Lần gặp gỡ của tôi với Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình thật khó quên! Một ông già 74 tuổi, thấp bé nhưng chắc nịch và lanh lợi, cao không quá một mét rưỡi, bảnh bao trong bộ com–lê màu be kiểu Mao Trạch Đông, từ chiếc Boeing 707 bước xuống phi trường Paya Lebar vào tháng 11/1978. Bước đi mạnh mẽ, ông ta duyệt đội danh dự, rồi cùng tôi đi xe về biệt thự Istana, nhà khách của chúng tôi ở khu Istana. Chiều hôm ấy chúng tôi gặp nhau để có cuộc thảo luận chính thức tại phòng họp chính phủ.
Sau khi thấy những ống nhổ ở Đại sảnh đường Nhân dân, tôi đã bố trí cho đặt một ống nhổ bằng sứ màu xanh trắng ở cạnh chỗ ông Đặng ngồi. Qua sách báo tôi được biết ông thường dùng ống nhổ. Tôi cũng đặt một chiếc gạt tàn chủ ý dành riêng cho ông ta mặc dù có quy định không được hút thuốc trong các phòng có máy điều hòa ở nhà khách Istana. Đây là một cử chỉ trân trọng đối với một nhân vật lớn trong lịch sử Trung Hoa. Tôi còn ngó xem để biết chắc là quạt thông gió ở phòng họp của chính phủ đang hoạt động.
Tôi chào đón ông ta như một nhà cách mạng vĩ đại của nước Trung Hoa. Đáp lời, ông tá nói rằng Singapore có thể được coi là một nơi cố cựu đối với ông. Năm mươi tám năm về trước, tức vào năm 1920, trên đường đi Pháp, ông ta đã tham quan đất nước này trong hai ngày. Khi tôi thăm Bắc Kinh năm 1976, ông không thể gặp tôi; lúc bấy giờ ông ta bị gạt ra rìa. Ông ta đã bị Bè lũ Bốn tên đánh bại, nhưng cuối cùng chính họ bị đánh bại. Suốt hai tiếng rưỡi đồng hồ tiếp đó, ông ta nói về nguy cơ do Liên Xô đặt ra cho thế giới. Tất cả các quốc gia và dân tộc không muốn chiến tranh phải hợp thành một mặt trận thống nhất chống lại những kẻ hiếu chiến. Ông trích dẫn lời Mao: Chúng ta tất cả phải hợp nhất lại để đương đầu với wang ba dan (nghĩa đen là "trứng rùa", nhưng được thông dịch viên của ông ta dịch là bọn chó đẻ). Ông ta đã mô tả toàn diện về những thủ đoạn của Xô Viết tại châu Âu, Trung Đông, châu Phi, Nam Á, và cuối cùng tại Đông Dương.
Ông mời tôi đến thăm Trung Quốc lần nữa. Tôi nói rằng tôi sẽ đến thăm khi nào Trung Quốc đã phục hồi sau cuộc Cách mạng Văn hóa. Ông ta nói rằng để hồi phục phải mất một thời gian dài. Tôi đáp lại rằng họ sẽ dễ dàng tiến tới và làm tốt hơn Singapore nhiều, bởi vì chúng tôi là hậu duệ của những nông dân mù chữ không có ruộng đất từ Phúc Kiến, Quảng Đông đến đây, trong khi họ lại là con dòng cháu giống của các học giả, quan lại và giới trí thức ở lại quê hương. Ông ta lặng thinh.
Ngày hôm sau, tôi trình bày ý kiến của mình trong một giờ đồng hồ – thực chất là nửa tiếng, không có thông dịch. Tôi tóm lược những gì ông ta đã nói về mối đe dọa từ Xô Viết bằng cách đề cập tới những tài liệu nghiên cứu của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế London dựa trên nguồn tư liệu đầy đủ nói về các khả năng quân sự của họ. Tôi vạch rõ rằng Thủ tướng Đức Helmut Schmidt, Tổng thống Pháp Giscard d’Estaing, và các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tại Washington đã cho tôi những kết luận khác nhau về những nguy cơ do Liên Xô tạo nên. Một vài người trong các vị này tin rằng Liên Xô đang phung phí quá nhiều nguồn tài nguyên của họ vào vũ khí. Dẫu sao, các quốc gia nhỏ bé như Singapore chỉ có thể ghi nhận những xu hướng này của thế giới, mà không thể tác động đến kết cục của các xu hướng này. Chúng tôi phải phân tích tình hình từ quan điểm khu vực, chứ không phải toàn cầu. Vấn đề sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc là quân lính Mỹ đã rút khỏi Việt Nam và Thái Lan. Rõ ràng là họ sẽ không bao giờ giao chiến nữa với những người cộng sản nổi loạn trên lục địa châu Á. Vấn đề tiếp đến là lực lượng Hoa Kỳ sẽ ở lại bao lâu nữa trên đất Philippines để cân bằng với hạm đội Liên Xô đang lớn dần ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Singapore muốn Hoa Kỳ ở lại Philippines.
Để làm dịu bớt mối lo ngại của Đặng về thái độ của Singapore đối với Liên Xô, tôi đã điểm lại các đối tác ngoại thương chính yếu của chúng tôi – Nhật Bản, Hoa Kỳ, Malaysia và Liên hiệp châu Âu, mỗi nước từ 12 tới 14% trong toàn bộ ngoại thương của chúng tôi. Trung Quốc chỉ có 1,8% và Liên Xô 0,3%. Phần đóng góp của Liên Xô vào đời sống kinh tế của chúng tôi không đáng kể. Tôi cũng không cần thêm bài học về thói xưng hùng xưng bá của người Nga. Tôi kể lại cho ông ta nghe rằng năm 1967, sau khi thăm Abu Simbel và Aswan, tôi quay về Cairo trên một máy bay Ai Cập, có một Bộ trưởng Ai Cập đi cùng, khi máy bay sắp hạ cánh bỗng có sự lộn xộn trong buồng lái. Vị Bộ trưởng xin lỗi vì phải đích thân vào buồng lái. Sau khi máy bay hạ cánh, tôi phát hiện rằng viên phi công Liên Xô của một chiếc máy bay khác đã nói với ban quản lý sân bay rằng anh ta không hiểu tiếng Anh, và yêu cầu được ưu tiên hạ cánh trước chiếc máy bay chở các yếu nhân. Vị Bộ trưởng Ai Cập phải quát tháo ra lệnh từ buồng lái để đảm bảo cho chiếc máy bay chở các yếu nhân hạ cánh trước chiếc máy bay Liên Xô. Tôi đã quá biết thói ngạo mạn của người Nga.
Trung Quốc muốn các nước Đông Nam Á đoàn kết với họ để cô lập "con gấu Nga"; nhưng sự thật là các nước láng giềng của chúng tôi muốn chúng tôi đoàn kết lại để cô lập "con rồng Trung Quốc". Ở Đông Nam Á không có "Nga kiều" lãnh đạo những cuộc khởi nghĩa cộng sản được chính phủ Liên Xô ủng hộ, nhưng có "Hoa kiều" được chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc khích lệ và hỗ trợ, đang gây nên những mối đe dọa đối với Thái Lan, Malaysia, Philippines, và với mức độ yếu hơn là Indonesia. Trung Quốc còn công khai khẳng định mối quan hệ đặc biệt của họ với những Hoa kiều bởi vì họ có quan hệ huyết thống, và trực tiếp kêu gọi tinh thần yêu nước của Hoa kiều, qua mặt chính phủ các quốc gia có Hoa kiều là công dân của mình, thậm chí kêu gọi họ trở về giúp Trung Quốc trong sự nghiệp "Bốn hiện đại hóa".
Các chính phủ ASEAN xem các buổi phát thanh của Trung Quốc trực tiếp kêu gọi các công dân người Hoa của họ là hoạt động lật đổ nguy hiểm. Đặng thinh lặng lắng nghe, ông ta chưa bao giờ nhìn nhận sự việc dưới góc độ này: Trung Quốc, một cường quốc ngoại bang, đang qua mặt các chính phủ trong khu vực khuynh đảo công dân của họ. Tôi nói rằng hầu như không có khả năng các nước ASEAN hưởng ứng tích cực lời đề nghị của ông ta về một mặt trận thống nhất chống Liên Xô và Việt Nam, và gợi ý rằng chúng tôi nên thảo luận cách giải quyết vấn đề này. Rồi tôi ngừng lời.
Thái độ và cử chỉ của Đặng bộc lộ cảm giác kinh ngạc và lo âu. Ông ta biết tôi đã nói đúng sự thật. Bất chợt, ông ta hỏi: "Thế Ngài muốn tôi làm gì?" Tôi lấy làm ngạc nhiên vì chưa bao giờ gặp một nhà lãnh đạo cộng sản sẵn sàng từ bỏ nguyên tắc khi phải đối đầu với thực tế, nói chi đến việc hỏi tôi muốn ông ta làm gì. Tôi vốn chờ đợi ông ta dẹp sang một bên những quan điểm của tôi như Thủ tướng Hoa Quốc Phong đã làm ở Bắc Kinh năm 1976 khi tôi ép ông ta thừa nhận sự bất nhất của Trung Quốc trong việc ủng hộ đảng Cộng sản Malaya là để khích động cách mạng tại Singapore, chứ không phải tại Malaya. Hoa đã trả lời với thái độ hăm dọa: "Tôi không biết các chi tiết cụ thể, nhưng bất cứ nơi đâu người cộng sản chiến đấu, họ cũng sẽ thắng." Đặng không phản ứng như thế. Đặng nhận thấy rằng ông ta phải dũng cảm chấp nhận vấn đề này. Tôi ngần ngại nói với nhà cách mạng dày dạn phong sương này điều ông nên làm, nhưng bởi vì ông đã hỏi tôi, nên tôi nói: "Hãy ngưng những buổi phát thanh như thế; hãy ngưng những lời kêu gọi như thế. Nếu Trung Quốc không nhấn mạnh quan hệ huyết thống của họ, không kêu gọi một sự đồng cảm về sắc tộc thì sẽ tốt hơn cho người Hoa tại Asean. Sự ngờ vực của dân bản xứ (đối với người Hoa – ND) vẫn sẽ luôn luôn hiện diện, cho dù Trung Quốc nhấn mạnh hay không nhấn mạnh quan hệ huyết thống. Nhưng nếu Trung Quốc kêu gọi những quan hệ huyết thống một cách trắng trợn như thế, thì việc làm đó hẳn sẽ làm tăng những mối nghi ngờ của dân bản xứ. Trung Quốc phải ngừng các buổi phát thanh của các Đảng Cộng sản Malaya và Indonesia phát đi từ miền Nam Trung Quốc".
Đặng chỉ nói rằng ông ta cần thời gian để suy nghĩ về những điều tôi vừa phát biểu. Bản thân ông Đặng cũng đã được yêu cầu đặt vòng hoa ở Đài Tưởng niệm Quốc gia để tưởng nhớ những kẻ đã giết những người cộng sản Malaya. Là một người cộng sản, ông ta đã không thể làm điều đó. Ông Đặng nhấn mạnh rằng Trung Quốc ăn nói ngay thật. Người Trung Hoa chẳng bao giờ che giấu quan điểm của mình, và những gì nhân dân Trung Quốc nói đều đáng tin. Trong suốt cuộc chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc đã ra tuyên bố nói rằng nếu người Mỹ đến gần sông Yalu, thì nhân dân Trung Quốc không thể ngồi yên. Nhưng người Mỹ đã bỏ qua. Về chính sách đối ngoại, Trung Quốc luôn luôn nghĩ gì nói nấy. Còn về các đảng cộng sản, ông ta không có gì để nói thêm; người phiên dịch viên nói như vậy. Nhưng theo tiếng Quan thoại, điều mà Đặng thực sự đã nói là ông ta "đã mất hứng thú trong việc nói lại điều này".
Ông ta muốn nhắc lại lập trường của Trung Quốc đối với người Hoa ở hải ngoại là Trung Quốc ủng hộ và khuyến khích họ nhận quốc tịch của nước mình cư trú, và những người muốn giữ quốc tịch Trung Hoa vẫn phải tuân thủ pháp luật của quốc gia nơi họ cư trú, chứ Trung Quốc không công nhận hai quốc tịch.
Sau đó ông hỏi những người bạn của Trung Quốc (chỉ Singapore) có những lời khuyên gì giúp giải quyết các vấn đề liền quan đến hai nước (Trung Quốc và Singapore).
Tôi trả lời rằng các nhà lãnh đạo Campuchia phải nhạy cảm với dư luận quốc tế vì họ cần cảm tình của thế giới. Họ đang xử sự một cách thiếu lý trí, chẳng có tình cảm gì đối với chính nhân dân của họ. Đặng đáp lại rằng ông ta cũng không "hiểu" một số việc xảy ra tại Phnom Penh; ông ta không bênh vực hành động diệt chủng của Khmer Đỏ.
Để kết thúc, tôi nói rằng Đặng đã tuyên bố Trung Quốc cần 22 năm để hiện đại hóa. Trong 22 năm này, nếu không có những vấn đề không cần thiết nảy sinh ở Đông Nam Á, thì tình hình sẽ được cải thiện. Nếu có những vấn đề như vậy, thì hậu quả sẽ bất lợi cho Trung Quốc, như đã xảy ra với Việt Nam và Campuchia. Đặng đồng ý với tôi. Ông ta hy vọng sẽ có đoàn kết và ổn định tại Asean. Ông ta nói điều này thực sự “từ đáy lòng của tôi”.
Ông ta là nhà lãnh đạo ấn tượng nhất mà tôi đã gặp. Ông ta tuy cao một mét rưỡi, nhưng lại là người khổng lồ giữa thiên hạ. Ở tuổi 74, khi đối diện với một sự thật cay đắng, ông ta vẫn sẵn sàng thay đổi tư duy. Hai năm sau đó, khi họ đã có những giải pháp thay thế đối với các đảng cộng sản anh em của họ tại Malaysia và Thái Lan, thì các buổi phát thanh nói trên đã ngưng hoạt động.
Trong bữa ăn tối, tôi khẩn khoản mời ông ta hút thuốc, ông ta chỉ vào vợ mình mà nói rằng bác sĩ bảo bà ta bắt ông bỏ thuốc. Ông ta đang cố gắng giảm bớt. Tối hôm ấy, ông ta không hút thuốc và cũng không dùng ống nhổ. Ông ta biết rằng tôi dị ứng với khói thuốc.
Trước lúc ông ta rời Singapore, tôi có ghé thăm ông ta tại biệt thự Istana để nói chuyện khoảng 20 phút. Ông ta vui mừng vì đã đến thăm và nhìn lại Singapore sau 58 năm. Thật là một cuộc biến đổi mạnh mẽ và ông ta chúc mừng tôi. Đáp lại, tôi nói rằng Singapore là một quốc gia nhỏ bé với hai triệu rưỡi dân. Ông ta thở dài và nói: "Nếu tôi chỉ có Thượng Hải, tôi cũng có thể làm thay đổi Thượng Hải nhanh như vậy. Nhưng tôi có nguyên cả nước Trung Hoa!"
Ông ta nói rằng ông ta muốn thăm Singapore và Mỹ trước khi ông ta về với Karl Marx; Singapore, bởi vì ông đã nhìn thấy một lần hồi nước này còn là một thuộc địa, khi ông ta trên đường đi Marseilles, sau Thế chiến thứ hai, để làm việc và học tập; Mỹ – bởi vì Trung Quốc và Mỹ phải nói chuyện với nhau. Mãi sau tôi mới hiểu tại sao ông ta nôn nóng đi thăm Hoa Kỳ.
Tại sân bay, ông ta bắt tay các nhân vật quan trọng và các vị bộ trưởng, duyệt đội danh dự, bước lên bậc thang chiếc Boeing 707 của mình, rồi quay lại vẫy tay chào từ biệt. Khi cửa máy bay đã khép kín, tôi nói với các đồng nghiệp rằng đám tham mưu của ông sắp được ăn đòn. Ông ta đã nhìn thấy một Singapore mà ông ta chưa được cung cấp thông tin để chuẩn bị đối phó. Đã không có những đám đông người Hoa nhốn nháo, không có những đám người Singapore gốc Hoa nồng nhiệt chào đón ông ta, mà chỉ có những nhóm thưa thớt các khách hiếu kỳ đứng xem.
Một vài tuần sau đó, tôi được đưa xem những bài báo viết về Singapore đăng trong tờ Nhân dân Nhật báo của họ. Đường lối của báo này đã thay đổi. Singapore được mô tả là thành phố vườn đáng nghiên cứu, có nhiều cây xanh, nhà ở công cộng và cảnh quan du lịch. Chúng tôi không còn là "chó săn của đế quốc Mỹ". Cái nhìn của họ về Singapore đã thay đổi nhiều hơn vào tháng 10 năm sau, 1979, khi Đặng tuyên bố trong một bài diễn văn: "Tôi đã sang Singapore để nghiên cứu cách thức họ sử dụng vốn nước ngoài. Singapore hưởng lợi từ các nhà máy do người nước ngoài xây dựng tại Singapore: trước hết, là các xí nghiệp nước ngoài nộp 35% lãi ròng cho nhà nước dưới dạng thuế; thứ đến, là thu nhập lao động thuộc về công nhân; và cuối cùng là đầu tư nước ngoài làm nảy sinh các khu vực dịch vụ. Tất cả những khu vực dịch vụ này đều là thu nhập (cho nhà nước)." Những gì ông ta nhìn thấy tại Singapore năm 1978 đã trở thành một điểm quy chiếu được coi là mức tối thiểu mà nhân dân Trung Quốc phải đạt được.
Vào cuối tháng 1/1979, Đặng đi thăm Hoa Kỳ và khôi phục quan hệ ngoại giao với tổng thống Carter mà không có điều kiện Hoa Kỳ từ bỏ Đài Loan. Ông ta muốn tin chắc rằng Hoa Kỳ sẽ không liên kết với Liên Xô khi Trung Quốc tấn công và "trừng phạt" Việt Nam. Đó là lý do khiến ông ta nhất quyết đi thăm Hoa Kỳ.
Tại ngôi nhà nghỉ để đánh gôn của thống đốc ở Fanling tại Hong Kong, tôi đã gặp David Bonavia, một chuyên gia về Trung Quốc, trước đây làm việc cho London Times (Thời báo London). Ông ta coi lời cảnh cáo của Đặng như một lời đe dọa vu vơ bởi vì Hải quân Liên Xô đang có mặt ở Biển Đông. Tôi nói rằng tôi đã gặp Đặng cách đây ba tháng và ông ta là một con người cân nhắc chữ nghĩa rất cẩn thận. Hai hôm sau, vào ngày 16/1/1979, lực lượng Trung Quốc đã tấn công Bắc Việt Nam qua biên giới.
Trung Quốc tuyên bố rằng các mục tiêu của hoạt động quân sự này được hạn chế, và kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có các biện pháp tức thời và hữu hiệu để ngăn chặn sự xâm lược vũ trang của Việt Nam đối với Campuchia và chấm dứt việc Việt Nam chiếm đóng Campuchia. Cuộc hành quân kéo dài một tháng. Họ bị tổn thất nặng nề, nhưng đã chỉ cho Việt Nam thấy rằng họ có thể tiến sâu vào Việt Nam với bất cứ giá nào, phá hủy các khu thị tứ và làng mạc trên đường tiến công, và rút lui, như họ đã làm ngày 16/3/1979.
Trong thời gian Trung Quốc xâm lược Việt Nam, Đặng tuyên bố công khai rằng Trung Quốc đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh có thể xảy ra với Liên Xô, và bài học cho Việt Nam cũng là bài học cho Liên Xô. Liên Xô không tấn công Trung Quốc. Báo chí phương Tây viết rằng hành động trừng phạt của Trung Quốc là một thất bại. Tôi cho rằng nó đã làm thay đổi lịch sử của Đông Á. Liên Xô không muốn sa lầy trong một cuộc chiến tranh lâu dài tại một góc trời xa xôi ở châu Á. Họ có thể hành động nhanh và dứt khoát chống lại Trung Quốc, nhưng người Trung Hoa đã ngăn họ làm điều này bằng cách tuyên bố rằng hành động quân sự của mình là một hành động "trừng phạt”, chứ không có ý định chiếm Việt Nam. Như Đặng đã tiên đoán, Liên Xô đang chịu gánh nặng hỗ trợ Việt Nam và họ đã làm việc đó thêm 11 năm nữa, cho tới 1991, khi Liên Xô tan rã.
Trong chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai của tôi, vào tháng 11/1980, tôi nhận thấy nhiều thay đổi. Những người vốn lên như diều gặp gió trong thời Cách mạng Văn hóa nay đã bị lặng lẽ cho ra rìa và đã hết cảnh phô trương thái độ nhiệt tình, hăng hái của họ. Thái độ ân cần niềm nở muôn thuở của viên chức lễ tân phục vụ chúng tôi là một ấn tượng lâu bền mà tôi đã mang theo kể từ chuyến thăm đầu tiên của tôi vào năm 1979. Khi Cách mạng Văn hóa chính thức bị tố cáo, dân chúng tỏ ra rất nhẹ nhõm.
Thủ tướng Triệu Tử Dương đã gặp tôi để đàm luận. Ông ta là một nhân vật khác với Hoa Quốc Phong hay Đặng Tiểu Bình. Vóc dáng trung bình, nước da rám nắng và nét mặt thanh tú. Tôi hiểu tiếng Quan thoại của ông dễ dàng bởi vì ông có một giọng nói khỏe, rõ ràng không pha âm sắc địa phương nặng nề. Ông ta xuất thân từ Hồ Nam, một tỉnh ở phía nam Bắc Kinh, vốn là cái nôi của nền văn minh Trung Hoa, một vùng nông nghiệp rộng lớn và trù phú, nhưng nay nghèo hơn các tỉnh duyên hải.
Triệu Tử Dương vừa mới đảm nhận chức Thủ tướng; và ông thiếu tự tin để giải quyết các vấn đề về Campuchia và Việt Nam mà không nhờ tới Đặng. Tôi nhận thấy ông ta là một người phải chăng, hài hòa, tròn trịa, không thiển cận về mặt ý thức hệ.
Một bản sao bài diễn văn của tôi chuẩn bị đọc tại bữa tiệc đã được trao trước cho lễ tân của họ. Họ muốn tôi bỏ đoạn chỉ trích chính sách của họ đối với Đảng Cộng sản Malaya và các buổi truyền thanh của đảng này từ Trung Quốc. Đoạn văn đó là: "Trong nhiều năm Trung Quốc đã xúi giục và giúp đỡ phiến loạn du kích quân tại Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Nhiều nhà lãnh đạo Asean đã bỏ qua những việc làm đáng tiếc này. Rất tiếc là tàn dư của các chính sách trong quá khứ của Trung Quốc vẫn tiếp tục gây phiền phức cho quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Asean."
Lúc chúng tôi tiếp tục hội đàm vào chiều hôm ấy, tôi đã đề cập vấn đề này. Ban lễ tân của họ nói rằng phần này không thể chấp nhận được, phải bỏ đi nếu như vẫn đọc diễn văn, nếu không thì bỏ phần đọc diễn văn. Thật là điều không bình thường. Tôi đã trao các bản sao bài phát biểu của mình cho báo chí Singapore và có lẽ họ đã phát ra cho các phóng viên nước ngoài, do đó không thể bỏ bất cứ câu chữ nào. Triệu đáp lại rằng nhân dân Trung Hoa sẽ không tha thứ cho ông ta nếu tôi đọc bài diễn văn đó, và ông ta không phản hồi một số trong những điểm tôi nêu ra. Ông ta không muốn biến "một bữa đại tiệc hữu nghị" được tổ chức để chiêu đãi tôi thành một cơ hội để lời qua tiếng lại nặng nề, gây nên một ảnh hưởng quốc tế bất lợi. Không có vấn đề họ muốn nhắc nhở tôi những gì không nên nói ở bữa tiệc; ông ta chỉ muốn đề nghị rằng cả hai bên hủy bỏ các bài diễn văn. Tuy nhiên, nếu các quan điểm của tôi đã được phổ biến cho công luận, thì ông ta cũng thông cảm. Tôi đồng ý không đọc diễn văn.
Ông ta chuyển sang trình bày quan điểm của Trung Quốc về chiến lược toàn cầu của Liên Xô. Ông ta trấn an tôi rằng Trung Quốc sẽ góp phần mình vào việc làm giảm những mối ngờ vực và lo sợ của Malaysia và Indonesia đối với Trung Quốc. Mục tiêu của Liên Xô là kiểm soát các nguồn dầu mỏ và các tuyến đường trên biển, trong đó có eo biển Malacca, nhằm bóp nghẹt Nhật Bản và Tây Âu, và ở trong một chừng mực nào đó bóp nghẹt cả Hoa Kỳ.
Còn về các mối quan hệ giữa đảng với đảng, đây là một vấn đề lịch sử mang tính chất toàn cầu và Trung Quốc đang có những cố gắng chân thành trong phạm vi có thể để nó không ảnh hưởng đến các mối quan hệ của Trung Quốc với các nước Asean. Để giải quyết vấn đề này sẽ phải cần một ít thời gian. Ông ta muốn chính thức nói với tôi rằng Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề này, nhưng không phải một sớm một chiều.
Vấn đề Hoa kiều là một vấn đề khác tồn tại do lịch sử. Trung Quốc không ủng hộ chế độ hai quốc tịch và đã khuyến khích người Hoa sống ở hải ngoại nhận quốc tịch của nước chủ nhà. Nhưng nếu Hoa kiều vẫn giữ quốc tịch Trung Hoa, thì Trung Quốc không thể ngưng tiếp xúc với họ. Còn việc đóng góp của người Hoa ở hải ngoại vào công cuộc Hiện đại hóa của Trung Quốc, thì điều này không tiêu biểu cho chính sách của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trung Quốc sẽ cố gắng làm giảm bớt sự nghi ngờ của các quốc gia khác về vấn đề Hoa kiều. Tuy nhiên, cả hai bên nên quan tâm đến những vấn đề quan trọng hơn là chính sách của Trung Quốc đối với Hoa kiều. Về Campuchia, tôi sẽ gặp Đặng Tiểu Bình; ông ta sẽ giải quyết tất cả những điểm tôi muốn nêu lên; nói cách khác, Đặng là thẩm quyền tối hậu.
Sáng hôm sau tôi đã gặp Đặng Tiểu Bình trong hơn hai giờ đồng hồ tại một phòng khác trong Đại sảnh đường Nhân dân. Ông ta trông hoạt bát và khỏe mạnh. Ông đã được thông báo cặn kẽ từ trước nên giành phần nói gần hết buổi hội đàm. Ông ta nói những cuộc thảo luận của tôi với Triệu Tử Dương đã diễn tiến tốt, và thêm rằng tướng Ne Win cũng đã không đọc diễn văn ở bữa tiệc chiêu đãi ông ta tại Đại sảnh đường Nhân dân, nhưng đã có những "cuộc thảo luận tốt" với lãnh đạo Trung Hoa. Ông ta trấn an rằng việc hủy bỏ bài diễn văn của tôi chẳng có ảnh hưởng gì đến kết quả của những cuộc thảo luận của chúng tôi.
Đặng lập luận rằng Trung Quốc là một nước lớn với số dân rất đông. Trung Quốc không cần nguồn tài nguyên của các quốc gia khác. Trung Quốc đang bận tâm với vấn đề nâng dân mình vượt khỏi mức nghèo đói và lạc hậu, "một nhiệm vụ lớn, có lẽ phải mất đến nửa thế kỷ mới thực hiện được." Trung Quốc quá đông dân. Quả là có quá nhiều việc phải làm. Ông ta hy vọng tôi sẽ giải thích lập trường "chân thực và trong sáng" của Trung Quốc cho Indonesia và Malaysia hiểu. Trung Quốc muốn nhìn thấy một Asean hùng mạnh, "càng hùng mạnh, càng tốt." Trung Quốc có một "chiến lược toàn cầu" trong việc xử lý các mối quan hệ của mình với các nước Asean, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Tây Âu. Ông ta hoàn toàn thông cảm với lập trường của Singapore về việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, rằng chúng tôi sẽ làm như thế sau Indonesia. Những tính toán của Singapore là đúng đắn và phù hợp với những "tính toán chiến lược" của Singapore.
Chúng tôi đi ăn trưa; người ta dọn ra một món đặc sản của người Hoa, món tay gấu ngon tuyệt vời – chân gấu om mềm trong một thứ nước xốt tinh túy. Đây là bữa ăn ngon nhất mà tôi đã từng ăn tại Đại sảnh đường Nhân dân. Người đầu bếp đã cố gắng đặc biệt để làm vừa lòng các khách mời của Đặng. (Gấu hiện nay là một loài vật có nguy cơ bị tuyệt chủng tại Trung Quốc.)
Lễ tân Trung Quốc quả đã hành động đúng khi họ đưa tôi đến gặp Hoa Quốc Phong sau cùng. Ông ta vẫn còn là Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc và do đó ở cấp bậc cao hơn Đặng, một phó chủ tịch. Nhưng qua vai trò quan trọng của các viên chức đang có mặt, tôi biết chắc tiếng nói của ai nặng ký hơn.
Triệu Tử Dương gặp lại tôi tại Bắc Kinh vào tháng 9/1980. Ông ta nhắc đến tôi như một "người bạn cũ" của Trung Quốc, cái nhãn mà họ gán cho những ai họ muốn tạo cảm giác thoải mái. Rồi ông ta yêu cầu tôi cho biết cảm tưởng về những nơi tôi đã tới thăm dọc đường đến Bắc Kinh.
Phong cách của ông ta như khích lệ tôi phát biểu ý kiến. Tôi nói rằng tôi có thể đưa ra những nhận xét vô thưởng vô phạt, gạt bỏ những lời phê phán, nhưng điều đó sẽ không có giá trị đối với ông ta. Trước tiên tôi nói lên những ấn tượng tốt đẹp. Thượng Hải có các cán bộ lãnh đạo trẻ hơn hồi 1976, đầy sinh lực và năng động; nhân dân trông sung sướng hơn và khá giả hơn trong những bộ quần áo màu sắc rực rỡ; đâu đâu cũng xây dựng nhà cửa; và vấn đề giao thông vẫn còn có thể quản lý được. Tôi có ấn tượng tốt về Tỉnh trưởng tỉnh Sơn Đông, một con người đầy sinh lực, dám nghĩ dám làm, nhiều sáng kiến và kỳ vọng nâng cấp hạ tầng cơ sở của Sơn Đông. Ông ta có kế hoạch xây dựng các sân bay ở Giang Nam và Yantai, và đã đề nghị ba dự án kinh doanh cho giới doanh nghiệp của chúng tôi; bộ tham mưu của ông ta được tổ chức tốt.
Thứ đến tôi đưa ra những điểm tiêu cực: những tục lệ xấu trước đây vẫn không thay đổi. Nhờ làm thủ tướng trên 20 năm, tôi đã nghỉ lại tại nhiều nhà khách, và do đó nhìn vào tình trạng của chúng, chúng tôi có thể hình dung được cung cách quản lý. Khu nhà khách to lớn ở Giang Nam cho tôi ấn tượng về một sự lãng phí; tôi nghe nói phòng tôi với cái bồn tắm cỡ khổng lồ đã được xây đặc biệt dành cho Chủ tịch Mao khi Người đến thăm. Nhân lực để giữ cho khu vực này luôn trong tình trạng tốt đẹp có thể sử dụng tốt hơn bằng cách cho họ quản lý một khách sạn hạng nhất. Bởi vì khách đến nghỉ ít và lâu lâu mới có nên nhân viên không có việc để làm.
Sau nữa là, hệ thống đường sá kém. Trên con đường dài 150 cây số (xấp xỉ 90 dặm) từ Giang Nam đến Khúc Phụ (tỉnh Sơn Đông), sinh quán của Khổng Tử, có những đoạn chỉ là đường mòn lầy lội. Người La Mã đã xây dựng những con đường tồn tại 2.000 năm. Trung Quốc có nhân công và đất đá dồi dào, nên không có lý do gì để những đoạn đường mòn lầy lội nối Giang Nam, thủ phủ của tỉnh, với Khúc Phụ, một địa phương có tiềm năng du lịch.
Singapore có một nền văn hóa hay lịch sử khá mỏng và dân số chỉ vỏn vẹn hai triệu rưỡi, nhưng chúng tôi có ba triệu khách du lịch hằng năm (giữa thập niên 80). Các tượng đài và thành quách hoang phế của Trung Quốc còn đậm nét lịch sử. Kinh doanh phong cảnh, không khí mát mẻ, thức ăn tươi, các dịch vụ giặt ủi, những phẩm vật quý hiếm và đồ lưu niệm cho khách du lịch sẽ đem lại nhiều công ăn việc làm và trút tiền vào túi của nhiều người. Trung Quốc với số dân khoảng 1 tỷ, chỉ có 1 triệu khách du lịch mỗi năm – 800.000 Hoa kiều và 200.000 người nước ngoài.
Một cách dè dặt, tôi đề nghị rằng họ có thể gửi một số giám sát viên của mình tới Singapore. Những người này sẽ không gặp phải những khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa và có thể quan sát tinh thần và thái độ lao động của chúng tôi. Triệu Tử Dương hoan nghênh đề nghị của tôi. Ông đề nghị các nhà quản lý, các chuyên viên ở cấp cao, cấp trung và cả dân thường của chúng tôi đến tham quan Trung Quốc để đánh giá các công nhân của họ trong một bối cảnh cụ thể của Trung Quốc. Tôi nói rằng các công nhân của họ có lẽ không tôn trọng các giám sát viên của chúng tôi, bởi vì những người này là "hậu duệ của đám cu li từ tỉnh phúc Kiến sang”, về sau, họ gửi một số đoàn cán bộ quản lý của các xí nghiệp quốc doanh của họ đến Singapore. Họ thấy một nền văn hóa lao động khác biệt, luôn coi trọng chất lượng của công việc.
Ông ta nói rằng Trung Quốc có ba nhiệm vụ kinh tế lớn: thứ nhất, xây dựng hạ tầng cơ sở như đường bộ và đường xe lửa; thứ hai, nâng cấp càng nhiều nhà máy càng tốt; và thứ ba, tăng cường tính hiệu quả của các cán bộ quản lý và công nhân của họ. Ông ta nói về vấn đề lạm phát. (Đây là một trong những nguyên nhân gây rắc rối ở Thiên An Môn bốn năm sau đó). Ông ta muốn tăng cường thương mại, hợp tác kinh tế và kỹ thuật giữa Trung Quốc và Singapore. Trung Quốc sẵn sàng ký với chúng tôi một hợp đồng ba năm để mỗi năm chế biến không dưới 3 triệu tấn dầu thô của Trung Quốc, và sẽ được nhập khẩu nhiều hơn các hóa chất và sản phẩm hóa dầu từ Singapore miễn là các mặt hàng này được bán theo giá quốc tế. Bằng cách đó họ đã bắt đầu tham gia vào ngành công nghiệp dầu mỏ của chúng tôi. Công ty dầu khí quốc doanh của họ đã lập một văn phòng tại Singapore để xử lý công việc kinh doanh và đồng thời buôn bán dầu mỏ.
Tôi được đưa đến gặp Đặng. Ông ta nói đùa về cái tuổi già 81 của mình so với tuổi 62 của tôi. Tôi trấn an ông rằng ông ta trông không già. Ông không lo lắng về tuổi tác. Trung Quốc đã sắp xếp thỏa đáng các thay đổi nhân sự: "Cho dù trời sập, Trung Quốc vẫn có người để gánh vác nó" về mọi mặt, sự phát triển trong nước của Trung Quốc khá tốt, với nhiều thay đổi trong năm năm qua. Mười nhà lãnh đạo lớn tuổi trong bộ chính trị đã nghỉ hưu, vị trí của họ đã được các nhà lãnh đạo trẻ hơn thay thế. Nhiều nhà lãnh đạo trên 60 tuổi đã từ chức và 90 người mới, trẻ hơn đã được bầu vào ủy ban trung ương. Những thay đổi về lãnh đạo này đã liên tục được thực hiện trong bảy năm, nhưng vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được với tình hình và cần cải tổ tiếp. Đúng ra, bản thân ông Đặng cũng nên rút lui, nhưng có một số vấn đề ông ta còn phải giải quyết.
Ông ta nhắc đi nhắc lại rằng ông ta đã 81 tuổi, sẵn sàng đi gặp Mác; đấy là quy luật tự nhiên và mỗi người phải ý thức được điều này trừ ông Tưởng Kinh Quốc. Ông ta hỏi tôi lần cuối cùng tôi gặp Tưởng là lúc nào và liệu ông ấy đã giải quyết vấn đề lãnh đạo chưa. Chỉ lúc đó tôi mới nhận thấy rằng những nhận xét cởi mở của ông ta về tuổi tác không phải là lời đùa cợt bình thường mà là để dẫn đến chuyện Tưởng Kinh Quốc và Đài Loan. Tôi nói rằng tôi đã gặp Tưởng Kinh Quốc lần cuối vào tháng Giêng, tức tám tháng trước đó, và Tưởng mắc bệnh tiểu đường, điều này ai cũng biết, nhưng ông ta ý thức được tình trạng nguy tử của mình. Đặng tự hỏi thành tiếng liệu Tưởng Kinh Quốc đã sắp xếp nhân sự kế thừa mình chưa. Tôi biết tường tận – tôi nói – là ông ta đã làm điều đó, nhưng tôi không thể nói cuối cùng ai sẽ thay thế ông ta. Đặng sợ sẽ xảy ra cảnh hỗn loạn rối ren tại Đài Loan sau khi Tưởng ra đi. Lúc này, ít ra cả hai bên đều chia sẻ một cảm nghĩ chung là chỉ có một nước Trung Hoa. Cảnh hỗn loạn có thể dẫn tới sự xuất hiện hai nước Trung Hoa. Tôi hỏi làm sao lại có thể như vậy. Ông ta giải thích rằng có thể có hai diễn biến: thứ nhất, có những lực lượng ở Hoa Kỳ và Nhật Bản ủng hộ độc lập của Đài Loan; thứ hai, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục xem Đài Loan như một trong những hàng không mẫu hạm không thể chìm của mình. Chính quyền Hoa Kỳ hiện nay (với Ronald Reagan là tổng thống) đã chưa hoàn toàn thay đổi chính sách của mình về Đài Loan. Họ xem Đài Loan là một căn cứ quân sự quan trọng và muốn duy trì nó trong vòng ảnh hưởng của mình. Đặng đã thảo luận về Đài Loan với Tổng thống Reagan năm trước và đã cố gắng thuyết phục ông ta từ bỏ chính sách hàng không mẫu hạm này; ông ta chỉ ra rằng Hoa Kỳ đã có 10 hàng không mẫu hạm không thể chìm trên khắp thế giới. Đài Loan có tầm quan trọng quyết định đối với Trung Quốc.
Ông ta đã hỏi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Caspar Weinberger liệu ông này sẽ phản ứng ra sao đối với những tình huống có thể xảy ra. Nếu Đài Loan từ chối thương thuyết về việc tái thống nhất, thì Trung Quốc sẽ phải làm gì? Và nếu Đài Loan trở thành độc lập, thì lúc bấy giờ sẽ thế nào? Do những tình huống có thể xảy ra này, mà Trung Quốc không thể từ bỏ việc sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề Đài Loan, nhưng sẽ dùng mọi nỗ lực để giải quyết vấn đề và thực hiện việc tái thống nhất bằng biện pháp hòa bình. Ông ta đã nói với cố Tổng thống Reagan lẫn Ngoại trưởng George Shultz rằng Đài Loan là điểm then chốt trong quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tháng 12 năm trước, ông ta đã yêu cầu Thủ tướng Anh Thatcher truyền đạt ý tưởng của Trung Quốc muốn Tổng thống Reagan giúp họ thành tựu việc tái thống nhất Đài Loan trong nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống. Ông ta cũng đã nói với Shultz và Weinberger rằng nếu họ thất bại trong việc xử lý vấn đề một cách đúng đắn và cho phép Quốc hội Hoa Kỳ can thiệp, thì sẽ nảy sinh xung đột trong quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trung Quốc có thể không đủ khả năng tấn công Đài Loan nhưng có thể phong tỏa eo biển Đài Loan. Hoa Kỳ có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột này. Ông ta đã hỏi các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ liệu lúc đó họ sẽ làm gì, nhưng được đáp lại là Hoa Kỳ không trả lời những câu hỏi giả định. Thực sự có khả năng xảy ra một tình huống như vậy.
Biết rằng Tưởng Kinh Quốc và tôi là chỗ bạn bè thân tình, nên ông ta nhờ chuyển lời thăm hỏi của cá nhân ông ta đến "Ông Tưởng" khi tôi gặp ông này lần tới. Tôi đồng ý. Ông ta hy vọng có thể hợp tác với Tưởng, bởi vì cả hai đã từng học cùng trường Đại học tại Moscow năm 1926, mặc dù không cùng một lớp. Năm đó Tưởng khoảng chừng 15 hay 16 tuổi, còn Đặng thì 22 tuổi. (Một tháng sau đó, tại Đài Bắc tôi đã trực tiếp chuyển lời Đặng cho Tưởng. Ông này thinh lặng lắng nghe, và không trả lời).
Lúc tôi gặp Triệu Tử Dương lần tiếp theo, vào ngày 16/9/1988, ông ta đã được cất nhắc lên chức Tổng bí thư. Ông ta đã gặp tôi tại biệt thự tôi ở Diaoyutai, khu nhà khách của họ, để nói về các vấn đề kinh tế của Trung Quốc. Ông ta lo lắng trước làn sóng mua sắm gây hỗn loạn khắp Trung Quốc vài tuần trước đó, tức vào hạ tuần tháng 8 và thượng tuần tháng 9. Họ đã phải giảm bớt việc xây dựng, kiểm soát sự gia tăng tiền cho tiêu thụ, và giảm mức tăng trưởng kinh tế. Nếu các biện pháp khác không có hiệu quả, thì chính phủ sẽ phải nhấn mạnh đến kỷ luật đảng – Tôi hiểu điều này có nghĩa là "trừng trị các quan chức cao cấp". Tình trạng mua sắm hỗn loạn hẳn đã làm ông ta nhớ lại những ngày cuối cùng của chính phủ quốc gia (của Quốc Dân Đảng – ND) trong những năm 1947–1949.
Sau đó ông ta đưa tôi đến nhà hàng ở khu Diaoyutai để mừng sinh nhật lần thứ 65 của tôi. Trong bữa ăn, ông ta hỏi quan điểm của tôi về chương trình truyền hình nhiều kỳ mới đây mà ông đã gửi cho tôi, “Khúc bi thương Hoàng Hà”, do một số thành viên trẻ tuổi trong ban chuyên gia cố vấn chương trình cải cách của ông ta sản xuất. Bộ phim mô tả một Trung Quốc đắm chìm trong truyền thống phong kiến, bị trói buộc bởi dị đoan và hủ tục, một Trung Quốc sẽ không bao giờ có được một sự đột phá và đuổi kịp thế giới hiện đại trừ phi nó từ bỏ được những thái độ tuân thủ cổ xưa của mình.
Tôi cho rằng như thế là quá bi quan. Trung Quốc không cần từ bỏ những giá trị văn hóa cơ bản và niềm tin của mình để công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong và Singapore tất cả đều đã tìm cách bảo tồn các giá trị truyền thống của họ như tính tiết kiệm, làm việc cần cù, nhấn mạnh việc học, và lòng trung thành với gia đình, dòng họ và dân tộc, luôn đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Những giá trị Khổng giáo này đã đưa đến sự cố kết xã hội, những lượng tiền tiết kiệm lớn và những khoản đầu tư, là những yếu tố dẫn tới năng suất và tăng trưởng cao. Những gì Trung Quốc cần thay đổi là hệ thống hành chính trung ương tập quyền quá mức, thái độ và nếp nghĩ của nhân dân để họ có khả năng tiếp thu nhiều hơn các ý tưởng mới, cho dù là của Trung Hoa hay của nước ngoài, sẵn sàng thử nghiệm các ý tưởng đó và áp dụng vào hoàn cảnh của Trung Quốc. Điều này người Nhật đã làm một cách thành công.
Triệu Tử Dương lo rằng nền kinh tế Trung Quốc không thể cất cánh như các nền kinh tế các nước mới công nghiệp hóa mà không gặp khó khăn do lạm phát cao. Tôi giải thích rằng sở dĩ như thế là vì, khác với Trung Quốc, các nước mới công nghiệp hóa chưa bao giờ phải điều chỉnh nền kinh tế được hoạch định với giá cả ấn định cho các mặt hàng cơ bản được kiểm soát ở mức thấp không thực tế.
Ông ta bộc lộ sự tin tưởng lặng lẽ của một đầu óc sáng suốt, mà nhận thức mau lẹ. Khác với Hoa Quốc Phong, ông ta là một con người lịch sự, chứ không phải võ biền, ông ta có một phong cách dễ chịu, không thô bạo, hống hách. Nhưng để sống còn ở cấp cao tại Trung Quốc, người ta cần phải cứng rắn và nhẫn tâm; và đối với Trung Quốc vào thời kỳ đó, ông ta là người quá lơi lỏng trong cách tiếp cận luật pháp và trật tự. Khi chúng tôi chia tay, tôi đâu biết chỉ trong vòng một năm, ông ta đã trở thành kẻ thấp cổ bé miệng.
Ngày hôm sau, 17/9/1988, tôi có cuộc gặp cuối cùng với Đặng. Ông ta bị rám nắng sau mấy tuần lễ ở Bắc Đại Hà, khu nghỉ dưỡng ở cạnh bờ biển về phía đông Bắc Kinh dành cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ông ta trông khỏe mạnh và giọng nói trong vang. Tôi ca ngợi sự tiến bộ về kinh tế của Trung Quốc. Vâng, đã có "những kết quả khá tốt" trong thập niên qua, nhưng sự phát triển tốt đẹp về kinh tế đã làm nảy sinh nhiều vấn đề mới. Trung Quốc phải kiềm chế lạm phát. Điều quan trọng là phải củng cố kỷ luật. Chính quyền trung ương phải áp dụng việc kiểm soát hữu hiệu nhưng không mâu thuẫn với việc mở ra với thế giới bên ngoài. Sau khi mở cửa, việc quản lý tốt càng quan trọng hơn, bằng không sẽ xảy ra tình trạng vô chính phủ và “đại hỗn loạn”. Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn nhưng lạc hậu về kỹ thuật và cả về văn hóa. Trong thập niên qua, họ đã giải quyết được vấn đề cơm ăn áo mặc. Ngày nay họ muốn đạt tới giai đoạn “xiao kang” (tiểu khang – khá giả), tăng gấp bốn lần tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người năm 1980, lên khoảng từ 800 đến 1.000 đôla Mỹ. Trung Quốc phải học các nước khác, "bất cứ ai kể cả Nam Triều Tiên nữa".
Tôi khen ngợi ông ta về những thay đổi đáng kể ở Trung Quốc, chẳng những trong lĩnh vực xây dựng nhà và đường sá mà quan trọng hơn là trong tư duy và thái độ của người dân. Họ có thái độ phê phán và thắc mắc nhiều hơn, nhưng lạc quan. Tôi nói chuyến thăm Hoa Kỳ của ông ta năm 1979, được truyền hình trong các chương trình nửa giờ hằng ngày, đã cho thấy điều kiện sống ở Hoa Kỳ, làm vĩnh viễn thay đổi những nhận thức của Trung Quốc về nước Mỹ.
Đặng nhận xét rằng người Mỹ đã tiếp đãi ông rất ân cần. Ông ta nói với Ngoại trưởng Shultz rằng quan hệ Trung – Mỹ đang phát triển êm đẹp, nhưng vấn đề chính vẫn là Đài Loan. Sau đó ông ta hỏi liệu tôi có biết "người bạn cùng trường của tôi và là bạn tri kỷ của ngài", ông Tưởng Kinh Quốc, trong nhiều dịp đã phát biểu rằng ông ta (Tưởng) sẽ "tự biện minh với lịch sử". Rõ ràng là Đặng muốn biết Tưởng đã trả lời như thế nào khi nghe những lời ông ta nhờ tôi chuyển tới Tưởng. Tôi không trả lời, bởi vì Tưởng đã không đáp lại. Đặng nói rằng mặc dù Hoa Kỳ đã tuyên bố công khai rằng họ không muốn can dự vào vấn đề tái thống nhất, nhưng chính phủ Hoa Kỳ đã can thiệp vào việc xử lý vấn đề này. Có nhiều trở ngại cho việc tái thống nhất, nhưng "trở ngại lớn nhất" là Hoa Kỳ. Ông ta nhắc lại quan điểm mà ông ta đã đưa ra khi tôi gặp ông ta lần vừa qua, nói rằng Hoa Kỳ đang sử dụng Đài Loan như một "hàng không mẫu hạm không thể chìm.” Khi ông ta bình thường hóa quan hệ trong chuyến thăm Washington năm 1979, Tổng thống Carter đã đồng ý rằng Hoa Kỳ sẽ làm ba việc: hủy bỏ hiệp ước liên phòng thủ với Đài Loan; rút quân Mỹ khỏi Đài Loan; và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Những cam kết này đã được thực hiện. Nhưng Hoa Kỳ thông qua Quốc hội của mình đã nhiều lần can thiệp vào vấn đề Đài Loan, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Luật về Quan hệ với Đài Loan và nhiều nghị quyết khác nhau nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Ông ta đã nói với Reagan và Shultz rằng họ phải xem xét lại chính sách duy trì "hàng không mẫu hạm không thể chìm" của họ. Đặng nói rằng ông tha thiết muốn đảm bảo việc tái thống nhất Đài Loan với lục địa trước khi ông ta đi gặp Các Mác.
@by txiuqw4