sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 20 phần 1

20

LƯỢC QUA NHỮNG KHÓ KHĂN TRƯỚC MẮT

Tôi cảm thấy băn khoăn khi cầm quyền ở vào độ tuổi ba mươi lăm. Tôi không có kinh nghiệm gì về quản lý – ngay cả việc quản lý văn phòng tư vấn pháp luật tôi cũng đã giao khoán cho Choo và Dennis. Tôi quyết định phải đích thân tìm hiểu cơ cấu chính quyền và phải thông suốt về các Bộ. Tôi muốn nắm được cảm nghĩ của các nhân viên cấp cao, bản chất công việc của họ, quan điểm và cung cách làm việc, để có thể biết được nên thay đổi đến độ nào nếu muốn giải quyết các vấn nạn về chính trị, kinh tế và xã hội. Tôi cũng muốn đánh giá tài lực của từng Bộ và sắp xếp lại những tài lực đó để tăng cường sức mạnh cho những Bộ quan trọng nhất.

Trước hết tôi đến Bộ Tài chính, vì rằng không có nguồn tài chính thì không thể làm được chuyện gì hết, thế rồi tôi viếng Bộ Nội vụ. Chúng tôi cần có nguồn tình báo tốt về những phần tử quá khích, cần phải nhạy cảm và hiệu quả trong việc đối đầu với họ, và nếu có thể được, phải chặn trước mọi nước cờ của họ. Tôi cũng muốn biết liệu chúng tôi đang có được những người đương chức có năng lực hay không, những con người có thể giúp chúng tôi thu được tin tức, phân tích, suy nghĩ, hoạch định, vốn là những điều cần thiết cho việc vạch ra một chiến lược phản công để cản phá họ. Và ở đường phố, tôi muốn cảnh sát phải có kỷ luật, nhưng cũng kiên quyết, dứt khoát và cứng rắn một khi chúng tôi quyết định dẹp bỏ một vụ biểu tình hay một cuộc bạo loạn vừa mới chớm mầm. Tôi cũng quyết định rằng họ không được hành động theo kiểu kém cỏi, vụng về như dưới thời Lim Yew Hock, thời mà họ được huấn luyện để thực hiện một chức năng chẳng có gì hay ho và đã để cho những người cộng sản có cớ lôi kéo được khối dân nói tiếng Hoa.

Tôi đã kinh lý Bộ Nội vụ vào tháng 10, bốn tháng sau khi nhiệm chức, và đã phát biểu trước các sỹ quan cao cấp của ngành cảnh sát nhằm động viên tinh thần của họ. Tôi nói với họ rằng tôi nghĩ sẽ có chuyện rối loạn trong khoảng một năm nữa. Tôi muốn họ phải chuẩn bị thật tốt để đối phó. Giám đốc cảnh sát Alan Blades là một người dong dỏng cao, ít nói, có chòm râu dê bạc và đeo kính. Ông là cựu giám đốc của Sở Đặc vụ, ít khi làm công việc của một sỹ quan cảnh phục, nhưng ông hiểu rất rõ mối nguy từ phía đảng cộng sản, và có lẽ đã nghĩ rằng tôi quá gần với họ vì lợi ích riêng – một quan điểm mà nhiều sỹ quan cấp cao của ông cũng nghĩ vậy. Tôi không biết phải mất bao lâu ông ta mới có thể kết luận được rằng tôi biết chuyện tôi làm và rằng tôi đã hết sức nghiêm túc khi nói rằng chúng ta phải chống lại họ mà không được để mất lòng khối dân nói tiếng Hoa.

Từ tổng nha cảnh sát ở Pearl’s Hill, tôi đến Phòng điều tra hình sự, và rồi đến Sở đặc vụ để gặp viên giám đốc mới là John Linsell. Linsell đã làm việc gần như cả đời trong vai trò một sỹ quan cảnh phục, và rành rẽ trong việc kiểm soát bạo loạn nhiều hơn là thu thập tin tình báo. Ông không gây cho tôi được ấn tượng là có đầu óc tinh tế cần thiết để hiểu được chiến lược và chiến thuật của người cộng sản. Do đó, tôi quyết định sẽ họp với ông cùng với các nhân viên cao cấp của ông đều đặn hằng tuần để tôi có thể nghe trực tiếp từ các sỹ quan vốn là những chuyên gia về an ninh mà không phải qua sự lọc lựa của Linsell. Điều này quả thực có lợi. Hai sỹ quan là Richard Corridon và Ahmad Khan sau này tỏ ra là những nhân viên cực kỳ xuất sắc, không có những phân tích thông tin khôn ngoan và am hiểu của họ và cách xử trí đầy kinh nghiệm trước những tình huống nhạy cảm, chính phủ hẳn đã phải gặp nhiều điều tệ hại.

Chuyến kinh lý Sở đặc vụ của tôi thật đáng giá. Vào một ngày khó có thể nào quên trong tháng 10, tôi được trình một chồng hồ sơ với bìa ngoài in hàng chữ đậm màu đỏ: "Gặp là Bắt". Số hồ sơ đó lưu những hình chụp các nhà lãnh đạo quan trọng của MCP, mỗi hồ sơ đều có ghi ngắn gọn các chi tiết cốt yếu liên quan đến nhân vật đó. Đúng như tôi nghĩ, trong số đó có hình của Eu Chooi Yip. Eu là một con người rất có năng lực, thông thạo hai thứ tiếng Anh và Hoa, tốt nghiệp đại học Raffles, một người đồng thời với Hon Sui Sen – ông này có đến thăm Sui Sen tại nhà tôi trong thời Nhật tạm chiếm. Lúc ấy ông là một nhân vật cánh tả thuộc loại cấp tiến, và về sau tôi cũng được biết ông là cấp lãnh đạo trong đảng của ông Đặc mệnh.

Mấy trang sau, tim tôi như muốn ngừng đập mặc dù tôi nghĩ mặt tôi chẳng có gì là biến sắc. Tôi nhìn thấy ảnh của chính ông Đặc mệnh. Tôi không ngừng lại quá lâu, nhưng cũng đủ để nắm được những dữ kiện quan trọng. Ông ta chính là Fang Chuang Pi, từng học tại trường Cao trung tiếng Hoa, và đã làm việc cho tờ Nan Chiao News, một tờ báo thân cộng bị đóng cửa ngay sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Từ tên của ông ta, tôi nhận ra ngay ông ta hẳn là anh trai của Fung Yin Ching. Fung (tức là Fang theo tiếng Quan thoại) là một cô gái Hoa hai mươi lăm tuổi, năng động, dáng vẻ dịu hiền, thành thực, chăm chỉ mà chúng tôi đã đưa ra tranh cử trong kỳ bầu cử. Cô giờ đây đang là dân biểu nữ của PAP, đại biểu cho Stamford.

Mới hai tuần sau khi tôi nhậm chức, Yong Pung How đã bất ngờ đến nhà tôi vào sáng sớm trong khi tôi còn đang vệ sinh. Người hầu ngỡ anh ta là một học sinh người Hoa nên bảo anh ta hãy đến văn phòng. Vào lúc ấy, Choo thấy anh ta chỗ hàng hiên và đã mời anh ta vào chờ ở phòng khách. Anh từ chối dùng điểm tâm mà chỉ ngồi nói chuyện trong lúc tôi dùng bữa. Anh từ Kuala Lumpur đến, để hỏi tôi xem liệu có thể đưa ra lời phát biểu đồng tình với MCA được hay không trong vụ bất đồng giữa họ với UMNO, đồng minh Malay của họ trong Chính phủ liên hiệp đang cầm quyền. Anh vừa được bầu làm chủ tịch ủy ban tuyên truyền của MCA vào lúc xảy ra sự căng thẳng tại Liên bang vì vấn đề giáo dục của người Hoa. Người Hoa đang cảm thấy bị đe dọa, bởi các nhà lãnh đạo của UMNO có vẻ như đang quyết tâm thâu tóm hết quyền hành, chỉ cho phép các cộng đồng không phải người Malay tham dự trên danh nghĩa. Vì rằng Yong quen thân với tôi, nên chủ tịch MCA đề nghị anh ta nên gặp tôi để nhờ tôi bày tỏ sự ủng hộ cho công cuộc đấu tranh của họ. Họ nghĩ, với tư cách Thủ tướng của Singapore và là người lãnh đạo của PAP, tôi có chỗ đứng và ảnh hưởng với người Hoa tại Malay, trong khi MCA cảm thấy mình yếu ớt đến thảm hại.

Tôi hết sức bối rối và thấy khó vô cùng trước việc người bạn cũ muốn tôi có một lập trường có thể gây xung đột với Tunku và đảng UMNO. Tôi đã nói với anh rằng tuy tôi đồng cảm với MCA thật, nhưng không thể có chuyện tôi gây rối cho Tunku và UMNO theo kiểu nào đó, vì rằng mục tiêu hàng đầu của Singapore là hợp nhất với Malaysia. Ba mươi sáu năm sau, Yong vẫn còn nhớ rõ chuyện đó. Anh kể tôi đã nhấn mạnh nhiều lần rằng: "Tôi phải nghĩ đến Singapore trước." Anh chẳng quá thất vọng, bởi anh cũng đã dự liệu phản ứng của tôi. Anh biết tôi thẳng thắn và cởi mở với anh. Nhưng lẽ ra tôi phải biết lắng nghe anh cẩn thận hơn thay vì xem yêu cầu của anh là sự can dự không đúng lúc vào các kế hoạch của tôi. Tôi lẽ ra phải nhìn được ý nghĩa của những quan điểm sắc tộc mạnh mẽ như vậy đối với Singapore nếu Singapore trở thành một phần của Malaysia. Nếu đã tìm hiểu đến nguồn cội của vấn đề giáo dục, có lẽ tôi đã cảnh giác sớm trước những nhượng bộ lớn mà chúng tôi sẽ phải thực hiện nếu như chúng tôi muốn cộng tác với các nhà lãnh đạo Malay trong Liên bang.

Trong lúc nguy cơ cộng sản thâm nhập chính quyền và nền hành chính trở thành thường trực, thì mối quan tâm chính của chúng tôi trong thời kỳ này còn là chuyện những người bất cộng tác – những người Hán học của Đại học Nanyang.

Trải qua nhiều năm, ý tưởng về một đại học tiếng Hoa đã là một ấp ủ từ khi những thành quả của Cộng hòa Nhân dân TrungHoa làm dấy lên lần nữa lòng kiêu hãnh về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Giới trí thức, với sự hỗ trợ của báo chí Trung Quốc, đã khuấy lên đòi hỏi phải có một đại học dạy bằng tiếng Hoa. Trong thời kỳ thực dân, người Hoa khinh thị những biên giới giả tạo mà các ông chủ da trắng đã dựng lên trên khắp vùng Đông Nam Á, và đã gọi toàn vùng này là Nanyang, tức Nam Dương (Biển Nam). Vì Singapore là nơi có người Hoa chiếm đa số, nó trở thành trung tâm giáo dục của người Hoa. Nhưng đến lúc ấy vẫn chưa có trường đại học tiếng Hoa nào.

Cuộc thịnh vượng bột phát của thị trường cao su trong thời Chiến tranh Triều Tiên đầu thập niên 1950 đã khiến cho các thương nhân ở đây trở nên giàu có. Khi Tan Lark Sye, ông vua cao su và là chủ tịch của Hokkien Huay Kuan ở Singapore, một hiệp hội của bang hội người Hoa lớn nhất, vào tháng 1/1953 đề nghị thành lập một trường đại học tiếng Hoa, lập tức có sự hưởng ứng rộng rãi ngay. Vào tháng 5 năm đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nanyang được đăng ký theo Pháp lệnh Công ty. Hội Hokkien Huay Kuan đã tặng 500 mẫu đất cao su bạc màu tại Jurong ở phía Đông của đảo. Giới công nhân người Hoa, phu kéo xe, những người bán rong, tài xế tắc xi và các phu phen đã đóng góp một ngày lương của họ.

Vào tháng 3/1956, Viện đại học Nanyang chính thức khai giảng với 584 sinh viên đăng ký theo học tại ba trường mỹ thuật, thương mại và khoa học dạy bằng tiếng Hoa. Điều này có nghĩa là sẽ nảy sinh thêm những vấn đề chính trị, vì rằng không có tiếng Anh thì các sinh viên tốt nghiệp sẽ không kiếm được việc làm. Chúng tôi cũng biết rằng chẳng chóng thì chầy viện đại học này, từ ban giảng huấn cho tới sinh viên, sẽ bị những người cộng sản lôi cuốn, y như các trường trung học tiếng Hoa vậy.

Vào những tháng cuối của nhiệm kỳ Tổng ủy viên, Lim Yew Hock đã chỉ định tiến sĩ S.L. Prescott của đại học Western Australia làm chủ tịch ban thanh tra. Ban thanh tra đã đệ trình cho chúng tôi một báo cáo khuyến cáo chính phủ không nên công nhận bằng cấp của Viện đại học Nanyang, bởi tiêu chuẩn của họ rất thấp. Báo cáo này lập tức gây nên phản ứng dữ dội từ phía cộng đồng người nói tiếng Hoa, giới doanh nhân lãnh đạo cộng đồng này xem báo cáo đó là coi thường năng lực – hoàn toàn xứng đáng – của họ, bởi họ đang điều hành và can thiệp vào công việc giảng huấn chuyên môn, một chuyện lẽ ra phải dành cho một nghị viện mới đúng.

Đặc biệt, Tan Lark Sye, chủ tịch hội đồng nhà trường, rất bực tức đối với chúng tôi. Để bày tỏ sự thách thức của mình, ông ta bổ nhiệm tiến sĩ Chuang Chu Lin, hiệu trưởng thân cộng của trường Trung học Chung Cheng, từng bị thải hồi, làm viện phó, và ông còn có hành động khác nữa tỏ lộ sự coi thường chính quyền là tăng lượng sinh viên thu nhận trong năm đó. Tôi biết chuyện này sẽ giúp MCP được tự do hơn trong việc sử dụng viện đại học này làm chỗ đào tạo cán bộ cho họ, nhưng lúc đó chúng tôi chẳng thể nào tính chuyện can thiệp mà không phải trả một cái giá chính trị rất đắt được. Tôi ghi nhớ trong đầu rằng sẽ tính chuyện với Tan sau này thôi.

Đó là bài học đầu tiên cho tôi về sự khác biệt giữa quyền lực chính thức theo pháp định và sức mạnh chính trị cần thiết để thực thi quyền lực đó. Nyuk Lin đã đệ trình với nội các một bản dự thảo nhằm tước bỏ khả năng khuấy đảo chính quyền của Tan bằng cách cho chính quyền có cùng thẩm quyền đối với Nantah (tên viết tắt tiếng Hoa của Viện đại học Nayang) như là đã có thẩm quyền đối với Viện đại học Malaysia ở Singapore. Chúng tôi đã phì cười cả lên trước sự thô sơ của giải pháp ấy. Nyuk Lin bước vào chính quyền sau 20 năm lăn lộn trong nghề bảo hiểm, và mặc dù ông là một Bộ trưởng đầy năng lực, ông vẫn chưa hiểu hết chuyện ông tính giải quyết đó là nan giải đến cỡ nào. Tôi không bao giờ quên được ngày Chủ nhật 30/3/1958, khi mà trọn con đường dài 14 dặm từ Nantah đến Bukit Timah Road và vào thành phố đặc nghẹt những dòng xe đang nhích tới từng chút một để đến dự buổi lễ khai giảng của viện đại học này. Tôi có thể cảm nhận được sự gắn bó tình cảm kinh khiếp của dân chúng người Hoa đối với dự án này. Dự luật của Nyuk Lin sẽ gây nên bạo loạn nơi các trường trung học tiếng Hoa.

Do vậy, chúng tôi đã xếp vấn đề lại, và chỉ mãi đến cuối thập niên 1960, sau khi đã tách khỏi Malaysia, chúng tôi mới có đủ sức mạnh chính trị để áp đặt kỷ luật của nhà nước lên việc kế toán tài chính, việc bổ nhiệm nhân viên và hạnh kiểm học sinh của viện đại học này. Để làm giảm căng thẳng trong giai đoạn cần hòa hoãn và để tranh thủ thời gian, chúng tôi đã bổ nhiệm một hội đồng thứ hai gồm các bậc học giả trong nước lo việc duyệt xét lại báo cáo của Prescott, để rồi vào tháng 2/1960 chúng tôi cũng chỉ nhận được một kết luận tương tự. Nhưng để cho lứa tốt nghiệp đầu tiên của viện rơi vào tình trạng tuyệt vọng do không mong gì được nhà nước thừa nhận và tuyển dụng là khó có thể chấp nhận được về mặt chính trị. Chúng tôi đã thảo luận chuyện này thật cẩn thận trong nội các và quyết định chúng tôi phải dành cho một ít trong số họ có cơ hội được bước vào lĩnh vực công quyền, nhưng ở một cấp thấp hơn so với những người tốt nghiệp Viện đại học Malaysia.

Tháng 10/1959, tôi đã đến Nantah, phát biểu trước một nghìn sinh viên của trường. Loạt tốt nghiệp đầu tiên của trường gồm 400 người đang cần việc làm, và tôi nói rằng chính quyền sẽ thu dụng 70 người – 50 cho công tác giáo dục, 20 cho các bộ phận khác. Thành tích của 70 người này sẽ quyết định cho tương lai của những người sau đó. "Nếu lứa đầu tiên các bạn chứng tỏ là những nhân viên có năng lực và có kỷ luật, sẵn sàng đua tranh bình đẳng với những người Anh học, và có sự đóng góp cho xã hội, giá trị của các bạn tất sẽ được thừa nhận." Chúng tôi cũng cấp học bổng hậu đại học cho những người có đủ điều kiện để ra học ở các đại học nước ngoài, nhất là về khoa học và kỹ thuật. Chúng tôi tin tưởng rằng điều này sẽ xoa dịu những người xuất sắc và trắc nghiệm giá trị đích thực của họ. Họ đã được trấn an, nhưng chỉ là tạm thời. Những người cộng sản vẫn tiếp tục thâm nhập ngấm ngầm liên tục và mỗi ngày họ đều lôi kéo thêm được những người mới.

Trong khi chỗ dựa của chúng tôi trong khối dân chúng Hán học đang gặp phải sự cạnh tranh của những người cộng sản, thì sự hỗ trợ èo uột của chúng tôi từ phía các công nhân áo trắng theo Anh học trước sau cũng vẫn cứ vậy. Đúng như tôi đã lo sợ, tiến trình chỉnh đốn guồng máy đã gây ra khá nhiều chuyện đổ vỡ. Tôi đã bổ nhiệm Chin Chye phụ tránh trường Bách khoa Singapore, bởi ông ta rất quan tâm đến vấn đề giáo dục kỹ thuật. Điều đó, tuy nhiên, lại là con dao hai lưỡi. Khi nhìn thấy các giáo trình của trường không tương ứng với những nhu cầu tiên liệu của chúng tôi, ông đã lên tiếng phê bình hiệu trưởng và ban giám hiệu, và khi ông sa thải tức khắc ban giám hiệu, hiệu trưởng bèn từ chức. Điều này gây ra bối rối và sợ hãi, vì rằng nhân viên nhà trường cảm thấy bấp bênh, và các giáo sư, phần lớn là người da trắng nước ngoài, bắt đầu tính đến chuyện tìm công việc khác. Điều này cũng đã xảy ra đối với Quỹ Tín thác Cải thiện Singapore (Singapore Improvement Trust), cơ quan phụ trách về vấn đề gia cư thời chính quyền trước đây. Ở đây, Ong Eng Guan thường xử sự theo kiểu chuyên đoán thường thấy của ông ta. Ong đã liên tục quấy nhiễu và hành hạ các viên chức da trắng, ông đã kể cho Keng Swee nghe cách làm thế nào để "chơi" những người nước ngoài (làm việc trong cơ quan này), những người này vốn đang giữ những chức vụ cao trong Hội đồng thành phố, đang chịu sự kiểm soát của ông ta với tư cách Bộ trưởng phát triển quốc gia. Trên thì họ sẽ gặp phải sự phản kháng của những phụ tá được ông ta tin cậy, trong khi đó ông ta lại xúi giục nhân viên bên dưới họ và các thư ký gây rắc rối cho họ. Chẳng chóng thì chầy họ sẽ đầu hàng và bỏ việc mà đi mà không được chút trợ cấp bồi thường nào.

Ong có một viên phó bí thư tên là Val Meadows, một nhân viên rất giỏi, kiên quyết, có thành tích xuất sắc trong thời chiến tranh. Meadows là phó bí thư cho Hamid Jumat khi ông này còn là ủy viên chính phủ phụ trách chính quyền địa phương, và đã phác thảo các thư phúc đáp của Hamid gửi cho Ong khi giữa họ có sự bất đồng với nhau với kết cục cuối cùng là Ong bị mất chức Thị trưởng. Ong hận Meadows lắm.

Ba mươi sáu năm sau, Meadows nhắc lại chuyện ấy rằng ông “đã không ngờ mức độ thù địch lại đến như vậy”. Ông đã bị tống về các đảo phía Nam để xem có thể làm được gì để cải thiện và phát triển những đảo ấy. Lúc ông làm việc cho Hamid, ông đã soạn xong các kế hoạch về bệnh viện, giếng đào, bến tàu, đường sá, trường học, trung tâm sinh hoạt và các hợp tác xã đánh cá, và ông đã thực hiện việc này rất nhanh. Nhưng thay vì được khen thưởng, ông ta lại bị đuổi cổ ra khỏi chức vụ ở Bộ trong lúc vắng mặt. Lúc quay trở về Bộ của mình vào một sáng thứ bảy để thảo báo cáo, ông thật hết sức sửng sốt khi thấy văn phòng của mình đã biến mất. Khung gỗ cùng các vách, cửa ra vào, cửa sổ kính, máy điều hòa không khí, bàn ghế, thiết bị văn phòng – tất cả đều biến mất không để lại chút dấu vết, chỉ còn trơ lại khoảnh diện tích trống không. Viên thư ký thường trực đã báo lại rằng ông ta đã làm theo chỉ thị của Bộ. Meadows phải sử dụng văn phòng thư ký địa phương. Vào chính lúc ấy, Ong bước vào để thưởng thức vẻ chưng hửng của Meadows, nhưng Meadows đã biết kiềm chế để không xảy ra phản ứng quá đáng. Thứ hai tuần sau, ông đưa đơn xin từ chức, nhưng lại được viên trưởng cơ quan bảo rằng phải nán lại đã bởi chiến dịch tiếp trợ đã "được chuẩn bị" rồi. Đó chính là việc tôi tước vị trí và trách nhiệm của Ong và chỉ thị cho Val Meadows thực thi nhiệm vụ của ông ta tại văn phòng của tôi.

Ong còn phạm nhiều sai lầm khác nữa, và toàn bộ nội các lẫn số đông dân biểu đã đi đến kết luận rằng ông ta đang trở thành một gánh nặng, chứ không phải một tài sản giá trị cho chính quyền nữa. Keng Swee trước đây đã than phiền bằng công văn gửi cho tôi rằng Ong đã yêu cầu phải cấp cho ông ta 415 triệu dùng cho việc xây dựng công sở mà không hề đệ trình kế hoạch chi tiết hay lý giải việc chúng sẽ được hoàn thành thế nào. Do đó, tôi đã tách Hội đồng thành phố ra khỏi quyền kiểm soát của ông ta, chỉ thị cho ông ta phân bổ các bộ phận của cơ quan này cho các Bộ tương ứng. Trớ trêu thay, lời bào chữa trước công chúng lại là ông ta cần phải tập trung vào vấn đề xây dựng công sở, và vì lý do hình thức, tôi cũng đã điều chỉnh cơ cấu của một Bộ khác nữa.

Tôi đã cử Val Meadows làm phó bí thư của tôi và trao cho ông ta trách nhiệm giải thể Hội đồng thành phố, lập ra một ủyban theo luật định, phụ trách các phòng ban về giao thông công cộng, điện, nước, chất đốt của cơ quan này, đồng thời xử lý xem phải làm gì với các phòng ban khác. Tôi muốn bày tỏ với các viên chức và công chức gốc ngoại kiều nói chung rằng tôi không chấp nhận những gì đã xảy ra và tôi không sợ gì chuyện bị xem là bù nhìn của họ.

Tôi miễn cưỡng hành động chống lại Ong, nhưng không phải vì tôi sợ ông ta sẽ thay thế tôi. Tôi không ham chức vị Thủ tướng, bất kỳ ai giữ chức vụ này cũng đều sẽ trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu của những người cộng sản, tôi chẳng thích thú gì cho lắm với một viễn ảnh như vậy. Tôi biết Ong sẽ không có đủ can đảm để chơi cái trò đó. Tôi đã chứng kiến cảnh ông xanh như tàu lá khi họ chĩa vào ông tại một hội nghị của đảng hồi tháng 8/1957 và khiến ông ta bị loại khỏi ban chấp hành. Về sau, mặc dù ông ta là Bộ trưởng được giới người Hoa ủng hộ mạnh mẽ nhất, ông cũng đã từ chối triển hạn Pháp lệnh PPSO theo yêu cầu của nội các, và chúng tôi đã phải giao cho Chin Chye thực hiện bài phát biểu dứt khoát mà chúng tôi đã thỏa thuận. Nhưng Ong vẫn là một diễn giả Hokkien xuất sắc nhất của chúng tôi. Nếu hạ bệ ông ta, chúng tôi sẽ làm uy tín của ông đối với công chúng sụt giảm và khó có thể tìm đâu ra người thay thế được ông.

Ong, rồi nền kinh tế, giới công chức, những người cộng sản, các trở ngại về ngôn ngữ – tất cả những vấn đề trước mắt đó chẳng cho chúng tôi có được chút thời giờ để lui lại và đánh giá thành tích của mình. Thế nhưng có một người tuy có quan hệ mật thiết đến cuộc diện, nhưng vẫn có thể đưa ra được nhận xét khách quan về sáu tháng đầu tiên cầm quyền của chúng tôi, và cũng là sáu tháng tại chức cuối cùng của ông ta tại Singapore – đó là Bill Goode, cựu thống đốc, người mà trong sáu tháng qua đã trở thành quốc trưởng tạm thời. Ông đã tóm tắt những ngày đầu cầm quyền của PAP trong ba bản báo cáo gửi Bộ trưởng Ngoại giao của ông. Báo cáo thứ nhất đề ngày 26/6, bắt đầu bằng một nhận xét lạc quan:

“Các Bộ trưởng mới là những con người thông minh. Họ đã dành nhiều suy nghĩ cho chương trình chính trị của họ, một chương trình được trình ra trước cử tri thông qua các bài phát biểu được chuẩn bị thận trọng. Về tư tưởng, họ là những người xã hội chủ nghĩa cực đoan, nhưng họ đã nhận ra những hạn chế thực tiễn đặt ra cho hoàn cảnh đặc thù của Singapore với tư cách một trung tâm thương mại quốc tế. Họ cũng nhận chân ra được sức nặng của vấn nạn kinh tế đang đặt ra do một dân số gia tăng nhanh nhưng lại kỳ vọng một mức sống cao tại một thành phố mà thu nhập phụ thuộc vào sự kinh doanh thành đạt trước sức cạnh tranh gay gắt. Trên hết, họ còn bị ám ảnh bởi mối đe dọa của cộng sản.”

“Để thành công, họ phải duy trì được sự ủng hộ của các tầng lớp lao động và học sinh người Hoa. Điều này làm bộc lộ điểm yếu của họ, vì rằng họ sẽ buộc phải mềm dẻo trước thái độ của công chúng vốn đối nghịch với giới làm ăn, buôn bán, là những giới mà họ đang trông cậy để đạt được tiến bộ kinh tế. Việc họ bị ám ảnh bởi cuộc đấu tranh ý thức hệ nhằm hướng được tâm tư tình cảm của công chúng về chủ nghĩa xã hội dân chủ hơn là chủ nghĩa cộng sản có thể gây bất lợi cho một giải pháp cho những vấn đề khác trong chuyện làm cho nền kinh tế của Singapore đạt hiệu quả…”

“Các Bộ trưởng cũng đã quyết định hạn chế tham dự vào các hoạt động giao tế. Ấn tượng chung mà họ đang cố gắng nuôi dưỡng là một tinh thần cống hiến tận tình cho trách nhiệm cai trị vì lợi ích của quần chúng.”

“(Do đó) họ đã tự gọi mình là những người phi cộng sản và cật lực để chứng minh rằng họ chẳng phải là những con rối của phương Tây. Họ nhạy cảm ngay với cả những lời khen tụng của phương Tây, vì rằng họ xem điều đó phá hoại sự ủng hộ của quần chúng người Hoa khuynh tả ở Singapore dành cho họ, khối người mà họ đang kiên quyết giữ không cho rơi vào tay của những người cộng sản.”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx