sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 8

Chương 8: Hẹn hò tám phút

Có vài cách khác nhau để kiếm một tấm chồng. Sau khi người phụ nữ di trú đã có một công việc ổn định, đó là việc tiếp theo mà họ phải làm. Một số cô gái phó mặc chuyện ấy cho ông mai bà mối ở quê, mặc dù làm vậy có nguy cơ phải ghép đôi với một chàng trai trẻ không có triển vọng và chưa bao giờ dám đi đâu xa khỏi gia đình. Các cô gái đã sống ở Đông Quản một thời gian thì nhờ bạn bè giới thiệu, nhưng khi gặp gỡ một người đàn ông ở thành phố, có những điều mà ta không biết về đối phương, chẳng hạn như anh ta đã có vợ con ở quê hay chưa. Cũng có cô đăng ký với các dịch vụ hẹn hò, nhưng nhiều người cảm thấy phương thức này quá "trực tiếp". Những cô nào bạo gan nhất thì gặp gỡ với đám đàn ông trên mạng. Rủi ro của cách này đã khơi gợi cảm hứng cho mội: bài hát tên là "Tình QQ", QQ là tên của dịch vụ chat (tán gẫu) phổ biến nhất trên mạng Internet Trung Quốc.

Anh chàng này tự nhận mình đẹp trai

Với trái tim lương thiện và tính tốt

Hỏi tôi năm nay bao nhiêu tuổi

Và đã từng có bao mối tình một đêm

Làm tôi sợ đến cứng người

Kỷ nguyên Internet gì thế này?

Nhanh nhanh và chào anh ta "bye bye"

Ôi! Tình QQ

Thật hay ảo, ai mà đoán được?

Không bao giờ có chuyện không để làm cả. Cuộc sống ở thành phố rất cô đơn và chia sẻ với ai đó sẽ làm nhẹ bớt gánh nặng đi phần nào. Hôn nhân là nhiệm vụ của con cái với cha mẹ; khi một công nhân di trú bước vào tuổi hai mươi, áp lực buộc phải kết hôn từ phía các bậc cha mẹ sẽ trở nên gay gắt và trực tiếp, dù là con trai hay con gái. Không ai muốn trở thành daling qingnian (đại linh thanh niên), một cụm từ có nghĩa đen là "thanh niên cứng tuổi" và được định nghĩa trong từ điển là "đàn ông hoặc đàn bà chưa kết hôn trong khoảng hai mươi tám đến ba mươi lăm tuổi", về điểm này, thời gian biểu truyền thống của làng quê rất hợp với chủ nghĩa thực dụng ở thành thị: một người phụ nữ trẻ nên kết hôn sớm, khi giá trị của cô ta ở mức cao nhất.

Câu lạc bộ Kết bạn Đông Quản là trung tâm dịch vụ hẹn hò lớn nhất thành phố. Ban đầu được dựng lên với mục đích giúp phụ nữ tìm kiếm nửa kia của mình trong một thành phố mà khoảng 70% dân số là nữ giới, câu lạc bộ đã phát triển lên đến hơn năm nghìn thành viên. Nơi này được điều hành bởi Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc, tổ chức quốc gia gồm một đội ngũ những phụ nữ có ý hướng tốt tin rằng nhiệm vụ của họ là "dẫn hướng cho đám đông", mặc cho đám đông ấy có muốn sự chỉ dẫn của họ hay không. Tỷ lệ thành viên nữ trong câu lạc bộ so với nam giới là hai trên một. Những nhà tổ chức đã chỉ ra rằng tỷ lệ này tốt hơn so với tỷ lệ bốn nữ một nam hay năm nữ một nam, hoặc có thể là ba nữ hai nam của thành phố - giống như dân số Đông Quản, tỷ lệ giới tính cũng là một số liệu biến động rất lớn.

Ở Mỹ, các dịch vụ môi giới hẹn hò được cơ cấu sao cho một người lạ có thể yêu cầu hẹn hò với một thành viên đăng ký. Nhưng điều đó có vẻ bất nhã đối với hầu hết người Trung Quốc. Thay vào đó, các thành viên gặp nhau hàng chiều Chủ nhật ở trụ sở câu lạc bộ, trên tầng hai một tòa nhà văn phòng cũ kỹ, để thực hiện cái được gọi một cách tế nhị là "trao đổi thông tin". Câu lạc bộ cũng tổ chức những buổi đi chơi cuối tuần cho thành viên của mình. Ở Trung Quốc, hẹn hò là một hoạt động tập thể.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG BÊN CẠNH TÔI đứng dậy. "Xin chào. Số hiệu thành viên của tôi là 2740." Nói đoạn, anh ta ngồi xuống.

Lý Phượng Bình, người phụ nữ trung niên điều hành công tác ghép đôi của câu lạc bộ, lên tiếng phản đối: "Thế thôi à? Anh phải tự giới thiệu mình nữa."

Người đàn ông ấy lại đứng lên. "Tôi quê ở tỉnh Hồ Nam. Mới đầu tôi chỉ thi vào trường cao đẳng dạy nghề, nhưng sau đó tôi đã tự học, nên giờ tôi đã có bằng đại học." Anh ta lại ngồi xuống.

Ba mươi người tụ tập trong phòng họp chính của câu lạc bộ trong một buổi chiều Chủ nhật mùa thu năm 2004. Không gian này tạo cảm giác như một lớp học với những bóng đèn nê ông và ghế nhựa, có lẽ để hưởng ứng, các thành viên cũng tách biệt thành từng nhóm như lũ trẻ còn đi học, nam giới ngồi thành hàng dọc các bức tường, còn phụ nữ tụ thành các nhóm nhỏ để có cảm giác an toàn.

"Tôi quê ở Quảng Đông. Tôi làm bán hàng, một nhân viên bình thường."

"Tôi đến từ tỉnh Giang Tây. Tôi là người rất thẳng thắn."

Một phụ nữ mặc áo len màu vàng chanh, quần jean trắng đứng lên. "Xin chào mọi người, tôi đã đến Đông Quản được một thời gian khá lâu, tôi làm ở bộ phận kinh doanh. Quê tôi ở tỉnh Hồ Nam. Tôi đến đây ngày hôm nay là để có thêm cơ hội cho bản thân."

Hầu hết những lời giới thiệu đều ngắn gọn và ngượng ngùng bối rối. Mọi người nêu số hiệu thành viên của mình và quê, nhưng không nói tên; họ tự miêu tả mình là "bình thường." Đàn ông là thợ điện, luật sư, phụ trách quảng cáo và công nhân dây chuyền lắp ráp; phụ nữ làm y tá, văn thư, giáo viên, nhân viên kinh doanh và cả công nhân ở dây chuyền lắp ráp. Một tỷ lệ đáng kể ở cả nam lẫn nữ đã ly dị. Thi thoảng một giọng theo trường phái tự nỗ lực vang lên, và không khí trong căn phòng trở nên im lặng, giống như một phòng thú tội.

Tôi đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Tòi đã chịu nhiều nỗi đau. Hôm nay, tôi phải vượt qua nó.

Tôi tốt nghiệp đại học. Tôi học chuyên ngành máy tính. Tôi làm quản lý văn phòng. Mục tiêu của tôi là tìm thấy một người yêu tôi, và là người tôi có thể yêu.

"Bây giờ," Lý Phượng Bình nói khi phần giới thiệu đã kết thúc, "mọi người có thể bước ra khỏi chỗ mình và bắt chuyện với bất cứ ai mà các bạn thích."

Không ai nhúc nhích.

Sau một khoảnh khắc im lặng giày vò, người phụ nữ mặc áo len màu vàng chanh cất tiếng. "Tôi có một đề nghị. Trong tương lai, chúng ta nên có những cuộc gặp gỡ chuyên nghiệp hơn, để bớt đi những giây phút ngượng ngập thế này và để không lãng phí ngần ấy thời gian."

"Phải, cần lên kế hoạch nữa," một người đàn ông ngồi cạnh cô đồng tình. Vụ mai mối có nguy cơ biến thành một cuộc kết tội dành cho tất cả mọi người. Mỗi khi tôi quan sát người Trung Quốc tương tác với nhau theo nhóm, sâu trong tâm khảm, tôi hiểu được cuộc Cách mạng Văn hóa đã diễn ra như thế nào. Người ta sợ bị tách riêng ra, nhưng với sự đảm bảo an toàn từ tập thể, họ có thể công kích ai đó với tốc độ và sự khủng khiếp có thể khiến bạn tắc thở.

Bất thình lình, một cô giáo tiểu học có đôi mắt đen dữ tợn đứng lên.

"Tên anh là gì?' Cô hỏi một người đàn ông đang dựa vào chiếc ghế kê sát tường.

Anh ta ngồi thẳng lên và trả lời.

"Quê anh ở tỉnh nào?" Cô lại hỏi tiếp.

"Quý Châu."

"Tôi rất thích anh."

Cô ngồi xuống. Tiếng vỗ tay vang lên như sấm.

Tiếp sau đó, lại là im lặng.

Người đàn ông ngồi cạnh tôi - thành viên số hiệu 2740 - đứng lên và bỏ đi. Tôi quay sang Lý Phượng Bình gợi ý rằng mọi người có thể đi lại quanh phòng. "Chúng ta có thể bật nhạc lên không?" Ai đấy lên tiếng yêu cầu. Cuối cùng, áp lực của việc bước qua cả căn phòng và bắt chuyện với một người lạ trước cặp mắt của ba mươi người khác là quá sức chịu đựng. Hầu hết các thành viên lẩn ra khỏi cuộc gặp mặt Kết bạn theo cách nhanh nhất có thể. Người đàn ông đã được cô giáo tiểu học kia chọn không có động thái gì để tiếp cận cô, còn cô giáo kia cũng vẫn ngồi yên tại chỗ, nhìn thẳng về phía trước với vẻ mặt cương quyết.

SAU BUỔI GẶP MẶT, tôi bước lại gần cô gái mặc áo len màu vàng chanh. Cô thấp hơn so với dáng người cô lúc nhìn từ phía xa - chỉ khoảng hơn một mét rưỡi - đường nét tròn trịa và đôi mắt hiếu động trên gương mặt trái xoan xinh xắn, cô thoa son bóng màu hồng và dùng một cái kẹp tóc bằng hạt cườm. Cô đã hai mươi chín tuổi và làm việc ở bộ phận kinh doanh. "Hồi trước, tôi lờ những vấn đề cá nhân của mình đi để tập trung vào công việc," cô kể với tôi. "Nhưng giờ tôi đang nghĩ đến nó, đấy chính là lý do tại sao tôi đến đây."

Tôi hỏi cô trông đợi gì ở một người đàn ông.

"Đối với tôi, trình độ anh ta thế nào, công việc ra sao hay anh ta kiếm được bao nhiêu tiền không quan trọng lắm," cô nói. "Với tôi, cảm giác là thứ quan trọng nhất."

Cô gái này chính là Ngô Xuân Minh. Sau khi gặp cô lần đầu tiên ngày hôm đó, điều tôi nhớ nhất là những gì cô đã nói với các thành viên trong câu lạc bộ - Tôi đến đây ngày hôm nay là để có thêm cơ hội cho bản thân. Chính câu nói đó, cả giọng nói của cô nữa: sắc bén như lưỡi hái, không hề hổ thẹn với chất giọng nông dân nặng trịch mà bao nhiêu năm tháng ở thành phố cũng không thể xóa nhòa đi được. Giọng cô là giọng nói đã giành chiến thắng trong các cuộc cãi vã và đi qua những công trường xây dựng, khiến đám đàn ông phải ngồi thẳng lên và để ý đến nó.

Dần dần, tôi tìm hiểu được tường tận câu chuyện của Ngô Xuân Minh - cô đã bắt đầu đi làm ở một nhà máy đồ chơi, suýt chút nữa thì bị lừa vào nhà chứa, dùng tài ăn nói của mình để giành được vị trí quản lý, rồi giàu lên nhanh chóng nhờ bán thuốc thảo dược Tây Tạng và chỗ chôn người chết. Sau khi chính phủ cấm hình thức bán hàng trực tiếp, Ngô Xuân Minh tìm được công việc làm phóng viên ở tờ Thanh tra và Kiểm dịch Trung Quốc. Tờ báo được điều hành bởi một cơ quan nhà nước phụ trách thanh tra nhập khẩu và xuất khẩu, nên bản chất công việc của cô không hề giống với bất cứ người làm báo thông thường nào. Xuân Minh quyết định viết bài về một công ty nào đó; đối tượng bị cô chọn, sợ rằng hàng hóa của mình sẽ gặp rắc rối khi qua hải quan, sẽ trả tiền cho tờ báo để đổi lấy tin tức tích cực. Giá cả của những tin tức tốt được quyết định theo kiểu co giãn, cũng giống như giá quảng cáo vậy. Hai nghìn nhân dân tệ đổi lấy một nhận xét sơ qua, trong khi một chuyên đề dài có thể tiêu phí tới năm mươi nghìn. Đây là hình thức tống tiền bằng báo chí, còn Xuân Minh hưởng hoa hồng và đã làm rất tốt. Sau đó cô làm việc hai năm ở bộ phận kinh doanh trong một công ty vật liệu xây dựng, rồi năm 2001, cô và người bạn trai đầu tiên của mình xây dựng một đường dây bán buôn vật liệu xây dựng. Dự án kinh doanh mạo hiểm này kéo dài sáu tháng, trong thời gian đó Xuân Minh đã mất hết toàn bộ khoản đầu tư một trăm nghìn nhân dân tệ - tất cả số tiền cô tiết kiệm được từ những ngày còn làm bán hàng trực tiếp, trừ đi số tiền cô đã chi ra để tân trang lại căn nhà cho gia đình. Khi tôi gặp cô, cô đã chuyển sang làm nhân viên kinh doanh ở một công ty của Thụy Điển chuyên sản xuất sơn và các vật liệu phủ ngoài khác cho các công trình.

Sự đảo lộn khốc liệt của vận may trong đời Xuân Minh phản ảnh đặc tính bùng nổ của miền Nam Trung Quốc. Nhưng có lẽ phần không thực nhất trong câu chuyện của cô chính là trong hoàn cảnh tàn khốc của thành thị ấy, cô vẫn kiên trì mong đợi một tình yêu - giống như người đàn ông kia đã từng nói: để tìm ai đó yêu tôi, người tôi có thể yêu.

Bạn trai đầu tiên của cô là lái xe ở công ty vật liệu xây dựng nơi cô làm việc. Mới đầu Xuân Minh không thích anh ta cho lắm, nhưng họ ở cạnh nhau khá nhiều và anh ta biết cách quyến rũ phụ nữ. Khi ấy cô đã hai mươi lăm tuổi, nhưng chưa ngủ với đàn ông bao giờ.

Chẳng bao lâu sau khi họ bắt đầu hẹn hò, Xuân Minh đã cảm nhận được anh ta không phải người dành cho mình. Anh ta thường xuyên vay mượn tiền của bố mẹ và không có khả năng làm việc chăm chỉ giống như cô. "Anh ta không thể làm được việc lớn và không muốn dính dấp đến những việc nhỏ nhặt." Xuân Minh đã nói như thế. Đã hai lần khi họ cãi vã, anh ta đánh cô.

"Anh ta vung cánh tay lên thế này, tát mạnh vào mặt em," Xuân Minh kể với tôi, khép chặt bàn tay lại, lòng bàn tay giơ lên để diễn tả. "Lần đầu tiên anh ta đánh em, em đã khóc rất nhiều. Anh ta hứa sẽ không bao giờ lặp lại hành động ấy nữa. Lần thứ hai anh ta đánh em, em không hề phản ứng gì. Em chỉ hết sức bình tĩnh. Tục ngữ có câu, gã đàn ông nào đă đánh ta một lần ắt sẽ đánh lần nữa. Giờ thì em biết câu ấy đúng rồi." Đó là năm 2002, nhưng Xuân Minh vẫn ở với tay bạn trai kia một năm rưỡi nữa. Họ thuê chung một căn hộ ba phòng ngủ đối diện siêu thị Wal-Mart ở khu trung tâm Đông Quản.

"Lần nào em nói với anh ta rằng em muốn chia tay, anh ta cũng không trả lời, hoặc anh ta nói em chỉ đang đùa cợt với tình cảm của anh ta. Em không biết phải làm sao để bỏ anh ta được nữa," Xuân Minh nói. "Em nói với anh ta rằng chúng ta nên chia tay, sau đó ở chỗ làm về nhà và anh ta đã ở đó rồi. Em không biết phải đi đâu." Cầu viện đến biện pháp gián tiếp, cô viết thư cho anh ta vào cuốn nhật ký của mình: Lần này em thực sự đã quyết định rằng em phải chia tay với anh. Chúng ta không có tương lai. Mực nhòe đi trên trang giấy vì cô khóc trong khi viết. Cô để cuốn nhật ký trên bếp, nhưng nếu anh ta có đọc nó, anh ta cũng không bao giờ để lộ ra.

Nhờ một người phụ nữ khác mà vấn đề được giải quyết. Một hôm có một người đàn bà ở quê bạn trai Xuân Minh gọi điện cho cô và cho cô biết họ đang có quan hệ. Xuân Minh thở phào nhẹ nhõm, khi cô nói với bạn trai cô rằng cô đã biết về người phụ nữ kia, anh ta liền gói ghém đồ đạc rồi ra đi không một lời biện hộ. Từ đó, cô chưa có một mối quan hệ nghiêm túc nào, dù có rất nhiều mối tình. Nhiều khi như vậy cũng đã đủ với cô; trong tương lai, khi cô kiếm được tiền, Xuân Minh mơ màng, cô sẽ có một căn hộ và một chiếc ô tô, những người tình sẽ đến bất cứ lúc nào cô muốn. Những lúc khác, những mối quan hệ tạm bợ ấy lại khiến cô thêm cô đơn: "Nếu bạn chỉ có người tình," cô nói, "cảm giác giống như bạn luôn mãi lênh đênh trên biển và không bao giờ cập bến ấy."

KẾ TOÁN VIÊN 25 TUỔI TÌM MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG QUẢNG ĐÔNG CÓ NGHỀ NGHIỆP, CÓ CĂN HỘ, BIẾT YÊU THƯƠNG VÀ CÓ Ý THỨC TRÁCH NHIỆM.

Phụ nữ muốn một người đàn ông có nghề nghiệp tốt và thu nhập ổn định. Đàn ông muốn một phụ nữ còn trẻ và khỏe mạnh. Phụ nữ muốn đàn ông phải cao trên 1,7 mét và có căn hộ riêng. Đàn ông không quan tâm đến chiều cao hay bất động sản nhưng họ thích một phụ nữ tính tình nhã nhặn hiền lành hơn. Một số phụ nữ thích đàn ông người tỉnh Quảng Đông, vì anh ta sẽ mang đến lợi ích của người có hộ khẩu bản địa, trong khi những người khác lại cảm thấy một người đàn ông địa phương sẽ là gánh nặng đối với họ. Đàn ông không quan tâm đến chuyện hộ khẩu. Phụ nữ có nhiều yêu cầu hơn đàn ông rất nhiều.

Các thành viên Câu lạc bộ Kết bạn điền thông tin cá nhân và những gì họ muốn ở người bạn của mình lên những tấm phiếu. Trên thẻ liệt kê ra nghề nghiệp và tình trạng hôn nhân của thành viên, cùng với các chi tiết cá nhân như chiều cao, cân nặng và sức khỏe. Nó cũng bao gồm cả những đặc điểm mà chỉ xuất hiện khi đăng ký một dịch vụ mai mối của Trung Quốc, chẳng hạn như thành phần chính trị, quyền sở hữu nhà, và sức khỏe cũng như tình hình tài chính của các thành viên trong gia đình. Thành phần chính trị thể hiện một người có phải đảng viên Cộng sản hay không, ít thành viên có được vị trí cao như thế nên hầu hết đều chỉ đơn giản điền vào "quần chúng". Tấm thẻ cũng đề cập đến vấn đề một người có phải nuôi dưỡng cha mẹ già hay các em hay không - những người không có gánh nặng ấy phải gắng sức lắm mới chỉ ra được rằng cha mẹ họ vẫn khỏe hoặc anh chị em họ đều đã trưởng thành.

Dán phía sau mỗi tấm thẻ là một bức ảnh. Phụ nữ mặc váy ren và đi giày cao gót làm dáng trong công viên hoặc ngồi trên những tảng đá lớn giữa hồ nhân tạo, trông như những nàng tiểu thư chờ được giải cứu; đàn ông thì mặc bộ com lê đứng trên triền đồi. Cả đàn ông và đàn bà đều chụp ảnh trước những khu căn hộ cao cấp mà chắc chắn là hầu như tất cả bọn họ không sống ở trong đó. Rất nhiều bức được chụp trong những tiệm ảnh ven đường, người chụp cố làm ra vẻ tự nhiên khi đứng trên một đoạn Vạn Lý Trường Thành giả hoặc bên dưới một cây phong giả hay bên cạnh một hàng rào mà tôi chưa từng thấy ở Trung Quốc. Một người đàn ông có ghi sở thích là khiêu vũ chụp một kiểu tạo dáng đang nhảy điệu disco trên nền một bức tranh quảng cáo vẽ cảnh thành phố của hãng McDonald's. Những tấm thẻ này được đóng thành các tập có thể tháo ra tùy theo giới tính và năm sinh. NỮ 78, NAM 77. Một tỷ lệ kha khá NỮ 71 và NỮ 72 đã ly dị và có một con. Những cô gái già nhất được xếp chung trong một tiêu đề lạnh lùng: NỮ TRÊN BỐN MƯƠI.

Hầu hết thành viên câu lạc bộ đều không tìm kiếm tình yêu. Họ không khao khát chờ mong những cuộc đi dạo trên bãi biển hay những chuyến đi bằng khinh khí cầu, mối quan tâm hàng đầu của họ rất thực tế. MẠNH DẠN, DÁM NGHĨ DÁM LÀM. CÓ HOÀN CẢNH TÀI CHÍNH TốT. CÓ CÔNG VIỆC VÀ THU NHẬP ỔN ĐỊNH. CÓ THỂ CHỊU KHÓ CHỊU KHỔ. Phụ nữ có ám ảnh đặc biệt với chiều cao: giống như ở chợ việc làm, vóc người là một dấu hiệu của chất lượng - một đảm bảo rằng người đàn ông đó khỏe mạnh, chắc chắn và may mắn. Mặc dù rất nhiều phụ nữ khăng khăng yêu cầu người đàn ông ít nhất phải cao trên mét bảy, cũng có một số ít chấp nhận mức một mét sáu lăm. Không ai muốn hẹn hò với một người đàn ông chỉ cao mét sáu cả.

Trên cái kẹp cũng chỉ ra những lý do mà mối quan hệ trước đó đã trở nên tồi tệ. TÌM MỘT NGƯỜI 28 ĐẾN 34 TUỔl, TÍNH TÌNH CỞI MỞ, KHÔNG ĐÁNH BẠC. TÌM MỘT NGƯỜI CÓ GIÁO DỤC, KHÔNG NGHIỆN RƯỢU VÀ ĐÀN BÀ. Thỉnh thoảng có một người phụ nữ dũng cảm đã tung hê tất cả: TÌM NGƯỜI TỪ 35 ĐẾN 45 TUỔI, PHẦN CÒN LẠI TÙY THEO SỐ PHẬN. Rất nhiều phụ nữ nhắc đến quyền sở hữu căn hộ như điều kiện tiên quyết của một cuộc hẹn hò. Đó là tính cách phổ biến của người Trung Quốc, nhiều khi rất thích liệt kê các bất động sản của mình ra, giống như mẩu quảng cáo trên một tờ tạp chí cho phụ nữ nông thôn này:

NAM GIỚI 27 TUỔI... ĐÃ LY DỊ, TÍNH TÌNH CỞI MỞ, THOẢI MÁI... SỞ HỮU MỘT CĂN NHÀ NGÓI NĂM BUỒNG NGỦ CÓ ĐỒ NỘI THẤT, CÁC ĐỒ GIA DỤNG HIỆN ĐẠI VÀ MỘT CHIẾC XE MÁY, ĐANG TÌM MỘT PHỤ NỮ LÀM BẠN ĐỜI.

Mối bận tâm với bất động sản không phải vì hám lợi như vẻ bề ngoài của nó thể hiện. Giống như chiều cao, quyền sở hữu căn hộ là dấu hiệu chứng tỏ rằng người đàn ông ấy có thể là chỗ dựa dẫm vào. "Phụ nữ không đòi hỏi những người rất giàu có," một người đàn ông tên là Đường Ngạo, điều hành một trung tâm mai mối trong thành phố giải thích với tôi. "Họ chỉ muốn có sự đảm bảo nào đó."

Tất cả những thành viên câu lạc bộ Kết bạn nói chuyện với tôi đều bất mãn với câu lạc bộ ở điểm nào đó. Các thành viên nam đều vô giáo dục và ở tầng lớp thấp, họ nói với tôi như thế. Đôi khi, những người đàn ông có vợ muốn tìm một mối quan hệ bất chính len vào bằng giấy tờ giả. Ban điều hành câu lạc bộ là "một đám bà nội gia," Xuân Minh bảo. Nhưng mỗi lần tôi đến câu lạc bộ, thì vài thành viên câu lạc bộ vẫn ở đó, họ đang lần tìm trong tập NỮ 78 hoặc NAM 71.

Khi vươn lên trong thế giới này, Xuân Minh đã bỏ lại rất nhiều người phía sau mình. Bạn bè từ những ngày đầu ở dây chuyền sản xuất của cô đã về quê kết hôn, sinh con đẻ cái. Hầu như tất cả các nhà máy có điều kiện tốt hơn đều không nhận phụ nữ trên hai lăm tuổi làm công nhân bình thường, những phụ nữ lớn tuổi hơn thường đến làm việc ở những nhà máy nghèo nàn hoặc làm các công việc của người giúp việc như dọn dẹp nhà cửa. Đối với phụ nữ di trú, kết giao để vươn lên tầng lớp cao hơn là một phương cách để sinh tồn - cách tốt nhât để ở lại thành phố một khi tuổi trẻ đã qua đi.

Bạn bè của Xuân Minh, những người phụ nữ tuổi cuối hăm đầu băm, đều đã sống sót qua sự đào thải hàng loạt này. Hầu hết bọn họ, đều đến từ nông thôn giống cô, cũng có một số ít lớn lên ở thành phố và đi học đại học. Họ thường điều hành các nhà máy gia công một bộ phận rất nhỏ của cả một dây chuyền cung ứng khổng lồ kéo dài từ Đông Quản ra thế giới. Một phụ nữ cùng chồng sản xuất đinh tán kim loại để trang trí các túi xách, một cặp đôi khác lại sản xuất keo dùng để dính chặt gót vào phần trên của chiếc giày. Một phụ nữ hai mươi sáu tuổi đang điều hành một nhà máy sản xuất đế giày, còn một người khác chuyên về sàn gỗ, thêm một người nữa bán vật liệu xây dựng nhưng đang cân nhắc đến chuyện chuyển sang bán buôn đồ lót. Đối với Xuân Minh, mạng lưới những người bạn này chính là gia đình. Trong những chuyến công tác bán hàng, cô thường xuất hiện ở căn hộ của một người bạn mà không hề báo trước và ở lại trong mấy ngày liền; quần áo thay ra và kem đánh răng thừa của cô rải khắp cả vùng đồng bằng sông Châu Giang. Một lần khi tôi gặp Xuân Minh ở Thâm Quyến, đã năm ngày rồi cô không về nhà, nhưng trên người chỉ mang theo một cái xắc nhỏ đủ chứa một thỏi son và chiếc điện thoại di động.

Thời gian trôi đối với những người như Xuân Minh chẳng khác gì nhìn vào một trong đám ảo ảnh thị giác hiện lên hai sự vật cùng một lúc. Ở thành phố, họ có vẻ như thuộc giai cấp trung lưu. Họ sở hữu căn hộ và xe hơi, hoặc đã lên kế hoạch mua chúng sớm. Họ tham gia các buổi tập lái xe và có những kỳ nghỉ, họ đi cắt sửa móng tay và ăn kiêng, đi học nhảy điệu Latin. Lúc nào họ cũng biết về nhà hàng thịt nướng Brazil mới nhất hoặc chỗ nào bán sữa chua ngon nhất. Vào những lúc khác, làng quê dường như đã gắn chặt vào ADN của họ và không thể xóa đi nổi. Căn hộ của những người này có thể được trang trí nội thất một cách trang nhã thẩm mỹ, nhưng trong buồng tắm thì luôn luôn có bệ xí xổm. Kiến thức y tế của họ là những tri thức dân gian học từ bà nội: để hồi phục sức khỏe sau cơn ốm họ hầm gà với sâm, khi thời tiết mát hơn, họ ăn canh phổi lợn để tránh mắc phải bệnh về đường hô hấp. Họ vẫn vượt qua những khoảng cách xa bằng xe buýt và tàu hỏa, hầu như chưa ai trong số họ từng lên máy bay. Truyền thống là thứ đầu tiên trong tâm trí những người này khi họ trở về nhà trong dịp Tết, che lấp khoảng cách họ đã đi trong nhiều năm.

XUÂN MINH HIẾM KHI NÓI VỀ những ngày đầu của cô ở nhà máy. Tôi không nghĩ rằng cô thấy xấu hổ vì nó, nói một cách chính xác - đúng hơn là cô gái từng làm việc ở dây chuyền lắp ráp đồ chơi, cô gái từng viết nhật ký và khó khăn vật vã học tiếng Quảng Đông, thuộc lòng cả mười ba quy tắc đạo đức của Benjamin Franklin, đã khác xa con người cô hiện nay trở thành. Cô vẫn làm việc không mệt mỏi để nâng tầm bản thân mình lên. Trên giá sách trong căn hộ cô ở hầu như toàn bộ là những cuốn sách dạng self-help (tự nỗ lực, dùng nguồn lực tự thân để hoàn thành mục tiêu): Một trăm câu chuyện thành công và Chín chìa khóa lãnh đạo dẫn đến thành công của Mary Kay cùng một loạt sách về nghi thức xã giao với tên sách bằng tiếng Anh như Tone và Crass. (Trong tất cả các cách viết nhầm chữ class(24), đây là cách tệ nhất.) Trên tường phòng khách là một tấm ảnh lởn rất đẹp chụp Xuân Minh, môi tô son hồng bóng nhoáng và cặp tóc đính đá quý trên tóc. Căn hộ là hình ảnh phản chiếu của tính cách cô - cẩn thận tinh tế, không ngừng tự xem xét nội tâm.

Mọi thứ đều là cơ hội học tập. Từ những bộ phim truyền hình dài tập Hàn Quốc, Xuân Minh học được rằng phải cầm nĩa bằng tay phải và thìa trong tay trái, nhưng nĩa lại ở tay trái khi có dao ở tay phải. Cũng ở trên phim truyền hình Hàn Quốc, cô đã nhìn thấy những hộp nhựa Tupperware đựng thức ăn lần đầu tiên. Một lần tôi đưa cho cô DVD của bộ phim Roman Holiday(25) - cô đã hỏi xin tôi vài bộ phim Mỹ - và qua những sản phẩm giải trí của Hollywood cô đã đúc kết được một bài học đạo đức của những người theo chủ nghĩa Mác. "Nhà báo nghèo có thể kiếm được rất nhiều tiền nhờ câu chuyện về công chúa," cô tổng kết lại cốt truyện với tôi. "Khi anh ta từ bỏ cơ hội để kiếm một khoản tiền lớn, giá trị đạo đức của anh ta tăng lên." Cô không biết Audrey Hepburn là ai, nhưng dứt khoát nói rằng bà "không đẹp bằng Julia Roberts."

Xuân Minh không bao giờ ngừng quan sát, ở một góc độ nào đó, cô cũng đang ghi chép về tôi theo cách mà tôi ghi chép về cô vậy.

Lần đầu tiên chúng tôi hẹn gặp nhau, cô chọn địa điểm - Nhà hàng Cà phê phương Tây kiểu châu Âu - và gọi đúng những thứ tôi gọi, mì spaghetti Bologne. Cô để ý thấy tôi thường uống bia trong bữa tối, thế rồi một hôm cô bảo rằng mình đã tự tập uống riêng và giờ cô có thể uống một cốc với tôi. Cô hỏi tôi sao tôi lại thích món bíp tết của mình, đàn ông nước nào chu đáo nhất, rồi cả các bà mẹ người Mỹ nuôi dạy con mình thế nào nữa. Cô liên tục thử nghiệm một phiên bản mới của chính mình: nhuộm tóc, hoặc làm xoăn, hoặc ép thẳng. Quần áo cô lúc nào cũng rất hợp, tôi chưa bao giờ thấy cô mặc một bộ hai lần cả.

Trước khi tôi đến Đông Quản, hầu hết người Trung Quốc mà tôi quen đều thuộc về tầng lớp được giáo dục đầy đủ, và họ cảm nhận một cách sắc sảo những khác biệt giữa chúng tôi. Họ muốn biết xem tôi nghĩ mình là người Mỹ hay người Trung Quốc, họ luôn ngạc nhiên, thậm chí còn không hài lòng khi nhận ra tôi không thể đọc tiếng Trung Quốc một cách thông thạo, hoặc tôi hẹn hò với những người đàn ông Mỹ. Họ thuyết giáo với tôi về dân chủ và cuộc chiến tranh Iraq, cũng như sự bất lực của báo chí nước ngoài trong việc tìm hiểu Trung Quốc. Đất nước của họ đã trải qua 150 năm lệ thuộc vào phương Tây, đoạn lịch sử rắc rối này lúc nào cũng nổi lên giữa chúng tôi bất cứ khi nào chúng tôi nói chuyện. Đó là thế giới của ông nội tôi, của tất cả họ hàng gia đình tôi, thế giới mà nhiều người Trung Quốc vẫn còn sống trong ấy.

Xuân Minh và bạn bè cô không hề quan tâm chút nào đến chuyện đó. Họ không quan tâm đến chuyện tiếng Trung của tôi thật tồi tệ và tôi không biết tên của những nhà văn Trung Quốc nổi tiếng, họ không bao giờ hỏi xem quan điểm của tôi về dân chủ như thế nào. Họ sinh ra trong hoàn cảnh thiếu nhiều điều kiện thuận lợi nhưng đồng thời cũng không có cả gánh nặng của đất nước đè lên những người được giáo dục đầy đủ, đặc biệt là đàn ông. Khi tôi gặp một trong những người bạn nam của Xuân Minh, những mối ưu tư này thường nổi rõ lên bề mặt. Có lần, một người bạn làm bác sĩ phẫu thuật của cô, tên anh ta là A Cường, hỏi tôi làm gì, tôi bảo anh ta mình đang viết một cuốn sách về những người phụ nữ di trú.

"Nanfengchuang (Nam phương song - cửa sổ phương Nam) có rất nhiều bài về vấn đề đó," anh nhắc đến một tờ tạp chí tin tức của Trung Quốc. "Cô chỉ cần dùng lại các bài viết của họ và tiết kiệm cho mình được vô khối thời gian."

Xuân Minh cười phá lên. "Những người khác nhau có cách nhìn của riêng họ," cô nói. "Có thể chị ấy nhìn sự việc theo cách khác những người khác, đó mới là điều mà chị ấy muốn viết."

Tôi cảm thấy mình muốn đứng phắt dậy và cổ vũ cô.

Xuân Minh quay sang phía tôi. "Đúng vậy không?"

"Đúng thế."

A Cường vẫn khăng khăng. "Cô nên viết về những vấn đề của hiến pháp Trung Quốc," anh ta nói với tôi. "Chúng ta có một hiến pháp tốt đẹp đến thế, nhưng khi xuống đến cơ quan chính quyền cấp thấp nhất, những công chức đã làm trái nó."

"Điều đó quá xa vời với những gì chị ấy đang viết!" Xuân Minh cáu kỉnh thốt lên. Cô lấy điện thoại di động ra và bắt đầu đọc tin nhắn, một dấu hiệu cho thấy cuộc đối thoại đã kết thúc.

Xuân Minh hiểu tôi một cách bản năng. Theo một ý nghĩa nào dó, cô cũng đang có những dự định giống với tôi: quan sát cuộc đời từ một góc nhìn khác và viết câu chuyện của riêng mình. Cô đã cất giữ tất cả những cuốn nhật ký từng viết từ khi rời nhà ra di. "Một ngày nào dó, nếu tôi có tiền của, tôi sẽ viết," cô nói với tôi. "Tôi sẽ chỉ viết về những thứ dơn giản nhất, bình dị nhất thôi."

Một buổi tối Chủ nhật tháng Mười hai năm 2004, Xuân Minh mời tôi đến một nhà hàng Hồ Nam cùng các bạn cô: một y tá tên là A Ninh, có nước da rất trắng và chất giọng kim hấp dẫn, còn có hai chàng trai trẻ làm quản lý trong một nhà máy. Xuân Minh trông rất sành điệu trong chiếc áo len đen và quần kẻ ca rô ống rộng, cô mang một chiếc túi Fendi nhái. Hai người đàn ông mặc áo bảo hộ lao động của nhà máy.

Ngay khi tôi vừa ngồi xuống, một trong hai người đàn ông trẻ tuổi quay sang tôi hỏi. "Theo ý chị thì đâu là sự khác biệt giữa Kerry và Bush?"

"Anh ta đang cố làm chị nói ra chị bầu cho ai đấy," Xuân Minh nói.

"Tôi bầu cho Kerry," tôi miễn cưỡng nói. Tôi không thực sự muốn cuộc nói chuyện đi theo chiều hướng này.

"Chị có nghĩ Trung Quốc đã sẵn sàng cho dân chủ không?" Anh ta hỏi. Anh ta không nghĩ như vậy. "Nếu chúng tôi có thể bầu cử," anh ta nói tiếp, "tôi sẽ bầu cho Tưởng Giới Thạch. Tôi nghĩ ông ta là một nhà lãnh đạo giỏi." Tiếp sau đó là: "Chị cảm thấy mình Trung Quốc hơn hay Mỹ hơn không?"

Ba chai bia Thanh Đảo xuất hiện trên bàn ăn. Người đối thoại với tôi tỏ ra thích thú rõ rệt: điều duy nhất hay hơn dồn ép tôi với chính trị là dồn ép tôi với cả bia lẫn chính trị. "Tối nay phải say đấy nhé," anh ta tuyên bố.

Xuân Minh lên tiếng giải vây cho tôi. "Tôi nghĩ cứ ép uổng nhau uống thì thật ngu ngốc," cô nói.

A Ninh nhanh chóng đổi chủ đề câu chuyện. Cô vừa mới đăng ký tham gia một lớp nhảy hiện đại ở câu lạc bộ sức khỏe.

"Tôi cũng muốn học nhảy!" Xuân Minh nói. "Tôi muốn học điệu cha cha cha."

"Tôi muốn học yoga," A Ninh lại nói.

Nói đoạn, cô quay sang tôi. "Chị có biết pha đồ uống không?"

"Đồ uống loại gì?" Tôi hỏi.

"Kiểu như cocktail ấy," cô nói.

Tôi nói mình chỉ biết vài loại cơ bản.

"Tôi thực sự muốn học cách pha chế đồ uống," A Ninh nói. "Thậm chí tôi sẽ làm việc không công ở một quán bar chỉ để học thôi."

"Vừa mới rồi tôi đi dự tiệc với khách hàng ở một khách sạn," Xuân Minh nói. "Có nhiều người nước ngoài ở đấy lắm, và chúng tôi uống rượu ngâm lạnh trong ly. Tôi cầm ly rượu ở phần trên, nhưng có người bảo tôi rằng ta phải cầm nó ở dưới chân." Đôi mắt cô mở to, theo cách chúng vẫn thế khi cô ngạc nhiên hay hứng thú về điều gì đó. "Thật là nhiều quy tắc! Nhưng học các thứ ấy cũng hay, vì trong đời thế nào chẳng có lúc ta phải tham gia các bữa tiệc kiểu thế chứ."

Chàng trai trẻ cố gắng trở lại cuộc nói chuyện bằng cách hỏi Xuân Minh làm việc gì. "Công ty tôi là công ty có vốn đầu tư nước ngoài," cô nhạt giọng nói. Tôi không nghĩ cả hai người đàn ông nói thêm tiếng nào suốt nửa sau của bữa ăn. Sau khi ăn xong, Xuân Minh và A Ninh đẩy cả hai người bọn họ vào một chiếc taxi. Họ sống ở một khu vực xa trung tâm thành phố, điều này có nghĩa là phải ngồi xe mất một tiếng mới về đến nhà.

Chúng tôi bắt một chiếc taxi khác để đến xem một câu lạc bộ sức khỏe có tổ chức lớp dạy yoga. Xuân Minh ngả người ra sau ghế và thở hắt ra một tiếng. Anh chàng đó là người cùng quê Hồ Nam với cô, Xuân Minh kể với tôi, anh ta được một người bạn muốn ghép đôi cho họ giới thiệu. Anh chàng này đã gọi điện cho cô buổi chiều hôm đó và nói anh ta chỉ ở thành phố một ngày. "Anh ta cùng huyện với tôi, nếu không tôi đã chẳng mời anh ta đi ăn tối," cô nói.

"Anh ta thật trẻ con!" A Ninh lên tiếng.

"Anh ta không chấp nhận dược," Xuân Minh đồng tình. "Anh ta chẳng biết nói cái gì. Và lại còn nhỏ hơn tôi ba tuổi nữa chứ."

Tôi không nói gì hết - lúc đó tôi cảm thấy hơi tiếc cho chàng trai kia. Đồng thời tôi cũng nhận ra rằng tôi vừa mới lần đầu tiên tham gia một cuộc hẹn hò sắp đặt kiểu Trung Quốc.

Ở CÂU LẠC BỘ SỨC KHỎE, lớp dạy nhảy đã kết thúc, lớp yoga chỉ có hai buổi một tuần và không có huấn luyện viên nào ở đó. A Ninh bỗng nhiên nhận ra chúng tôi đang ở gần câu lạc bộ Kết bạn. "Không hiểu tối nay có hoạt động gì không nhỉ. Đi xem nào!" Chúng tôi đi dọc xuống phố và lên cầu thang để vào câu lạc bộ. Phòng chính vắng hiu vắng hắt: không có hoạt động kết bạn nào tối nay cả. Xuân Minh và A Ninh ngồi xuống và bắt đầu lật qua những gáy bìa của các thành viên nam trong câu lạc bộ. "Có bao nhiêu là phụ nữ đẹp, vậy mà hãy nhìn đám đàn ông này đi!" Xuân Minh thốt lên.

Cô lật rất nhanh. "Tôi nhìn ảnh trước," cô nói. "Chị không thể chỉ nhìn ảnh mà bảo người nào tốt ở điểm nào. Nhưng ảnh rất hữu ích để lọc ra những người thực sự tệ hại." Cô chỉ vào một người đàn ông béo lùn với gương mặt khắc khổ bất hạnh, đứng bên cạnh một hàng rào giả. "Chỉ có những người ở tầng lớp thấp nhất mới vẫn còn chụp ảnh trong hiệu. Cái kiểu như vậy tôi làm từ mười năm trước rồi! Chụp ảnh trong công viên hay ở khung cảnh thiên nhiên đẹp hơn nhiều."

Có vẻ như A Ninh đã hẹn hò với một tỷ lệ đáng kể các thành viên nam trong câu lạc bộ. Cô chỉ cho tôi tấm ảnh một người đàn ông dựa lưng vào cái cây. "Anh ta trông có vẻ cao ráo, nhưng thực ra không phải vậy đâu. Chẳng qua chỉ vì anh ta đứng bên cạnh cái cây này thôi."

Cô lật qua một tấm ảnh khác. "Thằng cha này trông mặt thì có vẻ tử tế, nhưng thực ra anh ta chẳng tốt đẹp gì đâu."

Lật. "Ông này bốn mươi tám tuổi rồi. Tôi bảo ông ta: kể cả cháu chấp nhận được chú thì bố mẹ cháu cũng không chịu đâu."

Lật. "Người này có vấn đề tâm lý đấy. "

A Ninh vừa mới ly dị nên rất hăng hái tìm bạn trai. Cô đã hẹn hò với hơn hai mươi người đàn ông trong câu lạc bộ và có lần còn đi tới bốn cuộc hẹn hò do người khác sắp xếp trong cùng một ngày. "Tôi gặp một gã nói gã ta sống rất hạnh phúc trong căn phòng tám mét vuông đi thuê," A Ninh kể với tôi. "Tôi nói: Ồ, thật hả? Anh sống hạnh phúc trong căn phòng tám mét vuông của anh à?" Một cuộc hẹn được sắp xếp với một thầy giáo cũng thất bại nặng nề. "Khi anh ta nhai xong kẹo cao su, anh ta nghịch nó trên mấy ngón tay. Tôi không thể chấp nhận nổi. Người này là một thầy giáo! Anh ta dạy lũ trẻ con cơ mà!"

"Mỗi lần sau khi gặp một gã như thế," A Ninh thốt lên, "Tôi thấy mình muốn khóc."

"Sau khi gặp một tên như thế," Xuân Minh nói, "Tôi thấy buồn nôn." Cô nhặt một tấm bìa lên - NỮ 74 - cho tôi xem ảnh của cô. Một tấm ảnh đen trắng theo kiểu hơi mờ mờ rất tinh tế chụp Xuân Minh trông rất nữ tính với mái lóc tỉa - có lẽ là quá tinh tế, vì chỉ có hai người đàn ông gọi điện cho cô sau khi xem ảnh. Điều kiện ban đầu cô đặt ra cho bạn đời của mình là: TỬ TẾ, TRUNG THỰC, HÀI HƯỚC, CÓ CĂN HỘ. Cô là người duy nhất tôi thấy có nhắc đến tính hài hước.

"Căn hộ không phải là yêu cầu tuyệt đối," cô nói. "Chúng tôi có thể mua chung một căn hộ. Tôi chỉ có ý rằng tôi sẽ thích hơn nếu anh ta có một căn hộ." Nhưng cô tuyệt đối không hẹn hò với ai thấp hơn một mét bảy, vì một người đàn ông thấp không đem lại cho cô cảm giác an toàn.

SAU KHI CHÚNG TÔI RỜI CÂU LẠC BỘ, A Ninh kể chi tiết hơn về người đàn ông mắc bệnh tâm thần. "Tôi hẹn hò với gã ta một lần và gã kể với tôi mình đã phải vào viện hai tuần vì có xu hướng tự tử," cô nói. "Đầu tiên tôi có cảm giác mình nên giúp gã, vì tôi là một y tá. Nhưng sau đó tôi quyết định mình không nên dính vào chuyện này."

Người đàn ông đó vẫn tiếp tục gửi tin nhắn vào điện thoại di động của cô những lúc rảnh rỗi. "Tôi thực sự không hiểu tại sao một người mắc bệnh tâm thần lại có thể là giám đốc tài chính của một khách sạn năm sao được," A Ninh nói.

"Gã nói dối cậu đấy, thế thôi," Xuân Minh nói.

Chúng tôi đi vào tiệm sữa chua đá TCBY, ở đây Xuân Minh băn khoăn mãi rồi cuối cùng mới quyết định gọi một món mứt trộn sữa chua đá với bánh kem việt quất. Cô chỉ cho A Ninh rằng, người đang có kinh không được ăn thứ gì lạnh, vì vậy bạn cô đã gọi một cốc sữa dâu nóng. Nó có màu hồng của hóa chất, trông giống như chất thải công nghiệp vậy.

Chuyến thăm câu lạc bộ Kết bạn cũng không phải vô ích. Cuối tuần này có một hoạt động mới gọi là Hẹn hò Tám phút, A Ninh giải thích những gì cô đã nghe được về kiểu hẹn hò cấp tốc này. Xuân Minh rất hứng thú tham gia. Cô thích thử nghiệm những thứ mới và là người lạc quan từ trong bản tính. Những phẩm chất ấy đã giúp cô trụ vững ở Đông Quản, cho dù chúng là điều may mà cũng không may khi hẹn hò.

"Vấn đề là," A Ninh nói, "đôi khi tám phút cũng là quá lâu."

Cuộc sống trong thành phố thay đổi những gì người phụ nữ trẻ đến từ nông thôn mong đợi ở hôn nhân. Những cuộc điều tra cho thấy di trú khiến phụ nữ nông thôn có nhiều khả năng tự gặp người chồng của mình hơn, kết hôn muộn hơn, muốn có ít con hơn, sinh nở trong bệnh viện, tìm kiếm sự bình đẳng trong hôn nhân, và coi ly dị như một lựa chọn có thể chấp nhận được. Hơn 60% phụ nữ di trú trong một cuộc điều tra đã chỉ ra cả "xây dựng một gia đình hạnh phúc" và "có đồng bạn trong nỗ lực xây dựng sự nghiệp" là mục đích của hôn nhân, trong khi ít hơn 10% chọn "có ai đó để dựa dẫm trong đời".

Trong xã hội truyền thống, một phụ nữ trẻ sẽ sống với gia đình nhà chồng sau khi cô kết hôn và phục tùng các quy tắc của mẹ chồng. Cô sẽ sinh con trong gia đình nhà bố mẹ chồng, tượng trưng cho quyền sở hữu của gia đình chồng với đứa bé. Nhưng sự di trú đã giải phóng thế hệ trẻ hơn khỏi những nghĩa vụ ấy: các cặp vợ chồng ở thành phố thường tự chi trả cho đám cưới của mình, một phụ nữ di trú thường sẽ tạm trở về nhà mình khi sắp sinh nở hơn là nhà của gia đình chồng cô.

Trong một thời gian dài, các học giả tin rằng phần lớn phụ nữ di trú cuối cùng cũng trở về làng quê của mình để kết hôn, sinh con đẻ cái và làm việc trên đồng ruộng. Rất nhiều người di trú trong những năm 1980 và 1990 đã đi theo con đường này, nhưng vận mệnh của lớp người di trú mới hơn đang thay đổi. Nhiều phụ nữ trẻ đang kết hôn với những người di trú khác và xây dựng gia đình ở những thành phố thu dưỡng họ. Nếu họ có trở về tỉnh nhà, họ thường chuyển đến một thành phố cấp tỉnh hơn là trở về ngôi làng nơi họ sinh ra. Và hôn nhân không nhất thiết đánh dấu sự chấm dứt cuộc đời di trú: các cặp vợ chồng trẻ thường trở về quê làm đám cưới rồi lại cùng nhau ra đi.

Thời gian ở chung với Xuân Minh và các bạn cô đã thuyết phục tôi rằng hiểu biết từ trước đến nay - hầu hết phụ nữ di trú cuối cùng cũng trở về với đồng ruộng - là sai sót. Mọi người trong nhóm họ đều đã xa quê nhiều năm, sự thực rõ ràng là họ sẽ không bao giờ trở về đó. Nhưng vì việc đổi hộ khẩu rất rắc rối và đắt đỏ, nên họ cũng không được coi là cư dân Đông Quản. Các học giả nghiên cứu những người di trú trở về thực hiện điều tra ở các làng quê nống thôn, nơi họ chỉ có thể kết luận rằng, một người giống như Xuân Minh đang tạm thời vắng nhà. Họ không thể thấy rằng cô đã định cư ở một nơi nào đó khác.

Xuân Minh đã có hai cuộc hẹn hò ở câu lạc bộ Kết bạn. Lần đầu tiên, một người đàn ông đi taxi từ phía bên kia thành phố Đông Quản tới. Cô đi xuống để gặp anh ta trên vỉa hè bên ngoài khu căn hộ của mình. Họ nhìn nhau một lúc lâu.

"Chào em," anh ta nói.

"Chào anh," cô đáp.

"Anh thấy em thật xinh đẹp," anh ta nói.

"Chỉ là bạn thôi nhé," cô nói. Chiếc taxi vẫn chưa đi, vậy là người đàn ông trở lại trong xe và đi mất hút.

Cuộc hẹn thứ hai diễn ra ở một nhà hàng sữa đậu nành gần căn hộ của Xuân Minh. Người đàn ông bị lạc và đến muộn nửa tiếng, vì vậy cô bắt đầu ăn một mình. Đã chín giờ sáng. Khi đối tượng hẹn hò của Xuân Minh xuất hiên, anh ta lấy làm khó chịu vì Xuân Minh đã bắt đầu ăn mà không có anh ta. Anh ta cố giành quyền ra lệnh và gọi cho cô một bát xúp, nhưng cô đã từ chối.

"Anh ta gọi xúp nóng và sữa đậu nành lạnh," Xuân Minh kể với tôi. "Chị có tưởng tượng được không? Một chất lỏng nóng và một chất lỏng lạnh: đấy là bữa sáng của anh ta đấy."

Sau màn dinh dưỡng bằng chất lỏng, tay kia đề nghị họ đi dạo cùng nhau. "Chín giờ sáng và anh ta muốn đi dạo bộ!"

Xuân Minh bảo anh ta rằng cô phải làm mấy việc, nhưng tay kia không hiểu ẩn ý. "Cứ chỉ là bạn thôi đã nhé," Xuân Minh nói. Cuối cùng anh ta cũng hiểu ra. Sau vụ đó Xuân Minh đã bỏ cuộc ở câu lạc bộ Kết bạn. Cô đặt niềm tin nhiều hơn vào chuyện gặp gỡ qua mạng Internet, phương thức mà cô tin rằng sẽ đưa đến những người đàn ông ở tầng lớp cao hơn.

Một hôm khi tôi đến thăm căn hộ của cô, Xuân Minh cho tôi xem dịch vụ chat QQ hoạt động như thế nào. Khi bạn vào mạng, bạn có thể kéo xuống một danh sách tất cả những người đang trên mạng trong lúc đó, chọn ra những đặc điểm như quê ở tỉnh nào, hộ khẩu thành phố nào, tuổi tác và giới tính. Cô cảnh báo tôi rằng người ta nói rất nhiều về sex. "Có những thứ chúng tôi không thể nói trong thế giới thực," cô giải thích, "vì vậy chúng tôi nói chúng ra ở trên mạng."

Cô lên mạng được vài phút thì có một người đàn ông tiếp cận. Anh ta là bạn của một người bạn và đã được giới thiệu cho cô như một người có tiềm năng làm bạn trai.

Anh đang làm việc à?

Phải, còn em?

Không, em ở nhà.

Em ở đâu?

Đối phương là một nhân viên quy hoạch đô thị ở Đông Quản, quê ở tỉnh Sơn Đông. Anh ta hai mươi bảy tuổi, nhỏ hơn Xuân Minh ba tuổi, tuy vậy cô đã nói dối là cô hai mươi lăm tuổi. Cuộc trò chuyện nhanh chóng tiến tới bước bật webcam lên để hai người có thể nhìn thấy nhau. Chàng trai trẻ trông có vẻ nghiêm túc và đậm người, đeo kính.

Xin lỗi, anh hơi xấu xí. Em có sợ không?

Xuân Minh quay sang phía tôi. "Có vẻ anh ta là người thành thật."

Không hề, cô nói. Em nghĩ anh ổn mà.

Em kết hôn chưa? Em có bạn trai không?

Không.

À, vậy là em hơi thủ cựu đúng không?

Không, em không thủ cựu, nhưng em thuộc típ người truyền thống

Về cái gì?

Cô dựa người vào ghế, nhìn tôi, lẩm bẩm tự nói một mình. "Về cái gì?"

Chàng trai đã hết kiên nhẫn. Sex? Cuộc đối thoại thường ngắc ngứ ở chỗ cô, anh chàng kia gõ nhanh hơn Xuân Minh rất nhiều. Những người được giáo dục biết cách gõ máy tính, còn Xuân Minh thì chỉ được học một ít ở trường chính quy.

Không, không phải về sex. Cô viết. Kỳ thực, em lên mạng là để tìm một người bạn trai.

Tại sao mục đích cứ phải là hôn nhân?

Không nhất thiết phải thế. Gặp gỡ bạn bè cũng tốt.

Em có thể chấp nhận đến mức nào? Anh ta hỏi cô có làm tình với một người đàn ông chỉ là bạn bè bình thường thôi không, Xuân Minh giải thích cho tôi.

Bao giờ chúng ta có thể gặp nhau nhỉ? Sau giờ làm việc thì anh rảnh.

"Ồ không!" Cô rú lên. "Anh ta muốn gặp em!"

Tối hôm ấy, Xuân Minh gặp anh chàng đó. Sau đó cô kể với tôi rằng anh ta có vẻ là người tốt và có một công việc tốt. Nhưng anh ta rất xấu trai, bụng phệ và có một nốt ruồi ở ngay dưới mũi. Mấy tháng sau đó, cô cứ trượt qua trượt lại giữa những quan điểm mâu thuẫn. Anh ta rất xấu trai. Anh ta đi học ở trường danh tiếng. Anh ta trưởng thành hơn so với tuổi. Anh ta rất xấu trai. Cô đã cùng anh chàng đó đi mua một chiếc sofa cho căn hộ của anh ta. Cô ngủ với anh ta một lần, nhưng không thể khiến mình bắt đầu một mối quan hệ thực sự với đối phương. "Hầu hết các cuộc hôn nhân của người Trung Quốc đều không dựa trên tình yêu," cô nói. "Có lẽ em cũng sẽ có một cuộc hôn nhân như thế. Nhưng em chỉ chưa sẵn sàng để thỏa hiệp với nó thôi."

Đông Quản không chỉ là một nơi cho các phụ nữ trẻ thay đổi vận mệnh. Những phụ nữ lớn tuổi hơn cũng xem thành phố này như là một nơi để xác định lại mình. Một hôm nọ tôi ghé thăm một trung tâm dịch vụ hẹn hò tên là Công ty hoạch định số phận Thành phố Đông Quản. Câu lạc bộ nhỏ hơn câu lạc bộ Kết bạn và tự nhận là có chọn lọc hơn. Thành viên buộc phải tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc kiếm được ít nhất hai nghìn nhân dân tệ một tháng. Tôi gặp giám đốc điều hành của công ty và hai nữ trợ lý của anh ta, một trải nghiệm không thể chịu nổi bao gồm việc cả ba người bọn họ liên tục nói tranh nhau trong khi điện thoại di động của cả ba thì không ngừng rung chuông. Một trong hai trợ lý trẻ và nói năng thỏ thẻ; người kia, Hạng Dương, là một phụ nữ trung niên to lớn đường bệ, gương mặt đỏ và cái mũ da với những chiếc lông trông có vẻ đậm chất gây hấn. Cả hai phụ nữ đều độc thân, và có vẻ như họ làm việc ở công ty này một phần là để tăng triển vọng hôn nhân của mình lên.

Tay giám đốc điều hành có kế hoạch xây dựng những văn phòng kết đôi ở khắp thành phố dựa trên mô hình nhượng quyền (franchise). Nhưng từ danh thiếp của anh ta, tôi nhận ra rằng anh ta cũng đang chơi trò đặt cược nhiều cửa.

QUY HOẠCH TỔNG HỢP

KINH DOANH DU LỊCH

QUY HOẠCH BẤT ĐỘNG SẢN

GIA SƯ VÀ QUẢN GIA

ĐẠI LÝ CẤP PHÉP

THIẾT KẾ SÁNG TẠO

ĐÀO TẠO NGHỆ THUẬT

CÔNG TY MARKETING

ĐẠI LÝ BẤT ĐỘNG SẢN

KIỂM TRA TÀI SẢN THƯỜNG NIÊN

CIS INPUT

NGHI LỄ VÀ KỶ NIỆM

SĂN ĐẦU NGƯỜI

TƯ VẤN LUẬT

TÀI CHÍNH KẾ TOÁN

TƯ VẤN QUẢN LÝ

KẾ HOẠCH ĐÁM CƯỚI

TRUNG TÂM GIỚI THIỆU VIỆC LÀM

THÁM TỬ DÂN SỰ

KIỂM TOÁN THUẾ

Khi chúng tôi đang nói chuyện, một người đàn bà tuổi trung niên từ ngoài phố bước vào để hỏi về dịch vụ của câu lạc bộ. Chị ta có gương mặt dài khá đẹp, trên mình mặc một chiếc áo khoác đen nhã nhặn cùng chiếc quần rất hợp. Hạng Dương đề nghị đưa cả hai chúng tôi xuống phố để xem các trung tâm hoạt động của câu lạc bộ. Lúc rời khỏi văn phòng, tôi để ý thấy cửa sổ phía trước của nó dán đầy những mẩu thông tin nhà đất.

Tên người đàn bà trung niên kia là Tôn Thúy Bình, quê chị ở tỉnh An Huy. Chị đã bị tạm thôi việc ở một cửa hàng bách hóa, rồi sau đó ly dị chồng khi phát hiện ra anh ta đang ngoại tình. Bạn bè ở Đông Quản thúc giục chị lên thành phố - chị đã ở đây được hai mươi ngày rồi.

"Chị rất dũng cảm," tôi nói với chị Tôn. Tôi hết sức sửng sốt khi biết một người đàn bà cả đời bị đảo lộn bởi một kẻ phá hoại tổ ấm đã lựa chọn đến Đông Quản, thành phố nổi tiếng với số lượng gái bao và gái ở các quán karaoke.

"Cô nên viết về cuộc sống của những người phụ nữ trung niên nữa," Hạng Dương khuyên tôi. "Mọi thứ đều rất khó khăn với chúng tôi. Tôi vừa mới gặp chị Tôn, và chỉ biết một phần câu chuyện của chị ấy. Nhưng tôi biết chị ấy đã phải chịu đựng nỗi đau."

Hạng Dương vẫn nói khi tôi nhận ra chị Tôn đang khóc. Chị đứng đờ đẫn giữa vỉa hè và ngoảnh mặt đi nên chúng tôi không nhìn rõ gương mặt chị. Sự biểu lộ cảm xúc của những người Trung Quốc luôn làm tôi thấy bất ngờ: người ta tự kiềm chế bản thân một cách hoàn hảo cho đến khoảnh khắc họ bắt đầu khóc nấc lên ngoài đường phố giữa ban ngày ban mặt. Chị Tôn lục lọi mãi trong túi xách, tôi đưa cho chị một cái khăn giấy. "Hãy dành cho mình một chút thời gian," tôi ấp úng nói nhỏ một câu an ủi chung chung. "Cứ từ tốn chấp nhận sự việc."

Chúng tôi tiếp tục bước đi. Hạng Dương im lặng một cách thiếu tự nhiên, nhưng giờ chị ta lại bắt đầu nói tiếp như thể chị Tôn thậm chí còn không hiện hữu ở đó vậy. "Chị Tôn thuộc thế hệ sinh vào những năm 60," chị ta nói. "Chị ấy ưa nhìn, cao ráo, lại có năng lực. Nhưng xã hội lại bảo với chị ấy rằng nó không cần chị ấy. Chị ấy từng có thời là một cô gái xinh đẹp, nhưng giờ chị ấy đã đến độ tuổi nhất định. Chị ấy không thể tránh có tóc bạc. Chị ấy không thể giấu đi những nếp nhăn."

Chị ta tiếp tục cảm hứng diễn thuyết của mình, đem chị Tôn ra làm vật hy sinh ngay trước mắt chúng tôi. Tôi hết sức bất nhẫn với sự nhẫn tâm của chị ta, nhưng khi tôi lén liếc nhìn chị Tôn, tôi thấy chị đang lặng lẽ gật đầu đồng tình. "Rất nhiều bạn bè ở tuổi tôi đang làm thủ tục ly dị," chị Tôn nói.

"Đáng lẽ chuyện ấy phải xảy ra sớm hơn mới đúng!" Hạng Dương bất thình lình thốt lên.

"Đây là giai đoạn người đàn ông bắt đầu thoải mái hơn về mặt tài chính, và có rất nhiều hoạt động dành cho anh ta," chị Tôn tiếp tục. "Anh ta đến khách sạn, ở đó có các cô gái trẻ. Anh ta đến phòng tắm hơi, ở đó có các cô gái trẻ. Rồi anh ta vào tiệm cắt tóc, ở đó cũng có các cô gái trẻ nốt."

"Trong xã hội ngày nay, tình hình tài chính của đàn ông đang dần cải thiện nhưng đạo đức của họ thì ngày một tệ đi," Hạng Dương đồng tình. "Chúng ta phải dẫn hướng cho xã hội giúp đỡ những phụ nữ tuổi trung niên như chị Tôn đây."

Chúng tôi đến trung tâm hoạt động, ở đây có máy tập thể dục, bàn chơi mạt chược, và một phòng đọc sách. Hạng Dương vẫn tiếp tục cơn hứng nói không ngừng nghỉ của chị ta. "Đây là khoảng thời gian cực kỳ quyết định," chị ta nói. "Nếu chị Tôn không hồi phục bây giờ, có thể chị ấy sẽ giống như đám rong biển, cứ lênh đênh mãi trên biển thôi."

Tôi không trả lời chị ta - tôi bắt đầu có ý tưởng khá hay về lý do tại sao chị ta vẫn còn độc thân. Tôi sẽ thích ở bên cạnh chị Tôn lâu hơn, nếu không có những lời giải thích bình luận ấy; thật không thể nào chịu nổi khi nhìn một phụ nữ khóc trong khi một người khác so sánh chị ta với rong biển. Chị Tôn cho tôi số điện thoại di động của chị ở Đông Quản để chúng tôi có thể hẹn gặp nhau vào một ngày khác. Khi trở về căn hộ của mình, tôi có cảm giác như thể vừa trải qua một trải nghiệm đau lòng - như thể tôi mới là người khóc òa lên trên vỉa hè vậy.

Cả mấy tháng sau đó, tôi đã gọi vàc số của chị Tôn rất nhiều lần, nhưng nó đã bị khóa mạng. Tôi không bao giờ biết được chị có tìm được thứ chị đang tìm kiếm ở Đông Quản hay không, bất kể đó là thứ gì.

Đông Quản là thủ đô mại dâm của Trung Quốc. Chuyện làm ăn và mại dâm đi sánh đôi với nhau, một tối đi giao thiệp với đối tác hoặc khách hàng thường kết thúc ở một trong rất nhiều quán karaoke, phòng massage, tiệm cắt tóc, hoặc nhà tắm hơi của thành phố, mà tất cả những nơi đó đều là bình phong che chắn cho dịch vụ mại dâm. Những khách hàng thường xuyên nhất của ngành công nghiệp này dường như là các ông chủ nhà máy từ Hồng Kông và Đài Loan - những người có tiền nhưng lại sống xa vợ. Tất cả bạn bè nam giới của tôi tại Bắc Kinh đều biết về tiếng tăm của Đông Quản, những người dã đến đây đều nhận được lời đề nghị ngay ở sảnh khách sạn và bị gọi điện thoại lên phòng vào giữa đêm: "Ông có muốn massage không?" Tôi lấy làm tò mò về thế giới này, nhưng tôi cần một người đàn ông để thâm nhập vào trong đó.

Tôi biết một người Mỹ tên là Ben Schwall sống trong thành phố. Anh ta có mái tóc vàng cắt cua và thân hình vạm vỡ của một vận động viên bóng bầu dục (rugby), và từng kinh doanh kim cương ở Đài Loan. Giờ anh đang ở Đông Quản điều hành một nhóm các công ty bán hệ thống an ninh, thiết bị chiếu sáng, và chắc chắn là, cả điện thoại di động nữa. Tôi gọi điện cho anh hỏi xem anh có thể giới thiệu cho tôi những cô gái ở quán karaoke có bán dâm hay không. Ben đã làm ăn ở Trung Quốc một thời gian và anh nhận lời đề nghị này ngay lập tức, anh tổ chức một buổi chơi tối với người bạn làm ăn ở đây. "Mấy thằng cha này hơi thô bỉ đấy nhé," anh cảnh báo tôi.

Bạn của Ben đón chúng tôi trong một chiếc minivan Honda tám chỗ mới tinh. 280.000 nhân dân tệ, anh ta nói khi chúng tôi trèo vào xe, anh ta có một chiếc khác nữa cũng giống thế này, một chiếc BMW.

Anh ta hỏi Ben: "Cô ấy là vợ anh à?"

"Không, chúng tôi chỉ là bạn thôi."

"Vậy thì tôi có cơ hội rồi." Anh ta cười phá lên. Anh ta tên là Công Diệu Bồi, nhưng mọi người đều gọi anh ta là Lao Gong (Lão Công), Công già, đồng thời cũng là một từ thường dùng để chỉ người chồng. Anh ta khoảng năm lăm tuổi, gương mặt tiều tụy và đôi mắt mệt mỏi, giống như hầu hết những doanh nhân Trung Quốc mà tôi biết. Thậm chí anh ta trông còn mệt mỏi hơn khi cười.

Tôi hỏi Lão Côrg xem anh ta làm gì. Anh ta trả lời lắp ba lắp bắp, thứ gì đó về các thiết bị đo lường khoa học được các thanh tra y tế sử dụng để kiểm tra vi khuẩn trong thực phẩm.

"Sao anh lại than gia vào một công việc kinh doanh đặc thù như vậy?" Tôi hỏi. Anh ta không trả lời trực tiếp. Thay vào đó anh ta nói trước đây anh ta bán thiết bị hồng ngoại cho những người đo đạc địa chính để đo đếm khoảng cách. Các doanh nghiệp Trung Quốc chẳng là gì cả nếu không giỏi đầu cơ, và rất nhiều doanh nghiệp tham gia vào một chuỗi những công việc kinh doanh đặc biệt và hoàn toàn không hề liên quan. Bạn cùng lớp của một người bạn Trung Quốc của tôi điều hành nhà hàng, một chuỗi cửa hàng thuốc và một trường dạy tiếng Anh.

Lão Công đưa chúng tôi đến một nhà hàng Nhật Bản rộng tám nghìn mét vuông, đó có lẽ cũng là điểm đặc sắc nhất của nhà hàng. Nơi này thật nguy nga tráng lệ: thảm nhung đỏ dài cả dặm, những bụi tre giả, những bể nước khổng lồ chứa tôm hùm và bào ngư. Các cô phục vụ ào tới chỗ Lão Công và bước đi giật lùi trước mặt anh ta, như những triều thần sợ quay lưng họ lại với hoàng đế. Hóa ra Lão Công còn sở hữu một công việc kinh doanh khác cũng không liên quan gì nữa - thiết kế nội thất - và nhà hàng này nợ tiền anh ta. "Vì vậy tôi ăn uống miễn phí," Lão Công nói, "càng nhiều càng tốt." Anh ta dẫn chúng tôi đi qua một mê cung những hành lang, thi thoảng lại xuất hiện những cánh cửa mở rộng. Tôi liếc vào những căn phòng riêng rộng bằng cả nhà hàng, một cái bàn rộng mênh mông đủ cho cả một đại đội ngồi ăn sushi. "Anh ta là vua của Đông Quản," Ben kinh ngạc thốt ra.

Chúng tôi tham gia bữa tối với một doanh nhân khác có gương mặt nhăn nheo, hòa nhã và đôi mắt thậm chí còn mệt mỏi hơn, anh ta và Lão Công cùng lớn lên với nhau ("Gia đình anh ta đã ức hiếp gia đình tôi suốt thời Cách mạng Văn hóa," Lão Công nói). Những người khách khác là giám đốc một ngân hàng địa phương và một giáo viên được Lão Công giới thiệu là "người đứng đầu bộ môn âm nhạc của trường trung học, hát karaoke cực hay." Ben giải thích cho tôi bản chất tình bạn của họ với Lão Công: tay giám đốc ngân hàng duyệt khoản vay nợ để làm ăn của anh ta, trong khi tay giáo viên đảm bảo rằng con trai anh ta nhận được điểm tốt ở trường.

Một cô gái trẻ tên là Dung Dung ngồi cạnh Lão Công. Cô là sinh viên năm cuối của một trường đại học ở Quảng Châu, chuyên ngành tiếng Anh. Cô mặc một bộ đồ cắt may bằng vải len màu nâu, đi giày cao gót và mang một chiếc xắc tay đắt tiền. Dung Dung trông giống như một sinh viên đại học đi phỏng vấn xin việc, ngoại trừ một điều rằng chẳng có sinh viên đại học nào ở Trung Quốc ăn mặc như thế. Cô là bồ của Lão Công, nhưng tôi không thể nào khiến mình tin nổi điều đó. Một cô gái như vậy có thể kiếm được việc làm ở một công ty đa quốc gia hoặc ra nước ngoài học cao học. "Tại sao một cô gái như cô ấy lại ở bên cạnh một người đàn ông như thế nhỉ?" Tôi nói với Ben.

Ben đã gặp Dung Dung đi với Lão Công lần đầu tiên từ ba năm trước, khi ấy cô mới chỉ là sinh viên năm thứ nhất. Anh nhún vai. "Cô ấy thích những món quà."

Trong bữa ăn xa hoa nhất từng được ăn ở Đông Quản - sashi- mì tươi, thịt bò Kobe, cua nấu cari, cá hồi - những người đàn ông chuyền qua chuyền lại một thếp giấy. Tôi đề nghị được xem nó: đấy là một danh sách dự báo tỷ số những trận đấu sắp tới ở giải Ngoại hạng Anh. Tất cả mấy người đàn ông ở đây đều là những con bạc cỡ bự, mỗi năm phải ghé sòng bạc ở Macao vài lần.

Những người đàn ông như thế ở Trung Quốc được gọi là dakuan (đại khoản) - những thương gia tự mình làm nên, những người mà sự giàu có của họ bốc mùi hủ bại nồng nặc. Họ bị nhiều người coi thường vì thói ưa chưng diện và tiêu tiền như rác; khi một người trong số họ bị bắt, thường là cùng với quan chức đã nhận hối lộ của anh ta, người ta lại có cớ để ăn mừng. Đối với nhiều người Trung Quốc có giáo dục, những tay đại khoản tham lam vô đạo đức đại diện cho tất cả những gì sai sót của đất nước họ ngày nay. Có lẽ thế là sai, nhưng tôi thích họ. Khi Lão Công và các bạn anh ta hỏi tôi cuốn sách của tôi viết về điều gì, họ lắng nghe những gì tôi nói và không lập tức bảo tôi phải nên viết nó như thế nào, tôi không phải phiền não với chuyện chứng minh lòng trung thành của tôi với đất nước Trung Quốc. Họ thừa nhận mọi thứ theo giá trị bề ngoài của chúng, thứ còn xa mới giải thích được sự thành công của họ. Họ chẳng có gì để chứng minh cả.

Tay giáo viên trung học thì khác: anh ta khăng khăng đòi phân loại, định nghĩa và ghìm chặt mọi thứ xuống, và anh ta bắt đầu với tôi. "Vậy chị đang viết cuốn sách của mình từ góc độ tích cực?" Anh ta hỏi.

Tôi giải thích rằng chẳng có tích cực hay tiêu cực gì ở đây cả, và tôi hy vọng cuốn sách sẽ phản ánh được sự thật. Sau đó tôi tình cờ nghe thấy anh ta nói với một người khác: "Cô ta đang viết một cuốn sách từ góc nhìn tích cực."

Sau đó anh ta chuyển sang Ben. "Khi trở về Mỹ, liệu anh có thấy không quen khi ăn thức ăn Tây không?"

Ben nói anh thích cả món ăn Trung Quốc và món ăn phương Tây.

"Anh thích ăn món Trung Quốc hơn hay món phương Tây hơn?" Tay giáo viên hỏi.

"Món Trung Quốc," Ben trả lời theo nghĩa vụ. Rồi anh nói với tôi bằng tiếng Anh: "Tôi có thể thấy rồi chuyện này sẽ đi đến dâu."

"Món ăn Trung Quốc ngon nhất thế giới tay giáo viên tuyên bố. "Và tất cả người Trung Quốc đều là người tốt."

"Thật à?" Tôi nói. "Tất cả người Trung Quốc đều là người tốt ư?"

"Không," Lão Công trả lời, đến giờ anh mới tham gia vào cuộc trò chuyện của chúng tôi. "Bảy mươi phần trăm người Trung Quốc là người xấu." Anh ta nói đầy vẻ uy quyền, đến nỗi tay giáo viên không dám cãi lại câu nào. Vậy là vấn đề kết thúc: bảy mươi phần trăm người Trung Quốc là người xấu. Bạn đã có thể thấy tại sao một người là vua của Đông Quản còn người kia chỉ là một giáo viên trung học giỏi hát karaoke mà thôi.

CÂU LẠC BỘ Ở KHÁCH SẠN THẾ GIỚI BẠC có cổng vào riêng, hai bên có mười sáu cô phục vụ cúi khom người đến tận thắt lưng khi chúng tôi bước vào. Tiền sảnh của nó được làm theo kiểu câu lạc bộ đêm xa hoa lộng lẫy: nội thất đen, đèn nê ông tím, một bức tường bằng giá thủy tinh kê đầy những chai Chivas Regal, Johnie Walker và Trường Thành. Những chai rượu này được chiếu từ phía sau, trông như những tác phẩm nghệ thuật hiếm có. Chúng tôi được hộ tống vào một phòng riêng, bên trong kê những chiếc trường kỷ đối diện với ba màn hình ti vi. Màn hình khổng lồ ở giữa là màn hình video của bài hát, màn hình bên phải để chọn bài và gọi đồ uống. Tay bạn làm ăn của Lão Công quay sang màn hình bên phải xem trận Liverpool-Manchester United và có vẻ như sẽ lờ mọi người hết cả buổi tối hôm nay. Tiền đánh bại sex: chẳng có gì đáng ngạc nhiên ở đây cả.

Dung Dung và Lão Công ngồi xuống trường kỷ. Cô nhón một quả nho trong đĩa hoa quả trên bàn đút vào mồm anh ta; anh ta khéo léo nuốt chửng nó, như một chú hải cẩu đã được huấn luyện. Phục vụ mang vào các đĩa hoa quả, cốc, đá viên, chanh lát, soda, rượu Chivas và vodka. Cuộc diễu hành của những thứ lặt vặt này sẽ tiếp diễn suốt cả đêm, khi người ta ra ra vào vào căn phòng để mời chào thuốc lá, những bó hoa hồng, thú nhồi bông cỡ lớn và biểu diễn nhảy dân tộc. Một người đàn bà gọi là má mì bước vào kiểm xem khách nào muốn mua dâm và khách nào chỉ muốn hát.

Sau đó các cô gái bước vào. Họ có bảy người, mặc váy dạ hội lấp lánh ánh vàng với sợi dây đeo áo trong mỏng trông như những cô nữ sinh trong buổi dạ tiệc tốt nghiệp. Họ xếp hàng gần cửa, đôi vai trần run lên trước làn gió điều hòa thốc mạnh. Vài cô chọc vào người đứng bên cạnh và cười khúc khích, nhưng không ai ngẩng đầu lên nhìn vào khách. Mỗi cô gái có một thẻ nhựa in bốn chữ số gắn trên hông. Độ dài của các con số khiến tôi thấy ấn tượng - về mặt số liệu, khách sạn Thế Giới Bạc có khả năng có tới một vạn cô gái. Ở Mông Cổ có những khu vực mà số điện thoại thậm chí cũng chẳng dài đến thế.

Nếu một người đàn ông thích cô gái nào, anh ta sẽ bảo với má mì số của cô gái đó, cô này sẽ đến ngồi cạnh anh ta trên trường kỷ, đặt bàn tay mình lên đùi anh ta. Khách hàng có thể rất kén cá chọn canh, vì vậy má mì sẽ đưa vào hết đợt này đến đợt khác các cô gái, một người đàn ông có thể giải tán hết đợt này đến đợt khác như một vị sultan (tiểu vương Hồi giáo) buồn chán với đám cung tần mỹ nữ của mình vậy. Nhưng thường có ai đó thỏa mãn được thậm chí cả những khách hàng cầu kỳ nhất. Khách sạn Thế Giới Bạc không lớn lắm so với chuẩn chung của thành phố Đông Quản, nó có khoảng ba trám cô gái.

MỘT CÔ GÁI TRẺ TÊN LÀ A LÂM, số 1802, ngồi xuống bên cạnh tôi. "Có ông nào trong mấy ông đây muốn đi "thêm" nữa không?" Cô thì thầm. A Lâm mười bảy tuổi, cô có làn da trắng như kem và gương mặt tròn hoàn hảo của một cô bé. Cô đã học hai năm trung học ở Trùng Khánh trước khi ra làm việc, cha cô là một người di trú còn mẹ cô làm ruộng. A Lâm mới đầu dự định vào làm việc trong một nhà máy, nhưng bạn bè cô nói làm việc trong một quán bar karaoke được nhiều tiền hơn. Cô vẫn còn trinh khi bắt đầu vào đây, và hồi đó cô đã khóc rất nhiều khi đám đàn ông sờ soạng cô quá nhiều. Giờ thì cô làm tình với khách trung bình bốn đêm một tuần.

Giờ làm việc ở Thế Giới Bạc bắt đầu lừ 7 giờ 30 tôi đến 11 giờ 30. Một cô gái kiếm được hai trăm nhân dân tệ cho một buổi tối - hai lăm đô la - để ngồi với khách, rót dồ uống cho anh ta, đút hoa quả vào tận miệng, vỗ tay cổ vũ anh ta hát, và để anh ta ôm ấp, hôn hít, sờ soạng.

"Nếu cô nào nổi tiếng hơn, thì kiếm được nhiều hơn." A Lâm nói.

Tôi hỏi cô "nổi tiếng hơn" nghĩa là gì.

"Nếu ngực người đó to hơn," cô nói thẳng thừng, "hay trông sành điệu hơn."

Nếu một cô gái ra ngoài quan hệ tình dục với khách, câu lạc bộ sẽ thu tám trăm nhân dân tệ để quan hệ một lần, kiểu đó gọi là kuaican (khoái xan), đồ ăn nhanh. Giá qua đêm là một nghìn nhân dân tệ, tuy nhiên một khách hàng hài lòng có thể bo thêm gấp hai hay gấp ba lần khoản đó. Có một số cô gái không thích đi khách thường xuyên quá. Những cô đi thường xuyên có thể kiếm được khoảng hai mươi nghìn nhân dân tệ một tháng - 2.500 đô la, một khoản tiền khổng lồ trong thế giới những người di trú. Các cô gái không được hút thuốc và ăn quá nhiều đồ khách gọi trong khi làm việc, hoặc làm tình với bất cứ ai trong phòng karaoke. Ngoài những điều đó, họ sống buông thả và bừa bãi. Trong một thành phố mà cuộc sống của hầu hết mọi người đều bị điều khiển bởi đồng hồ của nhà máy, họ ngủ muộn đến khi nào họ thích và có thời gian làm việc ít hơn bất cứ ai tôi từng gặp.

A Lâm đã nhìn đời đủ để đưa ra vài kết luận. Đàn ông Tứ Xuyên là những tay sờ soạng ác nhất, cũng keo kiệt nhất. Đàn ông nước ngoài tử tế hơn đàn ông Trung Quốc. Vài khách hàng đề nghị các cô gái làm bạn gái họ, song A Lâm không bao giờ ngã lòng bởi những lời đề nghị như thế. Nhưng cô nói, một ngày nào đó cô muốn có bạn trai và kết hôn. Không ai ở quê nhà biết A Lâm làm công việc gì. Cô bảo cha mẹ mình là cô làm việc trong một nhà máy, chỉ gửi về nhà một phần thu nhập để họ không nghi ngờ. Một số cô gái đã từng làm việc trong nhà máy khi họ lần đầu tiên rời xa quê nhà, nhưng giờ thì họ sẽ không bao giờ trở lại cuộc sống kiểu đó. Họ không ảo tưởng gì về nó nữa.

MÁ MÌ NGỒI TRÊN ĐỈNH CỦA THẾ GIỚI trong cái thế giới karaoke này. Bà ta ghép cặp cho những khách hàng muốn mua dâm với những cô gái muốn ra ngoài đi khách, một cô gái có thể đề nghị không đi nếu cô đang đến kỳ kinh nguyệt hoặc không được khỏe. Má mì thu một phần trong thu nhập của các cô gái, đâu đó khoảng 15%. Một má mì tốt sẽ có được sự trung thành của các cô gái dưới quyền mình, khi bà ta chuyển đến một câu lạc bộ khác, các cô gái cũng đi theo.

Có hai loại phụ nữ làm việc trong phòng karaoke. "DJ" quản lý các phòng, phục vụ thức ăn và đồ uống cũng như giúp khách chọn bài hát, những cô gái uống rượu với khách gọi là zuotai xiaojie (tọa đài tiểu thư), những cô gái trẻ ngồi ở bàn. Tiểu thư thường quan hệ tình dục với khách và cả một vài DJ cũng làm chuyện này. DJ không phải trích phần trăm cho má mì, nhưng họ phải mang đến một lượng khách nhất định hằng tháng hoặc trả một khoản phí cho câu lạc bộ. Nhiều câu lạc bộ thuê nhiều DJ hơn là số phòng họ có, cho họ cạnh tranh với nhau để làm vừa lòng khách hàng và kiếm nhiều tiền hơn cho câu lạc bộ. Ở vị trí thấp nhất trong hệ thống câu lạc bộ này là các phục vụ viên, những người đến và đi vô hình như những thái giám: bị tách khỏi công việc kinh doanh mại dâm, họ là những người kiếm được ít tiền nhất.

Thế giới trong quán karaoke đầy mơ mộng và không thật. Những cô gái trẻ mặc đồ dạ tiệc cười phá lên với bất cứ câu đùa nào của bạn, cho đến khi những lời tâng bốc của họ trở nên tự nhiên như hơi thở. "Chị có làn da được chăm sóc tốt quá!" Một tiểu thư nói với tôi, rồi lại quay sang phía Ben thốt lên, "Tiếng Trung của anh giỏi quá!" Họ cợt nhả với khách và gọi khách là lão công, nghĩa là chồng; những người đàn ông có vẻ thích thế, có lẽ vì họ không thể nào tưởng tượng nổi, thậm chí trong những ảo tưởng hoang đường nhất, về một thế giới không có các bà vợ. Thi thoảng lại có người đứng lên hát và những người khác vỗ tay. Căn phòng tối om và không có cửa sổ, còn cốc của bạn thì lúc nào cũng đầy tràn.

Những cô gái trẻ thẳng thắn một cách đáng ngạc nhiên về những gì họ làm để kiếm sống. Tôi dã gặp rất nhiều người trong số họ trong hai đêm liên tiếp ở những câu lạc bộ khác nhau; khi tôi nói tôi đang viết một cuốn sách về Đông Quản và hỏi về công việc của họ, không người nào tỏ ra bẽn lẽn xấu hổ hay chối rằng mình đã quan hệ tình dục với khách. Đôi khi tôi cảm thấy một chút dối trá nho nhỏ. Có lẽ họ đã cường điệu thu nhập của mình lên, hoặc quả quyết rằng họ đã bị lừa vào công việc này; vài người nói với tôi, có vẻ khá đáng nghi, rằng họ có ý định nghỉ việc trong nay mai. Nhưng họ không cay độc và cứng rắn như tôi mong đợi. Họ rất nữ tính và cười khúc khích như thiếu niên, thỉnh thoảng khi chúng tôi đang nói chuyện, họ khóc.

Tôi bị giằng xé không biết nên nghĩ về họ như thế nào. Chắc chắn là rất tệ hại khi phải làm tình với loại đàn ông Trung Quốc suốt ngày la cà ở quán karaoke, về điểm này, họ có được sự đồng cảm của tôi. Nhưng hầu hết thời gian làm việc của họ đều rất nhàn tản - nhấm nháp cocktail, ăn đậu phộng, xem video ca nhạc - và chỉ như thế, một tháng họ kiếm được nhiều tiền hơn những người như Mẫn kiếm được trong cả năm. Quyết định bước vào thế giới này thuở ban đầu của họ nông cạn thiếu suy nghĩ một cách đáng ngạc nhiên. Hầu hết những cô gái trẻ nói chuyện với tôi đều bắt đầu làm việc ở một câu lạc bộ karaoke vì một người bạn hay họ hàng của cô đang làm việc đó, giống như một người di trú sẽ đến một thành phố hay nhà máy nhất định vì cô quen biết ai đó ở đấy. Sau khi đã tham gia, họ lại đưa ra những lý do để tiếp tục: đó là một công việc dễ dàng, thu nhập khá, và ta có thể tìm hiểu thế giới.

Các cô gái ở quán karaoke có hoàn cảnh xuất thân tốt hơn những cô gái làm việc trong nhà máy mà tôi từng gặp gỡ - điều đó, cũng là một sự ngạc nhiên. Họ thường lớn lên ở một thành phố nhỏ hoặc thị trấn hơn là ở nông thôn, một tỷ lệ không nhỏ là con một hoặc con út trong gia đình, có nghĩa rằng họ có ít gánh nặng tài chính hơn. Không ít người đã đi học trung học, tức là đã được liệt vào hàng tinh tú ở nông thôn. A Lâm, đã đi học hai năm trung học, là người trẻ tuổi có giáo dục nhất trong làng cô. "Ở quê họ mong đợi tôi ra đời và làm nên thành công," cô nói. "Nếu biết tôi đang làm việc ở một nơi thế này, họ sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi đâu."

So với những cô gái làm công nhân nhà máy, họ được tự do làm điều họ muốn hơn. Có lẽ bởi quá tự do và thiếu một mục đích rõ ràng, nên họ đã đánh mất phương hướng khi đến thành phố. Không ai bắt ép họ làm gái điếm cả. Trên thực tế, họ đã lựa chọn công việc này vì họ mong đợi nhiều hơn trong cuộc sống. Hầu hết các cô gái đều muốn sau này trở về nhà mở một cửa hàng quần áo hoặc cửa tiệm cắt tóc - hầu như tất cả đều quen biết ai đó đã làm như thế. Một cô gái tích cực có thể tiết kiệm đủ tiền để làm điều đó trong một hoặc hai năm. Nhưng cũng rất dễ lạc lối.

Đêm tiếp theo ở một câu lạc bộ trong khách sạn năm sao khác, tôi gặp Đinh Hà. Cô hai mươi ba tuổi, vóc cao, gò má xương xương và sống mũi cao - cô đẹp thực sự, không giống như hầu hết các cô gái khác chỉ mảnh mai và trẻ trung. Cô đã xa nhà được sáu năm và nói mình đã tiết kiệm được bốn trăm nghìn nhân dân tệ. Khi nào kiếm được thêm một trăm nghìn nữa, cô nói, cô sẽ chuyển đến một thành phố mà ở đó không ai quen biết cô, mở một cửa hàng và sống cuộc đời đơn giản. Câu chuyện của cô không ăn khớp nhau lắm, bởi mở một cửa hàng chỉ cần một phần của số tiền mà Đinh Hà đang nói tới. Lời nói dối của cô có vẻ như để thanh minh, có lẽ là với chính bản thân cô, rằng tại sao cô vẫn còn ở chốn này.

Cũng có khả năng một tiểu thư sẽ vươn lên và trở thành má mì. Má mì trong câu lạc bộ nơi Đinh Hà làm việc trông mảnh dẻ và rất có dáng làm ăn, chị ta mặc một bộ đồ màu xanh nước biển và cầm theo một chiếc bộ đàm, chức danh trên danh thiếp của chị ta ghi là GIÁM ĐỐC QUẢNG BÁ. Chị ta nói với tôi rằng mình đang điều hành sáu mươi cô gái, và trước đây chị ta từng kinh doanh quần áo.

"Có nhiều cô gái làm tiểu thư trở thành má mì không?" Tôi hỏi.

"Ít lắm," chị ta đáp. "Một phần trăm."

"Tại sao thế?"

"Cần có kỹ năng thì mới làm được," chị ta bảo. Chị ta lịch sự cụng một cốc bia với tôi và cáo lỗi phải đi có việc. Ngay sau khi chị ta vừa đi, Đinh Hà lại chỗ tôi và nói, "Trước đây chị ta cũng làm tiểu thư ở đây thôi." Sau đó cô đặt một ngón tay lên môi. Đinh Hà đã làm việc ở câu lạc bộ này đủ lâu để biết điều đó. Nhưng hầu hết mọi người nghỉ việc rồi lại tìm việc quá nhanh nên chuyện sáng tác quá khứ, cùng với tương lai đều khá là dễ dàng.

ĐÊM VỀ KHUYA, thế giới của những ảo ảnh cũng tan vỡ: đồ ăn đã hết, rượu cũng hết và mọi người đều chán hát. Vài tiểu thư xin phép ra ngoài thay quần áo; họ quay lại với bộ quần jean và áo gió, khiến họ trông trẻ một cách đáng ngại. Họ ngáp dài và ngả đầu lên vai đám đàn ông. Thỉnh thoảng cảnh này gợi lại ảo tưởng rằng những người đàn ông ấy là chồng họ - nhưng trông họ giống với những cô con gái buồn ngủ và đáng yêu, đã thức quá giờ đi ngủ của mình nhất.

Cuối cùng hóa đơn cho cả buổi tối được đưa đến. Có một khoản tiền phòng, tiền thức ăn và đồ uống và hai trăm nhân dân tệ tiền mặt trả cho mỗi tiểu thư. Người đàn bà bán thú nhồi bông trở lại để thu tiền, nhưng tay đồng nghiệp của Ben, người đã dỗ dành một cô gái trẻ hờn dỗi suốt cả đêm không muốn tốn thêm tiền cho cô nữa vì buổi tối nay đã chấm đứt. Cô nàng ngượng ngập trả lại một con gấu nhồi bông - một cô con gái khác, cô bé này thì hơi nhõng nhẽo. Cô nàng DJ bắn thông tin liên lạc của mình vào chiếc Palm Pilot của một khách hàng khác để sau này còn đặt phòng, rồi mọi người cùng rời khỏi phòng hát karaoke. Đám đàn ông, có má mì đi cùng, đi thẳng ra thang máy, còn mấy cô gái thì biến mất trong một hành lang khác.

Thỉnh thoảng cũng có một phụ nữ trúng quả lớn. A Ninh, người bạn vừa ly dị chồng của Xuân Minh, bắt đầu hẹn hò với một người đàn ông Đông Quản giàu có. Một tối cô mời tôi và Xuân Minh qua ăn cơm. Khu nhà cô ở khiến người ta có cảm giác nặng nề với những chỗ hư hỏng, nước thải ra từ các máy điều hòa nhiệt độ nhỏ xuống tường nhà thành những vệt vàng cam gỉ sét, trông như những giọt nước mắt. Nhưng bên trong căn hộ rất rộng rãi và được trang trí đẹp đẽ, có đèn màu và sàn gỗ.

A Ninh mặc một chiếc váy dài viền đăng ten lỗ và chiếc áo len không tay khá hợp. Trông cô xinh đẹp và hạnh phúc. Cô đã nấu cho chúng tôi bữa tối gồm cá hấp, sườn lợn cay và canh chân gà, đu đủ, cà chua. Trong bữa tối, cô kể cho chúng tôi về tay bạn trai suốt ngày đi làm ăn xa của mình. Anh ta lớn hơn cô tám tuổi. Hai người bọn họ vừa mới đi nghỉ ở Bắc Kinh về, ở đó, anh ta tiêu phí hầu hết thời gian của mình để chơi cá độ bóng đá.

"Anh ta làm gì?" Xuân Minh hỏi.

"Anh ấy làm mọi việc," A Ninh đáp.

Hai mắt Xuân Minh mở to. "Mọi việc?"

"Anh ấy lớn lên ở vùng này. Tất cả những người gốc ở đây đều dính dáng đến cờ bạc và buôn lậu," A Ninh nói. "Đơn giản là họ lớn lên cùng với những thứ ấy." Được bạn trai khuyến khích, A Ninh bắt đầu chơi mạt chược ăn tiền và vừa mới thua mất sáu nghìn nhân dân tệ - khoảng 750 đô la - trong một buổi.

Mỗi chi tiết lộ ra đều có vẻ như tệ hơn chi tiết trước. "Anh ta có tốt với cô không?" Tôi hỏi.

"Ồ, anh ấy tốt với tôi lắm!" A Ninh nói.

Xuân Minh hỏi, đi thẳng vào vấn đề hơn. "Trước đây anh ta đã kết hôn chưa?"

A Ninh hạ thấp giọng xuống. "Rồi. Anh ấy có một đứa con gái, khoảng bảy tuổi."

Ngày hôm ấy Xuân Minh tình cờ tham gia một kiểu gặp gỡ đàn ông mới. Ai đó đã đưa ảnh của một phụ nữ xinh đẹp lên trang web kết đôi nhưng lại để số điện thoại của Xuân Minh ở cạnh đó. Cô không chắc đấy là sự nhầm lẫn hay một trò đùa, nhưng cả ngày hôm ấy cô đã bị bom điện thoại của những người theo đuổi.

Cô có phải người phụ nữ trong ảnh không?

Cô có tóc dài không?

Cô có cao 1,66 mét không?

Sau bữa tối, Xuân Minh ra phòng khách để xem một bộ phim truyền hình dài tập về những thầy thuốc thời cổ đại ở Hàn Quốc gắng sức chữa bệnh cho những người bị bệnh phong. Xuân Minh cảm thấy nỗ lực nhân đạo của họ hết sức cảm động, nhưng cô cứ bị quấy rầy bởi những cú điện thoại từ những người đàn ông lạ.

"Xin chào," cô nói. "Ai đấy?"

Nghe. Sau đó là: "Vâng, ai đấy đã gửi tấm ảnh và thông tin đó lên nhưng đó không phải là của tôi. Chỉ có số điện thoại này là của tôi thôi."

Im lặng. "Không sao, chúng ta vẫn có thể kết bạn," cô nói với giọng ngọt ngào như mật. "Anh quê ở đâu? Anh làm việc gì?"

Những người đàn ông làm tự động hóa công nghiệp và làm quản đốc ở nhà máy; họ đến từ Giang Tô và Cam Túc. Sau khi nói chuyện thêm vài câu, Xuân Minh nói cô đang bận, nhưng họ sẽ giữ liên lạc. Cô luôn là người cắt ngắn cuộc đàm thoại. Sau khi gác máy, cô lướt qua những tin nhắn trên điện thoại. Xin chào, tôi là giám đốc một nhà máy ở Đường Hạ(26). Cô mỉm cười vui vẻ.

"Chẳng sao cả. Tôi vẫn có thể quen thêm bạn mới. Và có lẽ vài người trong số họ sẽ muốn mua các thứ của công ty tôi." Tôi buộc phải khâm phục tài biến báo của cô. Cô dã biến một vụ lầm lẫn nhận dạng thành dịch vụ hẹn hò cá nhân của mình, thêm cả lựa chọn dự phòng là sẽ thuyết phục những người đàn ông đó mua các bộ phận của khuôn đúc công nghiệp".

"Người phụ nữ ấy hẳn phải đẹp lắm," Xuân Minh nói sau khi đã xem qua danh sách tin nhắn và cuộc gọi nhỡ.

"Nhưng khi cô nói với họ đó không phải là cô," tôi nói, "họ vẫn tiếp tục nói chuyện."

"Nhiều người ở trong thành phố này cô đơn thế đấy," A Ninh lên tiếng.

TỐI HÔM ĐÓ, chúng tôi quyết định đi xem cuộc sống về đêm xung quanh đây, cuộc sống chỉ tập trung vào các khu mua sắm mới mở đầy những câu lạc bộ và quán bar. Bên trong những nơi ấy tối om và vắng vẻ, đèn nê ông tím và nhạc xập xình, những nhóm nhỏ các phụ nữ trang điểm rất đậm toát lên một vẻ nhàm chán đặc trưng của gái bán dâm. Xuân Minh vẫn đọc tin nhắn trên điện thoại khi chúng tôi bước đi.

Tôi làm trong chính quyền. Tôi đã sống ở đây sáu năm rồi.

Tối nay cô làm gì?

Xin chào, chúng ta kết bạn được không?

Chúng tôi dừng lại trong một quán bar gần nhà A Ninh. Bên trong chật kín nhân viên văn phòng trẻ, và chúng tôi ngồi đủ lâu để chứng kiến vài cảnh tượng lạ lùng. Sau nhiều lượt chơi phạt rượu, một cô gái trẻ ngả người mình vào một anh chàng có vẻ như là đồng nghiệp cùng chỗ làm. Cô vòng cánh tay qua cổ và dựa hẳn vào lòng anh ta. Anh chàng kia không ôm mà thậm chí còn như chịu đựng: anh ta đứng đờ người, tay thả xuống hai bên, như thể một người lính được giao nhiệm vụ canh gác trong cơn mưa bão. Khi tôi nhìn lại về phía ấy, cô gái trẻ kia đã trở lại tư thế bình thường và đang nói chuyện với các cô bạn của mình; có vẻ như anh chàng kia đã nhân cơ hội đó chuồn khỏi quán bar. Gần đấy, một cô gái có cặp đùi nần nẫn mặc chiếc váy ngắn in hoa văn da báo nhảy trong cái lồng sắt cách mặt đất chừng vài mét. Sau vài bài hát, cô ta bò ra khỏi lồng qua một cửa thấp hình vuông phía đằng sau, trông như cửa dành cho chó. Cô trườn người ra sàn nhà, phủi đầu gối, và rồi - trong một thoáng huy hoàng chỉ được tôi thừa nhận - trở lại tư thế đứng của loài động vật linh trưởng. Cô bước đến quầy bar và gọi đồ uống.

Một cô bạn của A Ninh tham gia với chúng tôi. Năm chai bia Thanh Đảo ở trên bàn chúng tôi, và đám phụ nữ bắt đầu chơi trò uống phạt. A Ninh và bạn cô uống nhanh, mấy người đàn ông ở bàn cạnh đó lượn lờ rủ chơi xúc xắc. Khoảng nửa đêm, Xuân Minh đề nghị tôi và cô quay về căn hộ của A Ninh, chúng tôi sẽ ngủ qua đêm ở đó. Đám đàn ông vẫn gửi tin nhắn cho cô.

Cô đang ở đâu?

Cô đang làm gì?

Tôi là một bó đuốc đang cháy.

MỘT GIỜ SÁNG, điện thoại đổ chuông. Đó là cô bạn của A Ninh. A Ninh đã uống quá say, không đi nổi, chúng tôi có thể giúp gì được không? Xuân Minh ra ngoài. Cô bạn kia sống ở một căn hộ khác trong cùng tòa nhà chung cư này, rồi Xuân Minh trở lại nói với tôi rằng họ đã để A Ninh ngủ trên ghế bành của nhà cô bạn ấy.

Hai giờ sáng, điện thoại lại rung chuông lần nữa. A Ninh đang đi lang thang ngoài hành lang và không chịu ngủ, chúng tôi có giúp gì được không? Xuân Minh lại ra ngoài. Tôi cố trở lại giấc ngủ không yên.

Hai giờ ba mươi sáng, Xuân Minh quay lại. Cô bước vào căn phòng dành cho khách chỗ tôi đang ngủ, bật đèn trần lên, ngồi khoanh chân trên giường. "Tôi muốn nói chuyện với chị," cô nói. Khi cô vào căn hộ của người bạn kia, A Ninh đang lảm nhảm về chuyện phải lên tầng và giải thích gì đó với một người đàn ông. Xuân Minh và cô bạn kia không biết A Ninh đang nói chuyện gì, nhưng cuối cùng họ cũng đồng ý đưa cô lên tầng trên. Người đàn ông ra mở cửa trông gầy gò, đen đúa, mặc quần đùi và áo may ô. Anh ta và ba người đàn ông khác cũng ăn mặc tương tự như vậy đang chơi mạt chược. Anh ta để A Ninh và hai người bạn vào trong, dẫn họ đến một phòng ngủ thừa, chỉ vào cái giường để họ đỡ cô vào, rồi quay lại chơi tiếp.

Xuân Minh hiểu ra rằng người đàn ông này chính là bạn trai của A Ninh. Anh ta không đi công tác, và anh ta chẳng có vẻ gì là quan tâm chút nào đến cô cả. "Cô ấy nói dối, bảo rằng hắn ta đang đi làm ăn xa, trong khi hắn đang ở nhà chơi mạt chược với mấy thằng bạn," Xuân Minh kể với tôi. "Còn cô ấy thì lúc nào cũng bảo hắn tốt với cô ấy lắm. Còn nữa, thằng cha này già lắm! Và thực sự là rất xấu!"

Sáng hôm sau, chúng tôi ghé qua căn hộ của người đàn ông đó để đưa cho A Ninh cái xắc tay. Gã bạn trai ra mở cửa. Mặt anh ta hẹp, dữ dằn và đỏ thẫm lại, trông như một miếng thịt bò khô; anh ta trông khoảng hơn bốn mươi tuổi. Anh ta không nói một lời nào với hai chúng tôi. Xuân Minh đã nói đúng: anh ta có vẻ không thích lắm. A Ninh vẫn đang thiêm thiếp trong căn phòng ngủ thừa ấy. Cô hầu như không mở được mắt ra, nhận lấy cái xắc tay mà chẳng nói lời nào. "Gọi cho tôi khi cô dậy nhé," Xuân Minh nói.

Lần sau gặp Xuân Minh, tôi hỏi cô về A Ninh. Cô ấy nói gì về đêm hôm đó? Cô ấy có còn đi lại với gã bạn trai ấy nữa không? Xuân Minh nói bạn mình đã không thành thực về chuyện đó, và họ không nói lại nó nữa. Rốt cuộc là, A Ninh không hề trúng quả hẹn hò. Cô chỉ giả vờ hạnh phúc. Cuối cùng, mối quan hệ của cô có vẻ như cũng chỉ là một trường hợp nhầm lẫn mà thôi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx