sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 12 phần 2

Nhưng ngày 18/8, Chủ tịch đọc một lá thư nữa của thống đốc nói rằng ông ta sẽ hành động theo lời khuyên của Tổng ủy viên trừ khi đình chỉ phiên họp và giải tán Hội đồng Lập pháp. Lá thư này cũng nói rằng chính phủ Anh sẽ hoan hỉ tiếp đón một phái đoàn đại diện từ Singapore tới London vào một ngày thích hợp để xem xét những vấn đề hiến pháp. Marshall tuyên bố: “Đây thực sự là một ngày hạnh phúc cho Singapore. Nó đánh dấu sự kết thúc giai đoạn đầu tiên trong cuộc đấu tranh vì tự do của chúng ta. Nó đánh dấu sự khởi đầu của một thời đại mới… một thắng lợi đáng phấn khởi.” Marshall phấn chấn. Ông ta lại đề nghị rằng viên Chủ tịch sẽ “yêu cầu thống đốc nhân danh họ cám ơn Bộ trưởng Ngoại giao vì quan điểm đồng tình của ông ta đối với những nguyện vọng của chúng ta.” Tôi không muốn làm chuyện này chút nào và đe dọa bỏ họp – tôi muốn có thời gian để nghĩ đến những ẩn ý của bức điện cảm ơn như thế. Marshall nổi giận. Đề nghị của tôi chống lại đề xuất đó bị bác bỏ.

Tôi đang đùa với Marshall, nhưng có việc hệ trọng hơn cần phải làm. Tương lai của nền giáo dục, văn hóa, ngôn ngữ của người Hoa vẫn còn là một vấn đề quan trọng, dù tình trạng hỗn loạn sục sôi trong các trường trung học Hoa tạm thời lắng xuống khi Ủy ban liên trường của các trường tiếng Hoa “kêu gọi” chính phủ ngưng việc đuổi học sinh, hoặc tống đạt những thông báo tới các trường yêu cầu trình bày lý do tại sao chúng không thể bị đóng cửa hẳn. Ủy ban đã dự phòng một cách thức khéo léo để thoát khỏi vấn đề thể diện đầy gay gắt. Ngẫu nhiên chính phủ lại vướng vào việc tiến hành một cuộc thảo luận kín đáo mà nó cho phép tìm ra một phương thức không gây xôn xao dư luận. Nếu không thì mỗi thiếu sót trong bất kỳ giải pháp nào sẽ được tường thuật trên báo chí tiếng Hoa và tạo thành vấn đề tranh cãi, vận động hành lang và trở thành thắng lợi cho những luận điểm tuyên truyền.

Những gợi ý của ủy ban có những hệ quả lâu dài có lợi cho nền giáo dục của người Hoa và cũng có lợi cho sự hòa hợp của một xã hội đa chủng tộc. Nhưng chúng lại đe dọa tương lai những người cộng sản. Khoảng 90 % người Hoa đã trưởng thành, nếu có được học, là theo Hán học. Nhưng số trẻ con người Hoa học trường tiếng Anh đã tăng mạnh từ năm 1948, khi tình trạng khẩn cấp được ban bố. Năm 1950, số học sinh ở các trường Hoa đông hơn 25.000 người so với các trường Anh, nhưng đến năm 1955, tỷ lệ đó đã thay đổi, và các trường Anh đông hơn các trường Hoa 5.000 học sinh. Dù những người cộng sản không biết chính xác các số liệu, họ cũng đã ý thức về xu thế này, và vì nó sẽ làm cạn kiệt nguồn nhân lực của họ, nên họ phải ngăn nó lại. Vì thế trận chiến nhằm bảo tồn văn hóa Trung Hoa thậm chí trở nên quyết liệt hơn đối với MCP.

Vấn đề đối với chính phủ và những người phi cộng sản trong PAP trở nên phức tạp do sự kiện rằng văn hóa Trung Quốc cũng là vấn đề tâm huyết của nhiều bậc phụ huynh, vì thế họ không thiết tha gì với việc đưa tiếng Anh vào các trường Hoa. Tất cả những chi phí hành chính đều do chính phủ chi trả, nhưng đổi lại các trường sẽ phải tuân theo những quy định của chính phủ về mặt giáo trình và kỷ luật. Và dù sao đi nữa, họ muốn việc giảng dạy phải hoàn toàn bằng tiếng Hoa. Thật ra, khoảng một nửa trong số họ muốn được cả hai cách. Nhiều lãnh đạo các bang hội nằm trong ban quản trị các trường học đều cho con họ học các trường Anh, và cho bọn trẻ học thêm tiếng Hoa vào buổi chiều, nhằm cho chúng biết nói hai thứ tiếng. Đồng thời họ hô hào các bậc cha mẹ khác cho con cái tới các trường Hoa để tiếp nối truyền thống uyên bác cổ xưa của người Hoa. Chẳng có cách nào làm hài lòng tất cả mọi người. Vì thế chính phủ cần một báo cáo từ ủy ban, trong đó tôi đại diện cho PAP, báo cáo sẽ gắn kết mọi lực lượng vào các nhận định của nó, để tất cả chúng tôi sẽ bị buộc phải đảm nhận công việc thuyết phục những người nói tiếng Hoa chấp nhận nó. Điều này đã cho tôi một cơ hội để thảo ra kế hoạch nhưng nó cũng đặt tôi vào một tình cảnh nguy hiểm nghiêm trọng là phải đối đầu với MCP về một vấn đề quan trọng đối với sự sống còn của họ.

Tôi quyết định rằng, dù nó có thiết thực hay không, chính sách khả thi về mặt chính trị duy nhất là công nhận cả ba ngôn ngữ, với tiếng Malay như ngôn ngữ chung và là ngôn ngữ dân tộc tương lai của Malaysia, tiếng Anh là ngôn ngữ khoa học và giao tiếp quốc tế, tiếng Quan thoại là ngôn ngữ mẹ đẻ của người Hoa, và tiếng Tamil, Hindi hoặc Punjabi dùng cho người Ấn. Chủ tịch ủy ban liên trường là Chew Swee Kee, ủy viên giáo dục, và bảy thành viên khác của nó gồm một người Malay, Abdul Hamid bin Haji Jumat, ủy viên chính quyền bản xứ. Trong chín tháng kế đó, tôi làm việc với hai người này, cả hai đều thoải mái với những quan điểm của tôi, và chúng tôi cùng nhau soạn thảo bản báo cáo mà tất cả đều có thể chấp nhận. Nó bao gồm một lời khuyên viết lại toàn bộ sách giáo khoa cho các trường Hoa, vốn cho tới nay chỉ dùng các sách thông dụng ở Trung Quốc hồi trước chiến tranh dưới thời Quốc dân đảng.

Trong khi đó Lim Chin Siong và Fong không để lãng phí thời gian. Họ đang theo đuổi một chiến lược mặt trận liên kết điển hình mà tôi nhanh chóng quen thuộc. Lim đã nắm quyền chủ tịch của một ủy ban giáo dục người Hoa đại diện cho 16 nghiệp đoàn và Hội Phụ huynh học sinh người Hoa toàn Singapore. Nhưng đó mới chỉ là một sự bắt đầu. Ông ta nắm một danh sách rất dài những cá nhân và tổ chức mà ông ta có thể triệu tập, vì SFSWU không phải tự nhiên mà trở thành một tổ chức bao trùm mọi ngành nghề. Nhóm trên đường Middle bao quanh nó hiện không chỉ bao gồm nhiều tổ chức với số lượng những thành viên nói tiếng Hoa không đáng kể, và vì thế không quan tâm đến việc giáo dục của người Hoa, kiểu như Nghiệp đoàn Lao động Căn cứ Hải quân và Nghiệp đoàn Công ty Xe tải Singapore, mà còn bao gồm cả những đoàn thể pha tạp kiểu như nghiệp đoàn của những thợ hớt tóc, thợ may, các công nhân ngành giải trí và xi–nê, và thậm chí cả nghiệp đoàn những người sống trong các ngôi nhà gỗ nữa.

Đó mới chỉ là một khía cạnh của con bạch tuộc. Lim Chin Siong cũng muốn kết nạp những bang hội có từ lâu đời trực thuộc Phòng Thương mại người Hoa, và nhắm đến mục đích này, ông ta đã tìm kiếm và giành được sự ủng hộ của viên chủ tịch của nó, Tan Lark Sye. Tan là một lái buôn cao su triệu phú thất học, một chiến sĩ vĩ đại trên mặt trận giáo dục và ngôn ngữ của người Hoa, và là cá nhân đóng góp nhiều tiền nhất cho quỹ xây dựng một trường đại học ở Singapore dành cho người Hoa khắp Đông Nam Á. Ông ta rất ngưỡng mộ một nước Trung Quốc mới và sẵn sàng đi theo những người cộng sản với điều kiện là họ không gây thiệt hại cho quyền lợi của ông ta. Ông ta đồng ý cho Lim một cuộc họp đông đảo quần chúng vào ngày 6/6/1955, trong đó sẽ bao gồm Phòng Thương mại người Hoa và những bang hội liên kết với nó, cũng như “ủy ban giáo dục” của Lim.

Viên phó chủ tịch của Phòng Thương mại, Yap Pheng Gek, là một kiểu tư sản mại bản Anh học như tập đoàn Oversea–Chinese Banking Corporation. Ông ta không muốn chơi trò của Lim và xoay xở để giản lược cuộc họp đại chúng này trở thành một cuộc họp dành cho những người đại diện của 6 tổ chức giáo dục, trong đó có Lee Kong Chian, một tay trùm ngành cao su là chủ tịch Hiệp hội nhân viên và quản trị viên các trường trung học tiếng Hoa.

Mục đích của cuộc họp là thảo luận một giác thư nhằm đệ trình lên chính phủ, đòi hỏi sự bình đẳng trong việc đối xử giữa các trường tiếng Hoa và trường tiếng Anh. Cuộc họp được quy định trước là sẽ không có việc tranh cãi hay nghị quyết mới nào, mà chỉ là việc biểu quyêt ngay về những điều khoản sẽ được đề đạt. Tuy nhiên Lim Chin Siong phớt lờ các quy định của viên chủ tịch, Yap Pheng Gek, người rất ngại dùng quyền hạn chống lại những người khuynh tả. Lim đưa ra bản giác thư do ông ta soạn, trong đó đòi hỏi không chỉ quy chế bình đẳng cho các trường Hoa và trường Anh, mà còn đòi hỏi chính phủ phải cấp tiền để xây những trường Hoa, việc miễn tiền học phí trong 6 năm giáo dục tiểu học, và quyền thành lập những tổ chức tự quản của học sinh (giống như những chi nhánh của Nghiệp đoàn Học sinh trung học Hoa) trong mỗi trường.

Khi viên chủ tịch có ý bắt mọi người tuân theo những nguyên tắc của cuộc họp, Fong yêu cầu được phát biểu nhân danh Nghiệp đoàn Công nhân Xe buýt Singapore. Yêu cầu này bị từ chối. Thế là Fong nhờ trực tiếp đến cử tọa, trong số đó đầy những kẻ ủng hộ Lim Chin Siong. Những tiếng cổ vũ tán thành ồn lên biểu lộ sự liên kết và đe dọa viên chủ tịch. Viên chủ tịch đầu hàng đúng lúc. Từ đó trở đi, Lim và Fong điều khiển cuộc họp.

Trong bầu không khí này, phòng họp đầy ắp những đại biểu các tổ chức bang hội và những người hoạt động nghiệp đoàn thân cộng, những người theo chủ nghĩa sô–vanh nắm quyền kiểm soát. Chuang Chu Lin, hiệu trưởng trường trung học Chung Cheng, và sau này là hiệu phó trường đại học Nanyang, phản đối mọi sửa đổi sách giáo khoa môn lịch sử và địa lý Trung Quốc, và khi ông ta nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, thì kiến nghị của Lim Chin Siong là nên có những sách giáo khoa với một nền tảng Malaysia bị bác bỏ. Thêm vào đó, chỉ những quyết định thiên cộng là được thực thi. Lim có được những gì ông ta muốn, và được những tay lãnh tụ theo truyền thống của các tổ chức của những người nói tiếng Hoa ủng hộ.

Ủy ban liên trường dành cho bản giác thư của Phòng thương mại người Hoa một vị trí trang trọng trong phần phụ lục của bản báo cáo nhưng gạt bỏ mọi đề nghị của bản giác thư này. Vào tháng 2/1956, khi Chew Swee Kee công bố bản báo cáo trong phiên họp Hội đồng lập pháp, không câu hỏi nào được đặt ra. Bản báo cáo là sự thỏa hiệp hay nhất mà chúng tôi có thể đạt được, và đại diện các đảng phái cùng ký tên vào.

Bản kiến nghị này đơn giản. Những trường tiếng Anh cũng phải dạy ngôn ngữ mẹ đẻ – tiếng Hoa cho người Hoa, tiếng Malay cho người Malay, tiếng Tamil hoặc tiếng Ấn nào đó chongười Ấn. Những học sinh trong các trường Hoa sẽ học hoặc tiếng Anh hoặc tiếng Malay trong trường tiểu học, và học cả hai thứ tiếng trong trường trung học. Các trường Malay cũng sẽ dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học và một ngôn ngữ thứ ba ở cấp trung học nếu học sinh đòi hỏi.

Bên dưới cuộc tranh cãi về giáo dục và ngôn ngữ là một cuộc chiến đấu vì quyền lực. Tầng lớp thương nhân người Hoa, những tay lãnh đạo bang hội và các trùm tư bản của Phòng Thương mại muốn có một Hội đồng lập pháp trong đó những đại biểu được bầu của họ có thể phát biểu cho cộng đồng người Hoa bằng thứ tiếng Hoa trôi chảy, chứ không bằng thứ tiếng Anh thiếu mạch lạc, để tăng thêm của cải và quyền lực của họ. Họ đã gửi một bản giác thư đòi có một cơ quan lập pháp đa ngôn ngữ tới Ủy ban Rendel (mà nó đã bị bác bỏ), và chúng tôi đã ủng hộ kiến nghị của họ ngay từ tháng 11/1954, thậm chí trước khi PAP được chính thức thành lập. Hiện Phòng thương mại lại đề nghị tiếng Hoa phải là một trong những ngôn ngữ chính thức.

Một vấn đề không thể tránh khỏi trong một xã hội đa chủng tộc, đa ngôn ngữ là làm thế nào để tổ chức một cơ quan lập pháp và một chính phủ có hiệu quả mà không gây ra một mớ hỗn độn. Mỗi cộng đồng lâu đời đều có một ngôn ngữ chính, và những ai gia nhập vào đều phải học ngôn ngữ đó, hoặc nó là tiếng Anh ở Mỹ và Canada, hoặc là tiếng Pháp ở Quebec. Nhưng khi Stamfort Raffles thành lập Singapore vào năm 1819, ông ta đã phân ranh giới những vùng khác nhau trong quy hoạch đô thị đầu tiên của mình, trong đó những chủng tộc khác nhau, thậm chí những nhóm người Hoa khác ngôn ngữ đều sẽ sống biệt lập với nhau. Sau đó người Anh đưa tới đây một số đông người Hoa, Malay, Ấn – tất cả đều nói tiếng mẹ đẻ của mình – và để mặc cho họ tự xoay xở.

Dưới áp lực của phái dân túy, Marshall, như có thể dự đoán, đã đề nghị một nghị quyết vào ngày 9/2/1956 rằng: “Hội đồng lập pháp này ủng hộ ý kiến rằng vì mục đích tranh luận trên diễn đàn, ngôn ngữ của Hội đồng sẽ là tiếng Anh, tiếng Malay, tiếng Phổ thông và tiếng Tamil và rằng một ủy ban tuyển chọn sẽ được chỉ định để nghiên cứu bản báo cáo và đưa ra nhữngkhuyến cáo cần thiết”. Marshall biết ông ta đã sẵn sàng chấp nhận việc đề nghị của mình có thể bị bác. Ông ta thuật lại rằng một người Malay đã nói với ông ta: “Với chủ trương đa ngôn ngữ, các ông sẽ giao chúng tôi vào tay người Hoa. Họ sẽ nhấn chìm chúng tôi.” “Vâng, thưa ngài,” ông ta đã trả lời, “thiểu số phải phục tùng đa số. Người Hoa chiếm 76 % trong cộng đồng chúng ta. Chúng ta đừng tránh né vấn đề.” Đây là kiểu điển hình của Marshall – nửa lý tưởng hóa và nửa (hay có lẽ hơn một nửa) là kẻ cơ hội mong muốn chứng minh ông ta Trung Hoa hơn cả người Hoa, và vì thế có thể chấp nhận như một người bênh vực cho họ, ít nhất là cho một nhiệm kỳ nữa. Tiếng hoan hô nhiệt tình dành cho những diễn giả người Hoa trong những cuộc mít–tinh lớn để tranh cử đã khiến ta thấy rõ rằng những ai chống lại chủ trương đa ngôn ngữ nhằm ngăn chặn những đại biểu người Hoa vào Hội đồng lập pháp chắc chắn sẽ mất phiếu bầu.

Trong bài diễn văn của mình, tôi nói: “Khi chúng ta đi tới quyết định này ngày hôm nay, chúng ta phải hiểu rằng nó là không thể thay đổi được, trừ phi dưới áp lực của vũ trang, và thậm chí điều đó cũng sẽ không có tác dụng lâu dài. Chúng ta phải nhớ rằng có những hàm ý sâu rộng hơn…” Đó là vào tháng 2/1956 và nhiều người đã chờ đợi một sự phát triển của tiếng Hoa và Indonesia và nền văn học của họ khi hai nước Trung Quốc và Indonesia hồi sinh, trở nên mạnh mẽ và đầy quyền lực trong vòng 10 đến 20 năm nữa. Không thể, về chính trị cũng như về tâm lý, thuyết phục đông đảo quần chúng, trong một tâm trạng chống thực dân, chấp nhận ưu thế của tiếng Anh.

Tôi biết rất rõ rằng sự thiếu thông hiểu tiếng Hoa, chứ đừng nói đến việc sử dụng nó thành thạo, là một bất lợi ghê gớm về mặt chính trị cho tôi. Tôi kể lại tường tận kinh nghiệm của riêng mình:

“Gia đình cho tôi theo học một trường Anh để chuẩn bị cho tôi sang một trường đại học bên Anh, cốt để tôi có thể trở thành con người có học vấn – ngang hàng với bất kỳ người Anh nào, theo kiểu người hoàn hảo. Tôi không biết gia đình tôi đã thành công đến mức nào trong việc này. Tôi lớn lên và cuối cùng đã tốt nghiệp đại học. Sau cùng, tôi cảm thấy – rất lâu trước khi tôi bước vào con đường chính trị, rằng toàn bộ thang giá trị đó đều sai từ căn bản.”

Rồi tôi trích dẫn lời của Nehru, nói rằng ông ta đã khóc chỉ vì không thể nói tiếng mẹ đẻ giỏi như nói tiếng Anh.

“Tôi là người ít xúc cảm, thưa quý ngài. Tôi không hay khóc lóc hoặc bứt tóc tai mình, hoặc xé giấy, hay lột phăng áo ra, nhưng điều này không có nghĩa là tôi không có những xúc động mạnh mẽ về điều đó. Con trai tôi sẽ không đến một ngôi trường Anh nào. Nó sẽ không là một mẫu người Anh. Dĩ nhiên, tôi hy vọng rằng nó sẽ biết tiếng Anh đủ để chuyện trò với cha nó về những vấn đề khác hơn là chuyện thời tiết.”

Đó là cách tôi cảm thấy. Nó có thể được cộng đồng những người nói tiếng Hoa hoan nghênh. Dù Lim Chin Siong và MCP không hài lòng với bản báo cáo, họ cũng không thể công khai chống đối tôi vì đã ủng hộ nó (cuộc bỏ phiếu có 29 phiếu thuận và không có phiếu chống) mà không gây một mối bất hòa trong PAP. Mặt khác, viên chủ tịch và phó chủ tịch của Nghiệp đoàn giáo viên tiếng Anh (trong các trường Hoa) thì có thể chống. Họ cho đó là “một mẩu ra vẻ đoan trang thuộc địa vô liêm sỉ” (sic)[14] và yêu cầu bổ nhiệm một ủy ban khác mà trong đó gồm những thành viên am hiểu sâu sắc nền giáo dục Hoa. Tôi bỏ qua lời tuyên bố này. Những giáo viên dạy tiếng Anh trong các trường Hoa – kém chuyên môn và lương thấp – đều có xu hướng khuynh tả như những giáo viên dạy tiếng Hoa vậy.

[14] (Nói thêm cho rõ. Các bạn có thể dễ dàng google ra những thông tin sau đây). Theo voatiengviet.com, “sic” có nghĩa là “so, thus” gốc Latinh (=y nguyên văn). Dùng sic trong ngoặc đơn () hay ngoặc vuông [] ngay sau chữ hay nhóm chữ ta muốn nói nguyên văn như vậy, dù rằng nguyên văn sai chính tả hay văn phạm. Theo học giả An Chi, “sic” có nghĩa là “như thế”, “thế đấy”. Từ điển tiếng Việt 1992 đã giảng nó như sau: “Từ dùng trong ngoặc đơn, đặt sau một từ ngữ hay một câu, để chỉ rằng nguyên văn (được trích dẫn – AC) là đúng như thế, nhằm nhấn mạnh tính chất kỳ quặc của từ ngữ hay câu dẫn ra ấy, hoặc nhằm biểu thị ý mỉa mai của bản thân người viết (Xin nói rõ lại: của bản thân người trích dẫn – AC)”. Ví dụ: “Trâu (sic) chết để da, người ta chết để tiếng”. Chữ “sic” thông báo rằng từ “trâu” là thuộc về nguyên văn của tác giả và rằng đó là một từ không bình thường. Người ta chỉ nói: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”.

MCP lo lắng về kỷ luật mà chính phủ áp đặt vào các trường Hoa. Họ sợ rằng nó sẽ ngăn cản các học sinh khỏi việc "bị phe nhóm chính trị lạm dụng để lật đổ một cách phi pháp chính phủ được thành lập hợp pháp". Tệ hại hơn, tiếng Anh sẽ mở ra cho chúng một thế giới hoàn toàn khác thông qua báo chí, văn chương và phim ảnh. Chúng sẽ nhìn thế giới bằng hai con mắt, với cái nhìn bình thường, thay vì chỉ nhìn một mắt qua kính viễn vọng của người Hoa. Tôi phải chiếm một vị trí mà nó sẽ không để tôi bị lên án như một người Hoa mất gốc. Nếu như tôi đi một bước sai lầm trong vấn đề này, tôi sẽ bỏ lỡ cơ hội. Nếu họ có thể chứng tỏ rằng tôi thích dùng tiếng Anh hơn là tiếng Hoa làm phương tiện giảng dạy chủ yếu trong nhà trường, thì tôi không thể duy trì mối quan hệ và ủng hộ của khối người nói tiếng Hoa.

Giữa năm 1955, tôi gởi Loong, lúc đó mới ba tuổi rưỡi, đến trường mẫu giáo Nanyang, nơi dạy tiếng Hoa. Sau đó khi tôi đến thăm trường với ủy ban liên trường, báo chí Hoa đăng một tấm hình của nó trong lớp mẫu giáo, khiến mọi người đều biết rằng nó đang được giáo dục bằng tiếng Hoa. Việc quyết định rằng ba đứa con của tôi phải được dạy dỗ trong ngôn ngữ và văn hóa của tổ tiên chúng đã khiến cho tôi đạt một sự tín nhiệm không bao giờ có thể bị công kích. Hai đứa con nhỏ hơn của tôi, Wei Ling và Hsien Yang, cũng theo bước Loong đi học trường mẫu giáo Nanyang và tiếp tục học trường tiểu học Nanyang. Sau đó Loong và Yang học trường trung học Catholic, trong khi Ling tiếp tục học trường nữ trung học Nanyang. Chúng là những người Hán học hoàn toàn, nhưng vì ở nhà chúng nói tiếng Anh với mẹ, nên chúng nói tiếng Anh cũng lưu loát như tiếng Hoa. Và với việc học thêm tiếng Malay, từ năm lên sáu, chúng đã thông thạo ngôn ngữ thứ ba.

Trong khi người dân Singapore bị rối trí bởi những khủng hoảng định kỳ do Marshall gây ra, bối rối bởi tình trạng lộn xộn trong trường học và xung đột chủ thợ trong chỗ làm thì có những sự kiện xảy ra ở Malaysia sẽ làm thay đổi tương lai của hòn đảo.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx