sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 30 phần 1

30

CAY ĐẮNG CHẠY VÀO MALAYSIA

Năm ngày sau cuộc nổi loạn ở Brunei, Hội đồng an ninh nội chính nhóm họp khẩn cấp theo yêu cầu của Tunku. Những diễn biến ở Brunei khiến cần phải có hành động chống lại cộng sản, và lời tuyên bố ủng hộ cuộc nổi loạn của Barisan đã tạo ra một cơ hội. Tôi nói tôi hiểu quan điểm của ông ta, nhưng quan trọng là chiến dịch phải được trình bày trước công chúng như hành động bảo vệ các lãnh thổ sắp gia nhập Liên bang Malaysia. Tôi không thể bị coi là một tên bù nhìn của người Anh, mà chỉ muốn được coi như là một kẻ ủng hộ Malaysia.

Theo tôi thì không nên bắt giữ tiến sĩ Lee Siew Choh mà cần cho ông ta một cơ hội thứ hai, miễn là ông ta không tiếp tục cuộc chơi cộng sản. Tôi cũng sẽ không hành động chống lại các nghiệp đoàn thân cộng một khi những nhân vật chủ chốt của họ bị vô hiệu hóa, nếu không thì người ta sẽ nói rằng Singapore không thực sự tự trị trong lĩnh vực lao động. Tôi nhấn mạnh hơn nữa là không nên để tổ chức Partai Rakyat ra ngoài vòng luật pháp để những người cộng sản còn lại sẽ hướng về nó hơn là hướng tới đảng UPP của Ong Eng Guan vốn có xu hướng theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi Trung Quốc. Mọi người đồng ý rằng tất cả những người bị bắt giữ có gốc Malay sẽ bị trục xuất về Liên bang trừ Lim Chin Siong, kẻ mà dù sinh ra ở Johor, sẽ bị giữ lại ở Singapore. Chiến dịch sẽ bắt đầu vào rạng ngày 16/12, và Hội đồng an ninh nội chính sẽ họp ở Kuala Lumpur vào ngày 15/12 để phê chuẩn nó.

Vào đêm 15/12, các toán cảnh sát đã được bố trí chu đáo ở Singapore và Johor Bahru, từ Johor Bahru những nhân viên của Sở đặc vụ Liên bang và Lực lượng cảnh sát dã chiến sẽ đến hỗ trợ trong chiến dịch. Tối đó, khoảng 6 giờ 30, Keng Swee, người đã có mặt ở Kuala Lumpur từ sáng, nói với tôi qua điện thoại rằng ông ta đã đi đến việc đồng ý về văn bản của hai bài tuyên bố, một là của Razak gởi đến nghị viện liên bang, còn một còn lại là của tôi được truyền đi qua đài phát thanh Singapore, đưa ra các lý do cho những vụ bắt giữ. Những người bị bắt giữ sẽ gồm cả 9 dân biểu trong Hội đồng lập pháp của chúng tôi. Vào ngày trước khi cuộc bố ráp xảy ra, Philip Moore quả quyết với tôi rằng Tunku cũng đồng ý việc bắt giữ hai thành viên thuộc nghị viện liên bang có ý chống đối, như tôi yêu cầu. Nhưng khi tôi đến tại cuộc họp Hội đồng an ninh nội chính ở Kuala Lumpur vào lúc 10 giờ tối, Keng Swee báo cáo rằng Ismail nói với ông ta là Tunku đã đổi ý về vụ bắt giữ hai người này. Nghe vậy, Selkirk đề nghị – và tôi tán thành – rằng chúng tôi cần đến gặp ông ta để thuyết phục ông ta đừng thay đổi quyết định, cùng với Ismail và những phụ tá của tôi, chúng tôi lên đường đến Dinh Thủ tướng, ở đó, đèn đã tắt và cửa trước đóng chặt. Tunku đã đi ngủ và ông ta không hề thức khi chúng tôi gõ cửa trước. Chúng tôi trở lại Singapore trên chiếc phi cơ vận tải RAF đã đưa chúng tôi đến đây. Cảnh sát hủy bỏ chiến dịch.

Nhằm chặn trước việc trút lỗi lầm trong vụ này lên đầu chúng tôi, tôi đã viết cho Selkirk để đưa quan điểm của mình vào hồ sơ lưu:

“Toàn bộ sự kiện này, như được trình bày trong hai bản tuyên bố đã thỏa thuận trước, sẽ trở nên vô nghĩa, khi không có hành động nào được đưa ra nhằm chống lại các nhân vật chủ chốt trên đất Liên bang mà trách nhiệm của họ trong việc giúp đỡ và xúi giục cuộc nổi dậy vũ trang ở các lãnh thổ Borneo cũng to lớn như trách nhiệm của những người bị bắt giữ ở Singapore… Tuần rồi đã có sự biện minh cho hành động chống lại những tổ chức mặt trận của cộng sản và những lãnh tụ chủ chốt của họ. Nếu hành động chống cộng được thực hiện một cách lạnh lùng đầy tính toán, thì sẽ không có sự lựa chọn nào khác cho chúng tôi ngoài cách giao việc đó cho người Anh.”

Đó chưa phải là kết thúc, vì các lãnh tụ Barisan tiếp tục nhóm lên ngọn lửa. Trong thông điệp chúc mừng năm mới của họ, Lim Chin Siong nói rằng Malaysia đang nhắm tới việc thành lập một chế độ độc tài quân đội phát xít, và tiến sĩ Lee Siew Choh nói rằng cuộc đấu tranh ở Brunei sẽ tiếp tục cho đến khi nhân dân giành lại tự do. Họ gắn chặt mọi hy vọng của họ vào cuộc nổỉ loạn và vào sự phản đối của Indonesia đối với kế hoạch thành lập liên bang Malaysia. Những tuyên bố này nhất định sẽ kích động Tunku đòi hỏi có hành động; dù ông ta từ chối bắt giữ những thành viên nghị viện liên bang, ông ta đang mất dần kiên nhẫn và nói với người Anh rằng ông ta sẽ hoãn việc thành lập liên bang Malaysia hoàn toàn trừ khi cuộc bố ráp các tay thân cộng Singapore được tiến hành. Moore gặp tôi mấy lần để yêu cầu tôi tiến hành, ông ta cam đoan với tôi rằng đó là cách duy nhất để tiến tới hợp nhất. Tôi vẫn còn những nghi ngờ, nhưng người Anh có vị thế thuận lợi hơn để xét đoán ý đồ thực sự của Tunku, vì vậy sau các cuộc thảo luận với nhau, chúng tôi kết luận là chúng tôi không thể liều coi thường những lý lẽ của ông ta. Một chiến dịch an ninh mang bí danh “Cold Store” được dự định vào ngày 2/2/1963.

Khoảng 370 sỹ quan cảnh sát ở Singapore và 133 sỹ quan người Malay nữa từ một trại Lực lượng Cảnh sát dã chiến ở Johor tham gia vào cuộc bố ráp. Hội đồng an ninh nội chính đã phê chuẩn chiến dịch tại một cuộc họp ở Kuala Lumpur vào tối hôm trước. (Chúng tôi đã loại bỏ 6 dân biểu Hội đồng lập pháp Barisan khỏi danh sách vì Tunku tiếp tục phản đối việc bắt giữ hai nghị viên liên bang chống đối.) Lúc 3 giờ sáng, 65 toán quân tỏa ra khắp Singapore để bắt giữ 169 người. Họ tìm được 115 người, những người còn lại không có ở chỗ người ta dự trù. Đây luôn là vấn đề trong việc tìm ra nơi cư trú của những người cộng sản. Biết chắc mình sẽ bị tấn công, họ luôn thay đổi chỗ nghỉ qua đêm.

Lần này không có xung đột, không đổ máu, không lệnh giới nghiêm sau các vụ bắt giữ. Mọi người đã tiên liệu một cuộc thanh trừng, và công chúng hiểu rằng những người cộng sản sẽ gặp chuyện này. Đó là sự tuột dốc thảm hại đối với họ. Chiến dịch đã làm mất một số lãnh tụ hoạt động công khai có kinh nghiệm nhất của họ, và họ chỉ có thể hồi phục lại nếu như cộng sản sẵn sàng thay thế họ bằng những lãnh tụ khác còn hoạt động bí mật – mà không thể chắc chắn là họ có đủ thời gian để gây lại ảnh hưởng với quần chúng trước khi các cuộc bố ráp khác lại tiếp diễn.

Tôi lo lắng theo dõi trong những ngày tiếp theo đó xem họ có lấp đầy các chỗ trống đó không. Không hề có dấu hiệu nào chứng tỏ điều đó. Họ không muốn, hoặc không thể, đưa thêm các cán bộ ra công khai để điều hành mặt trận liên kết.

Với sự đồng ý của Hội đồng an ninh nội chính, tôi viết cho Lim Chin Siong một lá thư vào đêm xảy ra các cuộc bắt bớ, đề nghị ông ta chấp nhận lưu vong sang Indonesia hay một nước nào đó tùy ông ta chọn. Tôi nói rằng, không như những người khác, ông ta không hề giấu tôi về niềm tin cộng sản và những mục đích của mình, và ông ta đã nói với tôi trong trại Changi năm 1958 rằng ông ta sẵn sàng rời khỏi Singapore nếu như sự có mặt của ông ta cản trở thắng lợi của tôi trong kỳ bầu cử tới. Lim Chin Siong không phải là nhân vật cộng sản quan trọng, nhưng là người kích động quần chúng tài tình. Tôi nghĩ việc tỏ thái độ thiện chí này là cần thiết, nó sẽ không gây thiệt hại gì nhiều về an ninh, và chuyển lá thư của tôi cho báo chí. Đúng như tôi đoán, ông ta từ chối lời đề nghị. Ông ta không thể để bị coi như là một kẻ phản bội đồng chí của mình. Nhưng nó có ích cho mục đích chính trị của tôi, bên cạnh đó tôi đã cho ông Đặc mệnh thấy rằng tôi tôn trọng một số nguyên tắc sòng phẳng và danh dự đối với những người nguyên là đồng chí của tôi thuộc mặt trận liên kết trong phong trào chống thực dân. Tôi ngầm mong rằng ông ta sẽ cư xử giống như vậy. Ông ta hiểu rằng tôi đã biết về những đội quân thanh trừng của ông ta.

Trong số những người bị bắt giữ có Sidney Woodhull, được xếp loại cán bộ tổ chức cốt cán hạng nhất, và James Puthucheary, xếp loại hai trong số cộng tác viên với cộng sản. Một người nữa thuộc hạng thứ nhất là James Fu Chiao Sian. James Fu là phóng viên kiêm dịch thuật, một thành viên của Hội bài Anh, người đã từng làm việc cho tờ báo Hoa thân cộng Sin Pao. Các bài báo của ông ta đồng tình với những kẻ bãi công và những người kích động học sinh, và ông ta là kẻ tuyên truyền tình nguyện cho Lim Chin Siong và Fong Swee Suan, cả hai trước là bạn thời trung học của ông ta. Nhưng sau bốn tháng ông ta được thả; các cuộc thẩm vấn đã cho thấy rằng mối liên hệ của ông ta với Hội bài Anh đã bị cắt đứt từ năm 1962. Ông ta vào làm cho đài phát thanh và truyền hình Singapore, và năm 1972 trở thành thư ký báo chí của tôi, một vị trí mà ông ta vẫn giữ cho đến khi về hưu năm 1993. Ông ta làm việc hiệu quả vì ông ta biết hai thứ tiếng và hoàn toàn đáng tin cậy.

Có rất nhiều người giống như ông ta, bị lôi kéo vào phong trào cộng sản khi còn trẻ, bị lôi cuốn bởi tinh thần lý tưởng và khao khát làm thay đổi xã hội xấu xa mà họ nhìn thấy chung quanh. Có thời gian để nhận ra khía cạnh tổ chức tàn nhẫn của MCP, họ nhận ra giá trị của chủ nghĩa xã hội dân chủ hoặc dân chủ xã hội – tuy chậm và có tính cải lương hơn, nhưng công bằng và ít phi nhân tính hơn. Một số người, như em trai của Lim Chin Siong, Lim Chin Joo, thi đậu các bằng cấp đại học trong thời gian bị giam. Anh ta đậu được bằng cử nhân luật, và sau khi được phóng thích anh ta vào làm trong Sở địa chính. Sau này anh ta trở thành một cố vấn pháp luật thành công và phát đạt.

Sau khi cơn kích động về những vụ bắt bớ lắng xuống, Tunku đề nghị rằng PAP rút lui khỏi cuộc bầu cử bổ sung ở Sembawang để cho liên minh mới SPA – UMNO – MCA – MIC trực diện chiến đấu chống Barisan. Với vẻ lịch sự, tôi nói với ông ta rằng họ không thể nào thắng được, và rằng thắng lợi của Barisan sẽ làm sống lại tinh thần đang suy yếu của những người thân cộng. Tôi có cảm giác rằng thái độ của ông ta đối với tôi đã trở nên cứng rắn.

Tôi đi đến kết luận là Tunku có nhiều tham vọng hơn, rằng ông ta muốn làm cho Singapore trở nên dễ điều khiển hơn, muốn có nhiều quyền hơn đối với bang này và chỉ nhường quyền tự trị về những vấn đề như giáo dục và lao động. Càng lúc tôi càng tin chắc rằng khi các cuộc bắt bớ đã xong xuôi và mối đe dọa từ phía những người cộng sản tạm thời bị gác lại, Tunku sẽ có chủ trương cứng rắn về những điều khoản chi tiết của việc hợp nhất khi vận dụng bạch thư vào những điều khoản cụ thể trong hiến pháp. Nước cờ đối phó của tôi là đe dọa người Anh rằng tôi sẽ không thực thi hiến pháp trừ phi các điều khoản mà hai bên đã đồng ý và đã trình ra cho dân chúng Singapore trong cuộc trưng cầu dân ý được tôn trọng. Nếu không tôi sẽ bán rẻ chúng. Tôi không thể tham gia vào một hành vi phản bội như thế và, nếu cần, tôi sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử để giải quyết vấn đề. Dĩ nhiên điều đó sẽ đặt toàn bộ kế hoạch thành lập liên bang Malaysia vào nguy cơ nếu như Barisan và cộng sản thắng cử.

Vào ngày 12/2, mười ngày sau các vụ bắt bớ, tôi thể hiện mối lo ngại của tôi với Selkirk rằng Liên bang, do không hiểu bản chất mối đe dọa cộng sản ở Singapore, có thể tin rằng chiến dịch Cold Store đã loại trừ được mối đe dọa đó, và loại bỏ luôn sự cần thiết phải hợp nhất. Ở Malaysia, đa số các cử tri là người Malay, và MPC – đứng ngoài vũ đài hợp pháp và thường xuyên bị trấn áp – biết nó không thể nắm được chính quyền qua bầu cử, không như đồng sự của nó ở Singapore. Khi Tunku và các Bộ trưởng của ông ta không còn thấy sự cấp bách phải hợp nhất nữa, tôi vẫn phải đối mặt với một số khó khăn với Kuala Lumpur, nhất là những thỏa thuận về mặt tài chính và điều hành mạng lưới truyền thông của chúng tôi. Đây là lúc phải đứng vững. Vì thế tôi viết cho Selkirk: “Chúng tôi không cường điệu quan điểm của Singapore khi chúng tôi nói rằng dứt khoát không thể thoát ly bằng bất cứ kiểu nào khỏi các điều khoản và điều kiện mà nó đã được dân chúng bàn cãi và tán thành công khai trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 9 vừa qua.”

Cả Moore và Selkirk đều tích cực. Selkirk viết cho London vào ngày 13/2: “Tôi nghĩ là chúng ta phải lắng nghe Lee khi ông ta nói rằng ông ta sẽ không đồng ý bất cứ sự thoát ly nào khỏi những điều khoản của bạch thư về hợp nhất.” Nhưng điều bất lợi của tôi trong việc đối xử với Tunku là trong khi tôi muốn hợp nhất, ông ta lại không. Tôi đã liệt kê những nhược điểm của Singapore khi chưa hợp nhất để thuyết phục người của tôi chấp nhận điều đó. Ông ta coi như điều đó sẽ biến thành sự thật hoàn toàn và trở nên cực kỳ khó khăn, vì ông ta cảm thấy rằng chúng tôi sẽ đạt được đủ thứ còn ông ta phải đảm nhiệm vô số vấn đề. Kết quả là một vị thế mặc cả không cân bằng.

Ông ta phái đi hai đảng viên MCA người Hoa cao cấp của ông ta, những tay thủ lĩnh chống PAP mà họ đã tổ chức Phòng Thương mại Hoa kiều và cộng đồng người Hoa ở Malaysia cho ông ta, và ông ta muốn họ làm những việc như thế cho ông ta ở Singapore. T.H. Tan nguyên là tổng biên tập tờ Singapore Standard và đá sang lĩnh vực chính trị để trở thành một ông trùm đầy uy quyền của MCA ở Malaysia. Khaw Kai Boh nguyên là giám đốc Sở đặc vụ Singapore. Ông ta đã muốn cho bắt giữ chúng tôi, đặc biệt là tôi và đã rút về Kuala Lumpur khi PAP thắng trong kỳ bầu cử năm 1959. Tunku đã bổ nhiệm cả hai làm thượng nghị sĩ trong nghị viện liên bang, và cho Khaw làm Bộ trưởng. Họ béo phị, trông như những tên đồ tể, và không thành công với những thương nhân người Hoa của chúng tôi, những người không quen với việc đút lót để có được giấy phép kinh doanh như ở Malaysia.

Hai tay thượng nghị sĩ này tin rằng chính phủ Liên hiệp sẽ có một cơ hội tốt hơn để thắng trong kỳ bầu cử kế tiếp nếu như Kuala Lumpur kiểm soát nền tài chính của chúng tôi, và vì thế họ công khai cáo buộc tôi muốn giữ lợi tức thặng dư của Singapore nhằm dùng nó làm hại và lật đổ chính phủ liên bang. Ý đồ của họ ăn khớp với những tham vọng của Tan Siew Sin, kẻ đã nói với báo chí rằng ông ta phải tiếp quản việc thu thuế ở Singapore "trên nguyên tắc là thuế của liên bang phải do các ban ngành của liên bang thu và lợi tức coi như là của liên bang”. Hiện ông ta muốn nắm 60 % tổng lợi tức của Singapore, và tôi phải nhắc ông ta về những trao đổi thư từ mà trong đó Tunku cam đoan rằng Singapore sẽ được quyền nắm giữ nguồn tài chính của chính nó. Tunku chỉ muốn điều hành Singapore về mặt an ninh, chứ không phải mặt kinh tế. Nhưng Tan không đồng ý như vậy và tranh cãi quyết liệt rằng tỷ lệ ít hơn sẽ không đủ để trang trải phần chi phí của liên bang cho Singapore.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx