sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

22 Đỏ như lửa cháy

Đỏ như lửa cháy

“Rồi chúng ta bị lôi cuốn đ>

Trong cuộc đời này…”

Trên bàn biên tập

Hải Miên có một khả năng dùng cảm xúc điều khiển ngôn ngữ. (Chứ không phải dùng ngôn ngữ bộc lộ cảm xúc). Câu chuyện này chính là vậy. Người đọc đã bị những con chữ rất có hồn của Hải Miên dẫn dắt và áp đặt cảm xúc. Đỏ Như Lửa Cháy hay Tình Như Lửa Cháy? Ngùn ngụt cảm xúc qua từng con chữ.

HOÀNG ANH TÚ

1. Khi anh trông thấy người phụ nữ đó, mặc chiếc áo đầm đỏ như lửa cháy, tay dắt theo một đứa nhỏ, anh thốt kêu lên: “Lạy Chúa! Con chưa từng phạm tội. Xin Người đừng để con phạm tội”.

Nhưng Chúa thì bận rộn, cả loài người cần đến Người, ngoài ra ông còn phải giải quyết một số việc riêng, mà đứa bé đã nắm tay người phụ nữ lôi tuột chị đến bên anh, vỗ vỗ vào chiếc ghế kế bên:

- Con thích ngồi ở đây, với chú này.

Người mẹ (chắc thế rồi) nở với anh một nụ cười nhã nhặn, như xin phép, như xin lỗi đã làm phiền. Rồi chờ khi anh đưa tay mời, chị nhẹ nhàng ngồi xuống. Trong phút chốc tình cờ, ánh mắt họ giao nhau. Rồi nhanh chóng nhìn lảng đi nơi khác. Nhưng chỉ trong một tích tắc ấy thôi, anh đọc thấy sự muộn phiền bối rối của chị và chị đọc thấy ánh mắt thảng thốt của anh.

Trong anh, gào lên một thứ tiếng nói, như mệnh lệnh, như van nài, của một thứ bản năng sâu kín nhất, khi đối diện một nguy cơ, nỗi bất an, rằng hoặc là anh phải đứng dậy, đi chỗ khác. Hoặc là anh sẽ lún bước với người phụ nữ này. Hoặc là họ sẽ mắc vào cái bẫy tai quái của ông già số mệnh.

Nhưng khi anh đang tìm một cái cớ đủ lịch sự để đứng lên thì đứa bé, độ hơn 4 tuổi, đã quay sang mẹ nó, và hỏi:

- Mẹ, chú này tên gì?

Chị nhìn anh, nhướn mắt cười. Anh đáp lời cô bé:

- Chú tên Phong. Còn cháu?

- Cháu là Vôva. Chú mấy tuổi?

Anh bật cười:

- Chú ba mươi hai tuổi.

Đứa bé chăm chăm nhìn anh, hỏi tiếp:

- Răng của chú mấy tuổi?

(Ôi, trẻ con!)

- Cũng ba mươi hai tuổi.

- Vậy mắt chú mấy tuổi?

- Cũng ba hai tuổi.

- Còn tóc của chú?

- Cũng ba hai tuổi.

Cô bé thở một hơi dài, chu tròn đôi môi đỏ thắm, thất vọng kết luận:

- Cái gì của chú cũng ba hai tuổi hết!

Cả anh và chị cùng bật cười. Anh thấy yêu đứa bé này quá đỗi. Và mẹ của bé, mùi nước hoa sâu thẳm của nàng, dịu ngọt, huyền hoặc như mùi gỗ rừng già nhiệt đới… Anh không sao đứng lên nổi.

Đó là ngày anh gặp chị, người phụ nữ mặc tấm áo đỏ như lửa cháy, tay dắt theo một đứa nhỏ, luôn mở rộng mắt và hỏi: “Đây là cái gì? Nó mấy tuổi?”.

Anh tên Phong. Anh ba mươi hai tuổi. Anh làm thiết kế nội thất. Hôm đó, anh mặc chiếc sơ – mi màu tro.

Anh có vợ. Và chưa từng phạm tội.

2. Để tránh việc có quá nhiều người nhầm họ là hai vợ chồng và một đứa con, chị xin phép anh qua bàn khác ngồi. Anh nhún vai:

- Chỉ sợ chị phiền, còn tôi thì không sao cả. Đâu phải sự hiểu lầm nào cũng tệ!

Chị ôm vai con, cười, nụ cười sáng bừng, hồn nhiên và trẻ như một thiếu nữ (một phụ nữ với đôi mắt muộn phiền bối rồi và nụ cười thiếu nữ, tại sao lại có người như vậy? Và tại sao anh lại gặp gỡ?)

- Chúng tôi là hai người phụ nữ tự do.

Đứa bé cười khanh khách, nói tiếp theo mẹ:

- Tự do như cánh chim trời!

“Chúng tôi tự do”, tự dưng anh như cất được tảng đá đè nặng trên ngực khi nghe chị nói điều đó. Làm như anh cũng là một người tự do!

Trời mưa như một cái thùng dốc người đáy khi buổi tiệc tàn. Người mẹ bối rối nhìn trời. Còn Vôva thì chỉ chực vùng khỏi tay mẹ để chạy ào ra hiên, nghịch nước. Anh ái ngại hỏi:

- Chị và bé đến đây bằng g

- Chúng tôi đi xe buýt.

Anh biết bến xe buýt đó, cách khách sạn nơi họ đứng chừng năm, bảy phút đi bộ.

- Hay chị quá giang xe của tôi, ít nhất cũng không phải chờ đợi hoặc ướt sũng.

Đứa bé reo lên:

- Chú Phong có xe hơi hả? Xe của chú mấy tuổi?

Phong nâng nhẹ cằm nó:

- Xe chú năm tuổi.

Lần này, nó ngạc nhiên, so vai và bĩu môi, ý bảo “Sao không phải là ba hai tuổi?”. Nhưng nó chỉ nói:

- Cháu thích xe hơi.

Anh phân trần:

- Một chiếc xe cũ, nhỏ và thấp, chạy chậm. Một con rùa thì đúng hơn.

- Tôi thích con rùa đó, vì nó có cái mai đủ lớn cho tất cả chúng ta ẩn náu – chị cười, nói đùa. Một lần nữa anh lại phải quay nhìn chị. Mọi thứ đối với chị đều tự nhiên, nhẹ nhõm, và có chút hài hước. Những phẩm chất thường thấy ở đàn ông nhiều hơn là ở phụ nữ. Nhưng phẩm chất đó ở chị càng tuyệt vời, khi nó được diễn đạt bằng giọng nói gợi cảm với những cử chỉ duyên dáng của nữ tính.

Đứa bé thật sự vui thích với chiếc xe. Nó liên tục cằm nắm, sờ mó hết bộ phận này đến bộ phận khác, hỏi anh về tên gọi, dùng để làm gì. Sau đó luôn luôn kèm theo một câu bình luận thật buồn cười. Và khi anh chỉ mong nó im lặng để anh có thể trò chuyện với mẹ của bé, thì nó lăn ra ngủ, đầu ngoẹo sang một bên, đôi môi đỏ thắm dẩu ra. Một đứa bé thật đáng yêu, và cũng thật biết điều, anh thầm nghĩ.

- Vợ anh đây, phải không?

Chỉ vào tấm ảnh để trên xe, chị hỏi. Anh gật đầu, không phải không có phần hãnh diện.

- Cô ấy trẻ, và thật đẹp, hiền dịu. Cô ấy yêu anh nhiều.

Chị làm anh bất ngờ. Chưa người nào nói với anh về vợ anh như vậy, ít nhất là ở lần gặp đầu tiên.

Đáng lẽ trò chuyện với chị, anh lại nghĩ về vợ. Anh yêu nàng ba năm, và đã chung sống với nàng được hai năm. Tất cả ý nghĩ của anh về vợ là “cô ấy trẻ, xinh và ngoan”.

3. Như một phép lịch sự tối thiểu, chị mời anh vào nhà uống trà. Anh biết mình nên từ chối và phóng xe đi, coi như một trong muôn vàn cuộc gặp gỡ tình cờ, ngắn ngủi khác. Nhưng đứa bé thức dậy và bày tỏ một lòng mến khách nhiệt thành, hơn mẹ nó rất nhiều. Nó cứ nắm lấy tay anh và nài nỉ:

- Chú vào đi, vào nhà cháu đi. Rồi chú sẽ thấy, đó là một thiên đường.

Anh cười, nói như thanh minh:

- Chị có một cô chủ nhỏ hiếu khách chưa từng thấy.

Chị mở rộng cánh cửa, nói với anh:

- Thậy kỳ lạ, nó chỉ như vậy với anh thôi. Trước đây, cứ gặp nam giới là Vôva cau mặt lại, lầm lỳ, khó vâng lời nữa.

- Tôi cũng vậy. Tôi chỉ thật sự chú ý đến trẻ con và thấy chúng thú vị từ khi gặp Vôva. Trước đây, tôi rất ngịa con nít, chỉ không ngại những cô bé từ 18 tuổi trở lên thôi.

ị bật cười vui vẻ và mời anh vào nhà.

Khi bước qua ngưỡng cửa, anh thấy gì?

Một tiểu thiên đường bày ra trước mắt anh, hay đơn giản hơn, là một chiếc tổ êm ái và ấm áp. Căn phòng nhỏ gọn gàng, bài trí giản dị nhưng rất chọn lọc, màu sắc tươi sáng, ghế sofa êm và ấm áp như một vòng tay ôm. Một chốc sau, căn phòng nhỏ dậy lên thơm nức mùi cà phê, ca cao, sữa và bánh nướng. “Nếu mình đang không có một căn nhà khác chờ đợi, nếu mình là một khách qua đường, thèm một chỗ ngả lưng mà lọt vào đây thì sao nhỉ?”, anh tự hỏi mình.

- Con ghét sữa!

Đứa bé la to khi mẹ nó đưa ly sữa ấm cho nó. Nhưng bắt gặp ánh mắt nghiêm khắc của mẹ, nó ngoan ngoãn đón lấy, vừa uống vừa nhún nhún trên ghế, trông hạnh phúc và yêu đời, chứ không có vẻ gì là “ghét sữa” cả. Anh tự nhủ: “Ánh mắt nàng có uy lực. Không hiểu nam giới có như đứa trẻ kia không, thường la to ‘tôi ghét lấy vợ’, cho đến khi bắt gặp nàng…”

Nàng ngồi vào chiếc ghế bên phải anh, uống cacao thật nhiều sữa. Trông chị mềm dịu, thoải mái, tự nhiên trong căn phòng ấm áp, xinh xắn của mình. Ở mẹ con chị và căn nhà của họ, toát lên một vẻ an nhiên, mãn nguyện, hoàn toàn không thấy bóng dáng của cái gọi là quạnh quẽ, món thường thấy ở những ngôi nhà thiếu đàn ông.

Cô bé nhờ anh sửa cho nó một món đồ chơi. Và khi anh chỉnh lại dây cót, chiếc xe hình con chó đốm lại chay ro ro, cô bé khoái chí cười vang và bảo mẹ:

- Mẹ, mẹ đọc thơ cho chú Phong nghe đi.

Chị giải thích:

- Để cám ơn ai, Vôva lại bảo tôi đọc thơ, không cần biết người đó có thích hay không.

- Mẹ, mẹ đọc thơ đi chứ.

Đứa bé thúc giục. Chị với tay lấy một cuốn sách trên giá, và nhún vai nhìn anh, ý bảo: “Anh đành chịu khó vậy

Với một giọng trầm trầm, có hơi thở buồn rầu và đầy xúc cảm, chị đọc lời đề từ: “Họ yêu nhau, nhưng chẳng người nào muốn nói ra”.

- A, mẹ đọc thơ Nga!

Đứa bé reo lên, anh giật mình, bảo chị:

- Vôva làm tôi mặc cảm về kiến thức văn chương của mình quá.

Chị lắc đầu, có ý bảo đừng để ý đến nó, khi cô bé đã tự nhiên ngồi cuộn tròn trong lòng anh, nhấm nháp bánh nướng và làm rơi đầy vụn bánh xuống áo anh.

Họ yêu nhau từ lâu và đằm thắm

Khắc khoải buồn và say đắm cuồng điên

Nhưng như thù, hai người cùng lẩn tránh

Và lời đổi trao nhạt nhẽo, tẻ buồn

Họ chia tay, đau thầm và kiêu hãnh

Bóng dáng yêu chỉ thảng gặp trong mơ

Thần chết đến: trời bên kia hội ngộ…

Nhưng còn đâu nhận lại được người xưa

Bài thơ Nga đó, anh nghe nàng đọc vào tối đó, thay cho lời cảm ơn của hai mẹ con gửi đến anh, anh đâu ngờ, sẽ vận vào đời anh. Không, vào đời họ, như một định mệnh.

Khi anh đứng dậy, cố che giấu vẻ luyến tiếc, từ biệt ho ra về, đứa bé thốt lên: “Đã ở thiên đường, tại sao chú lại còn đi đâu!?

Anh sững sờ nhìn đứa bé.

Những chân lý vĩ đại nhất thường mượn đôi môi của trẻ con để thốt lên.

Những sự thật giản dị nhất thường bị người lớn làm cho rối tung và phức tạp. Rồi lẩn tránh.

Anh suýt bảo như vậy, nếu như chị không bật cười và giải thích:

- Anh bị Vôva lừa rồi. Nó thường nói như một cuốn sách vậy đó, vì nó nhớ gần hết những gì tôi đọc cho nó nghe.

4. Trong những sự tình cờ nhất luôn có những sắp đặt vô hình.

Trong những hạnh phúc trọn vẹn nhất luôn ẩn giấu những điều nhạt nhẽo.

Trong người đàn ông vững vàng, hài lòng nhất về vợ mình, vẫn ngủ yên một khao khát.

Cho đến một ngày, khao khát ấy thức dậy.

5. Anh yêu Chi Mai, vợ mình. Chi Mai tôn sùng anh, như một thổ dân tôn sùng Mặt Trời. Họ không giàu, nhưng đầy đủ. Chi Mai mãn nguyện. Anh nghĩ mình hạnh phúc.

Nhưng dạo gần đây, anh thường nhớ tới bé Vôva. Và mẹ của nó. Có đôi khi, anh ngồi hàng giờ trước hiên nhà, và nghĩ về họ. Dưới vẻ mặt phẳng lặng của anh, mọi thứ đã không còn phẳng lặng. Cảm giác nhung nhớ từ lâu mất đi, giờ bỗng thức dậy, cồn cào. Anh tự nhủ rằng, nếu mình cố gắng, mình sẽ thắng được con sâu gặm nhấm trái tim đó. Nó sẽ ngủ yên.

Nó sẽ để cho anh

6. Một ngày, chưa bao giờ trước đó, trong điện thoại di động của anh vang lên tiếng một đứa con nít: “Chú Phong ơi, con chó đốm của cháu không chạy nữa. Mẹ nói nó bệnh. Cháu thấy nó gần chết rồi. Sao chú không tới. Chú biết làm nó sống lại”. Giọng Vôva muốn khóc.

- Sao cháu biết số điện thoại của chú?

- Vì con chó đốm của cháu cần chú.

Trước đây, anh không hề quan tâm đến con nít. Anh chưa bao giờ là bạn của chúng. Nhưng đây là Vôva.

7. Khi anh tới, chị mặc một tấm áo đỏ rực như lửa. Mái tóc dày đen xanh của chị xõa xuống vai, ngời lên một thứ sức sống mãnh liệt. Như thiêu đốt.

Chị vừa bước ra từ phòng tắm, trắng muốt, tinh sạch và thơm mát. Gần giống như một cánh hoa.

Thấy anh, chị mỉm cười, giản dị như đón một người bạn. Trong ánh mắt tĩnh lặng chị nhìn anh, thật khó đoán biết chị có chút gì như sự mừng rỡ hay không.

Chị pha cà phê cho anh, mời anh ăn một chút mứt chị mới làm hôm qua và ngồi yên lặng đọc sách, khi anh và Vôva trò chuyện và “chữa bệnh” cho con chó đốm, những câu chuyện thay đổi đề tài liên tục bất tận. Thỉnh thoảng, chị ngưng đọc, nhìn sang họ, mỉm cười.

Bằng sự tinh nhạy đặc biệt, anh biết, mỗi khi anh nói, chị ngưng đọc, lắng nghe. Nhưng nét mặt không hề thay đổi. Một vẻ bình thản và phẳng lặng, như là không cảm xúc.

Con chó đốm ngúc ngoắc đuôi chạy đi. Vôva giục mẹ

- Mẹ đọc thơ đi.

Nhưng chị bảo chú Phong sẽ ốm, nếu con cứ cảm ơn chú bằng cách đó. Chị rủ:

- Chúng ta hát tặng chú một bài đi. Như vậy chú đỡ trầm cảm hơn.

Anh nhịp nhịp chân nghe họ hát: “Tôi yêu bạn, bạn yêu tôi. Cuộc đời này thật là đáng sống…” Chị hát giọng trầm. Vôva hát giọng Vôva, cao chói lói.

Một bài hát của thiếu nhi. Nhưng anh lại nghĩ suy kiểu suy nghĩ của người lớn. Và thở dài.

Một lúc, nàng nhắm mắt, có thể là thiếp ngủ chốc lát.

Lúc này, nếu ta ôm nàng vào lòng. Nếu ta đặt lên đôi môi ẩm ướt của nàng một nụ hôn. Nếu ta đặt một ngón tay lên chiếc cổ áo đỏ rực như lửa cháy kia… Có lẽ nàng vẫn nhắm nghiền mắt và thiếp ngủ như thế. Như thể nàng sinh ra, là để cho anh. Là thuộc về anh. Việc của nàng chỉ là chờ đợi. Chờ đợi và không thôi thúc.

Nhưng nếu vì một lý do gì đó, anh không đến được với nàng, thì sao? Nàng sẽ lại nắm tay cô con gái nhỏ của mình, cười vang, an nhiên đi tiếp cuộc hành trình của họ. Như là hạnh phúc của họ đã sẵn có đó. Không có anh, nơi đây cũng đã là một tiểu thiên đường.

- Có điều gì đang khuấy động tâm trí anh, phải không?

Đột nhiên, chị cất tiếng. Và anh biết mình không phải trả lời. Chị đứng dậy, bế Vôva đã say ngủ trong lòng anh, đặt vào giường. Chó đốm đã chạy rồi. Cà phê đã uống cạn rồi. Bé Vôva cũng đã ngủ. Những điều muốn nói đằng nào cũng không thể nói. Anh còn việc gì để ở lại đây?

Họ yêu nhau từ lâu và đằm thắm

Khắc khoải buồn và say đắm cuồng điên…

Những câu thơ ấy vang lên trong anh, bằng giọng đọc của chị, không biết lần thứ bao nhiêu, kể từ hôm anh được chị và bé Vôva “cảm ơn” bằng bài thơ này.

8. Lúc anh lái xe về, Chi Mai ngồi nhìn qua cửa sổ.

Nàng vui ríu rít như chim. Nàng nói về món bánh cuốn mà nàng tự tay xay bộ, tráng bánh, làm nhân. Để cảm ơn nàng, anh cắm cúi ăn thật nhiều. Có một lúc, một giọt nước mắt to tướng rơi xuống đĩa bánh. Không phân định được là dành cho người phụ nữ nào. Hay là dành cho chính mình.

Anh ngồi hàng giờ trước hiên nhà. Và nhớ về họ, bên cạnh Chi Mai. Anh không nói một tiếng nào. Chi Mai cố gắng thở thật nhẹ. Anh thấy thương vợ mình, nhưng anh không biết làm gì để bày tỏ tình cảm đó. Miệng lưỡi của anh, chân tay của anh, tất thảy chúng đều bất động trước vợ mình. Chúng muốn một điều gì khác. Chúng có những niềm khát khao khác, anh không thể điều khiển.

9. Anh đã gần như quên được đường đến nhà nàng. Bằng cách mỗi tối bắc ghế ngồi hàng giờ liền trước hiên nhà. Mắt nhìn đăm đăm vào một cái cây nào đó. Không nói gì hết.

Anh cố gắng tỏ ra mình kiên cường. Anh lao vào làm việc như đó là lẽ sống của anh. Anh cười nói và tấu hài.

Nhưng trong thâm tâm, anh biết mình buồn.

Chi Mai cũng lặng lẽ như anh. Nàng cố tìm hiểu xem điều gì đã chiếm hữu chồng nàng. Chi Mai đau khổ, nỗi đau khổ cho nàng và cả cho anh.

Những mối tình, nếu không được cả hai chăm sóc và vun xới, thì trước sau gì cũng chết. Anh tự nhủ như vậy. Và anh khắc khoải chờ đợi ngày nó lụi tà

Nhưng trên thực tế, trái tim anh cứ tiếp máu cho nó, mỗi ngày, mỗi giờ.

Anh cùng Chi Mai đi du lịch, thật xa và dài ngày. Sau một chuyến đi, mình như trở thành một người mới, anh hy vọng vào điều đó. Chi Mai thích biển, anh thích núi, và họ đi biển. Ở biển, mỗi hoàng hôn, anh lại đứng tì ngực vào ban – công, nhìn Mặt Trời lặn hàng giờ liền. Lâu lâu, nhìn ra bãi tắm thấy Chi Mai đang một mình nghịch cát ngoài ấy, anh đưa tay vẫy và mỉm cười với nàng, những nụ cười nặng trĩu.

Vào một hôm anh đang đứng tì ngực vào ban – công nhìn Mặt Trời như thế, thì anh nhận được tin nhắn của chị: “Xin anh hãy đến. Sức sống đang rời bỏ thiên đường của chúng tôi, từng ngày”.

Chiếc máy trong tay anh run lên, muốn tan chảy ra. Một lúc, anh tự sỉ vả mình. Buộc một phụ nữ như chị phải kết liễu niềm kiêu hãnh của mình đều thốt lên điều đó, có phải là anh đã hợm hĩnh quá không, độc ác quá không? Và như vậy, cũng đã là phạm tội rồi không!?

Anh bảo vợ sửa soạn về lại thành phố ngay chuyến tàu tốc hành đầu tiên của sáng hôm sau. Chi Mai vâng lời anh nhưng không giấu được vẻ băn khoăn. Anh im lặng, không nói lý do. Anh thường xuyên như vậy, khi cần phải nói dối thì im lặng.

Anh sửa soạn đến nhà chị, như đi nghênh đón số phận của mình. Cho dù số phận đó thế nào đi nữa, anh cũng muốn biết. Cũng không còn cách nào khác. Càng trốn chạy, nó càng luồn sau vào trái tim anh, tụ lại thành một nỗi buồn rầu, dìm cuộc sống của anh trong những chiều mưa triền miên. Những chiều mưa không biết có ngày tạnh.

10. Không chỉ cơ thể, mà cả trái tim anh cũng run lên, khi Vôva theo một cô gái hàng xóm đi xem phim. Hàng rào hồn nhiên vững chắc nhất giữa họ đột nhiên bị dỡ bỏ. Và cả hai hoảng hốt, lo sợ. Lý trí bảo họ tháo chạy, nhưng tình cảm và toàn bộ cơ thể họ chống lại mệnh lệnh đó.

Cơ thể và trái tim chúng ta có những lý lẽ riêng, những mong muốn riêng, những đòi hỏi riêng, những quy luật riêng mà không phải lúc nào cũng cần sự can thiệp của lý trí. “Khi yêu, tôi cho cơ thể của tôi quyền tự do hành động”, người phụ nữ viết văn thông minh nhất thế giới đã viết ra câu đó. Vậy tại sao ta, những người kém thông minh hơn, lại không tin theo?

Nhưng anh không biết bắt đầu từ đâu.

Trong dáng vẻ chị ngồi, trong đôi tay chị ngoan ngoãn buông xuôi theo thành ghế sofa, không có sự phòng thủ nào cả. Nhưng trong đôi mắt đen loáng nước, rất thông minh và bí ẩn của chị, lại cho thấy một lời cảnh báo. Rằng chị là một bí mật bất khả xâm phạm.

Rồi, không biết bắt đầu từ ai trước, họ giải phóng cho nhau khỏi những che đậy và vướng víu.

Và anh trôi đi, như trong một giấc mơ.

Chị nằm đó, dưới mắt anh bồng bềnh trắng muốt giữa quần vải đỏ, như một đóa thạch tuyết bồng bềnh trên phiến lá của nó. Khi bắt gặp ánh mắt anh nhìn, chị hơi co người lại. Yêu vô cùng vẻ e thẹn tự nhiên của một người đàn bà, ngay cả khi họ đã thuộc về người đàn ông mà họ mong muốn nhất.

Khi chị bị bao bọc bởi vải vóc, trông chị hơi gầy và mảnh mai. Nhưng khi cơ thể chị được bộc lộ, anh ngạc nhiên thấy chị thật tròn đầy, mềm mại với những dẻ xương nhỏ nhắn. Đôi chân chị dài, mềm dẻo và linh hoạt, như của một nghệ sĩ xiếc. Cả cơ thể chị thoát khỏi cái vẻ điềm tĩnh thường ngày, để nhập vào một điệu vũ thầm lặng với tất cả sự sôi nổi và đam mê, bồng bột. Nhưng vẫn e dè. Cái e dè muôn thuở của người đàn bà phương Đông.

Có một lúc, từ đôi mắt nhắm nghiền của nàng, hai giọt nước mắt lớn ứa ra. Nàng nói, tiếng như có vết xước, chân thành và cầu khẩn:

- Đừng kết tội em. Đừng đánh giá em.

Chỉ trong những giây phút ngắn ngủi, với sự tiếp xúc và lắng nghe của mọi giác quan, mọi bộ phận của hai cơ thể, anh hiểu nàng nhiều hơn bao nhiêu giờ liền họ ngồi bên nhau, trước đó

Trong những giây phút hư ảo đó, nàng bộc lộ mình chân thực và hoàn toàn. Vẻ điềm tĩnh nhưng quyết liệt của nàng. Niềm kiêu hãnh cứng rắn nhưng yếu đuối và đa cảm của nàng. Sự kiên cường và nỗi tuyệt vọng của nàng. Những giằng co và những thỏa hiệp của nàng. Hạnh phúc và nỗi đau khổ của nàng. Tất cả được nói lên bởi nhịp điệu của cơ thể nàng, một cơ thể mềm dẻo và linh hoạt, có ngôn ngữ riêng, đầy sức biểu cảm.

Hòa điệu với ngôn ngữ đặc biệt đó, là những cảm xúc và năng lượng trong anh được khai phá. Anh hoàn toàn thoát khỏi nhịp điệu hoặc uể oải hoặc vội vã thường ngày để cất lên một thứ nhịp điệu nhiều biến tấu hơn, dịu dàng hơn nhưng cũng mãnh liệt hơn.

Trước đó, anh thường cho rằng, con người chỉ có một thứ ngôn ngữ hiệu quả để diễn đạt bản thân, và anh cũng chỉ sử dụng nó: Tiếng nói, chữ viết. Ngoài ra, không còn một phương tiện diễn đạt nào khác. Và anh say mê những con chữ, ngụp lặn trong nó, chơi đùa với nó, sáng tạo trên nó, như một nghệ sĩ xiếc tung hứng với quả bóng nhỏ trong tay mình. Và anh lấy làm vui thích vì điều đó. Anh cũng kiêu ngạo vì điều đó, rằng trên đôi môi anh, dưới những đầu ngón tay anh, tiếng nói và chữ viết tuôn ra như một dòng thác vô tận, với những lung linh biến hóa không ai ngờ trước được.

Cho đến những giây phút này, khi anh dùng đến mọi giác quan, mọi tế bào để lắng nghe và cảm nhận thứ ngôn ngữ khác từ cơ thể nàng, anh tự cười mình hợm hĩnh. Thực ra, thứ ngôn ngữ ký hiệu chỉ là những cái vỏ trống rỗng. Rất nhiều khi chúng bất lực. Ngôn ngữ cơ thể nàng không vậy. Chúng khơi mở những nguồn cảm xúc mới, chúng giải thoát những ý niệm bì tù hãm và chúng giải phóng những nguồn năng lượng chìm ẩn trong anh.

Khi nàng chuồi khỏi anh, anh hốt nhiên hoảng sợ, về những ngày không có nàng. Anh muốn níu nàng lại. Nhưng trong tay anh, chỉ là một nhúm satin rực đỏ.

Anh mở mắt. Hương thơm của chị vẫn còn lẩn khuất đâu đó. Trên ngón tay đeo nhẫn của anh, còn in một vết son của chị. Nhưng anh, y phục hoàn toàn chỉnh tề. Thậm chí, đôi tất dưới chân anh vẫn còn ôm gọn lấy bàn chân. Và khi nàng bước ra từ nhà sau, trên tay bưng tô súp nghi ngút khói, thì trên người nàng, tấm áo rộng đỏ thắm đó, không một nếp nhăn.

Anh khép mắt lạ hồi nhớ về những cảm xúc vừa trải qua. Rốt cuộc là anh và nàng, vừa trải qua những hoan lạc thật sự, hay chỉ là một giấc mơ, một đợt sóng tưởng tượng giao thoa của cả hai người?

11. Anh rời khỏi nhà nàng khi đêm đã về khuya. Nhưng Vôva vẫn muốn anh ngồi nghe nó huyên thuyên về bộ phim thần thoại mà nó vừa xem. Vôva nhắc lại anh, “Đã ở thiên đường, sao chú còn đi đâu?” Anh dịu dàng nói với Vôva, như với một người bạn:

- Chú phải rời bỏ, để thiên đường mãi là thiên đường.

Ngước đôi mắt tròn to, thông minh và nhạy cảm nhìn lâu vào mặt anh, Vôva hỏi:

- Chú buồn, phải không ạ?

Anh không chỉ buồn.

Anh muốn khóc.

Anh muốn gào lên.

- Tại sao hoàng tử lại nói: “Ai đang yêu mà chẳng đớn đau?”

Vôva là vậy. Nó thường đuổi theo những thắc mắc của nó, thay bằng tiếp tục đề tài mà nó vừa khơi ra.

12. Đã nhiều buổi chiều trôi qua.

Anh bắc ghế ra hiên, ngồi im lặng hàng giờ liền. Mắt anh nhìn đăm đắm vào một cái cây trong vườn. Nhưng không thấy gì hết. Cũng không nghĩ gì hết. Chỉ có cơ thể trắng muốt của chị bồng bềnh giữa quần lụa đỏ, như một đóa thạch tuyết nổi giữa phiến lá của nó, cứ như một thách đố trước mắt anh…

Anh chăm chú nhìn vào cuốn sách đềở trước mặt, cuốn sách về người đàn ông đang sống một cuộc đời bình thường, cùng với vợ, đột nhiên tìm thấy số mệnh của mình, vào năm anh ta hơn ba mươi tuổi, vào một buổi sáng anh ta đi tìm bắt sưu tầm côn trùng. Anh ta lọt xuống hố cát, ở dưới ấy đã có sẵn một người đàn bà, và số phận anh ta là mãi mãi ở lại dưới ấy, cùng với người đàn bà xúc cát đổ đi mỗi ngày, nếu không muốn cả hai bị chôn sống trong hố cát đó.

Anh đọc lơ đễnh nhưng vẫn có thể nở một nụ cười chua chát.

Anh nói với Chi Mai, ngồi đan móc bên cạnh anh, lùi về phía sau một chút:

- Nếu em muốn thở dài, em cứ thở dài.

Chi Mai, nói nhỏ, thấm đẫm nỗi buồn rầu sau một thoáng ngập ngừng:

- Sao anh không đi đến một nơi nào đó. Em thấy anh đang chết dần.

Bằng câu nói đó, Chi Mai giữ anh ở lại mãi mãi với nàng.

13. Ở cơ quan anh vẫn tung hứng với những con chữ của mình. Anh làm việc nhiều hơn. Và ngôn từ của anh nhiều sức nặng hơn. Không ai nhận thấy có điều gì lạ ở anh. Anh cố gắng tỏ ra kiên cường. Anh cười nói và tấu hài. Nhưng trong thâm tâm, anh biết mình buồn.

14. Đến ngày thứ mười ba, anh đầu hàng chính mình. Từ cơ quan, anh lái xe đến thẳng nhà nàng. Anh chỉ muốn nhìn thấy nàng, từ xa thôi, và hoàn toàn lặng lẽ. Anh cũng ao ước được nghe tiếng Vôva, ca hát hay thắc mắc một điều gì đó, với mẹ. Anh như kẻ độc hành trên sa mạc. Cô đơn. Buồn bã. Và khát cháy. Ảo ảnh của ốc đảo cứ bồng bềnh trong tâm trí.

Hoàn toàn im ắng. Cửa khóa. Những vạt cỏ xanh tươi trước cổng đã úa vàng và khô đi. Một tấm biển kẻ sơn xanh treo lủng lẳng trước cổng “NHÀ BÁN”, địa chỉ liênà của một công ty môi giới địa ốc quen thuộc.

Hoàn toàn im ắng. Thiên đường đã rời bỏ ngôi nhà của nó.

Anh đứng bất động trước cánh cổng, chưa quen thuộc nhưng đã quá đỗi thân yêu ấy, và không muốn rời chân đi đâu nữa. Cho đến khi cô gái hàng xóm, cô gái đã đưa Vôva đi coi phim hôm nào, rụt rè tiến đến bên anh, đưa cho anh một gói quà nhỏ, nói với anh bằng giọng cảm thông sâu xa: “Ông ta đã về, và đưa họ đi”.

Cầm gói quà nhỏ trên tay, mùi nước hoa quen thuộc của nàng kín đáo luồn sâu vào hơi thở anh. Anh run lên và biết rằng, cuộc chiến đấu chống lại nàng và bản thân anh, thế là từ đây đã có người chấm dứt hộ anh.

“Em và Vôva đã nói dối anh, ở lần gặp gỡ đầu tiên, rằng em và Vôva là hai người phụ nữ tự do, tự do như cánh chim trời. Em cũng không hiểu điều gì đã buộc em phải nói dối anh như vậy.

Em sẽ sống một đời vui, vì đã một lần gặp anh” (**)

Thốt nhiên, anh thấy căm giận nàng, khi nàng dùng câu này với anh, “em sẽ sống một đời vui, vì đã một lần gặp anh”. Nó là sự vô vọng, nàng không biết sao? Nó chặn đứng hy vọng và nỗ lực của một người.

Nhưng rồi, anh cũng bình tâm lại. Như mọi người đàn ông đang yêu trên thế gian này, vẫn đau đớn cho người mình yêu hơn cho bản thân mình. Nàng như thế nào khi viết cho anh mấy dòng ngắn ngủi đó?

Nàng gửi lại cho anh, lọ nước hoa nàng dùng, chỉ còn hơn một nửa. Khi anh mở nắp lọ, mùi gỗ rừng già nhiệt đới, với anh đã là mùi cơ thể nàng, lặng lẽ bay lên, luồn sâu vào lồng ngực anh, là lúc anh muốn khóc lên, anh muốn gào lên. Tại sao số phận của anh lại là như vậy? Tại sao số phận của họ lại là như vậy?

Số phận, tại sao lại được quyền nhầm lẫn?

Anh vào xe hơi. Cho nổ máy. Vội vã mở nhạc. Anh cần một sự khuấy động, đánh lạc hướng tâm trí. Nhưng rồi anh nhanh chóng tắt phụt nhạc đi, gục đầu xuống vô – lăng

Ôi, người đàn bà của anh, người đàn bà của cả một đời anh! Đừng ai nói với anh rằng tri âm, nghĩa là một lần gặp gỡ đủ cho cả một đời! Cảm giác có một đôi mắt cứ đau đáu nhìn mình, anh ngẩng lên, và thấy ảnh của Chi Mai. Trong ảnh, trông nàng buồn, như muốn khóc. Nàng trẻ. Nàng đẹp. Nàng hiền dịu. Và nàng yêu anh.

15. Ngày lại ngày trôi qua.

Này nắng. Và ngày mưa.

Tất cả trôi qua trước mắt anh.

16. Mỗi khi cảm giác nhung nhớ thiêu đốt trong anh, anh lại hé mở lọ nước hoa, và hít một hơi sâu, vào tận lồng ngực, vào tận mỗi tế bào. Có lúc, anh cảm nhận rõ ràng, tâm hồn anh cũng giống như một cơ thể, nó có đôi lá phổi, và nó được nuôi sống bằng mùi thơm của tinh chất gỗ rừng già.

Mùi nước hoa quen thuộc, luôn khiến anh nhớ về nàng, cơ thể nàng, và đêm hôm đó.

Nhiều năm trôi qua, anh vẫn không thôi day dứt, rằng cái đêm đó, ở nhà nàng, họ đã hoàn toàn thuộc về nhau chưa? Hay chỉ là một giao thoa giấc mơ của hai người?

Nếu lần nào, anh làm vương một chút nước hoa trên ngón tay mình, thì đêm hôm đó, anh mơ thấy nàng, và anh, trên chiếc sofa ở nhà nàng, với chiếc áo rộng đỏ như lửa cháy…

Trong anh, nhung nhớ và khao khát cứ quyện chặt vào nhau. Và anh không sao từ bỏ. Anh tin rằng, nếu một ngày nào đó, lọ nước hoa này khô cạn, anh không còn tìm thấy hương thơm cơ thể nàng nữa, thì anh sẽ như người đi trên sa mạc. Chân vẫn bước đi. Đôi lá phổi khô cháy. Không còn mơ thấy ốc đảo. Một cái xác rỗng không.

Lọ nước hoaao nhiêu năm không vơi cạn, mãi mãi ở định mức cũ. Dù anh ghé thăm nó, mỗi tuần.

17. Một ngày, Chi Mai lặng lẽ ngã xuống giường bệnh. Nàng chết, không vì một lý do nào cả. Thì lọ nước hoa cạn dần. Một năm sau, chỉ còn một chút hương thơm vương vấn nơi đáy lọ. Và trong ký ức anh.

Đặt bó hoa xuống mộ vợ, và đứng mãi không muốn về, hai giọt nước mắt hiếm hoi lặng lẽ bò ra khỏi mắt anh, anh quỳ xuống mộ, áp mặt lên cỏ, gửi xuống cho nàng một nụ hôn, vào cái ngày anh đã hiểu ra tất cả mọi điều, về lọ nước hoa. Lọ nước hoa không kỳ lạ, chỉ có vợ anh…

Những buổi chiều nắng tắt dần sau ngọn cây, anh lại bắc ghế ra trước hiên nhà. Và ngồi đó, hàng giờ liền, im lặng.

HẢI MIÊN


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx