sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 13 phần 2

Hơn một tháng từ giữa tháng 4, tôi sống cùng Lim Chin Siong trong một căn hộ được phục vụ đầy đủ ở St James Court, nơi đoàn đại biểu liên đảng lưu trú. Căn hộ của chúng tôi có hai phòng ngủ kèm theo phòng tắm riêng và một phòng khách. Bữa ăn được phục vụ trong nhà hàng bên dưới, nhưng bữa điểm tâm có thể được mang lên phòng. Khách sạn đó có vẻ thanh lịch theo kiểu cổ, với kiến trúc bằng gạch trang nhã và những thang máy xưa.

Tôi sống trong môi trường quen thuộc và được Keng Swee và những người khác chỉ dẫn tận tình, tôi có thể đánh giá nhanh chóng các chính khách Anh đã thay đổi tư tưởng và lập trường của họ như thế nào. Nhưng Lim thì khác. Ông ta thể hiện mình là một kẻ dễ chịu, đáng yêu, không hề tự phụ nhưng có nhiều kiềm chế, như hầu hết những người Hán học khác. Ông ta rất lo lắng để không gây ra điều thất thố và rất biết ơn tôi vì đã mách nước cho ông ta về những tập tục xã hội của người Anh, như những tập tục trên bàn ăn của họ – cách cầm nĩa, muống và dao, và cách đặt muống và dao cùng nhau như thế nào để chứng tỏ bạn đã dùng xong một món ăn. Chúng tôi dùng chung một chiếc xe hơi. Mỗi đảng trong đoàn đại biểu được cấp một chiếc, nhưng vì ông ta không có những mối quan hệ xã hội ở London và những công việc của ông ta toàn là những việc chính thức, mà những việc đó tôi cũng đi, nên tôi sử dụng chiếc xe hết phần lớn thời gian. Tuy nhiên còn một lý do khác nữa: ông ta không hề muốn tài xế biết khi nào ông ta gặp riêng những tay thân cộng.

Tôi tự hỏi không biết ông ta đi lại bằng cách nào. Chắc hẳn trước khi rời khỏi quê nhà, ông ta đã có được một vài số điện thoại và địa chỉ. Nhưng MCP không có những cán bộ đáng tin cậy ở London nắm vững tình hình ở Singapore và Malaysia. Theo tôi biết, mối liên hệ quan trọng nhất của ông ta là John Eber, và tôi thấy yên lòng, vì điều đó có nghĩa là ông ta sẽ không nhận được lời khuyên đúng đắn. Ông ta không có ai tin cậy để nhờ vả, và đang hoạt động ở một thế hoàn toàn bất lợi, kèm theo lòng khinh bỉ của ông ta với các ủy viên thuộc Mặt trận Lao động cùng những đại biểu khác. Với quần áo bảnh bao và giọng nói ồn ào, họ có vẻ hào nhoáng, ra ngoài để vui chơi thỏa thích. Lim Chin Siong hoàn toàn ngược lại. Ông ta có một bộ com–lê mới và tự mua một chiếc mũ mềm theo lời khuyên nhưng ông ta không bao giờ đội nó trừ lúc ra phi trường. Ông ta rất bình dị, khiêm tốn và cư xử chừng mực, với một lòng tận tụy cho chính nghĩa của mình, ông ta đã thu phục được lòng tôn trọng và sự khâm phục vốn rất hiếm hoi của tôi. Tôi ước gì mình có những cán bộ giống như ông ta. Ông ta giống như một thầy đội Gurkha trong quân đội Anh – hoàn toàn đáng tin cậy, trung thành tuyệt đối, luôn sẵn sàng thi hành mệnh lệnh bằng hết năng lực của mình.

Có lẽ ông ta không biết đánh giá về tôi như thế nào. Tôi là một tay tư sản nốc bia ừng ực, thích chơi gôn, nhưng hẳn ông ta cũng hiểu rằng tôi không phải là không có một mục đích nghiêm túc. Về phía chúng tôi, phần lớn công việc soạn thảo các văn kiện đều do Marshall và viên luật sư của ông ta, Walter Reaburn, đảm trách, vì Marshall, về căn bản, đối phó với hội nghị này như một vấn đề pháp lý. Tôi xem nó hoàn toàn là một vấn đề chính trị, và Lim hẳn phải nhận thấy rằng tôi tập trung vào những vấn đề then chốt, kiểu như vấn đề về chủ quyền, trách nhiệm về an ninh và đối ngoại thông qua Hội đồng An ninh Quốc phòng, và chức chủ tịch hội đồng này.

Ngày nọ, giữa hai buổi họp, ông ta đi đến cửa hàng Collet, một hiệu sách thuộc cánh tả đối diện viện bảo tàng Anh, mua quyển The Story of Zoya and Shura[15] của L.Kosmodemyanskaya. Ông ta đưa tôi và nói: “Lee, cuốn sách này rất hay. Tôi đã đọc nó ở Trung Quốc hồi còn đi học. Và nó làm tôi thay đổi hẳn.” Tôi xúc động. Cuối cùng ông ta đã không gạch tên tôi như một tay tư sản ăn chơi trụy lạc. Tôi cám ơn và lướt qua các trang giấy. Một quyển sách bìa cứng do Moscow tài trợ và giá chỉ 5 si–ling. Nó kể lại một câu chuyện anh hùng về thời Đức xâm lược Liên Xô và chuyện một chàng trai và một cô gái đã hành động gì cho quê hương, cho bạn bè của họ và cho Đảng Cộng sản. Qua việc ca tụng những giá trị đạo đức, nó rõ ràng đã làm cho Lim xúc động dữ dội khi ông ta đọc nó vào độ tuổi thiếu niên nhạy cảm.

[15] Cuốn hồi ký kể về người nữ anh hùng Xô Viết Zoya Anatolyevna Kosmodemyanskaya và người em trai cũng là Anh hùng Liên Xô Shura Alexander Kosmodemyansky do mẹ ruột của họ ghi lại. Sinh năm 1923, chị là Người nữ anh hùng đầu tiên của nước Nga – Xô Viết. “Zoya Kosmodemyanskaya là một nữ chiến sỹ Xô Viết, chị đã đấu tranh và hy sinh cho nền độc lập của nước Nga, của loài người trên nhiều châu lục khác. Cho đến nay chị vẫn là một tấm gương mà biết bao thế hệ sau này trên nhiều quốc gia trên thế giới đang noi theo. Khí phách anh hùng, lòng quả cảm của chị đã và đang là đề tài của nhiều người yêu chuộng hòa bình trên thế giới ca ngợi”. Shura vốn là người bạn thân thiết nhất của Zoya. Cha của hai chị em đã mất đi khi ông mới ba mươi ba tuổi, lúc đó Zoya vừa mới xấp xỉ mười tuổi và Shura cũng mới lên 8. Với số tiền ít ỏi của người mẹ kiếm được bằng đồng lương giáo viên, để nuôi hai chị em khôn lớn thì quả là quá eo hẹp... Đến năm 1942, khi Zoya vừa mới qua đời, Shura quyết định đặt mua tặng Zoya một bộ áo mới để chị cảm thấy được ấm áp hơn. Để thực hiện được nguyện vọng này, Shura đã phải nhờ đến một công xưởng để trợ giúp về kỹ thuật, và anh cũng đã phải làm việc cật lực rất nhiều đêm dài không nghỉ để hoàn thành ý nguyện. Ngay sau khi Zoya mất đi, nhiều khi anh đã một mình đứng lặng trước mộ chị trong suốt cả một năm trời. Tính cách của hai chị em rất khác nhau. Shura thì không hay đọc nhiều sách báo, anh thường dùng hầu hết thời gian của mình để tham gia những hoạt động bên ngoài. Nhưng có một tính cách mà dường như hai chị em cùng giống nhau như đúc. Khi đứng trước ngôi mộ chị, anh chỉ cắn chặt môi mà không hề nức nở.

Khi được tin chị qua đời, Shura lập tức gia nhập quân đội Hồng quân. Nhưng anh cũng bị từ chối ngay vì còn quá trẻ. Vào năm 1944, ngay sau khi Shura vừa tốt nghiệp cao đẳng quân sự, anh được cử ra mặt trận và là chỉ huy của một khẩu đội pháo tự hành. Trong quân ngũ, anh nguyên là thượng úy chỉ huy khẩu đội pháo. Và rồi đến tháng 4/1945, anh đã anh dũng hy sinh ngay trên mặt trận Konigsberg. Sau khi hy sinh, anh được nhà nước Xô Viết phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Liên Xô.

Ông ta là người có thiện chí và có vẻ chân thành sâu sắc. Tất cả sự tán dương và xu phụ của đám đông không hề làm ông ta chao đảo. Nhưng chúng tôi không bao giờ phát triển một tình bạn thân thiết. Thay vào đó, chúng tôi nhận rõ bản chất của nhau là gì. Ông ta biết tôi không phải là một người cộng sản, tôi biết rõ ông ta là một người cộng sản. Và chúng tôi cùng chấp nhận nhau như thế. Ông ta cần tôi; tôi cũng cần ông ta. Ông ta tin tôi là một người lương thiện trong vấn đề tiền bạc, và nói chung là không lừa dối ông ta. Nhưng ông ta không tin tôi về các vấn đề chính trị. Đó là bản chất mối quan hệ của chúng tôi. Chúng tôi không lừa dối nhau về lập trường của mình. Vốn tiếng Anh của ông ta không đủ giỏi để ông ta thông hiểu hết khối văn kiện của hội nghị, nhưng như tôi viết cho Chin Chye vào lúc đó: “Ông ta đang viết những bản báo cáo dài lê thê gửi về, chỉ có Chúa mới biết gửi cho ai.” Có lẽ ông ta bày tỏ ấn tượng của mình về con người và đánh giá quan điểm của họ đối với những vấn đề quan trọng.

Riêng tôi gặp gỡ và dùng bữa với dân biểu Anh, cả Đảng bảo thủ lẫn Đảng Lao động. Các đảng viên Đảng Bảo thủ có xu hướng trở thành những mẫu người hung hăng, quan tâm đến tình hình thế giới nói chung và hoàn toàn khác xa các thành viên Đảng Lao động, những người có thiện chí và suy nghĩ nghiêm túc nhưng lại đầy tính địa phương. Tôi có một bữa ăn đáng nhớ với Fitzroy Maclean và Julian Amery. Maclean nổi tiếng nhờ những chiến tích thời Đức chiếm đóng Nam Tư, và đã viết những kinh nghiệm của mình trong cuốn Disputed Barricades, tôi thấy rất hấp dẫn. Amery cũng có một cá tính mạnh bạo, và sự quen biết của chúng tôi phát triển thành một tình bạn. Những người bạn như thế đã thể hiện giá trị rất lớn trong những năm 60 khi chúng tôi phải củng cố chính quyền ở Singapore, và thậm chí nhiều hơn thế nữa khi chúng tôi là bộ phận của Malaysia và bị đe dọa công khai bởi bọn Malay “Ultras”. (Tôi gọi họ là Ultras, theo cách người Pháp đặt tên cho những kẻ quá khích ở Algeria.) Việc tôi lưu lại London thì hay và có ích. Nhưng cuộc hội nghị thì không được như thế.

Ở London, Marshall đã đọc được lời tuyên bố của tôi hồi rời khỏi Singapore và cho là tôi đang phá hoại ông ta. Ông ta tấn công tôi kịch liệt trong một lần diễn thuyết trước 200 sinh viên Malay, cảnh báo họ rằng tôi đang lôi cuốn những “người cộng sản vào PAP và dọn dường cho những người cộng sản nắm quyền vào năm 1959”. Nhưng tôi không phải là người duy nhất mà ông ta nhận thấy đang bất đồng với ông ta. Lúc cuộc họp khoáng đại khai mạc, viên Bộ trưởng thuộc địa, Lennox–Boyd, vạch ra phương hướng cho toàn thể hội nghị trong bài diễn văn đanh thép, trầm tĩnh trong đó ông ta làm rõ quan điểm của người Anh. Đề cập đến cuộc viếng thăm London của Marshall hồi tháng 12 rồi, ông ta nói vị Tổng ủy viên này đã đi trệch khỏi sự thỏa thuận đã được đồng ý hồi ấy rằng Singapore sẽ chỉ có nền tự trị về nội vụ. “Thay vào đó, hiện ông ta mưu cầu sự độc lập chủ quyền toàn vẹn. Chính quyền Vương quốc Anh đã không hề được tham khảo mà cũng không đồng ý mở ra những cuộc thảo luận từ khởi điểm mới mẻ này.”

Marshall không hiểu hàm ý này. Ông ta đã để mình bị cuốn hút quá sâu vào dòng xúc cảm riêng tư. Trước khi rời Singapore, ông ta đã tuyên bố công khai rằng sẽ từ chức nếu như ông ta thất bại trong việc giành lấy độc lập. Vài ngày sau khi đến London, tôi nhận được một giác thư của ông ta đề ngày 21/4, nó được phổ biến đến các thành viên của đoàn đại biểu và đến chính phủ Anh. Marshall đòi hỏi merdeka, tức độc lập, ngay lập tức. Merdeka, ông ta chỉ rõ, sẽ tập hợp được nhân dân chống lại cộng sản.

Nhưng Lennox–Boyd không bị ấn tượng và tuyên bố vào ngày 25/4 rằng trong khi chính quyền Vương quốc Anh sẵn sàng thực hiện những nhượng bộ quan trọng đối với các nguyện vọng của Singapore, nó có ý định vẫn giữ quyền “quyết định cuối cùng” trong vấn đề an ninh nội chính dưới hình thức một hội đồng bảo an do một cao ủy người Anh giữ chức chủ tịch.

Thay vì đọc những dự báo thời tiết và khóa chặt hầm tàu, Marshall cứ quyết định giong buồm tiến tới. Ông ta phổ biến một giác thư mới vào ngày 1/5 cùng một bản dự thảo Điều luật Độc lập của Singapore. Bởi vì những bản kiến nghị trước đây của ông ta không được chấp nhận, ông ta nhất quyết yêu cầu nền độc lập toàn vẹn, lần này với điều kiện là cho một Hội đồng An ninh Quốc phòng mà nó “sẽ chỉ đơn thuần là cố vấn” và chỉ chấp nhận một “giai đoạn chuyển tiếp”, không có gì hơn. Suốt giai đoạn chuyển tiếp này người Anh có thể can thiệp và đình chỉ hiến pháp, nhưng mặt khác Singapore sẽ có “nền độc lập toàn vẹn” trong “những thời đoạn bình thường”. Bản kiến nghị mới của Marshall sẽ cho phép người Anh can thiệp chỉ trong “những thời điểm bất thường”, nói cách khác chỉ sau một thời kỳ lộn xộn hoặc sau khi phe cộng sản nắm quyền một cách bất hợp pháp và đe dọa nền móng nước Anh.

Sự phản ứng của Marshall với Lennox–Boyd cũng giống như sự phản ứng của ông ta khi viên thống đốc, Robert Black, khước từ ông ta về vụ bốn tay phụ tá thứ yếu. Ông ta tăng tiền cược, ông ta không nhận ra là mình đang đấu với tay chủ trò, mà tay này sẽ không nhượng bộ. Trong buổi họp kế tiếp, ngày 4/5, Lennox–Boyd chỉ trích thẳng thừng quan điểm của Marshall về “những thời điểm bình thường”, rằng "thời điểm hiện tại khó có thể được xem như thời điểm bình thường”, và cuộc tranh cãi cứ dằng dai, với một Marshall càng lúc càng căng thẳng khi Lennox–Boyd vẫn giữ một vẻ điềm tĩnh lạnh lùng.

Có một việc xảy ra khắc sâu trong ký ức của tôi. Giữa lúc Marshall đang hăng hái diễn thuyết, một thư ký riêng nhẹ bước đến chỗ Lennox–Boyd và đặt một bức điện trước mặt ông ta. Lennox–Boyd đọc và bắt đầu viết lên đó. Marshall bực bội. Ông ta dừng lại giữa chừng, và cao giọng nói chứng tỏ ông ta đang giận dữ: “Bộ trưởng Ngoại giao[16], chúng tôi biết là ông có nhiều thuộc địa trọng yếu khắp thế giới, nhưng chúng tôi đã vượt 8.000 dặm đến đây để trình bày trường hợp của chúng tôi và chúng tôi yêu cầu ông dành cho nó sự quan tâm đúng mức.”

[16] Như đã nói ở trên, chức vụ của Alan Lennox–Boyd thời điểm này là Chủ nhiệm Văn phòng giải quyết các vấn đề thuộc địa (Secretary of State for the Colonies hay Colonial Secretary) chứ không phải Bộ trưởng Ngoại giao. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (Foreign Secrectary) lúc này là ngài Anthony Eden. Có thể bản tiếng Anh dùng dạng rút gọn của chức vụ, Secretary of State, gây nhầm lẫn cho người dịch. Người làm ebook không tìm được bản tiếng Anh để đối chiếu. Từ chỗ này trở về sau, có thêm vài lần nhắc đến “Bộ trưởng Ngoại giao”, nhưng theo mạch câu chuyện thì có thể suy đoán rằng người được nhắc đến vẫn là Lennox–Boyd với chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Thuộc địa chứ hoàn toàn không phải là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Không rời mắt khỏi bức điện, Lennox–Boyd vẫn tiếp tục viết và nói: “Ngài Tổng ủy viên, hãy để tôi cam đoan với ông rằng trong tất cả các thuộc địa đáng giá của chúng tôi trên thế giới, Singapore là một trong những thuộc địa đáng giá nhất. Nó là một viên ngọc quý trên vương miện của Vương quốc Anh. Tôi đang lắng tai nghe. Ông đang nói thế này đây, ông Tổng ủy viên” – và ông ta lặp lại ba câu cuối cùng của Marshall đúng từng chữ một. Quả là một cuộc biểu diễn của một người có trình độ kỹ thuật cao, rất Anh, hoàn toàn chấn động. Marshall giận lặng người đi, một trạng thái bất thường đối với ông ta.

Nhưng tất cả đều trở nên rất chán và rõ ràng không đưa chúng tôi đến đâu cả, dù diễn ra nhiều cuộc họp kéo dài và những cuộc thảo luận lặng lẽ. Marshall đang đuổi theo một ảo tưởng, “một cái gì đó cao hơn chế độ tự trị về nội vụ mà phải đạt tới một nền độc lập hoàn toàn” như ông ta đã nói với tôi khi tôi hỏi ông ta muốn điều gì. Các buổi thảo luận kéo dài lê thê qua các phiên họp khoáng đại lần thứ tám, thứ chín, thứ mười, cho đến phiên họp thứ mười một, vào ngày 12/5, chúng tôi chuyển sang vấn đề về chức chủ tịch Hội đồng An ninh quốc phòng. Trước tiên Marshall gợi ý là người đó phải là người được Liên Hiệp Quốc chỉ định, một đề nghị bảo đảm là Anh sẽ bác bỏ. Ba ngày sau đó, hành động theo lời khuyên của ủy viên hành pháp của ông ta ở Singapore, ông ta gợi ý rằng đó phải là một người Malaysia do chính phủ Liên bang chỉ định. Lennox–Boyd ngạc nhiên. Với ba người Anh, ba người Singapore và một người Malaysia trong hội đồng, lá phiếu quyết định sẽ tùy thuộc vào người Malaysia và người Anh sẽ trở thành thiểu số. Buổi chiều, ông ta gạt bỏ ý kiến đó, nói rằng: “Trách nhiệm bảo an là vấn đề của người Anh và đến chừng nào tình hình vẫn còn như thế thì Anh vẫn phải là kẻ có tiếng nói cuối cùng trong cương vị chủ tịch Hội đồng An ninh quốc phòng”.

Cuộc thảo luận đi đến chỗ bế tắc. Lennox–Boyd quyết định không cần tiếp tục hội nghị nữa, và tuyên bố rõ rằng đến đây là kết thúc hội nghị. Marshall lặng người kinh ngạc. Mặt ông ta sạm đi vì xúc động. Ngoại trừ Marshall và Lim Chin Siong, tất cả các thành viên trong đoàn đại biểu bao gồm cả tôi đã chuẩn bị để chấp nhận những gì người Anh đề nghị – một hiến pháp tự trị với chính phủ Singapore phụ trách an ninh nội địa, nhưng người Anh vẫn có quyền khống chế chính phủ này thông qua một Hội đồng An ninh Quốc phòng trong đó người Anh sẽ chiếm đa số. Tôi khuyên Marshall đừng từ chối điều này, mà hãy “trở lại Hội đồng lập pháp và thảo luận lại vấn đề để sau đó tiến một bước xa hơn”. Nhưng ông ta bác bỏ ngay lập tức – ông ta không phải là con người biết tính toán trầm tĩnh, bình thản khi lâm vào tình thế khó khăn mà ông ta tự trói mình vào.

Tối hôm đó, chúng tôi cùng được phỏng vấn trên đài truyền hình độc lập. Cả hai chúng tôi đều lên án Lennox–Boyd kịch liệt, nhưng Marshall dùng ngôn ngữ hình tượng hơn, quả quyết rằng vị Bộ trưởng Ngoại giao đã bày ra “một chiếc bánh Giáng sinh với nước xốt chứa độc dược.” Giờ ông ta phải giữ lời hứa từ chức của mình.

Khoảng 5 giờ 45 chiều hôm đó, viên thư ký của đoàn đại biểu điện thoại đến nói rằng Marshall đang triệu tập một cuộc họp khẩn cấp nhằm thảo luận việc tái tục cuộc đàm phán. Tôi đánh thức Lim Chin Siong để báo tin. Ông ta không tin.

“Lee, thôi đi, đừng giở trò lỡm tôi,” ông ta nói bằng giọng Anh pha Hokkien của mình.

“Lim, tôi nói thật mà. Có một cuộc họp lúc 6 giờ.”

Bằng những hành động lắt léo đầy bất ngờ và mâu thuẫn của mình, Marshall đã gây bực bội không chỉ cho tôi và những thành viên Đảng Xã hội Tự do, mà cả những thành viên chủ chốt thuộc Mặt trận Lao động của ông ta. Ý muốn tái tục đàm phán để tự cứu mình của ông ta là quá sức chịu đựng của họ. “Ông không thể ăn những gì ông đã mửa ra,” như lời một đại biểu thuộc Đảng Xã hội Tự do xen vào bằng tiếng Hokkien đầy hình tượng. Suốt nửa giờ họp, Marshall biết rằng nếu ông ta cố tìm cách tái tục việc đàm phán, ông ta sẽ phải làm điều đó một mình. Ông ta đã đi quá xa vai trò của mình và đã bị cô lập.

Tối đó, ông ta tới xem vở Madam Butterfly cùng với Lennox–Boyd và bà Patricia Boyd, sau đó đến một nhà hàng Tây Ban Nha dùng cơm trong tiếng ghi–ta và tiếng thiết hài của các vũ công. Trong khi đó, tôi quyết định ngăn ông ta đừng đóng một màn phục hồi các thứ. Trong một cuộc họp báo tối đó ở Malaysia Hall, tôi tuyên bố rõ rằng PAP sẽ chẳng can dự gì đến việc tái tục hội nghị. Tôi nói đó là “một sự cố gắng vô vọng cuối cùng để bám lấy chức vụ, một dấu hiệu của sự bất tài về mặt chính trị đến khó mà tin được”, và để kết thúc, tôi thêm: “Chưa bao giờ trong lịch sử phát triển thuộc địa lại có quá nhiều trò bịp bợm được trình diễn bởi sự lãnh đạo thất thường đến thế trong một thời gian ngắn như thế.”

Tôi biết rằng qua việc tổ chức họp báo trong đúng buổi tối đó, dù có muộn đi nữa, tôi cũng sẽ xuất hiện trên báo chí London vào ngày hôm sau, cũng như trên báo chí Singapore, dù bị chênh lệch múi giờ. Những gì tôi nói sẽ xuất hiện trên báo và minh định quan điểm của tất cả mọi thành viên trong đoàn đại biểu. Và đó là những gì đã xảy ra.

Tôi rời London cùng Lim Chin Siong vào ngày 21/5. Cuộc hội nghị đã thực sự là một thất bại. Nhưng nó không phải là không có giá trị, vì nó đã giúp Singapore thoát khỏi tính phấn khích thất thường của Marshall. Marshall phải từ chức, và tôi đoán rằng Lim Yew Hock có thể sẽ là Tổng ủy viên kế tiếp của chính phủ Mặt trận Lao động. Chúng tôi sẽ bước vào một giai đoạn mới. Tôi không biết chắc Lim Chin Siong nghĩ gì. Có thể ông ta đang suy nghĩ đến hậu quả của tính hấp tấp của Marshall mà ông ta đã từng cổ vũ. Chắc chắn chúng tôi sẽ có một chính phủ ít thuận lợi cho CUF, bởi vì Lim Yew Hock sẽ là một giải pháp khác. Trong những giai đoạn cuối của cuộc hội nghị, tôi thấy Marshall hoàn toàn chịu ảnh hưởng của Lim Chin Siong. Khi ông ta làm cho tất cả những người phi cộng sản chán ghét bởi sự thay đổi quan điểm và những cơn hỉ nộ bất thường của mình, thì Lim là người ông ta trông chờ để có sự ủng hộ, và ông ta đã ngu ngốc nghe theo lời khuyên của Lim khi bác bỏ lời đề nghị cuối cùng của Lennox–Boyd.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx