Đang nói bấy giờ viên đại thần đến dưới điện của Phương Lạp xin cầm quân đi giao chiến với quân Tống không ai khác mà là chính phò mã đô uý Kha Dẫn. Phương Lạp vui mừng khôn xiết, liền chuẩn cho Kha phò mã đem quân đi chặn địch, Kha phò mã khoác giáp lên ngựa, cùng với Vân Bích phụng uý đưa quân ra đi. Phương Lạp tự tay cởi áo gấm giáp sắt, lại chọn một con ngựa nòi ban cho Kha Dẫn.
Kha phò mã cùng Phương Kiệt dẫn hai mươi viên thượng tướng, một vạn quân ngự lâm và quân bảo vệ ra ngoài động Bang Nguyên dàn thành trận thế.
Lại nói người ngựa của Tống Giang vây chặt cửa động, các lối ra vào đều có các tướng đốc suất canh giữ. Tống Giang đứng ở trung quân bồn chồn lo lắng, thấy quân mình đã áp sát cửa động, mà chưa bắt được Phương Lạp, cũng chưa thấy quân nam ra đánh. Đang lúc ấy có tên lính ở tiền quân đến báo tin quân mã trong động đang kéo ra. Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa vội lên ngựa cho quân tiến. Dàn xong trận thế thì vừa lúc phò mã Kha Dẫn đem quân đến. Bên quân Tống Giang ai là người chẳng nhận ra Sài Tiến? Tống Giang bèn lệnh cho Hoa Vinh phi ngựa lên nghênh chiến. Hoa Vinh đượdc lệnh liền cắp thương nhẩy lên ngựa xông lên trước trận, cất giọng quát to:
- Ngươi là kẻ nào mà dám giúp sức cho giặc chống lại đại quân ta? Phải bắt sống ngươi, băm thây làm muôn mảnh! Hãy mau xuống ngựa đầu hàng, sẽ tha cho ngươi tội chết!
Phò mã Kha Dẫn đáp:
- Khắp đất Sơn Đông ai còn lạ gì đại danh ta là Kha Dẫn? Các ngươi là giặc cỏ Lương Sơn Bạc không đáng để ta đếm xỉa tới! Phải chăng ngươi cho ta không tài giỏi bằng ngươi? Ta phải giết bọn ngươi, thu phục các thành trì đã mất!
Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa ngồi trên ngựa, nghe Sài Tiến nói thì hiểu ý Sài Tiến đã đổi họ tên là Kha Dẫn. Sài cũng tức là Kha (nghĩa là cành củi), Tiến cũng là Dẫn. Ngô Dụng nói:
- Để xem Sài Tiến đón đánh Hoa Vinh như thế nào?
Bấy giờ Hoa Vinh cắp thương nhẩy lên ngựa xông đến đánh Kha Dẫn, hai người trổ tài giao chiến, đao kích cùng vung lên. Hai người đánh đến lúc hăng, lăn xả vào níu nhau. Sài Tiến khẻ nói: « Đại huynh hãy giả vờ thua, ngày mai đệ sẽ nói tiếp ». Hoa Vinh nghe xong đánh lướt thêm vài hiệp, rồi quay ngựa chạy. Kha Dẫn quát to:
- Tướng giặc kia! Ta không thèm đuổi. Có tướng nào giỏi hơn cứ ra đây đọ tài với ta.
Hoa vinh phi ngựa chạy về thuật lại với Tống Giang và Lư Tuấn Nghĩa. Ngô Dụng nói:
- Cho Quan Thắng ra đánh tiếp.
Quan Thắng liền vung cây đao thanh long yển nguyệt, thúc ngựa ra trước trận, quát lớn:
- Tướng nhép Sơn Đông có dám đối địch với ta?
Phò mã Kha Dẫn nâng thương xông ngựa đón đánh. Hai tướng đua tài không chút khiếp sợ. Đánh chưa đầy năm hiệp, Quan Thắng vờ thua quay về trận nhà. Kha Dẫn không đuổi, chỉ dừng trước trận quát lớn:
- Các ngươi còn tướng nào dám đọ sức với ta?
Tống Giang lại sai Chu Đồng ra trận. Hai người lao vào đánh, chỉ cốt để che mắt mọi người, được dăm sáu hiệp, Chu Đồng đã vờ thua bỏ chạy. Sài Tiến đuổi theo, giơ thương đâm hờ một mũi, Chu Đồng vội nhảy xuống, bỏ ngựa chạy về phía quân mình. Quân nam ùa tới cướp ngựa. Phò mã Kha Dẫn quân ào lên đuổi đánh. Tống Giang vội truyền lệnh cho các tướng đem quân lui xa hơn mười dặm đóng trại nghỉ ngơi. Kha Dẫn cho đuổi theo một quãng, rồi thu quân về động. Trước đó đã có người về báo cho Phương Lạp biết: « Phò mã Kha Dẫn thật anh hùng, liên tiếp đánh thắng ba tướng, đuổi lui quân Tống. Bọn Tống Giang thua trận đã phải lui mười dặm ». Phương Lạp cả mừng, sai bày ngự yến để khoản đãi. Phương Lạp mời phò mã Kha Dẫn cởi giáp treo áo để vào hậu cung dự tiệc. Phương Lạp tự tay nâng chén vàng mời Kha Dẫn:
- Không ngờ phò mã văn võ kiêm toàn! Quả nhân nghĩ hiền tế chỉ có tài văn chương chữ nghĩa, nếu sớm biết hiền tế hào kiệt anh hùng thì đâu đến nỗi để mất nhiều châu quận! Mong phò mã đem tài cao giết hết tướng giặc, khôi phục cơ nghiệp, triều đình. Phò mã sẽ cùng ta chung hưởng vinh hoa phú quý.
Kha Dẫn tâu đáp:
- Xin chúa thượng yên lòng. Đạo làm tôi phải hết lòng báo đền ơn chúa, chung sức khôi phục vương gia. Ngày mai kính xin thánh thượng quá bộ lên núi xem Kha Dẫn này chém đầu Tống Giang.
Phương Lạp nghe tâu cả mừng. Yến tiệc kéo dài suốt đêm, rồi đó ai nấy về nghỉ ngơi.
Ngày hôm sau, Phương Lạp ngự triều, sai mổ bò giết ngựa nấu cơm cho quân sĩ ăn uống no say. Sau đó, các tướng quân nam mặc giáp lên ngựa, đem quân ra khỏi động, phất cờ gióng trống hò reo khiêu chiến. Phương Lạp dẫn các cận thần lên đỉnh núi trên động Bang Nguyên xem Kha phò mã đánh lui quân Tống.
Lại nói hôm ấy Tống Giang truyền lệnh cho các tướng:
- Trong trận đánh quyết liệt hôm nay, các tướng đều phải cố sức bắt sống tên đầu sỏ Phương Lạp. Hễ thấy Sài Tiến ở bên trận quân nam quay ngựa bỏ chạy thì đuổi theo vào động, bắt cho được Phương Lạp, không được để lỡ.
Ba quân tướng sĩ nghe lệnh đều xoa tay tuốt kiếm những muốn xông ngay vào động cướp vàng bạc, bắt sống Phương Lạp để lĩnh thưởng. Bấy giờ các tướng của Tống Giang đã đến trước động cho quân mã dàn thành trận thế.
Bên trận quân nam, phò mã Kha Dẫn đứng dưới cờ. Kha Dẫn sắp xuất trận thì Phương Kiệt nâng ngang ngọn kích, dừng ngựa nói:
- Xin đô uý hãy buông cương xem Phương Kiệt tôi lấy đầu một tên tướng Tống trước đã, sau đó đô uý hãy cho quân ra đối địch.
Từ xa trông thấy Yến Thanh theo sau Sài Tiến, các tướng bên quân Tống reo mừng:
- Hôm nay thế nào cũng thắng!
Nói đoạn ai nấy đều chia đi chuẩn bị trận đánh.
Nói tiếp chuyện Phương Kiệt tranh phóng ngựa ra khiêu chiến. Bên quân Tống Giang, Quan Thắng thúc ngựa múa đao thanh long tiến ra đón đầu. Hai tướng cho ngựa lao vào giao chiến, qua lại quần lộn với nhau chưa được mười hiệp thì Tống Giang sai tiếp Hoa Vinh ra trận. Phương Kiệt một mình bị hai tướng xáp đánh, nhưng không chút sợ hãi, ra sức chống đỡ cả hai. Lại đánh thêm vài hiệp nữa, tuy thắng bại chưa hẳn đã nghiêng về bên nào, nhưng xem chừng Phương Kiệt cũng chỉ đủ sức tránh đỡ. Tống Giang liền sai bọn Lý Ứng, Chu Đồng phóng ngựa đến trợ chiến. Phương Kiệt bị bốn tướng vây đánh, đành quay ngựa chạy về. Kha phò mã đang đứng dưới cờ tướng, chận Phương Kiệt lại, rồi vẫy tay ra hiệu. Bọn bốn tướng Quan Thắng, Hoa Vinh, Chu Đồng, Lý Ứng liền đuổi sát tới. Đúng lúc đó, Kha phò mã chĩa mũi giáo xông thẳng vào Phương Kiệt, Phương Kiệt thấy tình thế nguy ngập, vội xuống ngựa chạy trốn, nhưng chưa kịp trở tay đã bị Sài Tiến đâm trúng một mũi thương. Từ phía sau Văn phụng uý Yến Thanh đuổi tới xả một nhát đao kết liễu đời hắn. Quân nam thấy vậy kinh sợ, xô nhau chạy trốn. Kha phò mã nói:
- Ta chẳng phải Kha Dẫn nào hết! Chính ta là Tiểu toàn phong Sài Tiến, thuộc hạ của Tống tiên phong. Văn phụng uý đi theo ta đây chính là lãng tử Yến Thanh. Nay chúng ta đã biết hết tình thế của giặc cả trong lẫn ngoài động, quân sĩ các ngươi ai bắt sống được Phương Lạp sẽ được thưởng chức quan cao, xe đưa ngựa đón. Các ngươi đầu hàng sẽ được tha chết. Ai chống cự xử trảm toàn gia!
Sài Tiến nói đoạn quay lại cùng bốn tướng dẫn đại quân tiến vào trong động. Phương Lạp cùng bọn cận thần đứng đầu núi trên động Bang Nguyên thấy quân Tống đã giết Phương Kiệt, ba quân rối loạn, biết tình thế nguy cấp, vội đạp đổ chiếc ghế kim giao, nhắm hướng núi sâu mà chạy.
Tống Giang chia quân người ngựa thành năm ngã tiến vào động. Quân sĩ, tranh nhau tiến trước để bắt Phương Lạp, chẳng ngờ Phương Lạp đã trốn mất, chỉ bắt được mấy tên hầu cận. Yến Thanh chen vào trong động, đem theo mấy người tâm phúc, đến chỗ kho báu thu được hai tay nải đồ vàng bạc châu báu, rồi châm lửa đốt cung cấm, vườn tược. Khi Sài Tiến đến thì Kim Chi công chúa đã thắt cổ tự tử. Sài Tiến thấy vậy liền châm lửa đốt cung, còn bọn thị nữ, người hầu thì cho tự tìm đường kiếm sống. Quân sĩ tràn vào nội cung giết hết phi tần thế nữ, hoàng thân quốc thích cùng bọn ngự lâm thị vệ, đoạt lấy vàng bạc trong cung riêng của Phương Lạp. Tống Giang tung hết quân tướng sục sạo khắp nơi tìm bắt Phương Lạp.
Lại nói Nguyễn Tiểu Thất vào thâm cung trong vườn cấm tìm thấy một chiếc rương, chính là chiếc rương của Phương Lạp đựng mũ bình thiên, áo long cổn, đai bích ngọc, ngọc bạch khuê, giày vô vưu, đều là những thứ do Phương Lạp nguỵ tạo. Nguyễn Tiểu Thất thấy mũ áo đính đầy vàng bạc châu ngọc, thêu hình rồng phượng, nghĩ bụng: « Những thứ này là áo mũ của Phương Lạp, ta cứ thử mặc, thử đội mũ cũng chẳng can gì ». Nói đoạn mặc áo long cổn, đeo đai ngọc, chân xỏ giày vô vưu, đầu đội mũ bình thiên, cài ngọc bạch khuê vào ngực áo rồi nhẩy lên ngựa, gia roi cho ngựa chạy ra đằng trước. Quân Tống Giang trông thấy đều tưởng đó là Phương Lạp, khắp nơi xôn xao náo động. Nhưng khi đám đông chen nhau đến xem mới biết đó là Nguyễn Tiểu Thất. Mọi người được một phen cười rộ. Nguyễn Tiểu Thất chỉ muốn làm trò đùa cho vui, cứ phi ngựa khắp nơi xem quân sĩ tranh cướp của cải. Đang lúc huyên náo thì hai viên đại tướng là Vương Lẫm và Triệu Đàm được Đồng khu mật phái tới trợ chiến vừa vào trong động.
Nghe ba quân đồn đại là đã bắt được Phương Lạp, Vương Lẫm và Triệu Đàm muốn nhanh chân cướp công, hoá ra lại là Nguyễn Tiểu Thất mặc áo đội mũ của Phương Lạp đang đứng cười khoái trá. Vương Lẫm, Triệu Đàm thấy vậy mắng rằng:
- Ngươi muốn bắt chước Phương Lạp làm giặc chăng?
Nguyễn Tiểu Thất cả giận, chỉ vào Vương Lẫm và Triệu Đàm mà mắng:
- Bọn bay là thá gì? Nếu không có huynh trưởng Tống Công Minh của chúng ta thì hai cái đầu lừa của bọn bay cũng đã bị Phương lạp cho đứt từ lâu rồi. Hôm nay anh em các tướng bọn ta lập được công lớn, bọn bay từ đâu đến đây mà dám nói láo? Triều đình chẳng biết lại cho là nhờ có bọn bay đến giúp sức mới nên công.
Vương Lẫm, Triệu Đàm cả giận xông vào gây sự với Nguyễn Tiểu Thất. Tiểu Thất liền giằng lấy ngọn giáo trong tay một viên tiểu hiệu chạy đến đâm Vương Lẫm. Hồ Diên Chước trông thấy vội phóng ngựa đến can ngăn, rồi sai quân hầu đi báo cho Tống Giang biết. Tống Giang, Ngô Dụng phóng ngựa tới nơi thấy Nguyễn Tiểu Thất đang mặc ngự bào của Phương Lạp, hai người xuống ngựa, bắt Nguyễn Tiểu Thất cởi áo mũ, rồi chuyện trò khuyên giải với hai tướng triều đình. Vương Lẫm, Triệu Đàm tuy nghe lời Tống Giang, nhưng trong lòng vẫn căm tức.
Ngày hôm sau trong động Bang Nguyên, thây chất thành đống, máu chảy thành sông. Theo sử Cương Giám của nhà Tống thì quân Phương Lạp bị chém hơn hai vạn đầu. Bấy giờ Tống Giang hạ lệnh cho bốn phía đều nổi lửa đốt trụi lâu đài cung điện của Phương Lạp. Những lầu rồng gác phượng, cung kín vườn sâu, hiên son cửa ngọc, thảy đều thành tro bụi. Có thơ làm chứng như sau:
Hoàng óc chu hiện bán nhập vân
Đô cao bạn huyết tự hân hân
Nhược hoàn thiên ý dung xa xỉ
Quỳnh thất A Phòng khả bất phân.
Dịch:
Gác tía lầu vàng vút tận mây
Đầu rơi máu chảy vẫn vui say
Ví bằng trời đất dung xa xỉ
Cung ngọc A Phòng chẳng cháy lây
(A Phòng - tên cung điện đời Tần Thuỷ Hoàng, quy mô to lớn tráng lệ, mỗi chiều đến hơn năm mươi trượng, có thể ngồi được cả vạn người, sau bị cháy.)
Bấy giờ Tống Giang cùng các tướng chứng kiến việc thiêu huỷ cung điện, sau đó dẫn quân ra đóng trại ở chung quanh cửa động. Kiểm số giặc bị bắt, chỉ thiếu một mình đầu sỏ Phương Lạp. Tống Giang bèn truyền lệnh sai quân theo núi truy tìm. Cáo thị cho dân chúng biết ai bắt được Phương Lạp triều đình sẽ trọng thưởng, ban chức quan to, ai biết đến báo được cấp ngay tiền thưởng.
Lại nói Phương Lạp ra khỏi động Bang Nguyên nhắm phía rừng sâu, xuyên đèo vượt núi mà chạy, vứt hết hoàng bải, khăn chít kim hoa, giầy thiết triều, chỉ kịp đi giầy cỏ trốn lên núi. Suốt đêm Phương Lạp trèo qua được năm quả núi, khi đến gần thì thấy một ngôi thảo am trong hẻm núi. Phương Lạp thấy đói cồn cào, định vào am lục tìm thức ăn. Bỗng phía sau gốc thông xuất hiện một vị hoà thượng to béo. Nhanh như cắt vị hoà thượng ấy phang một gậy làm Phương Lạp ngã lăn, rồi xông đến trói gô lại. Vị hoà thượng ấy không phải ai xa lạ mà chính là hoà thượng Lỗ Trí Thâm. Lỗ Trí Thâm liền điệu Phương Lạp vào trong am, rồi lục lạo tìm cơm ăn. Một lúc sau Lỗ Trí Thâm gặp một tên quân nhà đang được lệnh đi lùng bắt Phương Lạp, hai người cùng giải Phương Lạp đến nộp cho Tống tiên phong.
Tống Giang cả mừng nói:
- Sao hiền đệ biết hắn chạy đến đó mà đón bắt?
Lỗ Trí Thâm đáp:
- Đệ từ rừng thông ở đèo Ô Long đánh xuống, đuổi sâu vào trong núi để bắt Hạ Hầu Thành. Bọn này chống cự rất hăng, đệ đuổi sâu vào trong núi nên bị lạc. Đệ lần mò tìm đường đến núi Lâm Lang. Một thầy tăng già dẫn đệ vào trong am rồi dặn rằng: « Củi, gạo, rau, dưa đều sẵn cả, tướng quân cứ ở đây mà chờ. Hễ thấy kẻ cao lớn từ trong rừng thông tìm đến thì trói bắt ngay. » Đêm ấy thấy trên núi phía trước có ánh lửa, đệ rình đợi suốt đêm, muốn lên đó nhưng không biết đường. Sáng nay vừa văn thấy tên giặc này mò lên núi, đệ chỉ phang một gậy là bắt sống được. Thật không ngờ hắn lại chính là tên Phương Lạp!
Tống Giang lại hỏi:
- Vị sư già ấy hiện giờ ở đâu?
Lỗ Trí Thâm đáp:
- Lão tăng dẫn đệ vào am, chỉ chỗ để gạo, củi rồi đi ngay, không biết đi đâu?
Tống Giang nói:
- Lão tăng ấy hẳn là vị La Hán hiển linh giúp hiền đệ lập công lớn đấy! Khi về kinh ta sẽ tâu lên triều đình xin thiên tử cho người hoàn tục làm quan để vợ con được nhờ phúc ấm, báo đáp cha mẹ, rạng rỡ tổ tiên.
Lỗ Trí Thâm đáp:
- Thưa huynh trưởng, lão gia lòng trần đã nguội, chẳng còn ham muốn làm quan, chỉ muốn tìm một nơi thanh vắng yên thân đến trọn đời.
Tống Giang nói:
- Hiền đệ không muốn hoàn tục thì cũng nên về kinh sư trụ trì ở nơi danh lam thắng cảnh, đứng đầu các sư. Như thế cũng là hiển vinh cho tông tổ, báo đáp mẹ cha.
Lỗ Trí Thâm nghe xong lắc đầu từ chối:
- Không cần, không cần, mọi thứ đều vô nghĩa. Tiểu đệ chỉ ước sao thân thể được nguyên vẹn mà quy hoá là đủ lắm rồi.
Tống Giang nghe xong buồn rầu nghĩ ngợi, cả Lý Quỳ cũng cảm thấy không vui. Tống Giang cho điểm lại quân tướng, rồi truyền lệnh đóng cũi giải Phương Lạp về kinh. Sau đó Tống Giang cùng các tướng dẫn ba quân người ngựa rời động Bang Nguyên trở về Mục Châu.
Lại nói Trương chiêu thảo đã truyền lệnh gọi Lưu đô đốc, Đồng khu mật, hai tham mưu họ Tùng, họ Cảnh đem quân mã đến hội cả ở Mục Châu. Được tin Tống Giang lập công lớn bắt được Phương Lạp áp giải về Mục Châu, các quan ai nấy đều đến chúc mừng. Tống Giang và các tướng vào chào quan giám chiến. Trương chiêu thảo nói:
- Hạ quan biết tướng quân vất vả nơi biên ải, anh em bị tổn thất nhiều. Nay cuộc chinh thảo đã toàn thắng, thật là may mắn lớn. Tống Giang lạy tạ hai lạy, nghẹn ngào rơi lệ đáp:
- Lúc đầu bọn anh em tiểu tướng có một trăm linh tám người, đánh tan giặc Liêu trở về kinh đô không tổn thất người nào. Sau đó không ngờ Công Tôn Thắng chia tay để tiếp tục đời tu hành, lại thêm mấy người được triều đình giữ lại ở kinh đô. Sau khi lấy Dương Châu, vượt sông Trường, ngờ đâu anh em các đầu lĩnh mười phần mất bẩy! Đến nay Tống Giang tôi còn mặt mũi nào trở lại trông thấy các bậc phụ lão cùng bà con thân thích ở Sơn Đông?
Trương chiêu thảo nói:
- Tiên phong đừng nghĩ thế. Người xưa có câu « Gìau, nghèo, sang, hèn, định từ kiếp trước; sống lâu chết yểu, định bởi đời nay ». Người ta lại thường nói, « Kẻ có phúc đưa người bạc mệnh ». Đi đánh trận mà tổn thất tướng tá thì có gì đáng xấu hổ. Ngày nay anh em tướng quân đã công thành danh toại, triều đình biết tin tất sẽ trọng dụng phong quan ban tước, vẻ vang áo gấm về làng, ai là người không khen ngợi? Ngoài ra những chuyện không đâu thì tướng quân chẳng đáng bận lòng. Bây giờ tướng quân chỉ nên lưu tâm chỉnh đốn quân sĩ để về kinh.
Tống Giang vái tạ Trương chiêu thảo và các quan triều đình, rồi trở về truyền lệnh cho các tướng. Trương chiêu thảo cũng đã ra lệnh dem bọn nguỵ quan và quân lính giặc - trừ Phương Lạp cho giải về kinh – còn lại thảy đều đem đến chợ Mục Châu chém đầu thị chúng. Những nơi chưa thu phục được như huyện Cù, huyện Vụ, thì bọn nguỵ quan sau khi nghe tin Phương Lạp bị bắt sống đã bỏ trốn hoặc ra đầu thú. Trương chiêu thảo đều thu nhận, cho được trở lại làm lương dân, một mặt sai yết bảng khắp nơi để vỗ về chiêu an trăm họ. Những người theo giặc nhưng chưa từng giết hại dân chúng thì chuẩn cho tự thú để làm được các châu huyện. Trương chiêu thảo sai quan quân đến giữ đất, vỗ yên dân chúng, việc không có gì phải nói.
Lại nói Trương chiêu thảo và các quan ở Mục Châu mở tiệc thái bình chúc mừng các quan tướng, khao thưởng ba quân, rồi truyền lệnh cho Tống tiên phong và các đầu lĩnh sửa soạn đưa quân về kinh. Quân lệnh truyền xuống, tướng sĩ ai nấy chuẩn bị hành trang, lục tục lên đường.
Nói tiếp Tống tiên phong bùi ngùi rơi lệ, buồn nhớ các anh em đầu lĩnh tử trận. Không ngờ bọn sáu người Trương Hoành, Mục Hoằng bị ốm nằm lại ở Hàng Châu, Chu Phú, Mục Xuân phải ở lại coi sóc, tất cả là tám người, sau vì bệnh nặng mà chết chỉ còn Dương Lâm và Mục Xuân tìm về được với đại quân.
Tống Giang nghĩ nhờ công lao vất vả của anh em các tướng mới có cảnh thái bình hôm nay, muốn lập đàn siêu độ cho các đầu lĩnh tử trận. Tống Giang bèn sai các chùa quán ở Mục Châu căng màn treo phướn, dựng đàn cửu u làm ba trăm sáu mươi tuần tế Thiên la đại thánh cầu cho anh em các chánh phó tướng chết trận được siêu linh tịnh độ. Sửa soạn đã xong, ngày hôm sau Tống tiên phong cho mổ trâu giết ngựa, đem theo rượu tế, rồi cùng quân sư Ngô Dụng và các tướng tới miếu Ô Long đốt vàng hương dâng lễ, tạ ơn thần Ô Long đại vương. Các chánh phó tướng trận vong còn nhắt được thi hài đều được làm lễ an táng chu đáo. Xong việc, Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa thu thập quân mã theo Trương chiêu thảo về Hàng Châu chờ thánh chỉ cho đem quân hồi kinh. Các tướng hiệu ai có công lao đều được kê khai vào biểu văn để dâng lên thiên tử. Rồi đó ba quân theo thứ tự lên đường về kinh.
Tống Giang điểm lại các chánh phó tướng có mặt lúc trở về chỉ còn ba mươi sáu người. Đó là: Hô bảo nghĩa Tống Giang, Ngọc kỳ lân Lư Tuấn Nghĩa, Trí đa tinh Ngô Dụng, Đại đao Quan Thắng, Báo tử đầu Lâm Xung, Song tiên Hồ Diên Chước, Tiểu lý quảng Hoa Vinh, Tiểu toàn phong Sài Tiến, Phốc thiên điêu Lý Ứng, Mỹ nhiêm công Chu Đồng, Hoa hoà thượng Lỗ Trí Thâm, Hành giả Võ Tòng, Thần hành thái bảo Đái Tôn, Hắc toàn phong Lý Quỳ, Bệnh quan sách Dương Hùng, Hỗn long giang Lý Tuấn, Hoạt diêm la Nguyễn Tiểu Thất, Lãng tử Yến Thanh, Thần cơ quân sư Chu Vũ, Trấn tam sơn Hoàng Tín, Bệnh uý Tri Tôn Lập, Hỗn thế ma vương Phàn Thuỵ, Oanh thiên lôi Lãng Chấn, Thiết diện khổng mục Bùi Tuyên, Thần toán tử Tưởng Kính, Quỷ kiếm nhi Đỗ Hưng, Thiết phiến tử Trương Thanh, Độc giác long Trâu Nhuận, Nhất chi hoa Sái Khánh, Cẩm báo tử Dương Lâm, Tiểu già lan Mục Xuân, Xuất động giao Đồng Uy, Phan giang thần Đồng Mãnh, Cổ thượng sắt Thời Thiên, Tiểu uý trì Tôn Tân, Mẫu đại trùng Cố Đại Tẩu.
Bấy giờ Tống Giang và các tướng dẫn quân mã rời Mục Châu nhằm phía Hàng Châu tiến phát.
Đúng là:
Thu quân chiêng rộn nghìn đầu núi
Thắng trận cờ tung chục dặm hồng
Chuyện trên đường đi không có gì đáng nói. Chẳng mấy chốc đại quân đã về đến Hàng Châu. Trương chiêu thảo đem quân mã vào thành. Tống tiên phong tạm đóng quân ở tháp Lục Hoà, các tướng đều vào chùa Lục Hoà nghỉ ngơi. Tiên phong sứ Tống Giang và Lư Tuấn Nghĩa hàng ngày hai buổi sáng tối đều vào thành nghe lệnh.
Lại nói Lỗ Trí Thâm và Võ Tòng cùng nghỉ ngơi một nơi trong chùa Lục Hoà. Thấy ngoài thành phong cảnh núi sông tươi đẹp. Lỗ Trí Thâm trong lòng rất vui thích. Đêm ấy trăng thanh gió mát, trời nước một màu, hai người ngủ yên trong căn phòng. Đến nửa đêm, chợt nghe trên sông tiếng sóng cuộn ầm ầm. Lỗ Trí Thâm vốn người đất Quan Tây (chỉ phía tây của Hàm Cốc) không quen tiếng sóng triền miên Triết Giang ngỡ là trống trận, giặc giã nổi lên đâu đây. Lỗ Trí Thâm bèn chồm dậy cầm cây thiền trượng quát lên một tiếng rồi chạy lao ra ngoài. Các sư sãi chùa Lục Hoà sợ hãi xúm đến hỏi:
- Sư phụ làm sao thế? Định chạy đuổi ai?
Lỗ Trí Thâm đáp:
- Lão gia nghe tiếng trống trận vội lao ra đánh!
Chúng tăng cười rộ lên bảo Lỗ Trí Thâm:
- Sư phụ nhầm rồi, không phải trống trận đâu! Đó là tiếng sóng (Triều tín) trên sông Tiền Đường đấy!
Lỗ Trí Thâm nghe nói giật mình hỏi lại:
-Thưa sư phụ, « Triều tín » là cái gì?
Các nhà sư chùa Lục Hoà đẩy cửa sổ chỉ cho Lỗ Trí Thâm sóng triều trên sông nói:
- Đây là sóng triều ngày đêm hai lần lên xuống không sai một khắc. Hôm nay là ngày rằm tháng tám, triều lên vào lúc canh ba. Vì thuỷ triều lên xuống rất đúng giờ khắc, không thất tín nên gọi là « triều tín ».
Lỗ Trí Thâm đứng nhìn hồi lâu đột nhiên tỉnh ngộ, vỗ tay cười vang:
- Ngày trước sư phụ ta là Trí Chân trưởng lão đã cho ta bốn câu kệ, « Phùng Hạ nhi cầm » (Gặp Hạ thì bắt) thì vừa rồi đuổi giặc trong rừng thông ta đã bắt được tướng giặc Hạ Hầu Thành. « Ngộ Lạp nhi chấp » (Gặp Lạp thì trói), đúng là ta đã bắt trói Phương Lạp. Hôm nay ứng vào hai câu « Thính triều nhi viên, kiến tín nhi tịch ». Nay đã nghe tiếng « triều tín » đúng là đến lúc ta « viên tịch ». Nhưng xin chư vị hoà thượng giải thích cho lão gia thế nào là « viên tịch »?
Các sư nói:
- Hoà thượng là kẻ xuất gia, lẽ nào lại không hiểu từ nhà Phật. « Viên tịch » có nghĩa là chết đấy.
Lỗ Trí Thâm cười đáp:
- Dù « viên tịch » nghĩa là chết chăng nữa thì hôm nay lão gia cũng tất phải « viên tịch » thôi. Cảm phiền chư vị cho một thùng nước nóng để lão gia tắm rửa.
Các nhà sư tưởng Lỗ Trí Thâm nói đùa, lại thấy tính nết của hoà thượng ấy như thế, chẳng ai dám không theo, đành cho người đun nước bưng đến.
Lỗ Trí Thâm tắm gội xong, bèn khoác áo cà sa vua ban, rồi bảo viên quân hiệu tuỳ tòng:
- Ngươi hãy đi báo để huynh trưởng Tống Công Minh đến thăm lão gia.
Rồi Lỗ Trí Thâm hỏi nhà chùa cho mượn bút giấy viết một bài tụng. Viết xong, Lỗ Trí Thâm lên nhà giảng lấy ghế toạ thiền, đốt một lò hương thơm, đặt bài tụng trên giường rồi ngồi kiết già mà hoá.
Tống Công Minh được tin báo vội dẫn các đầu lĩnh đến nơi thì Lỗ Trí Thâm đã bất động trên chiếu toạ thiền. Bài tụng của Lỗ Trí Thâm để lại như sau:
Bình sinh bất tu thiện quả
Chỉ ái sát nhân phóng hoả
Hốt địa đốn khai kim thằng
Gía lý xả đoạn ngọc toả.
Di:
Tiền Đường giang thượng triều tín lai
Kim nhật phương trị ngã thị ngã.
Dịch:
Bình sinh chẳng tu thiện quả
Chỉ thích sát nhân phóng hoả
Chợt tỉnh tháo tung giày vàng
Tới đây giật phăng khoá ngọc
Ôi!
Tiền Đường nghe sóng triều vang dội
Mới tỉnh ra rằng ta là ta.
Tống Giang và Lư Tuấn Nghĩa xem xong lời kệ của Lỗ Trí Thâm, bùi ngùi than tiếc hồi lâu. Các đầu lĩnh đều đến thắp hương lạy viếng Lỗ Trí Thâm. Trương chiêu thảo, Đồng khu mật và các quan ở trong thành Hàng Châu cũng đến viếng Tống Giang, lấy vàng lụa của riêng biếu các sư chùa Lục Hoà, nhờ nhà chùa lập đàn cầu siêu ba ngày ba đêm, cho đóng quan tài hình tháp sơn đỏ, lên núi Kinh Sơn mời Đại Huệ thiền sư xuống chủ trì lễ thiêu hoá cho Lỗ Trí Thâm. Sư sãi các chùa quanh vùng biết tin cũng đều đến tụng kinh, cùng rước quan tài ra sau tháp Lục Hoà hoả thiêu. Đại Huệ thiền sư cầm bó đuốc chỉ vào quan tài Lỗ Trí Thâm nói mấy lời pháp ngữ:
Lỗ Trí Thâm! Lỗ Trí Thâm!
Khởi thân tự lục lâm
Lưỡng chỉ phóng hoả nhãn
Nhất phiến sát nhân tâm
Hốt địa tuỳ triều quy khứ
Qủa nhiên vô xứ căn tầm
Đốt!
Giải sử mãn không phi bạch ngọc
Nâng linh đại địa tác hoàng câm
Dịch:
Này Lỗ Trí Thâm! Trí Thâm!
Xuất thân chốn lục lâm
Hai con mắt phóng hoả
Một ác tâm sát nhân
Bỗng chốc theo sóng triều quy tịch
Quả nhiên không xứ sở truy tầm
Này!
Nếu không trên trời bay ngọc trắng
Thì đầy mặt đất rải hoàng kim!
Đại Huệ thiền sư châm lửa xong, các nhà sư tụng kinh sám hối, hoả thiêu quan tài sau tháp Lục Hoà, rồi thu nhặt xá lợi đặt thờ trong tháp. Các di vật của Lỗ Trí Thâm như áo cà sa, bát ăn cơm cùng vàng bạc được triều đình và các quan ban thưởng đều nộp vào chùa Lục Hoà để các sư sử dụng. Cả cây thiền trượng sắt và chiếc áo thụng đen không tay cũng để lại cả cho nhà chùa.
Tống Giang đến thăm Võ Tòng nay đã trở thành người tàn phế. Võ Tòng nói:
- Tiểu đệ này đã trở thành người tàn phế, không muốn về kinh triều cận nữa. Có ít vàng bạc được ban thưởng, đệ xin cũng vào chùa Lục Hoà để dùng vào Phật sự. Đệ chỉ mong được thanh thản làm một người tu hành là tốt lắm rồi. Huynh trưởng làm khai sách gửi về triều xin đừng ghi tên đệ nữa.
Tống Giang nói:
- Việc đó tuỳ hiền đệ!
Từ đó Võ Tòng ở lại tu hành tại chùa Lục Hoà, đến tám mươi tuổi không bệnh mà mất, nhưng đó còn là câu chuyện về sau.
Lại nói tiên phong Tống Giang hàng ngày đều vào trong thành chờ lệnh, đợi khi quân mã của Trương chiêu thảo lên đường thì đem quân vào đóng trong thành để thay thế. Sau chừng nửa tháng có sứ giả của triều đình mang sắc chỉ đến truyền lệnh cho Tống tiên phong đem quân về kinh. Trương chiêu thảo, Đồng khu mật, đô đốc Lưu Quang Thế, hai tham mưu họ Tùng, họ Cảnh, đại tướng Vương Lẫm, Triệu Đàm dẫn người ngựa đi tiếp sau về kinh. Đến lúc khởi hành, không ngờ Lâm Xung bị trúng gió cảm bệnh, Dương Hùng chết vì nhọt độc ở sau lưng. Thời Thiên cũng bị bệnh trĩ mà chết. Tống Giang buồn rầu thương tiếc vô hạn. Quan huyện Đan Đồ lại gửi văn thư đến báo tin Dương Chí đã chết, thi hài mai táng ở vùng núi trong huyện. Lâm Xung bị trúng gió chạy chữa mãi không khỏi, phải nghỉ lại ở chùa Lục Hoà, giao cho Võ Tòng chăm sóc, nửa năm sau thì qua đời.
Lại nói Tống Giang và các tướng rời Hàng Châu lên đường về kinh. Dọc đường, một hôm Lãng tử Yến Thanh đến gặp riêng Lư Tuấn Nghĩa, nói:
- Tiểu nhân từ nhỏ theo hầu ân chủ, được nhờ ơn đức đã nhiều, một lời không nói hết. Nay việc lớn đã xong, tiểu đệ muốn được cùng ân chủ nộp trả lại quan bằng rồi tìm nơi yên tĩnh mà sống cho đến trọn đời. Chẳng hay tôn ý ân chủ thế nào?
Lư Tuấn Nghĩa đáp:
- Từ khi ở Lương Sơn Bạc về quy thuận triều đình, anh em ta xông pha trăm trận, vất vả ở chốn biên cương, anh em bị tổn thất nặng nề, mà một nhà ta với ngươi được sống sót, thật là may mắn lắm. Chính ta đang muốn áo gấm về làng để được phong thê ấm tử, sao hiền đệ lại muốn chuốc một kết quả như thế?
Yến Thanh cười đáp:
- Ân chủ sai rồi! Tiểu đệ đi chuyến này tất phải có kết quả. Chỉ lo ân chủ không được hưởng kết quả mà thôi.
Như Yến Thanh, đáng gọi là biết cơ tiến thoái mất còn vậy! Có thơ làm chứng như sau:
Lược địa công thành chí dĩ thù
Trần từ dục bạn Xích Tùng du
Thời nhân khổ bả công danh luyến
Chỉ phạ công danh bất đáo đầu
Dịch:
Lấy đất xông thành lập chiến công
Lui thân những muốn bạn Xích Tùng
Công danh khổ sở bao người tục
Chỉ sợ công danh chẳng bén cùng.
Lư Tuấn Nghĩa nói:
- Này Yến Thanh, ta không chút dị tâm với triều đình, lẽ nào triều đình lại nỡ phụ ta?
Yến Thanh đáp:
- Ân chủ há lại không biết công lao Hàn Tín to lớn nhường nào, rốt cuộc bị chém đầu ở cung Vị Ương; Bành Việt bị muối xác làm mắm; Anh Bố bỏ mạng vì tên độc đó sao? Ân chủ nên sớm liệu, chớ để tai hoạ giáng xuống không kịp hối!
Lư Tuấn Nghĩa nói:
- Ta nghe nói Hàn Tín được phong ở Tam Tề rồi tự tiện xưng vương, xui Trần Hy làm loạn; Bành Việt tự giữ đất Lương không về chầu Cao Tổ, nên nhà tan thân nát; Anh Bố nhậm chức ở Cửu Giang còn mưu toan thâu tóm non sông nhà Hán, vì thế Hán Cao Tổ mới giả vờ đi chơi đầm Vân Mộng, ngầm để Lữ hậu ở nhà giết đi. Ta tuy chưa từng được ban quan to tước lớn, nhưng cũng chưa từng phạm tội lớn như thế.
Yến Thanh đáp:
- Ân chủ không nghe lời đệ, chỉ sợ về sau hối không kịp. Tiểu đệ định đến từ biệt Tống tiên phong, nhưng huynh trưởng là người trọng nghĩa, tất sẽ không cho tiểu đệ đi. Vì vậy tiểu đệ chỉ xin ân chủ cho từ biệt.
Lư Tuấn Nghĩa nói:
- Hiền đệ sẽ về đâu?
Yến Thanh đáp:
- Cũng chỉ quanh quẩn không xa ân chủ lắm.
Lư Tuấn Nghĩa cười nói:
- Ta đành phải chìu ngươi vậy. Còn để xem hiền đệ sẽ đi đâu?
Yến Thanh cúi đầu vái tám vái, rồi ngay đêm ấy thu xếp một ít vàng bạc châu báu, khoác tay nải ra đi, không ai hay biết. Sáng hôm sau quân sĩ nhặt được tờ giấy, đem về trình với Tống giên phong. Đó là bức thư của Yến Thanh gửi cho Tống Giang. Thư viết:
« Ngu đệ Yến Thanh trăm lạy khẩn thiết kính báo dưới cờ của chủ tướng Tống tiên phong –
Từ khi tiểu đệ được thu dùng, đội ơn dầy nghĩa nặng, cũng đã từng liều chết lập công, nhưng khó báo đền muôn mặt. Nay xét mình mệnh bạc thân hèn, không kham đặng sự trọng dụng của triều đình. Tiểu đệ xin được lui về làm kẻ dân thường, an cư nơi sơn dã. Tiểu đệ vẫn muốn đến lạy chào cáo biệt chủ tướng, nhưng nghĩ rằng chủ tướng coi trọng nghĩa khí, không để cho tiểu đệ ra đi, chỉ còn cách phải lẻn đi trong đêm vắng. Nay xin để lại bốn câu làm lời từ biệt, cúi mong chủ tướng thứ tội cho:
Nhạn tự phân phi tự khả kinh
Nạp hoàn quan cáo bất cầu vinh
Thân biên tự hữu quân vương xá
Sái thoát phong trần quá thử sinh
Dịch:
Nhạn mỏi chia bay thật lạnh mình
Quan bằng xin trả chẳng cầu vinh
Bên mình đã có thư ân xá (nhắc lại việc Yến Thanh được Tống Huy Tông tự tay viết lệnh ân xá)
Thoát khỏi phong trần hết kiếp sinh.
Tống Giang xem xong thư và bốn câu thơ từ biệt của Yến Thanh, lòng buồn rầu vô hạn. Sau đó Tống Giang cho thu lại quan bằng và thẻ bài của các tướng hiệu đã chết đem về kinh nộp trả triều đình.
Đoàn quân người ngựa của Tống Giang vòng vèo tiến đến dưới thành Tô Châu. Bấy giờ Hỗn giang long Lý Tuấn vờ bị trúng gió nằm ốm liệt giường, sai thuộc hạ đến báo với Tống tiên phong. Tống Giang liền dẫn thầy thuốc đến tận nơi chạy chữa. Lý Tuấn nói:
- Xin huynh trưởng đừng lỡ thời hạn đem quân về kinh để khỏi bị triều đình quở trách. Có lẽ quân của của Trương chiêu thảo đã về kinh lâu rồi. Huynh trưởng có lòng thương Lý Tuấn tôi, xin cho bọn Đồng Uy, Đồng Mãnh ở lại giúp thuốc men chăm sóc, khi nào khỏi bệnh sẽ theo về kinh triều cận xin huynh trưởng cứ yên lòng đem quân về kinh.
Lại nói bọn Lý Tuấn, Đồng Uy, Đồng mãnh trở lại Du Liễu trang tìm bọn bốn anh em Phí Bảo. Theo ước hẹn từ trước, bẩy người bàn bạc,rồi góp chung tài sản, đóng một chiếc thuyền rời cảng Thái Thương, vượt biển ra sinh sống ở ngoại quốc. Về sau Lý Tuấn làm bá chủ một phương hải tần, rồi trở thành quốc vương nước Xiêm La. Bọn Đồng Uy, Phí Bảo cũng được bổ làm quan, sống cuộc đời sung sướng. Đó là chuyện về sau của bọn Lý Tuấn. Có thơ rằng:
Tri kỷ quân tử sự
Minh triết mại di luân
Trọng kết nghĩa trung nghĩa
Cánh tàn thân ngoại thân
Tám Thuỷ chu vu hệ
Du Trang liễu hựu tân
Thuỷ tri thiên hải khoát
Biệt hữu nhất gia nhân
Dịch:
Quân tử tự biết mình
Sáng suốt vượt thường tình
Giữ gìn nghĩa trọng nghĩa
Vẹn toàn mình ngoài mình
Tầm Dương thuyền chẳng buộc
Du Trang liễu vừa xanh
Ai hay trời biển rộng
Riêng có một gia đình
Lại nói Tống Giang và các tướng dẫn người ngựa về kinh, chuyện trên đường đi không có gì đáng nói. Lại đi qua Thường Châu, Nhuận Châu - những nơi các đầu lĩnh đã cầm quân đánh dẹp. Tống Giang bùi ngùi khôn xiết. Chuyến này người ngựa qua sông trở về, mười phần chỉ còn được hai, ba phần. Qua Dương Châu đến Hoài An, đường về kinh sư không còn bao xa nữa. Tống Giang truyền lệnh cho các tướng sửa soạn để vào triều cận. Ngày hai mươi tháng chín, ba quân người ngựa về đến Đông Kinh. Trương chiêu thảo dẫn quân mã ở dinh trung quân vào thành trước. Người ngựa của Tống Giang dừng lại đóng trại tại trạm Trần Kiều ở ngoài thành để chờ thánh chỉ. Có viên tiểu hiệu ở lại hầu hạ Lý Tuấn, từ Tô Châu trở về báo với Tống tiên phong, biết Lý Tuấn vì không muốn về kinh làm quan, nên thác cớ đau ốm, nay đã cùng bọn Đồng Uy, Đồng Mãnh đi xa. Tống Giang lại một lần buồn rầu nhớ tiếc. Rồi đó Tống Giang sai Bùi Tuyên kê tên các đầu lĩnh chánh phó tướng hiện có mặt ở kinh đô, tất cả còn hai mươi bảy người. Lại ghi cả họ tên những người đã chết vì việc nước vào biểu tạ ơn dâng lên triều đình. Một mặt lệnh cho các chánh phó tướng sửa soạn khăn áo đợi lệnh vào chầu thiên tử. Ba ngày sau, Huy Tông hoàng đế ngự triều, các cận thần tâu xin cho bọn Tống Giang vào triều kiến.
Ngày hôm ấy, vừng đông vừa rạng, Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa và các đầu lĩnh, tất cả hai mươi bảy chánh phó tướng tiếp được thánh chỉ liền lên ngựa vào thành. Dân chúng Đông kinh đổ ra đường đứng xem, ai cũng biết đó là lần thứ ba anh em Tống Giang vào triều kiến. Nghĩ lại lần đầu tiên khi mới nhận chiêu an, anh em Tống Giang được ban áo gấm màu hồng, màu lục, đeo thẻ vàng, thẻ bạc vào thành triều kiến. Khi đánh lui quân Liêu trở về kinh, thiên tử cho phép mặc nhung y, khoác giáp trụ vào chầu. Lần này dẹp yên Phương Lạp trở về kinh sư, lệnh riêng của thiên tử chỉ cho phép Tống Giang và các đầu lĩnh mặc áo dài khăn chít vào triều cận. Dân chúng Đông Kinh thấy anh em Tống Giang chỉ còn bấy nhiêu người trở về, ai cũng mũi lòng thương xót. Đến dưới cửa Chính Dương, anh em Tống Giang đều xuống ngựa đi bộ vào Hoàng thành. Quan thị ngự sử dẫn các tướng đến trước bệ ngọc ở Đan Trì. Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa đứng trước hàng, bước lên quỳ lạy tám lạy, lùi xuống lại quỳ lạy tám lạy, rồi bước đến khoảng giữa lạy tám lạy nữa, tất cả là hai mươi tư lạy, - bụi bốc mờ sân, tiếng hô dậy đất. Nghi lễ bái yết đã xong, thấy anh em Tống Giang nay chỉ còn lại bấy nhiêu người, Huy Tống hoàng đế động lòng thương xót. Thiên tử truyền cho các tướng được lên trên điện, Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa dẫn các đầu lĩnh bước lên thềm vàng, quỳ dưới bức rèm đỏ. Thiên tử cho anh em Tống Giang đứng dậy, các quan hầu cận cũng vừa cuốn bức rèm châu. Thiên tử nói:
- Trẫm biết các khanh đi dẹp ở Giang Nam, chịu nhiều vất vả, anh em các khanh tổn thất sinh mạng đến quá nửa, trẫm rất đau lòng thương xót!
Tống Giang nước mắt ràn rụa, sụp lạy hai lạy, tâu:
- Bọn thần tài hèn sức mọn, dẫu gan óc bết đất nơi chiến địa cũng chưa đủ báo đền ơn lớn của triều đình. Nghĩ ngày trước khi mới tụ nghĩa, anh em Tống Giang thần, tất cả một trăm linh tám người, cùng lên núi Ngũ Đài thề nguyện sống chết có nhau. Ngờ đâu ngày nay mười phần đã mất đến bảy tám! Bọn thần có tờ khai ghi rõ số người, nhưng chưa dám tự tiện dâng lên. Cúi trông bệ hạ xét tỏ.
Hoàng đế nói:
- Các tướng bộ hạ của khanh chết vì vương sự, trẫm sẽ truyền cho xây đắp phần mộ để công lao không mai một.
Tống Giang hai lạy bước lên dâng tờ biểu. Biểu văn viết:
« Thần là Tống Giang được ban chức Bình Nam đô tổng quản, chánh tiên phong sứ, kính cẩn dâng biểu:
Cúi nghĩ bọn Tống Giang thần là kẻ ngu vụng kém tài, làm chức lại nhỏ ở nơi quê mùa cô quạnh, ngày trước trót phạm tội lớn vô bờ, may được đội nhờ ơn lớn. Trời cao đất dầy, khôn báo đáp, thân nát xương tan khó báo đền. Họp sức tay chân rời bến nước, dẹp gian tà; chung lòng huynh đệ lên Ngũ Đài thề nguyện ước. Lòng trung đại nghĩa, giữ nước yên dân. Thành U Châu hỗn chiến diệt quân Liêu, động Thanh Khê trổ tài bắt Phương Lạp. Công mọn gọi chút dâng lên, nào ngờ tướng tài rơi rụng. Thần, Tống Giang đêm ngày khắc khoải, sớm tối âu sầu. Cúi trông thánh ý rủ lòng soi xét, khiến kẻ chết được nhuần ơn trạch, mà người sống cũng dự phúc ấm dài lâu. Thần, Tống Giang xin được trở về vườn ruộng vui cảnh nông phu, ấy thực bệ hạ ban lòng nhân dưỡng dục. Bọn Tống Giang vô vàn sợ hãi, kính cẩn ghi số người còn sống và số người đã chết dâng kèm theo kiểu này.
Các viên chánh phó tướng đã chết khi đi đánh trận: 59 người.
Chánh tướng 14 người, đó là:
Tần Minh, Từ Ninh, Đổng Bình, Trương Thanh, Lưu Đường, Sử Tiến, Sách Siêu, Trương Thuận, Nguyễn Tiểu Nhị, Nguyễn Tiểu Ngũ, Lôi Hoành, Thạch Tú, Giải Trân, Giải Bảo.
Phó tướng 45 người, đó là:
Tống Vạn, Tiêu Đĩnh, Đào Tông Vượng, Hàn Thao, Bành Kỷ, Trịnh Thiên Thọ, Tào Chính, Vương Định Lục, Tuyên Tần, Khổng Lượng, Thi Ân, Hách Tư Văn, Đặng Phi, Chu Thông, Cung Vượng, Bao Húc, Đoàn Cảnh Trụ, Hầu Kiện, Mạnh Khang, Vương Anh, Hồ Tam Nương, Hạng Sung, Lý Cổn, Yến Thuận, Mã Lân, Đan Đình Khuê, Nguỵ Định Quốc, Lã Phương, Quách Thịnh, Âu Bằng, Trần Đạt, Dương Xuân, Úc Bảo Tứ, Lý Trung, Tiết Vĩnh, Lý Văn, Thạch Dũng, Đỗ Thiên, Đinh Đắc Tôn, Trâu Uyên, Lý Lập, Thang Long, Sái Phúc, Trương Thanh, Tôn Nhị Nương.
Các chánh phó tướng ốm chết dọc đường, 10 người.
Chánh tướng, 5 người:
Lâm Xung, Dương Chí, Trương Hoành, Mục Hoằng, Dương Hùng.
Phó tướng, 5 người:
Khổng Minh, Chu Quý, Chu Phú, Thời Thiên, Bạch Thắng.
Quy tịch tại chùa Lục Hoà ở Hàng Châu: 1 người.
Chánh tướng: Lỗ Trí Thâm.
Bị gãy tay không muốn ra làm quan ở lại tu hành tại chùa Lục Hoà: 1 người
Chánh tướng: Võ Tòng
Trước ở kinh, sau xin về tu hành ở Kế Châu: 1 người
Chánh tướng: Công Tôn Thắng.
Các chánh phó tướng không muốn ra làm quan đã bỏ đi trên đường về kinh, 4 người:
Chánh tướng, 2 người:
Yến Thanh, Lý Tuấn.
Phó tướng, 2 người:
Đồng Uy, Đồng Mãnh.
Các phó tướng đã ở kinh từ lần trước và các viên thầy thuốc được lệnh gọi về kinh, 5 người:
An Đạo Toàn, Hoàng Phủ Đoan, Kim Đại Kiên, Tiêu Nhượng, Nhạc Hoà.
Các chánh phó tướng hiện ở kinh đô chờ vào triều cận, 27 người.
Chánh tướng, 12 người:
Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa, Ngô Dụng, Quan Thắng, Hồ Diên Chước, Hoa Vinh, Sài Tiến, Lý Ứng, Chu Đồng, Đái Tôn, Lý Quỳ, Nguyễn Tiểu Thất.
Phó tướng, 15 người:
Chu Vũ, Hoàng Tính, Tôn Lập, Phàn Thuỵ, Lăng Chấn, Bùi Tuyên, Tưởng Kinh, Đỗ Hưng, Tống Thanh, Trâu Nhuận, Sài Khánh, Dương Lâm, Dương Xuân, Tôn Tân, Cố Đại Tẩu.
Niên hiệu Tuyên Hoà, thứ năm (1113), tháng 9 ngày…
Tiên phong sứ
Thần: Tống Giang
Phó tiên phong
Thần: Lư Tuấn Nghĩa
Kính cẩn dâng biểu. »
Hoàng đế xem xong biểu than tiếc hồi lâu rồi nói:
- Bọn các khanh một trăm linh tám người, ứng với các ngôi sao trên trời, nay chỉ còn hai mươi bảy người trở về, lại hai người bỏ đi không muốn làm quan, thật đúng là mười phần mất tám!
Sau đó thiên tử truyền thảo sắc chỉ ban tước cho các viên chánh phó tướng đã chết vì vương sự. Chánh tướng được bạn tước Trung vũ lang, phó tướng được ban tước Nghĩa tiết lang. Nếu bọn họ có con cháu thì cho phép được về kinh thừa hưởng tập ấm. Nếu không có con cháu thì cho lập miếu thờ cúng. Riêng Trương Thuận hiển linh có công, sắc phong là Kim Hoa tướng quân. Nhà sư Lỗ Trí Thâm có công bắt sống đầu sỏ giặc, viên tịch ở chùa Lục Hoà, gia tặng tước Nghĩa liệt chiếu ký thiền sư. Võ Tòng có công đánh giặc, vì bị thương tật, ở lại tu hành tại chùa Lục Hoà, gia phong Thanh Trung tổ sư, ban cho mười vạn quan tiền để sinh sống trọn đời. Hai nữ tướng tử trận: Hồ Tam Nương tặng thêm tước Hoa Dương quận phu nhân, Tôn Nhị Nương gia tước Tĩnh Đức quận quân. Các tướng về triều cận, trừ chức tiên phong có tước phong riêng, còn lại mười viên chánh tướng đều được trao chức Vũ tiết tướng quân, bổ nhậm làm thống chế ở các châu. Phó tướng mười lăm người được trao chức Vũ dịch lang, được bổ nhậm làm đô thống lĩnh, chịu quyền điều hành của các bộ chủ quản quân dân và các sảnh viện. Nữ tướng Cố Đại Tẩu được trao chức Đông Nguyên huyện quân.
Tiên phong sứ Tống Giang được thăng hàm Vũ đức đại phu, bổ chức An phủ sứ kiêm binh mã đô tổng quản Sở Châu.
Phó tiên phong Lư Tuấn Nghĩa được thăng hàm Vũ công đại phu, bổ chức An phủ sứ kiêm bình mã phó tổng quản Lư Châu.
Quân sư Ngô Dụng được trao chức Thừa tuyên sứ quận Vũ Thắng.
Quan Thắng được trao chức Chánh binh mã tổng quân phủ Đại Danh.
Hồ Diên Chước được trao chức binh mã chỉ huy sứ Ngự doanh.
Hoa Vinh được trao chức Đô thống chế phủ Thương Châu quận Hoành Hải.
Lý Ứng được trao chức Đô thống chế quận Huy Châu phủ Trung Sơn.
Chu Đồng được trao chức Đô thống chế phủ Bảo Định.
Đái Tôn được trao chức Đô thống chế phủ Duyên Châu.
Lý Quỳ được trao chức Đô thống chế quận Trấn Giang phủ Nhuận Châu.
Nguyễn Tiểu Thất được trao chức Đô thống chế quận Cái Thiên.
Các chánh phó tướng vâng sắc mệnh hoàng đế phong quan trao chức, làm lễ tạ ơn chờ mệnh lệnh, được ban thưởng; phó tướng mười lăm người, mỗi người ba trăm lạng vàng bạc, lụa màu năm tấm; chánh tướng mười người, mỗi người năm trăm lạng vàng bạc, lụa màu tám tấm. Tiên phong sứ Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa mỗi người đều được ban một nghìn lạng vàng bạc, gấm vóc mười tấm, áo gấm hoa một chiếc, ngựa tốt một con.
Bọn Tống Giang làm lễ tạ ơn xong, lại tâu lên thiên tử về việc thần Ô Long đại vương ở Mục Châu hai lần hiển linh giữ nước yên dân, giúp tướng sĩ giành toàn thắng. Thiên tử chuẩn tâu, gia phong là Trung tinh linh đức phổ hựu phu huệ Long Vương. Thiên tử đích thân phê đổi tên Mục Châu là Nghiêm Châu. Hấp Châu đổi là Huy Châu, vì đó là những nơi Phương Lạp làm phản cho nên chọn chữ trái nghĩa để đặt tên mới. Huyện Thanh Khê đổi là huyện Thuần An, xứ Tạc Tỉnh ở động Bang Nguyên đổi là Sơn Đảo. Thiên tử ban sắc chỉ truyền cho quan bản châu xuất tiền kho xây miếu Ô Long đại vương, tự tay ban chữ để biển hiện, đến nay di tích ấy vẫn còn. Vùng Giang Nam bị quân Phương Lạp tàn phá, dân chúng bị thiệt hại nhiều, cho miễn sai dịch ba năm.
Ngày hôm ấy anh em Tống Giang làm lễ tạ ơn xong, thiên tử truyền mở tiệc lớn chúc cuộc thái bình, mừng các bề tôi có công. Các quan văn võ tại triều đều đến dự yến đông đủ. Yến tiệc chúc mừng đã xong, các tướng lại tạ ơn lần nữa. Tống Giang tâu:
- Anh em chúng thần từ khi ở Lương Sơn Bạc nhận chiếu chiêu an trở về, đến nay quân sĩ thiệt mạng quá nửa. Nhiều người sống sót, hiện còn trong quân ngũ có nguyện vọng muốn trở về quê nhà, cúi xin bệ hạ rộng lòng thương xót.
Thiên tử chuẩn tâu, xuống sắc truyền rằng: « Các quân sĩ đi đánh về ai tự nguyện ở lại trong quân thì ban cho một trăm quan tiền, mười tấm lụa, giao về hai doanh Long Mãnh và Hổ Uy thu nhận luyện tập, hàng tháng được hưởng lương bổng, ai không muốn ở lại trong quân thì cấp hai trăm quan tiền và mười tấm lụa, cho phép về làng làm dân, chịu sai dịch ».
Tống Giang lại tâu rằng:
- Thần vốn sinh trưởng ở huyện Vận Thành, từ ngày mắc tội đến nay không dám về thăm. Nay cúi xin thánh thượng rộng ơn, cho ngày nghỉ để về làng bái yết từ đường, quét dọn phần mộ, thăm hỏi tộc thuộc thân thích, sau đó sẽ đi nhận chức tại Sở Châu. Thần chưa dám tự tiện, cúi chờ xin thánh chỉ.
Thiên tử vui vẻ chuẩn tâu, ban cho Tống Giang mười vạn quan tiền để về thăm quê quán. Tống Giang tạ ơn thiên tử rồi cáo từ lui về.
Ngày hôm sau, trung thư sảnh lại mở tiệc thái bình khoản đãi các tướng. Hôm sau nữa khu mật viện tiếp tục mở tiệc chúc mừng. Trương chiêu thảo, Lưu đô đốc, Đồng khu mật, hai tham mưu họ Tùng, họ Cảnh, hai đại tướng họ Vương, họ Triều đã được triều đình thăng chức gia tước, không nói đến ở đây nữa. Thái Ất viện làm tờ tấu xin thiên tử cho đem Phương Lạp ra giữa chợ Đông Kinh xử lăng trì (cực hình chặt chân tay, cắt thịt tội nhân cho đến chết), bêu thây ba ngày cho dân chúng biết. Có thơ làm chứng.
Tống Giang trọng thưởng thăng quan nhật
Phương Lạp đương hình thụ quả thì
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo
Chỉ tranh lại tảo dữ lại trì.
Dịch:
Tống Giang trọng thưởng thăng quan chức
Phương Lạp lăng trì chịu cực hình
Thiện ác cuối cùng đều quả báo
Khác nhau chỉ ở chậm hay nhanh.
Lại nói Tống Giang tâu xin thánh chỉ cho phép về thăm quê nhà, còn tướng sĩ dưới quyền ai tự nguyện ở lại trong quân thì ghi tên rồi đưa đến hai doanh Long Mãnh và Hổ Uy để tập luyện, cấp cho quân mã để đóng giữ; ai muốn làm dân thì cho tiền bạc để về quê làm dân, chịu sai dịch. Các viên phó tướng ai nấy đều nhận phẩm ban thưởng, lĩnh quan bằng để đi nhậm chức cai quản quân dân, giữ gìn cương giới.
Tống Giang cắt đặt mọi việc đã xong bèn từ biệt mọi người, rồi cùng em là Tống Thanh đem theo hai trăm quân hầu, gồng gánh báu vật, đồ thưởng, hành lý áo quân rời Đông Kinh cắt đường đi về phía Sơn Đông. Hai anh em Tống Giang, Tống Thanh ngồi trên ngựa rời kinh đô, vẻ vang áo gấm về làng, chuyện trên đường đi không có gì đáng nói.
Về đến Tống Gia thôn ở huyện Vận Thành tỉnh Sơn Đông, người giả cả thân thích trong làng đều ra đón tiếp. Tống Giang về đến trang trại, không ngờ Tống thái công đã mất, linh cữu hiện quàn chưa táng. Tống Giang, Tống Thanh gào khóc thảm thương, buồn rầu khôn xiết. Người nhà và các trang khách đều đến lạy chào anh em chủ nhân. Gia tư điền sản trong trang viện Tống thái công đều đã cho kẻ biên, sắp xếp mọi thứ như cũ. Tống Giang dựng đàn chay mời tăng nhân, đạo sĩ đến làm lễ cầu siêu, bố thí công đức cầu xin xá tội cho vong linh cha mẹ và những người thân đã khuất. Các quan viên chức sắc châu huyện đến viếng thăm không ngớt. Tống Giang chọn ngày lành giờ tốt làm lễ rước linh cữu Tống thái công lên an táng trên khu đồi cao. Ngày hôm ấy quan viên phụ lão thân bằng cố hữu trong bản châu đến đưa tang, công việc xong xuôi, tưởng chuyện không có gì đáng nói.
Nhớ đến nguyện vọng của Huyền Nữ chưa được báo đáp, Tống Giang bèn xuất trăm vạn quan tiền thuê thợ xây miếu Cửu Thiên Huyền Nữ. Hai bên hành lang cửa miếu có tượng Huyền Nữ và các bức tranh màu, mọi việc đều đã xong xuôi chu đáo. Thấm thoát ngày tháng ở thăm quê đã hết. Tống Giang sợ thiên tử quở trách, bèn chọn ngày lằm lễ bỏ áo tang, lại mở đạo tràng cúng lễ suốt mấy ngày. Sau cùng Tống Giang mở tiệc lớn mời các bậc phụ lão tông trưởng trong làng đến thiết đãi, từ tạ để về kinh. Ngày hôm sau bà con thân thích bày tiệc, tiễn đưa Tống Giang lên đường, việc không có gì đáng nói. Tống Giang cắt một phần đất đai của trang viện giao cho Tống Thanh, tuy có nhận quan tước, nhưng chỉ ở quê nhà làm nghề nông - để làm đất hương hoả thờ phụng tổ tiên, tiền bạc vải lụa còn lại đều chia phát hết cho dân làng.
Tống Giang ở quê mấy tháng, rồi từ biệt bà con dân làng để về kinh gặp lại các anh em đầu lĩnh. Bấy giờ có người đã đem vợ con gia quyến về kinh, cũng có người đã lên đường đi nhậm chức. Những anh em tử trận, vợ con đã được triều đình ban cấp vàng lụa và cho về quê cũ để sinh sống. Sau khi trở lại kinh đô, Tống Giang lo liệu cho họ lên đường trở về. Mọi việc thu xếp xong xuôi, Tống Giang vào triều chờ lệnh, đến từ biệt các quan ở sảnh viện, rồi thu xếp hành trang lên đường đi nhậm chức. Đúng lúc đó Thần hành thái bảo Đái Tôn đến thăm Tống Giang. Hai người cùng nhau trò chuyện, chỉ biết rằng Tống Công Minh:
Sống là anh hùng huyện Vận Thành
Chết làm thần thiêng đầm Răm Đỏ
Đúng là:
Ào ào gió buốt qua miếu vũ
Đường đường di tượng ngút hương bay
Chưa biết Đái Tôn nói với Tống Giang chuyện gì, xem hồi sau sẽ rõ.
@by txiuqw4