Asean được thành lập vào tháng 8/1967 giữa lúc trong khu vực có sự bất ổn lớn. Trong một buổi lễ không mấy trang trọng, các Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Malaysia, Philippin, Singapore và Thái Lan họp tại Bangkok để ký bản tuyên bố thành lập. Cuộc chiến ở Việt Nam đang lan rộng sang Campuchia và cả khu vực bị cuốn hút vào các cuộc nổi dậy của cộng sản. Tôi không đánh giá quá cao các mục đích cao cả của tổ chức này: tăng cường phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa; đẩy mạnh hòa bình và ổn định; hợp tác trong công nông nghiệp và mở rộng thương mại. Mục tiêu ngầm hiểu là đạt được sức mạnh thông qua khối đoàn kết để chuẩn bị cho khoảng trống quyền lực khi các cường quốc Anh, Mỹ rút quân. Indonesia muốn cam đoan với Malaysia và Singapore rằng sau kỷ nguyên Sukarno, đất nước này chủ trương hòa bình và xóa bỏ các chính sách hiếu chiến của Sukarno. Thái Lan muốn liên kết với các nước láng giềng không theo phe cộng sản là các thành viên của Phong trào Không liên kết. Philippines muốn có một diễn đàn để đẩy mạnh các yêu sách của mình đối với Bắc Borneo. Singapore tìm kiếm sự đồng tình và ủng hộ từ các nước láng giềng để tăng cường ổn định và an ninh trong khu vực.
Phải mất 10 năm trước khi chúng tôi tạo được sự đoàn kết và phương hướng trong hoạt động của mình, đó là thời gian để các nhà lãnh đạo và các viên chức tìm hiểu và đánh giá lẫn nhau. Chúng tôi có chung một kẻ thù – đó là mối đe dọa của cộng sản trong các cuộc nổi loạn của quân du kích, được hậu thuẫn bởi Bắc Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô. Chúng tôi cần sự ổn định và phát triển để chống lại và không tạo cho cộng sản những điều kiện kinh tế và xã hội giúp họ tiến hành cuộc cách mạng. Mỹ và phương Tây sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi.
Tổng thống Suharto có vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của Asean. Sau những khởi đầu thất bại bởi các quan chức Indonesia quá hăng hái, Suharto đã điều chỉnh theo một đường lối mới hoàn toàn khác so với đường lối của Ấn Độ đối với các nước thành viên khối SAARC (South Asian Association for Regional Cooperation – Hiệp Hội hợp tác khu vực Nam Á). Dưới chính quyền của Suharto, Indonesia không hành động như một vị bá chủ. Nó không giữ khư khư quan điểm của mình mà còn tính đến các chính sách cũng như lợi ích của các thành viên khác. Điều này đã khiến các nước thành viên khác có thể chấp nhận Indonesia ở vị trí đứng đầu.
Trong khi các mục tiêu được công bố của Asean là kinh tế, xã hội và văn hóa, thì tất cả các thành viên của nó đều biết rằng sự hợp tác kinh tế sẽ tiến triển khá chậm chạp. Chúng tôi hợp tác cùng nhau vì mục đích chính là chính trị, ổn định và an ninh. Asean đã thành công khi tạo sự an toàn và ổn định, song như đã dự đoán thì khởi đầu còn quá ít tiến triển. Khi tôi phát biểu trong cuộc họp lần thứ 5 của các Ngoại trưởng khối Asean được tổ chức ở Singapore vào tháng 4/1972, tôi lưu ý mọi người về khoảng cách giữa con số quá lớn các dự án đề xuất và con số quá ít các dự án thực sự được thực thi. Hằng năm có từ 100 đến 200 đề án được đề nghị nhưng chỉ có 10 đến 20 trong số đó là được thực hiện.
Sự kiện Sài Gòn vào tháng 4/1975 đã tăng cảm giác của chúng tôi về nguy cơ của các cuộc đảo chính và nổi loạn. Asean phải đưa nền kinh tế phát triển hiệu quả hơn nhằm giảm đi sự bất mãn trong nội bộ. Tại cuộc họp với Suharto ở Bali vào tháng 9/1975, tôi cố gắng thuyết phục ông đồng ý đặt ra các mục tiêu kinh tế cho Asean trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của khối do Indonesia chủ trì, và đi đến một chính sách tự do thương mại, khởi đầu bằng việc giảm 10% thuế quan cho những hàng hóa do các nước thành viên lựa chọn và cuối cùng là đi đến một khu vực mậu dịch tự do. Tôi nghĩ là ông cũng đồng tình với tôi. Để cho hội nghị thượng đỉnh được thành công, chúng tôi đồng ý tập trung vào các vấn đề thể hiện mối đoàn kết và tạm gác các vấn đề có thể gây chia rẽ chúng tôi.
Ali Moertopo, người phụ tá thân cận của Suharto, sau đó đã cho K. C. Lee, đại sứ của chúng tôi, biết rằng sau khi ngài Tổng thống gặp tôi, các nhà lãnh đạo công kỹ nghệ đã khuyên ngài chống lại chế độ mậu dịch tự do. Những lời của tôi đã gợi cho họ nỗi lo ngại về sự cạnh tranh tự do cho mọi đối tượng mà Indonesia sẽ trở thành một thị trường bán phá giá cho hàng hóa của các nước khối Asean khác, gây cản trở cơ hội công nghiệp hóa của họ.
Về mặt chính trị, cuộc họp thượng đỉnh khối Asean tại Bali vào tháng 2/1976 đã thành công tốt đẹp. Asean đã thể hiện được sự đoàn kết ngay vào thời điểm rất không ổn định này. Về phía Indonesia, nước chủ nhà, cũng có một phần lợi. Vì cuộc hội nghị diễn ra vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng do việc chiếm đóng Đông Timor của Indonesia, nó giúp cải thiện địa vị quốc tế của Tổng thống Suharto. Tuy nhiên, Suharto không được thoải mái trong các cuộc họp thượng đỉnh trang trọng này. Ông chỉ nói được tiếng Bahasa Indonesia và không thể tham gia vào các cuộc trao đổi tự do bằng tiếng Anh. Ông thích các cuộc họp tay đôi hơn. Sau đó vào cuối những năm 80, ông thường nói tiếng Bahasa Indonesia thật sinh động, mạnh mẽ và dùng các từ ngữ tiếng Anh để giải thích rõ ràng ý tưởng của mình. Cuộc họp thượng đỉnh kế tiếp được tổ chức vào năm sau, 1977, ở Kuala Lumpur. Một lần nữa tôi lại thấy ông không được thoải mái, vì thế mãi 10 năm sau mới tổ chức một cuộc họp nữa ở Manila. Khi đến lượt Singapore chủ trì cuộc họp thượng đỉnh vào năm 1992 thì tôi không còn là Thủ tướng nữa và không tham dự.
Chúng tôi không thành công trong việc giảm thuế quan, nhưng các cuộc họp thường xuyên và định kỳ đã tạo cho mối quan hệ cá nhân và công việc giữa các bộ trưởng và quan chức Asean trở nên dễ dàng hơn. Điều này đã giúp họ giải quyết các vấn đề song phương một cách không chính thức trước khi chúng trở thành đề tài để thảo luận với một thành viên thứ ba. Các quan chức và bộ trưởng đã phát triển một lối làm việc là những tranh chấp nếu không giải quyết được thì giữ im lặng và có thái độ hợp tác nhiều hơn để nắm được vấn đề. Họ chơi gôn vào các buổi họp. Giữa các cú đánh gôn, họ sẽ đưa ra ý kiến và những đề nghị để thăm dò, để nếu chúng bị bác bỏ thì cũng ít gây tranh cãi hơn so với ở cuộc họp chính thức. Họ cũng tổ chức phần hát xướng sau bữa ăn tối, bắt buộc mỗi bộ trưởng phải hát một trong những bài ca ngắn phổ biến ở nước ông ta. Các bộ trưởng Singapore không tự nhiên và lúng túng. Ở nhà, họ không làm như thế. Các bộ trưởng Philippines, Thái Lan và Indonesia đều rất tự nhiên, vì hát ca là một phần cần thiết cho hoạt động vận động bầu cử của họ. Đối với các nhà ngoại giao phương Tây, những hoạt động như thế có vẻ là ngớ ngẩn. Thực tế chúng đã phá bỏ tảng băng ngăn cách giữa những con người mặc dù là láng giềng gần gũi về địa lý song lại là những người xa lạ đối với nhau vì họ đã bị tách biệt trên một thế kỷ bởi tầm ảnh hưởng thực dân khác nhau. Thông qua các cuộc hội đàm và hội nghị thường xuyên này, nơi mà công việc và sự tiêu khiển đều quan trọng như nhau trong chương trình nghị sự chính thức, thói quen hợp tác và thỏa hiệp đã tiến triển. Các quan chức Asean tránh đối đầu nhau, họ cùng tìm kiếm sự nhất trí như là điều lý tưởng. Ở điểm nào không tìm được sự nhất trí, họ thu xếp một giải pháp thỏa hiệp hoặc một cam kết hợp tác.
Khi Asean quan hệ với các nước phát triển, sự hợp tác là điều tất nhiên. Chúng tôi biết được giá trị của sự phối hợp chính trị khi thương lượng với Mỹ, các nước châu Âu trong cộng đồng kinh tế châu Âu và Nhật Bản. Về phía họ, các nước công nghiệp này thích quan hệ với chúng tôi với tư cách một tổ chức. Họ muốn khích lệ Asean vì chúng tôi giữ lập trường ôn hoà phải chăng tại các diễn đàn quốc tế, điều này dẫn đến những thành quả mang tính thực tiễn. Họ cũng muốn các tổ chức khu vực của các quốc gia đang phát triển khác đi theo con đường thực dụng của Asean.
Một ví dụ về giá trị của khối Asean đối với các thành viên của nó là khi Úc cố gắng thay đổi luật hàng không dân dụng. Tháng 10/1978, Úc công bố Chính sách hàng không dân dụng quốc tế (International Civil Aviation Policy – ICAP) mới của mình. Theo chính sách này thì chỉ có hãng hàng không Qantas và hãng hàng không Anh mới có thể chở khách theo tuyến đường giữa Úc và Anh, và với giá cực thấp. Các hãng hàng không có điểm dừng trung chuyển như Singapore và thủ đô các nước khối Asean khác đều bị loại trừ. Giá vé đặc biệt này đã ngăn hành khách xuống các trạm dừng trên đường đi. Người Úc còn dự kiến giảm công suất của các hãng hàng không trung gian thuộc các quốc gia khối Asean và cắt giảm các chuyến bay thường xuyên của hãng hàng không Singapore trên tuyến đường từ Singapore đến Úc và Anh. Họ muốn không cho hàng không của Thái Lan nhận hành khách từ Singapore, một trạm trung gian, trên đường đến Úc. Úc muốn song phương thảo luận vấn đề này với từng quốc gia bị ảnh hưởng, song các bộ trưởng kinh tế Asean có lập trường chung là chống lại chính sách này. Để cản trở kế hoạch của họ, các thành viên khối Asean yêu cầu cần có thời gian để cân nhắc hậu quả lâu dài của những thay đổi này vì nó sẽ cắt hết hoạt động của các hãng hàng không khối Asean trên các tuyến chính và kìm hãm sự phát triển của chúng tôi chỉ còn là hãng hàng không trong khu vực. Sau đó chúng tôi dàn xếp các lợi ích khác nhau của mỗi nước nhằm đưa ra một lập trường thống nhất.
Tôi kết luận rằng các máy bay Boeing 747 từ Úc đi châu Âu sẽ cần phải dừng lại hoặc ở Singapore, Kuala Lumpur hoặc ở Bangkok trên đường đi London. Jakarta quá gần Úc và Colombo lại quá xa, cả hai trạm dừng này đều không mang tính kinh tế. Chúng tôi bắt đầu kéo Malaysia và Thái về phía mình. Tôi chỉ thị cho các quan chức của mình thực hiện sự nhượng bộ đúng mức đối với Malaysia và Thái Lan đủ để họ cùng tham gia với chúng tôi trong cuộc đấu tranh này.
Tôi viết thư cho thủ tướng Thái Lan là tướng Kriangsak vào tháng 1/1979 nói rằng hành động của Úc “mang tính chất bảo hộ trắng trợn”, và rằng họ muốn khai thác những bất đồng giữa chúng ta bằng cách đưa ra những khuyến khích và đe dọa khác nhau. Thủ tướng ủng hộ tôi. Mối quan hệ của tôi với tướng Kriangsak khá thân thiết. Và chúng tôi cũng nhượng bộ hãng hàng không Malaysia nhằm giữ Malaysia liên kết với khối Asean.
Khởi đầu, người Úc gần như thành công trong việc cô lập Singapore và chia rẽ các nước khối Asean, dùng nước này chống nước kia. Tuy nhiên, mối đoàn kết của Asean đã được củng cố vững chắc hơn sau khi Bộ trưởng Bộ giao thông Úc phát biểu trước các viên chức ngành hàng không dân dụng Asean với những lời lẽ cứng rắn trong một cuộc hội nghị. Sự kiện này được báo cáo lại cho tiến sĩ Mahathir, lúc đó là phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Malaysia. Ông vẫn còn giận dữ về chuyến thăm Úc với thủ tướng của ông, Tun Razak. Trong chuyến đi này họ đã bị những kẻ chống đối quấy rối liên tục. Mahathir củng cố lập trường của Malaysia chống lại Úc. Từ mối bất đồng song phương giữa Singapore và Úc, vấn đề ICAP đã biến thành cuộc chiến của Asean chống lại Úc. Những lời lẽ gay gắt đã được giới báo chí đưa tin. Bực bội trước thái độ quá đáng của các quan chức Úc, Indonesia đe dọa không cho máy bay Úc bay qua không phận của họ nếu Úc cứ nhất mực thực hiện ICAP. Ngoại trưởng Úc, Andrew Peacock, đến thăm Singapore để tháo gỡ vấn đề. Úc đồng ý để hãng hàng không Singapore duy trì công suất của nó và giữ nguyên tuyến bay đến Úc đồng thời cho phép các hãng hàng không khác của khối Asean tăng công suất. Đây là bài học về ích lợi của sự đoàn kết.
Giữa thập niên 80, Asean đã trở thành một tổ chức hợp lý của Thế giới thứ Ba và là khu vực năng động nhất của thế giới đang phát triển. Bằng cách mở cửa nền kinh tế để giao thương và nhận đầu tư của nước ngoài theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trong hơn một thập kỷ nền kinh tế của các nước Asean đạt mức tăng trưởng từ 6% đến 8% hằng năm. Tính năng động của nền kinh tế đã làm cho các nước này trở thành những đối tác kinh tế và chính trị hấp dẫn. Đối thoại thường xuyên bắt đầu với Úc và New Zealand, sau đó là Nhật, Mỹ và Tây Âu. Khi Asean phát triển thành một tổ chức gắn kết, có tiếng nói chung về các vấn đề lớn thì càng có nhiều nước hơn muốn cùng tham gia với tư cách là các bên đối thoại trong các cuộc họp hằng năm bàn về các vấn đề kinh tế và chính trị.
Trước cuộc họp thượng đỉnh lần thứ tư tại Singapore vào tháng 1/1992, các nước Asean sẵn sàng xúc tiến một khu vực tự do mậu dịch. Singapore từ lâu đã kêu gọi nhấn mạnh hơn nữa về hợp tác kinh tế để bổ sung cho sự hợp tác chính trị. Nỗ lực của chúng tôi đã không thành công. Các đề nghị của Singapore về một sự hợp tác kinh tế mạnh mẽ hơn bị các nước Asean khác nghi ngờ. Vì chúng tôi có một nền kinh tế phát triển hơn, mở cửa với thế giới và gần như hoàn toàn không có rào cản thuế quan và phi thuế quan, nên họ sợ rằng chúng tôi sẽ hưởng lợi nhiều hơn.
Cuối thập niên 80, sau khi Trung Quốc và tiếp nữa là Ấn Độ mở cửa và thu hút lượng đầu tư khổng lồ thì các nhà lãnh đạo Asean thay đổi quan điểm của họ. Năm 1992 thủ tướng Thái Lan, Anand Panyarachun đã trở thành một doanh nhân thành công sau khi là người đứng đầu bộ ngoại giao Thái Lan. Ông am hiểu về nền kinh tế thương mại và đầu tư trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau. Để tránh mối nghi ngờ dai dẳng về động cơ của Singapore, tôi khuyên thủ tướng Goh đưa Anand lên vị trí lãnh đạo để thúc đẩy quá trình tiến tới một Khu vực Tự do Thương mại ASEAN (Asean Free Trade Area – AFTA). Anand đã rất thành công, và hội nghị thượng đỉnh Asean tại Singapore đồng ý đến 2008 sẽ thành lập AFTA. Kỳ hạn này về sau được các bộ trưởng kinh tế Asean rút ngắn đến năm 2003.
AFTA đánh dấu một mốc lớn trong sự phát triển của Asean. Mục tiêu của Asean là giải quyết mối quan hệ giữa các thành viên vẫn còn bảo vệ chủ quyền của họ một cách đố kỵ và giúp giải quyết các vấn đề chính trị trước khi chúng bùng nổ thành xung đột. AFTA sẽ dẫn đến một sự hòa nhập hơn của các nền kinh tế của Đông Nam Á.
Tại cuộc họp thượng đỉnh năm 1992 ở Singapore, các nhà lãnh đạo Asean quyết định rằng các cuộc họp sau hội nghị bộ trưởng hằng năm phải là diễn đàn cho các vấn đề chính trị và an ninh. Điều này đã dẫn đến các cuộc họp hằng năm của Diễn đàn Khu vực khối Asean (Asean Regional Forum – ARF) với các bên đối thoại của ASEAN (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Canada, New Zealand, Hàn Quốc và cộng đồng châu Âu) cùng với Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Nó tạo điều kiện cho các nước có khả năng trở thành đối địch thảo luận các vấn đề tranh chấp nhạy cảm trong bầu không khí ôn hòa, như việc tranh chấp chủ quyền quần đảo Spratly19. Đó là sự thay đổi trong chính sách từ gạt ra sang lôi kéo các cường quốc thảo luận về những vấn đề an ninh trong khu vực.
Trong khi đó, Asean phải kết nạp ngày càng nhiều thành viên. Việt Nam được kết nạp vào Asean năm 1995, Myanmar và Lào năm 1997 và Campuchia năm 1999. Bốn nước này tìm cách đạt được mức độ phát triển của các thành viên cũ và để được chấp nhận là các đối tác đối thoại của Mỹ và cộng đồng châu Âu.
@by txiuqw4