sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

16. Indonesia: Từ Thù Đến Bạn

Khi Indonesia đứng trước tình hình những người nổi dậy đòi phân lập vào năm 1957 thì các lái súng phương Tây đến Singapore để bán vũ khí cho quân nổi dậy ở Sumatra và Sulawesi. Năm 1958, Tổng lãnh sự Indonesia, Trung tướng Jatikusomo, gặp tôi. Lúc đó tôi là lãnh tụ của phe đối lập. Tôi quả quyết với ông ta rằng nếu chúng tôi nắm chính quyền thì những người lái súng này sẽ bị trục xuất. Khi Đảng PAP thắng cử vào năm 1959 tôi đã giữ lời hứa này, và Jatikusomo – một quý tộc người Java hăng hái, lịch thiệp, thông minh và hoạt bát – đã đề nghị tôi củng cố quan hệ hữu nghị với Jakarta bằng một chuyến thăm chính thức. Tôi đồng ý.

Tháng 8/1960, tôi cùng đoàn đại biểu của mình được đưa đến cung điện Mardeka, vốn là dinh cư của Toàn quyền Hà Lan, để yết kiến Tổng thống Sukarno. Ông ta mặc bộ quân phục màu be trang nhã, tay chống chiếc ba–toong của thống chế chỉ huy chiến trường, còn gọi là gậy chỉ huy. Buổi sáng hôm đó ở Jakarta trời oi bức, nóng nực và ẩm, nhưng trong cung điện không được phép dùng quạt hay điều hòa không khí vì ông ta không thích các thứ đó. Tôi nhìn thấy mồ hôi thấm qua lớp áo sơ mi lan cả lên chiếc áo gi–lê áp sát dưới bộ quân phục của ông ta. Tôi ăn mặc trang trọng như những người khác trong đoàn và cũng thấm đẫm mồ hôi.

Ông ta là một nhà hùng biện xuất chúng, một nhà tổ chức, tập hợp quần chúng và là một vị lãnh tụ có uy tín lớn. Tháng 2/1959, có lần trong khi đang lái xe đi từ Singapore tới Đồi Fraser, mất bảy tiếng đồng hồ, tôi đã nghe một chương trình phát thanh tường thuật cuộc nói chuyện của ông ta với vài trăm nghìn người Indonesia ở Trung tâm Java. Tôi mở đài vào lúc 8 giờ 30 phút sáng nhưng sau đó bị mất sóng đi một lúc lâu vì bắt sóng trên ôtô đang chạy hay thất thường. Nhưng ba giờ sau đó, khi tới Malacca tôi lại nghe ông ta đang thao thao bất tuyệt – một giọng nói ấm áp tuyệt vời, quá diễn cảm đến nỗi đám đông xúc động reo hò, hô vang cùng ông. Bởi vậy tôi rất mong được gặp trực tiếp con người vĩ đại này.

Sukarno nói phần lớn thời gian, khoảng 20 phút. Ông nói tiếng Bahasa Indonesia, tương tự như tiếng Malay. Ông hỏi: “Ngài có bao nhiêu dân?” "Một triệu rưỡi”, tôi đáp lời. Ông ta có đến 100 triệu. "Nước ngài có bao nhiêu ôtô?" Tổng thống hỏi tiếp. "Khoảng 10.000”, tôi nói. Jakarta có 50.000 chiếc. Tôi cảm thấy bối rối nhưng ngay lập tức nhún nhường mà nói rằng Ngài Tổng thống chiếm vị trí thứ nhất Đông Nam Á về dân số và lãnh thổ. Sau đó Tổng thống diễn giải chi tiết về hệ thống chính trị "dân chủ có chỉ đạo" của mình. Nhân dân Indonesia muốn cách mạng hóa mọi thứ kể cả nền kinh tế và văn hóa. Nền dân chủ phương Tây “không phù hợp lắm” với họ. Vấn đề này đã được Tổng thống nói tới trong rất nhiều bài diễn văn trước đó; tôi thất vọng bởi cuộc hội đàm ngắn ngủi này.

Người Hà Lan đã không để lại nhiều nhà quản lý và nhà chuyên môn được đào tạo chuyên nghiệp là người Indonesia; có ít cơ quan học viện có thể đưa đất nước đi lên phía trước, vả lại cuộc chiếm đóng kéo dài ba năm rưỡi của người Nhật đã tàn phá hết thảy những gì gọi là nền quản trị đã có ở đất nước này. Sau đó là cuộc chiến triền miên giữa những người dân tộc chủ nghĩa Indonesia và người Hà Lan suốt trong thời gian từ năm 1945 đến năm 1949, đến khi Hà Lan rốt cuộc thừa nhận nền độc lập của Indonesia, đã phá hại thêm nền kinh tế và làm suy yếu hạ tầng cơ sở của nước này. Việc quốc hữu hóa các xí nghiệp nước ngoài và chính sách kinh tế mang màu sắc dân tộc dưới thời Sukarno đã không khuyến khích thương mại và đầu tư nước ngoài và đã bần cùng hóa quảng đại quần chúng vốn đang nghèo đói.

Chúng tôi ở tại khách sạn Hotel des Indes, tương đương khách sạn Raffles ở Singapore. Than ôi, hễ trời mưa là mái dột như cơm bữa. Nhân viên khách sạn phải lấy xô, chậu để hứng. Khi tôi vô ý kéo cánh cửa buồng ngủ để đóng lại mà không biết rằng cửa bị mắc kẹt vào tường, thế là vữa trát tường bong ra theo then cài. Chiều hôm đó khi tôi trở về phòng thì chỗ tường lở đã được sửa chữa – nhưng người ta chỉ lấy một tờ giấy, trát hồ lên, dán nó phủ kín chỗ lở và quét vôi trắng lên mặt ngoài.

Khi tôi nhờ Lee Khoon Choy, lúc đó là thư ký của nghị viện, làm việc tại Bộ văn hóa, mua cho tôi một số từ điển Indonesia – Anh và Anh – Indonesia thì giá chưa đến hai đôla mỗi quyển. Nhiều cửa hàng hầu như đã bị các thành viên đoàn Singapore của tôi vét sạch từ điển vì họ mua cho các bạn bè học tiếng Malay. Đồng rupia của Indonesia thì đang trong tình trạng mất giá khủng khiếp do kết quả của lạm phát.

Từ Jakarta đoàn xe chúng tôi được xe máy hộ tống tới Bogor, vốn xưa kia là nơi nghỉ dưỡng mùa hè của Toàn quyền Hà Lan, và sau đó tiếp tục đi Bandung. Từ Bandung chúng tôi bay đến Jogjakarta, một thủ phủ cổ xưa ở Trung Java, trên chiếc chuyên cơ hai cánh quạt dùng riêng cho Tổng thống, món quà do chính phủ Liên Xô tặng, lớn hơn chiếc máy bay thương mại DC–3 mà tôi đã dùng để bay từ Singapore tới Indonesia. Chiếc đồng hồ treo phía đầu hành lang đã ngừng chạy, khiến tôi nao núng lòng tin đối với công nghệ Nga và công việc bảo trì của Indonesia. Nếu điều đó có thể xảy ra đối với một chiếc đồng hồ trên chuyên cơ của Tổng thống, thì các bộ phận động cơ đang hoạt động sẽ thế nào?

Trước khi rời Indonesia, tôi đã cùng Thủ tướng Djuanda, đưa ra một thông cáo chung về các vấn đề thương mại và văn hóa. Kể từ giờ phút Ngài Thủ tướng đón tôi tại sân bay Jakarta, chúng tôi đã có một số cuộc hội đàm. Đây là một con người tuyệt vời – tài ba, học vấn cao, thực tế và kiên trì trước những khó khăn của đất nước. Chúng tôi nói chuyện hàng giờ, đôi khi bằng tiếng Bahasa Indonesia. Qua cuộc trao đổi trong bữa ăn tối, tôi nhận xét rằng Indonesia may mắn có được đất đai màu mỡ, một khí hậu thuận lợi và nguồn lực dồi dào. Ngài Thủ tướng nhìn tôi đượm vẻ buồn và nói, "Trời phù hộ chúng tôi nhưng chúng tôi lại chống lại chính mình". Tôi cảm thấy mình có thể làm ăn với một con người trung thực và chân thành như vậy. Tôi ra về với cảm giác chúng tôi đã trở thành bạn bè. Tôi có thể nói tiếng Malay và đối với ông ta tôi giống một người Indonesia gốc Hoa sinh ra tại đất nước này (peranakan) chứ không phải là người Trung Hoa mới nhập cư (totok), còn nói tiếng Trung Quốc và ít bị đồng hóa hơn.

Nhưng khi tình hình kinh tế xấu đi, Sukarno chuyển hướng sang các doanh nghiệp nước ngoài. Để ủng hộ nền ngoại giao của mình với thế giới Á – Phi, Tổng thống Sukarno có một Bộ trưởng Ngoại giao sắc sảo nhưng cơ hội, đó là Tiến sĩ Subandrio. Trong năm 1963 lần nào quá cảnh Singapore, Subandrio cũng tiếp kiến tôi. Khi có dấu hiệu sắp hình thành Liên bang Malaysia, ông ta bắt đầu nói với giọng điệu ngạo mạn. Ngồi trên chiếc ghế bên cạnh trong văn phòng của tôi, tại Tòa Thị chính vào một buổi sáng, ông ta đặt một tay lên đầu gối tôi, vẫy tay kia về phía chiếc cửa sổ, và nói, "Ngài hãy xem tất cả các cao ốc kia của Singapore. Hết thảy đều được xây dựng bằng tiền của Indonesia, ăn cắp từ những người dân Indonesia thông qua hoạt động buôn lậu. Nhưng không sao, có ngày Indonesia sẽ đến đấy, trông nom đất nước này và sắp xếp thỏa đáng". Dùng chữ "buôn lậu", Subandrio đề cập tới tình trạng các thương nhân của họ đã thông qua Singapore để xuất khẩu, nhằm trốn thuế và các điều kiện về ngoại hối của Indonesia.

Tôi hiểu những tình cảm của ông ta sau khi chúng tôi chứng kiến những điều kiện sống đáng thương ở Jakarta. Nơi đây người ta tắm, giặt quần áo, vo gạo và đi vệ sinh công khai, trên những con kênh mà họ gọi là kali. Tôi không bỏ qua khát vọng xâm chiếm Singapore của ông ta như bỏ qua những lời nói vớ vẩn.

Khi chúng tôi độc lập vào năm 1965, Indonesia ở trong tình trạng "đối đầu" với Singapore và Malaysia. Tổng thống Sukarno và Tiến sĩ Subandrio cố khai thác những gay cấn giữa Singapore và Malaysia bằng cách thò ra cho Singapore miếng mồi công nhận ngay với những điều kiện khả dĩ làm cho Malaysia bị xúc phạm và giận dữ. Một bước ngoặt đã diễn ra mấy tuần sau đó. Ngày 30/9, với tổ chức Gerakan September Tiga Puluh (phong trào 30–9) viết tắt là Gestapu, Tướng Suharto lãnh đạo những lực lượng đặc biệt đã dập tắt một cuộc đảo chính hụt của những người cộng sản. Với sự ủng hộ của binh lính dưới sự điều khiển của các sĩ quan chỉ huy trung thành trong quân đội, hải quân, không quân và cảnh sát, Suharto đã đe dọa các lực lượng quân sự nổi loạn tại cung điện, trung tâm phát thanh và viễn thông hãy ngoan ngoãn đầu hàng. Bị ám ảnh bởi một cuộc đọ sức nên lực lượng nổi loạn đã bỏ chạy; cuộc đảo chính chấm dứt.

Lúc bấy giờ chúng tôi không nhận ra tầm quan trọng của cuộc đảo chính đã thất bại này bởi vì chúng tôi đang quá bận tâm về án mạng khủng khiếp của một số tướng lĩnh cao cấp Indonesia và việc tàn sát hàng nghìn người sau đó (ước tính đến nửa triệu); trong đó có một số người Hoa mà bị cho là những kẻ ủng hộ cộng sản. Suharto chơi trò từ từ và khôn ngoan, giống như trò múa rối Indonesia Wayang kulit, trò biểu diễn với những con rối đặt trước nguồn sáng tạo những hình bóng trên màn hình. Lối chơi bóng hình này được đạo diễn rất cẩn thận, tiến trình tước đoạt quyền lực của Sukarno diễn ra từ từ đến nỗi trong một thời gian chúng tôi không nhìn thấy quyền lực đã chuyển từ Sukarno sang Suharto. Hơn nửa năm Suharto không phế truất tổng thống mà chỉ hành động nhân danh tổng thống để giữ thể diện, đồng thời lặng lẽ thu tóm mọi cấp quyền lực vào tay mình, gạt bỏ những người ủng hộ Sukarno và làm suy yếu vị thế của ông ta. Adam Malik, Bộ trưởng Ngoại giao mới, không cho thấy một sự thay đổi nào trong chính sách. Tháng 3/1966, Sukarno đã ký một sắc lệnh của tổng thống cho phép Tướng Suharto có quyền tiến hành mọi biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo an ninh và duy trì sự ổn định. Tôi vẫn chưa biết chắc là Sukarno đã bị hất cẳng, ông vẫn có uy tín lớn đối với dân chúng. Mãi một năm sau, vào tháng 2/1967, Suharto mới chính thức được quốc hội bầu làm Quyền Tổng thống.

Đến tháng 6/1966, Suharto đã củng cố quyền lực đủ mạnh để cùng một lúc chấm dứt đối đầu với Singapore và Malaysia. Quan hệ song phương đã mất một số thời gian để được bình thường hóa. Indonesia đã cử những phái đoàn sang Singapore ngay trong tháng 6 và tháng 7/1966 để tìm hiểu thực tế tình hình kinh tế, nhằm mục đích đối ngoại hơn là nghiên cứu thực chất. Trong tháng 8 năm đó, chúng tôi đã đáp lại bằng cách cử một phái đoàn thương mại sang Indonesia. Đã có một ít chuyển động lên phía trước về mặt tâm lý trong cái gọi là "cú bắt tay 150 triệu đôla" khi Singapore hứa cung cấp một khoản tiền bước đầu trong tín dụng thương mại tư nhân cho các nhà buôn Indonesia và cho phép ngân hàng quốc doanh Negara Indonesia mở lại hoạt động tại Singapore. Chúng tôi thỏa thuận nối lại hoạt động mậu dịch hai chiều trên cơ sở không phân biệt đối xử. Họ mở lại tất cả các cảng Indonesia cho các tàu của chúng tôi ra vào. Họ hứa rằng sau khi có những sửa đổi về luật pháp của họ, họ sẽ cho các ngân hàng của chúng tôi mở chi nhánh ở Indonesia nhưng vẫn chưa có ngân hàng nào được phép mở chi nhánh mãi đến những năm 90. (Những ngân hàng nào được mở chi nhánh thì lại không may. Trong vòng 6 năm tính đến năm 1997, các chi nhánh đó đều bị sa lầy trong cuộc khủng hoảng tài chính của Indonesia và những khoản vốn vay do các chi nhánh này cung cấp đều có nguy cơ không thu hồi được).

Có những trở ngại nghiêm trọng đối với việc phục hồi quan hệ như những nhận thức sai lệch về chính trị, an ninh và kinh tế; bất đồng về biên giới biển, sự lưu thông trên biển, và việc kiểm soát đối với hoạt động mậu dịch song phương. Cái mà họ gọi là "buôn lậu’' lại hoàn toàn hợp pháp ở Singapore vì các cảng của chúng tôi là cảng tự do. Chúng tôi không thể hành động như các quan chức hải quan của họ. Chúng tôi không hoàn toàn hiểu họ và phải mất một thời gian dài học cách lèo lái qua mê cung quản lý của họ.

Trong một số năm, các mối quan hệ của chúng tôi không được nồng ấm và tiến triển chậm chạp. Họ có xu hướng giữ thái độ anh cả. Tháng 3/1968, trong khi nói chuyện với cộng đồng Indonesia ở Singapore, Adam Malik tiết lộ rằng ông ta đã đảm bảo với tôi rằng Indonesia sẵn sàng bảo vệ Singapore chống lại cộng sản sau khi người Anh rút lui vào 1/1971: "Chúng ta sẽ bảo vệ họ (200 triệu người Asean) cho dù mối đe dọa đến từ Thành Cát Tư Hãn." Ngôn từ trong bản thông cáo chung đưa ra vào cuối chuyến thăm của ông ta có tính chất ngoại giao nhiều hơn: "…để tăng cường các mối quan hệ hiện hữu trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau."

Mấy tháng sau, vào giữa tháng 10/1968, quan hệ suy sụp một cách thảm hại khi chúng tôi treo cổ hai biệt kích hàng hải người Indonesia; hai tên này bị kết án tử hình vì năm 1964 chúng đặt bom tại chi nhánh ngân hàng Hong Kong và Thượng Hải trên đường Orchard, làm ba người thiệt mạng. (Vụ này được mô tả ở chương 2). Phản ứng của Indonesia mãnh liệt hơn so với điều chúng tôi tiên lượng. Một nhóm 400 sinh viên mặc đồng phục đã đập phá đại sứ quán của chúng tôi ở Jakarta và nhà ở của Đại sứ. Binh lính Indonesia canh giữ đại sứ quán đã vắng mặt thật là ăn ý. Bộ trưởng Ngoại giao Adam Malik kêu gọi bình tĩnh và nói rằng ông ta không muốn trả đũa Singapore.

Đã có những lời kêu gọi rộng rãi về một hành động tẩy chay toàn bộ hoạt động hàng hải, mậu dịch và xem xét lại các quan hệ song phương. Các dịch vụ viễn thông đến Singapore đã bị ngưng hoạt động trong 5 phút. Các toán sinh viên hỗn tạp còn cướp phá hai dinh cư ngoại giao còn lại của Singapore. Sự phẫn nộ được người ta kích động lên đã tràn sang những nhóm gây rối bài Trung Quốc chống lại các công dân gốc Hoa của chính họ ở Surabaya ở Trung Java, và vùng Djambi của đảo Sumatra.

Nhưng đến cuối tháng 10, tình hình có vẻ lắng dịu, khi Adam Malik cảnh báo rằng cắt quan hệ thương mại với Singapore sẽ chỉ gây phương hại cho Indonesia. Ông ta đề cập tới tình trạng tồi tệ của các phương tiện cảng của Indonesia và nói: "Chúng ta nên nghĩ về khả năng rất nhỏ nhoi của mình." Ông ta bày tỏ hy vọng rằng những mối bất hòa này sẽ không gây phương hại cho sự hòa hợp giữa các nước Asean (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á), và nói rằng hình ảnh quốc tế của Indonesia sẽ bị tổn thương. Đã có sự gỡ bỏ từng phần đối với việc cấm đoán vận tải biển, và vào đầu tháng 11 thì mọi rào cản đã được bãi bỏ. Vào cuối tháng 11, một đoàn nghị sĩ Indonesia gồm 3 người đã thăm Singapore với sứ mệnh chôn vùi mối bất hòa.

Băng giá trong các mối quan hệ tan nhưng rất chậm chạp. Tháng 7/1970 chúng tôi cử Lee Khoon Choy sang làm đại sứ ở Jakarta. K.C., nói theo cách các bạn bè của Le Khoon Choy gọi ông ta, là người giỏi ngôn ngữ, thông thạo tiếng Bahasa Indonesia, và quan tâm đến nghệ thuật và văn hóa Indonesia. Ông ta hoạt động tích cực và thành công. Ông ta đối xử như bạn bè với các tướng lĩnh hàng đầu của Indonesia. Họ là các cố vấn thân cận nhất của Suharto. Họ muốn hiểu chúng tôi và đã tìm thấy ở K.C. một người phiên dịch thân thiện và có nhiều mối quan hệ. Dần dần K.C. đã tạo được một sự thông hiểu trong quan hệ cá nhân và giành được sự tin cậy của họ.

Tháng 9 năm đó, tại cuộc họp thượng đỉnh của Phong trào Không liên kết tại Lusaka, lần đầu tiên tôi gặp Suharto khi chúng tôi đến đây để tham dự hội nghị. Sau đó tôi đến thăm Suharto ở biệt thự riêng của ông ta. Chúng tôi nói chuyện vui mất nửa giờ và sau đó trao đổi về quan điểm tiếp cận đối với vấn đề Campuchia và Việt Nam. Ông ta hỏi quan điểm của tôi về sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam và chăm chú nghe. Một sự rút lui của Mỹ – tôi nói – sẽ liên quan nghiêm trọng đối với sự ổn định trong khu vực. Thắng lợi của cộng sản ở Việt Nam và Campuchia có khả năng dẫn tới những thay đổi ở Thái Lan, nước có chính sách truyền thống là điều chỉnh và thích nghi với các lực lượng mới. Ông ta đồng ý với tôi. Chúng tôi nhận thấy chúng tôi có chung một số quan điểm về các chiều hướng phát triển và nguy cơ trong khu vực. Đó là sự bắt đầu tốt đẹp trong vòng nửa giờ đồng hồ.

Một bước tiến lớn được thực hiện khi Thiếu tướng Sudjono Hoemardani thăm tôi hồi tháng 4/1971. Ông ta rất mê tín và là một trong những người thân tín của Suharto về các vấn đề thần thánh và huyền bí. Khi đứng trước những quyết định lớn – K.C. báo cáo – Suharto thường cùng Hoemardani đến một hang động đặc biệt để thiền trước khi quyết định. Chúng tôi không thảo luận gì quan trọng trong một giờ đồng hồ bằng tiếng Bahasa Indonesia, nhưng viên thư ký của ông ta bảo với K.C. rằng ông ta cực kỳ hài lòng về cuộc gặp. Hoemardani nghĩ rằng tôi "cứng rắn, hợm hĩnh và kiêu ngạo" nhưng lại thấy tôi "thân thiện, thẳng thắn và tốt bụng."

Một năm sau, vào tháng 3/1972, K.C. thu xếp cho Trung tướng Soemitro, người đứng đầu Bộ chỉ huy An ninh Quốc gia, lặng lẽ ghé vào thăm mà không cho đại sứ biết. Ông ta không muốn Bộ Ngoại giao biết sứ mệnh bí mật của mình đối với Tổng thống. Soemitro nói tiếng Anh. Ông ta đi thẳng vào vấn đề. Suharto muốn làm rõ những mối nghi ngờ về lập trường của Singapore trong một số vấn đề và muốn nghe chính tôi nói.

Ông ta nói rõ quan điểm của Indonesia về eo biển Malacca, cho rằng các quốc gia trên bờ eo biển này phải có quyền kiểm soát đối với nó. Tôi bảo rằng đã nhiều thế kỷ nay đây là vùng biển quốc tế và là cơ sở cho sự sống còn của Singapore. Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng Indonesia và Malaysia thực hiện các biện pháp do các tổ chức quốc tế khuyến nghị về an toàn và an ninh của eo biển này. Nhưng chúng tôi không muốn bị lôi cuốn vào bất kỳ hành động nào nhằm giành quyền kiểm soát eo biển hay thu phí giao thông mà có thể dẫn tới xung đột với người Nga. người Nhật và các quốc gia có kỹ nghệ hàng hải lớn. Soemitro đáp lại rằng Indonesia sẽ tiến hành các biện pháp nhằm thực hiện chủ quyền của mình đối với eo biển này; ông ta nói nếu người Nga cố giữ thái độ cứng rắn thì Indonesia sẽ không do dự trong việc đối đầu. Chắc rằng thấy tôi lúc đó có vẻ không tin nên ông ta nói tiếp bằng một giọng nghiêm nghị rằng người Nga có thể cố chiếm đóng Indonesia và họ sẽ không thành công.

Một tháng sau đó Suharto cử tướng Panggabean, vị Bộ trưởng Cao cấp nhất của ông ta và là tướng phụ trách các vấn đề an ninh, quốc phòng, sang gặp tôi. Ông ta người Batak thuộc đảo Sumatra nên tính khí bộc trực, thẳng ruột ngựa; tác phong khác hẳn cung cách trầm lặng kiểu vùng Trung Java của Suharto.

Ông ta nói rằng Indonesia đã phí hoài những thời gian quý giá lẽ ra phải được dùng vào việc phát triển kinh tế. Bây giờ lực lượng vũ trang phải giúp ích cho việc phát triển kinh tế toàn diện của đất nước. Ông ta muốn Singapore, với tư cách là nước tiên tiến hơn về kinh tế, sẽ bổ sung cho các nhu cầu của họ. Tôi bảo đảm với ông ta rằng chúng tôi có mối quan tâm cố hữu là muốn được nhìn thấy Indonesia phát triển.

Họ đã mời Keng Swee sang Indonesia vào tháng 10/1972 vì biết rằng ông ta là đồng nghiệp gần gũi nhất của tôi. Ông ta thấy họ bớt nghi kỵ hơn sau các cuộc gặp của tôi với ba vị tướng hàng đầu của họ. Hơn nữa, các cuộc tiếp xúc tình báo đều đặn giữa S. R. Nathan người đứng đầu cơ quan tình báo của chúng tôi, và vị đồng chức của phía Indonesia, Trung tướng Sutupo Juwono, đã khiến họ tin rằng chúng tôi có cùng quan điểm với họ về những vấn đề lớn.

Giai đoạn này đã sẵn sàng cho chuyến thăm của tôi, dự kiến vào tháng 5/1973; chuyến đi này đã được chuẩn bị cẩn thận. Trích dẫn lời các tướng lĩnh Indonesia, K.C. báo cáo về "một trở lực nghiêm trọng về tình cảm đối với tình hữu nghị chân thành." Để có được một quan hệ hữu nghị thực sự với tổng thống Suharto, câu chuyện treo cổ hai thủy thủ kia phải được khép lại bằng một cử chỉ ngoại giao để xoa dịu "lòng tin của người Java vào linh hồn và lương tâm trong sáng." Họ đề nghị sau khi đến viếng các tướng lĩnh bị giết hại trong cuộc đảo chính 1965, trong thời gian đặt vòng hoa chính thức tại Nghĩa trang các Anh hùng Kalibata, tôi sẽ rắc hoa lên mộ hai thủy thủ (bị Singapore hành hình – ND). K.C. nghĩ rằng đây là chiếc chìa khóa cho việc cải thiện các mối quan hệ bởi vì các tướng lĩnh Indonesia rất coi trọng cử chỉ này. Tôi đồng ý.

Khi tôi tới nơi, vào sáng ngày 25/5, tôi được nghênh đón bởi một đội danh dự đầy đủ các thành phần: bộ binh, hải quân, không quân và cảnh sát. Họ sắp hàng thẳng tắp để duyệt danh dự; tôi còn được nghênh đón bằng 19 phát súng chào. Đấy là tín hiệu cho thấy quan hệ giữa hai nước đang lật sang trang mới. Một tờ báo của họ đăng xã luận nhận xét "dường như đã phải mất một thời gian dài để thực hiện chuyến bay một giờ đồng hồ từ Singapore sang Jakarta sau những chuyến thăm khác nhau tới Liên hiệp Vương quốc Anh, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Đài Loan. Chỉ sau khi đi hết đó đây khắp thế giới, Lý Quang Diệu mới tới Indonesia thực hiện một chuyên thăm chính thức." Vị biên tập đó nói đúng. Trước hết tôi phải chứng minh rằng Singapore có thể tồn tại mà không cần sống nhờ vào các nền kinh tế của Indonesia và Malaysia. Chúng tôi không phải là tầm gửi, sống được chỉ nhờ vào các nước láng giềng của mình. Chúng tôi tự liên kết với các nước công nghiệp, biến mình thành đối tượng hữu ích đối với họ, sản xuất các sản phẩm của họ bằng công nghệ của họ, sau đó xuất khẩu các sản phẩm này ra khắp thế giới. Chúng tôi đã thay đổi phương trình về sự sống còn.

Cuộc gặp có tính quyết định là cuộc gặp với Suharto, một cuộc gặp tay đôi mà ông ta gọi là empat mata (bốn mắt). Chỉ có hai chúng tôi, không có phiên dịch hay thư ký ghi chép gì cả; chúng tôi có thể nói thẳng. Tiếng Malay của tôi đủ dùng cho mục đích này. Mặc dù tôi không nói được tiếng Bahasa Indonesia trang nhã nhưng tôi có thể hiểu ông ta và làm cho ông ta hiểu mình. Chúng tôi bàn luận hơn một giờ đồng hồ.

Suharto nói rõ quyết tâm thúc Indonesia chuyển mình sau 20 năm bê trễ. Ông ta nói ông ta hiểu rõ rằng Singapore có thể giúp ông ta trong nhiệm vụ hết sức nặng nề tái thiết Indonesia và thừa nhận phẩm chất của lãnh đạo Singapore. Ông ta cho tôi cảm giác rằng có khả năng ông ta sẽ đối xử với chúng tôi một cách đúng đắn, thậm chí thân mật, dựa trên sự đánh giá có tính hiện thực những mặt tương đối mạnh và những yếu kém của hai nước chúng tôi.

Về phần mình, với thái độ lịch sự, tế nhị, tôi đã làm rõ một điều rằng chúng tôi mong là một bộ phận của Đông Nam Á vì là chúng tôi có quyền như vậy chứ không phải do sự bất đắc dĩ phải chấp nhận. Chúng tôi không thể nhượng bộ về những lợi ích căn bản như tự do lưu thông trên eo biển Malacca. Hợp tác kinh tế phải là trên cơ sở có qua có lại hợp lý chứ không phải thứ quan hệ mà các nhà lãnh đạo Indonesia áp dụng với những người cukong gốc Hoa của họ. (Những nhà "tư sản mại bản" này phải thỏa mãn các nhu cầu của các ông chủ để đổi lấy những đặc quyền hay các giấy phép mà nhờ đó họ trở nên giàu có). Tôi nói cốt lõi trong các mối quan hệ là vấn đề liệu chúng tôi có tin nhau trong các ý định lâu dài không.

Ông ta nói rõ ràng Indonesia không có yêu sách đối với Singapore hay Malaysia mà chỉ đòi chủ quyền đối với các lãnh thổ trước đây thuộc vùng Đông Ấn của Hà Lan. Ông ta quyết tâm tập trung vào phát triển Indonesia chứ không phải vào những cuộc phiêu lưu ở nước ngoài. Quan trọng hơn cả là ông ta không tin những người cộng sản, đặc biệt là cộng sản Trung Quốc, những người trước đây là nguyên nhân của nhiều sự rắc rối ở Indonesia. Tôi nói những người cộng sản Trung Quốc quyết tiêu diệt chúng ta thông qua bàn tay những kẻ đại diện cho họ đó là Đảng Cộng sản Malaysia. Tôi quả quyết rằng họ sẽ không thành công. Tôi không muốn ảnh hưởng của Trung Quốc mở rộng xuống Đông Nam Á. Đó là điểm ăn ý với ông ta. Ông ta tiếp nhận lòng thành của tôi về vấn đề này.

Tôi nhìn thấy ở ông một con người thận trọng, chín chắn, hoàn toàn trái ngược với Sukarno. Ông ta không phải là người thích phô trương. Ông ta không trình bày nhằm gây ấn tượng với người khác bằng những lời hùng biện hay những mề đay mặc dù ông ta có nhiều thứ đó. Ông ta giữ thái độ bề ngoài thân thiện, khiêm nhường nhưng rõ ràng là một người có đầu óc cứng rắn, không khoan nhượng trước bất kỳ sự chống đối nào đối với những việc ông ta quyết định làm. Tôi thích ông ta và cảm thấy rằng mình có thể quan hệ hòa hảo với ông ta.

Một năm sau đó, vào tháng 8/1974, Suharto đáp lại chuyến thăm của tôi. Tại sân bay tôi đã dành cho ông ta một sự nghênh đón như ông ta đã dành cho tôi ở Jakarta bằng 21 phát đại bác và một đội danh dự 400 người lấy từ quân đội hải quân, không quân và cảnh sát. Điểm nổi bật của chuyến thăm này là việc trao đổi các văn kiện phê chuẩn liên quan đến biên giới lãnh hải giữa Singapore và Indonesia. Một lần nữa cuộc gặp cốt yếu lại là cuộc gặp empat mata với Suharto. Ông ta nêu các quan điểm của mình bằng tiếng Bahasa Indonesia, không có ghi chép. Ông ta say mê bày tỏ những gì mình suy nghĩ trong đầu, đến nỗi hai lần nghỉ uống trà và ăn bánh đã làm cho ông ta khó chịu. Trước hết là "khái niệm quần đảo". Giống như các quốc gia đảo khác, Indonesia đòi quyền tài phán lãnh thổ đối với vùng nước giữa các đảo của mình. Các thành viên Asean phải đoàn kết và thống nhất trong việc ủng hộ (Indonesia – ND). (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á được thành lập tháng 8/1967 tại Bangkok với Indonesia, Malaysia, Philipin, Singapore và Thái Lan là các thành viên). Sau đó ông ta đánh giá các khó khăn và triển vọng về kinh tế của Indonesia.

Tôi đáp lại rằng trong khái niệm quần đảo thì điều Singapore quan tâm hơn hết là tự do lưu thông. Chúng tôi là một bộ phận của Đông Nam Á. Chúng tôi đã bị tách khỏi Malaysia. Chúng tôi buộc phải tạo ra một cơ sở mới cho sinh kế của mình và điều đó đòi hỏi phải có những con đường huyết mạch trên biển liên thông với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Tây Âu. Bất kỳ trở ngại nào đối với sự lưu thông trên biển cũng sẽ giết chết chúng tôi. Bởi vậy chúng tôi có thể ủng hộ khái niệm quần đảo với điều kiện Indonesia ra một tuyên bố công khai về tự do lưu thông hàng hải truyền thống. Chúng tôi không đưa ra yêu sách về dầu mỏ hay các nguồn khoáng sản nào khác ở đáy biển.

Ông ta yêu cầu tôi cho biết quan điểm của mình về cuộc chiến ở Việt Nam. Tôi nói triển vọng đã trở nên bi quan kể từ khi chúng tôi gặp nhau cách đây một năm. Nixon đã từ chức và Tổng thống Ford dù có muốn gì đi nữa thì Quốc hội Mỹ cũng đã quyết tâm cắt giảm 50% viện trợ cho Việt Nam và Campuchia. Tôi không tin là hai chế độ này sẽ tồn tại lâu. Ông ta có vẻ buồn trước sự đánh giá ảm đạm đó của tôi.

Tôi sợ rằng sau khi Việt Nam (ý nói Nam Việt Nam – ND) và Campuchia trở thành cộng sản thì tình hình không ổn định ở Thái Lan sẽ gây nên những vấn đề sâu sắc cho Malaysia và Singapore. Singapore có thể có trên 75% số dân là người Hoa nhưng chúng tôi là một bộ phận của Đông Nam Á. Tôi sẽ không để cho Trung Quốc hay Nga lợi dụng chúng tôi. Tuyên bố của tôi khiến ông ta yên tâm rõ rệt.

Ngày hôm sau, khi nói chuyện với trên 1000 kiều dân Indonesia tại đại sứ quán Indonesia, trước sự hiện diện của báo chí, ông ta nói rằng do tri thức công nghệ hạn chế của nước mình mà chính phủ Indonesia đang tìm kiếm sự giúp đỡ kỹ thuật và vốn đầu tư từ mọi nơi, kể cả Singapore. Bằng cách công khai tiếp nhận Singapore như một nhà nước độc lập, bình đẳng, một quốc gia có sự đóng góp làm cho Indonesia phát triển, ông ta đã báo hiệu một sự thay đổi lớn trong thái độ đối với Singapore.

Sau sự sụp đổ của Phnom Penh và Sài Gòn, tôi gặp Suharto vào tháng 9/1975 ở Bali. Những người cộng sản đang chiếm ưu thế và cơn triều cường này trông như sẽ tràn khắp phần còn lại của Đông Nam Á. Razak đã thăm Bắc Kinh hồi tháng 5/1974 và đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Malaysia đã công nhận chính phủ Khmer Đỏ ở Phnom Penh ngay sau khi họ chiếm được thủ đô. Suharto nói với giọng thất vọng rằng ông ta đã nói cho Razak biết về những kinh nghiệm tồi tệ của Indonesia với Bắc Kinh bằng cách đề cập tới sự ủng hộ của Trung Quốc đối với cuộc đảo chính hụt của Đảng Cộng sản Indonesia tháng 9/1965. Trước đó ông ta cũng đã nói như thế với Thủ tướng Thái Lan Kukrit Pramoj ở Jakarta. Thế nhưng tháng 6/1975, hai tháng sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, Kukrit đã thăm Bắc Kinh và thiết lập quan hệ ngoại giao. Suharto thấy tình hình đang trở nên tồi tệ hơn tại Malaysia và Thái Lan. Nếu Asean tiếp tục những chính sách khác nhau như vậy, từng nước một tự ý vội vã dành sự công nhận cho tân chính phủ ở Việt Nam và Khmer Đỏ, thì ông ta tin rằng ý chí chống cộng sản (ở Indonesia – ND) sẽ tiêu tan. Ông ta ghi nhận rằng Singapore và Indonesia có quan điểm tương tự và tự thấy mình gần gũi về tinh thần. Chúng tôi không phản ứng quá mức bằng cách ve vãn Đông Dương hay có những bài phát biểu hoa mỹ như Tổng thống Marcos vừa qua đọc tại Bắc Kinh, ca ngợi chế độ cộng sản ở đó.

Mặc dù trong tâm trí của chúng tôi, vấn đề an ninh của Asean là trên hết nhưng chúng tôi nhất trí rằng Asean nên chú trọng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và chính trị và đưa an ninh xuống hàng thứ yếu. Chúng tôi sẽ hợp tác một cách lặng lẽ, đặc biệt về vấn đề tình báo. Indonesia và Singapore nên củng cố khả năng của mỗi nước và chờ thời gian thuận lợi hơn cho hợp tác kinh tế. Ông ta không nhắc tới Đông Timor, lãnh thổ mà sau đó hai tuần Indonesia đã chiếm đóng. Đấy là một cuộc gặp tốt đẹp. Khi phải đối mặt với những sự đảo ngược trong khu vực, các phản ứng của chúng tôi giống nhau.

Nhưng ba tháng sau đó, vì Singapore bỏ phiếu trắng về vấn đề chiếm đóng Đông Timor của Indonesia tại Liên Hợp quốc, một lần nữa không khí lạnh nhạt lại bao trùm lên các mối quan hệ của chúng tôi. Các thành viên khác của Asean đã bỏ phiếu ủng hộ Indonesia. Các nhà lãnh đạo quân đội của Indonesia tẩy chay các cuộc chiêu đãi của chúng tôi ở Jakarta nhân ngày Lực lượng Vũ trang Singapore và Quốc khánh. Tham tán của chúng tôi ở Jakarta báo cáo rằng một số tướng lĩnh nói: Suharto giận dữ hơn nhiều so với hồi hai thủy thủ Indonesia bị treo cổ.

Một năm đã trôi qua trước khi quan hệ cá nhân được nối lại qua chuyến thăm Singapore của Suharto – không chính thức – ngày 29/11/1976. Tôi nói Singapore sẽ không đặt chướng ngại vật cản trở quan hệ thường ngày của Indonesia với Timor; chúng tôi chấp nhận Timor là một phần của Indonesia, nhưng chúng tôi không thể công khai tán thành sự xâm lược và chiếm đóng nó. Ông ta chấp nhận lập trường của tôi cho rằng nếu chúng tôi bỏ phiếu ủng hộ Indonesia tức là chúng tôi đã truyền cho thế giới một tín hiệu sai về an ninh của chính mình.

Điều làm hài lòng ông ta lại là một vấn đề không liên quan; tôi đồng ý cung cấp cho ông ta – một cách không chính thức – các số liệu thống kê của chúng tôi về thương mại để giúp họ cắt giảm "buôn lậu", nhưng yêu cầu ông không được công bố các số liệu đó. Ông ta muốn các số liệu này được công bố. Tôi giải thích rằng phân loại thống kê của chúng tôi khác với của họ do vậy công bố công khai sẽ gây ra hiểu lầm nhiều hơn. Suharto tin tưởng rằng ông ta có thể kiểm soát được báo chí Indonesia. Cuối cùng ông ta đồng ý xem xét kỹ các hậu quả lâu dài nếu công bố các số liệu trước khi thực hiện biện pháp này. Tiếp theo, chúng tôi đồng ý về một liên kết viễn thông ngầm dưới biển giữa Singapore và Jarkata; các chi tiết kỹ thuật sẽ do các quan chức tính toán.

Mặc dù cuộc gặp của chúng tôi diễn ra tốt đẹp, đại sứ của chúng tôi ở Jakarta, Rahim Ishak, cảnh báo rằng người Indonesia, cả lãnh đạo và dân chúng, đều coi người Singapore như người Trung Quốc. Ông ta nói rằng thái độ của Indonesia đối với Singapore xuất phát từ cảm giác của họ đối với người Indonesia gốc Hoa. Hễ có bất bình ở Indonesia – ông ta cảnh báo – là Singapore trở thành kẻ bung xung tiện lợi. Nhận xét đó đã chứng tỏ giá trị tiên tri của nó khi Indonesia bước vào khủng hoảng trong những năm 1998–1999.

Điều may tốt lành cho chúng tôi là tư chất, tính khí và các mục tiêu của Tổng thống Suharto đã cho phép tôi phát triển các mối quan hệ cá nhân với ông ta. Ông ta là người ít nói, lịch thiệp, kỹ tính về hình thức và nghi lễ. Tính cách của ông ta phù hợp với cách ông ta thăm dò cẩn thận và đánh giá lập trường của tôi trước khi tôi tới thăm Jakarta. Sau cuộc gặp thứ hai, chúng tôi đã tin tưởng nhau. Vì chúng tôi đã gặp nhau trong nhiều năm, tôi thấy ông ta là người nói sao làm vậy. Ông ta ít hứa hẹn nhưng đã hứa là làm. Điểm mạnh của ông ta là nhất quán. Ông ta lớn hơn tôi ba tuổi, khuôn mặt và cái mũi đều bành to; có vẻ hơi lầm lì khi mới tiếp xúc nhưng khi đã biết nhau ông ta thường hay cười và cười thoải mái. Ông ta ăn ngon lành, đặc biệt là món tráng miệng nhưng cố kiểm soát trọng lượng của mình thông qua đi bộ hoặc chơi gôn. Mặc dù ông ta nói năng điềm đạm, nhỏ nhẹ, nhưng ông ta sẽ trở nên khá sôi nổi một khi bàn về các vấn đề quan trọng. Ông ta không phải là trí thức nhưng ông ta có khả năng lựa chọn các nhà kinh tế và các nhà quản trị có năng lực làm các bộ trưởng của mình, ông ta chọn các nhà kinh tế do trường Berkeley đào tạo như Giáo sư – Tiến sĩ Widjojo Nitisastro và Ali Wardhana, là những người đã mở cửa Indonesia cho đầu tư và thương mại nước ngoài, và dần dần làm cho nó trở thành một trong những nền kinh tế mới phát triển thành công.

Tình hữu nghị của chúng tôi đã vượt qua nhiều định kiến giữa người Singapore gốc Hoa và người Indonesia. Suốt thập niên 70 và 80, hầu như năm nào chúng tôi cũng gặp nhau để giữ mối liên hệ, trao đổi quan điểm và thảo luận những vấn đề nảy sinh. Tôi thường giải thích rằng ngôn ngữ và văn hóa là những vấn đề tình cảm khó xử buộc tôi phải xử lý một cách tế nhị. Tiếng Anh là ngôn ngữ chung của chúng tôi nhưng cuộc vận động "Nói tiếng Quan thoại" là cần thiết vì người Hoa ở Singapore nói trên bảy phương ngữ khác nhau. Cũng tương tự, người Singapore gốc Malay và Indonesia đã bỏ tiếng Java, tiếng Boyan, tiếng Sundan và chỉ dùng tiếng Malay. Vì để cổ vũ đội bóng bàn Trung Quốc đấu với Indonesia, các nhóm thân Trung Quốc đã nhao nhao la hét om sòm. Điều đó thật ngu xuẩn. Các nhóm này thậm chí còn la ó các đấu thủ bóng bàn Singapore là các đấu thủ của chính nước mình khi họ đấu với các đấu thủ đến từ Trung Quốc, các quán quân thế giới. Ông ta đồng ý quan điểm của tôi cho rằng qua một thời gian dài những người Hoa ở Singapore sẽ trở thành người Singapore trong thế giới quan của họ.

Suharto muốn phát triển Batam, một hòn đảo cách Singapore 20km (khoảng 12 hải lý) về phía Nam và có diện tích bằng 2/3 diện tích Singapore, thành một Singapore thứ 2. Năm 1976 ông ta đề nghị tôi giúp Indonesia phát triển Batam. Batam không có hạ tầng cơ sở thích đáng và chỉ có một số dân nhỏ bé là ngư dân. Ông ta cử vị cố vấn kỹ thuật mới được bổ nhiệm của mình là tiến sĩ B. J. Habibie sang gặp tôi. Sứ mệnh của Habibie là phát triển Batam. Tôi khuyến khích ông ta sử dụng Singapore như một nguồn động lực, nhưng giải thích rằng Batam cần có kết cấu hạ tầng như đường sá, nước, điện và viễn thông, và cần gỡ bỏ các cản trở hành chính. Nếu Habibie có thể thuyết phục các bộ trưởng thương mại và kinh tế Indonesia tài trợ dự án này thì tôi hứa thực hiện việc lưu thông hàng hóa và con người giữa Batam và Singapore mà không bị ách tắc vì quan liêu để Batam có thể tự gắn mình liên thông với nguồn lực kinh tế Singapore.

Giới báo chí Indonesia phải mất mấy năm trời mới nhận ra rằng đầu tư tại Batam phải là công việc của các doanh nhân vì chỉ có họ mới biết được những gì khả thi và sinh lãi. Ớ Indonesia, tất cả các dự án lớn đều là kết quả đầu tư của chính phủ dù đó là nhà máy chế biến thép, hóa dầu hay nhà máy xi măng. Tôi buộc phải nhiều lần giải thích rằng chính phủ Singapore có thể tạo điều kiện dễ dàng cho việc di chuyển vốn, nguyên vật liệu và nhân sự giữa Singapore và Batam, và có thể khuyến khích nhưng không thể ra lệnh các nhà thầu đầu tư.

Tôi cố thuyết phục Suharto cho phép các công trình đầu tư 100% vốn nước ngoài ở Batam nếu các sản phẩm của họ hoàn toàn dành cho xuất khẩu. Khi chúng tôi gặp nhau vào tháng 10/1989, Suharto nói ông ta sẽ cho phép các hãng sản xuất hoàn toàn để xuất khẩu được có 100% vốn nước ngoài trong 5 năm đầu nhưng sau đó họ sẽ phải chuyển giao một phần vốn cho người Indonesia. Như vậy là không hấp dẫn bằng chính sách của Singapore nhưng cũng đủ để lôi kéo một số nhà máy ở Singapore chuyển sang Batam vì họ cảm thấy đang phải chịu sức ép của chi phí cao hơn tại nước này. Một trong những công ty liên doanh với chính phủ của chúng tôi là Tổng công ty Công nghiệp – Kỹ nghệ Singapore đã thành lập một liên doanh với một tập đoàn Indonesia để phát triển một khu công nghiệp tập trung ở Batam, rộng 500 hecta và tích cực vận động các công ty đa quốc gia cũng như các nhà công nghiệp của chúng tôi đầu tư. Kết quả rất thành công. Tính đên tháng 11/1999, khu công nghiệp này đã có được những dự án đầu tư với tổng giá trị 1,5 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 74.000 người Indonesia. Liên doanh này vẫn tiếp tục phát triển mặc dù Indonesia đã lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính trong năm 1997.

Điều này đã dẫn tới sự hợp tác trên các đảo lân cận như đảo Bintan và đảo Karimun. Sau đó Suharto đề nghị chúng tôi nối luồng cho 7 triệu du khách hàng năm vào tham quan Singapore sang thăm Indonesia. Hợp tác du lịch mở rộng khắp nước Indonesia, với hãng hàng không của chúng tôi được quyền bay tới các điểm du lịch mà chúng tôi cùng hợp tác phát triển.

Cũng như phần lớn mọi việc khác, ở đây cũng có mặt tiêu cực của nó. Nhiều đối tác Indonesia của chúng tôi là người Hoa nên đã gây ra một sự căm ghét ngấm ngầm. Chúng tôi cố tìm được các đối tác Indonesia là người bản địa mà họ gọi là pribumi nhưng có khó khăn vì giới doanh nghiệp thành đạt của họ lại là người Hoa. Tuy nhiên, chúng tôi đã có được những liên doanh với một số doanh nhân gốc bản địa.

Trong tất cả các lần chúng tôi gặp nhau, Suharto và tôi luôn luôn dành thời gian cho những cuộc gặp empat mata. Khi đó chúng tôi có thể thảo luận tự do, không hạn chế, và tôi thường kiểm nghiệm các ý tưởng của chúng tôi, những ý tưởng mà ông ta có thể bác bỏ thẳng thừng, không chút e ngại. Làm như vậy là chỉ vì mối quan hệ và lòng tin. Tôi đã bảo đảm với ông ta rằng chúng tôi sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc chừng nào Indonesia chưa làm như vậy. Do đó trước khi Singapore trao đổi văn phòng thương mại với Trung Quốc, tôi đã gặp trực tiếp ông ta để giải thích rằng đây chỉ là sự trao đổi đại diện thương mại để tạo điều kiện dễ dàng cho hoạt động mậu dịch và không nâng lên tầm đại diện ngoại giao. Ông ta chấp nhận.

Đến giữa thập kỷ 80, Indonesia đã nghiêng hẳn về phía quan điểm cho rằng trong thực tế chúng tôi đã kiên trì đứng dậy vì lợi ích của mình với tư cách là những người Đông Nam Á; còn lâu chúng tôi mới ủng hộ Trung Quốc. Quan hệ kinh tế của chúng tôi cũng đã được cải thiện. Họ đã mở tất cả các cảng của mình cho mọi tàu thuyền ra vào và nới lỏng các quy định về nhập khẩu và xuất khẩu. Họ không còn ấp ủ mối hoài nghi về "buôn lậu" sang Singapore. (Tất nhiên lại có những than phiền mới. Họ than phiền là các nhà buôn Indonesia đang buôn lậu từ Singapore sang Indonesia các mặt hàng điện tử và hàng tiêu dùng bền chắc để tránh nộp các khoản thuế nhập khẩu cao. Nhưng đấy là vấn đề của hải quan Indonesia, họ không thể đổ lỗi cho chúng tôi). Đồng thời vai trò của Singapore làm trung gian cho Indonesia buôn bán với Trung Quốc cũng không thành vấn đề nữa vì Indonesia đã mở mậu dịch trực tiếp với Trung Hoa.

Quan hệ tốt đẹp ở cấp cao nhất giữa Suharto và tôi đã dọn đường cho Benny Moerdani, Bộ trưởng Quốc phòng và An ninh của Indonesia trong thập kỷ 80, đề nghị và thực hiện việc phát triển Khu Liên hợp Vũ khí Phòng không Siabu gần thị trấn Pekan Baru trên đảo Sumatra, để cho không quân của hai nước sử dụng. Khu huấn luyện này được chính thức khai trương bởi hai tổng trưởng quốc phòng hai nước vào năm 1989, đánh dấu một cột mốc trong quan hệ quân sự của chúng tôi.

Khi tôi gặp Suharto tại lễ tang Nhật hoàng Hirohito ở Tokyo hồi tháng 2/1989, ông ta thông báo với tôi về một bước phát triển sẽ dẫn Indonesia tới chỗ khôi phục quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Trung Quốc sẵn sàng tuyên bố rõ ràng và công khai rằng họ sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Indonesia, ở cấp đảng với đảng hoặc chính phủ với chính phủ. Sau khi Indonesia khôi phục quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào tháng 8/1990, Singapore cũng làm như vậy khi tôi viếng thăm Bắc Kinh vào tháng 10 năm đó.

Ít ngày trước lúc tôi từ chức Thủ tướng, tôi đã gặp Suharto khi tôi ở Tokyo để dự lễ lên ngôi của Nhật hoàng Akihito vào tháng 11/1990. Bà Ibu Tien, phu nhân của Suharto, không tin là tôi muốn rút lui trong khi tôi còn dồi dào sức lực, khỏe mạnh và trẻ hơn chồng bà ta ba tuổi. Tôi giải thích rằng Singapore chưa bao giờ có được một sự thay đổi về thủ tướng, vả lại đối với tôi tốt hơn là rút lui vào thời điểm mà mình tự lựa chọn, khi tình hình còn rất thuận lợi.

Quan hệ song phương của chúng tôi qua những năm từ 1965 trở đi phụ thuộc trước hết vào việc đánh giá lẫn nhau và học cách cùng tồn tại. Bao giờ cũng có những vấn đề phải khắc phục nhưng chúng tôi đã giải quyết được những vấn đề đó, hoặc lách tránh chúng hoặc tạm gác chúng sang một bên để giải quyết sau. Nhìn về quá khứ thì thấy với một tổng thống Indonesia có tư chất và tính cách giống Sukarno hơn, hẳn sẽ khó tiếp cận và cùng làm việc. Và lúc đó thì lịch sử của thời kỳ này hẳn sẽ khác đối với Indonesia và chắc rằng cũng khác đối với toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

Phu nhân Suharto đã qua đời vào tháng 4/1996. Khi vợ tôi cùng tôi thăm ông ta vào tháng 11 năm đó, trông ông ta buồn rầu và đau thương. Đến tháng 6/1997, khi chúng tôi gặp ông ta lần tiếp theo tại Jakarta thì ông ta đã lấy lại được tinh thần nhưng có một sự thay đổi đáng kể. Các con của ông đã gần gũi với ông hơn. Khi chúng tôi gặp các con gái của Suharto tại một lễ cưới của Hoàng gia ở Brunei vào ngày 18/8/1996, thì thấy họ đeo châu báu đầy người. Choo nhận xét với phu nhân đại sứ chúng tôi rằng hiện tượng này trước kia Choo chưa hề thấy. Vợ ông đại sứ biết rõ các cô gái này nhờ đã ở Jakarta nhiều năm trong những lần chồng bà công tác trước đây. Bà ta nói rằng mẹ họ khi còn sống đã can ngăn họ nhưng sau khi bà ta qua đời thì những lời can ngăn ấy cũng biến mất, và các con gái của bà ta đang phô trương các thứ châu báu mà mình có.

Không ai nghĩ sẽ có khủng hoảng của đồng rupia của Indonesia. Khi ngân hàng trung ương Thái Lan ngừng bảo vệ đồng bạt vào ngày 2/7/1997 thì tác động xấu lan tới tất cả các đồng tiền của khu vực bởi vì một sự hoảng loạn đã bao trùm lên các nhà quản lý quỹ khiến họ bán đổ bán tháo các cổ phiếu và các đồng tiền của khu vực. Bộ trưởng Tài chính Indonesia đã khôn ngoan kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF giúp đỡ. Trước khi ông thu xếp ổn thỏa với IMF vào cuối tháng 10/1997, Tổng thống Suharto, thông qua đặc phái viên của mình, đã kêu gọi Thủ tướng Goh ủng hộ nhằm cải thiện thế mặc cả với IMF. ông Goh đã thảo luận việc này với Bộ trưởng Tài chính Richard Hu và tôi trước khi đưa vấn đề ra trước nội các. Chúng tôi tin một cách chính đáng rằng nền kinh tế Indonesia lành mạnh hơn kinh tế Thái Lan. Họ không có thâm hụt vốn kể cả trong tài khoản và trong ngân sách, khoản nợ nước ngoài được báo là không lớn, và lạm phát thấp. Vậy nên tôi đồng ý hỗ trợ họ tới 5 tỷ đôla Mỹ, nhưng chỉ ủng hộ sau khi Indonesia đã sử dụng hết khoản vay khoảng 20 tỷ USD từ IMF, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, và từ quỹ dự trữ của họ. Singapore cũng hứa can thiệp vào thị trường ngoại hối để hỗ trợ đồng rupia một khi Indonesia đã đạt được thỏa thuận với IMF. Viện trợ trọn gói của IMF dành cho Indonesia lên tới 40 tỷ USD, Nhật Bản cũng đồng ý hỗ trợ Indonesia tới 5 tỷ USD. Ngay sau khi thỏa thuận với IMF được ký kết, các ngân hàng trung ương Indonesia, Nhật Bản, Singapore đã phối hợp trên cơ sở tham vấn và can thiệp nhằm nâng giá trị của đồng rupia từ 3.600 lên 3.200 rupia một đôla Mỹ. Trước khủng hoảng, cứ 2.500 rupia ăn một đôla Mỹ.

Sự cải thiện này đã bị hủy hoại khi Tổng thống Suharto khôi phục một số trong tổng số 14 dự án lớn về kết cấu hạ tầng đã bị hủy bỏ theo thỏa thuận với IMF. Trong các dự án được phục hồi có dự án nhà máy điện mà trong đó có lợi ích của bà Siti Hardiyanti Rukmana (Tutut), con gái đầu của Tổng thống. Một trong số 16 ngân hàng bị đóng cửa do mất khả năng chi trả (ngân hàng này do con trai Tổng thống sở hữu) cũng được phép mở cửa dưới một tên hiệu khác. Phản ứng của thị trường là bán tháo đồng rupia. Mười sáu ngân hàng này chỉ là một phần nhỏ của một vấn đề lớn hơn nhiều: ở Indonesia có trên 200 ngân hàng, trong số này nhiều ngân hàng thuộc loại nhỏ, quản lý tồi và không được giám sát đúng mức. Hơn nữa, trái ngược thỏa thuận với IMF, chính sách tiền tệ được nới lỏng. Thêm vào tình trạng mất lòng tin, Chủ tịch Phòng Thương mại Indonesia thông báo rằng Tổng thống Suharto đã đồng ý sử dụng quỹ 5 tỷ đôla Mỹ do Singapore hỗ trợ để cho các công ty trong nước có khó khăn do chính sách hạn chế tín dụng vay với lãi suất thấp. Tồi tệ hơn nữa là Suharto không được khỏe trong tháng 12/1997 vì bị kiệt sức sau những chuyến đi nước ngoài.

Lo lắng trước tình hình giá trị đồng rupia giảm sút nhanh chóng, tôi bảo đại sứ của chúng tôi ở Jakarta hỏi Tutut liệu bà ta có thể gặp tôi ở Singapore để chuyển đạt quan điểm của tôi tới bố bà ta không. Lần cuối cùng tôi gặp bà ta là vào tháng 6/1997 khi tôi thăm bố bà ta ở Jakarta. Thủ tướng Goh và tôi gặp bà ta vào ngày Giáng sinh 1997 tại biệt thự Istana, Singapore. Chúng tôi giải thích về tình hình nghiêm trọng đối với Indonesia nếu không phục hồi được niềm tin, trước hết là về sức khỏe của bố bà ta và tiếp đến là liệu ông ta có sẵn sàng thực hiện các điều kiện của IMF hay không. Tôi thúc giục bà ta và các em bà ta phải hiểu rằng các nhà quản lý quốc tế ở Jakarta đã tập trung chú ý vào những đặc quyền kinh tế mà các con Tổng thống đang hưởng, nên tốt hơn hết là trong thời gian khủng hoảng, họ (các con Tổng thống – ND) hãy hoàn toàn rút lui khỏi thị trường và không dính líu vào các dự án mới. Tôi hỏi thẳng liệu bà ta có thể làm cho các em mình hiểu được điều này không. Bà ta trả lời – cũng thẳng thắn không kém – là bà ta không thể làm được. Để biết chắc là bà ta hiểu được những ngầm ý trong các báo cáo hàng ngày của các nhà phân tích thị trường, thông qua đại sứ của chúng tôi ở Jakarta, tôi gửi cho bà ta một bản sao bộ sưu tập hàng ngày các báo cáo quan trọng. Từ các hành động của các con Suharto mà đánh giá thì thấy điều này chẳng có tác dụng gì đối với họ.

Ngày 6/1/1998, Tổng thống Suharto đưa ra bản dự trù ngân sách của Indonesia nhưng bản đó chưa được thảo luận với IMF và không đáp ứng được các mục tiêu đã nhất trí trong thỏa thuận trọn gói với IMF. Trong hai ngày tiếp theo đồng rupia Indonesia đã sụt giá từ 7.500 xuống 10.000 rupia ăn một đôla Mỹ bởi vì cả Phó Tổng giám đốc IMF, Stanley Fischer, và Thứ trưởng Ngân khố Mỹ, Lawrence Summers, đã phê phán bản dự trù ngân sách Indonesia là không phù hợp về các điều kiện của IMF. 9 giờ tối ngày 8/1, tôi nghe đài phát thanh đưa tin rằng trong cảnh mua bán hỗn loạn, điên cuồng, các đám đông dân chúng Jakarta đã vét sạch tất cả các cửa hàng và siêu thị để tống khứ hết những đồng rupia đang mất giá và tích trữ hàng dự phòng. Tôi gọi điện thoại cho Đại sứ chúng tôi ở Jakarta. Ông ta xác nhận tin do đài phát thanh đưa ra là đúng sự thật. Ông ta còn cho biết thêm một siêu thị đã bị thiêu trụi và đồng rupia được người ta mua bán trên các đường phố với giá 11.500 rupia ăn một đôla Mỹ.

Tôi báo động Thủ tướng Goh. Ông ta liền gửi điện cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và IMF đề nghị họ ra tuyên bố nhằm phục hồi sự yên ổn trên các thị trường, nếu không, có nguy cơ ngày hôm sau sẽ xảy ra bạo loạn. Mấy giờ sau đó, vào lúc 7 giờ sáng giờ Singapore, Tổng thống Clinton điện thoại cho Thủ tướng Goh để trao đổi ý kiến về tình hình gần đây nhất và sau đó trao đổi với Tổng thống Suharto. Clinton thông báo ông ta sẽ cử Summers sang giúp giải quyết các vấn đề. Trong khi đó Fischer ra tuyên bố nói rằng phản ứng đã quá thể. Những hoạt động khẩn trương này tạo ra hy vọng về một giải pháp tích cực và ngăn chặn được tình thế có thể xảy ra rối loạn, cướp bóc. Ngày 15/1, Tổng thống Suharto đích thân ký một thỏa thuận cả gói thứ hai với IMF quy định nhiều cải cách hơn.

Ngày 9/1/1998, một ít ngày trước khi thỏa thuận thứ hai này được ký kết, bà Siti Hediati Hariyadi Prabowo (Titiek), con gái thứ hai của Suharto, vợ của Trung tướng Prabowo Subianto, chỉ huy trưởng Dopassus (lực lượng mũ nồi đỏ, sẵn sàng cho những cuộc hành quân đặc biệt), gặp tôi ở Singapore. Bà ta mang theo ý kiến của bố; bà ta muốn chúng tôi giúp tăng trái phiếu bằng đôla Mỹ ở Singapore. Một giám đốc ngân hàng quốc tế đã nói trước đó rằng tăng lượng đôla sẽ giúp ổn định đồng rupia. Tôi nói trong không khí khủng hoảng hiện nay, khi thị trường hoài nghi đồng rupia, thì sự thất bại về trái phiếu sẽ gây mất lòng tin thêm. Thế là bà ta than phiền rằng những tin đồn từ Singapore đã làm suy yếu đồng rupia, rồi bà ta nói thêm rằng các chủ ngân hàng của chúng tôi khuyến khích người Indonesia gửi tiền ở Singapore. Chúng ta có thể ngăn chặn việc đó chăng? Tôi giải thích rằng làm như vậy hoàn toàn không có hiệu quả bởi vì người Indonesia có thể rút hết tiền ra khỏi Indonesia để gửi ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới bằng một cái ấn vào phím máy vi tính. Hơn nữa, tin đồn không thể ảnh hưởng đến đồng rupia nếu cái gốc mạnh. Để khôi phục niềm tin thị trường, phải làm sao để người ta thấy bố bà ta đang thực hiện các cải cách theo IMF. Nếu ông ta cảm thấy rằng một số điều kiện không thực tế hoặc khắc nghiệt thì ông ta có thể mời một người, chẳng hạn như Paul Volcker, cựu chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, làm cố vấn… Có khả năng IMF sẽ nghiêm túc lắng nghe các lập luận của Volcker. Ý kiến đó xem ra đã lọt tai – một chủ ngân hàng sau đó nói với tôi rằng Volcker đã đến Jakarta, nhưng sau khi gặp Suharto thì ra về mà không trở thành cố vấn.

Các khó khăn của Suharto nảy sinh là do sự can dự ngày càng tăng của con cái ông ta vào tất cả các hợp đồng béo bở và độc quyền. IMF nhằm vào một số trong các hợp đồng này với mục đích gỡ bỏ, trong đó có công ty độc quyền cưa xẻ và một công ty quốc gia xe hơi độc quyền do Tommy, con trai của ông ta quản lý, hợp đồng về nhà máy điện dành cho bà Tutut, con gái ông ta, và các giấy phép hoạt động ngân hàng dành cho các con trai khác của ông ta. Suharto không thể hiểu vì sao IMF muốn can thiệp vào công việc nội bộ của ông ta. Sự thật là những công ty độc quyền và những công ty thụ hưởng độc quyền đã trở thành những vấn đề lớn đối với các nhà quản lý quỹ (Quỹ Tiền tệ Quốc tế – ND). Thêm nữa, các chuyên gia hàng đầu của ông ta nhìn nhận cuộc khủng hoảng tài chính ở Indonesia như một cơ hội để gỡ bỏ các hoạt động đã làm suy yếu nền kinh tế và gia tăng bất mãn. Quan trọng hơn cả là IMF biết rằng quốc hội Mỹ sẽ không bỏ phiếu thông qua việc cấp thêm ngân quỹ để chất thêm cho đầy két của họ nếu không chặn đứng các hoạt động nói trên.

Yếu tố quyết định đã tác động đến kết cục là quan điểm của Mỹ mà Summers đã bày tỏ với Thủ tướng của tôi và tôi vào ngày 11/1/1998 ở Singapore, trên đường đi Indonesia. Điều cần thiết là – ông ta nói – “một sự gián đoạn” trong cách Suharto điều hành chính phủ của mình. Các đặc quyền đặc lợi dành cho gia đình và bạn bè của ông ta phải chấm dứt. Cần phải có một sân chơi sòng phẳng. Tôi chỉ ra rằng tốt hơn hết là phải đảm bảo tính liên tục bởi vì không có một tổng thống kế nhiệm nào có thể mạnh như Suharto để thực thi những điều kiện cứng rắn mà IMF yêu cầu. Do đó chúng ta nên giúp Suharto thực hiện các điều kiện của IMF và làm việc hướng tới một kết cục tối ưu, cụ thể là thuyết phục tổng thống bổ nhiệm một phó tổng thống. Vị này sẽ khôi phục niềm tin của thị trường về tương lai của nước Indonesia hậu Suharto. Quan điểm này không được chính phủ Clinton chia sẻ. Họ khăng khăng cho rằng cần phải có dân chủ, chấm dứt tham nhũng và vi phạm nhân quyền. Chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Họ thấy không có lý do để “nuông chiều” Suharto (từ này Clinton dùng trong vận động bầu cử 1992).

Hai tháng sau đó, vào tháng 3/1998, cựu phó tổng thống Mỹ, Walter Mondale chuyển thông điệp của Clinton tới Suharto. Sau đó, trên đường về nước ông ta đã gặp Thủ tướng Goh và tôi ở Singapore. Sau khi so sánh những ghi nhận về đường hướng hành động khả dĩ của Suharto về cải cách, Mondale lên giọng hỏi tôi: "Ngài biết Marcos đấy. Phải chăng ông ta là một anh hùng hay chỉ là một tên lừa đảo? Suharto là người thế nào nếu so với Marcos? Phải chăng Suharto là một nhà ái quốc hay cũng chỉ là một tên lừa đảo?”. Tôi cảm thấy Mondale đang xác định quan điểm về động cơ hoạt động của Suharto trước khi trình các khuyến nghị của mình lên tổng thống. Tôi trả lời rằng Marcos có thể đã khởi sự như một anh hùng nhưng lại kết thúc như một tên lừa đảo. Suharto thì khác. Các anh hùng của ông ta không phải Washington hay Jefferson hay Madison mà là các Hồi vương Solo ở Trung Java. Vợ Suharto vốn là một công chúa nhỏ của hoàng tộc đó. Với tư cách là Tổng thống Indonesia, ông ta là Đại Cồ Hồi Vương của một nước rộng lớn. Suharto tin rằng các con của ông ta có quyền được hưởng các đặc quyền như các hoàng thân, công chúa của các Hồi vương Solo. Ông không cảm thấy ngượng ngùng khi dành cho các con của mình những đặc quyền đó bởi vì đó là quyền của ông ta trong cương vị một Đại Cồ Hồi Vương. Ông ta nhìn nhận mình như một nhà ái quốc. Tôi không đánh giá, xếp Suharto vào loại lừa đảo.

Thủ tướng Goh đã thăm Suharto ba lần, một lần vào tháng 10/1997 và hai lần khác vào tháng Giêng và tháng 2/1998, để giải thích rằng nền kinh tế Indonesia đang trong cơn khủng hoảng trầm trọng và ông ta phải tiếp nhận các cải cách của IMF một cách nghiêm túc nếu không thị trường sẽ bán tháo đồng tiền và các cổ phiếu của Indonesia, và sẽ gây nên một sự sụp đổ. Khi trở về từ cuộc gặp cuối cùng vào tháng 2/1998 ông ta bảo với tôi rằng Suharto hành động như thể đang bị vây hãm vì tin rằng phương Tây muốn ông ta ra đi. Goh đã bày tỏ với Suharto mối lo ngại rằng nếu tình hình kinh tế xấu đi thì sẽ xảy ra thiếu hụt lương thực, xã hội hỗn loạn và mất lòng tin ở Indonesia. Và lúc đó tổng thống sẽ đứng trước những khó khăn nghiêm trọng. Do đó điều quan trọng là làm cho nền kinh tế ổn định thông qua sự ủng hộ của IMF. Phản ứng của Suharto là một sự khẳng định đầy tự tin rằng quân đội hoàn toàn hậu thuẫn cho ông ta. Goh nói bóng gió rằng có thể có những tình huống dân chúng đói đến nỗi binh lính không nỡ nào nổ súng – Suharto gạt bỏ khả năng này. Ông ta buồn nhưng không hề xúc động. Lúc đó một tướng lĩnh Indonesia nói (ý kiến của ông này được đại sứ Mỹ thông tin cho đại sứ của chúng tôi hồi tháng 3): "Nếu số sinh viên là một nghìn thì họ sẽ bị đánh tan tành. Nếu họ có đến mười nghìn thì ABRI sẽ cố gắng kiểm soát đám đông. Nhưng nếu họ lên tới một trăm nghìn thì ABRI sẽ đứng vào hàng ngũ của sinh viên."

Một số biện pháp tiếp theo mà Tổng thống Suharto tiến hành đã làm cho đồng tiền và các cổ phiếu của Indonesia trượt xuống dốc mặc dù ông ta đã ký thỏa thuận thứ hai với IMF vào tháng 1/1998. Sau tháng đó, tin tức trên báo chí Indonesia nói về các tiêu chuẩn mà Tổng thống đề ra cho cương vị Phó Tổng thống đã dẫn dân chúng đến chỗ hiểu rằng B.J. Habibie là ứng viên được ưu ái. Ông ta được công chúng biết đến nhờ các dự án chi phí cao, kỹ thuật cao như chế tạo máy bay chẳng hạn. Do việc này mà một số nhà lãnh đạo nước ngoài lo lắng nên họ đã đến gặp Suharto – một cách lặng lẽ – để khuyên ông ta từ bỏ một sự lựa chọn như vậy. Trong số những người này có cựu thủ tướng Úc, Paul Keating, người mà Suharto vẫn xem là bạn tốt; Thủ tướng Goh và Phó thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. Daim Zainuddin, cố vấn kinh tế của chính phủ Malaysia, viết thư cho tôi vào cuối tháng 1/1998, đề nghị tôi gặp Suharto và thuyết phục ông ta không bổ nhiệm Habibie bởi vì các bộ trưởng của Tổng thống nói rằng Suharto cần được các bạn láng giềng cố vấn. Tôi không thể đi Indonesia vào thời gian giữa khủng hoảng vì không muốn bị coi là can thiệp. Thay vì đi Indonesia tôi thực hiện một bước mạo hiểm có tính toán và trong bài diễn văn đọc ngày 7/2 tại Singapore, tôi cảnh báo: "Thị trường đã bị khuấy động bởi các tiêu chuẩn chọn Phó Tổng thống [tiêu chuẩn do Suharto đề ra] yêu cầu người được bổ nhiệm phải nắm vững khoa học và công nghệ. Tiêu chuẩn này được công bố ngay sau thỏa thuận thứ hai với IMF được ký kết… Nếu thị trường không thuận lợi với người mà cuối cùng trở thành Phó Tổng thống thì đồng rupia sẽ lại yếu đi". Mặc dù tôi không đề cập đích danh ông ta nhưng những người ủng hộ Habibie đã chỉ trích tôi về những lời phát biểu này.

Khi Suharto thực hiện việc bổ nhiệm thì các nhà quản lý quỹ (quỹ IMF – ND) và các lái buôn ngoại tệ đã phản ứng đúng như người ta đã tiên lượng. Họ đã bán non đồng rupia và đồng tiền này đã trượt nhanh xuống tới mức 17.000 rupia ăn một đôla Mỹ, kéo theo sự xuống giá của các đồng tiền và thị trường chứng khoán trong khu vực.

Vào đầu tháng 2/1998, Bambang, con trai của Tổng thống, đưa Steve Hanke, một giáo sư kinh tế học người Mỹ, từ đại học Johns Hopkins gặp Suharto để cố vấn cho ông ta rằng giải pháp đơn giản trước tình hình giá hối đoái của đồng rupia thấp là thành lập một ủy ban tiền tệ. Khi ông ta công khai hờ hững với ý kiến về ủy ban tiền tệ, thì đồng rupia đã dao động. Thị trường đã mất lòng tin đối với một vị tổng thống lâu nay vẫn được rất kính nể về kinh nghiệm và sự phán quyết.

Việc Suharto bổ nhiệm các sĩ quan cao cấp và quan chức cấp bộ cuối cùng vào tháng 2 và tháng 3/1998 là sự phán quyết sai lầm thảm hại nhất trong đời ông ta. Ông ta bổ nhiệm B. J. Habibie làm Phó Tổng thống bởi vì – như ông ta đã nói 48 tiếng đồng hồ trước khi từ chức – không ai muốn Habibie làm Tổng thống. Suharto tin rằng không một ai ở Indonesia và không một cường quốc ngoại bang nào sẽ mưu mô gạt bỏ ông ta nếu họ biết Habibie rồi sẽ là Tổng thống. Bob Hasan, bạn chơi gôn cùng ông ta, và là vua buôn gỗ, được trở thành Bộ trưởng Thương mại và Kỹ nghệ, và bà Tutut, con gái Tổng thống, là Bộ trưởng Phúc lợi Xã hội. Hầu như tất cả những người khác được bổ nhiệm làm bộ trưởng đều là những người trung thành hoặc là với ông ta hoặc là với các con ông ta. Sai lầm nghiêm trọng nhất trong tất cả các sai lầm là hành động cân bằng của ông ta trong việc bổ nhiệm Tướng Wiranto làm người đứng đầu các lực lượng vũ trang đồng thời thăng cấp cho Prabowo Subianto con rể của ông ta, lên Trung tướng, đứng đầu Kostrad (Lực lượng Chiến lược). Ông ta biết rằng Prabowo thông minh, hoạt bát và tham vọng nhưng bốc đồng và hấp tấp.

Tôi đã gặp Prabowo tại hai bữa tiệc ở Jakarta vào những năm 1996 và 1997. Ông ta nhanh nhẹn nhưng không phù hợp với tính bộc trực của mình. Ngày 7/2/1998, ông ta gặp riêng tôi và Thủ tướng Goh ở Singapore để truyền đạt một thông điệp lạ lùng là người Hoa ở Indonesia có nguy cơ bị nguy hiểm bởi vì trong bất cứ vụ rắc rối, bạo loạn nào họ cũng bị thiệt hại vì họ là thiểu số, và Sofyan Wanandi, một doanh nghiệp Indonesia gốc Hoa rất nổi tiếng thành đạt và tích cực trong chính trị đang trong nguy cơ nghiêm trọng vì là "thiểu số gấp đôi": vừa là người Hoa, vừa là người theo đạo Thiên chúa. Sofyan nói với Prabowo và một số tướng lĩnh khác rằng Tổng thống Suharto phải từ chức. Khi tôi tỏ ra không tin, Prabowo có nhắc lại rằng đúng là Sofyan nói vậy, và những người Hoa theo đạo Thiên chúa là mối nguy hiểm đối với chính họ. Cả thủ tướng và tôi đều bối rối, không hiểu vì sao ông ta muốn nói với chúng tôi điều này về Sofyan trong khi điều hiển nhiên không có khả năng xảy ra là một người Indonesia nào đó sẽ nói với con rể tổng thống rằng nên buộc tổng thống từ chức. Chúng tôi băn khoăn phải chăng ông ta đang chuẩn bị tư tưởng cho chúng tôi về một điều gì đó sắp xảy ra với Sofyan và các nhà doanh nghiệp Indonesia gốc Hoa.

Ngày 9/5/1998 Đô đốc William Owens, một phó chủ tịch Liên Tổng tham trưởng Mỹ về hưu cách đây không lâu, gặp tôi ở Singapore. Ông ta kể cho tôi những phát ngôn lạ lùng của Prabowo trong khi họ gặp nhau ở Jakarta mấy hôm trước đó. Tại bữa ăn trưa, với sự có mặt của hai cố vấn trẻ của anh ta, cả hai đều là trung tá, trong đó có một người là bác sĩ, Prabowo nói thực rằng "ông già có thể không kéo dài thêm được chín tháng nữa, có thể ông ta sẽ chết". Với tâm trạng phấn khởi, trong khi ăn mừng được thăng chức lên tướng ba sao và người đứng đầu Kostrad, ông ta kể chuyện tếu về việc thiên hạ đồn ầm lên rằng chính ông ta có thể làm một cú đảo chính. Owens nói rằng mặc dù Prabowo quen biết ông ta đã hai năm nhưng dẫu sao ông ta vẫn là người nước ngoài. Tôi nói Prabowo có tính thiếu thận trọng.

Trong suốt mấy tháng từ tháng 1/1998 những cuộc biểu tình phản đối của sinh viên chỉ đóng khung trong khuôn viên đại học, tại đó các cán bộ giảng dạy, các cựu bộ trưởng và tướng lĩnh công khai diễn thuyết trước sinh viên, góp thêm tiếng nói đòi cải cách. Để cho thấy mình vẫn hoàn toàn kiểm soát được tình hình, ngày 9/5/1998 Suharto rời Jakarta trong không khí phô trương giữa lúc đang có khủng hoảng, đi dự một cuộc hội nghị ở Cairo. Điều không tránh khỏi là sinh viên đã xuống đường biểu tình và sau mấy cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo loạn, ngày 12/5, sáu sinh viên của trường đại học Trisakti đã bị bắn chết trong khi họ đang lùi vào khuôn viên đại học. Cuộc bạo loạn tiếp theo đã dẫn tới sự sụp đổ hoàn toàn của luật pháp và kỷ cương vì cảnh sát và binh lính đã phó mặc thành phố cho đám đông hỗn loạn đập phá, cướp bóc và thiêu đốt các cửa hàng, nhà ở của người Hoa và hãm hiếp phụ nữ người Hoa. Mọi người tin rằng cuộc bạo động này do những người của Prabowo sắp đặt. Ông ấy muốn cho thấy Wiranto là một người bất tài, để sau khi trở về từ Cairo, Tổng thống Suharto sẽ phong Prabowo làm chỉ huy các lực lượng vũ trang. Ngày 15/5 Suharto từ Cairo trở về thì mất chức tổng thống.

Sau khi Harmoko, thuộc hạ phục tùng nhất của ông ta, người được ông ta bổ nhiệm làm Chủ tịch Quốc hội, công khai đòi ông ta từ chức thì các cố vấn và bộ trưởng trung thành nhất cũng lần lượt từ bỏ ông ta. Vở kịch kết thúc vào hồi 9 giờ sáng ngày 21/5 khi Suharto xuất hiện trên màn hình vô tuyến thông báo việc ông ta từ chức và B. J. Habibie tuyên thệ nhậm chức tổng thống.

Những gì khởi đầu là một vấn đề kinh tế cần đến sự cứu vãn của IMF thì nay đã kết thúc bằng sự lật đổ tổng thống. Đây là một bi kịch cá nhân to lớn đối với một nhà lãnh đạo đã biến đất nước Indonesia bần cùng năm 1965 thành một con hổ kinh tế mới, đã giáo dục nhân dân mình và xây dựng cơ sở hạ tầng cho sự phát triển tiếp tục của Indonesia. Vào thời điểm quyết định này, con người vốn có tài đánh giá và lựa chọn các cố vấn của mình, đã chọn những con người không đúng vào những vị trí then chốt. Sai lầm của ông ta rõ ràng là tai hại cho cá nhân ông ta và đất nước ông ta.

Suharto chưa bao giờ có ý định lưu vong. Những tài sản kếch sù của ông ta và gia đình ông ta đều được đầu tư tại Indonesia. Nhà báo người Mỹ đưa tin trong tạp chí Forbes rằng gia đình Suharto có tài sản trị giá 42 tỷ đôla Mỹ nói với tôi hồi tháng 10/1998 ở New York rằng phần lớn số tài sản đó đều ở Indonesia. Sau khủng hoảng tài chính ở Indonesia, ông ta ước tính số tài sản này vẻn vẹn chỉ đáng giá 4 tỷ đôla Mỹ. Khác với Marcos ở Philipin, Suharto không tuồn tài sản ra khỏi đất nước của mình để sẵn sàng lưu vong nhanh chóng, ông ta vẫn ở tại nhà mình ở Jakarta. Sau 32 năm làm tổng thống, ông ta không còn nghĩ đến chuyện chạy trốn. Tôi không hiểu vì sao các con của ông ta cần phải giàu đến thế. Giá chúng nó không quá đáng như vậy thì ông ta hẳn đã có một vị trí khác hẳn trong lịch sử Indonesia.

Vào cuối thập kỷ 80 Tướng Benny Moerdani, vị tướng đứng đầu cơ quan tình báo quân đội, là người trung thành, được ông ta tin cậy, đã phục vụ lâu dài trong quân đội, và về sau trở thành tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang, nói với tôi rằng ông ta đã khuyên Suharto phải giữ khuôn phép đối với những đòi hỏi khôn cùng của con cái muốn có nhiều đặc quyền đặc lợi trong kinh doanh hơn. Giá như Suharto nghe lời Moerdani thì đâu đến nỗi phải chịu một kết cục bi thảm như vậy.

Tôi có xem hình ảnh ông ta tuyên bố từ chức trên màn hình vô tuyến, ông ta xứng đáng có được một nghi lễ từ chức trịnh trọng hơn nhiều. Suharto đã tập trung sức lực của mình cho việc ổn định và cho nền kinh tế. Các chính sách của ông ta đã tạo ra những điều kiện cho sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở tất cả các nước Asean từ thập kỷ 70 đến thập kỷ 90. Đó là những năm hoàng kim đối với Đông Nam Á.

Mặc dù ngẫu nhiên trở thành Tổng thống, Habibie vẫn tin rằng vận mệnh của ông ta là cai quản đất nước Indonesia. Ông ta là người có học vấn cao nhưng bẻm mép và không kiên định. Trên báo Asian Wall Street số ra ngày 4/8/1998, ông ta mô tả phong cách làm việc của mình là "xử lý cùng lúc 10 đến 20 vấn đề” và so sánh mình với máy điện toán. Ông ta còn than phiền rằng ông ta nhậm chức vào ngày 21/5/1998 thì ngày hôm sau đã nhận được điện chúc mừng từ nhiều quốc gia gửi tới thế mà "mãi gần đến tháng 6 mới nhận được của Singapore – rất chậm. Đối với tôi thì chẳng sao nhưng còn 211 triệu dân [ở Indonesia] nữa chứ. Hãy nhìn vào bản đồ! Toàn bộ màu xanh (vùng biển) đó là Indonesia. Còn cái chấm đỏ kia là Singapore. Xem đi!" (Singapore gửi điện mừng ngày 25/5). Mấy ngày sau đó, trong bài diễn văn đọc tại cuộc mít–tinh kỷ niệm Quốc khánh, Thủ tướng Goh đã đáp lại rằng Singapore chỉ có nguồn lực của ba triệu dân và những gì "một chấm đỏ" như Singapore có thể làm cho các bạn láng giềng của mình đều có hạn.

Chúng tôi biết rõ Habibie bởi vì ông ta đã từng phụ trách việc hợp tác với Singapore trong dự án Batam. Ông ta chống lại những người Indonesia gốc Hoa và mở rộng ra là Singapore, nước có đa số dân là người Hoa. Ông ta muốn đối xử với chúng tôi như ông ta đối xử với giới cukong Indonesia gốc Hoa: gây sức ép và bòn rút. Điều này sẽ làm thay đổi cái nền tảng mà theo đó Suharto và tôi đã hợp tác như những quốc gia độc lập, bình đẳng, thành mối quan hệ abang–adik (đại ca – tiểu đệ). Nhưng Habibie lại mấy lần kín đáo gửi thông điệp mời Thủ tướng sang thăm ông ta ở Jakarta và còn mời cả Loong (Phó Thủ tướng) và vợ dùng bữa tối. Có người bảo với chúng tôi: ông ta muốn cho công chúng thấy các nhà lãnh đạo Singapore ủng hộ ông ta vì tin rằng những người lãnh đạo doanh nghiệp Indonesia gốc Hoa sẽ tin tưởng ông ta và đầu tư. Chúng tôi không thấy bằng cách nào những chuyến thăm như vậy có thể mang lại kết quả đó.

Hai ngày sau khi có tin ông ta nổi giận, Habibie đã dành 80 phút lên lớp cho Teo Chee Hean, Bộ trưởng Giáo dục và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng của chúng tôi; Teo đến Jakarta để trao viện trợ nhân đạo cho Tướng Wiranto, Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Indonesia. Teo nói:

Habibie hớn hở; hai cánh tay khua qua khua lại; nét mặt và giọng nói nhanh chóng thay đổi. Ông ta hầu như không thể ngồi yên; thái độ sôi nổi, có vẻ xúc động. Ông ta nói huyên thiên, khi thì đề cao những thành tựu và tài năng đặc biệt của mình, khi thì đưa ra những lời đe dọa không mấy úp mở chống lại Singapore, ông ta kể lể rằng đã từng sống ở châu Âu 25 năm, bắt đầu từ tuổi 18, và đã tiếp thu được những giá trị như "dân chủ và nhân quyền'.

Habibie muốn Singapore biết vị thế và nhận ra những điểm yếu của mình. Ông ta bắt đầu chỉ ra rằng "Singapore nằm lọt thỏm trong đó [Indonesia]". Đang ngồi bỗng nhiên ông ta vùng dậy, lao tới tấm bản đồ trên tường, dang rộng hai cánh tay nhấn mạnh mảnh xanh bao la của Indonesia bao quanh "cái chấm đỏ" tức là Singapore.

Về sau, trong đêm 27/1/1999, tôi đang chuẩn bị đi Davos thì giật mình nghe đài phát thanh đưa tin Habibie đã quyết định Đông Timor sẽ được quyền lựa chọn giữa quy chế tự trị đầy đủ và độc lập. Đây là sự đảo ngược đột ngột của một chính sách mà Indonesia đã tích cực đề cao từ năm 1976, khẳng định rằng việc sáp nhập Đông Timor vào Indonesia là không thể thay đổi.

Ở Davos tôi gặp Stanley Roth, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, một con người khôn ngoan, thường xuyên đi công cán và không biết mệt mỏi. Chúng tôi nhất trí rằng chính sách của Habibie, một khi đã quyết sẽ vĩnh viễn thay đổi đường hướng và độc lập cho Đông Timor là điều có thể chờ đợi. Roth đưa ra một lời nhận xét lạnh lùng rằng các thủ tướng không nên tự do viết thư, đặc biệt là cho một tổng thống như Habibie. (Cả hai chúng tôi đã đọc được tin tức nói rằng sở dĩ Habibie có quyết định như vậy là do một bức thư của Thủ tướng Úc John Howard đề nghị tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý cho người Đông Timor quyết định tương lai của mình).

Chẳng bao lâu sau thông báo này về Đông Timor, ngày 4/2/1999, Mah Bow Tan, Bộ trưởng Viễn thông của chúng tôi đã tới thăm Habibie. Habibie thuật lại việc đại sứ Úc đã thông báo với ông ta về điểm tiếp cận vấn đề "Tân Caledonia": tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý và sẵn sàng trao trả độc lập sau 15 năm chuẩn bị. Habibie đã nói với đại sứ Úc rằng Indonesia chưa được chuẩn bị cho quan điểm tiếp cận này. Đất nước này chẳng thu được gì từ Đông Timor dưới dạng tài nguyên, nhân lực hay vàng bạc, và Úc không có quyền đòi Indonesia trao cho Đông Timor quyền tự trị hay quyền tự quyết.

"Thế giới không hiểu và luôn luôn hãm hại tính cách của chúng tôi,” Habibie nói với Mah. Ông ta đã "chán ngấy và mệt mỏi" về vấn đề này và đã yêu cầu nội các nghiên cứu khả năng thả Đông Timor ra – cho họ một sự lựa chọn, tự trị hay độc lập. Nếu họ không chịu chấp nhận tự trị nhưng lại cùng lúc tìm kiếm sự giúp đỡ của Indonesia nhằm chuẩn bị cho độc lập thì lúc đó chúng tôi buộc phải nói "rất tiếc". Ông ta không sẵn sàng đóng vai trò "ông bác giàu có" của Đông Timor. Ông ta đã yêu cầu đại sứ truyền đạt ý nghĩ này tới Thủ tướng Úc John Howard. Do vậy trong bức thư Howard gửi ông ta hồi tháng giêng 1999 có đề cập tới những ý tưởng đó của ông ta về Đông Timor. Khi ông ta nhận bức thư đó ông ta đã lập tức đánh dấu vào lề những đoạn liên quan, đồng thời đưa ý tưởng đó ra trước nội các. Thế là đã diễn ra một chuỗi các sự kiện đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử Indonesia.

Trên chuyến máy bay từ Singapore đến Zurich vào đêm có thông báo, tôi đã có xác nhận về cung cách ông ta ra quyết định đối với Đông Timor khi tôi gặp Ginandjar Kartasasmita, vị Bộ trưởng Indonesia tài ba phụ trách điều phối các vấn đề kinh tế. Chúng tôi ngồi đối diện nhau qua lối đi ở giữa hai hàng ghế; cả hai chúng tôi đều trên đường đi dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos và đã lao vào cuộc bàn luận kéo dài cả giờ đồng hồ về những diễn biến chính trị và kinh tế ở Indonesia. Nhưng trong tâm trí ông ấy thì Đông Timor là vấn đề hàng đầu. Ông ấy điểm lại quá trình đi đến quyết định sau khi vấn đề được nêu lên lần đầu tiên ở nội các vào chiều hôm đó, dựa trên cơ sở ý tưởng của Habibie. Cuộc thảo luận kéo dài hai giờ đồng hồ và cuối cùng tất cả các bộ trưởng, kể cả tướng Wiranto, Bộ trưởng Quốc phòng, đều nhất trí với đề nghị của Tổng thống. Ông ta hỏi với giọng có phần lo âu: liệu có xảy ra những hậu quả khác đối với Indonesia không. Tôi trả lời một cách ngoại giao rằng tôi không thể nói chắc nhưng đây là một sự thay đổi chính sách quan trọng nhất.

Các cố vấn của Habibie tin rằng việc trao quyền tự trị hay độc lập cho Đông Timor sẽ giành được cho ông ta sự ủng hộ tài chính của IMF và Ngân hàng Thế giới; ở Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu ông ta sẽ được suy tôn như một nhà dân chủ và một nhà cải cách. Điều này sẽ giúp ông ta tái đắc cử. Thực tế, ông ta đã gây bất mãn cho các tướng lĩnh của mình; trong đó có nhiều người đã nhiều năm dẹp yên Đông Timor. Tại cuộc họp APEC (tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương) vào tháng 8/1999 Ginandjar nói với Thủ tướng Goh rằng họ đã phạm sai lầm trong việc vũ trang lực lượng tự vệ hồi tháng 2/1999. Ý đồ lúc đó là "thuyết phục" người Đông Timor không bỏ phiếu cho yêu sách độc lập. Khi người Đông Timor bỏ phiếu (ủng hộ độc lập – ND) với một đa số áp đảo, chiếm tới 80% trong số gần 99% số người đi bỏ phiếu thì Đông Timor bị đốt phá tan hoang; có vẻ là do lực lượng tự vệ. Lập trường của Habibie như một người theo chủ nghĩa dân tộc đã bị phương hại, gây ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng vũ trang và chính phủ Indonesia.

Để giúp Habibie được tái đắc cử, đội ngũ các cố vấn của ông ta đã đề cao ông ta như một nhà cải cách muốn đoạn tuyệt với quá khứ. Ông ta thả tù chính trị và cho phép trên 50 chính đảng được đăng ký, thay vì ba đảng như dưới thời Suharto. Ông ta còn gặp giới báo chí thường xuyên phát biểu một cách tự do, quá tự do. Các chuyên gia đạo diễn của ông ta đã kìm ông ta lại; kìm mạnh, ngăn không cho ông ta ứng khẩu, ông ta cần tiền để tìm kiếm sự ủng hộ. Các quan chức dự kiến sẽ có những thay đổi lớn sau bầu cử. Do sợ bị chuyển sang những công việc ít có cơ hội nhận hối lộ hơn nên họ khai thác tối đa thời kỳ hỗn quân hỗn quan này Tham nhũng ngày càng nhiều ở tất cả các cấp, nhiều hơn cả những năm tồi tệ nhất dưới thời Suharto. Các cơ hội ăn hối lộ thật to lớn vì các ngân hàng và công ty lớn mất khả năng chi trả, đang phụ thuộc vào các chương trình cứu trợ của chính phủ, do đó họ tha hồ ép. Một trong số đó là Ngân hàng Bali, đã bị các cộng sự gần gũi nhất của Habibie rút ruột khoảng 70 triệu đôla Mỹ. IMF và Ngân hàng Thế giới đã găm lại số vốn dành cho Indonesia, chờ đến khi hoàn tất một cuộc kiểm toán kỹ càng và những kẻ làm sai trái bị trừng trị. Habibie đã ngăn không cho ấn hành báo cáo của kiểm toán với lý do làm như vậy là vi phạm nguyên tắc bí mật ngân hàng. Các phương tiện truyền thông Indonesia đưa tin đã tìm thấy dấu vết số tiền đó dính líu tới gia đình ông ta.

Tuy nhiên, vì chiếc ghế tổng thống của mình mà ông ta đã huy động mọi sự ủng hộ mà uy tín của Hồi giáo và giới đỡ đầu tổng thống có thể tập hợp được. Ông ta có những cố vấn đã giúp các hoạt động chao đảo của ông ta xoay tít mù. Bất chấp sức ép từ phía giới báo chí, lãnh tụ các đảng chính trị đối lập, và cả đảng Golkar của ông ta, Habibie vẫn không chịu thua. Ông ta nói ông ta không phải là kẻ hèn nhát. Ông ta chỉ rút lui khi bị MPR (People’s Consultative Assembly – Hội đồng Tư vấn Nhân dân) bác bỏ. Ông ta đã bị bác bỏ. Vào những giờ sớm ngày 20/10 MPR đã bác bỏ bài tường trình của ông ta với tỷ lệ 355 phiếu thuận, 322 phiếu chống. Những người đã quen thuộc với cung cách làm ăn trong nền chính trị Indonesia nói với tôi rằng họ chưa bao giờ thấy những lượng tiền khổng lồ như vậy tuồn vào tay nhiều đại biểu quốc hội trong một thời gian ngắn như vậy. Habibie đã từ bỏ cuộc đấu.

Việc Habibie rút lui khỏi cuộc đua tranh đã dẫn tới những thay đổi đột ngột vào phút chót trong các liên minh, những thay đổi đã tác động tới vận may của hai đối thủ chính trong cuộc đua giành chức Tổng thống là Abdurrahman Wahid hay Gus Dur (anh Dur), gọi theo cách gọi thân mật của những người ủng hộ ông ta, và Megawati Sukarnoputri. Gus Dur là lãnh tụ của Nahdlatul Ulama, một tổ chức Hồi giáo có cơ sở truyền thông ở nông thôn với khoảng 30 triệu thành viên. Đảng PKB (National Awakening Party – Đảng Thức tỉnh Dân tộc) của ông ta đã giành được 12,6% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử tháng 6. Megawati, con gái tổng thống Sukarno, lãnh đạo đảng PDI–P (Indonesian Democratic Party Struggle – Đảng Đấu tranh Dân chủ Indonesia) tại các cuộc mít–tinh quần chúng náo nhiệt nhằm giành được số phiếu lớn nhất có một không hai là 34% số phiếu bầu, đánh bại Habibie (đảng Golkar) với số phiếu bầu vượt trội lớn. Nhưng tại Đại hội đồng Tư vấn Nhân dân với 695 ghế đại biểu (trong đó có 200 đại biểu không do cử tri bầu) vào lúc 4 giờ chiều ngày 20/10, người ta tuyên bố Gus Dur là Tổng thống do giành được 373 phiếu trong khi Megawati chỉ được 313 phiếu. Cuộc vận động chính trị điên cuồng bắt đầu và chỉ kết thúc vào lúc 3 giờ chiều ngày hôm sau khi quốc hội bắt đầu bỏ phiếu bầu phó tổng thống. Có ba ứng viên: Akbar Tanjung của đảng Golkar, Wiranto, người đứng đầu các lực lượng vũ trang Indonesia, đảng TNI (Tentara National Indonesia); và Hamzah Haz của Khối liên hiệp Hồi giáo đã tham gia cuộc tranh cử. Megawati tranh cử với thái độ miễn cưỡng vì sợ lại thua nhục nhã. Gus Dur đã mất nhiều thời gian thuyết phục bà ta và cuối cùng cam đoan rằng bà ta sẽ có đủ số đảng ủng hộ để giành được thắng lợi. Wahid cần bà ta làm Phó Tổng thống để xác lập tính hợp pháp cho chức vụ Tổng thống của mình. Trong khi đó bạo loạn và cướp phá đã bùng nổ tại một số thành phố ở Java và Bali là những địa phương bà ta đã giành được hầu như toàn bộ phiếu bầu.

Tình cờ, Stanley Roth lúc đó đang ở Singapore để phát biểu trước một cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ông ta gặp Thủ tướng Goh và tôi vào lúc 8 giờ tối, mấy giờ đồng hồ sau khi Gus Dur được bầu làm Tổng thống. Chúng tôi cũng tin chắc như ông ta rằng Indonesia không thể tránh khỏi đổ máu và càng xảy ra nhiều vụ rối loạn hơn nếu Megawati bị lừa bởi các mánh khóe chính trị tại Hội đồng Tư vấn Nhân dân mà mất chức phó tổng thống. Cả hai bên đều quyết làm được những gì mà chúng tôi có thể làm để cho các đấu thủ Indonesia chủ chốt biết nếu điều này xảy ra thì nó sẽ tác động đến niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế như thế nào.

Ngày 22/10 tờ Jakarta Post (Bưu điện Jakarta) đưa tin rằng Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Madeleine Albright (lúc đó đang ở châu Phi) đã gọi điện thoại cho Gus Dur vào sáng sớm ngày hôm trước "để truyền đạt quan điểm của Washington" cho rằng Megawati phải được bầu làm phó tổng thống. Megawati thắng lợi một cách thuyết phục với trên 396 phiếu thuận 284 phiếu chống. Điều đó đã cứu vãn Indonesia thoát khỏi vòng lộn xộn thứ hai.

Trong hoàn cảnh lúc đó thì đấy là kết quả tốt đẹp nhất. Tổng thống mới Gus Dur bị mù mắt. Trước đó, vào năm 1998 ông ta hai lần bị đột quỵ nhưng vào ngày 20/10 thì đủ tỉnh táo và lanh lợi để vận động được nhanh nhẹn nhằm tăng cường tối đa các cơ may của mình. Sau diễn văn tường trình của Habibie bị Hội đồng Tư vấn Nhân dân bác bỏ thì Gus Dur thu được hầu hết số phiếu bầu ủng hộ Hồi giáo nhẽ ra sẽ bỏ cho Habibie. Trong vòng một tuần lễ sau khi đắc cử, ông ta nhanh chóng bổ nhiệm nội các hòa giải dân tộc trong đó tất cả các đảng phái chính trị lớn và các lực lượng vũ trang đều có đại diện. Có thể chính phủ của ông ta không phải là chính phủ hoạt động có hiệu quả nhất vì sự phân bố quyền lực rộng rãi nhưng nó có thể giúp hàn gắn những vết thương mà họ tự gây nên cho mình trong 17 tháng đụng độ đẫm máu: pribumi chống người Hoa, người Hồi giáo chống người Kitô giáo, người Dayak và người Malay chống người Madurese, những người Acehnese chủ trương phân lập chống giới quân sự Indonesia. Gus Dur và Megawati có hai nhiệm vụ nặng nề: điều chỉnh cơ cấu xã hội của xã hội Indonesia và tái khởi động nền kinh tế.

Trong thời đại Suharto, để tránh hiểu lầm từ phía tổng thống và các cố vấn thân cận của ông ta, chúng tôi đã không tiếp xúc với các nhà lãnh đạo phe đối lập Indonesia. Khác với người Mỹ và Tây Âu, chúng tôi không nuôi dưỡng các đối thủ của Suharto – cụ thể như Megawati Sukarnoputri, Amien Rais hoặc ngay cả Gus Dur. Chúng tôi có mối quan hệ gần gũi với các bộ trưởng của Suharto và TNI. Các vị này, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ali Alatas và Bộ trưởng Quốc phòng, tổng chỉ huy lực lượng TNI, tướng Wiranto, đã giúp làm cho quan hệ giữa hai nước ổn định trong thời kỳ Habibie làm Tổng thống. Nhưng trong khoảng từ tháng giêng đến tháng 4/1999, ông S. R. Nathan, lúc đó là giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng (IDSS) và về sau, từ tháng 9/1999, Tổng thống chúng tôi đã mời lãnh đạo của các chính đảng Indonesia sang nói chuyện tại viện của ông ta, được các phương tiện truyền thông địa phương và quốc tế đưa tin đầy đủ. Trong thời gian họ đến thăm, các bộ trưởng Singapore có gặp các diễn giả tại các bữa tiệc trưa và tối để hiểu được lập trường của họ và thiết lập quan hệ hòa hảo. Bằng cách đó chúng tôi biết Gus Dur (về sau là Tổng thống), Megawat Sukarnoputri (về sau là Phó Tổng thống), Amien Rais (về sau là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Nhân dân), và Marraki Ddarusman của đảng Golkar (về sau là Chưởng lý trong nội các của Gus Dur).

Điều này đã làm cho Habibie và các cố vấn của ông ta giận dữ. Họ công khai tỏ thái độ khó chịu trước việc chúng tôi can thiệp vào công việc nội bộ của họ. IDSS chỉ ra rằng họ đã mời các đại diện của đảng Golkar đến để nói chuyện; Marzuki Darusman đã làm như vậy, và IDSS đã nhiều lần mời chủ tịch đảng Golkar, Akbar Tanjung, nhưng ông này đã không thể đi. Điều này không làm nguôi giận tiến sĩ Dewi Fortuna Anwar, cố vấn về chính sách đối ngoại của Habibie. Bà ta buộc tội Singapore thân Megawati.

Tôi đã gặp Gus Dur ở Jakarta vào năm 1997. Khi ông đang nói chuyện tại một cuộc gặp riêng, ông ta giải thích vai trò của Hồi giáo ở Indonesia và đảm bảo với các nhà đầu tư rằng đây không phải là một dạng như của Trung Đông. Ông ta có tài diễn thuyết, nói tiếng Anh lưu loát, tinh thông tiếng Ả Rập và rất thông minh. Lúc đó tôi không một mảy may nghĩ rằng ông ta sẽ trở thành tổng thống và thừa kế nước Indonesia của Suharto sau thời kỳ Habibie.

Vào đêm ông ta tuyên thệ nhậm chức Tổng thống, cả Thủ tướng Goh và tôi đều gửi điện mừng. Chúng tôi không muốn có những mối nghi ngờ về quan hệ hòa hiếu của chúng tôi đối với Tổng thống mới.

Chẳng bao lâu sau ngày đắc cử ông ta đã triệu tất cả các đại sứ Asean đến để thông báo rằng ông ta sẽ thăm tất cả các quốc gia Asean, bắt đầu bằng chuyến thăm Singapore. Trò chuyện với đại sứ chúng tôi Edward Lee, ông ta nhấn mạnh rằng: "Indonesia muốn có quan hệ tốt đẹp với Singapore và hy vọng Singapore sẽ giúp Indonesia khôi phục." Ông ta tiếp tục giải thích nhìn nhận của mình về tương lai: Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, ba nước đông dân nhất thế giới, sẽ hợp lại với nhau; Nhật Bản và Singapore sẽ giúp đỡ tài chính và công nghệ. Lúc bấy giờ châu Á sẽ bớt phụ thuộc vào phương Tây.

Trước khi ông ta đến Singapore, Bộ trưởng Ngoại giao của ông ta, tiến sĩ Alwi Shihab, một người tài hoa, có đầu óc thực tế, đã từng là doanh nhân và còn là một giáo sư thỉnh giảng về thần học tại một trường Đại học Hoa Kỳ, đã ghé thăm Edward Lee tại đại sứ quán Singapore để chứng tỏ rằng Indonesia không còn giữ thái độ "đại ca" mà muốn có một sự hợp tác chân thành. Edward Lee đảm bảo với ông ta rằng Singapore sẽ giúp nhưng chỉ giới hạn trong khả năng tài chính và công nghệ của ba triệu người Singapore. Singapore không có các nguồn lực như Mỹ và Nhật Bản để tái khởi động nền kinh tế Indonesia. Alwi Shihab bảo với ông ta rằng chúng tôi có thể hành động như một chất xúc tác để lấy lại niềm tin đối với Indonesia. Nhờ vậy, cuộc gặp đầu tiên của tôi với Gus Dur với tư cách Tổng thống Indonesia nồng ấm và có tính xây dựng.

Thủ tướng Goh đón Tổng thống Gus Dur tại sân bay ngày 6/11/1999 và đã có những bàn thảo tốt đẹp trước và trong bữa ăn trưa. Rồi trước một cử tọa chật ních có đến 500 doanh nhân và các nhà ngoại giao, Gus Dur đã cho họ một hình ảnh đầy ấn tượng về sự am hiểu chính trị và tài năng mà người ta chờ đợi ở một Tân tổng thống Indonesia trong một thời đại của tinh thần cởi mở và trách nhiệm lớn hơn. Khi tôi đến thăm ông ta, ông ta mời tôi làm thành viên của Hội đồng Cố vấn Quốc tế vì sự Phục hồi Kinh tế của Indonesia do ông ta sáng lập – một vinh dự mà tôi không thể từ chối. Ông ta nói về các chuẩn mực đạo đức và chính phủ trong sạch. Tôi nói nếu ông ta chờ đợi các vị bộ trưởng của mình trung thực thì họ phải được hưởng số lương sao cho họ có thể sống tương xứng với chức phận mà không cần tham nhũng. Kwik Kian Gie, Bộ trưởng phối hợp của ông ta về kinh tế, tài chính và công nghiệp cũng có mặt ở đó. Ông này nói với George Yeo, Bộ trưởng của chúng tôi, thành viên cùng tham dự, rằng ông ta vừa trao đổi với tổng thống về vấn đề nhạy cảm này, nhạy cảm vì họ chỉ có khả năng đáp ứng cho các quan chức hàng đầu chứ không thể đáp ứng toàn bộ.

Chúng tôi có một cuộc gặp tay đôi, thảo luận thoải mái, không phải kiềm chế. Ông ấy vẫn tràn đầy sinh lực bất chấp tuổi cao và hai cơn đột quỵ và buổi sáng đàm luận say sưa hôm đó có tác dụng làm yên lòng. Lúc nào ông ta cũng tỏ ra dí dỏm. Cách ứng xử của ông ta cho thấy ông ta là một vị tổng thống hoàn toàn chế ngự được tình thế. Do phải đối phó với nhiều vấn đề và qua tác động của ông mà các đảng Hồi giáo đã bầu ông cũng trở nên thực tế hơn. Sau 5 năm họ sẽ không còn giống như cũ. Ông ta muốn Thủ tướng và tôi tiếp Phó Tổng thống Megawati và giúp truyền lại cho bà ta càng nhiều kinh nghiệm càng tốt. Ông ta nói ông ta có quan hệ tốt với tướng Wiranto, và có một quan điểm rõ ràng về đường hướng phát triển vai trò quân sự. Ông ta biết rằng có nhiều bất cập trong nội các, đặc biệt trong bộ phận kinh tế và tài chính. Những vấn đề này sẽ được sắp xếp cho phù hợp. Ông ta quyết tâm làm cho chính phủ của mình gắn kết và kiên định.

Sánh với tài dí dỏm của ông ta là sự đánh giá mình một cách thực tế. Ông đùa: "Tổng thống đầu tiên của Indonesia (Sukarno) thì mê đàn bà; Tổng thống thứ hai (Suharto) thì mê tiền; Tổng thống thứ ba (Habibie) thì chỉ có mê17." Con gái ông tháp tùng bố, hỏi: "Thế Tổng thống thứ tư thì sao?" Không bỏ lỡ cơ hội, ông ta nói: "Wayang" (một sự biểu diễn nhà hát). Bằng một từ thôi mà ông ta đã nêu tóm tắt được vai trò của mình ở Indonesia. Ông ta tin chắc rằng mình có thể đóng vai trò tổng thống của Indonesia trong một kỷ nguyên cởi mở đối với giới truyền thông và NGO (các tổ chức phi chính phủ) là những người muốn reformasi và democrasi (cải cách và dân chủ – ND).

Nhưng Indonesia đã trải qua một sự thay đổi lớn lao. Quyền lực không còn tập trung vào tay một tổng thống được nâng đỡ bởi cơ quan ABRI, các lực lượng vũ trang đầy quyền lực. Cuộc bầu cử đã tạo ra một số lớn các đảng Hồi giáo nhỏ mà cùng hợp lại họ vẫn không hình thành được đa số. Đảng của Megawati giành được 34% số phiếu bầu, khối một đảng lớn nhất. Amien Rais, lãnh tụ của một đảng Hồi giáo tuy chỉ được 7% số phiếu, nhưng đã khéo léo chắp nối với một liên hiệp các đảng Hồi giáo khác tạo thành khối “Trục Trung tâm”; khối này móc ngoặc với các nhóm khác và giành được cho ông ta chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Nhân dân (Quốc hội – ND), chống lại ứng viên của Megawati. Trục Trung tâm còn ngăn cản Megawati giành ghế Tổng thống bằng cách bỏ phiếu cho Gus Dur, một nhà lãnh đạo Hồi giáo truyền thống của Trung và Đông Java. Mặc dù là một giáo sĩ Hồi giáo, nhưng Gus Dur là nhân vật có thể chấp nhận được đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc bởi vì ông ta luôn luôn chủ trương tách biệt tôn giáo (kể cả Hồi giáo) với nhà nước. Nhưng ông ta được bầu làm tổng thống chỉ vì số phiếu bầu của những người Hồi giáo thuộc khối Trục Trung tâm. Suharto đã hạn chế Hồi giáo cho đến cuối thập kỷ 80, khi ông ta bắt đầu nuôi dưỡng những người Hồi giáo để chống lại ảnh hưởng của ABRI. Habibie, lúc còn là Tổng thống, đã tích cực nuôi dưỡng và giúp họ (những người Hồi giáo – ND) huy động sự ủng hộ để ông ta được tái đắc cử. Sau khi lọt vào được hành lang quyền lực, khối Hồi giáo làm chính trị giờ đây đang và sẽ là lực lượng lớn ở Indonesia. Thách thức đối với Indonesia là làm sao duy trì được cân bằng để tạo điều kiện cho dân chúng thuộc các chủng tộc và tôn giáo khác nhau đoàn kết thành một dân tộc dựa trên cơ sở cương lĩnh của vị cha già lập quốc, Tổng thống Sukarno, là Bhinneka Tunggal Ika (thống nhất trong đa dạng), như đã được khắc trên biểu tượng quốc gia.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx