Cuộc hành quân đã khởi diễn được hai ngày mà chưa gặp một trận đụng độ nào đáng kể. Ngày thứ ba toán quân được lệnh lục soát một làng nhỏ hẻo lánh, hẻo lánh đến nỗi người ta khó có thể tưởng tượng ở một nơi như vậy lại có thể có người ở. Hơn một chục nóc nhà lợp lá dừa, vách cũng lợp lá lụp xụp nhưng nhà nào cũng có hầm trú ẩn kiên cố đắp bằng bùn đen dày cả thước tây.
Đồng ruộng chung quanh hầu như bỏ hoang và lỗ chỗ những vết bom do B52 thả. Phần lớn cây cối bị bom na-pan đốt cháy trơ trụi như những cây cột trồng so le vô ích trong một nền đất xám ngoét, lổng chổng những rác rưới xen lẫn với cỏ mới mọc.
Khi toán quân của trung sĩ Nghi vừa tới đầu làng thì được tin làng này bị bịnh dịch hạch và binh sĩ được lệnh cấm uống nước giếng trừ phi nấu chín.
Cánh quân của thiếu uý Văn cũng đang đóng trong một ngôi đình cũ bỏ hoang sau một buổi sáng lùng sục ráo riết khắp làng. Bọn lính của Văn treo võng ngoài chái đình nằm nghỉ trưa. Máy truyền tin, súng ống đạn dược để rải rác quanh các cây cột đầy vết đạn, rêu phong và mạng nhện.
Một người đàn bà quảy gánh nước đi ngang qua trước đình, bà có vẻ không chú ý gì đến sự có mặt của toán lính, cứ xăm xăm mà đi lên một cái dốc khuất giữa bóng cây.
Phía sau đình có tiếng kèn ai oán vang lên giữa buổi trưa hè. Tiếng kèn cao mà thống thiết, mỗi lúc nghe mỗi gần. Một người nông dân rắn chắc vác một chiếc chiếu gói xác trên vai. Hai đầu chiếu bẻ gập lại cột bằng sợi mây. Người chết có vẻ là một người đàn bà hoặc một người đàn ông nhỏ con. Ba bốn người đi theo sau mồ hôi nhễ nhại. Họ không có vẻ ảo não nhưng khắc khổ, chịu đựng. Người đàn bà mặc áo tang quên buộc dây rút nên tà áo bay phất phơ để ló chiếc áo cụt đen mốc thếch phía trong. Bà ẵm một đứa con nít ở truồng nhưng vẫn chít khăn tang trên đầu. Người thổi kèn già nua, đôi mắt lem nhem gần như không thấy đường. Ông ta bước đi nghiêng ngả theo người vác xác chết, hai má phồng lên sụp xuống liên hồi. Bọn con nít đứng hai bên đường nhìn đám tang đi bằng những con mắt bình thản mệt mỏi. Đám ma đi xăm xăm, yên lặng nặng nề giữa trưa nắng gắt.
Chỉ một lúc sau lại có một người đàn ông vác một chiếc chiếu gói xác chết cũng đi về hướng đám ma lúc nãy nhưng lần này thì ông đi có một mình với một đứa nhỏ, không có người thổi kèn.
Một già, một trẻ.
Không ai khóc.
Bọn lính đứng xúm xít quanh các gốc cây khô phía trong hàng rào ngó ra. Trung sĩ Nghi có dáng mệt mỏi gắng gượng, trong khi thiếu uý Văn lộ vẻ sợ hãi. Anh ta nói:
- Có khi người ta phải đốt cháy cả một thành phố để ngăn bệnh dịch hạch lan tràn đến nơi khác, chúng ta phải rời khỏi nơi này sớm.
- Tôi cũng nghĩ như thế. Nghi nói:
Viên cố vấn Mỹ cũng vừa kéo toán quân của hắn trở về, hắn bị thương nơi cánh tay trái, mặt hầm hầm. Hai tên lính Mỹ đi sau hắn khiêng một cái băng ca. Người chết được phủ một tấm poncho bằng vải dù.
Thiếu uý Văn hỏi cố vấn Mỹ:
- Sao vậy thiếu uý?
Cố vấn Mỹ nói:
- Mới bị ngay tức thì. Thằng trung sĩ của tao bị sa hầm chông. Chông tre dài quá đâm nó lòi ruột.
Thiếu uý Văn chỉ tay về phía hai người nông dân bị trói tay bịt mắt vừa bị bọn lính dẫn tới:
- Tụi này bẫy à?
- Tao cho lục xét khu vực chung quanh bắt được hai thằng vi-xi này.
Trung sĩ Nghi giải thích với tên cố vấn Mỹ bằng một thứ tiếng Anh vấp váp:
- Không có chứng cớ rõ rệt, thiếu uý bắt chúng nó làm gì?
Thằng Mỹ phun toẹt bãi nước miếng xuống đất:
- Đợi có chứng cớ rồi ai đền cánh tay của tao đây? Và thằng trung sĩ này nữa?
Nghi biện bạch một cách gắng gượng:
- Dù sao anh cũng phải hỏi ý kiến thẩm quyền tôi.
- God damns! - Thẩm quyền anh! Thẩm quyền anh là cái khỉ khô gì?
Hắn quay sang thiếu uý Văn, hỏi:
- Sao, ông Văn, ông thấy thế nào?
Văn ấp úng:
- Tôi không có ý kiến. Tôi không có quyền về vụ này.
Nói xong câu đó Văn yên lặng bỏ ra phía bóng cây trong khi tên Mỹ dẫn hai người nông dân ra sân và đi về phía đám ma lúc nãy.
Hắn ra lệnh cho hai người nông dân ngừng lại ở một cánh đồng hoang, cách chỗ đóng quân lúc nãy chừng bốn năm trăm mét. Hắn mở khăn bịt mắt cho hai người Việt Nam ra nhưng vẫn giữ dây trói quặp hai tay ra sau lưng. Mặt hai người đàn ông tái mét. Tên Mỹ đẩy hai người đàn ông quỳ xuống, rút khẩu ru-lô ra cầm lăm lăm nơi tay. Hắn cười gằn, hỏi một người:
- Mày có gan gài bẫy tụi tao. Vậy mày có gan ngậm đầu súng này không?
Người nông dân không hiểu hắn nói gì, toàn thân ông run rẩy, đôi mắt kinh hoàng. Ông cúi gập người lắc đầu lia lịa, miệng nói lắp bắp:
- Nô vi-xi, nô vi-xi.
Nhưng tên Mỹ chỉ cười. Hắn nói những câu mà chỉ có mình hắn hiểu:
- Ngậm đi! Ngậm nòng súng này đi rồi tao tha.
Hắn đưa nòng súng vào giữa miệng người nông dân:
- Ngậm sâu vô nữa. Ngậm chặt lại rồi tao tha.
Đầu người đàn ông lắc lư, hai hàm răng va vào nòng súng lộp cộp, hai môi tái mét, sợ hãi, cuống quýt, hai đầu gối cũng run lên trên cát sạn. Tên Mỹ mặt đỏ gay giữa trưa nắng. Hắn nghểnh đầu súng lên, hất cái mặt người nông dân ngước ra sau, và hắn cúi xuống cái mặt hốt hoảng ấy nói như một người điên:
- Ngó đi! Ngó kỹ tao đi rồi kiếp sau tìm mà báo thù.
Hắn bấm cò. Người đàn ông ngã ngửa ra phía sau. Xương sọ vỡ vụn, óc bắn ra trên nền đất. Người còn lại kinh hãi chạy băng qua đám ruộng trống trơn chói chang ánh nắng gay gắt.
Tên Mỹ chụp khẩu M.16. Hắn bắn từng viên một. Mỗi lần tiếng nổ phát ra người nông dân lại nằm sụp xuống đất rồi lại vùng dậy chạy loạng choạng vì hai tay bị trói quặp ra sau. Đạn xoáy tung đất cát quanh chân nạn nhân. Ngoài ra, chung quanh không có một bụi cây một tảng đá, chỉ có đồng ruộng hoang tàn trơ gốc rạ.
Bây giờ tên Mỹ chỉ còn cách người nông dân không đầy mười thước. Hắn cảm thấy cái trò chơi mèo vờn chuột của hắn đã bắt đầu hết thú, nên hắn dừng lại mở khoá liên thanh. Ngay lúc ấy hắn nghe thấy một loạt súng M.16 nổ giòn sau lưng và tiếng Trung sĩ Nghi quát lên:
- Dừng tay lại không tôi bắn!
Nhưng tên Mỹ đã xoay người rất nhanh, và bắn xối xả vào người hạ sĩ quan quân đội Sài Gòn đáng thương ấy.
@by txiuqw4