Cũng may cho Ái Lan, bữa đó Cảnh Sát tuần lưu lại không đi tuần tiễu tại khu vực này, nếu không, chắc hẳn thế nào em cũng bị dính một tờ giấy phạt vì lý do "chạy quá tốc độ". Chiếc xe vespa xinh đẹp lao vun vút như có gió đưa đi. Y-Ba ngồi yên sau, đôi lúc kêu lên thất thanh:
- Trời, cô chạy gì lẹ quá vậy? Lao xuống ruộng thì chết!
- Anh yên trí. Cứ ngồi vững, muốn nói gì cứ việc, nhưng chớ có ngả nghiêng thì lật xe thiệt đó, nghe!
Chưa đầy mười phút sau, hai người đã tới ngả ba Lạc Dương-Đà Lạt-Sài Gòn. Theo sự chỉ dẫn của Y-Ba, Ái Lan cho xe chạy từ từ. Chưa đầy năm phút sau đã tới trước cửa cảnh sát La Ngà. Dựng xe xong, em nhẩy bổ vào phòng trực:
- Tôi muốn gặp ông chỉ huy! Để báo một vụ cướp!
Nhân viên cảnh sát trực, ấn một nút đỏ trên mặt bàn. Chưa đầy phút sau, ông chỉ huy đã xuất hiện, theo sau có gần một chục nhân viên. Ái Lan trình bày rõ ràng và vắn tắt sự việc xảy ra tại biệt thự của ông Phàm rồi giơ tay chỉ Y-Ba đang ngẩn người đứng nghe, vẻ mặt lo lắng. Em bảo Y-Ba xác nhận lại sự việc trước mặt nhân viên công lực.
Anh chàng người Thượng cất tiếng hồn nhiên:
- Cô nhỏ này nói đúng đấy! Nhưng cô ấy không nói gì về những cái ác của chúng! Các ông thử nghĩ coi: mới đầu nó bắt cóc tôi lên xe rồi định đem đi đâu đó mới cho tôi uống chẳng biết một thứ thuốc mê gì đó. Tôi ngủ mê man, liền bị tụi nó đem bỏ vào một cái quán ở ngã ba Lạc Dương. Ðến khi tỉnh dậy, sờ vào túi thấy chùm chìa khóa đã biến mất. Sợ quá, đâm đầu chạy về biệt thự, thấy cửa mở toang hoác, đồ đạc mất hết và cô này thì bị chúng nhốt trong hầm tối.
Viên chỉ huy cảnh sát quay lại nhìn Ái Lan:
- Thế cô em có thấy chúng chạy xe về lối nào không?
- Dạ có chứ! Khi rời khỏi biệt thự, tôi đã để ý nhìn kỹ vết bánh xe cam nhông của chúng còn in rõ nơi cửa vườn. Và mới lúc nãy, trên con đường đi tới đây, cách trụ sở các ông chừng năm, sáu cây số, có một lối rẽ về bên phải. Có lẽ con đường đó là đường tắt tới La Ba. Và chỗ ấy thấy có vết bánh xe rõ rệt lắm.
- Cô có thể dẫn chúng tôi tới chỗ rẽ đó không?
- Dạ được chứ! Tôi cũng chỉ mong được dẫn các ông tới đó ngay lập tức.
Viên chỉ huy quay lại ra lệnh cho các nhân viên sẵn sàng và ông quay lại phía Ái Lan:
- Cô ra lấy xe đi! Rồi chạy trước dẫn đường, chúng tôi theo sau vespa của cô!
Ái Lan chạy nhanh ra cửa:
- Mau lên các ông ơi! Tụi gian phi mất hút được gần hai tiếng đồng hồ rồi đó!
Đoạn nhẩy lên xe, đạp cho máy nổ. Quay nhìn lại đã thấy tám, chín nhân viên cảnh sát đang chạy ra xe, vừa chạy vừa gài dây lưng đeo súng đạn. Họ nhảy ào lên một chiếc xe jeep sơn hai màu xanh trắng. Ông chỉ huy đội mũ rộng vành, dây lưng cũng không kịp thắt, choàng đại vào cổ. Và đích thân ông cầm lái. Ngay lúc đó Ái Lan đã quay số cho vespa lăn bánh, rồi sang số lớn thiệt mau, nhấn ga. Chiếc xe nhẹ nhàng lao vút đi. Em chợt thấy bóng Y -Ba thấp thoáng trên hè phố. Thì giờ cấp bách, em chỉ kịp hét to:
- Y-Ba vào đợi tôi về, nghe!
Chưa đầy mười phút sau, Ái Lan đã tìm lối rẽ còn in vết bánh xe cam nhông. Em cho xe chạy theo vết bánh xe đó. Vì là xe hai bánh, dễ tránh ổ gà nên xe em bỏ xe cảnh sát một quãng khá xa. Em phải giảm bớt tốc lực chạy chậm lại, đợi chờ.
Hai xe chạy được một quãng đường dài khoảng mười cây số thì lại gặp một con đường rẽ đôi. Nguy quá! Nên chạy theo con đường nào đây. Ái Lan xuống xe, băn khoăn khó nghĩ: Chưa đầy hai phút sau xe cảnh sát cũng chạy tới nơi, đậu lại. Tiếng ông chỉ huy:
- Sao thế, cô bé?
- Không biết tụi nó chạy theo đường nào đây, ông à!
Toán cảnh sát nhảy tất cả xuống đường, khom người cúi nhìn những vết bánh xe hơi ngang dọc đan nhau trên mặt đường đất. Cho dù chiếc xe vận tải có chạy ngang đây thật, thì cũng đã biết bao vết xe khác đè lên xóa mờ mất hết rồi. Chỉ tay theo con lộ chạy phía bên phải, ông chỉ huy lên tiếng:
- Theo tôi, chắc xe tụi nó chạy hướng này rồi!
Ái Lan lắc đầu, tay chỉ con lộ mé trái:
- Đường này xuống Cầu Đất phải không ông?
Một người cảnh sát gật đầu xác nhận. Em nói ngay:.
- Tôi cho rằng, nhất định chúng nó đã chạy theo con đường xuống Cầu Đất đây này. Vì xuống đó, có nhiều xe vận tải khác từ Sài Gòn và Đà Lạt đổ lên mua su su, xe tụi nó dễ trà trộn hơn.
Ông chỉ huy gật đầu:
- Cô bé nói có lý!
Ái Lan đề nghị:
- Bây giờ tôi có ý kiến như thế này! Chia làm hai bọn, mỗi bọn chạy một đường. Các ông đuổi theo con đường bên phải. Tôi theo con đường này xuống thẳng Cầu Đất!
Ông chỉ huy cảnh sát nhìn em vui vẻ nói đùa:
- Vậy nếu bắt gặp tụi nó, một mình cô chộp cổ tụi nó được hết chứ?
Ái Lan nhe bộ răng trắng đẹp cười trừ:
- Đâu có ông! Dại gì mà tôi lại ra đối đầu với chúng nó. Tôi sẽ quay trở lại gọi các ông tới chứ! Thôi, lẹ lên đi các ông! Mình chậm một phút là tụi nó lợi một phút đấy!
Các cảnh sát chưa kịp lên xe, Ái Lan đã cho xe quẹo chạy theo lộ mé trái, thẳng về hướng Cầu Đất.
Đường đi thật tốt, lại vắng xe. Ái Lan phóng lút ga. Và em thầm nghĩ: "Trễ thì trễ, mình cũng phải đuổi kịp trước khi tụi nó chạy đến Cầu Đất. Nếu không thì hư hết! Chắc chắn mình theo đúng đường của tụi nó rồi, còn con đường bên phải toán cảnh sát đang chạy theo, chỉ dẫn vào mấy cái buôn người Thượng."
Nhưng mấy phút kế tiếp, sự tin tưởng trong óc em giảm dần. Xe vespa vẫn bon bon chạy, đầu óc em cứ rối lên khi chợt nhớ lại mấy con đường rẽ ngang bên phải, bên trái em vừa vượt qua.
"Hừ! Biết đâu xe của tụi gian phi lại chẳng quẹo vào đâu đó rồi, thay vì chạy thẳng xuống Cầu Đất!"
Liền đó, em lại tự trả lời để trấn an:
- Nhưng không có lẽ! Chúng đâu có dè là bị đuổi theo. Cho nên, đâu cần rẽ phải rẽ trái làm gì cho thêm mệt với cái xe kềnh càng đó.
Mười lăm phút lại trôi qua. Ái Lan lại càng nghi rằng mình đi lầm đường. Đột nhiên một xe trâu từ phía trước đang thong thả tiến lại. Ái Lan dừng xe, giơ tay hỏi người đánh trâu:
- Ông có gặp một chiếc cam nhông chở đầy đồ đạc: bàn, tủ, giường đồng, ghế sa lông không ông?
Người nông phu "á" lên một tiếng:
- Đúng rồi! Nhà cô dọn đồ đấy hả? Mới chừng hai mươi phút hà! Chà cái tên tài xế đúng là một thằng cha "cô hồn". Chạy xe gì mà như ma đuổi, chút xíu nữa là nó hất xe tôi xuống ruộng đó!
Ái Lan vui vẻ cám ơn người nông dân, lòng mừng khấp khởi:
- À! Với tốc độ này chắc sắp bắt kịp tụi nó rồi đây! Trời ơi! Mong sao cho mình vớ được cái đồng hồ của cụ Doanh kẻo lọt vào tay mấy ông cảnh sát là hỏng hết.
Hai mươi phút lại vun vút trôi nhanh. Ái Lan chăm chú nhìn soi mói tới mút khoảng đường trước mặt.
Em lo ngại tự nhủ:
- Nguy thật! Chúng nó chạy thoát rồi chắc! Nếu không thì ít nhất xe của chúng đã phải xuất hiện trước mặt mình rồi chứ!
Đột nhiên, Ái Lan chợt nhớ lại một quán hàng em mới vượt qua cách chừng non một cây số về phía sau. "Hừ! Biết đâu tụi cướp lại chẳng ghé vào cái quán đó rồi?" Và em quyết định:
- Phải quay lại coi mới được! Hừ! Dễ hiểu lắm! Từ lúc gặp ông nông phu đánh trâu thì có thấy con đường rẽ nào nữa đâu? Mà trước mặt, con lộ hun hút, có thấy bóng dáng chiếc xe nào? Nhất định là tụi nó phải ghé nghỉ trong cái quán đó rồi!
Trời đã xế chiều. Ái Lan nhanh nhẹn trở đầu cho xe quay lại phía quán hàng.
Khu quán hàng có một vẻ gì khả nghi, chung quanh vắng vẻ khiến Ái Lan cảm thấy cần hết sức thận trọng. Xây cất cách xa lề đường có tới hơn hai mươi thước, tường và mái khu nhà lấp ló sau mấy tàng cây rậm. Bên cánh phải gian quán, Ái Lan nhận thấy một dẫy chuồng ngựa và một căn nhà để xe. Vespa tắt máy, ngừng lại rồi mà em vẫn chưa bước xuống.
- Hừ! Trông cái quán này sao ngại quá! Biết làm sao? Dù muốn dù không, cũng phải vào!
Thả lần bước đi vào, Ái Lan đưa nhanh mắt có ý tìm chiếc xe của tụi cướp. Cửa nhà để xe và dẫy chuồng ngựa đóng im ỉm, cũng như cửa một chiếc vựa lớn mà em mới chợt ngó thấy. Ái Lan chợt nghĩ "Chắc tụi gian đã giấu chiếc xe nội trong mấy cái nhà cửa đóng này!"
Rón rén đặt chân lên hàng ba căn nhà chính, Ái Lan bỗng sững người dừng bước: tiếng cười nói rổn rảng vang lên từ phía trong gian quán rộng. Nhẹ như một con mèo, em khom lưng tiến đến một ô cửa sổ để mở, và liếc mắt thật nhanh vào phía trong.
Giữa gian phòng rộng, dưới ánh đèn măng sông lù mù, chung quanh một chiếc bàn tròn lớn trên để đầy vỏ chai rượu và bia không, ba gã đàn ông mặt đỏ gay đang cười cười nói nói om sòm. Đúng là ba tên đã cướp đồ tại nhà ông Phàm.
Chợt thấy mặt ba gã gian phi, suýt nữa Ái Lan buột miệng la lên, nhưng kiềm lại kịp. "Phải quay lại báo cho toán cảnh sát đến ngay mới được!"
Rồi lẹ làng em cúi thấp xuống, lùi lại. Được một quãng khá xa gian quán rộng, Ái Lan cắm đầu chạy. Tới chỗ để vespa, em nhẩy lên yên, để chân lên bàn đạp. Chợt trong đầu em lóe lên một ý nghĩ:
- Chắc chắn chiếc xe cam nhông của tụi này đã được giấu kín trong nhà để xe cửa đóng kia rồi. Mình phải chui vào lục lọi tìm cho ra cái đồng hồ của cụ Doanh mới được. Ừ! Đúng đấy! Nếu không làm lẹ cảnh sát ập tới, họ sẽ không cho mình sục sạo bới tung lên đâu!
Cho xe nổ máy, Ái Lan lái chạy một quãng, quẹo vào một bãi phẳng có nhiều lùm cây rậm. Em giấu kín xe dưới vòm lá, mở thùng xe lấy ra một cái đèn bấm, rồi lần bước mon men tiến đến phía đằng sau ngôi hàng quán.
Màn đêm đã buông xuống tối đen, Ái Lan nhón chân bước nhẹ như mèo. Em vượt qua khoảng vườn của khu nhà, tiến đến gần nhà để xe. Hai cánh cửa lớn chỉ khép kín, không khóa. Ái Lan đưa nhanh tay mở hé, lọt vào trong. Ánh đèn bấm trong tay lóe lên soi rõ... Một chiếc xe du lịch sơn đen, cũ rỉ chỉ đáng đem bán cho hàng đồng nát.
Ái Lan lẩm bẩm:
- Vậy thì chiếc xe cam nhông nhất định là để ở trong cái vựa lớn kia rồi!
Em mò sang bên nhà vựa, đưa tay mở cánh cửa gỗ to tướng. Cánh cửa rất nặng, hé ra từ từ, bản lề sắt lâu không tra dầu mỡ rít lên nghe phát khiếp. Bất giác Ái Lan ngưng tay; quay ngó lên phía trên gian quán, lo lắng, vểnh tay nghe động tĩnh. May quá! Không có triệu chứng gì khác lạ. Vườn và sân vẫn vắng hoe, không nghe một tiếng động. Em lại đưa tay hé thêm cánh cửa nhà vựa, lẻn vào. Ánh sáng đèn bấm lóe lên như một mũi dao sắc xé đôi bóng tối dày đặc trong nhà. Ái Lan chỉ vừa kịp ngăn một tiếng kêu thảng thốt:
- Trời! Chiếc xe của tụi cướp!
Sau hai tiếng "may quá", Ái Lan vội vã khép cánh cửa vựa cho gió khỏi táp làm nó đập vào nhau phát ra tiếng động. Đèn bấm vừa tắt, bóng đêm đã như một tảng khối đen xì úp chụp xuống. Em bật đèn, đưa nhanh tia sáng quét lên toàn thể chiếc xe to lớn. Ái Lan không ngăn nổi một hơi thở dài... thất vọng. Thùng xe mặt sau, ngoài một cái thành gỗ cao tới một mét rưỡi, phía trên lại ken nhiều chấn song như hai cánh cửa ra vào của một căn nhà nhỏ vậy. Ái Lan đưa nhanh tay nắm quả đấm bằng sắt, xoay mạnh và kéo ra: cánh cửa cứng ngắc. Đưa tia đèn bấm soi vào, một cái lỗ ổ khóa hiện ra trước đôi mắt thất vọng của em. Như điên cuồng, Ái Lan la lên khe khẽ:
- Trời đất! Làm sao mở được cái cửa quái ác này đây?
Đưa tia mắt thẫn thờ ngó quanh, Ái Lan cảm thấy như bị lửa đốt khi nghĩ rằng tụi cướp có thể mò xuống bất cứ lúc nào, và nếu chúng bắt gặp em có mặt tại đây... Nhưng, Ái Lan vẫn nhất quyết không chịu bỏ cuộc. Đột nhiên em tự nhủ:
- Có thể tụi này cắm chìa khoá tại chỗ tài xế?
Lật đật vòng về phía trước xe, em leo lên bậc cửa, ngó vào trong bảng xe trước mặt tài xế. Ánh đèn bấm soi rõ từng chiếc kim đồng hồ, từng con số. Không thấy chùm chìa khóa! Giọng em như hết hơi:
- Nguy rồi! Tên lái xe chắc đã đút chìa khóa vào túi áo!
Niềm tuyệt vọng tràn trề lấn tới như muốn nhận chìm trong một cơn sóng lớn. Đột nhiên em chợt nghĩ: "A! Nhiều tay tài xế hay có tật quen đút chìa khóa xuống dưới đệm ghế ngồi". Và em thọc tay lật cái nệm cao su. Dưới ánh đèn loang loáng, chợt lóe lên vật gì bằng kim khí. Tay quơ lẹ, em đưa mắt nhìn chăm chú: Chùm chìa khóa có tới sáu, bảy chiếc xâu vào một chiếc vòng sắt nhỏ:
- Thiệt, mình số hên hết sức!
Dứt lời, em nhẩy xuống đất chạy về phía sau xe. Phải thử đủ sáu bảy chiếc chìa, mới đúng một chiếc vừa lỗ khóa. Cánh cửa xe bật mở, Ái Lan đoán đúng: trong xe, xếp cao sát nóc, toàn là đồ đạc của ông Phạm Văn Phàm.
Ái Lan băn khoăn:
- Đồ đạc xếp kẹt cứng thế kia, làm thế nào mà lục lọi được chứ! Nếu cái đồng hồ lại đút vào một ngăn hộc nào ở dưới cùng kia thì nguy rồi!
Nhưng em cũng leo lên xe, trèo lên một chồng ghế dựa cao sát nóc; vững chân rồi, bấm đèn soi một vòng. Đủ thứ: bàn vuông, bàn tròn, ghế sa lông, ghế dựa, kệ sách, tủ rượu, rương, thùng, màn gió, màn cửa ngổn ngang hỗn độn. Không một cái gì có thể làm cho em hy vọng là cái đồng hồ của cụ Doanh được cả.
Ái Lan vẫn kiên nhẫn chiếu đèn soi từng chút một, nán lại thật lâu nơi những khe, góc kẹt, không bỏ sót một chỗ khả nghi nào. Đột nhiên ánh đèn sáng quắc ngưng thật lâu trên một đống gì lù lù… Bất giác em "á" lên một tiếng, tâm linh máy động khi ánh mắt đụng vào vật gì lớn hơn một cái hộp bánh bích quy một chút, có góc cạnh in hằn cả ra lần chăn len xám phủ kín bên ngoài. Và cái đồ vật gói bằng tấm mền len đó đặt trên kệ một cái tủ "buýt phê", gỗ đen bóng như sừng. Cái đồng hồ của cụ Phạm Tú Doanh? Chẳng biết có phải không?
Ái Lan từ chót vót trên đỉnh chồng ghế cao, bước nhanh xuống một cái mép bàn cạnh đó rồi lao người tới đống chăn len đáng nghi. Áo em móc vào một cái đầu đinh, rách kêu "xoạc" một tiếng. Ái Lan không để ý đến chỗ áo bị móc rách, đưa dài tay với cái đống lù lù đó, túm lấy tất cả mép mền len rồi từ từ kéo về mình. Hai tay run lẩy bẩy, em lật tấm mền. Đúng như lời bà cụ Sáu Riệm đã mô tả: chiếc đồng hồ của cụ Doanh quả thật mặt vuông, phía trên bằng gỗ chạm trổ một cái mặt trời và ba mảnh trăng lưỡi liềm chầu chung quanh.
Ái Lan mê say ngắm cái "kho tàng" mà em đã dày công theo đuổi. Đột nhiên bên tai em vẳng lên tiếng người nói từ phía ngoài vọng vào. Hết hồn em lẩm bẩm:
- Chết, nguy rồi!
Ôm chặt chiếc đồng hồ vào ngực, Ái Lan dẫm bừa lên đống đồ đạc ngổn ngang, nhắm mắt bước liều, lòng không hy vọng gì chạy thoát. Em rợn người không dám nghĩ đến chuyện mình sẽ ra sao, nếu bị tụi cướp bắt được lần này nữa. Ra tới mép sau xe, em nhảy lẹ xuống đất. Bên ngoài, tiếng chân bước nặng nề nghe đã gần lắm. Thật lẹ tay, em khép nhanh hai cánh cửa phía hậu và định khóa lại như cũ. Chùm chìa khóa đã biến mất.
- Trời ơi! Xâu chìa khóa đâu mất tiêu rồi! Không tìm thấy là nguy!
Quả thật! Hai cánh cửa hậu chỉ chịu nằm khít vào nhau khi được khóa cẩn thận, nếu không, cứ bung ra. Và tụi cướp trông thấy, sẽ sinh nghi ngay. May sao, khi ngó xuống, Ái Lan thấy chùm chìa khóa nằm ngay trên mặt đất. Lật đật lượm lên, em lùa ngay một chiếc vào ổ, may sao lại đúng chiếc của nó. Hai cánh cửa lại ngoan ngoãn nằm im ở vị trí trước cái xoay mạnh tay của Ái Lan. Nói thì lâu nhưng tất cả mấy việc đó hoàn toàn nội có mấy giây đồng hồ.
Vừa kịp, lúc này bên ngoài đã vang lên rõ rệt tiếng nói giận dữ của mấy tên gian phi. Chúng cãi nhau ỏm tỏi, và một thằng kéo mạnh cánh cửa vựa.
Con đường rút lui độc nhất bị án ngữ, Ái Lan có cảm giác đã sa vào bẫy rập của chúng. Em thảng thốt rùng mình, khẽ nói:
- Nguy quá! Làm sao bây giờ?
@by txiuqw4