sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 34 phần 2

Tôi gặp Nkrumah vào Chủ nhật tại lâu đài Christianborg có từ hồi thế kỷ 17, một trạm buôn bán nô lệ của người Đan Mạch thời xưa, sau trở thành chỗ làm việc của chính phủ. Khi tôi tiến vào phòng làm việc riêng của ông ta, tôi đi giữa những ngọn đèn dầu kiểu Ấn Độ, những sợi bấc nổi trên những cái tô bằng đồng thau nhỏ xếp dài hai bên một tấm thảm đỏ. Tôi nhận ra ông ta đang trong một trạng thái tinh thần kỳ lạ. Ông ta vừa sống sót được sau một cuộc đảo chính thất bại, nên hơi khép kín và hoang mang. Nhưng ông ta chân thành và thân thiện đối với tôi, và chúng tôi thảo luận với nhau một tiếng đồng hồ. Ông ta nói với tôi, và tôi đã tường thuật lại với báo chí của tôi, rằng: "Nếu các bạn không đi tới, các bạn hẳn sẽ thua vì bỏ cuộc, vì sai lầm của các bạn.” Hôm sau, báo chí địa phương nói tới Malaysia với giọng điệu ôn hòa hơn. Bây giờ họ nói rằng rất có thể, có lẽ một cách vô thức, nó sẽ bị sử dụng cho những mục đích của chủ nghĩa thực dân mới. Tôi mất cả ngày lái xe vượt 70 dặm tới đập nước Thượng Volta, do một công ty của Ý xây dựng, và do chính phủ Anh, Mỹ cùng Ngân hàng thế giới đồng tài trợ. Nhưng sau khi thăm viếng Conakry và Accra và gặp các lãnh tụ nói về việc phân phối của cải theo kiểu xã hội chủ nghĩa, tôi tin họ sẽ trở nên nghèo khổ.

Tại Lagos ở Nigeria, bạn thân của Tunku, Thủ tướng Alhaji Sir Abubakar Tafawa Balewa, gặp tôi ở phi trường với một đội quân danh dự. Nghi lễ rặt theo kiểu Anh. Ông ta ủng hộ Malaysia tận tình, và nhân dân Nigeria cũng biểu lộ sự thân thiện. Tất cả đứng dọc theo con đường dài 15 dặm tới thành phố, họ vẫy tay và la to những lời chào mừng. Lagos trông sung túc hơn Accra nhiều. Nhiều công thự giống hệt như công thự ở Singapore và Malaysia. Chắc chúng theo cùng đồ án của Bộ Công chính Anh. Trên đường ra sân bay rời nước này, tôi đã có thể nói về sự ủng hộ tinh thần hoàn toàn mà vị Thủ tướng đã dành cho Malaysia. Nigeria đã phái một đại biểu đặc biệt đến dự các buổi lễ mừng độc lập ở Kuala Lumpur.

Lusaka nằm ở phía Bắc Rhodesia, sớm được độc lập và đổi tên thành Zambia. Nó tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên hồi tháng giêng, chỉ vài tuần trước khi chúng tôi đến. Kenneth Kaunda, Thủ tướng, đã đi vắng và tiếp tôi là viên phụ tá của ông ta, Kamanga. Chúng tôi được xếp ở khách sạn Livingstone, một tòa nhà một tầng thật đẹp, giống một nhà trọ lớn ở một tỉnh lị nước Anh. Các Bộ trưởng thì thân thiện. Họ biết rất ít về Đông Nam Á nhưng rất vui khi chúng tôi đến thăm và tìm kiếm sự ủng hộ của họ, và chính phủ chấp thuận một lời mời đến thăm Malaysia của Tunku.

Sau đó là ở Blantyre, Malawi. Tổng thống là bác sĩ Hastings Banda, được mọi người gọi là Ngwazi, nghĩa là người được tôn kính như một con sư tử vì quyền lực và sức mạnh của ông ta. Ông ta đã qua kỳ thi sát hạch trình độ với tư cách là một bác sĩ khoa nội ở Scotland và đã vui vẻ thực tập ở đó trong nhiều năm. Ông ta không cần một sự thuyết phục nào cả; ông kiên quyết chống lại tinh thần bài xích người da trắng.

Và từ Malawi, trên đường tới Madagascar, hồi đó được gọi là Malagaay, và đến thủ đô Tananarive, nơi Tổng thống Tsiranana tiếp chúng tôi với sự nồng nhiệt và lòng mến khách tuyệt vời. Ông ta là một người thú vị, thẳng thắn và chân thành. Ông ta công khai nói về mối quan hệ chặt chẽ của nước mình với Pháp. Sau khi nghe tôi, ông nói: “Nếu như một quốc gia phải bị thuộc địa hóa, thì thà bị những nước văn minh chiếm làm thuộc địa còn hơn là những nước kém văn minh.”

Madagascar là một đất nước kỳ lạ, là một đảo ngoài khơi bờ biển châu Phi, mà dân chúng ở đó một phần là châu Phi và một phần là Malay hoặc Polynesia. Các điệu múa của họ kết hợp điệu nhảy chân của người Phi với động tác tay của Malay và Polynesia, và trong ngôn ngữ của họ có lẫn tiếng Malay. Sau các cuộc thảo luận của chúng tôi trong văn phòng của ông ta, Tsiranana lấy một túi da từ trong ngăn kéo và trải ra một lô những viên đá quý lấp lánh, tất cả được khai thác ở Madagascar. Ông ta mời chúng tôi mỗi người chọn một viên. Tôi lấy một viên màu xanh nước biển cho Choo. Những thành viên khác của phái đoàn mỗi người đều có một sở thích khác nhau. Ông ta tìm được niềm vui lớn trong việc nhìn vẻ rạng rỡ trên khuôn mặt chúng tôi khi chọn các viên ngọc.

Dar–es–Salaamm ở Tanganyika, sau đổi thành Tanzania thì khác hẳn. Julius Nyerere là người công giáo, một người theo chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa xã hội, và ông thể hiện sự ủng hộ Malaysia qua cách nói thẳng thắn. Từ lần gặp đầu tiên, tôi đã thích ông ta vì cách ăn mặc, cử chỉ và lối sống giản dị. Ông mời tôi ở trong dinh Tổng thống, trước kia dành cho viên thống sứ Anh và trước Thế chiến thứ nhất là chỗ ở của quan cai trị người Đức. Riêng ông ta thì thích sống trong một ngôi nhà nhỏ gần đó. Ông ta mời các Bộ trưởng Ấn Độ đến dùng cơm, nêu rõ quan điểm rằng, không như các quốc gia Đông Phi khác, ông ta có một chỗ dành cho họ ở Tanganyika. Nhưng tiếc thay, tinh thần Fabian và xu hướng tập quyền của ông ta, xuất phát chủ yếu từ các cuộc thảo luận với các lãnh tụ chống thực dân khác và những người theo chủ nghĩa xã hội Anh có thiện chí mà ông ta gặp ở Anh, đã khiến cho đất nước của ông ta rơi vào đói nghèo một cách không cần thiết.

Khi tôi đến Kampala ở Uganda, Thủ tướng Milton Obote đi vắng và tôi được các Bộ trưởng đón tiếp. Họ thân thiện và hiểu biết, một phần nhờ bởi những quan hệ trong Khối thịnh vượng chung. Có một sự căng thẳng nào đó giữa chính phủ và Kabaka của Buganda, hay “Vua Freddie” như ông ta được mọi người gọi như vậy, nhưng dù Obote đã gặp Tunku trong các hội nghị của Khối thịnh vượng chung và đã nhìn ông ta một cách sai lầm như một “Vua Freddie” khác, thì điều đó cũng không ảnh hưởng đến sự ủng hộ của Uganda đối với Malaysia. Họ đồng tình với Malaysia và không ủng hộ Indonesia.

Chặng dừng kế tiếp, Nairobi, lại quan trọng. Tổng thống Jomo Kenyatta được mọi người gọi là Mzee, một từ dùng để chỉ sự tôn kính và sùng bái cao độ dành cho người già. Ông nổi tiếng khắp thế giới là một chiến sĩ đấu tranh cho tự do đã từng bị giam giữ trong xiềng xích suốt cuộc phiến loạn Mao Mao vào những năm 1950 chống lại chính phủ Anh và những tên thực dân da trắng[36]. Viên toàn quyền Malcolm MacDonald, mà tôi đã từng biết khi ông ta là Tổng ủy viên Anh ở Đông Nam Á, đã tóm lược cho chính phủ Kenya về Malaysia, và tất cả những gì tôi cần làm là gặp Kenyatta và đạt được sự tán thành của ông. Thật không may, ông đang ở Mombasa, khánh thành một nhà máy lọc dầu, nhưng Malcolm MacDonald là nguời tháo vát, và ông ta thu xếp với chính phủ để có máy bay đưa tôi tới đó.

[36] Cuộc khởi nghĩa của người Mao Mao nổ ra vào năm 1952 và bị Anh dập tắt vào năm 1955 với khoảng 40.000 người bị giết. Cuộc khởi nghĩa đã khiến mọi người dân còn do dự đứng hẳn về phe kháng chiến. Nhưng mãi đến tháng 12/1963 Anh mới trao trả độc lập cho Kenya.

Kenyatta đón tôi ở phi trường và chúng tôi cùng ngồi xe đến khách sạn của tôi qua những đám đông đang la to “Urumbi, Urumbi". Kenyatta giục tôi cùng hô theo và chỉ ngón trỏ lên trời như họ đã làm; cử chỉ này, ông giải thích, có nghĩa là “chúng ta hãy hành động như một dân tộc”. Trong một thông cáo chung, ông nhấn mạnh tình bạn của Kenya với Malaysia, đón mừng cuộc viếng thăm của phái đoàn như một bước nhằm củng cố sự hiểu biết lẫn nhau, và cám ơn tôi vì đã đến Mombasa để gặp ông.

Chặng dừng cuối cùng của tôi là Addis Ababa ở Ethiopia. Sau khi đến, tôi đi chơi bằng xe vào buổi chiều, dùng bữa trong nhà khách, và ngủ. Lúc ba giờ sáng, thức dậy tôi cảm thấy thật nặng ở ngực. Tôi sợ mình bị chứng đau tim. Tôi ngủ chập chờn. Tại bữa điểm tâm, tôi hỏi vài thành viên khác trong đoàn xem có ai trải qua trạng thái kỳ lạ này không. Không ai bị cả. Tôi ước gì chúng tôi mang theo một bác sĩ. Khi nhóm còn lại từ một khách sạn khác trong thành phố đến, tôi thật an tâm khi thấy vài người trong số họ cũng trải qua cảm giác như tôi. Đó là bệnh ở vùng núi. Addis Ababa cách mực nước biển gần 3.000 mét.

Để được hoàng đế Haile Selassie tiếp kiến, tôi phải đi qua hai con báo được xiềng vào cột hai bên ông ta. Đó là một hình ảnh của Vua Salomon trong kinh thánh, có điều là vua Haile Selassie mặc một bộ quân phục kiểu Anh. Ông ta lắng nghe và dứt khoát ủng hộ Malaysia. Nhưng nước của ông ta không phải là một trong những chế độ cách mạng của châu Phi. Tôi bị chấn động bởi thái độ sợ hãi và sùng kính của dân chúng trên đường khi xe tôi đi ngang với lá cờ đang tung bay. Họ giở nón và cúi đầu thật thấp. Lá cờ biểu trưng cho quyền lực, dù nó tung bay vì hoàng đế, vì khách của ông ta hay vì các viên chức của ông ta, và họ biết thân phận thấp hèn của họ dưới đáy xã hội. Trái với những dinh thự đẹp đẽ chung quanh, họ trông tiều tụy và nghèo khổ. Tôi quy tất cả những điều này cho chế độ phong kiến lỗi thời đã bần cùng hóa người nông dân và dành của cải cho tầng lớp quý tộc. Tôi không cảm thấy lạc quan cho tương lai của đất nuớc này.

Từ Addis Ababa tôi bay tới Aden để tiếp nhiên liệu trước khi tới New Delhi. Aden đang khổ sở vì cuộc nội chiến, khi người Anh chuẩn bị rút lui. Các biện pháp an ninh rất nghiêm ngặt quanh phi trường, với những dây thép gai và lính đứng gác ở những vị trí trọng yếu, và qua việc nói chuyện với các sỹ quan không quân hoàng gia Anh trong khi đợi ở đó, tôi có thể cảm giác được một tình trạng khẩn cấp.

Ở Delhi tôi giật mình khi thấy Nehru già đi nhiều so với lúc tôi gặp ông lần đầu vào tháng 4/1962. Ông ta trông mệt mỏi và khó tập trung tư tưởng. Cuộc chiến tranh biên giới tháng 12/1962 giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc bên kia HyMalaysia gần Ladakh đã là một thảm họa. Nó đã phá hủy tất cả những gì ông đã hy vọng và chiến đấu để giành lấy. Ông cũng đã giới thiệu Chu Ân Lai với các lãnh tụ Á Phi ở Hội nghị Bandung năm 1955[37] để báo trước một thời kỳ mới của tình đoàn kết Á Phi. Giấc mơ của ông đã biến thành tro bụi. Tôi cảm thông với ông. Ông đã mất đi sức sống và tinh thần lạc quan của mình. Các Bộ trưởng và viên chức của ông tiếp chúng tôi với sự nồng nhiệt và lòng mến khách, và các phái đoàn của họ ở châu Phi thật hữu ích.

[37] Hội nghị Bandung (Indonesia) là hội nghị đầu tiên của các nước Á Phi (lần này gồm 29 nước), đã có tác động thức tỉnh các dân tộc da màu và cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc. Sau Bandung, các nước Á Phi còn họp hai hội nghị liên tiếp nữa ở Accra, vào tháng 4 và tháng 12/1958. Các hội nghị trên đã ảnh hưởng rất mạnh tới phong trào giải thực ở châu Phi.

Điểm dừng kế tiếp của tôi là Kuala Lumpur chứ không phải Singapore, vì tôi còn phải báo cáo cho Tunku. Ông ta hài lòng vì thấy tôi đã ngăn chặn và đánh trả được sự tuyên truyền của Sukarno trên mặt trận Á Phi, và cuộc họp báo của tôi được phát đầy đủ trên đài truyền hình Kuala Lumpur. Tôi nói rằng Indonesia đã có kinh nghiệm lâu năm trong bang giao quốc tế và vượt xa người Malaysia chúng tôi về lĩnh vực này. Họ đã phát triển được các kỹ năng tuyên truyền; họ biết sự nhạy cảm và dễ lĩnh hội của các lãnh tụ châu Phi, những người không ưa các căn cứ ngoại quốc. Vấn đề là ở chỗ hình ảnh quốc tế của Sukarno, được đánh giá qua thuật hùng biện của ông ta, có vẻ là một nhà cách mạng chống chủ nghĩa thực dân nhiệt tình, trong khi Tunku, trái lại, là một người rụt rè, ôn hòa của phương Tây. Indonesia đã xuyên tạc thái độ hòa nhã của ông ta là thái độ của một tay sai của Anh.

Trong trạng thái phấn kích, Tunku đã tha thứ cho tôi vì những tuyên bố bất phục tùng của tôi trong cuộc bầu cử, và đề nghị rằng tôi nên đến New York và Washington để thuyết phục người Mỹ như tôi đã thuyết phục người Phi. Tôi có thể lên đường ngay lập tức sau khi đã nghỉ ngơi. Ngày hôm sau, 27/2, tôi bay về Singapore trong sự tiếp đón nồng nhiệt của hàng nghìn người tại phi trường. James Wong, người đã về Sarawak sau khi chia tay tôi ở Dar–es–Salaam, trong lúc ghé lại Singapore trên đường về đã mô tả chuyến công cán của chúng tôi là một thành công rực rỡ: “Chúng tôi đã giành được sự hiểu biết, đồng tình và ủng hộ tinh thần của tất cả các nguyên thủ và Bộ trưởng những nước châu Phi mà chúng tôi đã gặp gỡ.” Khi tôi lái xe về nhà cùng Choo và ba đứa trẻ trên xe, đám đông vẫy theo tôi suốt đoạn đường. Đó là một chuyến đi mệt mỏi, nhưng đã là một phần vô giá trong kinh nghiệm chính trị của tôi. Trước tiên tôi hiểu thêm được về Ả Rập và các dân tộc châu Phi, và hiểu trở lực gì mà các nước châu Phi phải khắc phục để giáo dục các bộ tộc của họ và phát triển nền kinh tế thường phiến diện của họ.

Qua chuyến đi dài 35 ngày qua 17 thủ đô châu Phi, tôi đã được các đại sứ Anh chuyên nghiệp giúp đỡ. Các nhà ngoại giao của họ đều thạo tin, thích nghi tốt với các chính phủ chủ nhà, biết kín đáo hay lộ diện khi tình hình đòi hỏi. Tại mỗi điểm dừng, tôi đều được nghe họ trình bày tóm tắt về tình hình đất nước đó, chân dung thu nhỏ của các Bộ trưởng mà tôi muốn gặp, và một mô tả về cơ cấu chính quyền. Những bản tóm tắt luôn luôn rất tốt. Năng lực của các nhà ngoại giao Anh rất cao. Còn việc họ có mang những lợi ích kinh tế về cho người Anh hay không là một vấn đề khác.

Một trong những hồi ức khó quên nhất của tôi là Dinh Chính phủ ở Lusaka, nơi tôi lưu lại với tư cách là khách của viên thống sứ Anh cuối cùng của Bắc Rhodesia, ngài Evelyn Hone. Nó được trang hoàng đẹp và được chăm sóc tốt, nhưng không xa hoa. Các dụng cụ vệ sinh, xà bông, khăn tắm, dao kéo, đồ sứ đều giống như những thứ mà tôi thấy trong các dinh chính phủ Anh ở Singapore, Sarawak và Bắc Borneo. Tất cả chúng là một phần của một hệ thống được điều hành tốt. Tôi tự hỏi viên thống sứ sẽ sống một cuộc đời như thế nào ở Anh một khi ông ta rời khỏi chức vụ và không còn đoàn gia nhân đồng phục. Ông ta thực hiện vai trò ông chủ tiếp khách với vẻ tao nhã, lịch lãm. Từ cửa sổ phòng khách của ông ta, tôi thích thú nhìn bọn hươu nai, linh dương, hoẵng, công, sếu, các động vật và chim chóc châu Phi nhởn nhơ trong vườn. Dinh Chính phủ giống như một tòa lâu đài miền quê của Anh tọa lạc trên cao nguyên châu Phi, càng giống nước Anh cổ càng tốt để làm dịu nỗi nhớ nhà của các viên thống sứ.

Tôi đã có dịp trở lại Lusaka năm 1970 để dự Hội nghị không liên kết, và một lần nữa vào năm 1979 để dự Hội nghị Khối thịnh vượng chung. Mỗi lần lại là một kinh nghiệm buồn bã. Tôi nhớ lại những bông hoa, bụi rậm, hàng cây, bụi cỏ bên vệ đường và ở mỗi vòng xoay khi tôi ngồi xe từ phi trường vào đây hồi năm 1964. Hoa hồng mọc rất nhiều. Sáu năm sau hoa hồng đã biến mất, và cỏ dại mọc đầy. Chín năm sau nữa, ngay cả cỏ dại cũng không còn, những vòng xoay được tráng nhựa. Và trong Dinh Chính phủ, giờ thành nhà nghỉ của Tổng thống, hình như chim và thú cũng ít đi. Tôi tự hỏi tại sao.

Tôi đã nhận được một bài học không thể quên được về vấn đề giải thực, về tầm quan trọng sống còn của việc có được một chính phủ hiệu năng và hợp lòng dân, nhất là tại châu Phi này, để tiếp nhận quyền lực từ guồng máy cai trị thực dân. Khi nhà lãnh đạo không giữ nổi tính thống nhất của đất nước bằng cách chia sẻ quyền lực với những lãnh đạo các sắc dân thiểu số, mà lại tìm cách loại bỏ họ đi, thì hệ thống chính quyền sẽ mau chóng sụp đổ. Tệ hơn nữa, khi các chính sách lạc hướng dựa trên sự hiểu biết hời hợt về chủ nghĩa xã hội và về các lý thuyết tái phân phối lợi tức đi kèm với một chính phủ kém hiệu năng, thì các cộng đồng trước đây đã được chính quyền thực dân nối kết lại sẽ tan rã, kéo theo những hậu quả tai hại khôn lường.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx