sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 32 phần 1

32

SINGAPORE TUYÊN BỐ ĐỘC LẬP

Khi ngày hợp nhất đến gần, Phòng thương mại Hoa kiều ép tôi buộc người Nhật phải giải quyết món “nợ máu” của họ. Các lãnh đạo của phòng muốn vụ này được giải quyết trước khi những vấn đề đối ngoại được trao về tay của một chính quyền trung ương bao gồm chủ yếu là người Malay, một chính quyền không cảm nhận được hết sự tàn bạo hầu như chỉ dành cho người Hoa. Chính quyền Tokyo cũng ý thức được chuyện này và cố tình trì hoãn.

Phòng thương mại cũng muốn có đất đai để cải táng các hài cốt và dựng một tượng đài cho các nạn nhân. Tôi cấp một miếng đất rộng 4,5 ha đối diện trường Raffles để xây đài tưởng niệm, nhưng cũng yêu cầu người Anh kiên quyết trong vấn đề món nợ máu với người Nhật, vì họ đang phụ trách những vấn đề đối ngoại. Khi tôi ở Tokyo tháng 4/1962, Thủ tướng Hayato Ikeda đã đồng ý thực hiện không nhiều hơn việc “xem xét một cách nghiêm túc những bước thích hợp để bồi thường và an ủi những linh hồn của người chết”. Không có những giải pháp cụ thể.

Tôi không muốn làm lớn chuyện này, nhưng vấn đề sẽ không bị bỏ qua. Phòng thương mại quyết định làm căng, và vì tôi đang vạch kế hoạch cho cuộc bầu cử tới ngay trước ngày thành lập liên bang Malaysia, tôi phải thúc ép những đòi hỏi của Phòng này, bất chấp hậu quả trong mối quan hệ đầu tư của người Nhật. Ngày 5/8, Phòng thương mại yêu cầu bồi thường 50 triệu, dành hết cho những dự án giáo dục và y tế. Người Nhật đáp lại với một đề nghị về một trung tâm xạ trị để chữa bệnh ung thư, thiết bị thí nghiệm cho những cơ sở giáo dục, và các học bổng cho sinh viên Singapore ở Nhật, trị giá 5–10 triệu đồng.

Với tư cách là chủ tịch của Phòng thương mại Hoa kiều, KoTeck Kin đề nghị tổ chức một cuộc mít–tinh lớn ở Padang trước Tòa thị chính vào Chủ nhật, 25/8, “để thông báo về sự thiếu thiện chí của người Nhật trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường của Singapore”. Ông ta biết rằng chính phủ PAP sẽ không hài lòng khi nó chỉ là vấn đề của người Hoa, nên ông ta thuyết phục các phòng thương mại Malay, các cộng đồng của người Ấn, Âu gốc Á và người Sri Lanka tham gia cuộc mít–tinh này. Tôi đồng ý phát biểu. Vài ngày trước bữa đó, Chin Chye bàn với Ko những quyết định có thể được chọn. Một trong những quyết định đó là nếu như không có cách giải quyết ổn thỏa, dân chúng sẽ tiến hành một chiến dịch bất hợp tác nhằm chống lại người Nhật, và chính phủ Singapore không được cấp giấy nhập cảnh mới nào cho các kiều dân Nhật.

Barisan và cộng sản xem đây như một cơ hội nữa để chứng tỏ sức mạnh của họ và làm tôi mất thế trước “quần chúng”. Khu Padang đủ chỗ cho khoảng 100.000 người mà Phòng thương mại dự trù, và thật khó lòng ngăn cản việc các nhóm thân cộng len lỏi vào đám đông để hoạt động. Sau khi họp các sỹ quan Sở đặc vụ và cảnh sát, tôi quyết định chấp nhận rủi ro. Họ sẽ bảo đảm rằng nếu như cộng sản gây chuyện rối loạn hay bạo động, thì sẽ bị đàn áp nhanh chóng. Chúng tôi sẽ triển khai 6.000 binh lính và cảnh sát – từ hai trung đoàn Singapore – gần Padang và không lộ diện, nhưng vẫn cho người của Barisan nhìn thấy. Chúng tôi cũng quyết định bố trí những đèn chiếu cực mạnh sẵn sàng hướng thẳng vào khu vực đám đông đang gây rối, đặc biệt là những người ở hàng đầu đám đông có khả năng phá hỏng cuộc mít-tinh một cách hữu hiệu nhất. Khi những ngọn đèn chiếu này tập trung vào họ, những tay chụp ảnh và quay phim truyền hình có thể ghi được những cận ảnh để sau này cảnh sát có thể nhận diện những nhân vật đầu não.

Tối đó những chiếc đèn chiếu được bố trí sẵn trên mái Tòa thị chính và những điểm thuận lợi gần đó. Thoạt đầu đám đông trên 100.000 người rất có trật tự, nhiều người chăm chú nhìn vào các bích chương vẽ những cảnh tra tấn khác nhau của người Nhật treo giữa các cây cọ và những hàng cột của tòa nhà. Những thành viên cộng sản và Barisan đứng sẵn ở phía trước và dọc hông khán đài để nếu có bất kỳ cuộc rối loạn nào thì nó sẽ được khuếch đại qua loa phóng thanh. Khi tôi cầm lấy mic-ro thì nổi lên một loạt tiếng la ó huýt sáo, và khi tôi bắt đầu nói thì bắt đầu nghe những tiếng hô khẩu hiệu để át lời tôi. Tôi vẫn kiên nhẫn và yêu cầu được nói mà không bị ngắt lời. Nhưng sự náo động vẫn tiếp tục và sau vài phút chịu đựng để cho mọi người thấy cách cư xử quá đáng của những người phá rối, tôi ra hiệu cho một cảnh sát thường phục.

Bất ngờ các đèn chiếu vụt sáng lên tập trung vào những khu vực ồn ào nhất của đám đông, và những tay chụp ảnh quay phim xông tới ghi hình. Hiệu quả xảy ra tức thời và thuận lợi. Lần này họ đã không dùng khăn tay bịt mặt. Họ biết rằng rồi đây cảnh sát sẽ nghiên cứu những tấm ảnh phóng to và nhận dạng ra họ, và sẽ có trừng phạt nếu họ cứ ngoan cố. Những lời khiêu khích và la ó chấm dứt. Cơ hội này hóa thành một cách chứng tỏ tài đối phó và quyết tâm của tôi nhằm đương đầu với những đe dọa của họ khi họ quyết định làm thô bạo, và nâng cao địa vị của tôi như một lãnh tụ sẵn sàng đi đến cùng trong bất kỳ cuộc chiến nào. Hàng nghìn người ở Padang và những người xem truyền hình sau đó có thể thấy rõ là tôi không hề bối rối, rằng tôi không hề có những vệ sĩ vây quanh, và rằng tôi sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy. Tôi nhẹ nhàng nêu rõ quan điểm của tôi bằng tiếng Hokkien – sự thông thạo tiếng địa phương của tôi đã trở thành vũ khí bảo vệ tôi thoát khỏi những lời buộc tội của Barisan rằng tôi phản bội nhân dân. Dân chúng cảm thấy được sức mạnh thuyết phục của tôi.

Sau cuộc mít–tinh thành công này, tôi thảo luận với các đồng sự về nguy cơ có thêm trì hoãn trong việc thành lập liên bang Malaysia. Chúng tôi không muốn Barisan lấy lại tinh thần trước viễn cảnh việc hợp nhất bị trì hoãn. Họ có thể quyết định hành động ngay lập tức với hy vọng rằng Sukarno sẽ can thiệp và khiến Tunku không dám tiếp tục công việc. Vì thế chúng tôi quyết định rằng ngày 31/8 chúng tôi sẽ tổ chức mít–tinh ủng hộ việc hợp nhất như đã hoạch định từ đầu, và tuyên bố sự độc lập tức thì của chúng tôi.

Một ngày trước đó tôi viết cho Duncan Sandys để chỉ ra rằng, trái với những gì Kuala Lumpur tuyên bố, thực tế là Singapore không đồng ý trì hoãn việc hợp nhất đến ngày 16/9. Tôi nhắc ông ta nhớ lại rằng khi Hội đồng lập pháp chấp nhận Thỏa ước Malaysia hồi đầu tháng, nó bao gồm những điểm đã được Tunku thừa nhận ở London, một số điểm nằm trong những thư từ trao đổi giữa tôi và Razak, một số điểm khác được viết phía sau một bì thư, mà chính Tunku đã ký vào. Những điều khoản này vẫn chưa được thông qua và thi hành, và tôi sẽ chấp nhận một ngày khác cho việc thành lập liên bang Malaysia chỉ sau khi chúng được thực thi. Trong khi chờ đợi, tôi dự định tuyên bố Singapore độc lập trong liên bang Malaysia vào ngày 31/8. Tôi yêu cầu ông ta giao quyền hạn về những vấn đề quan hệ đối ngoại cho chúng tôi, để trước ngày đó chính phủ chúng tôi có thể giải quyết với người Nhật về việc chuộc lại những tội ác mà họ đã gây ra trong suốt thời gian chiếm đóng.

Tôi thêm rằng thái độ thản nhiên của người Malay trong việc gạt bỏ các hiệp định thành văn nghiêm túc, vì cớ này hay cớ khác, là điều gây rối nhất. Các hiệp định này không thể bị từ bỏ một cách đơn phương được. Nếu tôi không nhận được từ phía ông ta một sự đảm bảo rõ ràng rằng Singapore sẽ không bị buộc gia nhập vào liên bang Malaysia trừ khi các vấn đề còn tồn đọng được giải quyết vào ngày thứ Hai, 2/9, tôi dự định sẽ từ chức và tìm một sự ủy thác mới từ phía nhân dân. Sau này, những chuyện đó sẽ trở thành những vấn đề chủ yếu trong một cuộc bầu cử và sẽ khó lòng che giấu được sự kiện là Singapore đã không đồng ý gia nhập liên bang Malaysia vào ngày 16/9.

Sandys không trả lời.

Ngày 31/8/1963 tại một cuộc mít–tinh theo nghi thức bên ngoài Tòa thị chính, tôi đơn phương tuyên bố nền độc lập của Singapore. Người Anh cố ngăn cản tôi. Sandys, người được dự trù là sẽ xuất hiện nếu việc hợp nhất xảy ra đúng thời hạn, thì lại không có mặt. Ông ta đang trên chiếc Mutiara, một chiếc tàu hải quân Malaysia, dạo chơi quanh bờ biển Malaysia, chờ đến ngày 16/9. Razak cũng vắng mặt. Nhưng Sarawak đã tuyên bố độc lập trên thực tế và Bắc Borneo đã tuyên bố thành lập bang Sabah. Tôi nói với đám đông tụ tập hôm đó rằng cũng như những vùng lãnh thổ này đã nắm được quyền tự trị trước khi hợp nhất, trao các quyền lực trong giai đoạn lâm thời cho những viên thủ hiến riêng của từng vùng, vì thế ở Singapore tất cả các quyền lực của liên bang về những vấn đề đối ngoại và quốc phòng cho đến ngày 16/9 sẽ được giao vào tay vị quốc trưởng của chúng tôi, người sẽ hành xử chúng vì quyền lợi của chính phủ trung ương. Tunku và những cộng sự của ông ta cho rằng tôi đã xúi giục các bang Bắc Borneo chống đối, bất chấp những ý muốn cụ thể của ông ta, vì một tuần trước đó, tôi đã gặp các lãnh tụ của Liên minh Sarawak và Sabah ở Jesselton. Quả thực là tôi đã cố thuyết phục họ làm một cái gì đó gây ấn tượng mạnh vào ngày 31/8 để ngăn cản bất cứ sự trì hoãn thành lập liên bang nào nữa.

Selkirk đến dùng bữa tối đó theo kế hoạch nhưng không bày tỏ sự phản đối. Tôi không hề vui mừng về chuyện này, nhưng tôi sẽ không để cho động lực trong việc thành lập liên bang Malaysia phai nhạt, đặc biệt là vì tôi đã loan báo cuộc tổng tuyển cử ba ngày sau đó, với ngày công bố danh sách ứng viên là 12/9. Bằng việc tuyên bố Singapore độc lập và nắm quyền thay chính phủ liên bang, tôi đã gây sức ép với Tunku để buộc ông giữ đúng ngày 16/9. Tunku không hài lòng chuyện này, và ngày 2/9, chính quyền Malaysia phản đối kịch liệt, không phải với Singapore mà với người Anh. Ngày hôm sau tôi trả đũa: “Nếu có ai cần phải đưa ra lời giải thích thì đó là người Anh và Singapore. Xét cho cùng thì chúng tôi điều hành lãnh thổ của chúng tôi.” Tôi thêm rằng một trong những điều đáng tiếc về phía Malaysia là quan điểm ngây thơ của họ khi tin rằng quyền lực đã được hoàng gia Anh trong bộ lễ phục trao trả trên một chiếc đĩa bạc có thắt nơ đỏ tử tế. Đây là một cách nói bất phục tùng mà Tunku không hài lòng, nhưng rất cần thiết cho tôi, vớitư cách một lãnh tụ Singapore, không thể để mình bị xem nhưmột kẻ chỉ biết làm những gì vui lòng Tunku. Ông ta trả lời bằng cách nói là tôi đã xúc phạm tình cảm của người Malaysia.

Tôi nói với Selkirk ngày 4/9 rằng nếu những điểm trong thỏa ước giữa tôi và Tunku không được thực thi trước ngày công bố danh sách ứng cử, tôi sẽ chiến đấu trong cuộc bầu cử trên lập trường đòi độc lập và ngay lập tức yêu cầu một số quốc gia công nhận nó kể từ ngày 16/9. Vì bất cứ sự né tránh nào thêm nữa chỉ có thể có nghĩa là các lãnh tụ Malay có ý định tiêu diệt Singapore, và tôi sẽ cảm thấy xấu hổ không dám nhận trách nhiệm cho việc gia nhập liên bang Malaysia trong những điều kiện như thế. Selkirk báo cáo với Sandys rằng tôi đã bộc lộ tính kiêu ngạo của kẻ trí thức, ngày hôm sau ông ta viết thêm:

“Tôi cho là hiện ông ta đang tiến hành một hành động tối hậu của chính sách bên miệng hố chiến tranh. Ông ta tin vị trí của mình là bất khả xâm phạm. Ông ta tin rằng hoặc ông ta gia nhập liên bang Malaysia theo những điều kiện của riêng ông ta, hoặc ông ta tuyên bố độc lập và có thể đặt ra bất kỳ điều kiện nào ông ta thích với chúng ta bởi vì ông ta chắc ý rằng chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ vị trí quân sự của chúng ta ở Singapore. Ông ta tin, và có lẽ ông ta đúng, rằng ông ta có thể thắng cử dựa trên khẩu hiệu đòi độc lập được kèm theo những nhận xét cay đắng về người Malay và người Anh, vốn là những kẻ mà ông ta sẽ mô tả là đang tìm cách phá hoại vị trí ưu thế mà người Hoa ở Singapore phải gian khổ lắm mới đạt được… Tôi tin rằng về cơ bản, ông ta vẫn muốn gia nhập liên bang Malaysia. Vì thế chúng ta cần phải ép phía Malaysia thỏa đáp đầy đủ cho ông ta về những vấn đề tương đối nhỏ vẫn còn tồn đọng.”

Lúc đó tôi tuyên bố công khai rằng tôi đã dành cho Sandys hạn chót đến ngày 12/9 “để giải quyết một số vấn đề liên quan đến Thỏa ước Malaysia”. Tôi đang chơi lá bài cuối cùng của mình để khiến những điều mà Tunku đã cam kết với tôi ở London được ghi vào hiến pháp hoặc một văn kiện đích thực. Người Anh e ngại sự đe dọa của tôi, nhưng sau khi gặp Razak và Ismail ở Kuala Lumpur, Geofroy Tory báo cáo lại vào ngày 5/9 là “không một ai bộc lộ bất kỳ lo ngại nào về việc thực hiện đến cùng vụ thành lập liên bang Malaysia cho dù Lee có làm gì đi chăng nữa”. Hơn ai hết, Sandys đã giận điên lên khi thấy mọi thứ có thể hỏng bét vào phút cuối, và ngày đó ông ta báo cáo cho Harold Macmillan, Thủ tướng của ông ta, với lời lẽ giận dữ:

“Ông ta nhận ra rằng tuyên bố của ông ta không có giá trị pháp lý, và chính phủ Anh sẽ không chấp nhận bất kỳ nỗ lực nào của ông ta nhằm thực hiện quyền lực mà ông ta cho rằng mình đã nắm được. Mặt khác, hành động công khai thách thức Anh và Malaysia này rõ ràng góp phần củng cố thêm uy tín cá nhân mà ông ta muốn tạo ra.

Ông ta không phải là con người chịu thua. Một khi ông ta đã gắn bó mình với một đường lối cụ thể và đã chấp nhận một rủi ro đã được tính trước một cách cẩn thận, ông ta có thể thực hiện nó đến cùng, dù thành hay bại. Vì thế nếu chúng ta hạ nhục ông ta công khai, tôi tin chắc ông ta sẽ trả đũa bằng những hành động thách thức mạnh hơn nữa theo kiểu này hay kiểu khác, và chúng ta có thể mau chóng rơi vào thế phải đình chỉ hiến pháp.

Nếu như việc chuyển giao chủ quyền của Singapore sang cho liên bang Malaysia xảy ra vào lúc hiến pháp bị đình chỉ, chúng ta sẽ bị cả thế giới lên án là đã chuyển giao nhân dân Singapore trái với nguyện vọng của họ. Vì vậy, theo ý tôi, cho dù có thể bị coi là nhu nhược, thì làm mọi chuyện trong khả năng để tránh khỏi tình trạng ấy vẫn phù hợp với quyền lợi của chúng ta hơn cả.

Trong mấy tuần gần đây Lee đe dọa rằng nếu như chính phủ Malaysia không cho ông ta những gì ông ta đòi hỏi, ông ta sẽ tổ chức các cuộc bầu cử để giành lấy sự tín nhiệm từ phía dân chúng. Hiện ông ta đã làm vậy rồi. Nghị viện Singapore đã bị giải tán. Ngày công bố danh sách ứng cử đã được định là ngày 12/9. Ngày bỏ phiếu có thể là 10 ngày sau đó (sau ngày thành lập liên bang Malaysia).

Cho đến bây giờ Lee vẫn chưa công bố những vấn đề ông ta sẽ đấu tranh trong cuộc bầu cử. Nhưng ông ta đang đe dọa rằng trừ phi chính phủ Malaysia thỏa đáp cho ông ta về những điểm liên quan tới Thỏa ước Malaysia, ông ta sẽ tuyên bố độc lập vào ngày 12/9 và sẽ yêu cầu các cử tri Singapore tán thành điều này bằng lá phiếu của họ.

Tun Razak quả quyết với tôi rằng chính phủ Malaysia đã hứa không thể hủy bỏ việc thành lập liên bang Malaysia, và rằng họ sẽ thực hiện điều này đến cùng dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra. Tôi tin rằng ông ta phát biểu ý kiến giùm hầu hết các Bộ trưởng, nhưng tôi cũng không hoàn toàn tin tưởng như thế về quan điểm của chính Tunku. Như tôi đã báo với ông trong một bức điện trước đó là ông ta đang đau khổ dữ dội vì không thể quyết đoán được và dù tôi không chắc chắn, nhưng vẫn có thể là vào phút cuối ông ta sẽ từ chối tiếp nhận Singapore… Điều này rõ ràng sẽ khiến chúng ta phải đối mặt với tình thế khó xử nhất mà lúc này tôi sẽ không bàn tới.

Với những viễn tượng khó chịu này, điều quan trọng nhất là phải tránh xa, nếu có thể được, việc đụng đầu trực tiếp với Lee từ nay đến ngày 16/9. Vì thế tôi đã hết lòng thuyết phục chính phủ Malaysia nhượng bộ đến hết sức có thể trước những đòi hỏi của Lee liên quan tới hiến pháp của liên bang Malaysia. Phần lớn những đòi hỏi đó đều có lý và dựa trên những cam đoan được ghi nhận khái lược của Tunku với Lee ở London, cho dù phải thừa nhận là Lee đang cố giải thích những lời cam đoan này theo một kiểu có lợi quá đáng cho ông ta.

Nhưng ngay cả nếu như ông ta đạt được mọi điểm ông ta muốn, tôi không nghĩ rằng ông ta sẽ tiếp tục đưa ra một loạt những đòi hỏi mới. Vì thế tôi cho rằng khôn ngoan nhất là chúng ta giả định sẽ gặp rắc rối và chuẩn bị sẵn sàng cho những điều tệ hại nhất.

Những nhượng bộ mà tôi hy vọng thuyết phục được ở chính phủ Malaysia có thể khiến Lee êm thấm gia nhập vào liên bang. Nhưng trừ phi tôi hiểu sai về tính khí của ông ta, ông ta sẽ lừa gạt, khủng bố, hăm dọa đúng lúc. Trong những tình huống này, theo tôi, tôi cần phải tỉnh táo. Tôi hy vọng điều này sẽ cho phép tôi:

(a) Ngăn cản chính phủ Malaysia đừng có một thái độ khiêu khích hay quá khích đối với Lee;

(b) Cố giúp cả hai bên đi đến một thỏa thuận; và

(c) Củng cố quyết tâm thành lập liên bang Malaysia của Tunku nếu như ông ta có biểu hiện dao động. Thật đáng chê trách nếu chỉ trong vài ngày tôi không làm được mọi việc trong quyền hạn của mình để cứu kế hoạch lập liên bang đừng bị sụp đổ, và tránh được mọi hệ quả mà nó sẽ dẫn tới.

Do đó nếu như ngài tán thành, tôi dự định ở lại đây cho đến khi chúng ta thu xếp được vấn đề Singapore một cách an toàn vào ngày 16/9. Trong trường hợp đó tôi có thể lưu lại thêm hai ngày nữa để ăn mừng việc thành lập liên bang. Như vậy sẽ không cần thiết phải tìm một đồng sự khác trong nội các để đảm nhận việc này nữa.”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx