sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 16

Trong gian phòng đầy ánh sáng. Nhược ngồi thu mình nơi chiếc ghế ở góc phòng, bên đó u Tám ngồi ôm Dũng ngủ. Thạch ngồi nơi bàn lớn vẻ mặt mệt nhọc:

- Tao muốn giao căn nhà này lại cho mày trông nom. Nhược, mày có nghe tao nói không.

- Anh cứ nói đi, tôi có thể ngồi đây suốt đêm để nghe anh nói.

- Tao giao như vậy không có nghĩa là nó thuộc về mày, tất cả chúng mày không có tí quyền gì về gia tài này. Mày giữ nhà là để nuôi mẹ cho đến khi mẹ chết. Trông nom thằng Dũng cho đến khi nó lớn lên. Rồi sau đó tao sẽ liệu. Tao sẽ đi khỏi đây vì tao không thể nào chịu đựng được cái không khí khó chịu này.

- Sao vậy không ở lại – u Tám nói – Bà yếu lắm rồi, chả gì cậu cũng là con lớn. Cậu có bổn phận với bà một lẽ, cậu còn có bổn phận với các em. Kể cả cậu Tuấn, cậu Nhược rồi cô Nhẫn, bà mất rồi còn trông vào ai ngoài cậu?

- U là người ngoài, u không biết gì cả. Bổn phận là thế nào?

- Tôi là người ngoài nhưng tôi ở trong nhà này nhiều hơn cả tuổi cậu nữa. Cậu đừng tàn nhẫn như thế nếu cậu không muốn sống một mình.

- Tôi một mình cho sướng thân tôi. Tôi không cần bất cứ ai.

U Tám khóc, Nhược ôm đầu gốc vào ngực. Thạch ngả người vào thành ghế. Nhược nói êm đềm:

- U Tám, u đừng khóc. Tôi chịu ơn u như chịu ơn cha mẹ tôi. Tôi không ở lại đây đâu, mẹ mất rồi tôi sẽ kiếm một chỗ ở khác và u đến đó với tôi. Tôi chẳng có tham vọng chi ngoài sự mơ ước có một căn nhà nhỏ được dựng lên nhờ sức làm việc và sự cần kiệm, ở đó không có điều gì phải lo âu phiền não. U về ở đó trông nom các con nhỏ cho tôi, rau cháo sống đời đơn giản và đầm ấm. U hãy coi tôi như con nuôi của u, tôi là con mẹ nhưng u đã nuôi tôi sống. U đừng nói thêm gì, tôi có ý gì để giữ căn nhà này đâu? Tôi chịu đựng ở lại đây vì sự sống của mẹ tôi hơn là tôi... Và u là người nhà hơn cả anh Thạch.

- Mày muốn về hùa với thằng Tuấn phải không?

- Anh nhầm lắm. Tôi chẳng về hùa với ai cả. Tôi đứng riêng ra ngoài cuộc tranh chấp. Sau nữa các anh có thương gì tôi, các anh chỉ nhìn người khác với con mắt quyền lợi, thù oán, đối nghịch. Các anh đứng ở hai đầu mút sự tranh giành mù quáng vì lợi, và vì mình. Các anh sẽ chẳng ngần ngại gì loại trừ tôi, cả Nhẫn, cháu Dũng ra ngoài cũng như các anh chẳng ngần ngại cầm dao giết nhau thản nhiên. Nếu anh thấy anh có quyền về gia tài này thì anh nên ở lại giữ lấy. Bỡi lẽ với sức khỏe hiện nay mẹ cũng không sống thêm được bao lâu...

Bỗng nhiên có tiếng người chạy, cánh cửa mở tung, Tuấn chạy vào:

- U Tám, u Tám sang đây giúp tôi một tay. Nhẫn nó treo cổ...

Mọi người choàng dậy chạy ra. Tuấn dựng chiếc ghế lên ôm ngang người Nhẫn rồi cắt đứt sợi dây, chàng cởi thòng lọng rồi đặt Nhẫn xuống giường. U Tám sờ vào người và kêu khe khẽ tên Nhẫn. Còn nóng. Tuấn làm cử động tay cho Nhẫn và sau một lúc Nhẫn đã thở được một cách mệt nhọc, Thạch đứng tựa lưng nơi cửa:

- Cái điệu chết giả vờ này tao lạ gì.

- Giả vờ! Nó giả vờ để làm gì? Chính anh đã tìm cách để giết nó một cách không dao. Anh phải biết rằng chính anh là kẻ giết người!

- Ai bảo mày vậy?

- Tôi.

- Hay chính mày là người muốn giết tao trước tiên?

- Đúng rồi.

Vừa nói Tuấn vừa cầm lấy con dao và nhảy ra, Thạch lùi ra ngoài la lên.

- Nó giết tôi.

Tuân xô cửa đuổi, Nhược chạy theo và thuận chân ngáng cho Tuấn ngã xuống. Thạch chạy vào phòng mẹ. Nhược giằng lấy dao của Tuấn.

- Anh điên sao?

- Không, tao không điên chút nào hết, tao không thể chịu được nó hơn nữa. Nó tốt gì với mày mà mày còn cản tao. Để nguyên tao cho nó một nhát.

- Tại sao chúng ta còn làm cho mẹ đau lòng? Trong phòng bà mẹ, Thạch bật đèn sáng đứng khóc:

- Mẹ thấy chưa, thằng Tuấn nó muốn giết con. Tuấn và Nhược chạy vào:

- Mẹ biết không, chính nó làm Nhẫn treo cổ.

Bà mẹ vén màn nhìn ra:

- Nhẫn còn sống không? Bế nó vào đây cho mẹ. Cháu Dũng khóc ở phòng bên chạy ra đi tìm u Tám. Trong gian phòng, bà mẹ buồn bã nhìn mặt từng đứa con và cháu. Bà hỏi u Tám:

- U đã sống với tôi bao nhiêu năm rồi nhỉ?

- Hơn ba chục năm, thưa bà.

- Hơn ba chục năm, bao nhiêu thay đổi, chồng con, hoạn nạn, lửa đạn, đói khát và chết... Cũng may cho u là không có một người con nào để u còn ân hận là không có con. Một mối ân hận hạnh phúc.

- Dù vậy tôi vẫn muốn là một người mẹ, một người mẹ có các con. Tôi vẫn nghe nói: cha mẹ sinh con ai dễ sinh lòng. Bổn phận chỉ có thế...

Nhẫn tỉnh dậy bên người mẹ, nàng khóc nhỏ rồi dần dần lớn thêm, tiếng khóc nghẹn ngào u uất, bà mẹ vỗ tay lên đầu Nhẫn.

- Sao con dại dột thế, sao con lại phí thân con, mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi con cho được khôn lớn thế này lẽ nào con để cho mẹ phải chôn con nữa. Mẹ có bao giờ không thương con. Con tủi thân, mẹ biết. Nhưng mẹ khổ hơn con hay con khổ hơn mẹ, nếu như con thì mẹ chết từ bao giờ rồi, chết từ khi con còn là một hòn máu kia. – Sao mẹ không chết từ khi đó, mẹ còn sinh con ra làm gì để mẹ khổ, để con khổ vì hắt hủi, đày đọa. Chỉ có mình mẹ thương con, nhưng mẹ chết con biết ở với ai? Vậy con nên chết. Con chết để mẹ chết rồi không còn phải lo gì cho con. Con chết để mọi người được vừa lòng, vì chẳng lẽ họ phanh con ra làm từng mảnh để trả thù bố con, để làm vui lòng người đã chết, làm vui lòng mẹ, ấy các anh tưởng như thế. Con chết để các anh khỏi mang tiếng độc ác với mọi người... Mẹ thấy không, những người đang đứng đây, họ nhìn con ra sao? Con sống làm gì? Số phận chỉ có quyền lực và sự sống, con chống sao được. Con chết đền tội thay bố con, một người bố con không biết mặt, biết tên. Bố con như một bí ẩn, vô danh của sự tàn ác hung bạo. Mẹ, mẹ để con sống làm gì?... Các anh, các người muốn tôi chết lắm mà, sao các anh không giết ngay tôi đi cho xong. Ôi giả dối, hèn hạ và đê tiện biết chừng nào? Tôi phải, tôi phải chết...

Không khí ngất ngư những khoảng trống vô nghĩa, bay nhảy những sự thật bi đát, như bộ mặt một thế giới xa lạ một hôm bỗng lộ diện. Như ngọn núi êm đềm hiền lành một hôm rung chuyển, bốc lửa và phun khói. Cơn biển động che giấu bao năm dồn chứa, tích tụ lại cho đến lúc dựng lên lầm lì khốc liệt vẻ chống trả ngang ngược tàn nhẫn. Những người chết đã đứng dậy, những sự thật phơi trần vẻ nhầy nhụa bi đát, những ung nhọt bệnh hoạn hôi thối. Sự giả dối tan đi vẻ son phấn hào nhoáng. Bức màn đỏ tiền trường bị xé rách nát giữa đêm phơi vẻ mỏi mệt, tàn tạ, hỗn độn và u tối của hậu trường. Cháu Dũng nấc từng hồi ôm lấy u Tám. U Tám đau nhừ chân tay rời rã. Ba mươi năm, ngần ấy thời gian bỗng nhiên u thấy mau chóng, giấc mơ của một quá khứ che kín mang nhiều ảo tưởng như dựng ngược, tấm gương chan hòa ánh sáng thành cũ mốc rạn vỡ. U Tám chập chờn thấy sự mệt nhọc xâm chiếm, sự mệt nhọc tích tụ đứng kề một bên bây giờ như ôm chầm lấy u một cách đột ngột. U sẽ chết giữa cảnh tan hoang, u sẽ chết nhọc nhằn và trần truồng. Rồi cháu Dũng? U Tám không muốn nghĩ nữa. U ôm chặt Dũng vào lòng. Nhẫn ngồi dậy quay lưng ra phía bà mẹ. Nhược ngồi ôm thành ghế:

- Các anh về mang bao hạnh phúc cho mẹ. Tô chẳng thế nào nghĩ được.

Tuấn ở cửa tiến vào phía bàn.

- Tôi đã khổ ở đây, dù vậy tôi không oán ai. Tôi chỉ oán những người đã chết, những người đã để lại hậu quả này. Mẹ phải được hạnh phúc. Mọi điều, tất cả mọi điều tại nơi thằng Thạch.

- Tại sao?

- Chính mày, chính mày đã về đây với ý định tranh giành thù hận, ý muốn chia rẽ, tàn phá. Mày làm nhục tao, làm khổ mẹ, khổ Nhẫn, bất công với Nhược, tàn nhẫn với cháu Dũng và u Tám. Mày đã làm Nhẫn tự tử.

- Còn mày, con dao kia mày dùng để làm gì, mày dùng để cắt cổ bố mày phải không?

- Đó, trước mắt mẹ mày còn nói thế được. Còn gì mày cứ nói tiếp nữa đi. Tao không sợ bất cứ một điều gì. Nhất là những điều đó do mày nói ra. Người sống còn không dung được thì người chết coi mày ra sao nữa.

- Điên, mày đừng ngụy biện. Mày có dã tâm. Mày muốn hưởng cái gia tài này. Mày giả bộ nhân nghĩa, hòa hiếu để mua lòng mẹ, mua lòng chúng nó, nhưng mày không bịp được tao...

Tuấn tiến nhanh đến phía Nhược dằng lấy con dao cầm ngược trong tay. Nhược bất thần không kịp đề phòng định cướp lại bị Tuấn xô ngã. Thạch lùi lại sau bàn thủ thế. Nhẫn quay lại trợn mắt kêu thét lên:

- Các anh giết nhau ở đây sao?

Tuấn bình tĩnh tiến tới phía bàn và đâm mạnh mũi sao xuống. Con dao đứng im vẻ thách thức:

- Không, con dao đó để bảo cho nó biết rằng nó nên biết điều. Nó muốn ở lại đây nó phải nhường nhịn mọi người, ăn ở cho phải. Nếu không nó phải đi nếu lưỡi dao đó chờ nó. Bà mẹ mở lớn cả hai bàn tay để lên ngực. Chiếc võng lụa êm đềm đã đong đưa nhẹ nhàng hàng bao nhiêu năm nay bà vẫn nghĩ rằng nó còn đong đưa êm đềm cho đến lúc bà thiếp đi không tỉnh lại nữa. Nhưng sao chiếc võng bây giờ ai đã giữ lại, người sống hay người chết? Vẻ bí ẩn nào níu kéo nơi hay đầu võng nặng nề. Hay chiếc võng đó vẫn đứng mà ảo tưởng đong đưa của những ràng buộc vẽ vời hạnh phúc đã đưa đẩy? Những sợi của hy vọng, của tin tưởng nhằng nhịt mối liên quan tình ái, ruột thịt, bè bạn và tương lai bây giờ đang dừng lại trước con mắt soi mói của sự thực hiện tại. Nó chờ đợi một lưỡi dao kề vào đó và chiếc võng rơi xuống mang theo số phận.

Bà mẹ nhìn thấy mặt cha Thạch đứng im bất động, mái tóc đã hoa râm, vầng trán nhăn cúi xuống và đôi mắt mệt mề. Khuôn mặt cha Tuấn, vẫn nước da xanh, đôi mắt mở lớn tuyệt vọng và đôi tay khô khẳng buông xuôi như từ bỏ tất cả, trút sạch mọi vướng víu. Khuôn mặt cáu giận uất ức của đứa con lớn tay nắm chặt đưa lên ngang đầu, miệng mở lớn như sắp thét lên... Con nói đi, con nói như hồi con đã bỏ mẹ đó, em con nó ngồi kia, con nói cho nó nghe đi, mẹ còn muốn giữ làm gì khi nó là lỗi lầm của mẹ... Khuôn mặt đen đủi bóng nhẫy mồ hôi, đôi mắt đỏ hoe đang tiến lại, sát gần và áp vào mặt hơi thở hổn hển nóng nực của một lò than. Tại sao? Bây giờ bà đã nhìn những người ngồi, đứng xung quanh. Sự khác biệt của Nhẫn, dáng ngồi chịu đựng buồn rầu của Nhược. Vẻ hăm hở cuồng nhiệt của Thạch cùng dáng đứng thu thế tin cậy của Tuấn. U Tám lại bắt đầu khóc kia vẻ già nua của u, những hàng nước mắt khóc cho ai, và cháu Dũng non nớt, nương nhờ trong nỗi bàng hoàng của tiếng động, của bão và mưa giông, của những gì xa cách với tuổi thơ nương chiều chưa phân biệt tiếng khóc, tiếng cười giữa thế giới của kẹo bánh, trò chơi và giấc ngủ những bà tiên áo trắng bay đi bay lại.

Trong gian phòng giữ nguyên bàn ghế, vách tường, và những người sống, người chết quây quần nhòa nhập mù mờ, giữa những im vắng mệt mỏi của thực và giả, giữa đêm và ngày. Trong cảnh của sự vật, cửa địa ngục mở lớn gắn những thân thể, đồ vật vào từng góc tối, viên đá, cột cao nơi bày đặt một cuộc tra khảo tội ác, bàn chông máu ứa, cột lửa bốc cao rực hồng, chảo dầu sôi khói bay mù mịt, dây treo lủng lắng Trục ép nhầy nhụa... Ngó lên cao đi, ngó lên cao đi những con mắt trừng phạt đang ngó xuống: con mắt nào của bố, mẹ, của chồng con? con mắt nào của kẻ lạ? Con mắt nào của người chết? Con mắt nào của loài sói, hùm, gấu? Con mắt nào của giun dế côn trùng? Tiếng cười nào đang phả ra, tiếng khóc đang len lỏi cùng tiếng nói, tiếng hát của một cơn lốc xoáy thay đổi, xáo trộn, điên loạn. Rồi kia, rồi kia những khuôn mặt đen, đỏ, trắng, vàng. Những chiếc sừng mọc trên đầu những thân thể trần truồng của ác quỷ, dòng sông đen dưới kia đang chảy xiết cuốn theo những thân thể như gỗ đá: ai chết vì đói, vì yêu, vì thù, ai là lương thiện... những loài ma kia, những sự vật vô tri vô sượng dần, lổn nhổn, lập lờ, đang xuôi dòng kia mang tới đâu nghĩa cuối cùng hủy diệt? Cửa ngục giấy nào mà câu phương kích sẽ chọc thủng, xé toang nỗi bịt bùng để những mù tối nhập vào cành phan tre trong khu rừng sinh diệt? Những vô danh nào trở thành chó, lợn, gà, vịt... và những vô danh nào bay lượn mệt nhọc trong vùng chuyển động không ngừng những số phận vô định... Ai đó? Muốn hỏi tôi điều gì, sao nhiều mắt thế? Mắt ở chân, ở tay, ở đâu, ở gáy, ở lưng; sao chân tay làm gì nhiều thế? Chân nào để đi, chân nào để chạy, tay nào để ôm ấp, tay nào để cầm dao? Miệng chi nhiều thế, miệng nào nói lời tình ái vỗ về, miệng nào la thét, chửi rủa, miệng nào ăn, uống, miệng nào ngậm câm? Tại sao người nhiều tay chân miệng lưỡi mắt tai làm vậy? Tôi, với hai bàn chân, hai cánh tay... với sự hạn định này của thân thể tôi biết bỏ vào đâu? Tai tôi nên nghe gì? Mắt nên nhìn gì? Tất cả tôi có thể cho. Hãy khoét lấy mắt, cắt lấy miệng lưỡi, chặt lấy tay chân. Tất cả, không trừ cái gì ngoài trái tim. Chỉ xin cho tôi giữ lại nguyên trái tim đỏ, tôi chỉ biết yêu thương... Xin cho tôi giữ lại chút đó. Ân huệ mà một người, một người riêng tôi xin hưởng...

U Tám bỗng ngửng đầu lên nghe ngóng, u gạt nước mắt bế cháu Dũng đứng lên ra phía cửa sổ. U hốt hoảng kêu:

- Người ta làm gì ở ngoài đó, một đám đông người tụ họp ở ngoài cổng?

- Họ là ai?

- Trông không rõ...

- Họ định vào đây ư? Vào làm gì?

- Sao họ ồn ào thế?

- Con hãy tắt đèn. Tắt đèn và im lặng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx