Mặc dầu cương quyết giúp bạn là thế, mà mấy ngày qua đi rồi, Ái Lan cũng không làm cách nào để biết được tấm giấy quan hệ kia đã thực sự lọt vào tay bọn nhà Phàm chưa?
Trước mặt cha, em cố làm ra vẻ thản nhiên vờ như không quan tâm gì lắm, nhưng ông Minh chỉ liếc sơ qua nét mặt em là đã biết trong đầu óc em nghĩ thế nào, như người nhìn vào trang giấy có chữ vậy.
Một hôm, khi cùng ngồi ăn cơm trưa, ông đã bảo con gái:
- Ba biết là vấn đề cụ Doanh đang làm con thắc mắc nhiều lắm! Và hiện con đang lo lắng cho hai người bạn mới của con không ít! Đó là một cái hay, một đức tính tốt. Nhưng con cũng đừng để sự việc làm khó chịu, ray rứt thái quá! Ba nhắc lại để con nhớ rằng: "Chúng ta không thể làm được một cái gì hết khi mà lá chúc thư mới của cụ Doanh không có ở trong tay? Vậy thì tốt hơn hết là, thôi, đừng nghĩ gì đến chuyện tranh chấp gia tài với nhà Phàm nữa! Từ bữa tiếp đón hai chị em Ngọc, Liên tới nay, ba thấy con cứ loanh quanh lẩn quẩn trong nhà, chẳng chịu đi chơi đâu cả. Hôm nay, trời đẹp lắm, đi ra ngoài cho nó thoải mái một chút nghe, Ái Lan! Thả bộ lòng vòng lên công trường Hòa Bình coi có phim gì hay thì mua vé vào coi, không thì ra chợ, vào các tiệm, có gì thích thì mua, hoặc tạt vào "Book Shop" xem có quyển gì hay mua về đọc xong cho ba đọc với!… Đi chơi đi con, cho đầu óc thanh thản một chút đi!
Ái Lan mỉm cười thật buồn:
- Biết làm sao được, hả ba? Con không thể nào không nghĩ ngợi ái ngại cho hai chị em Ngọc, Liên nghèo khổ côi cút kia được, ba à! Đã tưởng là thế nào cũng giúp họ được. Vậy mà...
Luật sư Minh đôn hậu:
- Ráng nghĩ tới một cái gì khác đi con! Xả hơi chút đi, có khi vô tình lại chợt có được nhiều ý kiến hay không ngờ được kia, con à!
- Ba nói đúng! Vâng! Con nghe lời ba ra phố xả hơi một vòng. Gặp cái gì hay hay thì mua. Biết đâu cuộc đi bộ và không khí thoáng đãng mát mẻ lại chẳng là một liều thuốc bổ, hả ba!
Cơm nước xong, Ái Lan bước ra đường. Để Vespa ở nhà, em thả bộ từ đường Võ Tánh tới công trường Hòa Bình. Lộ trình dài có tới ngót hai cây số. Ái Lan tung tăng đặt bước. Khách nhàn du tụ tập đông đảo, đang ngắm cảnh hồ, thấy em đi qua, nhiều người đều quay cổ lại. Tia nhìn của họ tràn ngập cảm tình ngưỡng mộ trước một cô bé xinh xinh, da trắng như trứng gà bóc, khỏe mạnh trong chiếc áo len đen cao cổ và chiếc xiêm mini để lộ cặp chân đầy đặn hồng hào. Những bước đi khỏe mạnh rắn rỏi như bước chân diễn hành của nữ thể tháo gia trong thao trường, lôi cuốn bao nhiêu cặp mắt dõi theo tới mãi tận cuối rặng anh đào nơi đầu đường, lối đi lên phía chợ.
Đến nơi, chưa vào chợ vội, Ái Lan đi dọc theo đường Hàm Nghi, đưa mắt ngắm nhìn qua cửa kính. Rồi tiện đà bước, em đi vào tiệm Toàn Chân. Để xem đồ bày bán cho vui mắt chứ cũng không định mua thứ gì. Bỗng em thấy hai cô gái từ phía sau đi vượt lên, chân bước thoăn thoắt. Ái Lan dừng lại một giây và lẩm bẩm:
- Lại Bích Mai, Bích Đào! Thôi mình lẻn ra đằng kia, kẻo lại gặp mặt hai con nhỏ khó chịu này!
Chưa kịp bước đi thì ngay lúc đó, Ái Lan mắt vẫn để ý nhìn theo hai chị em nhà kia, thấy rõ ràng Bích Mai len người xấn xổ lướt sát một quầy bán đồ sứ, vô ý gạt tay áo măng tô vào một chiếc bình pha lê lớn khiến nó chao nghiêng đi, rớt xuống đất vỡ tan tành. Cô gái vô ý, giật mình quay đầu lại, cúi nhìn cái bình vỡ, mặt ửng đỏ, ánh mắt bối rối không biết tính cách nào. Nhưng trong chớp mắt, cô ta bỗng hất cao mặt lên, tia nhìn như thách đố, quay ngoắt người bỏ đi, nghênh ngang trông đáng ghét vô cùng. Nhưng chưa được mấy bước một cô bán hàng đã tiến lại gần bên, chắp tay lễ phép:
- Cô thứ lỗi cho! Cô làm ơn cho chúng tôi được tính tiền cái bình cô vừa mới làm rớt bể!
Bích Mai nhìn ngay mặt cô gái bán hàng, tia mắt giận dữ và xấc xược hết sức:
- Cái gì? Tính gì, trả gì? Ai làm rớt bể mà lại bảo tôi phải trả tiền, hả?
Cô bán hàng nhăn nhó khổ sở:
- Dạ... dạ thưa, chính mắt tôi thấy cô làm rớt mà!
Mọi người thấy vậy xúm đông lại coi cho thỏa tính hiếu kỳ. Chưa đầy phút sau, ông trưởng quầy cũng có mặt. Ái Lan lợi dụng đám đông đứng xen lẫn vào.
Bích Mai giận dữ, phân trần với ông trưởng quầy:
- Ông xử giùm cái coi! Cô nhỏ này cả gan buộc án gán tội cho tôi đã làm rớt bể cái bình này đó! Lúc bình vỡ tôi còn ở mãi tận đằng kia cơ mà! Chính cô ta đã làm rớt lại còn định đổ thừa cho khách hàng nữa! - Rồi quay sang Bích Đào - Có đúng thế không Bích Đào?
Cô em giọng lạnh như tiền:
- Đúng như vậy!
Người trưởng quầy đưa mắt nhìn cô bán hàng, đăm chiêu nét mặt. Đổ thừa lỗi cho khách hàng giàu có sang trọng và quyền thế là một điều tối kỵ trong nghề thương mại. Nhưng chẳng biết thực hư ra sao, nên ông ta cũng chưa thể quyết định lẽ nào, đành phải giả vờ cúi xuống xem xét chiếc bình bể. Ông lượm lên một mảnh:
- Nguy quá! Đây là một chiếc bình pha lê loại đắt giá nhất, nhập cảng từ Pháp về. Tưởng chiếc thường thường nào chớ chiếc này thì… khó quá!
Bích Mai chận lời ông trưởng quầy:
- Có gì mà ông bảo là khó? Cứ việc trừ luôn vào lương của cô nhỏ bán hàng là xong tất. Kệ chứ! Ai bảo vô ý đánh vỡ thì ráng mà đền!
Tội cho cô nhỏ bán hàng, không lanh miệng lẻo mép bằng hai cô con gái nhà giàu nhưng nghèo tình thương kia, cứ ngây người ra chẳng nói thêm được câu nào để minh oan, nước mắt vòng quanh.
Ông trưởng quầy cũng chẳng hơn gì, cứ lúng túng ấp a ấp úng nói chẳng ra câu. Ái Lan biết ngay rằng nếu chậm một phút, hai cô gái điêu ngoa sẽ già mồm cãi xóa, uy hiếp được tinh thần ông trưởng quầy, thì cô gái bán hàng ắt phải đền oan. Em bước tới trước mặt Bích Mai dõng dạc:
- Cô lầm rồi! Theo tôi, cô bán hàng này không có lỗi gì hết! Tôi đã chứng kiến việc xảy ra từ đầu tới cuối!
Cô gái chanh chua:
- Mắc mớ gì đến cô mà xía vô vậy? Việc ai nấy lo, lộn xộn cái gì?
Ái Lan nghiêm sắc mặt, thái độ vẫn bình tĩnh, nhưng lời nói đanh thép như những làn roi quất vụt:
- Mắc mớ hay không, không cần biết! Có điều tôi không muốn để cho cô tự do muốn đổ vấy tội của mình cho ai thì đổ!
Người trưởng quầy quay phắt lại ngó Ái Lan:
- Thưa cô! Cô có mặt đúng lúc chiếc bình bị làm rớt?
- Dạ! Đúng thế! Khi cô này, - em chỉ Bích Mai, - đi xông xáo lướt nhanh sát quầy đồ sứ, tôi trông thấy rõ ràng ống tay áo măng tô của cô ta móc vào quai bình...
Bích Mai hết đường chối cãi, còn cố vớt vát một câu cho đỡ thẹn trước mặt đông người:
- Nói tầm bậy!... Hừ! Mà thôi, cãi cọ nơi công chúng coi kỳ quá, tôi khó chịu lắm rồi! Cô nhỏ kia không dám nhận lỗi thì thôi! Hèn quá! Thôi, để tôi đền giùm cho, bao nhiêu đó ông?
Người trưởng quầy tra lại bảng kê giá hàng:
- Dạ, thưa cô cho năm ngàn đồng ạ!
- Ối chà! Cái gì?... Năm ngàn? Gì dữ vậy? Ông dám tính tôi 5 ngàn đồng bạc cái lọ thủy tinh tồi đó? Không trả, tôi không trả đấy? Một cắc tôi cũng không trả?
- Cô thông cảm cho! Như tôi đã nói từ hồi nãy! Đó là một cái bình pha lê hãng chúng tôi gởi mua từ bên Pháp. Bắt buộc phải tính theo giá của chủ ấn định. Mong cô hiểu giùm cho!
Bích Mai vênh mặt, cong cớn:
- Ông có biết tôi là ai không?
Người trưởng quầy nhếch mép, mệt mỏi:
- Dạ thưa biết chứ ạ? Nội Đà Lạt này, còn ai là không biết gia đình "cụ" ông, "cụ" bà Phạm Văn Phàm?
- Thế ông có biết ba tôi chỉ huy...
Người trưởng quầy không còn kiên nhẫn nổi nữa:
- Vâng, vâng, tôi biết, tôi biết rõ lắm. Tôi biết rõ là ông nhà chỉ huy nhiều cơ sở làm ăn lắm! Nhưng kẹt một điều, ông nhà lại không chỉ huy hãng Toàn Chân, tức là hãng có cái bình vừa bị cô làm rớt bể. Vậy xin cô thanh toán tiền bồi thường giùm cho. Nếu không, bắt buộc tôi phải nhờ pháp luật can thiệp!
Bích Mai hét lên:
- Á à! Ông này liều ghê nhỉ? - Cơn thịnh nộ khiến cô ta nghẹn thở, - Lần đầu..., lần đầu tiên..., ông là người đầu tiên dám to gan xúc phạm đến tôi đấy nhé!
Bích Đào, đứng ngoài nên tỉnh táo hơn cô chị, nhưng cũng biến sắc mặt khi thấy việc rắc rối bị xé ra to quá. Liền kéo tay Bích Mai ra một chỗ, ghé vào tai thầm thì... Phút sau cô này trở lại quầy hàng, mở sắc tay, nói với ông trưởng quầy:
- Thôi đây, trả tiền cho ông! Đó, năm ngàn, mười cái giấy năm trăm, ông đếm lại cẩn thận đi. Và nhớ giùm cho một điều là việc này chưa xong đâu, nghe! Rồi ông sẽ biết tay tôi!
Đoạn quay nhìn Ái Lan, đôi mắt quắc lên lạnh lẽo như mắt rắn hổ, rít qua kẽ răng:
- Còn cô hai đây nữa! Khá lắm! Đà Lạt nhỏ hẹp lắm mà, chúng ta còn có dịp gặp nhau nhiều! Gieo gió thì tới khi gặt bão đừng than, nghe!
Ái Lan chỉ mỉm cười khinh mạn mà không trả lời. Vẻ mặt thích thú của em lại càng như dầu đổ thêm vào lửa giận trong lòng hai chị em Mai, Đào. Cô chị quay tay quay gót, mặt hất cao, đôi môi mím chặt y hệt một cô công chúa bị đám dân ngu giỡn mặt.
Khi hai chị em con ông Phàm ra khỏi, cô bán hàng tiến lại Ái Lan hết lời cám ơn em:
- Thiệt, ơn của cô, em không biết lấy gì trả được. Không có cô nói giúp cho chắc tôi bị sa thải quá. Lương tháng có sáu ngàn mà bị đền hết năm ngàn, thì mẹ già em dại lấy gì mà ăn. Em không biết nói sao để cảm tạ tấm lòng tốt của cô.
- Việc xảy ra như thế nào, tôi đã chính mắt nhìn thấy rõ từ đầu tới cuối. Và, tôi nhất định không để cô bị đền oan! - Ái Lan mở sắc tay xé một mẩu giấy và hí hoáy biên - Đây! Tên và chỗ ở của tôi đây, có cần tôi giúp đỡ gì, cô cứ đến nhé.
- Thưa cô, vâng! Cám ơn cô nhiều lắm! Em ngại rằng hai chị em con ông Phàm sẽ để tâm thù cô lắm đó. Cũng chỉ vì em cả!
Ái Lan nhún vai:
- Ối, ăn nhằm gì, cô đừng lo! Học cùng lớp với tôi đó, nhưng tôi đâu có thèm chơi với tụi nó.
- Em chỉ mong họ biết lỗi mình mà bỏ qua đi. Chị em cô đó dữ nổi tiếng đó cô à!
Ái Lan vẫn tươi cười:
- Được! Cứ để coi! Việc gì mà lo, cô? Tôi biết rõ hai con nhỏ Bích Mai, Bích Đào này quá mà! Miệng hùm gan sứa, mềm nắn rắn buông cả đấy thôi!
Ái Lan chợt quay lại và giật mình khi thấy mọi người đứng quanh vẫn đông đảo và đang đưa mắt nhìn em kính phục xen lẫn hiếu kỳ. Em nhẹ bước tiến ra phía cửa, đầu óc sôi sục lên với ý nghĩ: "Nếu ông già hai con quỷ nhỏ này lại chính thức được hưởng trọn phần cái gia tài của cụ Doanh thì... ". Ái Lan có cảm giác máu của mình hầu như đông lại trong huyết quản. Và, trong khi đó thì Mỹ Ngọc, Mỹ Liên đang cần phải có tiền để sống.
Mãi suy nghĩ, Ái Lan đã bước tới khu vườn hoa trước cửa chợ lúc nào không hay. Ngẩng đầu lên em giật thót mình khi nhận ra đang đi cùng một đường với hai cô con gái ông Phàm. Và hiện giờ thì Bích Mai, Bích Đào đang ngồi nghỉ chân trên một chiếc ghế đá. Hai cô con gái nhà giầu chắc đang mải mê bàn soạn chuyện gì mà hai mái đầu châu xít lại với nhau.
Quay trở lại không kịp, Ái Lan liền rẽ vào một con đường mòn băng qua bãi cỏ xén, lắp sau rặng cây vông vang hoa vàng. Không phải là em sợ hãi gì hai cô gái điêu ngoa kia, nhưng em biết chắc rằng nếu đi qua mặt, thế nào họ cũng lên tiếng nói cạnh khóe, lỡ không kềm chế được tức giận em cũng to tiếng nói lại thêm phiền phức ra, trong lúc đầu óc em còn lo làm những việc có ích hơn.
Bích Mai, Bích Đào mải mê nói chuyện đến nỗi Ái Lan đứng ngay gần sau lưng mà không biết, chỉ cách nhau một đám lá vông vang rậm rì xanh ngắt. Thâm tâm em cũng không muốn nghe lén chuyện riêng của người khác. Nhưng vì chăm chú đi lánh mặt, bất chợt đến sát phía sau hai chị em, sau rặng vông vang, Ái Lan nghe rõ ràng hai tiếng: Chúc thư. Và em run lên sung sướng với ý nghĩ.
"Trời! Lạy trời cho hai con nhỏ này bất ngờ lại cho mình cái chìa khóa mở cánh cửa bí mật thì tốt quá!"
Ái Lan tiến sát lại bụi vông vang mọc sát cái ghế dựa dài bằng đá trắng. May quá, đám lá chỗ này lại dày đặc, em chỉ cần cúi thấp đầu xuống một chút là đã che giấu được hết cả thân hình. Đôi tai lắng hết sức để nghe ngóng, không khác một tay thám tử nhà nghề đang rình bắt bọn gian phi.
Phía ghế đá bỗng... im lặng. Ái Lan nín thở đợi chờ, trống ngực đập thình thịch, chỉ lo bất chợt bị ho hoặc ngứa mũi hắt hơi thì nguy. Đột nhiên tiếng nói Bích Đào nổi lên, âm thanh đượm nhiều cay đắng:
- Chị Mai ạ! Em chỉ sợ lỡ ra cái tờ di chúc thứ hai đó mà lại có thật thì nguy lắm. Cái gia tài khổng lồ của bác Doanh sẽ mất như chơi.
Cô chị hạ thấp giọng:
- Lạ thật! Tại sao em lại cứ tin rằng cái ông cù lần ấy đã thay đổi ý định kia chứ! Riêng chị, chị nhất định không tin là bác ta đã viết tờ di chúc thứ hai đâu! Yên trí đi mà!
- Này, chị coi chừng con nhỏ Ái Lan đó! Nó, thì nó không nghĩ như chị đâu! Cứ xét cái cung cách nó để ý săn sóc giúp đỡ chị em hai con nhỏ Mỹ Ngọc, Mỹ Liên thì biết à! Tuần trước nó đã mời hai đứa này tới nhà nó ăn bánh uống nước mà! Em đích mắt trông thấy! Vậy em thử hỏi chị. Tại sao nó lại đặc biệt chú trọng tới hai con bé quê đó dữ vậy? Chắc nó đã đánh hơi được một cái gì rồi chứ? Chà! Cái con ranh ấy rắc rối can không nổi mà! Em ghét nó ghê gớm! Chỉ ngại là ông già nó mà cũng nhúng tay vào vụ này nữa thì mới là mệt ạ! Ông ta có thể tìm ra được tờ di chúc mới đó cho chị coi!
Bích Mai vẫn thản nhiên:
- Tìm ra thì tìm ra, lo gì? Dễ thường ba chịu bó tay đó chắc!
- Ủa! Cái gì! Chị nói sao?
- Thôi! Em cũng chẳng nên tìm hiểu làm gì nữa! Chị đã bảo em cứ yên trí đi mà! - Giọng nói Bích Mai bí hiểm - Em tưởng ba má mình sẽ để vuột mất cái gia tài mà nhà mình có quyền hưởng đó hả? Còn lâu, à nghe! Dễ thường thiên hạ không thấy là bác Doanh đã sống mãi với gia đình mình đó chắc?
- Đúng thế! Cung phụng ông già ròng rã ba năm trời bây giờ thừa hưởng toàn phần di sản của ông, công bằng quá xá rồi chứ còn gì! Nhưng nói gì thì nói, chị Mai à, em cứ bực mình vì cái con ranh Ái Lan đó! Thấy ghét quá! Chuyện không ăn nhằm gì tới nó, mà nó cứ xía vô làm chi vậy không biết!
Bích Mai giọng khinh thường:
- Ối, thây kệ! Nó muốn làm gì, cứ việc! Tìm ra cái gì cũng mặc nó! Không ăn nhằm gì hết! Ba tụi mình có quyền, chẳng ai làm gì được! Tiền của bác Doanh sẽ về tay ba má tụi mình hết!
Dứt lời cả hai chị em đứng lên thả bước đi dần ra phía ngoài vườn bông. Ái Lan nán lại phía sau bụi vông vang có tới gần năm phút sau mới bước ra, đưa mắt nhìn quanh. Bích Mai, Bích Đào đã mất hút. Em tiến lại phía ghế đá bỏ trống, ngồi xuống thoải mái, thở ra một hơi nhẹ thật dài. Và Ái Lan tự nhủ:
- Vậy thì vẫn còn hy vọng tìm được tờ di chúc thứ hai!
Thật ra thì Ái Lan vẫn nghi là tờ giấy quan trọng này có thật và trong đó nhất định là cụ Doanh đã ghi những lời sở nguyện là hủy bỏ các điều khoản của tờ di chúc thứ nhất. Tới khi gặp hai chị em Ngọc, Liên thì em lại đồng ý kiến với cha là tờ sau này cũng đã lọt vào tay nhà Phạm văn Phàm. Và dĩ nhiên là gia đình ông này ắt đã tiêu hủy cái tấm giấy tai hại cho mình đi chứ!… Ái Lan đã có một lúc thất vọng, định bỏ cuộc, thôi không điều tra tìm hiểu nữa. Nhưng bây giờ..., em bình tĩnh suy nghĩ:
"Vậy thì chưa đến nỗi thất vọng. Một điểm cần phải công nhận là, nếu tờ di chúc đó tình cờ lại lọt vào tay ông Phàm thì tất nhiên vợ và con ông ta sẽ chẳng dại gì mà nói hở tùm lum ra. Theo lời trò chuyện, chính thức thừa kế tài sản của cụ Doanh hiện cũng chưa có gì làm chắc… Vậy thì mình phải mau chân, lẹ tay... mới được.
Giống hệt luật sư Minh, Ái Lan có cái khả năng đặc biệt kêu bằng trực giác hay linh tính gì đó, khiến em có thể đoán biết được nhiều sự việc bí mật. Và giống như cha, lúc nào cũng sẵn sàng chấp nhận mọi cái cam go gai góc trong việc tranh đấu cho một việc nghĩa. Luật sư Minh, ngoài việc tranh biện tại Tòa án, lại còn có một trí óc sắc bén, ngay đến các thám tử nổi danh cũng còn phải đến học hỏi kinh nghiệm của ông. Nhưng ông bận nhiều việc quá, thì giờ đâu cho phép ông để hết tâm trí vào vụ gia tài của cụ Doanh này được. Ái Lan biết rõ như thế hơn ai hết, nên trong việc hoạt động tranh thủ quyền lợi cho hai người bạn mới đáng quý, đáng thương này, em chỉ còn có thể đặt tin tưởng vào chỉ riêng một mình em mà thôi.
Nhưng hiện thời thì vẫn chưa thấy được một tia sáng nào về tung tích tờ di chúc đó cả. Nhất là về phía hai chị em Ngọc, Liên.
Nhiều giây phút nặng nề qua đi, Ái Lan vẫn lặng lẽ trầm tư trên ghế đá. Đột nhiên em đập đập hai bàn chân lên nền cỏ mịn, reo khẽ:
- À, ừ nhỉ! Có thế mà mình nghĩ mãi không ra! Phải rồi! Ngoài Mỹ Ngọc, Mỹ Liên ra, cụ Doanh còn nhiều người bà con họ hàng gần lắm kia mà! Ờ, đúng rồi, còn nhớ bữa trước ba cũng có nói là một số người này cũng đang định làm đơn đệ lên Tòa khiếu nại đòi quyền hưởng một phần gia tài mà. Không biết những người bà con họ hàng cụ Doanh ấy là những ai đây? Phải về hỏi ba mới được!
Ái Lan hớn hở đứng lên đi ra khỏi công viên và năm phút sau em đã về tới trước cửa văn phòng luật sư Minh.
Ông Minh chợt thấy con gái tới bất ngờ, nét mặt em rạng rỡ, ánh mắt em sáng tươi long lanh như nóng lòng muốn làm tức khắc một cái gì đó. Ông tươi cười và hóm hỉnh hỏi con:
- Có việc gì đó Ái Lan? Chắc con lại... muốn mua một cái áo mới nữa hả?
Ái Lan phụng phịu:
- Ba kỳ quá hà! Cứ ngạo con hoài! Này ba! Tự nhiên con nảy ra ý kiến hay và con cần hỏi ba một câu này quan trọng lắm ba hà!
Đoạn em tóm tắt thật gọn gàng rành mạch cuộc gặp gỡ hai chị em Mai, Đào, rồi chuyện cái bình vỡ và câu chuyện bất ngờ lọt vào tai em tại vườn bông trước cửa chợ.
Ông Minh chăm chú nghe con kể chuyện. Sắc mặt nghiêm hẳn lại, ông hỏi:
- Vậy bây giờ con định làm gì?
- Con có ý định tìm gặp mấy người bà con của cụ Doanh để nói chuyện ba à! Biết đâu lại chẳng thâu lượm được một vài tin tức hay hay.
Luật sư Minh gật gù:
- Con có ý kiến hay đấy!
- Và vì không được biết những người đó là ai, con đến ba để hỏi xem...
Ông Minh chợt lắc đầu:
- Rất tiếc là ba lại cũng chẳng biết gì hơn con!
Thất vọng, Ái Lan đứng phắt dậy dợm chân bước ra. Nhưng ba em đã vội giơ tay ngăn lại:
- Ấy khoan! Nhưng ba còn cách này có thể khiến con hỏi được tên và địa chỉ mấy người đó.
Ái Lan trợn tròn đôi mắt:
- Cách gì, ba?
- Đến phòng ông Lục sự ở Tòa án. Nhất định là con sẽ biết được, vì đơn từ khiếu nại của họ tất nhiên là phải nạp tại đó rồi, con hiểu chưa?
Nhưng sau khi liếc nhanh lên mặt đồng hồ tay, ông lại thốt:
- À, nhưng giờ này thì trễ mất rồi, để mai được không?
Ái Lan thở ra một hơi dài:
- Mai thì muộn quá ba ơi! Chỉ chậm một ngày thôi, là con đủ lo phát sốt lên đó ba! Gia đình ông Phàm chỉ lẹ tay hơn nửa ngày là đã đủ thì giờ tiêu hủy cái giấy vô cùng quan trọng đó rồi ba à!
Đột nhiên em reo lên mừng rỡ:
- A! Con có cách rồi này ba! Bây giờ con về nhà lấy Vespa chạy ngay xuống Lạc Dương tìm hai chị em Ngọc, Liên. Chắc hai người đó phải biết, hả ba?
- Ờ, thì con cứ thử đi coi xem sao?
- Vâng, con đi đây nghe ba!
Chưa dứt lời em đã nhẩy vọt ra cửa, ông Minh vội vã:
- Khoan, Ái Lan! Ba... hơi ngại là hình như con chưa chút gì nghĩ đến những cái nguy hiểm đang chờ đợi con đó! Con nên nhớ rằng, nghề thám tử là một nghề không nhàn hạ và không phải không nguy hiểm đâu nghe! Ba biết rõ gia đình Phàm lắm. Đối với những ai muốn làm "kỳ đà cản mũi", họ không để yên cho đâu, con à!
- Con không sợ!
Luật sư Minh chợt reo lên:
- Hoan hô con gái ba! Ba rất hãnh diện vì con. Có điều ba muốn là trước khi chiến đấu, con cần phải biết tình ý của đối phương một chút.
- Chiến đấu? Cái gì mà dữ vậy, ba?
- Ba nói thiệt đó chứ, Ái Lan! Bao giờ con cũng nên nhớ là gia đình Phàm dễ gì nhả cái mồi ngon đó ra mà không phản ứng dữ dội. Nhưng con cứ yên trí. Nếu quả tình sự việc có đi đến chỗ rắc rối ghê gớm, ba sẽ đích thân mó tay vào. Và lúc đó, thì Phạm Văn Phàm sẽ đụng độ với chính ba đây chớ không phải với con nữa.
Ái Lan reo lên:
- Vậy, ba ơi! Nếu con tìm ra được, thì ba sẽ làm gì với tờ di chúc đó?
- Ba sẽ ra Tòa biện hộ tới cùng để tranh đấu quyền lợi cho những người thừa kế mới.
- Trời! Vậy thì thích quá! Ba giỏi quá và ba tốt quá đi ba à!
Ái Lan vừa nói vừa giật giật hai bàn tay luật sư Minh rồi quay người lao vút ra cửa. Chân vừa mới đặt lên bậc cửa, em đã ngừng lại, xây mặt ngó cha:
- Chắc con sẽ về trễ đó nghe, ba! - Và giọng em hớn hở, nhăn nhăn cái sống mũi, - Con cảm thấy có hy vọng sẽ vớ được một cái gì, sau đó có trớn rồi con sẽ tiến mạnh cho ba coi!
Dứt lời, bóng em lao ra ngoài trong khi cánh cửa văn phòng luật sư Minh từ từ khép lại.
@by txiuqw4