Những ngày gần cuối tháng ba người dân Ngã tư Bảy Hiền xôn xao vì một hiện tượng đặc biệt tại đó: Các sản phẩm ngành dệt sản xuất tại khu vực này không thể gởi phân phối đi các tỉnh như thường lệ được. Hàng ứ đọng thành núi trong những nhà kho, những xưởng dệt và trong cả từng nhà. Hiện tượng này có nghĩa là không phải chỉ có Buôn Mê Thuộc, Pleiku, Kon-Tum “đã lọt vào tay cộng sản” mà còn nhiều tỉnh khác nhiều thành phố khác ở miền Trung, ở cao nguyên ở miền đông, miền tây nam bộ cũng có thể đang bị bao vây cô lập hay đã được giải phóng cũng không chừng. Tin tức chiến sự loan đi từng giờ nhưng những thứ ấy phản ảnh được chừng nào sự thật?
Từ hôm 20 tháng 3 năm 1975, sau khi mất thêm Phú Bổn, Quảng Trị, An Lộc xe tuần cảnh của quân đội và cảnh sát SàiGòn bắt đầu đi tuần trong các khu lao động ở ngã tư Bảy Hiển, rà qua rà lại dập diều trên các đường Nguyễn Bá Tòng, Hồ Tấn Đức, Tái Thiết, Quảng Hiền… Bọn quân cảnh, cảnh sát dã chiến đeo kính đen, súng lăm lăm trên tay, mặt lạnh như tiền. Trẻ em đứng ngơ ngác trên các ngã tư bên các vòi nước công cộng nhìn chúng đi qua, im lặng, đờ đẫn, và nghi hoặc.
Tại một ngôi nhà cơ sở gần chùa X, Hạnh dự cuộc trao đổi ngắn với hai đồng chí khác.
Một đồng chí báo cáo tình hình:
- Trong mấy ngày qua, ngoài việc tăng cường lực lượng an ninh, cảnh sát và quân cảnh lùng sục trong khu vực này, chúng còn âm mưu lập ra một tổ chức gọi là “nghiệp đoàn công nhân” để hòng kiểm soát lực lượng công nhân dệt ở đây và trấn áp những thành phần nòng cốt của ta. Về phía ta, hiện có các tổ chức quần chúng cách mạng như Nhóm thanh niên Hướng Dương, Đoàn công tác xã hội Gia Định, Nhóm Vừng Hồng.
Hạnh nói:
- Về tình hình chung thì tin mới nhứt mà chúng tôi nhận được là Huế và Hội An đã được giải phóng và hiện quân ta đang tiến về thành phố Đà Nẵng… Địch tháo chạy về phía nam càng lúc càng hỗn loạn. Mặc dù có tin đồn là chúng sẽ giữ vững từ Vịnh Cam Ranh trở vào nhưng chắc chắn mũi dùi sẽ thọc sâu vào mãi. Hơn lúc nào hết đây là thời cơ lớn nhứt của chúng ta và cũng chính là lúc mà chúng ta cần cảnh giác nhiều nhất.
Một đồng chí khác nói thêm:
- Riêng về chùa X, đó cũng là một điểm rất thuận lợi. Nói chung các vị sư ở đây rất tốt nhất là sư Y., chúng ta có thể kỳ vọng nhiều ở ngôi chùa này và đây có thể là một điểm xuất phát trọng yếu cho lực lượng quần chúng khởi nghĩa. Tôi đề nghị ta sẽ có nghiên cứu kỹ về điểm này tuỳ theo tình hình chuyển biến trong những ngày sắp tới…
Đồng chí ấy đang nói nửa chừng thì có tiếng còi hụ. Chiếc jíp lùn chạy băng băng giữa phố xá đông đúc.
Hạnh cười:
- Không biết chúng nó nghĩ gì lúc này.
- Nhiều thằng còn tin là “Việt cộng” không thể vượt quá Nha Trang, chúng lý luận rằng đã có một sự thoả thuận ngầm giữa Mỹ và Việt cộng cắt đất từ Nha Trang trở vào, chính vì thế mà người di tản từ Pleiku Kontum… đều đổ xô về Nha Trang, Cam Ranh.
Người bạn nói xong mở tủ lấy chiếc ra-dô. Chợt anh quay sang Hạnh.
- Này chị Năm, mình ở đây nhưng chưa có tờ khai gia đình. Riêng tôi cũng chưa nhận được thẻ nhân dân tự vệ. Tí nữa là tôi quên nhắc chị rồi.
- Anh khỏi lo, tôi nhớ chuyện đó mà. Tôi sắp đi lấy về đây.
*
Một thiếu nữ lạ mặt chờ chị trong một quán kem nhỏ với ám hiệu là một cái hoa cúc hippy trắng đính trên ống quần loe màu xanh rêu. Hạnh chào thiếu nữ, và ngồi xuống. Thiếu nữ nói nhỏ với Hạnh:
- Anh Năm gởi cho chị.
Và cô gái chuyển cho Hạnh một tờ tạp chí điện ảnh bìa in hình một diễn viên nam trẻ đẹp của màn bạc Đài Loan. Hạnh tiếp lấy nhét vô xách tay và hỏi cô gái nhỏ:
- Em ăn kem dâu nhé?
- Dạ.
Quán không đông khách lắm nhưng rải rác cũng có từng cặp, từng tốp ba bốn người ngồi xầm xì nói chuyện. Ai cũng bàn tán chuyện chiến tranh, chuyện những thành phố được giải phóng và chuyện chạy ra nước ngoài.
Người bồi đem kem dâu đến.
Câu nói của ông khách ngồi bàn bên cạnh:
- Đêm qua đài BBC loan tin Đà Nẵng đã di tản, Việt cộng đang tiến về Qui Nhơn và hiện người ta không biết số phận thành phố đó như thế nào.
@by txiuqw4