sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

30. Những con hạc giấy biến mất âm thầm

Những con hạc giấy biến mất âm thầm

Triệu Kỳ, nam, 17 tuổi, học sinh lớp 11

Không biết từ bao giờ, trong lớp tôi bắt đầu dấy lên phong trào “Kết bạn qua thư”. Cứ mỗi sáng sau giờ thể dục, lớp phó đời sống lại lên phòng thường trực lấy thư về cho cả lớp, đó là lúc cả lớp hào hứng nhất. “Này, có thư của cậu đấy!”, “Thật à! Mau đưa tớ xem nào!”, “Có của tớ không? Không có à? Sao lạ vậy? Thư của tớ đáng lý ra phải đến rồi chứ nhỉ?”... Nhìn thấy cái đám ồn ào này tôi lại thấy ngứa ngáy. Kết bạn qua thư, có phải rất thú vị không nhỉ?

Lớp chúng tôi không phải là lớp chọn, mọi người đều không phải là những học sinh “ưu tú” trong mắt của giáo viên. Nhưng trong con mắt của tôi, những học sinh “ưu tú” kia chẳng khác gì những kẻ ngốc nghếch; bọn họ ngoài việc học và nghe lời ra thì còn biết làm gì nữa đâu! Hơn nữa, mỗi lần nhà trường tổ chức lễ hội thể thao, tôi phát hiện ra những người đó đều rất hững hờ, rất ít người nhiệt tình với lớp của mình, có thể là do sự nhiệt tình của họ đều dành hết cho việc học tập rồi cũng nên! Chính vì thế, cô giáo chủ nhiệm lớp tôi luôn nói khéo với cả lớp rằng phải học tập tấm gương của các bạn lớp chọn, không nên lãng phí thời gian và sức lực. Cô giáo còn nói, các học sinh ở trong lớp chọn không bao giờ có chuyện kết bạn qua thư từ. Tôi cười thầm trong bụng: “Cái bọn động vật máu lạnh, những kẻ điên cuồng thi cử thì làm gì có hứng thú kết bạn cơ chứ?”.

Tôi rất thích các bạn trong lớp tôi; mặc dù kết quả thi của mọi người không làm cô giáo hài lòng nhưng ai cũng có tài năng, ai cũng tràn trề sức sống, đối xử với mọi người rất nhiệt tình; chúng tôi sống vui vẻ và hòa đồng trong tập thể này. Từ họ, tôi còn được nghe rất nhiều câu chuyện thú vị từ việc kết bạn qua thư.

Người bạn thân của tôi là Lý Ngôn nói, bạn qua thư của bạn ấy là hai sinh viên năm nhất Đại học Khoa học kĩ thuật, đều là con trai. Lý Ngôn nói bạn ấy quen được hai người này là do kỳ nghỉ hè vừa rồi dẫn em họ đi bơi ở bể bơi trường Đại học Khoa học kĩ thuật đó. Bốn người bọn họ thường xuyên hẹn nhau đi bơi, bơi chán lại ngồi trong bóng râm tán gẫu. Kỳ nghỉ hè chẳng mấy chốc đã hết, bọn họ hẹn nhau thư từ qua lại để giữ liên lạc. Lý Ngôn lấy ra một bức thư đưa tôi xem; trong thư có viết: “Lý Ngôn, em có khỏe không? Sắp đến sinh nhật em rồi, anh chúc mừng sinh nhật em trước, đợi đến đúng ngày sẽ gửi một món quà sinh nhật cho em. Bức thư trước em có nói học tiếng Anh không tốt, thực ra anh thấy em chưa dành nhiều thời gian cho môn này mà thôi. Học tiếng Anh cần phải bỏ thời gian trau dồi...”. Tôi rất ngưỡng mộ Lý Ngôn, không những có được một người anh nhớ đến ngày sinh nhật của mình, mà còn quan tâm đến chuyện học hành và tâm trạng của bạn ấy nữa!

Đương nhiên, không phải ai cũng may mắn gặp được một người tốt như Lý Ngôn. Phần lớn các bạn trong lớp đều kết bạn qua thư thông qua chuyên mục “kết bạn” qua đài. Những người bạn như vậy phần lớn đều ở rất xa, bạn chỉ có thể gặp người đó ở trên thư từ chứ không hề được nhìn thấy họ ở ngoài đời thật. Vì vậy mà trong lòng bạn thường nảy sinh sự hiếu kỳ và tưởng tượng vô hạn về người đó.

Có một số người rất buồn cười, họ thường liên lạc với các chị em họ của mình qua thư; thậm chí có người cùng ở trong một thành phố, có khi còn thường xuyên gặp nhau mỗi tuần, vậy mà họ vẫn thường xuyên liên lạc với nhau bằng thư từ.

Tôi nhẩm tính, lớp tôi có đến hai phần ba số học sinh trao đổi thư từ với bạn bè. Không biết các thầy cô mà biết được con số này có cảm thấy kinh ngạc hay không?

Một lần, tôi đọc được một bài văn rất cảm động trên một tờ báo sinh viên, tác giả bức thư đó là một học sinh lớp mười một giống tôi; nhìn tên có vẻ như là con gái, thế là tôi liền viết cho bạn ấy một bức thư với giọng điệu hết sức chân thành. Trong thư tôi không nói đến giới tính của mình, dù sao thì tên của tôi nghe cũng giống như tên con gái, cứ để cho bạn ấy hiểu lầm thì hơn. Sau khi gửi bức thư này đi, tôi cảm thấy việc này thật thú vị.

Đáng tiếc là viễn cảnh tươi đẹp chẳng kéo dài được bao lâu; cô giáo chủ nhiệm tính tình hiền lành của lớp tôi bị chuyển sang lớp khác, thay vào đó là một cô giáo chủ nhiệm trẻ. Ban đầu, chúng tôi còn không coi cô giáo này ra gì, nhưng chẳng bao lâu sau, chúng tôi phát hiện ra là cô rất đáng sợ! Cô giáo yêu cầu lớp phó đời sống sau khi nhận thư về phải giao cho cô trước. Thế là cô giáo vừa đọc tên và địa chỉ người gửi vừa đọc tên người nhận, yêu cầu bạn ấy lên bục giảng nhận thư. Cô giáo hỏi người lên nhận thư: “Tên người gửi thư cho em là gì?”. Nếu bạn trả lời là không biết, vậy thì mời bạn mở thư và xem tên người gửi là ai rồi nói lại với cô giáo. Chúng tôi đều gọi cô giáo là “sát thủ”. Người nào bị cô giáo gọi lên nhận thư và “chất vấn” thì bộ dạng chẳng khác gì vừa làm chuyện xấu xong. Tôi biết không ít những bức thư này là thư tình.

Tôi gần như quên béng mất rằng mình đã từng gửi thư cho người khác, thế nên ngày nào cũng cười nhạo những đứa bị gọi lên bục giảng nhận thư. Nào ngờ có một hôm, cô giáo lại gọi đến tên tôi. Tôi nghiến răng bước lên, cô giáo đưa cho tôi một bức thư, phong bì thư có màu hồng phấn rất đáng ngờ, không có địa chỉ, cũng không có tên tuổi, chỉ có ba chữ vỏn vẹn “xem bên trong”. Trong lòng tôi thầm kêu khổ; đây có vẻ là một bức thư điển hình thuộc vào “loại thư đó”. Thực ra tôi cũng biết không phải như vậy, chỉ có điều đối phương nghĩ rằng tôi là con gái mà thôi. Nhưng tôi biết mình bây giờ không tiện giải thích, nếu không thì chẳng khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”. Thế là tôi liền dứt khoát nói với cô giáo rằng tôi không biết. Cô giáo chủ nhiệm nhìn tôi vẻ nghi hoặc. Để cho cô tin, tôi liền xé bức thư làm bốn rồi vứt vào sọt rác. Cô giáo đành phải cho tôi về chỗ.

Về sau có người xem giúp tôi bức thư đó, nói rằng đối phương rất muốn làm bạn qua thư với tôi, chỉ ngại là giáo viên của bạn ấy quản lý quá nghiêm, thường tự ý bóc thư từ của các bạn ấy, khiến cho bạn ấy mất đi hứng thú với việc kết bạn qua thư. Bạn ấy tên là Vân Vân.

Ôi, cô giáo chủ nhiệm thông minh của chúng tôi xem ra vẫn còn có phần nương tay với chúng tôi nhưng thực ra thì hành động của cô cũng chẳng khác gì việc bóc thư của học sinh cả. Bây giờ, lớp chúng tôi đã không còn có ai viết thư từ cho bạn nữa, cũng chẳng có ai gửi thư cho chúng tôi nữa; lớp phó đời sống của chúng tôi từ một thành viên bận rộn nhất lớp đã trở thành một người nhàn rỗi nhất lớp rồi!

Tôi cảm thấy rất nhớ những ngày trước đây, mọi người ai nấy đều hào hứng bóc thư, đọc thư; bây giờ thì có mơ cũng không còn thấy lại cái cảnh tượng đó nữa. Tôi muốn nói rằng: “Cô ơi, cô đã xua đuổi những con hạc giấy, đồng thời cũng cướp mất giấc mơ đẹp của chúng em rồi!”.

Cách làm của cô giáo bạn, mặc dù có vẻ hơi quá nghiêm khắc, nhưng chắc chắn trước khi làm như vậy, cô ấy đã suy nghĩ rất nhiều. Xét trên phương diện luật pháp thì giáo viên không có quyền can thiệp vào tự do thư từ của học sinh, nhưng học sinh lớp mười một mà suốt ngày đắm chìm trong “cuộc sống lãng mạn” bởi thư từ và bạn bè qua thư phải chăng là quá lãng phí? Giáo viên đã không thể khuyên bảo được học sinh, đành phải tự ý bóc thư của học sinh trong khi biết đó là một hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí còn gây tổn thương lòng tự tôn và ảnh hưởng xấu đến sự trưởng thành của học sinh thì nói một cách công bằng, tôi rất đồng ý với cách làm của cô giáo bạn. Mặc dù cách làm này có vẻ rất phiền phức nhưng ít nhất nó lại không làm tổn thương đến lòng tự tôn của học sinh, đồng thời lại có tác dụng “ra oai” rất hiệu quả đối. Bạn bè qua thư chỉ nên giao lưu về mặt tâm hồn, tình cảm; kết giao với những người bạn như vậy mới đem lại ích lợi cho bạn; còn nếu chỉ là theo trào lưu thì đây quả thật là một điều không cần thiết!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx