Hữu ngã ngửa người ra lưng ghế, dang thẳng hai tay, cười khoái trá. Anh vừa khám phá ra một cách in con dấu nổi hoàn toàn mới.
- Một phương pháp cách mạng!
Hữu kêu lên, gật gù tự tán thưởng “phát minh” mới của mình. Xưa nay, muốn in con dấu nổi người ta vẫn thường khắc lên đồng, một bản lồi, một bản lõm rồi ép tờ giấy vô giữa. Đến thời anh Bảy Trung thì đồng bị loại, anh dùng gỗ rồi dùng cao su và chỉ với một bản lõm duy nhất anh vẫn in được con dấu nổi, nhưng với kỹ thuật in khá phức tạp. Hữu vẫn thường băn khoăn về lối in này. Lối in không khó nhưng phải cần dùng nhiều thứ: một cái ê-tô, hai miếng sắt, hai miếng cao-su và một ít bột phấn, như thế kềnh càng, cất giấu bất tiện, lấy ra lấy vô khó khăn, nặng nề. Những lúc rảnh rỗi Hữu thường suy nghĩ cách để cải tiến kỹ thuật in này. Và bỗng nhiên một ý nghĩ táo bạo vụt qua trí anh. Hữu bật dậy khỏi võng, chạy lại bàn viết. Anh lôi miếng cao su lát nhà ra. Con dấu khắc lõm trên đó. Hữu đặt tờ giấy lên con dấu và dùng đầu bút nguyên tử đã hết mực vẽ theo các dấu lõm. Lạ thay! Con dấu hiện lên sắc sảo dị thường!
Trời ơi! Một động tác đơn giản như vậy! Một cây bút nguyên tử hết mực đã thay thế cho cả một hệ thống rắc rối nào là ê-tô, miếng sắt dẹp, cao su, bột phấn và rất nhiều sức lực dùng để siết ê-tô cho ép sát lại. Việc giản dị như thế mà không ai nghĩ ra!
Đầu năm 1975 chiến trận nổ ra ác liệt nhiều nơi, nhất là thành phố Huế, Tây Ninh, Tây Nguyên và Phước Long. Tại các thành thị, cảnh sát ráo riết bắt lính. Các đại học được lệnh siết chặt các kỳ thi, loại sinh viên ra mặt trận.
Giấy hoãn dịch trở nên vô cùng cần thiết.
Hữu và anh Bảy Trung làm việc quên cả ngày đêm mới đủ cung cấp giấy tờ cho nhu cầu ngày càng tăng. Chính vì thế mà phát minh vừa rồi về cách in con dấu nổi của Hữu đã giúp anh có thể rút ngắn được thời gian làm việc và tăng năng suất rất cao, đồng thời việc bảo mật cũng được bảo đảm hơn nhiều.
Tiếng chân Bảy Trung bước lên gác. Hữu thấy ngay nụ cười rạng rỡ của người đồng chí ba mươi bốn tuổi ấy. Anh nói trong tai Hữu:
- Ta giải phóng thị xã Phước Bình rồi! Ta chiếm luôn núi Bà Đen.
Hữu reo lên:
- Trời ơi! Đã quá. Vậy là Tây Ninh cũng sắp ở trong tay mình rồi! Nhưng mà hồi nào? Lấy Phước Bình hồi nào?
- Hôm qua, 6 tháng 1. Đồng chí giao liên mới báo tin cho tôi hồi mười giờ sáng nay cùng với một chỉ thị mới.
Hữu xoay hẳn người lại:
- Sao?
- Mình lo rời khỏi nơi này.
- Bị động rồi à?
- Không. Có động gì đâu.
- Sao lại đi?
- Anh không nhớ tháng 5 năm 1968 à? Hồi ấy mình cũng nhận được chỉ thị tương tự như thế.
- Tôi hiểu rồi - Hữu cười - Anh làm tôi mừng quá. Nhưng ta đi đâu?
- Ngã tư Bảy Hiền.
@by txiuqw4