Lau ngấn lệ đọng trên má, Lý Băng Ngọc rầu rĩ:
– Không! Tôi chỉ có...
Tiểu Phong thấy trang hồng phấn xinh đẹp tuyệt trần ấy mặt u buồn thì dạ nát tan. Chàng không dè nổi, sóng tình làm quả tim rạn nứt vì yêu nên lại hỏi:
– Sao nàng khóc? Sao cô nương không nói?
– Chẳng qua vì một việc không được như ý muốn của mình đó thôi.
Tiểu Phong vội hỏi:
– Cô nương lấy làm hối hận vì đã cứu tôi?
– Không! Cái đó cũng chỉ có phần nào.
– Bởi vì tôi đã giết chết Ngũ Hồ Du Khách?
– Không!
– Thế thì tại sao?
Mỉm môi cười một nụ khô héo, nàng nói:
– Tâm sự chôn chặt tận đáy lòng, dầu cạy răng cũng không thề tỏ bày với người khác!
– À!
Chỉ «à» một tiếng rồi nín câm, Tiểu Phong không làm sao đoán thấu nổi tâm sự của Lý Băng Ngọc. Chỉ vì khi chàng đã hiểu thấu thì tình yêu sẽ vò xé quả tim non tha thiết của nàng.
Ngoài sơn động lá rơi lác đác. Trong sơn động một trai lại côi cút, một gái lẻ loi. Hoàn cảnh ấy dễ khiến cho nội tâm của chàng và nàng nảy yêu đương.
Do đó...
Ngọn lửa ái tình vùi dập trong cõi lòng cháy bừng lên trong tâm tư của Tiểu Phong!
Chàng đắm nhìn trang giai nhân tuyệt sắc. Trước mắt hồi lâu, trái tim của chàng sôi nổi kịch liệt.
Nàng cũng say sưa ngây ngất như biểu lộ!
Hạng thiếu nữ bảo thủ điển hình ấy, cảm tình sánh với bất cứ một hạng thiếu nữ nào khác, cũng sâu xa mãnh liệt hơn nhiều. Chẳng qua cửa lòng của họ đóng kín một cách hết sức chặt chẽ, không để mấy ai đi sâu được vào trong.
Nàng đã chiếm đoạt được hình ảnh của một thanh niên nào rồi trước rung cảm của con tim thì người ấy phải là bạn đời duy nhứt không thể để cho một người con gái thứ hai nào xen vào san sẻ tình yêu của thanh niên ấy nữa. Chẳng vậy thì nàng cam lòng chịu đau đớn suốt cả đời mình. Mà nàng lại cũng không chịu tranh giành tình yêu với bất cứ một thiếu nữ nào khác. Lý Băng Ngọc thuộc vào hàng thiếu nữ ấy. Nàng không thể để cho người bạn tâm tưởng của mình yêu đương một người con gái thứ hai, chẳng hạn là người nào. Trong mắt nàng không chịu nổi bột cát ấy lợn cợn thì nhứt định nàng cũng không thể nào chịu nổi trong suốt đời chàng còn có một người đàn bà thứ hai đến sau nàng, san sớt tình yêu của người đàn ông đã ngự trị lòng nàng.
Tiểu Phong thất kinh một hồi ngập ngừng ra miệng:
– Nàng nàng đánh tôi?
Lý Băng Ngọc cũng sực tỉnh mộng hãi hùng. Nàng vụt bật người ngồi dậy, quát hỏi:
– Tiểu Phong, tại sao ngươi dám hôn ta?
Chàng nhìn vào gương mặt lành lạnh như băng sương của Lý Băng Ngọc, bất giác ớn lạnh cả người. Chàng lính quýnh nói không thành câu:
– Bởi vì... Bởi vì...
– Bởi vì ngươi khinh dể ta?
– Không... không phải.
– Thế thì người yêu ta à?
– Đúng vậy! Tôi yêu nàng!
Lý Băng Ngọc cười gay gắt, nói:
– Người yêu ta là để trả ơn?
– Không...
– Thế thì ngươi đùa ta chớ chi?
Tiểu Phong cúi đấu ngó xuống, âm thầm nói:
– Tôi yêu nàng là tự nội tâm phát ra.
Lý Băng Ngọc lảnh lảnh nói tiếp:
– Ngươi đã đem tình yêu hiến nạp cho Bạch Cơ!
Tiểu Phong xửng vửng cả người gục đầu im lặng.
Trái tim se thắt, Lý Băng Ngọc làm thinh, cổ họng nghẹn ngào gần bật thành tiếng khóc rống:
– Ngươi làm sao đối với Bạch Cơ? Nàng là vợ ngươi! Ngươi không được phụ tình nàng!
Ngừng lại một chút Lý Băng Ngọc nghiến chặt hai hàm răng ngà cốt giọng nói dứt khoát một câu:
– Tiểu Phong, ta chẳng yêu ngươi.
Câu nói tự dối lòng mình ấy như một lưỡi kiếm sắc bén đâm lủng quả tim nàng. Lý Băng Ngọc không đè nén nổi khích động, hai hàng lệ ngọc tuông xuống như mưa. Quay nhanh người nàng chạy vụt ra ngoài cửa sơn động.
Tiểu Phong không ngờ mình hành động lỗ mãng trong một lúc lửa lòng bừng cháy để đến nỗi thương tổn quả tim của một thiếu nữ thuần khiết tuyệt vời nên càng ân hận bao nhiêu tình thương lại càng sâu sắc bấy nhiêu. Lý Băng Ngọc đột nhiên bỏ chạy, khiến Tiểu Phong không can đảm nào chịu nổi sự cắn rứt của lương tâm, chàng gấp rút kêu to:
– Lý cô nương!
Nghe chàng gọi giựt ngược, nàng vội ngừng bước đứng lại. Nhưng nàng không quay mặt vì sợ Tiểu Phong trông thấy ngấn lệ doanh tròng của mình. Nàng chỉ cất tiếng nhạt nhẽo hỏi:
– Lê tướng công hỏi điều chi?
Tiểu Phong cứ ấp úng ngập ngừng, mở miệng mà không nói được nên lời.
Lý Băng Ngọc lại hỏi dồn:
– Lê tướng công! Thương tích của chàng bớt nhiều rồi, không đáng lấy chi làm lo sợ cả. Thôi tôi đi nhé!
Tiểu Phong Lê lên:
– Khoan... khoan đi đã... không phải vì vết thương của tôi! Tôi thật tình, tôi không biết giãi bày thế nào để nàng hiểu thấu nỗi lòng của tôi!
– Vì sao?
– Vì tôi quá yêu nàng! Trong lúc bồng bột, tôi lỡ làm hoen ố sự thuần khiết của nàng. Nàng hết sức cao quí, tôn nghiêm! Tiểu Phong nầy mà không được nàng nghĩ tình thì suốt đời tôi không lúc nào quên được câu chuyện xấu hổ hôm nay! Tôi đau khổ cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng.
– Hiện tại, chàng đã hối hận!
– Thật đúng như vậy. Tôi không được có hành động càn rỡ ấy. Tôi vẫn không biết là nàng chẳng hề yêu tôi.
Lý Băng Ngọc thở ra:
– Việc trót lỡ lầm chẳng nhắc lại làm chi. Chỉ mong hai ta cố quên câu chuyện này, xem là một cơn mộng ảo. Thôi chàng hãy về yêu đương người vợ đang mong chờ, đừng bước thêm vào con đường lỗi lầm đau khổ.
Dứt tiếng, nàng lại cất bước sạt sạt trên mặt đá của cụm rừng hoang...
Chẳng qua Lý Băng Ngọc không thể nói câu nào khác hơn trước mắt Tiểu Phong. Bởi vì bổn phận của nàng không cho phép nàng biểu lộ tình yêu đường đột với một thiếu niên. Nó là nhược điểm của hạng thiếu nữ bảo thủ điển hình như nàng:
âm thầm yêu để âm thầm chịu đau khổ... Nhược điểm ấy đã khiến cho vô số thiếu nữ bị đánh mất cả hạnh phúc suốt đời!
Tiểu Phong đứng ngẩn ngơ sờ sững như si như ngây... Chàng không chịu nổi sự thống khổ đang vò xé lòng mình. Chàng như một người có xác mất hồn.
Tiểu Phong làm sao biết đặng ý Lý Băng Ngọc chan hòa nước mắt ra đi.
Trái tim nàng đã rịn máu. Thật thế! Lý Băng Ngọc khóc ngoài mí mắt, khóc tận đáy lòng. Nàng xa rời người nàng thầm yêu mang theo mình một vết thương lòng không đời kiếp nào lành được. Nguyên nhơn vì sao, sợ e chính nàng cũng không tìm hiểu nổi. Nàng buông nhẹ những tiếng nói tỉ tê gợi theo cơn gió lạnh:
– Lê tướng công! Em yêu chàng không bút mực nào tả hết, dầu cho biển cạn non mòn, tình chàng mãi mãi vẫn không phai lợt trong tim em... Có điều làm sao em tiếp nhận được tình yêu của chàng?
Với một nhân tố nhỏ ấy cũng đã tạo thành nguyên cớ để cho Lý Băng Ngọc không dám yêu Tiểu Phong. Mà Tiểu Phong thì cho là nàng chẳng yêu mình.
Trong những lá rừng bay rơi lộp độp, bóng hình của nàng mỗi lúc mỗi xa mờ... rồi mất hút...
Nhìn khắp bốn bề cảnh vật lạnh tanh, bất giác chàng sẽ thở ra.
Sơn cốc im lặng! Lêù rụng bay vèo!
Thêm vào khung cảnh ấy một cụm rừng hoang vắng vẻ, phải chăng đây là một hiện thực tượng trưng cho cuộc đời tẻ ngắt cua Tiểu Phong?
Bỗng nhiên chàng nghĩ đến lữ trình của con người sanh trên trần thế phải gặp lắm nỗi vất vả ê chề, đau thương chán ngán, đến tám chín phần mười là chuyện trái ngang. Đầu óc quay cuồng, lý trí bảo cho chàng biết:
“Tiểu Phong ôi!
Mi hãy quên việc bất hạnh ấy đi... Những công việc của mi cần phải làm cho xong còn nhiều lắm.”.
Nghĩ như vậy xong, chàng nghe cõi lòng có phần cởi mở. Liền đó chàng bắn mình bay vút ra ngoài cụm rừng xanh!
Nhưng đúng lúc thân hình chàng vừa bay thẳng tới, chợt nghe phía sau lưng chàng có tiếng hét vang:
– Tiểu Phong! Đứng lại!
Tâm tình của chàng còn đang trầm trọng dị thường đột nhiên nghe có người quát to chàng không khỏi giựt mình thất kinh, vội dừng hẳn lại. Chàng không ngờ trong cụm rừng xanh hoang vắng nầy lại vẫn có người. Chàng liền quay mặt lại nhìn xem. Thoạt thấy xa xa có bóng một người đang mở hết tốc lực khinh công chạy về phía chàng.
Đến gần, chàng nhận ra người ấy chính là chú ruột của chàng là Ngoạn Huyết Nhơn Lê Tín. Tiểu Phong sững sờ, buột miệng gọi to:
– Chú!
Ngoạn Huyết Nhơn chạy thẳng đến trước mặt Tiểu Phong. Trông vào gương mặt của ông ta, bỗng nhiên chàng sợ hãi rợn hồ. Nhưng Ngoạn Huyết Nhơn chẳng biểu lộ một vẻ chi khác lạ cả.
Tiểu Phong thối lui ra sau một bước, Ngoạn Huyết Nhơn cất tiếng nói lanh lảnh:
– Ta tìm mi trọn hai ngày trời không ngờ mi ở tại đây!
Trái tim hồi hộp chàng hỏi lại:
– Tìm tôi?
– Đúng vậy!
Ngừng hơi một chút, Ngoạn Huyết Nhơn lại nói tiếp:
– Chính mi đã giết Ngũ Hồ Du Khách?
– Thưa chú, không sai!
Biến sắc hoảng kinh Ngoạn Huyết Nhơn nói:
– Ngũ Hồ Du Khách tội chi đáng chết?
Tiểu Phong hối hả trả lời:
– Thưa chú! Chính Ngũ Hồ Du Khách đã hạ sát một nhà tám mạng của chú Lê Trung mà.
– Thế nào?
Ngoạn Huyết Nhơn nghe Tiểu Phong nói giựt mình hoảng sợ. Ông ta bất giác thối lui liền hai bước, run rẩy hỏi:
– Bị Ngũ Hồ Du Khách giết...
– Thật vậy, không sai!
Tiểu Phong giết chết Ngũ Hồ Du Khách, hiện thời làm rúng sợ toàn thể nhơn vật trong chốn giang hồ, chẳng một cao thủ nào nghe đến mà không bay hồn, táng đởm... Ai nấy biết Tiểu Phong là ma tinh khát máu chớ chẳng người nào hiểu rõ nguyên nhân về cái chết của Ngũ Hồ Du Khách, giáo chủ của Liên Giáo!
Đến nay chính tai Ngoạn Huyết Nhơn nghe nói đến, ông ta không khỏi hãi kinh. Bởi vì danh vọng của Ngũ Hồ Du Khách không thể nào đóng vai hung thủ tàn sát một nhà tám mạng của Lê Trung. Có điều Ngoạn Huyết Nhơn là một người cực kỳ thông minh. Ông ta nhận ra lời chàng rất có lý. Vốn không oán thù riêng tư chi với Ngũ Hồ Dụ Khách nếu không vì một lý do chánh đáng, chắc chắn là chàng không giết chết hắn để gây công phẫn cùng mười sáu môn phái võ lâm hợp thành tổ chức tối cao Liên Giáo làm chi! Ngẫm nghĩ lẽ ấy Ngoạn Huyết Nhơn bèn hỏi:
– Cháu nói thật?
– Thật vậy! Không thì cháu đâu giết hắn?
Hơi gật đầu, Ngoạn Huyết Nhơn hỏi:
– Cháu làm sao khôi phục võ công?
Tiểu Phong bèn đem quá trình khôi phục võ công của mình thuật lại cho Ngoạn Huyết Nhơn nghe.
Ngoạn Huyết Nhơn nghe hết đầu đuôi câu chuyện, lại nói tiếp:
– À! Đó là ý Trời, sức người không cản nổi. Quả như thế mới là ma tinh trong chốn giang hồ.
Tiểu Phong gay gắt hỏi lại:
– Nói như chú thì cháu không được trả thù cho một nhà tám mạng của chú Lê Trung chăng?
– Thù thì lẽ đương nhiên phải trả...
– Thế thì sao chú không vui mừng lại còn có ý trách cháu?
Thở dài một hơi, Ngoạn Huyết Nhơn Lê Tín nói:
– Cháu không nghĩ đến hậu quả sau cái chết của Ngũ Hồ Du Khách sao?
– Hậu quả ra sao?
Ngoạn Huyết Nhơn Lê Tín nói:
– Việc cháu làm gây rúng động khắp chốn giang hồ hải kinh. Không so sánh Ngũ Hồ Du Khách với kẻ thường đặng. Hắn có mười sáu môn phái làm hậu thuẫn. Hiện tại vì lý do Ngũ Hồ Du Khách bị giết đương khi còn tại nhiệm nên mười sáu Chưởng môn đều giận dữ...
Tiểu Phong cướp lời:
– Tôi phải sợ bọn chúng mới được sao? Đạo lý nào cho phép kẻ có danh vọng thế lực có quyền giết người mà người khác không quyền trả thù?
Ngoạn Huyết Nhơn Lê Tín nói:
– Từ xưa đến nay, kẻ tự kiêu là bại vong, cháu hãy ghi nhớ câu ấy vào lòng.
Ngũ Hồ Du Khách giết một nhà tám mạng của Lê Trung thì cháu tìm hắn trả thù, người khác cũng tìm cháu trả thù cho hắn...
– Không thể nói như vậy được.
– Có điều mười sáu Chưởng môn đều làm như vậy đó. Cháu làm cái việc trả thù vội vã ấy thật là bất trí. Chẳng những cháu không khác một thớt cây đứng giữa bao cơn gió dữ mà công việc của cháu dầu có chánh đáng đi nữa cũng chưa một ai hay biết. Người ta cho biết cháu là đồ sát môn hạ của Liên Giáo đến mấy trăm mạng, giết chết Giáo chủ của Liên Giáo chớ nào biết được cháu trả thù một nhà tám mạng Lê Trung?
@by txiuqw4