về quê, bạn sẽ nhận ra mọi người biết tất cả mọi điều liên quan đến bạn."

Mười cô gái sống chung trong phòng J805, một căn phòng trên tầng tám diện tích khoảng mười tám mét vuông, có hai dãy giường sắt. Căn phòng, cũng như mọi nơi khác ở Dụ Nguyên, đầy mùi đồ giặt ẩm ướt. Mỗi cô được cấp cho một ngăn tủ tường để chứa quần áo, đồ ăn vặt, đồ trang điểm và trang sức; họ trang trí bên trong đó bằng tranh ảnh những ngôi sao điện ảnh cắt trên tạp chí, trông giống tủ để đồ của các nữ sinh trung học ở Mỹ. Khoảng không gian bên dưới giường sắt là nghĩa địa cho các thể loại giày: cao gót, đế mềm, dép xỏ ngón Hello Kitty. Phòng J805 nằm trên một hành lang dài đầy những căn phòng giống hệt nhau, có nhà vệ sinh và phòng tắm ở cuối. Tòa nhà này là nơi ở của hai nghìn công nhân.

Trên đồng ruộng quê nhà đang là mùa bận rộn nhất trong năm, mùa gặt vụ hè và cấy vụ hè thu. Nhưng vòng quay sản xuất giày trên toàn cầu lại chậm dần lại. Các cô gái ở phòng J805 làm việc trong nhà máy Dụ Nguyên số 8, chuyên sản xuất giày cho các hãng Adidas và Salomon. Thời gian này họ chỉ làm việc mười tiếng rưỡi một ngày cộng thêm nửa ngày hoặc cả ngày thứ Bảy; trong thế giới sản xuất gia công ở Đông Quản, như vậy đã được coi là mùa kém năng suất rồi. Vài cô gái có kế hoạch về quê hoặc rời khỏi nhà máy, nhưng con đường phía trước của họ còn phải tùy xem họ làm ra bộ phận nào của chiếc giày. Người nào làm ở bộ phận gia công đế có thể nghỉ. Còn thợ cắt và thợ may thì phải ở lại.

Giả Kế Mai, hai mốt tuổi, người Hà Nam, làm ở bộ phận gia công đế giày, lao vào căn phòng sau chuyến đi mua sắm và khoe những gì mình vừa mua được: đồ ăn vặt trên tàu và một chiếc đài băng cassette cho gia đình. Cô vừa được cho phép nghỉ về quê một tháng. "Suốt cả hai đêm trước em không ngủ được tẹo nào," cô nói. "Khi chị biết được mình sắp trở về nhà, chị sẽ chẳng nghĩ được bất cứ chuyện gì nữa đâu." Cô có chiếc mũi hếch và đôi mắt rộng trên gương mặt tròn, núng na núng nính mỗi khi cô cười. Cô ngồi xuống chiếc giường sắt ở tầng dưới của mình, ép chặt một con gấu trúc bông vào ngực.

Trương Thiến Thiến, một cô gái trẻ quê tỉnh An Huy ở tầng dưới lên chơi, quan sát đồng nghiệp sửa soạn trở về nhà. Cô có dáng người rắn rỏi, đôi bờ vai rộng và gương mặt cứng rắn nghiêm nghị; cô mặc đồ jean và có một chiếc đồng hồ đeo tay dáng thể thao màu đen khiến cô trông có vẻ mạnh mẽ.

Trương Thiến Thiến là thợ cắt, vì vậy cô ở lại nhà máy. "Mỗi khi về đến nhà, tớ lại buồn đến chết đi được," Thiến Thiến nói. "Chẳng có ti vi và chẳng có cassette. Mà mọi người ở quê đều đã tha hương kiếm sống, thế là tớ lại thui thủi một mình suốt cả ngày."

"Bà nội tớ dậy từ sáng sớm để chuẩn bị bữa sáng," cô nói tiếp, "rồi bà gọi tớ dậy ăn, mà đôi khi tớ vẫn còn đang ngủ tít. Sau đó bố tớ sẽ quát: Mày nằm ườn ra giường và thậm chí còn chẳng chịu dậy mà ăn bữa sáng bà nội đã nấu cho mày nữa. Ở nhà lúc nào mình cũng bị chê trách đủ điều."

"Khi về quê, thì không thể ở lại đó được," Lý Tiểu Yến, một cô thợ cắt quê tỉnh Hồ Nam ở cùng phòng lên tiếng đồng tình. Các cô gái ở đây có mối quan hệ rất phức tạp với quê nhà của mình. Ở ngoài thành phố, họ mệt mỏi, cô đơn, nói mãi đến chuyện về nhà nhưng về đến nhà, họ lại nhanh chóng buồn chán và lại khát khao được ra đi lần nữa. Nếu một cô gái quyết định rời bỏ nhà máy, quyết định ấy sẽ tạo nên một gợn sóng sửng sốt và bất ổn định đối với mọi người xung quanh cô. Là dân di trú, cũng đồng nghĩa với việc hết lần này đến lần khác bị những người gần mình nhất bỏ rơi.

Thiến Thiến là một tay kỳ cựu đối với những chuyện ra đi và trở lại. Cô ở quê nhà lên đây ba năm trước, làm việc ở Dụ Nguyên một năm rưỡi, sau đó nghỉ việc vì có xung đột với ông chủ, rồi cô trở về quê sống một thời gian. Trở lại Đông Quản, Thiến Thiến làm việc ở một nhà máy điện tử nhỏ mà điều kiện còn tệ hơn Dụ Nguyên rất nhiều lần. Cô nghỉ việc và lại về quê, lần này là vì lễ mừng thọ tám mươi của bà nội cô. Bốn tháng trước, cô lại vào làm việc ở Dụ Nguyên. "Tớ di chuyển từ nơi này đến nơi khác, thế mà có vẻ như lúc nào cũng kết thúc ở cái nhà máy này," cô tâm sự.

Giả Kế Mai thì không chắc chắn lắm. "Có thể em sẽ trở lại Dụ Nguyên nhưng em còn chưa dám chắc," cô nói. Một tuần sau, cô về quê mà không nói cho các bạn cùng phòng biết mình có trở lại hay không.

Trung Quốc đã có một phần tư thế kỷ tham gia vào làn sóng di trú lớn nhất trong lịch sử loài người, và lai lịch của những con người đang dịch chuyển ấy cũng thay đổi không ngừng. Những người rời bỏ làng quê ra đi vào những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước không có mục tiêu xác định, mà thường bị thúc đẩy bởi nhu cầu tiền nong của gia đình và khát khao xây một ngôi nhà khi trở về quê hương. Người ta coi hành động của một phụ nữ độc thân rời bỏ quê hương một mình là mạo hiểm, thậm chí còn là một nỗi xấu hổ. Những người di trú thuở ban đầu ấy thường tìm các công việc theo mùa, thường là vào các dịp nông nhàn. Họ trở về giúp đỡ gia đình suốt thời gian gieo hạt và cả vụ gặt. Khi đã kiếm đủ tiền, họ về quê và không đi đâu nữa.

Thế hệ mới đến tuổi trưởng thành khi mà di trú đã được chấp nhận như một con đường tìm đến cuộc sống tốt hơn. Trẻ hơn và được giáo dục tốt hơn những người đi trước, họ ít bị sự nghèo đói ở nông thôn thúc bách hơn, mà chính các cơ hội ở thành phố thôi thúc họ. Không còn sự xấu hổ nhục nhã nào gắn với di trú nữa. Giờ đây, ở lại quê nhà mới chính là nỗi nhục.

Mối gắn kết của những người di trú mới với làng quê của mình lỏng lẻo hơn. Những chuyến về quê của họ không còn bị chi phối bởi lịch nhà nông hay thậm chí là những ngày lễ tết truyền thống kiểu như Tết âm lịch. Thay vào đó, dân di trú trẻ về quê và lại ra đi tùy theo kế hoạch cá nhân của họ, chuyển việc hoặc xin được nghỉ phép, kế hoạch đó thường gắn liền với nhu cầu của chu trìrh sản xuất. Giờ đây, thứ ấn định cuộc đời dân di trú là mùa của nhà máy, chứ không còn là mùa đồng áng nữa.

Hành vi và vẻ ngoài của dân di trú mỗi lúc một giống dân thành thị. Các tờ tạp chí dành riêng cho dân di trú được xuất bản từ những năm 1990 đều đã đình bản hoặc đang vật lộn để giành lấy độc giả. Người ta không còn nghe thấy những bài hát về đời người dân di trú trong các thành phố công nghiệp miền Nam nữa, công nhân làm việc ở dây chuyền lắp ráp giờ nghe thứ nhạc pop đám thanh thiếu niên thành thị vẫn nghe. Dân di trú ngày nay tiêu tiền cho bản thân một cách thoải mái - vào quần áo, làm tóc và điện thoại di động - họ có thể chỉ gửi tiền về nhà vào những lúc cần thiết. Thế hệ di trú mới tham vọng nhiều hơn và ít thỏa mãn hơn những người đi trước. Một cuộc điều tra cho thấy 12% những người di trú rời bỏ quê hương từ những năm 1990 thỏa mãn với hoàn cảnh sống của họ, so với con số 27% ở những người đã ra đi từ một thập kỷ trước đó. Điều đó không nhất thiết là những người di trú mới muốn trở về quê hương. Nhưng nó gợi ra rằng nền tảng để so sánh của họ đã chuyển dịch lên thành phố, và có lẽ những mong đợi lớn hơn ấy hứa hẹn một cơ hội thành công cũng lớn hơn. Hoặc có lẽ là thế hệ mới này đã được định sẵn là sẽ phải thất vọng.

TÌM HlỂU về các nữ công nhân trẻ của Dụ Nguyên không phải chuyện dễ. Các cô hẹn ngày giờ gặp tôi và rồi không xuất hiện; nếu tôi tìm thấy họ sau đó, họ cũng chẳng giải thích hay xin lỗi gì. Không ai muốn nhận chiếc điện thoại di động tôi đề nghị tặng để chúng tôi có thể giữ liên lạc, có lẽ bởi họ không muốn phải chịu trách nhiệm. Họ có thể rất thân thiện với tôi ngày hôm nay và rồi làm mặt lạnh như tiền vào ngày hôm sau, nếu tôi bắt chuyện được với một cô gái ở nhà tập thể nào đó, những cô khác cùng phòng sẽ tránh mặt tôi đi. Có cô còn hướng dẫn các bạn cùng phòng nói dối tôi rằng cô ta đã rời bỏ nhà máy, chỉ bởi các bạn cô từng nói với cô rằng tôi không đáng tin cậy. Công ty cho tôi quyền đi lại tự do trong các khu nhà tập thể, nhưng giành được lòng tin của những người sống ở đó mới là phần khó khăn nhất. Trong cái bóng của nhà máy giày khổng lồ ấy, họ lả lướt mong manh như lũ bướm đêm, khó nắm bắt hơn bất cứ người nào tôi gặp trong thành phố.

Các cô gái đều giữ thái độ dè chừng với người khác và thường nói năng phũ miệng khi ngồi với nhau. Họ thường chẳng biết gì về những người sống chung và làm việc chung với mình; khi tôi tìm hiểu được sâu hơn về họ, các cô gái thường hỏi tôi tin tức về những người khác. Hầu hết các cô đều có vẻ như có một hoặc hai người bạn thực sự đang sống ở xa, có lẽ là ở một nhà máy khác, và thà tin vào họ còn hơn là vô số những người ở quanh mình. Có lẽ đây là sự đề phòng của họ khi phải sống giữa một tập đoàn đầy những người lạ: họ cho việc ai đó ngủ ở giường ngay bên cạnh mình đêm nay có thể biến mất vào ngày mai là chuyện thường tình.

Công nhân di trú cần nhiều nghị lực để thay đổi hoàn cảnh của mình. Nhưng trong một nhà máy lớn như Dụ Nguyên, áp lực của việc hòa nhập với xung quanh cực kỳ khắc nghiệt. Cô gái nào cũng tuyên bố trước mặt những người khác rằng họ không đồng tình với chuyện kiếm bạn trai ở thành phố, mặc dù rất nhiều người trong số họ đã có một người rồi; họ bỉ bai chuyện học lên cao hơn là vô dụng, đồng thời vài người lại lén lút tham gia các lớp học trong một nỗ lực tự nâng cao bản thân. Dụ Nguyên là một chỗ làm tốt - tất cả những người từng làm việc ở đó đều nói vậy. Nhưng nếu muốn thứ gì đó khác, bạn sẽ phải gồng mình hết sức lên để thoát thân.

Tháng Bảy, mùa bận rộn nhất trong năm của nhà nông, công việc ở Dụ Nguyên chững lại như rùa bò. Các phòng tập thể trống huếch trống hoác vì có nhiều công nhân xin nghỉ phép về quê. Những người ở lại chỉ làm việc tám giờ một ngày, năm ngày một tuần. Ở đây, thời gian biểu làm việc bình thường của thế giới cổ cồn trắng phương Tây đã là thiên đường rồi.

Thiến Thiến thức dậy lúc hơn mười giờ sáng Chủ nhật, vừa đúng lúc tôi đến gặp cô. Cô ngáp dài, vươn người và lề rề quăng mình khỏi chiếc giường sắt tầng trên. Cô mặc một chiếc áo sát nách màu xanh lá, quần jean thêu hoa dọc theo một bên ống, kéo lê đôi giày cao gót nhọn hoắt. "Cả một năm dài, chỉ có vài tháng này là vui hơn một chút." Cô nói. Cách đó hai giường, một cô bạn cùng phòng đang ngồi trên giường thì thào luyện nói tiếng Anh. Cô tham gia một lớp do nhà máy tổ chức. Các câu trong cuốn sách đã sờn gáy của cô nghe khá lạ.

THIS IS LOO. HE'S FROM PERU.

(ĐÂY LÀ LOO. ANH ẤY ĐẾN TỪ PERU.)

Một câu khác có nghĩa:

DONT LOSE THE OPPORTUNITY.

(ĐỪNG ĐỂ VUỘT MẤT CƠ HỘI.)

Thiến Thiến đi xuống cầu thang, qua những tòa nhà tập thể khác, rồi đi qua cánh cổng nhà máy. Trên vỉa hè bên ngoài, ánh mặt trời chói chang đến nỗi cả con phố như trắng lóa lên, giống một bức ảnh bị lộ sáng. Thiến Thiến bước vào một cửa hàng bách hóa và hướng về phía dãy giá để những chiếc giày cao gót có đính cườm trang trí. Cô chỉ ngón tay vào một chiếc giày đế bằng màu vàng, dây giày có ba trái tim hồng lấp lánh, trông như chiếc kẹo Lễ Tình nhân. "Cái này rất hợp mốt năm nay," cô nói. Trong khu bán quà, cô chỉ ra một chiếc khung ảnh có gắn những bông hồng giả bên trong, cô đã tặng cho một người bạn một cái y như thế nhân dịp sinh nhật.

Ra ngoài con phố gần như vắng tanh, Thiến Thiến lớn tiếng gọi to một cô gái đi qua bên mình. "Giả Kế Mai! Cậu dạo này biến đi đâu thế?"

Cô gái có những lọn tóc nhuộm đỏ dừng lại. Cô khoác trên vai một chiếc ba lô bằng nylon hiệu Nike. "Tớ về nhà," cô đáp.

"Cậu về nhà? Bây giờ ư?

"Bây giờ."

Thiến Thiến nắm bàn tay cô gái kia một lúc. "Được, tạm biệt nhé," cô nói. Cô nhìn bạn mình đi xa dần. "Ta gặp quá nhiều bạn bè trong những nhà máy như thế này, thế rồi họ về quê hết."

"Các cô có giữ liên lạc không?" Tôi hỏi.

"Khó lắm. Thỉnh thoảng chúng em cũng trao đổi địa chỉ." Bạn thân nhất của cô ở thành phố là người cô đã gặp trong thời gian làm việc ở Dụ Nguyên lần đầu tiên. Họ đã cùng lúc nghỉ việc ở nhà máy, người nào về quê người nấy, và hẹn nhau sẽ cùng rời làng quê ra đi một lần nữa. Thiến Thiến thường xuyên ghé thăm bạn vào nhũng ngày được nghỉ. Nỗ lực cần thiết để giữ liên lạc được với nhau giải thích tại sao các nữ công nhân nhà máy lại có ít bạn bè thực sự đến thế. Điều dễ xảy ra nhất trên đời này, chính là đánh mất mối liên hệ với một ai đó.

Chúng tôi ngồi xuống một quảng trường đầy nắng bên ngoài cửa hàng bách hóa ăn kem ốc quế. Một cô gái mặc áo đồng phục nhà máy kẻ xanh trắng có vẻ như quen biết Thiến Thiến ngồi xuống cạnh chúng tôi. Cô vung vẩy tấm bưu thiếp mình đang đi gửi một cách vu vơ. "Tớ bỏ nhà máy rồi," cô lên tiếng. Trời nóng đến nỗi chẳng ai đáp lại. Hai cô gái ngồi trong yên lặng và nhìn tôi hí hoáy viết vào cuốn sổ.

"Cậu có đọc được tiếng Anh không?" Thiến Thiến hỏi cô gái.

Cô gái kia cười rủũrượi. "Thậm chí tớ còn chưa tốt nghiệp tiểu học nữa là!"

Sau khi cô gái kia đi, Thiến Thiến giải thích rằng họ từng làm chung trong một nhà máy nhỏ gần đây. "Dụ Nguyên tốt hơn," cô nói. "Phúc lợi tốt hơn. Có cả một thư viện và trung tâm sinh hoạt. Chị có thể chơi cờ hoặc vào câu lạc bộ lắc vòng." Tôi hỏi cô có tham gia vào hoạt động nào không, thì cô bảo không.

Cô đi bộ dọc xuống phố, ngẫu nhiên gặp những người bạn đang chuẩn bị về quê, chào nhau một câu và rồi tạm biệt với những người mà rất có khả năng cô sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa. Ở quê nhà, cha mẹ Thiến Thiến cũng gây áp lực ép cô trở về, nhưng họ cũng muốn cô gửi thêm tiền. Cô đã gửi cho họ khoảng năm nghìn nhân dân tệ trong hai năm đầu tiên lên thành phố, nhưng sau đó thì không gửi gì nữa cả. Ở làng cô, các bậc cha mẹ có truyền thống xây nhà cho con trai trưởng thành sống sau khi anh ta lấy vợ, em trai Thiến Thiến mới mười bốn tuổi, nhưng cha mẹ cô đã bắt đầu lo lắng về phí tổn đó.

"Mọi người khác trong làng đều đã xây nhà," bố Thiến Thiến nói với cô. "Làm sao nhà mình vẫn chưa xây được?"

"Con cũng đang định hỏi câu ấy đây," Thiến Thiến vặc lại.

Từ làng quê, gia đình cố gắng tác động đến các cô con gái của họ. Gửi tiền về nhà. Đừng có quen bạn trai ở ngoài ấy. Lấy chồng cho sớm đi. Trở về đây. Trong hầu hết các trường hợp, các cô gái hành xử theo ý thích của mình. Cha mẹ Thiến Thiến thậm chí còn không biết số điện thoại của cô trong nhà máy - khi nào cô muốn nói chuyện, cô sẽ gọi cho họ. Họ lúc nào mà chẳng ở nhà.

Những con phố xung quanh Dụ Nguyên tràn ngập cơ hội tiêu tiền và tự nâng tầm bản thân lên. Những buổi chiều cuối tuần, Trung tâm đào tạo máy tính Hy Vọng đông nghịt công nhân ngồi trước màn hình học sử dụng Word và Excel. (Một tấm biển quảng cáo ở bên ngoài viết bằng tiêng Anh sai chính tả: MICROSOFT WORB.) Một cửa hàng bán áo sơ mi trắng cho nam giới giá hai mươi nhân dân tệ một chiếc, và một tiệm chụp ảnh đưa ra lựa chọn với các tấm phông nền gợi đầy ý chí vươn lên: khung cảnh điền viên, cột đá kiểu Hy Lạp, những căn biệt thự ngoại ô. Những người bán lẻ phục vụ cho những ai nhớ nhà với những thứ đậm chất vùng miền. BÁNH HẠT VỪNG CHU KHẨU HÀ NAM. CẮT TÓC VŨ HÁN. Một cửa hàng chỉ có một dãy những quầy điện thoại bằng nhựa gắn dọc bức tường, một ngành kinh doanh chỉ tồn tại duy nhất trong các thành phố của dân di trú. Bên bức tường đối diện là lịch trình tàu hỏa đi khắp các thành phố trên đất Trung Quốc: đi Ninh Ba hai mươi lăm tiếng, đi Thành Đô bốn mươi tiếng. Trung tâm y tế thị trấn Thượng Giang quảng cáo thử thai trong một phút, chữa các bệnh lây qua đường tình dục và phá thai. Bệnh viện bên trong nhà máy Dụ Nguyên cũng phá thai được, nhưng hầu như chẳng ai đến đó. Các phòng khám ven đường cũng thực hiện trình tự y như thế và chẳng ai biết là bạn làm gì ở đó cả.

Bên ngoài cánh cổng nhà máy Dụ Nguyên, có lần tôi đã thấy một người đàn ông nói vào bộ micro gắn trên đầu nhanh như một người rao hàng rong trong các hội chợ ngày trước. "Nếu bạn đau bụng, đau lưng, nếu bạn thấp khớp, thứ này chính là dành cho bạn đây." Không khí chua lòm mùi rượu, trên một tấm chăn trải ra sát bức tường bày mấy con rắn trong lồng, một con sao biển và nhiều chai chất lỏng màu hơi nâu nâu như trà đá pha đặc. Vài con rắn, có vẻ như đã chết, được quấn bùng nhùng vào nhau trong giỏ nhựa; người đàn ông dùng một cái que đảo đảo chúng lên, như đang làm món xào. Anh ta hút thuốc liên tục rồi ho sù sụ, trông chẳng đủ tư cách để đưa ra những lời khuyên về y tế một chút nào. Thế nhưng cũng có một đám đông các chàng trai và cô gái trẻ tranh giành những tờ rơi mà anh ta phát ra.

RƯỢU RẮN BỔ THẬN

Thành phần: thành phần chính của sản phẩm này là rắn hổ mang chúa, rắn cạp nong, rắn vòng bạc, và các loại khác, tổng cộng bảy loại rắn độc và rất nhiều dược thảo.

Cách dùng: sáng và tối, mỗi lần một hoặc nửa lạng.

Một hôm khác cũng trên đoạn vỉa hè ấy, một người đàn ông nằm sấp, đôi chân tàn tật quấn bên dưới, đang cầm một mẩu phấn viết lên vỉa hè. Một đám đông những người di trú trẻ tụ tập lại đọc câu chuyện của anh ta: vợ anh ta chết, con trai đang ốm, anh ta đã phải đi một quãng đường xa để hành khất. Trong cốc của người đàn ông đã có vài tờ tiền lẻ, lúc tôi đứng quan sát thì có thêm hai người nữa cho anh ta tiền.

Từ con phố chính phía trước nhà máy Dụ Nguyên, các lối đi chạy vuông góc giữa các cửa hàng. Những ngõ ngách này đầy những rác rưởi còn trên tường nhà dán đầy quảng cáo chữa bệnh lậu và giang mai; ở Trung Quốc, những tờ rơi kiểu này đầy rẫy ở bất cứ đâu có nhiều gái điếm. Đi dọc theo một trong những lối đi ấy, có lần tôi đã nhìn được qua cửa sổ một căn nhà một tầng. Trong đó có những cô gái trẻ đang ngồi trong bóng tối, mái đầu cúi xuống khâu vá. Đó cũng là một nhà máy, loại tệ nhất ở đây.

Các cô gái làm việc ở Dụ Nguyên hiếm khi bén mảng tới những nơi này. Các đường ngách này không dẫn đến những con phố khác có trường dạy máy tính và cửa hiệu làm tóc: chúng đi đến khu ruộng đồng. Ngay bên ngoài rìa của thế giới các nhà máy, đàn ông và đàn bà tuổi trung niên đang làm việc trên những ruộng rau xanh ngắt, dưới bầu trời đầy mây nhưng chẳng thể bảo vệ họ khỏi ánh nắng mặt trời.

LỊCH TRUYỀN THỐNG (LỊCH ÂM) của Trung Quốc chia một năm thành hai mươi tư tiết và đưa ra chỉ dẫn cho nhà nông cứ hai tuần một lần. Một năm bắt đầu với tiết lập xuân, vào ngày 4 hoặc 5 tháng Hai và đó là thời gian để gieo hạt vụ xuân. Lịch âm còn chỉ ra lúc nào nên trồng dưa, đậu, hoa màu, củ cải đường, nho và lúc nào thì thu hoạch lúa, lúa mì, táo, khoai tây, củ cải và bắp cải. Nó dự đoán những đợt hạn và mưa lớn. Nó chỉ dẫn khi nào là thời gian chính xác để bảo vệ mùa màng khỏi gió máy, diệt sâu bọ và bón phân, diệt cỏ, tưới nước, khi nào thì đi sửa chuồng cho gia súc và khi nào đón mừng năm mới. Hệ lịch này đã được chuẩn hóa từ thời Tiền Hán - với nhiều khác biệt vùng miền, và nó đã chỉ đạo nhịp sống trên đồng ruộng suốt hai nghìn năm nay.

Các cô gái ở Dụ Nguyên chẳng biết gì về chuyện đồng áng. Khi về nhà, cha mẹ họ thường không muốn họ đụng tay đụng chân vào làm việc; nếu ra đồng giúp việc, các cô sẽ bị cháy nắng và bỏng rộp vì không quen môi trường làm việc. Một công nhân di trú đã mô tả một ngày điển hình ở quê với tôi: Cô tuân theo thời gian làm việc của nhà nông với những thành viên còn lại trong gia đình, nhưng cả ngày chỉ ngồi nhà xem ti vi.

Tôi dậy lúc 6h30. Tôi xem ti vi - Điểm tin tức, sau đó là các chương trình truyền hình dài kỳ. Tôi xem ti vi đến khoảng một hai giờ chiều. Sau đó tôi nằm ngủ và đi loanh quanh một lúc. Tôi ăn tối rồi đi ngủ lúc mười giờ.

Thời gian biểu toàn cầu của ngành gia công giày cũng bắt đầu vào mùa xuân. Máy móc tăng tốc vào tháng Ba và nhanh hơn nữa vào tháng Tư, Năm và Sáu, sản xuất ra giày dép trước mùa mua sắm mùa hè ở Mỹ và châu Âu. Tháng Bảy - khi việc nhà nông bắt đầu chuyển nhanh để vào vụ thu hoạch hè trước khi mưa xuống - ngành công nghiệp sản xuất giày bắt đầu rơi vào giai đoạn lắng. Các đơn hàng giảm xuống thấp nhất vào tháng Tám, dây chuyền sản xuất đôi khi chỉ chạy với hai mươi phần trăm công suất. Tháng Chín và tháng Mười, công việc lại bắt đầu và các máy móc chạy toàn thời gian trong mong ngóng chờ cao trào. Tháng Mười một và đầu tháng Mười hai là giai đoạn dốc hết công suất, mọi người đều phải làm thêm giờ để đón trận bão mua sắm Giáng sinh. Sau kỳ nghỉ lễ, vòng quay lại chậm lại cho đến mùa xuân.

Các cô gái nắm rõ các mùa của giày như lòng bàn tay, và cả nhịp điệu hằng ngày của nó. Trong những công xưởng sâu hun hút của Dụ Nguyên, gia công giày đế mềm là một môn khoa học được tính toán bằng đồng hồ bấm giây. Có một tấm bảng nhựa trước mỗi vị trí của dây chuyền sản xuất trên đó viết rõ một công nhân cần bao nhiêu giây để hoàn thành công việc được giao. Một dây chuyền sản xuất ở Dụ Nguyên cần mười tiếng đồng hồ để hoàn thành một chiếc giày, bốn năm trước thời gian đó là hai mươi lăm ngày, và số lượng giày bình quân một công nhân đã tăng lên 10%.

Công xưởng cũng có hệ thống cấp bậc riêng. Việc làm tốt nhất là ở bộ phận phát triển, công nhân ở đây chỉ sản xuất một lượng hàng hóa nhỏ làm mẫu và không có nhiều áp lực về sản lượng cho lắm. Thợ cắt và thợ làm đế ở nấc tiếp theo: là những người ở vị trí đầu tiên trong dây chuyền, họ dẫn nhịp và được hưởng nhiều tự do hơn. Công việc áp lực nhiều nhất là khâu may và lắp ghép, công nhân làm những việc này bị kẹt cứng giữa chu trình sản xuất. Áp lực dồn xuống họ từ cả hai phía - những người ở đầu trên dồn việc xuống chỗ họ, trong khi những người phía dưới lại yêu cầu họ làm nhanh nhanh tay lên. Có rất ít chỗ cho lỗi lầm ở đây: nhân viên KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm) và khách hàng đều tập trung vào những khu dưới của dây chuyền này, vì nhận ra lỗi ở một chiếc giày thành phẩm thì dễ hơn nhiều. Các công nhân ở đây có câu:

Bọn khâu may bị mắng đến chết,

Bọn phép giày làm việc đến chết,

Bọn thợ cắt chơi cũng đến chết.

Khi Dụ Nguyên xây dựng nhà máy đầu tiên của tập đoàn này ở Trung Quốc vào năm 1989, Hàn Quốc đang thống trị thị trường giày đế mềm thế giới. Trong thập kỷ đầu tiên ở đây, các nhà máy của Dụ Nguyên thường yêu cầu người lao dộng làm qua đêm và chỉ cho họ nghỉ một ngày mỗi tháng. "Chỉ cần cung cấp cho những nhãn hiệu ấy hàng hóa với một cái giá hợp lý, họ chẳng cần quan tâm bạn điều hành nhà máy thế nào cả đâu," Allen Lee, người đứng đầu cơ sở gia công cho Adidas ở Đông Quản của Dụ Nguyên nói. "Chúng tôi không nói về chuyện có trả tiền làm thêm giờ hay là chuyện để sẵn giấy vệ sinh trong nhà tắm hoặc công nhân có cần rửa tay hay không, rồi cả chuyện bao nhiêu người ngủ chung một phòng ở tập thể nữa. Chúng tôi sử dụng phương thức quản lý kiểu đàn áp: đây là việc của cô và nếu cô phải ở lại ba ngày ba đêm để hoàn thành nó, cô cũng phải làm."

Lực lượng lao động rẻ mạt, tích cực của Trung Quốc rất thích hợp với công việc khát người lao động như khâu giày, nên sang đến thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc trở thành người dẫn dầu trong ngành công nghiệp này. Sau khi các nhãn hiệu lớn của Mỹ bị các nghiệp đoàn và các nhóm bảo vệ quyền công nhân phản đối vì điều kiện, làm việc quá khắc nghiệt trong các nhà máy của họ, Nike và Adidas bắt đầu ép những nhà cung cấp của mình cải thiện môi trường làm việc. Dụ Nguyên chuyển sang chế độ ngày làm việc mười một giờ và nghỉ mọi ngày Chủ nhật; rất nhiều công nhân đã bỏ việc với lời phàn nàn rằng tiền làm thêm giờ không đủ nữa. Công ty đã thành lập một đơn vị độc lập dể xem xét điều kiện làm việc và một trung tâm tư tư vấn, nơi công nhân có thể kêu ca phàn nàn và tìm kiếm sự trợ giúp và nộp đơn khiếu nại. Nhà máy đã cải thiện tiêu chuẩn an toàn, cấm các hóa chất độc hại, bỏ các bài tập vận động kiểu quân đội. Nhưng mặc dù các nhãn hiệu đã buộc các nhà máy phải đối đãi với công nhân tốt hơn, họ cũng đồng thời gây áp lực ép nhà sản xuất phải giảm chi phí. Nhiều khi những mục tiêu này gây hiệu quả trái ngược hoàn toàn. Trước đây cơ sở sản xuất cho Adidas của Dụ Nguyên cấp đồng phục miễn phí cho công nhân. Nhưng trước áp lực cắt giảm chi phí từ phía Adidas, Dụ Nguyên bắt đầu thu tiền đồng phục của công nhân, nhưng Adidas cũng phán đối cả chính sách này. Cuối cùng thì Dụ Nguyên quyết định bỏ luôn đồng phục, giờ đây các công nhân mặc quần áo của họ khi làm việc.

Năm 2001, Adidas phát động một chương trình gọi là Lean Manufacturing để tăng hiệu suất làm việc và giảm lãng phí ở Dụ Nguyên. Các công nhân nói rằng giờ họ làm việc ít giờ hơn, nhưng thời gian ở dây chuyền lại áp lực hơn trước rất nhiều, các công việc được đặt ra một cách rõ ràng và gần như không có thời gian chết. Dây chuyền lắp ráp được tái tổ hợp lại thành những nhóm nhỏ trong đó công nhân có thể thay đổi công việc vài ngày một, trong khi trước đó họ có thể làm cùng một tác vụ trong suốt một tháng liền. Điều này khiến công tác sản xuất trở nên linh hoạt hơn, nhưng lại vắt kiệt sức lực của các công nhân. Cũng trên danh nghĩa hiệu suất làm việc, chỗ ở cũng được sắp xếp lại sao cho các công nhân sống chung với những đồng nghiệp ở dây chuyền lắp ráp chứ không phải bạn bè họ.

Xu hướng thời trang thay đổi ngày một nhanh trên thế giới làm tăng thêm áp lực xuống các công nhân. Một thập kỷ trước, các nhãn hiệu giày thể thao lớn dành cho nhà máy chín mươi ngày từ khi nhận đơn hàng đến khi giao hàng, vài năm trước thời gian này giảm xuống còn sáu mươi ngày, và giờ đây là ba mươi ngày. Tính toán đến khả năng phản ứng nhanh khi xu hướng thời trang thay đổi, các đơn hàng trở nên nhỏ hơn, công nhân phải sống trong một chu trình không thể nào đoán trước. Chỉ đến ngày thứ Năm thì cấp trên mới bảo họ xem có phải làm thêm giờ thứ Bảy hay không. Suốt thời gian cao điểm, bộ phận đế giày phải làm hai ca; những ai làm ca ngày tháng này thì tháng sau phải làm ca đêm, đồng hồ sinh học của họ nhảy loạn hết cả lên và cơ thể họ phải gắng gượng hết sức để bắt kịp nhịp sống mới.

Những người quản lý nói rằng yêu cầu của thị trường chỉ khiến Dụ Nguyên trở nên tốt hơn. "Nếu chúng tôi không có áp lực, chúng tôi không thể tiến bộ," Allen Lee nói. "Như Darwin đã nói: chỉ có kẻ mạnh nhất mới sống sót." Một nghiên cứu của Adidas cho thấy công nhân mới đầu cảm thấy căng thẳng bởi chương trình Lean Manufacturing, nhưng qua thời gian, nghiên cứu đó kết luận, họ đã quen với nó.

Tháng Tám là mùa tưới ngô và chuẩn bị cho vụ lúa mì đông. Trong nhà máy Dụ Nguyên, mùa sản xuất mới bắt đầu sớm hơn thường lệ: chuẩn bị cho mùa mua sắm Giáng sinh. Sau khoảng thời gian nhàn rỗi mùa hè, các cô gái phải làm thêm giờ mọi ngày trong tuần và cả ngày thứ Bảy. Trên dây chuyền lắp ráp, họ làm việc nhanh hơn và nói chuyện ít hơn. Nhưng cơ thể họ bắt đầu phản kháng.

"Em chưa từng đau đầu thế này bao giờ," một buổi sáng đầu tháng Tám, Thiến Thiến phàn nàn. "Giờ đáng lẽ phải là mùa nhàn rỗi, nhưng chúng em có quá nhiều đơn đặt hàng." Trước đó một hôm, cô đã bước sang tuổi hai mươi hai; cô đã lên kế hoạch đến thăm người bạn thân nhất của mình để tổ chức lễ kỷ niệm, nhưng thay vào đó, cô lại làm thêm giờ hết cả ngày sinh nhật.

Trở về phòng J805, Giả Kế Mai đã quay lại nhà máy sau chuyến về thăm nhà. Cô ngồi trên chiếc giường tầng dưới của mình, mệt mỏi bơ phờ và không mỉm cười.

"Ở nhà thế nào?" Tôi hỏi cô.

Cô khẽ gượng cười, đáp gọn lỏn: "Tốt."

"Cô đã làm gì?"

"Chẳng làm gì cả. Em đã nghĩ đến chuyện không quay lại đây," cô chậm rãi đáp, như thể cô vừa bước ra khỏi một giấc mơ. "Nhưng ở nhà chẳng có gì làm cả. Nếu gần nhà có gì làm được, thì ở gần vẫn tốt hơn. Nhưng chẳng có lấy một việc. Em cảm thấy rất khó chịu khi trở lại đây. Thực tình là em không muốn trở lại làm việc nữa."

Ở giường tầng trên, Ngô Dung Lợi trông vui vẻ hơn. Cô gái mười chín tuổi này có gương mặt thanh mảnh với những nét rất xinh, trong buổi sáng mùa hè hôm ấy, cô mặc một chiếc váy đen có dây vải xoắn khá thanh lịch, trên cổ đeo dây chuyền mặt hình trái tim. "Kệ chị ấy," Ngô Dung Lợi nói. "Chị ấy chưa thích ứng với chuyện quay lại đấy thôi." Sắp tới còn nhiều thay đổi khó chịu hơn nữa: mỗi năm một lần, nhà máy lại sắp xếp lại nhà ở cho công nhân. Mục đích là để nắm được những ai đã đi hoặc đến trong một năm và đảm bảo rằng những người cùng đội sản xuất sống chung với nhau, nhưng việc làm này khiến cuộc sống của tất cả công nhân đều bị đảo lộn. "Chúng em đã trở thành bạn," Giả Kế Mai nói. "Và giờ, rất có khả năng chúng em sẽ lại bị phân tán."

CUỐI THÁNG ĐÓ, công nhân được chuyển sang nhà tập thể mới. Trong một nhà máy tầm cỡ như Dụ Nguyên, các cô gái từng ngày nào cũng gặp nhau bỗng dưng không biết phải làm cách nào để tìm lại ban bè mình. Rất nhiều người đã mất liên lạc vĩnh viễn.

Sau lần chuyển chỗ ở, Thiến Thiến biến mất. Tôi đã đi tìm cô suốt cả tháng Chín. Tôi đến nhà tập thể mới của cô rất nhiều lần - nó ở tầng bốn cùng tòa nhà cũ - nhưng các bạn cùng phòng không biết cô đã đi đâu. Và họ còn hỏi tôi về tin tức của những công nhân khác mà họ cũng mất liên lạc nữa. Tôi gọi cho gia đình Thiến Thiến ở một ngôi làng nông nghiệp thuộc tỉnh An Huy, bố cô nói rằng cô vẫn làm việc ở Dụ Nguyên. Theo tư liệu từ phía nhà máy, Trương Thiến Thiến, số hiệu 28013, nhà máy số 8, nhà B, nhóm thợ cắt số 2, vẫn là nhân viên của họ. Trên giấy tờ, cô đang sống trong nhà tập thể, làm việc trên dây chuyền lắp ráp, cắt nguyên liệu cho phần trên của những chiếc giày Adidas. Nhưng về con người, cô đã tan biến, một sự biến mất như thể đang cười vào mũi những luật lệ về thời gian biểu và đồng hồ bấm giờ có vẻ như đang điều khiển nhà máy vận hành rất trơn tru kia.

Từ cổng nhà máy Dụ Nguyên, đi dọc xuống phố chính, và qua một mê cung những con đường đất hai bên đầy các quầy đồ ăn và cửa hàng, có một khu toàn những căn nhà tập thể thấp lè tè lợp mái đỏ. Cánh cửa của các căn hộ này là những miếng kim loại tấm. Khu vực này lỗ chỗ những mảnh đất trống và công trình xây dở dang, gây cảm giác như đây là một nơi vừa đông đúc đến quá tải lại vừa bị bỏ hoang. Trong cái nóng khắc nghiệt của mùa hè vùng châu thổ, các cư dân mặc áo lót hoặc pyjama ngồi bên ngoài chơi mạt chược, trông như lũ gà đang bới đất dưới chân.

Một ngày Chủ nhật giữa tháng Mười, tôi được một cô gái trẻ mà tôi gặp ở nhà tập thể cũ của Thiến Thiến đưa tới đây. Cô gái dẫn tôi đi qua những con ngõ, vào một căn nhà lợp mái đỏ, lên một dãy bậc thang, rồi qua một cánh cửa sắt. Chúng tôi vào một căn hộ một phòng, bên trong kê chiếc giường đôi, và một tấm poster treo ở bức tường phía trên nó:

THÀNH CÔNG

Thành công có vẻ như ở rất xa, rất xa bạn, ngược lại, thất bại dường như lúc nào cũng theo sát bước chân bạn. Bạn phải dũng cảm chiến thắng hết thất bại này đến thất bại khác, rồi thành công sẽ đi về phía bạn.

Bên cạnh tấm poster là bức tranh một người đàn bà không mặc áo ôm một chiếc bình kiểu Hy Lạp cắt ra từ tấm lịch. Cô gái mặc áo phông, quần soóc ngắn và đi chân trần ngồi trên giường, chính là Thiến Thiến. Khi thấy tôi, cô nhoẻn miệng nở một nụ cười lướt thoáng qua đầy miễn cưỡng, như thể cô không hề thấy vui khi bị tìm thấy vậy.

Sau ngày phát lương tháng Tám, cô đã nghỉ việc ở nhà máy Dụ Nguyên, ra đi không xin phép và không lấy cả số tiền thế chân nhà máy giữ của cô. Từ hôm đó, cô đã ở với nhiều người bạn khác nhau, trong đó có cả một cô gái trẻ tên là Cách Lợi đang sống chung với bạn trai. Thiến Thiến đang cân nhắc giữa việc về quê và đi làm ở một nhà máy khác.

"Tại sao cô rời khỏi Dụ Nguyên?" Tôi hỏi Thiến Thiến. "Chẳng còn gì vui ở đấy nữa," cô đáp. Mặc dù tôi đã hỏi Thiến Thiến theo nhiều cách khác nhau, song cô cũng không nói gì thêm nữa.

TRONG NHỮNG TUẦN SAU ĐÓ, áp lực sản xuất trong nhà máy tiếp tục tăng cao vì Giáng sinh đang tới gần. Ở nông thôn, thời gian này gọi là lập đông, thời điểm khởi đầu mùa đông, thời điểm để sửa chữa lại chuồng lán cho bầy gia súc. Một buổi chiều Chủ nhật tháng Mười một, tôi đến khu căn hộ cửa sắt lợp ngói đỏ và hỏi Cách Lợi xem cô có tin tức gì của Thiến Thiến hay không.

Cách Lợi đã không gặp bạn mình được một thời gian. "Cô ấy vẫn đang cố quyết định xem nên về nhà hay lại trở về nhà máy làm việc," Cách Lợi nói.

"Chính xác là cô ấy đang quyết định cái gì vậy?" Tôi hỏi.

Cách Lợi lắc đầu. "Tôi không biết cô ấy nghĩ cái gì trong đầu nữa. Chúng tôi không nói gì về chuyện ấy." Mới đây Cách Lợi đã nghỉ việc ở Dụ Nguyên và có kế hoạch trở về nhà sớm để giới thiệu bạn trai mới của cô với cha mẹ. Cô mà đi khỏi, tôi sẽ không còn cách nào để tìm lại Thiến Thiến được nữa. Có lẽ đây chính là ý nghĩa của thất bại trong thế giới của những người di trú - bạn không thể gọi đó là rắc rối hay bi kịch gì, chỉ đơn giản là từ từ trôi dạt đi, cho đến khi một người khuất hẳn khỏi tầm nhìn của ta.

LẦN CUỐI CÙNG tôi đến Dụ Nguyên là tháng Một năm 2005. Các cô gái làm việc dưới công xưởng mặc áo khoác cotton mỏng, bờ vai cong lên vì lạnh. Chịu lạnh có vẻ như là một quyết định mang tính thực tế: mùa đông ở Đông Quản không kéo dài đến mức đáng bỏ tiền ra mua áo khoác ấm. Giả Kế Mai vừa trở lại phòng ở của cô khi tôi ghé qua, và mỉm cười khi thấy tôi. Cô đã nhuộm tóc mình với những vệt dài đỏ thẫm.

Công việc ở nhà máy chậm lại khi qua mùa Giáng sinh, và giờ thì lịch Âm lên lắm quyền kiểm soát, trên phố đông nghịt những đoàn người hồ hởi trở về nhà đón năm mới. Những người di trú mới đến thành phố thường đi lạc lõng lang thang một mình, nhưng những người đang trở về nhà thì khác hẳn. Họ đi có mục đích, thành từng nhóm một; họ vui vẻ hạnh phúc và họ biết đường về. Họ có tiền trong túi, và những túi đầy quà cho gia đình - đầu đĩa CD, khăn quàng, kẹo cho lũ trẻ con. Ở ruộng đồng quê nhà, giờ đang là tiết đại hàn, thời điểm lạnh nhất trong năm, thời điểm để đón mừng năm mới, nhưng tính theo lịch của thành phố Đông Quản, đó là thời điểm để nhận lấy phần thưởng của cả một năm làm việc chăm chỉ. Lúc này, đó là vụ mùa quan trọng nhất.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx