sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

3 — Giữa Trong Xanh

NƯỚC Nam: bão bể để lộ từng vạt lớn ốc hút hình cánh quạt. Sóng dội nhẹ, lùi ra với tiếng ốc va vào nhau lổn ngổn. Trong một thoáng, hai đảo nối liền nhau bằng một kè dài, cát phủ màu tro nước dâm dấp vừa ướt bàn chân.

Anh chủ nhiệm, cũng là bí thư chi bộ mới được bầu, gặp một em bé cầm một chiếc lao dài. Đi quãng nữa, anh trông thấy một người đàn ông đứng tuổi, anh ta, hai tay chắp sau lưng, lững thững như đi chơi:

— Ông đi săn khỉ đấy dư? Bảo con gái chịu khó dậy sớm cào ngán, chớ săn khỉ. Tôi bảo rồi đấy nhé.

— Có đi săn khỉ đâu ạ? — Người đàn ông nói lúng túng.

Từ ngoài khơi, thuyền vào bờ vùn vụt. Những chiếc buồm nâu to nắng lấp lóa căng phồng từng thớ sụn xếp trong giây lát, đáy thuyền rin rít ra vào bãi. Bến vừa vắng vẻ đấy chốc đã chằng chịt tua tủa đầy dây buồm, cột buồm. “Ngày hàn lộ, thuyền hợp tác Thái Bình vào đợi gió đây”. Anh chủ nhiệm lẩm bẩm. Thuyền vừa neo, người đánh cá đã nhảy xuống nước, quần nâu áo nâu mặc vội, nón chóp quang dầu rái thể nón lính thú ngày xưa, lũ lượt lên lối rừng phi lao vào đảo.

— Anh em đi đâu đấy? — anh chủ nhiệm hỏi — Con gái làng tôi đang đào sá sùng cả kia thôi?

— Chả dám động đến con gái làng ông. Háo lắm, chỉ xin ông ít bí ít mướp thôi.

— Còn đấy, vào bảo trưởng cửa hàng cô ấy đưa đi. Không được say sưa, bày chuyện ăn uống đặc sản là được.

Kè cát mới lộ ra với nước triều xuống phút chốc đầy người, tuyền phụ nữ. Họ đều mặc áo cánh trắng, tay trái xách một chiếc giỏ song, tay phải một cái mai nhỏ, xăm xăm nhìn xuống cát. Chợt họ đặt giỏ xuống cát, phóng mạnh mai, cùng lúc nhảy tới một cái nhẹ, một chân kiên quyết đạp ấn sống mai. Hất cát ướt lên họ nhặt từ trong tổ cát một con cá sùng dài màu hồng. Bỏ con cá sùng vào trong giỏ họ lại đi. Khoan thai hơn là những chị em bắt bồ cẩu. Con bồ cẩu thân tròn như thân nhện, cũng màu hồng. Người bắt bồ cẩu lúi húi như trẻ con đi nhặt vỏ sò.

Anh chủ nhiệm nhận ra một người từ xa. Chắc chắn là mình không nhầm, anh thở ra khe khẽ, lại bước tiếp. Sau lưng anh, đàn trẻ về học đi hàng ngang, nói cười bi bô, một đứa thổi sáo vi vút.

Cô y sĩ kêu lên khi mở cửa, nhìn thấy trước mặt mình, ngay trong trạm xá của mình, là anh chủ nhiệm đồng thời là bí thư. Hai hàng răng sáng lấp lánh cắn ngậm lại ngay một tiếng buột kêu kinh ngạc như thể cô đang cắn ngậm một bông hoa.

Từ lúc anh ở ủy ban huyện về nhận lại chức chủ nhiệm, giờ cô mới được gặp anh, và việc ấy làm cho cô mừng rỡ hết sức. Nói chung, mấy năm nay, cô mới gặp anh. Bắt đầu chống Mỹ, cứu nước, vùng đảo tình hình ác liệt ngay, và anh thì được điều lên trên ấy. Ngày ấy, cô còn là một đứa trẻ, bây giờ cô là y sĩ. Bố đi thuyền thơ nép hết bóng núi nọ lại bóng núi kia tranh máy bay giặc, phát thơ nhận thơ cho bà con sơ tán. Ba ngày một, bố đi, về bưu điện Cái Rồng, ghé cổng nhà trọ gọi con gái, cho mấy con cá khô, có khi chỉ là một rá ốc hút. Cô đủ chí học hết bảy, lại ra cả Đầm Hà học cả lớp y sĩ. Nhờ bố đã đành, còn nhờ những người khuyến khích như anh. Ngày ấy, chủ nhiệm một hôm gọi hết con trai con gái mười bảy mười tám đến bảo: “Trong rừng kia còn vết tích quân Nguyên ngày xưa hết lương nướng người ăn đấy. Năm 1954, thằng Mỹ đã lăm le xâm lược, nó đổ bộ lên cái kè đảo ta ngoài kia chứ đâu. Xã ta là xã đảo, sông biển bốn bề, nhiều cái khó khăn lắm. Đi lại không thuận tiện, cán bộ ít, nhưng một vùng đất cổ thế, nhiều lịch sử thế, phải đuổi kịp đất liền chứ. Giờ hợp tác, bọn tớ lo, văn hóa xã hội phần các cậu nhé. Cậu nào đi đánh Mỹ cứ đi. Còn các cậu ở nhà, tớ phân công: mấy cậu học dựng cho cái trường cấp hai, mấy cậu học kế toán, mấy cậu học máy nổ. Cứ học sẵn, làm gì sau hẵng hay. Còn cô, cô đi y sĩ. Thanh niên chân dài vai rộng, ở nhà đi cào ngao đợi bố mẹ gả bán lấy vài ba nghìn động, làm mười lăm mười bảy rồi, ăn uống hết một ngày cưới, sống thế phí đi. Nhà nào không lo được cho con học, bảo hợp tác chúng tớ lo cho”.

Hợp tác lúc ấy chỉ mới hai mươi bốn hộ, vừa đánh Mỹ vừa xây, mới gọi là hơi vững, trên điều anh đi. Xã xin mãi, anh mới lại được về. Hai trăm mười lăm xã viên bầu ba cấp, anh lại trúng chủ nhiệm, trúng luôn bí thư, Cô y sĩ loáng thoáng nhìn thấy anh trong vài cuộc họp, chẳng có dịp gì để hỏi chuyện anh cả. Hôm nay, đấy. Tưởng anh có lịch, nay theo lịch đến làm việc ở trạm xá, cô y sĩ thoạt đầu rất lúng túng giữa tình thân riêng sẵn có và phép tắc công tác đối với cấp trên.

Anh chủ nhiệm nét mặt không vui, Anh không vào nhà, chỉ liếc nhìn cái áo nâu có mấy chỗ vá của cô y sĩ, đứng hỏi trong ánh nắng xiên và ngay câu đầu tiên:

— Ông chủ tịch mặt trận xã hấp hối, trạm xá có biết không? Giọng anh xẵng, cụt ngủn, rõ rệt không bằng lòng.

“A” cô y sĩ kêu lên. Khuôn mặt rất đẹp vừa hớn hở của cô chợt tái đi rồi trở lại hồng. Cô thở hắt ra một cái trấn tĩnh lại được nhanh chóng, và sự chủ động ấy đặt hai chấm tối giận dữ lên hai mắt xanh sắc của cô.

— Ông ấy nằm xuống, nhà ông ấy không tin thuốc tây, cho người gác cổng ngăn em, anh có đấy đâu mà biết? Em tìm anh hết thôn dưới lại thôn trên! Nhưng mà ông ấy chết thế nào được! Không, ông ấy không chết đâu!

— Cô bảo thế nào? — đến lượt anh chủ nhiệm kinh ngạc chăm chú nhìn kỹ cô y sĩ, Ông ấy sáu, bảy ngày không ăn, hơi thở khò khè, mắt đã dại, bà con đến viếng vòng trong vòng ngoài, vợ con ra vào mếu máo. Người bàn lên bệnh viện huyện, người bàn để nhà, tính cả chuyện đi Ba-Mùn lấy cây xẻ gỗ cho kịp. Tôi cho một thuyền đi huyện ngay bây giờ. Trời này dễ đến tối mới bốc gió đông, vát sáng mai mới tới. Cô bảo sao?

Cô y sĩ vẫn không hết giận dữ, dằn giọng nói khăng khăng:

— Ông ta không chết được đâu! Gia đình bảo ông ta bị cảm nặng. Em cho có lẽ bị phổi đấy thôi. Cảm nặng là thế nào? Em đưa ống nghe tới, bảo kỵ chất kim không cho khám. Em đưa thuốc tới, bảo bệnh năm tuổi, kiêng thuốc tây, chỉ mài vỏ bào ngư, rồi mật gấu đổ, tin có bào ngư, có mật gấu thì không cần thuốc thang gì nữa, không cần ăn. Người bệnh yếu đi vì thế. Bào ngư, mật gấu không ăn thua, đến lúc ấy mới cuồng lên. Nhưng em đã trông thấy ông ta ho rồi. Đúng là viêm phổi, có thể nặng nhưng cũng chỉ là viên phổi, không phải lo quá đâu.

— Cô chắc chắn như thế? — anh chủ nhiệm hỏi vặn.

— Chắc — cô y sĩ trả lời, giọng vẫn còn giận dỗi.

Nhưng anh chủ nhiệm thì đã dịu hẳn, các nét lo âu trên mặt đều giãn ra, anh có vẻ suy nghĩ, xúc động nữa là đằng khác.

— Bây giờ thế này — anh nói chậm rãi. Tôi đến tìm cô cũng vì mục đích này thôi. Chi ủy chủ trương đưa ra ông chủ tịch mặt trận lên bệnh viện huyện. Ông ta là một cán bộ tốt, lại là cán bộ dân tộc, đối với ông, cần có chính sách, và chu đáo. Ông ta sẽ không hề gì đâu, tôi tin cô. Nhưng dân dịp này, chi ủy muốn ông ta được nghỉ ngơi bồi dưỡng ít lâu. Mấy năm qua ông ta cũng vất cả. Vả, bây giờ, ở nhà ông ta rối tinh. Ai lại người bệnh nằm đó mà người thăm cứ nườm nượp, kể lể, than vãn, khóc lóc râm ran. Sức yếu dần, thấy xung quanh thế, không biết thực ra mình ốm thế nào, gan như tôi, hiểu biết như tôi, cũng có thể hốt.

Chợt anh nhìn thằng vào mắt cô, hỏi:

— Cô không có áo trắng mặt ngoài ư?

Một thoáng hồng xấu hổ rợn qua má cô y sĩ. Mình để anh ấy gõ cửa đến mấy lượt, thế nào mà anh ấy chẳng đoán ra mình đang ngồi khâu chiếc ái cánh nâu này.

— Có — cô đáp khẽ.

Anh thở ra một tiếng nhẹ:

— Cô mặc áo trắng y sĩ vào đi với tôi. Hay đi đến cổng nhà người bệnh rồi hẵng mặc, tùy. Trước mắt mọi người, tôi muốn ai cũng nhìn thấy cô là y sĩ, là đồng chí y sĩ của xã. Tôi giao công tác cho đồng chí đó và đồng chí đó có đủ tin thần, có đủ chuyên môn, mạnh dạn đảm đương. Cô hiểu tôi không? Cô thu xếp để đưa ông chủ tịch mặt trận lên huyện. Tôi sẽ có giấy nói rõ, kẻo trên ấy người ta lại chê cô là y sĩ mà không chữa được một ca viêm phổi. Đáng lẽ tôi phải đi, nhưng cô đi lợi cho người bệnh hơn chứ. Vả, cô giúp tôi, hợp tác đang lúc bận quá.

Một lúc sau, hai người đi lại bãi sá sùng để về nhà ông chủ tịch mặt trận xã. Anh chủ nhiệm bước rất rảo, cô y sĩ xách một chiến làn có đủ đồ dùng cho người bệnh, lúp xúp chạy theo anh. Họ vừa đi vừa nói với nhau như thế.

— Hôm nay, trời này dễ có cá mòi. Cô để tôi lại nhà, tôi có thể đi vớt cho hợp tác một tấn.

Chợ nhớ người mình nhận ra ban sáng khi qua bãi này, anh hỏi tiếp:

— Cô đã dặn cô y tá về việc cô xuống huyện chứ? Đang giờ làm việc, sao cô ta đi đào sá sùng?

— Y tá mà không đồng thời là xã viên dư? Hợp tác trả bọn tôi có mười lăm công, bận bịu rối rít đêm hôm lúc nào không biết, gặp lúc không ai đau ốm đẻ đái gì, y sĩ, y tá cứ ăn trắng mặc trơn ngồi bàn giấy mà không chết với bà con dư? Vả, đào sá sùng để kiếm thêm công.

Anh chủ nhiệm thở dài:

— Chết thật, các cô lại bàn tính lý luận như thế! Nhưng thôi, rồi ta giải quyết dần. Cô cứ chữa cho ông chủ tịch mặt trận khỏi hẵng. Đánh Mỹ, cứu nước xong, đời sống bình thường của nhân dân được lập lại và mở mang thêm, sờ vào đâu cũng nhiều việc lắm. Như có cái đến trạm xá của cô tôi mới biết. Dưới cái mái đỏ lóe, chỉ bốn giường, dành một cho người trực thế là đủ dư? Cái trường lúc giặc Mỹ đánh bom, nó bằng gianh, bây giờ nó bằng ngói, thế là ưu điểm. Nhưng học trò tăng lên lại không chú ý. Một gian có khi chứa hai lớp, cô giáo xoay sang phía này dạy lớp một, xoay sang phía kia, ấy dạy lớp hai. Nhưng thôi, xã ta là xã đảo, bốn năm đánh Mỹ ba trăm trận, lại còn cơn bão số tám tai ác hơn ba trăm trận nữa, hạ một máy bay, mất có một người, hợp tác vẫn còn, thế cũng là giỏi. Nhưng không có cái đại hội xã viên vừa rồi, không gỡ được nhé. Thu nhặt sáng kiến, phấn đấu mấy tháng nay, mới sửa được hai vàng lưới nhâm, năm đôi lưới mòi. May cái vụ nam, ta đạt hai mươi tấn! Giờ cần kíp phải nâng sản xuất lên. Bà con phấn khởi tính chặn âm mưu mới của giặc Mỹ; trạm xá, trường học, thông tin... tất cả đều ở đấy. Cô giúp tôi một tay, cô nhé.

Việc anh kể hết một loạt những công việc bề bộn và việc anh cứ lặp lại câu ấy làm cô gái cảm động thật tình. Chân trần dẫm lên bãi cát nước mặn thân thuộc của quê hương, chạy lúp xúp theo người lãnh đạp của xã, vừa là ông anh lớn, cô bàng hoàng như nhớ một cảnh gi đó, một điều gì đó đã xưa xa, hay đã thoáng thấy từ trước bây giờ mới sống đây. Có lẽ chỉ là kỷ niệm một mơ tưởng mà thôi, những mơ tưởng ấy chợt biến là sự thực, cái ấy làm cho người thanh niên bước vào đời như có cánh bay.

— Còn chú, sao chú không nói? Chú thay mặt nhân dân đảo biển phải không?

Ông chủ tịch mặt trận xã Biển Mới bàng hoàng đứng lên:

— Thưa Bác, cháu biết được ít tiếng phổ thông, cháu chỉ nói được tiếng Phạ.

— Được. Chú cứ nói bằng tiếng Phạ đi.

Không phải tôi không biết tiếng phổ thông. Nhưng chỉ quen nghe, không quen nói. Nói, cái mũi cứ cưng cứng thế nào, sợ không được rõ, sợ người ta cười. Thường ở những cuộc họp người nhiều dân tộc, tôi không hay nói. Không ngờ bác lại bảo cứ nói bằng tiếng Phạ. Tôi run lắm, nhưng biết là phải vâng lời Bác. Tôi loanh quanh mãi để nói kính chúc Bác mạnh khỏe và về lòng biết ơn của dân tộc tôi. Rằng người dân tộc chúng cháu mấy trăm năm giống cái vỏ sò, vỏ hà dạt theo sóng biển tấp vào bãi cát, mặc mưa, mặc nắng, nhờ có Bác, có Đảng nay mới có cơm, có áo, có thuyền, có nghề, mới đứng dậy làm người. Ơn Người thấm nhuần dân tộc cháu như muối trong gió khơi.

Tôi biết Bác rất giỏi, nghe được nhiều thứ tiếng trên đời, nhưng thực không ngờ Bác còn nghe được cả tiếng Phạ của dân tộc tôi. nét mặt Bác rất hiền từ, Bác nhìn tôi mỉm cười và xúc động. Tôi biết những điều tôi nói về hạnh phúc của bà con chúng tôi làm cho bác vui lòng. Kinh ngạc xiết bao, Bác trả lời tôi bằng tiếng Phạ, vâng, bằng tiếng Phạ rất sõi. Bác gửi lời thăm và căn dặn đến nửa tiếng. Những điều bác căn dặn ấy làm cho tất cả bà con chúng tôi bàng hoàng khi tôi về kể lại ở sân hợp tác, bàng hoàng mãi cho đến bây giờ. Bác căn dặn chúng tôi phải xếp đặt lại nhà cửa cho thoáng, cho gọn gàng, có nhà tắm cho đàn bà con gái, ăn ở có vệ sinh. Bác bảo có một nguyện vọng — Bác nói như vậy đấy — nhân dân Biển Mới ai còn sống dưới thuyền hãy lên bờ mà ở để tránh nguy hiểm cho người già và trẻ con, cho các cháu được học, cho có thêm cái rau cái dưa mà ăn... Thật không ngờ lúc bấy giờ Người chưa bước chân tới mà đã hiểu một cách tỉ mỉ và hằng lo nghĩ như thế cho bà con dân tộc chúng tôi, vài cái thôn bé nhỏ trên một hòn đảo con con ngoài biển khơi tít tắp...

Đến đấy, ông chủ tịch mặt trận xã mở mắt. Ông rùng mình nhắm lại ngay. Màu vải trắng làm ông sực nhớ tiếng khóc tiễn đưa ông nghe trước khi thiếp đi, của mẹ và vợ con ông. Tiếng khóc ban đầu còn sụt sùi, có các bà hàng xóm đến thăm phụ họa, trở nên ồn ào, gào xé, khi người ta đặt ông lên võng, che kín bằng mấy lớp chăn, võng ông ra khỏi nhà để xuống thuyền. Nhà nhà đổ ra bến xem đông kịt cảnh đưa ông chủ tịch mặt trận xã đi. Mọi người ái ngại như đang chứng kiến một đám ma thật sự. Người bệnh vốn đã yếu quá, nhìn nghe biết tất cả những cái ấy qua một làn sương ngày càng dầy đặc, thảng thốt thật sự, trở nên mê lịm hẳn.

— Có sao không cô? Nếu tuyệt vọng thì không cần đưa đi nữa?

Anh chủ nhiệm kiêm bí thư, dùng uy quyền của tập thể, trước mối lo sợ bó tay của mọi người, gần như rứt người bệnh ra khỏi gia đình để đưa đi bệnh viện, đến lúc ấy cũng đâm hoang mang. Chính cô y sĩ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và khẩn trương, trấn tĩnh anh:

— Em xử trí rồi mà. Không sao cả đâu, tình hình này mà để ông ta lại nhà, ông ta chết thật chứ không chơi, anh thấy đấy.

Lần đầu tiên người đàn ông cũng sốt ruột muốn cho thuyền đẩy ngay, nhìn vào hai mắt cô:

— Tôi tin vào cô được chứ?

Đó là một câu mặc cả không ai dùng với những người thầy thuốc. Cô y sĩ kinh ngạc ngước mắt, hai mắt xanh của gái đảo mở rất to nhìn lại anh. Một giây

— Được.

Khi ông tỉnh dậy lần nữa, người bệnh nhận ra mình đang nằm trong một căn buồng của bệnh viện, với màu trắng của vải và mùi thuốc. Cô y sĩ đã xếp đặt dọn dẹp khoang thuyền như thế. Cánh tay phải của người bệnh được buộc yên, nói với một ống cao su dài dẫn đến cái lọ trắng trong veo đang treo trên trần mui kia. Ông cảm thấy đầu mình nhẹ bỗng, lạ thực đấy, sau một tuần đau ốm lâu dễ bằng nửa đời người. Trí nhớ ông lần lần trọn vẹn. Ông biết ra mình vẫn còn sống, mình sống rồi.

— Bác tỉnh rồi đấy, bớt sốt rồi đấy!

Cô y sĩ reo lên, vừa đặt một bàn tay ấm lên trên trán ông, và ông nhìn thấy cô mặc áo ngoài trắng, đang ngồi cạnh ông, hai mắt không chớp dò sắc mặc ông chăm chú.

Đến bây giờ ông mới rên lên một tiếng khẽ. Cô y sĩ mỉm cười.

— Tôi đang ở đâu đây cô? — giọng yếu ớt, ông hỏi.

— Ấy, bác đừng động mạnh. Cháu đang truyền kháng sinh và nước ngọt cho bác. Bác có thấy đói không? Truyền xong, cháu bón cho bác một tí sữa nhé. Cháu đang đưa bác về huyện đây. Bác gọi cháu sớm, có phải chẳng đến nỗi không? Thật ra, bây giờ, bác cũng chẳng cần về huyện đâu. Nhưng đó là quyết định của chi bộ, cốt bác được nghỉ. Đáng lẽ đồng chí bí thư thân hành đưa bác đi, nhưng xem nước xem gió thế nào đó, hôm nay có thể có mòi. Cả ban lãnh đạo tiếc, vì tối qua đã nhỡ một tấn phèn. Phèn vào rồi phèn lại ra, canh cá sơ xuất thế. Đồng chí ấy bảo lấy mòi xong có thể đuổi theo thuyền ta. Nhưng thật bác chẳng can gì đâu mà lo, chỉ yếu quá vì không ăn đấy mà.

Cô y sĩ còn nói nữa, cố ý nói rất lâu, từng câu ngắn, giọng hơi ngọng một chút, như con gái đang làm nũng kể lể với bố, như thể vỗ về. Trong lúc ấy, sóng biển thật nhẹ, thật trong, thật bát ngát,

đung đưa người ông khe khẽ. Nhịp sóng, giọng dịu dàng của cô gái, yên tĩnh của mênh mông, và cái cảm giác hơi choáng ngợp một chút của thuốc đang từng giọt từng giọt rơi xuống ống cao su luồn vào người, làm ông thiu thiu trở lại

Kỳ quặc thật đấy, ông lại mơ tiếp giấc mơ khi nãy còn bỏ dở. Lần này tôi lại có dịp được gặp bác đây. Cháu đã có thể thưa với Bác tuyền bằng tiếng Việt. Cháu kể chuyện sáng hôm ấy khi thuyền vừa cập bến, bà con dân tộc theo cháu lên luôn sân hợp tác, tất cả đều ứa nước mắt khi nghe Bác căn dặn thế nào. Thưa Bác, xã Biển Mới nay không còn thôn ở dưới nước nữa đâu. Vâng lời Bác, tất cả mọi người đã lên bờ ở, được anh chị em Việt giúp làm nhà, đều có vườn, có mương, các cụ già còn lập tổ trồng cây nữa chứ. Các cháu lớn nhỏ đều được học. Bà con cháu bước đầu cũng biết cần kiệm, biết phơi khô con cá, bẹ ngô để dành. Nhiều nhà đã để con gái tự ý lựa chọn, không còn tục gả bán. Đảo chúng cháu nước trong xanh lấp lánh như thắp đèn dưới đáy biển. Ra khơi, sâu đến mười sải nước, còn thấy con hải sâm bơi, con cá dìa to bằng chiếc đĩa tây rúc đầu ngủ trong chùm trai ngọc. Bốn năm đánh Mỹ, nhân dân đảo trung kiên. Con đang trực chiến, giao vũ khí và ba trăm công lại cho bố, đi bộ đội. Con hy sinh, bố đòi được đi cá thay cho con. Chị lương thực một chèo một chiếc lẵng con nấp vào bìa sóng mang từng yến gạo cho từng nhà ở từng hang sơ tán.

Trong mơ, trí nhớ của ông chủ tịch lần lần đi tới những nét mặt hiền hòa mà kiên quyết của mọi người dân đảo thân thuộc, đồng bào, đồng chí, anh bí thư, cô y sĩ... mà ông biết từ khi họ còn tấm bé, họ phấn đấu dũng cảm để trở thành cán bộ, hết lòng hết sức với nhân dân và với bà con dân tộc ông. Vẫn trong mơ, ông cảm thấy bồi hồi và chảy nước mắt thật sự. Lần này được nghỉ một thời gian, mình sẽ có dịp thưa với Bác cặn kẽ về tấm lòng biết ơn và trung thực của bà con mình, về tất cả những con người như thế. Trong cơn mơ, ông thật quên bẵng một điều, cái điều khi thức, ta cũng muốn quên. Nếu nhớ ra điều ấy, không phải ông chỉ bồi hồi mà sẽ bật khóc thật to lên. Rằng cuộc gặp lại để báo cáo với Bác về sự tiến bộ của mỗi người và của bà con đảo, mấy năm dài vẫn lởn vởn trong tiềm thức của ông chủ tịch mặt trận và của mọi người trên đảo, cuộc gặp đinh ninh ấy đã không còn, không bao giờ còn có nữa, vì Bác đã mất rồi.

Thấy giọt nước mắt lăn xuống thái dương người bệnh, tưởng ông vẫn thức mà nghĩ miên man vì lo sợ, cô y sĩ hốt hoảng:

— Không mà! Cháu đã bảo bác chẳng sao đâu mà! Bệnh bác đang lui, cháu xin đảm bảo đấy!

Cô cầm bàn tay răn reo của ông già, áp lên chính trên trán ông:

— Đấy, bác không thấy là bác đã bớt sốt rồi dư?

Ông già mở mắt bỡ ngỡ. Ông nhìn cô gái rất lâu và nhếch mép:

— Cảm ơn cô. Bây giờ là ngày hay đêm hả cô?

Đến lượt cô gái giật mình. Từ lúc thuyền đẩy, cô cũng không lòng nào chú ý đến điều đó. Cô vội vã lùa qua một bên mảnh ván dùng làm cánh cửa sổ, để lộ một ô hình chữ nhật nhỏ. Lập tức, thật nhanh, một luồng sóng trắng xanh từ bên ngoài lùa vào trong khoang thuyền, chạy xô tất cả đến chỗ bác già, ngả dài lên gối ông. Khuôn mặt cô gái vụt viền một đường sáng thanh tú.

Cô gái kêu lên một tiếng kinh ngạc. Cô vẫn giữ từ bé, giữ mãi như người ta giữ một lẽ sống của đời mình, hình ảnh tuyệt đẹp, khoảng trong xanh bao la của trời nước quê hương bằng pha lê màu ngọc bích, mịn và muột mà, vang ngân và đắm đuối. Nhưng cô chưa hề tận mắt một mình bắt gặp cái cảnh huyền ảo như đêm trăng giữa trùng khơi này, trời biển đồng hừng một màu trắng bạc, cái màu trắng bạc chói lòa như có cả tiếng nhạc, xóa tất cả mọi ranh giới, dường cả những ranh giới trong lòng ta. Ta không còn cảm giác đang bơi với thuyền, mà đang đi lên, đi lên, lên mãi cái gì sán lạn lắm, cao lắm.

Cô gái thò đầu ra ngoài ô cửa. Gần mạn thuyền, dưới mắt cô, ánh trăng vẽ lên mặt nước trong những đường vằn màu vàng, chính là bìa các con sóng; những đường vằn màu vàng ấy lại phản chiếu trên mặt cát đáy biển thành những đường vằn sinh đôi khác màu sậm, tất cả cái đó điệp, rời ra, lại điệp, giống vô số đàn chim chấp chới.

Cô gái bỗng sực tỉnh. Đâu đó vừa có xảy ra một cái gì đó. Cô thốt nghe thấy một tiếng gì, có lẽ chỉ là một tiếng động, một tiếng cựa mình thôi, rất đông, rất xa, rất khẽ. Có lẽ là tiếng cá nẹ chăng. Gió yên, trời tản, không gian chợt bốc lên một mùi thơm mỏng mảnh. Người cô gái bừng bừng khi cô thấy, mình nữa, mình cũng có lần nghe được mùi thơm ấy, mà người ta bảo, trong cả vùng đảo biển, chỉ anh chủ nhiệm trẻ tuổi kia là người phát hiện tài nhất. Vừa nghĩ thế, lập tức cô thấp thoáng thấy trong ánh bụi trắng bụi sương chấp chóa ở đằng tít tắp, có bóng thuyền. Cái ấy có thực không? Hay chỉ là ảo tưởng, ảo ảnh thường gặp ở biển khơi đấy? Hay chỉ là tấm lòng cô gái chờ đợi? Đúng lúc ấy, từ mặt biển sáng đằng xa vọng tới những hồi gỗ đập vào ván thuyền. Lốc cốc, lốc cốc, đục, giòn và giục giã, từng hồi dài. Rồi im lặng. Im lặng. Rồi chợt lại nổi ran lên hồi nữa, lốc cốc, lốc cốc. Đàn cá mòi bên kia chương cát đã vào lưới. Lại đàn cá nữa tới. Người đánh đã giải “chiếu” thêm lên trên. Tiếng gõ xua cá trong sương chợt biến thành rất thân cận, rất đời, cảnh huyền ảo của trời nước bao la.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx