sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

05. Cô bé kiêu ngạo

Cô bé kiêu ngạo

Nghiêm Tố, nữ, 18 tuổi, sinh viên trung cấp

Tôi hay khinh thường những bạn đang yêu học cùng tôi. Tôi cảm thấy bọn họ không chỉ thiếu hấp dẫn mà còn không có đầu óc, trí tuệ thấp kém. Bạn Ngọc lớp tôi là một ví dụ. Là một đứa lúc nào cũng ỏn à ỏn ẻn nên ngay từ khi còn học tiểu học, Ngọc đã được bao vây bởi vô số vệ tinh. Nghe nói Ngọc rất dễ yếu lòng, không nỡ nhìn con trai đau lòng, kết quả là những tin đồn về tình yêu của bạn ấy liên tục bị phát tán. Nói thật, tôi cảm thấy bạn ấy là kẻ ngốc nghếch hơn bất kỳ ai. Mặc dù Ngọc có một trái tim nhân hậu, nhưng sự nhân hậu ấy khiến cho tôi cảm thấy khó chấp nhận. Theo tôi, sự nhân hậu của Ngọc chính là sự nhân đạo của người phụ nữ điển hình, có vẻ hơi ngốc nghếch, lại dễ khiến cho người ta dở khóc dở cười. Còn nữa, mọi người trong lớp tôi rất thích tụ tập tán dóc, tranh luận này nọ; thế nhưng ai cũng sợ Ngọc tham gia vào; bởi vì khả năng ăn nói của Ngọc chẳng khác gì một đứa trẻ con mẫu giáo.

“Đám con trai thường thích những đứa con gái ngốc nghếch, như vậy bọn nó mới có dịp thể hiện mình!”, đó là câu nói của Anh Tử, người bạn thân của tôi. Thế nhưng kể từ khi nhận được một bức thư tỏ tình của một bạn nam nào đó, Anh Tử tuyệt nhiên không bao giờ nhắc lại câu “danh ngôn” kia nữa. “Ôi, làm sao đây? Cái thằng cha đáng ghét đó cứ bám lấy tớ suốt ngày!”, Anh Tử kêu ca với tôi. Điều này thì có gì là khó cơ chứ? Tôi cầm bức thư tình đó lên, nghiền ngẫm qua loa một chút, một mực phê phán những quan điểm trong đó. Cuối cùng tôi nghiêm giọng nói: “Sinh viên trung cấp sau khi ra trường vẫn còn là những người thấp kém trong xã hội, vậy thì bây giờ cậu lấy tư cách gì mà nói chuyện yêu đương? Nếu như cậu nhất định phải tìm sự ấm áp của tình yêu, vậy thì xin lỗi nhé, cậu tìm nhầm người rồi. Nếu như cậu nhận định rằng tôi cũng dễ mềm lòng như cậu thì càng sai lầm hơn, xin đừng có lấy bụng tiểu nhân để đo lòng quân tử!”. Tôi kết thúc bức thư hồi âm viết hộ Anh Tử bằng ba cái dấu chấm than to đùng. Tôi bảo Anh Tử hãy chép lại những gì tôi viết rồi gửi cho cái kẻ đáng ghét kia. Tôi cảm thấy như vậy mới bõ tức. Những tên con trai vô dụng đó dựa vào cái gì mà cho rằng chúng tôi cũng ngốc nghếch như thế cơ chứ? Hứ...

Tôi không biết Anh Tử đã xử lý bức thư đó ra sao. Một tuần sau, tôi phát hiện mối quan hệ của tên con trai đáng ghét kia và Anh Tử trở nên thân mật hơn. Thực ra, Anh Tử làm như vậy cũng không nằm ngoài dự kiến của tôi. Bây giờ đã là năm học thứ hai rồi, cuộc sống của sinh viên trung cấp lại nhẹ nhàng hơn nhiều so với cuộc sống của học sinh cấp hai, cấp ba; ngay cả chuyện có lên lớp hay không các thầy cô giáo cũng xuề xòa cho qua, những thứ học được chẳng qua lại chỉ là những kiến thức đã lỗi thời, chẳng thể làm cho sinh viên hứng thú, vì thế nên ai cũng cảm thấy nhàm chán. Gần đây trong lớp có rất nhiều người bắt đầu yêu đương. Anh Tử ban đầu còn chịu ảnh hưởng của tôi, hào hứng đăng ký tham gia thi liên thông cao đẳng. Thế nhưng bạn ấy học không vào đầu, mỗi lần học bài lại không nén được tiếng thở dài não ruột. Tôi không chút khách sáo, nói với Anh Tử: “Cậu có muốn trở thành một bà nội trợ thì cũng đừng nên chọn một thằng con trai trong lớp mình!”. Anh Tử biết tôi có ý coi thường bọn họ, nhưng chỉ cười mà không nói năng gì!

Thế nhưng có một hôm, Anh Tử trêu tôi; nói là quan sát thấy trong lớp có một người đang thầm chú ý đến tôi. Tôi cảm thấy rất buồn cười, liền nói với Anh Tử rằng cứ để cho kẻ đó âm thầm thích tôi cả đời đi, điều đó chẳng liên quan gì đến tôi cả. Anh Tử muốn nói cho tôi biết tên của người đó, nhưng tôi không nghe. Nhưng Anh Tử cứ một mực nói ra cho bằng được; bạn ấy nói, người đang âm thầm thích tôi chính là D. Không nghe thấy thì thôi, nghe xong tôi liền nổi cơn tam bành, bởi vì D là một sinh viên rất kém trong lớp. Cậu ta trông cứ như một củ khoai tây ấy. Nói như vậy không có nghĩa là tôi là một người coi trọng tướng mạo của người khác. Nhưng cả ngày lúc nào cậu ấy cũng uể oải, chẳng hiểu ra làm sao nữa! Điều làm tôi tức giận đó là một người như vậy thì lấy tư cách gì mà đòi thích tôi cơ chứ? “Đúng là muốn chết!”, tôi phẫn nộ quát Anh Tử, nhưng thực chất, câu vừa rồi là hướng về cậu D kia.

Kể từ đó, mỗi khi ngồi trong lớp học, tôi lại cảm thấy không được thoải mái, tôi luôn cảm giác như có một ánh mắt đáng ghét đang hướng về phía mình (D ngồi ở phía dưới, cách tôi mấy dãy bàn). Cứ nghĩ tới ánh mắt của D đang nhìn trộm mình là tôi lại thấy toàn thân mình ngứa ngáy. Khi tôi quay xuống nói chuyện với các bạn hoặc mượn đồ dùng học tập, tôi có cảm giác như D cố tình cúi đầu xuống, dường như có vẻ ngại ngùng. Chính vì cái tên đáng ghét này mà tôi, một người vô tư, thoải mái lại cảm thấy bị lúng túng. Tôi không thể quát vào mặt cậu ta rằng: “Này, cậu đừng có ăn mày đòi xôi gấc, cứ nhìn chằm chằm vào người ta làm gì?”. Nếu nói như vậy, cậu ta nhất định sẽ chối bay chối biến: “Ai thèm nhìn cậu?”. Thế chẳng phải tự tôi gây sự sao? Thế nhưng, nếu cứ như vậy thì bản thân tôi cũng chẳng dám vào lớp, lúc lên lớp tôi không sao tập trung nghe giảng được, ngay cả lúc ngủ, cứ nhớ đến ánh mắt đáng ghét của D là tôi lại thấy khó chịu. Tôi thật không biết phải làm thế nào?

D ngày càng quá đáng hơn. Bây giờ cứ tan học, cậu ta lại lẽo đẽo theo sau tôi. Một hôm, vừa hết tiết, tôi đang vui vẻ tán dóc với một đám bạn, vô tình quay ra, đã bắt gặp ánh mặt đắm đuối của D đang nhìn mình. Tôi tự nhiên mất hết cả hứng, trong bụng chửi thầm tên đó cả nghìn lần “Đồ đáng ghét!”.

Một hôm trong giờ nghỉ giải lao, cô Mông cho gọi tôi lên văn phòng nói chuyện. Tôi liền để cặp sách ở trên bàn rồi chạy lên văn phòng gặp cô. Đến khi quay về lớp, phát hiện lớp học vắng tanh không còn một ai, chỉ có mình D. Cậu ta hoang mang đi từ phía dãy bàn tôi ngồi ra ngoài. Tôi đoán là cậu ta đã giở trò gì đó rồi, nên tôi lập tức mở cặp sách ra kiểm tra. Quả nhiên, tôi phát hiện ra trong cuốn sách Số học của mình có một mẩu giấy để lại, trong đó có viết: “Tôi rất ngưỡng mộ thái độ phóng khoáng và vui vẻ của bạn. Tôi cảm thấy trong tính cách đó, vừa có sự dịu dàng của con gái, lại có cả khí khái của những đấng nam nhi. Liệu chúng ta có thể trở thành một đôi bạn thân được không? Tôi rất muốn nhận được sự giúp đỡ của bạn!”, ký tên người gửi là “Một người đang chìm đắm trong đau khổ”. Cái cách tỏ tình này quả thật là độc đáo, đáng tiếc là bản cô nương không hề thích cậu! Tôi nghĩ, như thế này cũng tốt, vì tôi có thể cho cậu ta thấy rõ thái độ của mình.

Nhưng tôi nghĩ mãi mà không ra làm sao để từ chối D. Nếu như tìm cậu ta ra ngoài nói chuyện, tôi cảm giác có vẻ hơi quá đề cao cậu ta; mắng cho cậu ta một trận trước mặt mọi người, tôi cũng không mấy hứng thú. Tôi dứt khoát chọn cách im lặng, không thèm đếm xỉa gì đến chuyện đó. Khi nhìn thấy ánh mắt của D, tôi không ngần ngại lườm cậu ta một cái, tỏ rõ sự khinh miệt của mình. Chẳng mấy chốc, thái độ của tôi đã có hiệu quả tốt; D đã mất đi niềm tin đối với tôi. Tôi cảm thấy thoải mái đôi chút, nhưng trong lòng vẫn hơi cảm thấy có lỗi với D.

Về sau, có một chuyện xảy ra khiến cho tôi thay đổi cái suy nghĩ tự cao tự đại, kiêu căng của mình trước đây. D mắc bệnh tâm thần phân liệt. Cậu ấy trong lòng rất thích Ngọc, nhưng chưa bao giờ dám thổ lộ với bạn ấy. Khi nghe được những điều này từ phía đám con trai, tôi nhớ lại nội dung trên mảnh giấy mà D để lại ngày hôm đó. Hóa ra tình cảm của cậu ấy dành cho tôi quả thực xuất phát từ sự tin tưởng, hy vọng tôi có thể giúp đỡ cậu ấy. Nhưng thành ý của cậu ấy đã bị tôi coi là... Tôi thường xuyên nói người khác rằng “lấy bụng tiểu nhân để đo lòng quân tử”, thực ra, tôi mới chính là những người như vậy!

Hằng ngày, nhìn chỗ ngồi trống không của D, tôi lại tự trách bản thân mình. Nếu như ban đầu tôi đối xử với cậu ấy tốt hơn có lẽ cậu ấy đã không bị như thế này. Mặc dù trong lớp không ai biết được chuyện này, nhưng mỗi ngày tôi đều sống trong sự hỗn loạn và cảm giác bất an. Tôi cảm thấy tất cả niềm tin của bản thân mình bắt đầu bị lung lay...

Tôi rất ngưỡng mộ một bạn nữ như Nghiêm Tố, một người rất độc lập về tư tưởng, quyết đoán về hành động, lại biết tự răn đe bản thân. Tôi nghĩ căn bệnh của D nguyên nhân chủ yếu vẫn nằm ở bản thân cậu ấy, thậm chí nguyên nhân căn bệnh cũng rất phức tạp, nhưng nó không có mối liên hệ quá lớn đến những hành động của Nghiêm Tố. Hơn nữa, việc Nghiêm Tố phán đoán sai lầm cũng có nguyên nhân của nó. Dù sao thì sự việc cũng đã xảy ra rồi, thế nên việc duy nhất mà Nghiêm Tố có thể làm để cứu vãn sự việc đó là thường xuyên đi thăm D, nói chuyện và tâm sự với D, cùng phối hợp với y bác sĩ để điều trị căn bệnh của cậu ấy. Tôi không mong rằng sau chuyện này, Nghiêm Tố sẽ thay đổi tính cách của mình. Con gái mới lớn, kiêu ngạo một chút cũng không có gì là xấu. Tôi cũng tin rằng, sau khi trải qua chuyện này, Nghiêm Tố sẽ biết bình tĩnh hơn mỗi khi giải quyết các sự việc.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx