sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 6

— Chúng ta cho con Tony vào học trường nội trú của cô Weichbrodt đi!

Ông tham nói giọng rất kiên quyết, và mọi việc được sắp xếp theo ý ông.

Thomas buôn bán có tài; Klara càng lớn càng khỏe mạnh, hoạt bát; ngay cả Klothilde đáng thương, ai cũng lấy làm thích thú thấy nó ăn khỏe. Duy chỉ có Tony và Christian là không làm cho mọi người vui lòng, như chúng tôi đã nói ở trên. Về Christian, gần đây hầu như chiều nào cậu cũng được thầy Stengel giữ lại uống cà phê. Thực ra thì chuyện ấy cũng không quan hệ gì lắm, nhưng rồi bà tham vẫn cho rằng như thế là nhiều quá, đành phải viết cho thầy giáo ấy một bức thư thật lịch sự, mời thầy quá bộ đến phố Meng chơi, trao đổi qua về chuyện ấy. Quả nhiên, thầy Stengel đến. Thầy đội bộ tóc giả thường dùng trong những ngày lễ, đeo cái cổ cồn thật cao, cắm ở túi áo gi-lê một dãy bút chì vót nhọn như mũi mác cùng ngồi nói chuyện với bà tham ở phòng phong cảnh. Christian trốn ở phòng ăn nghe lỏm. Tuy có phần gò bó không được tự nhiên lắm, nhưng nhà giáo dục ưu tú này vẫn thao thao bất tuyệt giảng giải những lý luận về giáo dục của mình. Thầy nói đến sự khác nhau rõ ràng giữa việc vẽ “đường kẻ” và “đường vạch”, nhắc đến chuyện rừng cây xanh đẹp và chuyện thùng đựng than. Trong cuộc thăm hỏi này, thầy luôn luôn dùng hai chữ “bởi vậy”. Thầy cảm thấy chữ đó rất thích hợp với cảnh giàu sang đài các ở đây. Khoảng mười lăm phút sau ông tham về. Việc đầu tiên là ông đuổi Christian ra khỏi phòng ăn, rồi xin lỗi thầy Stengel về việc con mình nghịch ngợm.

— Ồ, xin ông đừng nói vậy, ông tham! Em Christian rất thông minh, lại hoạt bát... bởi vậy... chỉ hơi nông nổi một tí, nếu tôi nói như thế, hì... bởi vậy...

Ông tham rất lịch sự, đưa thầy đi thăm một vòng trong tòa nhà, sau đó thầy cáo từ ra về... Chuyện đó cũng chưa phải là hư hỏng nhất.

Chuyện hư hỏng nhất đã xảy ra như sau. Một buổi tối, Christian tự tiện cùng một anh bạn thân đi đến rạp hát. Hôm ấy, rạp trình diễn vở William Tell của Schiller, người đóng vai Walter, con trai William Tell là cô Meyer de la Grange, rất trẻ. Cô ta có thói quen là lúc nào lên sân khấu cũng cài cái kim nạm kim cương ở ngực, phù hợp với vai mình đóng hay không cũng mặc. Không một ai nghi đó là kim cương giả, ai cũng đều biết chính ông tham Peter Döhlmann tặng cô ta. Ông Peter Döhlmann là con trai cụ Döhlmann chủ một hãng buôn gỗ lớn, nay đã quá cố, nhà ở phố Wall ngoài cổng Holstentor. Ông ta cũng như ông Justus Kröger, đều được dân trong thành phố gọi “công tử”, ý muốn nói hai ông này sống rất phóng đãng. Ông Peter đã có vợ, hơn nữa lại có một con gái, nhưng lâu nay, hai vợ chồng bỏ nhau. Bây giờ ông ta sống độc thân. Cụ Döhlmann để lại cho ông Peter một gia tài đồ sộ. Ông ta vẫn tiếp tục buôn gỗ, nhưng ai cũng nói rằng, hiện nay ông ta chỉ ngồi gặm vốn cũ mà thôi. Hầu như cả ngày ông ta đều có mặt ở câu lạc bộ và quán bia ở dưới hầm tòa thị chính thành phố, ăn sáng cũng ăn ở đấy. Bốn giờ sáng, đã gặp ông ta ngoài đường phố. Ngoài ra, ông ta cũng thường xuyên đến Hamburg buôn bán, nhưng ông ta nghiện nhất vẫn là xem hát, bất cứ diễn vở gì cũng không bỏ qua, đặc biệt là rất mê các đào hát. Mấy năm trước, ông ta say mấy cô, tặng bọn họ nhiều vật kỷ niệm bằng kim cương. Cô Meyer de la Grange là người sau cùng được vinh dự nhận tặng phẩm quý giá đó của ông ta...

Ta hãy trở lại câu chuyện trên kia. Như đã nói, khi đóng vai Walter, cô ta vẫn cài cái kim nạm kim cương ở ngực, đẹp tuyệt vời, lại diễn rất hay, khiến cậu học trò Christian mê mẩn, mắt cứ ướt đầm. Tình cảm mãnh liệt đó ở nội tâm thôi thúc cậu phải thể hiện ra bằng hành động. Thế là nhân lúc nghỉ giải lao, cậu ra cửa hàng bán hoa trước rạp hát, mua một bó trị giá một mark tám schilling rưỡi. Cậu bé mười bốn tuổi, mũi to, mắt sâu ấy, tay ôm bó hoa, ngang nhiên đi vào phía sau sân khấu. Không có ai ngăn lại, cậu cứ đi thẳng vào phòng hóa trang, suýt nữa đụng vào người cô Meyer de la Grange đang nói chuyện với ông tham Peter Döhlmann. Ông ta thấy Christian ôm bó hoa đi vào thì cười sặc sụa. Nhưng cậu công tử tí hon vẫn điềm nhiên cúi chào Walter Tell, đưa hoa tặng cô. Cậu ta lắc đầu, miệng ấp a ấp úng vì xúc động.

— Tiểu thư diễn hay quá!

— Ồ, Christian Buddenbrook khá đấy!

Ông Peter Döhlmann nói oang oang. Cô Meyer de la Grange giương đôi lông mày xinh đẹp lên, hỏi một câu: - Con ông tham Buddenbrook đấy à?

Nói xong, lấy tay vuốt ve khuôn mặt người bạn trẻ mới hâm mộ mình.

Đó là toàn bộ câu chuyện tối hôm ấy mà ông Peter Döhlmann đưa ra giễu cợt ở câu lạc bộ, thế là lan khắp thành phố nhanh như chớp. Chả bao lâu, đến tai thầy hiệu trưởng. Thầy hiệu trưởng nói cho ông tham Buddenbrook biết, coi là câu chuyện làm quà. Nghe xong, ông tham phản ứng thế nào? Hình như ông bị một vố đau điếng người, kinh ngạc hết sức, đến nỗi không giận con được nữa... Khi kể lại với bà tham, ông ngồi ngây trong phòng phong cảnh như người bị ai lấy mất hồn.

— Con chúng mình đấy! Không ngờ nó trở thành...

— Trời ơi! Anh Jean! Nếu kể cho ba nghe chuyện này thế nào ba cũng cười vỡ bụng! Thứ năm này, anh kể lại cho ba nghe, chắc ba thú lắm đấy!

Bà tham nói đến đó thì ông tham không nén được giận nữa.

— Nhất định rồi, Bethsy! Anh cũng biết là ba thú lắm! Ba thú vì tính ba nông nổi. Cái cách sống phóng túng của ba không những đã truyền cho cậu công tử Justus, mà còn truyền sang cả cho thằng cháu ngoại nữa!... Chết thật! Em dồn anh đến chỗ phải nói ra điều đó! Nó tìm hạng người như thế kia! Nó lấy tiền cho nó tiêu vặt tặng đào hát! Chính nó cũng không biết nó đang làm gì; nhưng cái thói hư tật xấu trời sinh ấy của nó đã bắt đầu lộ ra rồi! Đã bắt đầu lộ ra rồi!

Quả thật, đó là một chuyện đau khổ. Rồi hành vi cử chỉ của Tony cũng không được đứng đắn, như chúng tôi đã kể ở trên, lại làm cho ông tham càng lo lắng, chẳng yên tâm chút nào. Bây giờ lớn rồi, Tony không trêu ghẹo anh chàng thiểu não kia để anh ta nhảy lò cò một chân nữa, không đến giật chuông ở cổng nhà bà già bán búp bê vải nữa, nhưng cứ hay ngả đầu ra đằng sau, và ngày càng tỏ ra tinh nghịch ngoan cố. Đặc biệt là sau vụ hè ở nhà bà ngoại ở ngoại ô thành phố về, những tính xấu như ngạo mạn, phù phiếm lại càng bộc lộ rõ hơn.

Một hôm, Tony và chị Jungmann cùng đọc cuốn Mimili của Clauren, bỗng ông tham nhìn thấy. Ông nổi giận cầm quyển sách lật vài trang, không nói năng gì, cứ thế cho vào tủ khóa lại, từ đó quyển sách mất tang. Ít lâu sau, Tony một mình đi chơi với một anh học sinh trường trung học, bạn của anh cô, ra ngoại ô. Có người gặp. Người đó chính là bà Studt, thường hay lui tới các nhà giàu có sang trọng. Lúc bà ta đến nhà bà nghị Möllendorpf mua quần áo cũ, bà ta kể lại. Bà ta nói cô Tony bây giờ đã đến tuổi lấy chồng rồi nên... thế rồi bà nghị Möllendorpf đem ra nói đùa với ông tham. Ông tham ngăn cấm không cho đi chơi nữa. Nhưng ít lâu sau, lại phát hiện ra chuyện cây cổ thụ rỗng ruột ở cạnh cổng thành chưa bỏ đá vào lấp lại, đã biến thành hòm thư để anh chị bắn tin cho nhau. Chẳng những cô ta lấy ở đấy ra những bức thư tình của anh học sinh trung học kia, mà còn bỏ thư mình viết vào đấy nữa. Sau khi bị lộ, ai cũng thấy cần theo dõi thật chặt chẽ cô Tony mới mười lăm tuổi này. Phải cho nó vào trường nội trú của cô Weichbrodt ở số 7 đường Müllenbrink.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx