sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

39. Thế giới thầm kín của một học sinh bình thường

Thế giới thầm kín của một học sinh bình thường

Đô Đô, nữ, 14 tuổi, học sinh lớp 8

Ngay từ khi còn học tiểu học, tôi đã là một học sinh bình thường của lớp. Cái “bình thường” mà tôi nói đến ở đây là trạng thái chung của phần lớn học sinh: điểm thi không bao giờ đạt tối đa nhưng cũng chẳng bao giờ ở mức đội sổ. Biểu hiện không kém, cũng không vi phạm kỷ luật, thực hiện đúng nội quy của trường lớp nhưng những vấn đề “xuất chúng” như: xếp thứ nhất trong lớp, đoạt giải trong một cuộc thi gì đó, biểu diễn văn nghệ, làm phát thanh viên hay cán bộ lớp... không bao giờ đến lượt chúng tôi cả.

Tôi rất ngưỡng mộ những bạn học sinh giỏi của lớp, không phải là ngưỡng mộ vì họ thường xếp đầu lớp mà là ngưỡng mộ họ thường xuyên được thầy cô biểu dương và tán thưởng. Còn nhớ có một lần, hình như là hồi còn học lớp ba, lúc đi học tôi có gặp lớp trưởng Vu Giai Giai, thế là chúng tôi liền cùng sánh bước đến trường. Khi chúng tôi bước vào cổng trường, bỗng gặp cô giáo dạy thể dục, chúng tôi liền đồng thanh chào cô. Nhưng như tôi thấy, cô giáo chỉ mỉm cười và gật đầu với một mình Giai Giai mà thôi, cứ như là bên cạnh bạn ấy không có tôi vậy. Mặc dù lúc đó tôi còn nhỏ nhưng tôi cũng có thể nhận thấy được sự phân biệt đối xử này của cô giáo.

Lên lớp năm, trong một lần thi giữa kỳ, tôi và Giai Giai cùng nhau chơi ở trong vườn trường, bỗng nhiên chúng tôi gặp cô giáo Phương chủ nhiệm lớp kế bên. Tôi tin chắc là cô Phương có nhận ra tôi, nhưng hôm đó cô Phương không hề đếm xỉa gì đến tôi cả, chỉ quan tâm hỏi han xem Giai Giai thi toán thế nào, sau đó còn hỏi Giai Giai về gia đình của bạn ấy nữa. Nhìn thấy dáng vẻ hào hứng của cô Phương, tôi cảm thấy rất kỳ lạ: Lẽ nào cô giáo đối xử với những học sinh giỏi cũng nhiệt tình như chúng tôi hâm mộ các ngôi sao thế à?

Tôi đã không ít lần thầm cầu mong thầy cô cũng đối xử với tôi như đối xử với Giai Giai. Tôi đã sớm ghi nhớ ngành nghề của tất cả những người trong gia đình, chỉ chờ cô giáo hỏi đến là có thể rành rọt và lưu loát kể cho cô nghe. Thế nhưng không có thầy cô giáo nào hỏi đến tôi. Ôi, tôi thật quá thất vọng!

Lúc tốt nghiệp tiểu học, chúng tôi cùng nhau chụp ảnh lưu niệm. Các thầy cô giáo hỏi han xem mấy bạn học sinh giỏi của lớp định sẽ học trường nào. Điều bất ngờ là ngay cả những “học sinh hư”, thường ngày vẫn hay đánh nhau, kiểm tra điểm kém, thường xuyên bị viết kiểm điểm cũng được cô giáo quan tâm hỏi han; các cô giáo còn nói chuyện rất hào hứng với bọn họ nữa. Nghĩ kĩ thì những học sinh kém đó thường ngày phải gặp cô giáo nhiều nhất, chẳng trách mà họ lại thân thuộc như vậy. Trước đây, các thầy cô thường xuyên gọi họ lên văn phòng nói chuyện; còn đối với những học sinh thuộc dạng trung bình như chúng tôi, ngay cả “đãi ngộ” như của học sinh yếu kém cũng không có. Tôi từng cố gắng rất nhiều với mục đích vượt qua các học sinh giỏi của lớp, để cho các thầy cô giáo phải có cái nhìn khác về mình. Nhưng không hiểu có phải là do bản thân mình quá ngốc nghếch hay không mà những nỗ lực của tôi gần như chẳng có kết quả gì. Biến mình thành một học sinh yếu kém chăng? Tôi thực sự không dám. Nói thế nào thì mình cũng là con gái, ai mà dám làm như vậy cơ chứ?

Tôi cầm một cuốn sổ nhỏ bảo mọi người viết cho vài câu lưu bút, tôi cũng dành cho cô giáo chủ nhiệm một trang. Cô giáo chủ nhiệm viết trên đó rằng: “Em rất hiền, ngoan, rất tích cực phối hợp với các thầy cô giáo, là một học sinh khiến cho các thầy cô rất yên tâm!”.

Tôi đã lặng lẽ tốt nghiệp cấp một như vậy đấy. Lên cấp hai, tôi vẫn là một học sinh khiến cho các thầy cô giáo yên tâm. Trong lớp tôi xuất hiện mấy nhân vật nổi trội, rất được lòng của các thầy cô. Ngay kể cả những khi bước đi trên đường, họ cũng ngẩng cao đầu hơn tôi. Nhân dịp Quốc khánh, mấy bạn ấy bận rộn tổ chức tập luyện dàn hợp xướng trong lớp; tôi cũng may mắn được chọn vào đội ngũ; nhưng tập được nửa chừng, bọn họ đột nhiên loại bỏ tôi ra khỏi đội hình, bởi vì có một cán bộ lớp chê tôi hát dở, bạn ấy bảo tôi “về đi”. Tôi liền quay người bỏ đi, giọng điệu cao ngạo của bạn ấy khiến cho tôi vô cùng đau lòng!

Điều bất hạnh đó là, tôi đã thầm thích bạn lớp trưởng. Cậu ấy tên là Hoa, đương nhiên là người nổi trội nhất trong lớp rồi. Tôi thích bạn ấy chẳng vì lý do gì. Hằng ngày sau khi tỉnh giấc, người đầu tiên mà tôi nhớ đến chính là Hoa; trong lớp học, tôi thường lặng lẽ ngắm nhìn bạn ấy, ngay cả việc ngày hôm nay bạn ấy mặc quần áo gì, đi đôi giày nào tôi cũng muốn biết. Do quan sát rất tỉ mỉ nên tôi phát hiện ra tóc của Hoa hơi xoăn tự nhiên. Tôi không có ước ao gì đặc biệt, càng không dám nghĩ đến việc có thể trở thành bạn gái của Hoa. Tôi nghĩ chỉ cần hằng ngày được nhìn thấy, nghe thấy giọng nói của cậu ấy là tôi đã cảm thấy mãn nguyện lắm rồi. Đương nhiên, tôi cũng khao khát rằng mình có thể trở nên ưu tú và xuất sắc, để có thể danh chính ngôn thuận sánh vai cùng với Hoa trong hàng ngũ cán bộ lớp, cùng cậu ấy bàn bạc và giải quyết các vấn đề liên quan đến lớp. Tôi thường nằm mơ như vậy đấy, và tự đắm mình trong những ảo tưởng.

Nhưng tôi biết mình chỉ là một người bình thường, không có vẻ bề ngoài nổi bật, cũng không có tài cán gì. Trong lớp, chẳng ai coi trọng tôi, Hoa cũng chưa bao giờ thèm để ý đến tôi. Cậu ấy làm sao biết được, có một đứa con gái bình thường là tôi đang thầm thích cậu ấy, khao khát có được một nụ cười, một ánh mắt thân thiện từ cậu ấy. Tôi dùng một cách khác để biểu thị tình cảm của mình với cậu ấy. Tôi cùng với vài bạn học bình thường trong lớp đặt cho Hoa một cái biệt hiệu và thường xuyên cố ý gọi cậu ấy bằng cái biệt hiệu đó. Ban đầu Hoa làm như không nghe thấy, nhưng sau cậu ấy không nén nổi liền hỏi một người trong số chúng tôi: “Cái biệt hiệu mà các bạn vừa gọi có phải là đặt cho tớ không? Từ sau các bạn đừng có làm như vậy nữa nhé!”. Giọng điệu nghiêm túc của Hoa khiến cho tôi cảm thấy rất xấu hổ về hành vi của mình, tôi hối hận về tất cả những gì mà mình đã làm.

Tôi rất thích đọc truyện cổ Anđecxen và truyện cổ Grim. Trong các câu chuyện ấy dường như đều ẩn chứa hình ảnh của tôi, thế nhưng những kết cục tốt đẹp trong truyện đều là thứ mà tôi không bao giờ có thể tìm thấy được, hoặc cũng có thể những kết cục có hậu như vậy chỉ xảy ra ở trong truyện cổ tích mà thôi. Không phải là tôi chưa từng mơ đến một ngày được sánh vai cùng với Hoa, nhưng tôi cũng biết đó là điều không thể, bởi vì tôi hoàn toàn không có niềm tin vào bản thân.

Không biết từ khi nào tôi trở nên vô cùng nhạy cảm và yếu đuối; không có ai biết được tôi khao khát sự thành công, sự quan tâm và tình yêu đến nhường nào!

Công bằng, bình đẳng đối xử với tất cả học sinh là một nguyên tắc cơ bản trong giáo dục và cũng là một yêu cầu cơ bản của giáo viên. Tuy nhiên, đối mặt với hơn bốn mươi, năm mươi học sinh trong một lớp, các thầy cô giáo cũng khó lòng có thể khiến cho mỗi học sinh đều cảm thấy không bị phân biệt đối xử. Do rất nhiều nguyên nhân, các thầy cô có thể gửi gắm nhiều sự quan tâm và dành nhiều thời gian hơn cho một số học sinh đặc biệt, khiến cho không ít học sinh cảm thấy các thầy cô phân biệt đối xử. Đối với những học sinh “ưu tú” và học sinh “cá biệt” trong lớp, các thầy cô thường dành nhiều sự quan tâm và chú ý đến họ hơn, còn đối với những học sinh bình thường trong lớp, giáo viên thường coi đó là một chỉnh thể, vì thế nên cơ hội của họ tiếp xúc với giáo viên rõ ràng ít hơn so với các bạn khác.

Khao khát sự thành công, sự quan tâm và tình yêu của người khác là những mong muốn thường thấy của thanh thiếu niên. Nếu như vào lúc này, một ánh mắt cổ vũ, một câu nói tán dương sẽ làm nảy sinh một động lực, một sự cổ vũ rất lớn đối với họ. Đáng tiếc là phần lớn họ đều nhận được sự lạnh nhạt và thờ ơ như trường hợp của Đô Đô. Những cô cậu bé mới lớn này rất dễ cảm thấy tự ti và buồn chán trước sự hờ hững vô hình đó, và đương nhiên vì vậy mà thành công càng trở nên xa cách với họ hơn.

Tôi tin rằng, các thầy cô giáo đều mong muốn tất cả học sinh của mình sẽ thành công, xuất sắc, tài giỏi. Chính vì thế Đô Đô đừng nên sợ hãi, hãy chủ động tìm đến các thầy cô để tâm sự, làm cho các thầy cô biết các ưu điểm của mình đồng thời cũng là để tăng thêm lòng tự tin cho chính mình. Đương nhiên, điều quan trọng hơn nữa là Đô Đô cần phải tích cực học tập hơn nữa, tích cực giao lưu với các bạn trong lớp; như vậy bạn sẽ không cảm thấy mình lạc lõng giữa đám đông!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx