sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 19 phần 1

19

CẦM QUYỀN

Đó là một thắng lợi, nhưng tôi chẳng mấy hân hoan. Tôi bắt đầu nhận ra sức nặng của những vấn đề chúng tôi phải đương đầu – thất nghiệp, lòng mong mỏi có được những kết quả nhanh chóng lại quá lớn, sự khuấy đảo của những người cộng sản, thêm nhiều âm mưu lật đổ từ phía các nghiệp đoàn, trường học và các tổ chức, đình công tăng, đầu tư giảm, thất nghiệp nhiều hơn và rối loạn cũng càng lắm. Lim Chin Siong và Fong Swee Suan trong ít lâu nữa sẽ hoạt động trở lại trong khối người Hoa để phá hoại ngầm chúng tôi. Khi Lennox–Boyd gửi điện chúc mừng, tôi đã trả lời rằng:

“Ít người hiểu rõ những nguy nan của chuyến hành trình mà Singapore giờ đây đang bước vào. Trong năm năm nữa chúng tôi thành công được đến đâu là tùy thuộc vào việc chúng tôi đã hoạch định chu đáo và làm việc cật lực đến độ nào, vào việc chính phủ Anh hiểu biết đến đâu về những chuyện đang diễn ra và lý do tại sao, và tùy vào đủ thứ các vị thần linh có mặt trên cái hòn đảo nhỏ nhoi 220 dặm vuông này. Yếu tố đầu chúng tôi dám khẳng định, còn yếu tố thứ hai thuộc về các ông, và yếu tố thứ ba tùy thuộc vào những lời cầu khẩn của nhân dân Singapore khấn nguyện các vị đó ban phước lành cho chúng tôi.”

Còn một yếu tố thứ tư nữa – đó là thái độ của các láng giềng phương Bắc của chúng tôi. Người đầu tiên ca tụng tôi một cách công khai là thủ tướng Malaysia. “Nhân dân Singapore đã có sự chọn lựa thật rõ ràng. Tôi xin chúc mừng PAP đã giành được đa số như vậy,” ông ta phát biểu với báo chí. Nhưng đó không phải là lời của Tunku mà của Dato Abdul Razak bin Hussain (sau này cũng được phong tước Tun), đương quyền tạm thời trong lúc Tunku vắng mặt. Ông ta chẳng mấy khéo léo trong giao thiệp:

“Chiến thắng của họ cũng tất nhiên thôi. Các đảng khác thì chia rẽ và không thể hình thành nổi một phe đối lập đủ mạnh để địch lại PAP. Tôi rất vui là ông bạn của tôi, Tun Lim Yew Hock đã giành được thắng lợi. Ít ra ông ta cũng sẽ là một đối trọng mạnh đối với chính quyền. Mặt khác, nếu phe đối lập muốn được hữu hiệu thì họ phải đoàn kết lại, cả với bên ngoài hội đồng, bằng không tình trạng cũng vẫn sẽ chẳng có gì thay đổi.”

Tôi nhận được nhiều thư chúc mừng cá nhân của những người có cảm tình với tôi, kể cả của thủ lĩnh chống thực dân rất nổi tiếng của Hiệp hội Fabian, cô Hilda Selwyn–Clarke. Cô đã nói với sỹ quan Sở đặc vụ Singapore Richard Corridon rằng tôi là một nhà xã hội chủ nghĩa tốt, chứ không phải là một người cộng sản. James Callaghan, nghị viên đảng Lao động và về sau làm thủ tướng nước Anh, từng thăm Singapore vào đầu những năm 1950, biết rất rành về miền này, đã có lời nhắc nhở trong thư chúc mừng của ông: “Từ những giao tiếp của bản thân tôi với đất nước này, tôi biết chính phủ Liên bang sẽ bị chạm tự ái đến độ nào và ông sẽ phải làm rạch ròi công việc của ông để trấn an họ. Phản ứng của báo chí ở đây thật mỗi người mỗi ý. Đang có những nỗi lo sợ nơi những người không hiểu tình hình.”

Chúng tôi đã suy nghĩ khá kỹ trước kỳ tuyển cử và kết luận rằng Lim Chin Siong cùng nhóm của ông ta phải được trả tự do trước khi chúng tôi nắm quyền, bằng không chúng tôi sẽ bị mất tín nhiệm hoàn toàn. Thế nhưng, sau khi tranh cử và thắng cử bằng chính sức mình, chúng tôi quyết tâm khởi đầu chính quyền mới bằng cách tổ chức một cuộc mít–tinh mừng thắng lợi trước khi họ được thả và cuộc tranh đấu lại tái tục.

Chúng tôi quyết định tổ chức cuộc mít–tinh đó vào ngày thứ tư, 3/6. Tôi đã yêu cầu viên thống đốc trả tự do cho tám chính trị phạm một ngày sau cuộc mít–tinh và trước khi chúng tôi tuyên thệ nhậm chức. Goode muốn chúng tôi nhậm chức ngay tức thời nhưng quan tâm của tôi là phải có thời gian để sắp xếp mọi chuyện, khiến người Anh đồng ý việc phóng thích, hình thành nội các, và tổ chức mít–tinh trước đã. Goode phản đối với lý do ông ta phải liên hệ với London về chuyện thả người, điều đó có nghĩa rằng với kế hoạch của tôi thì sẽ có một khoảng trống không có chính quyền khi Lim Yew Hock phải từ chức lúc bị thất cử. Ông ta không vui vì chuyện trễ nãi này, nhưng tôi vẫn giữ ý mình. Tôi yêu cầu ông ta cho tôi có thời gian để đặt những người quốc gia vào một vị thế vững mạnh hơn trước khi cuộc tranh đấu kế tiếp bắt đầu. Tôi không nghĩ trước mắt sẽ có chuyện khủng hoảng nào. Hôm sau, ông nói với tôi London đồng ý trả tự do cho các chính trị phạm, nhưng khi ông lặp lại rằng ông muốn tôi phải nhậm chức càng sớm càng tốt, tôi đã nói rằng cần phải tham khảo ý kiến của các đồng sự đã.

Tôi họp với ủy ban chấp hành trung ương tại trụ sở đảng vào buổi chiều suốt một tiếng đồng hồ, rồi trở lại Dinh Chính phủ lúc 4 giờ chiều. George Thomson, giám đốc Sở Thông tin, sau đó đã đưa ra một bản tuyên bố cho các phóng viên đang chờtrước cổng. Bản tuyên bố nói rằng sau hai cuộc họp kéo dài hai tiếng đồng hồ và “sau khi tham khảo với chính phủ Anh, cũng như để tạo buổi đầu êm đẹp và mau chóng cho hiến pháp mới, thống đốc, với sự tư vấn của các thành viên mặc nhiên của hội đồng, đã quyết định thả các tù nhân có liên can.” Cùng lúc đó, Goode nói với tôi ông không thể cứ ngồi đó mà chờ; ông sẽ cho đăng trên công báo và cho hiến pháp có hiệu lực kể từ ngày 3/6. Một lần nữa tôi phản đối và nói rằng chúng tôi chỉ có thể tuyên thệ nhậm chức được vào ngày 5/6, sau khi Lim Chin Siong, Fong cùng sáu người thân cộng khác nữa không những đã được thả ra mà còn chính thức đưa ra lời tuyên bố công khai ủng hộ các mục tiêu không cộng sản của PAP. Tôi muốn rằng lời tán thành đó phải được đăng trên các báo, do đó, chúng tôi nhậm chức chỉ vào trưa ngày 5/6 để hai tin đó không tranh nhau trên trang nhất các báo. Goode không đồng ý, nhưng tôi nhất quyết như vậy rồi.

Cuộc mít–tinh của chúng tôi diễn ra trước Tòa Thị chính Thành phố vào đêm ngày 3/6 mà không có mặt của những người thân cộng. Chúng tôi có 43 nghị viên đứng trên bục diễn đàn, tất cả đều mặc đồ trắng để tượng trưng cho một chính phủ trong sạch – sẽ không còn bất kỳ chuyện tham nhũng nào như đã từng xảy ra tại Singapore trước đây và đã tồn tại ở nhiều quốc gia mới thành lập. Tôi giới thiệu nội các mới gồm chín người tính cả tôi. Tôi đã đọc một bài diễn văn nghiêm trọng và gần như bi quan. Đã có rất đông người đến dự, khoảng 50.000 người ở Padang – trong trật tự, hy vọng và trong tâm trạng vui vẻ. Tôi chọn dịp này để làm cho họ đừng quá mong ước, và để chuẩn bị phòng vệ trước những tấn công mà tôi biết sẽ có của những người cộng sản. Họ muốn đòi tự do nhiều hơn nhằm gây lật đổ tại Singapore và dùng sức mạnh trên hòn đảo này để hỗ trợ cho cuộc cách mạng tại Malaysia.

Tôi phác họa lập trường của chính quyền:

Chúng ta đang bắt đầu một chương mới. Quyền lực của dân chúng thông qua chính phủ dân cử của họ bị khuôn hạn trong những vấn đề đối nội. Đó chưa phải thực sự những gì chúng ta muốn nhưng đó là một bước để tiến tới sáp nhập và merdeka. Những điều lành không từ trên trời rớt xuống. Chúng chỉ có thể có được bằng cách làm việc cật lực và bền lâu. Chính phủ không thể tạo được kết quả trừ phi dân chúng ủng hộ và duy trì nỗ lực của chính phủ. Có thể có những lúc mà vì lợi ích của toàn thể cộng đồng, chúng tôi có thể có những biện pháp mất lòng đối với một bộ phận nào đó của cộng đồng. Khi ấy, xin nhớ rằng nguyên tắc chỉ đạo cho các hành động của chúng tôi là: lợi ích tối thượng của cả cộng đồng phải là trên hết.”

Đối với cộng đồng người Anh, tôi đã có lời lưu ý như thế này:

“Các bạn biết không, chúng tôi muốn sử dụng khu Padang này làm nơi mít–tinh tranh cử vào buổi tối, nhưng có một nhóm nhỏ người Âu được chính phủ thực dân trước đây cho quyền sử dụng khu này đã từ chối, không cho phép làm như vậy, mặc dù họ chỉ sử dụng sân này vào ban ngày cho một số người để chơi thể thao! Ấy, thời thế đã đổi thay, và sẽ tiếp tục đổi thay.”

Trong một diễn văn quan trọng nhắm vào những người cóAnh học, Keng Swee nói rằng họ phần lớn chịu sự nhào nặn của báo chí tiếng Anh và của nhà thờ, nhất là của Giáo hội Công giáo. Là một tầng lớp xã hội, họ đã bỏ phiếu chống lại PAP, nhưng họ là thiểu số, và ông lưu ý họ rằng trong tương lai, họ sẽ bị mất đi các đặc quyền đã được hưởng dưới thời người Anh, và sẽ phải cạnh tranh bình đẳng với mọi người khác trên đất nước Singapore. Để tồn tại, họ phải nỗ lực để hiểu được rằng những thay đổi đang diễn ra là thể theo nguyện vọng của các lực lượng xã hội to lớn nằm chìm dưới bề mặt, chứ chẳng phải thể theo những mưu toan của các chính khách.

Các tờ Straits Times và Singapore Standard chưa bao giờ đăng tải những phân tích của chúng tôi về nguyên nhân của những xáo trộn chính trị, và hậu quả là chúng tôi chẳng bao giờ có thể làm cho những người Anh học hiểu được rằng những bất mãn sâu xa về xã hội, kinh tế, chính trị đang khiến những người Hán học ủng hộ cộng sản và đang giúp họ lật đổ trật tự hiện có. Giờ đây chúng tôi đã nắm chính quyền, họ phải lắng nghe, và báo chí tiếng Anh phải đăng những gì chúng tôi nói. Do vậy, chúng tôi khởi sự làm cho họ phải hiểu những gì chúng tôi nói, một tiến trình bắt đầu bằng diễn văn tối hôm đó của Keng Swee.

☆ ☆

Ngày hôm trước của cuộc mít–tinh, Dennis đã đi Changi để báo cho những người bị giam rằng họ sẽ được trả tự do vào ngày thứ ba, và vào lúc 8 giờ sáng ngày 4/6, Lim Chin Siong, Fong, Nair, Woodhull, Puthucheary cùng ba người khác nữa bước ra khỏi Nhà tù Changi, trước sự chào đón của 2.000 thành viên PAP cùng những người ủng hộ nghiệp đoàn đang đứng bên ngoài, vẫy các biểu ngữ. Họ được đưa tới trụ sở của đảng, nơi họ sẽ gặp gỡ với ủy ban chấp hành mới. Vào lúc 11 giờ, họ gặp gỡ giới báo chí, Nair làm phát ngôn viên, và đưa ra bản tuyên bố mà họ đã ký.

Ngày hôm sau, báo chí đã đăng tải tuyên bố của họ:

“Để đạt được sự nhất quán hoàn toàn với lý tưởng một nước Malaysia thống nhất, và để đấu tranh bằng những phương thức hòa bình, dân chủ và hợp hiến cho những mục tiêu lâu dài vì một Malaysia xã hội chủ nghĩa, phi cộng sản, dân chủ, độc lập và thống nhất… Thật là sai lầm khi xem việc tách Singapore khỏi Liên bang Malaysia chỉ là một thủ đoạn của riêng người Anh. Người Anh dĩ nhiên không thể tránh né phần trách nhiệm trong chuyện chia tách tai hại này… Tuy nhiên, sự thật vẫn là việc loại Singapore ra ngoài cũng chính là một sự phản ảnh nỗi lo sợ của khối đa số người Malay trong Liên bang rằng người Hoa đa số tại Singapore không thể hết lòng vì Malaysia, và không thể đồng hóa với tinh thần dân tộc Malaysia được… Công việc của chúng ta, những người ở Singapore, là phải chứng tỏ rằng những sợ hãi và nghi ngờ như vậy của những anh em trong nội địa là vô căn cứ.”

Khi được hỏi tại sao họ ủng hộ việc sử dụng Pháp lệnh PPSO, Nair trả lời: “Lập trường của chúng tôi cũng giống như của PAP,” tức là sẽ tuân theo các luật thành văn chừng nào Liên bang Malaysia vẫn còn có những luật dự trù cho việc giam cầm không cần xét xử. Đúng như tôi đã trông đợi ở Nair, các bài báo đều rõ ràng và không lập lờ nước đôi. Nhưng tôi biết Lim Chin Siong không mấy thành thực. Đối với ông ta, đây chẳng qua chỉ là một bước chiến thuật. Tôi hy vọng Fong, người mà Nair đã bỏ ra nhiều giờ để thuyết phục, sẽ không ngả trở lại phía Lim nữa. Nhưng tôi không dám chắc lắm. Tôi cố gắng vô hiệu hóa họ bằng cách giao cho họ những chức vụ cao nhưng không có thực quyền – Puthucheary làm giám đốc của một Ủy ban Khuếch trương Công nghiệp mới, và bốn người khác làm bí thư chính trị cho bốn Bộ trưởng.

Những phát triển này được người Anh theo dõi rất sát, bởi họ nóng lòng muốn xem các bộ trưởng mới của PAP sẽ cầm quyền ra sao. Bill Goode đã gửi cho Lennox–Boyd một báo cáo đềngày 12/6/1959 như sau về cuộc tuyển cử, một báo cáo 40 năm sau đọc lại vẫn còn thấy thú vị:

“…PAP đã tập trung vào việc tự giới thiệu mình như một đảng xã hội chủ nghĩa dân chủ, có những tư tưởng mang tính xây dựng, có sự trung thực, năng lực và khả năng cầm quyền. Cương lĩnh của họ nhấn mạnh vào nhu cầu phải đấu tranh vì độc lập thông qua hợp nhất với Liên bang Malaysia, và nhu cầu phải có sự hòa hợp giữa các cộng đồng chủng tộc tại Singapore. Họ ủng hộ việc coi tiếng Malay là ngôn ngữ chung để phá bỏ hàng rào chủng tộc và đã đưa ra tới chín (sic) ứng cử viên người Malay. Một đặc điểm nổi bật trong chương trình của họ là nhấn mạnh đến việc nhất thiết phải tổ chức lại guồng máy chính quyền và các cơ quan công quyền khác, nhất là phải bỏ Hội đồng Thành phố, để tiệt trừ nạn “quan liêu, cửa quyền và làm việc giẫm chân nhau”. Trong các bài phát biểu của đảng, các ứng cử viên đã triển khai các chủ đề này (sic) tùy theo đối tượng nghe. Khi làm như vậy, họ thường có đề cập thiếu tính chất xây dựng tới các khuyết điểm được cho là có ở những đảng khác, tới sự thù địch được cho là có ở các tờ báo tiếng Anh, ở khối dân Anh học, và ở các doanh nhân “da trắng”. Sự miệt thị các cường quốc phương tây cũng như chuyện chỉ trích chính phủ Anh hầu như không có tại bất kỳ khu vực nào…”

“Sự chia rẽ trong số cử tri ôn hòa tất nhiên sẽ làm cho phe đối lập mất đi nhiều ghế. Tại 13 đơn vị bầu cử, một ứng cử viên PAP đã tái cử với một số phiếu không lớn… Sau kỳ bầu cử PAP công khai thừa nhận họ không thành công trong việc giành được phiếu bầu của người Malay hay khối dân nói tiếng Anh. Người Malay nói chung sợ PAP là những phần tử cực đoan người Hoa, họ cũng không bị thuyết phục bởi việc PAP mạnh dạn đưa tiếng Malay thành quốc ngữ cũng như việc PAP đã đưa ra chín (sic) ứng cử viên người Malay. Trong các cuộc mít–tinh vận động bầu cử, các nhà lãnh đạo hàng đầu của PAP đã có mọi nỗ lực để chinh phục các công nhân áo trắng[24] nói tiếng Anh của thành phố này. Tuy nhiên, số còn lại và các vùng ngoại ô thì bỏ phiếu cho ứng cử viên SPA, hoặc PAP thắng cử là do số phiếu của cử tri ôn hòa bị chia sẻ giữa SPA và Xã hội Tự do hay ứng cử viên độc lập…”

[24] Theo tapchicongsan.org.vn, “công nhân áo xanh” chỉ những người lao động chân tay, “công nhân áo vàng” là kỹ thuật viên, “công nhân áo trắng” hay “công nhân cổ cồn” chỉ kỹ sư.

“Phần lớn các nghị viên PAP đều còn trẻ, nhiều người còn trong độ tuổi hai mươi. Tuổi bình quân của Nghị viện là ba mươi lăm, và thành viên trẻ nhất là một đảng viên PAP, làm nhân viên cửa hiệu, mới hai mươi hai tuổi. Ba Bộ trưởng trước đây, J.M. Jumabhoy, Francis Thomas và M.P.D. Nair đều đại bại trước các ứng cử viên PAP mới ở độ tuổi hai mươi này. Thất bại của Jumabhoy là khó chịu nhất khi đối thủ thắng ông ta là một cô gái mới hai mươi lăm tuổi, trợ lý bí thư phân bộ phụ nữ của PAP…”

“Do đó Hội đồng lập pháp mới sẽ dưới sự chi phối của đa số PAP. Sau đây là những nghề nghiệp của họ.” (Thế rồi Goode đã liệt kê một danh sách, gồm có 5 giáo viên, 4 ký giả, 8 cán bộ nghiệp đoàn, 2 thợ làm tóc và 1 nông dân, bên cạnh những ngành nghề khác.) “Một thay đổi khác nữa rất có ý nghĩa là ba Bộ trưởng đầu tiên thiết lập văn phòng của họ tại Tòa Thị chính.”

Thật ra chúng tôi muốn cắt bỏ quá khứ bằng cách chuyển chỗ của chính phủ từ Empress Place sang Tòa Thị chính. Đây chính là nơi Ong Eng Guan khởi nghiệp với vai trò thị trưởng giữa những rối ren và bất an – nhưng đã tạo cho những người dân thấp cổ bé miệng của Singapore niềm hy vọng rằng chính phủ PAP sẽ quan tâm tới các lợi ích của họ và sẽ thực lòng chăm lo những quyền lợi ấy.

Tôi và các đồng nghiệp của tôi đã tuyên thệ nhậm chức vào chiều ngày thứ Sáu, 5/6/1959, tại đại sảnh của Tòa Thị chính, nơi Mountbatten đã đầu hàng trước các chỉ huy quân sự Nhật Bản ở Đông Nam Á năm 1945 – và cũng là nơi, đúng 12 năm sau, thị trưởng Ong đã vứt bỏ biểu tượng quyền hành của thực dân Anh, cây kim trượng. Tôi quyết định chồng lên hình ảnh đó bằng dấu ấn của chính quyền mới. Vào thời đó, thủ tục đòi hỏi các Bộ trưởng phải có mặt tại Dinh Chính phủ, trước sự đón nhận tuyên thệ của thống đốc trong lễ phục màu trắng với mũ gắn lông trắng. Lần này, viên thống đốc sẽ đi từ Dinh Chính phủ tới Tòa Thị chính. Ong không phải mặc cái gì có tính cách nghi lễ hơn một bộ đồ nâu nhạt và thắt cà vạt. Chúng tôi mặc áo sơ mi trắng không cài khuy cổ và quần dài trắng. Tôi đón ông ta từ dưới các bậc tam cấp và đi với ông vào đại sảnh được bày biện đơn sơ, chỉ có một cái bàn và mấy cái ghế – chẳng có thời giờ đâu mà bày biện đủ thứ. Ngoài giới báo chí, có 200 ủng hộ viên đã làm việc chí tình trong kỳ tuyển cử, cũng ăn mặc màu trắng. Nhưng không có mặt các bà vợ, một điều mà Choo cứ ca cẩm với tôi cho tới nay. Cô ấy cũng đã hoạt động rất hết lòng và những mong sẽ được có mặt vào giờ phút đó. Tôi nói chuyện đó sẽ dẫn đến rắc rối với phu nhân của những người khác, và dẫu sao đó cũng chỉ là một nghi thức nhỏ thôi. Cô ấy vẫn không nguôi giận.

Nhưng tôi cũng không thể nhượng bộ.

Sau khi đón nhận lời tuyên thệ của chúng tôi, Goode, với tư cách thứ nhất là Yang di–Peruan Negara (quốc trưởng) và kế nữa là thống đốc của Singapore, đã có lời chúc mừng chúng tôi. Tôi đã đáp tạ rằng: “Thật may mắn cho chúng tôi là trong vài ngày mới đây chúng tôi đã có dịp làm việc với một số người thấu hiểu cho các hy vọng và ước nguyện của nhân dân chúng tôi và những giới hạn trong tình hình của chúng tôi… Tôi hy vọng trong sáu tháng tới trong nhiệm kỳ của ông, ông sẽ trợ giúp chúng tôi thi hành nhiệm vụ lãnh đạo đất nước Singapore thật hiệu quả, trôi chảy và êm đẹp.”

Sau lễ tuyên thệ, chúng tôi ai nấy đều nhiệt tình bắt tay vào cuộc, chú tâm với công việc của mình và cố gắng tạo uy tín cho chúng tôi càng nhiều càng tốt trước khi niềm phấn khích bị nguội đi. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi biết rằng lòng nhiệt thành không thôi vẫn không đủ. Muốn cho các Bộ trưởng cống hiến tốt nhất, họ phải có những văn phòng được điều hòa không khí. Điều này nghe ra có vẻ kỳ cục, nhưng nếu không có văn phòng có điều hòa không khí, sẽ khó có thể đạt được hiệu quả trong công việc tại đất nước Singapore nhiệt đới này. Sau năm đầu của tôi ở Laycock & Ong, tôi được đưa vào làm việc tại văn phòng chính. Nóng, ẩm ướt và ồn ào không chịu nổi, nhất là vào buổi chiều. Tôi cứ phờ cả người đi, các thư ký chỉ làm còn bằng phân nửa năng suất bình thường, nhân viên đánh máy cứ đánh sai tới sai lui còn các luật sư lại sai thêm khi sửa lỗi chính tả các văn bản ấy cũng như khi đọc cho họ đánh máy. Ở tòa đại hình, sự việc còn tệ hại hơn nữa, bởi chúng tôi phải mặc áo thụng cổ cao, rồi gi-lê nữa – một kiểu quần áo vốn được thiết kế cho mùa đông London giá buốt. Bước ngoặt trong đời tôi về mặt tiện nghi và hiệu quả là vào năm 1954, lúc Choo và tôi cho gắn một máy lạnh một ngựa trong phòng ngủ. Từ đó về sau, chúng tôi chưa bao giờ bị mất ngủ vì cái nóng oi người. Do vậy, tôi khuyến khích việc gắn máy lạnh cho tất cả các văn phòng của cơ quan nhà nước.

Tôi chiếm văn phòng thị trưởng trên lầu hai, dùng chung với Chin Chye, phó Thủ tướng, một văn phòng chung, một phòng tiếp tân và một phòng họp, để tiện việc liên lạc, thư ký của tôi sẽ ở phòng giữa các phòng của hai chúng tôi. Nhưng Ong Eng Guan không làm việc chung ở Tòa Thị chính với chúng tôi, ông chọn một căn nhà do nhà nước quản lý nằm trong đơn vị bầu cử Hong Lim của ông và lấy đó làm văn phòng của Bộ Phát triển Quốc gia. Tôi không xét kỹ lý do tại sao nên đã đồng ý việc đó. Tôi đã không biết rằng tòa nhà đó hoàn toàn không thích hợp để làm một cơ quan chính phủ, nó cần phải được tu sửa toàn diện, phải đập bỏ tường, phải đi lại đường ống nước và đường dây điện, rồi bàn ghế, tủ đựng hồ sơ và tủ sắt đều phải được khiêng lên qua những cầu thang nhỏ hẹp. Nhưng đối với Ong thì những chuyện này là không đáng kể, là những tiểu tiết hành chính bị ông phớt lờ khi mưu cầu một trung tâm quyền lực riêng cho mình. Ông ta không muốn chia sẻ vinh quang trong Tòa Thị chính cùng với tôi và Chin Chye. Chỉ mấy tháng sau, tôi nhận ra là chứng hoang tưởng tự đại của ông ta vẫn còn nguyên đó. Ông ta muốn trội hơn những người khác trong nội các, muốn cho mình trước mắt công chúng cũng còn nguyên vẻ hào quang như thời làm thị trưởng.

Chính vì vậy, ông ta công bố những kế hoạch chi tiêu rất lớn mà không thông qua trước với Bộ trưởng tài chính hay nội các gì cả, và gây nhiều sửng sốt cho các Bộ trưởng khác.

Keng Swee thì đảm nhiệm Bộ tài chính và đã đến Tòa nhà Fullerton. Ông đã quen thuộc với công việc dân chính, nên đã nhanh chóng bắt tay vào việc. Tài chính là bộ quan trọng nhất của chúng tôi, và tôi cho phép ông ta được tuyển chọn người theo ý ông. Về thư ký thường trực, ông chọn Hon Sui Sen, bạn thân của tôi hồi thời Nhật chiếm đóng, lúc đó đang làm thanh tra điền địa. Ông là một người rất đáng tin cậy.

Thật may là chúng tôi đã có thể quy tụ được những con người như Sui Sen. Chúng tôi có quá nhiều việc phải làm, lại có quá ít thời gian và các nguồn lực lại nhỏ bé. Có quá ít thời gian bởi tôi mong mỏi nhiều lắm là có được một năm cơm lành canh ngọt, trước khi phe cộng sản tổ chức lại và gây rắc rối cho chúng tôi. Còn các nguồn lực nhỏ bé vì ngân sách rất eo hẹp.

☆ ☆


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx