Hạnh ngồi một mình.
Từ sáng đến giờ, ở phòng bên, không ngớt vang ra tiếng cười nói của những người đàn bà đang quây quần trên chiếu bạc.
Hạnh nhớ lại cái không khí huyên náo của Hội quán Văn khoa hồi sáng. Sau cuộc hội thảo các em học sinh trong đoàn văn nghệ đã tập dợt ráo riết, chỗ này hợp ca, chỗ kia song ca, hai ba cô nữ sinh rủ nhau ra gốc cây hát rù rì, năm bảy người khác dợt lại hoạt cảnh “Thảm kịch Sơn Mỹ” nơi nhà để xe. Đi đâu cũng nghe tiếng đàn măng-đô-lin, đàn ghi-ta, bếp lửa nhóm bên gốc cây khói bay mù mịt. Hạnh hát đến khan cổ. Cơm vừa xong đã nghe tiếng còi xe ngoài cổng. Chị Năm lái chiếc Simca đến đón. Hạnh nhớ ngay giờ hẹn với Hữu ở nhà, chị lên xe, ngã người vô nệm nhắm mắt, mặc cho người chị chạy vòng qua phố.
Buổi tổng dợt đã hoàn tất, biểu ngữ cũng đã xong, chỉ còn thiếu truyền đơn. Hạnh mệt, ngủ một giấc trưa, thức dậy thấy trong nhà có cái gì khác thường, chị mở cửa phòng học của mình thì đã thấy Hữu lui cui đánh máy lọc cọc dưới một ngọn đèn chụp vàng ệch.
Cơn mưa đến, rất nhanh, rất bất ngờ và rả rích mãi hàng giờ. Hạnh ngồi lắng nghe. Tiếng lóc cóc trong phòng đã im từ lâu, cả tiếng cười nói ở phòng bên cạnh cũng chẳng còn nghe thấy nữa, chỉ có tiếng giọt mưa rơi thánh thót trước hiên nhà.
Chị Năm bước vào với một ly chè bắp lớn.
- Nó còn ở đây chớ hả?
Hạnh gật đầu. Chị Năm đặt ly chè xuống bàn rồi ra khỏi phòng, đến chỗ mấy người đang đánh bạc. Hạnh đứng dậy bưng ly chè lên và đến mở cửa phòng học của mình. Hữu quay mặt lại nhìn, một vết mực nhỏ in trên trán. Những tờ truyền đơn vừa được in xong xếp một bên khung vải thô sơ.
- Ngưng chút đã - Hạnh nói - Chị Năm bồi dưỡng cho anh đây.
Hữu đưa hai bàn tay ra dưới ánh đèn, những ngón tay dính đầy mực in còn ướt nhẹp.
- Rửa tay đi!
Hạnh ngồi xuống bên cạnh, lấy một tờ truyền đơn, đầu hơi nghiêng lại phía ngọn đèn chụp. Hữu đặt ly chè xuống nền nhà, nặn mực in lên trục ru-lô rồi tiếp tục làm việc. Hạnh trả truyền đơn lại chỗ cũ, chị hỏi:
- Anh có thấy đói không?
- Không. Công việc cũng sắp xong rồi.
- Thôi, tôi ra gác.
Hữu hỏi:
- Trời mưa phải không?
- Mưa. Mưa suốt cả buổi chiều nay, bây giờ cũng chưa dứt hẳn.
Hạnh đã lại gần cánh cửa nhưng không mở. Hữu vẫn cắm cúi in nhưng anh biết Hạnh vẫn còn ở trong phòng.
Xế chiều, Hữu bước ra khỏi phòng. Nghe tiếng ồn ở phòng bên cạnh, anh hỏi:
- Ai làm gì bên đó?
Hạnh nói:
- Bạn bè của mấy ông anh mình. Thôi! Mấy ông bạn bè nhiều lắm, cả tỉnh trưởng Gia Định cũng là bạn của mấy ổng luôn, chiều nào cũng chở nhau trên xe jíp đi đánh quần vợt.
Ánh sáng bên ngoài hắt vô làm sáng một nửa khuôn mặt Hạnh, đôi mắt long lanh. Hữu đột ngột hỏi:
- Vết thương hôm trước đâu?
Hạnh nghiêng đầu, chỗ xây xát ở dưới mái tóc một chút. Hôm đó trời cũng mưa như hôm nay, Đoàn công tác xã hội của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn tổ chức đi Làng cô nhi Long Thành. Quá căn cứ Long Bình một chút có một khúc quanh rất ngặt. Hữu đã lao xe Hon-đa xuống đấy, Hạnh ngồi phía sau xe. Mình mẩy đầy bùn. Nhưng Hạnh tỉnh bơ, buổi chiều vẫn lao động, tối vẫn ca hát, đóng kịch.
- Nghe nói ngoài Trung mưa dai lắm hả anh?
- Mưa dai. Mưa lũ. Nhưng không mưa về mùa Hè mà mưa về mùa Đông. Những cơn mưa nối tiếp nhau suốt ngày đêm, suốt tháng, nước dâng lên ngập đầu, ngập cả bờ tre, tràn lên đường đi. Ngủ một đêm, sáng ra thấy chung quanh là nước, nước mênh mông, người ta chèo thuyền đi trên đường, bủa lưới cá trong sân nhà. Thuở nhỏ mình rất thích lụt nhất là thích nhìn lá cây, cành khô và bèo trôi đầy mặt nước, mực nước giếng cũng dâng cao gần miệng có thể lấy gáo múc được.
Hạnh đang chăm chú nghe, chợt hỏi:
- Gáo à?
Hữu bật cười:
- Gáo. Không biết sao? Nó làm bằng cái vỏ dừa khô cưa ngang khoét hai lỗ gần miệng, tra thêm cái cán.
Nói xong anh bước ra cửa nhưng vừa đến cổng thì anh sực nhớ trong túi mình chẳng còn đồng bạc nào mà từ đây về đến nhà phải đi hai chặng xe buýt, qua một đoạn đường dài hơn năm cây số. Chỉ cần xin Hạnh năm chục bạc là đủ tiền xe. Hữu quyết định quay lại và gặp Hạnh vừa ra cửa với chiếc áo “măng-tô” màu trắng trên tay.
- Tôi tính chạy theo đưa cho anh.
Chị trao cái áo mưa của mình cho Hữu và nói nhỏ vừa đủ cho bạn nghe:
- Trời muốn mưa trở lại. Coi chừng bịnh.
Câu nói ấy làm Hữu cảm động, anh không còn lòng dạ nào mở miệng xin Hạnh năm chục bạc. Anh quay ra đường, lòng tự nhủ:
- Thôi, hãy ráng mà đi bộ về nhà.
@by txiuqw4