sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 40 phần 2

Tan Siew Sin một lần nữa cảnh cáo chúng tôi rằng Singapore không thể tự mình làm việc gì một mình được. “Tôi yêu cầu họ nhớ cho là Singapore không thể tự thân tồn tại được. Ngay cả việc ly khai khỏi Malaysia cũng không thể xóa tan sự thật là chưa tới 1,5 triệu người Hoa ở đó đang bị tràn ngập trong khối hơn 100 triệu người Malay ở khu vực này.” Sau chuyến viếng thăm New Zealand và Úc trở về, tôi đã trả lời rằng chuyện ly khai là không bàn tới nữa, nhưng điều này cũng đã không được lưu ý đến, và tờ Utusan Melayu đã thuật lại rằng vào ngày 24/5, Albar một lần nữa đã hối thúc Ismail có hành động chống lại tôi:

“Nếu Lee Kuan Yew thật sự là một con người, ông ta không nên phát biểu quanh co và nên can đảm nói thẳng ra là ‘Tôi muốn ly khai khỏi Malaysia bởi vì tôi không hài lòng’. Ông ta đã gia nhập vào Malaysia với cái nhìn cảnh giác và Malaysia ngày nay cũng chính là Malaysia mà ông ta đã ủng hộ. Tại sao trước đó ông không phản đối đi? Tại sao tới bây giờ ông ta mới hối tiếc? Tại sao? Albar cao giọng hỏi. Những người nghe ông trả lời: “Bóp chết Lee đi, bóp chết Lee”, và nhiều tiếng khác la lên: “Hãy bắt Lee và ướp hắn như ướp lòng vậy.” Dato Albar mỉm cười một lát rồi trả lời: “Hãy thét to hơn nữa để Tiến sĩ Ismail có thể nghe được sự giận dữ của nhân dân. Tôi muốn chắc chắn rằng mọi người đều nghe thấy sự giận dữ của nhân dân.”

Albar đã sử dụng lại kỹ thuật mà ông ta đã dùng ở Singapore trước thời bạo loạn năm 1964. Ngày hôm sau, tờ Utusan cho đăng một bài trích lời của đảng bộ UMNO ở bang Selangor, tiêu đề của bài là: “Lee Kuan Yew là kẻ thù của nhân dân Malaysia”, và một tờ báo khác bằng tiếng Malay, tờ Berita Harian, cũng tường thuật rằng đảng bộ UMNO ở bang Perak đã tố cáo tôi là “mối đe đọa nguy hiểm nhất cho an ninh của xứ sở.” Bọn họ đã hè nhau kích động.

Các cuộc tấn công như vậy đạt tới cao độ khi Tiến sĩ Mahathir bin Mohammad, một nghị viên thuộc đảng UMNO (sau này là Thủ tướng Malaysia), tuyên bố tại quốc hội liên bang rằng PAP “thiên vị người Hoa, theo cộng sản và tích cực chống người Malay”, dựa vào lý do là Singapore vẫn theo chủ nghĩa đa ngôn ngữ trong khi lại đãi bôi với ngôn ngữ quốc gia, và “Tại một số đồn cảnh sát, tiếng Hoa là ngôn ngữ chính thức, và các tuyên bố đều bằng tiếng Hoa.” Các trường quốc ngữ, ông ta nói, bị đối xử tàn tệ trên hòn đảo này, và mãi cho đến gần đây cũng chỉ được dành cho những tiện nghi rất tối thiểu. “Về công nghiệp, chính sách của PAP không chỉ khuyến khích người Malay trở thành những người làm công, mà còn cả việc người Malay không được dành cho những phương tiện để mà đầu tư nữa.” Mahathir phát biểu điều này khi bàn cãi về bài diễn văn của Yang di–Pertuan Agong, quốc vương.

Ngày hôm sau, tôi đã có một bài phát biểu quan trọng nhất trong đời tôi tại quốc hội liên bang trước một cử tọa thù địch và căng thẳng, bao gồm rất đông các nghị viên Malay đã hằng ngày bị Utusan nhồi nhét luận điệu tuyên truyền chống PAP, chống Lee Kuan Yew, chống người Hoa suốt một năm qua. Tôi đề nghị một tu sửa để bày tỏ sự lấy làm tiếc rằng diễn văn của nhà vua đã không xác quyết lại với cả nước rằng sẽ vẫn tiếp tục tiến bước đúng theo hiến pháp dân chủ của mình để hướng đến một đất nước Malaysia của người Malaysia. Tôi trích dẫn: “Chúng ta cũng đang đứng trước những mối đe dọa từ bên trong nước.” Tôi hy vọng Tunku sẽ giải thích ý nghĩa của câu này. Tôi có nói với ông lời đoan chắc như thế này: “Chúng tôi có quyền lợi thiết thân với chủ nghĩa lập hiến, với sự trung thành bởi chúng tôi biết rằng – ngay từ trước khi chúng tôi gia nhập Malaysia – nếu chúng tôi kiên nhẫn, nếu chúng tôi kiên định, hiến pháp này phải có nghĩa là một đất nước của người Malaysia sẽ hình thành.”

Thế nhưng diễn văn của Tiến sĩ Mahathir ám chỉ rằng điều đó có thể sẽ chẳng bao giờ có. Tôi trích những gì ông ta đã phát biểu hôm trước đó nói về người Hoa ở Singapore: “Họ chẳng bao giờ biết đến luật tắc[39] Malay và không thể chịu đựng nổi ý nghĩ rằng những người đã bị họ đè quá lâu dưới chân giờ đây sẽ ở vị trí cai trị họ.” Cai trị họ? Tôi đã vạch ra sự khác biệt giữa bình đẳng chính trị và các đặc quyền để nâng cao người Malay về mặt xã hội và kinh tế. Tôi chấp nhận chuyện đặc quyền, nhưng nếu những dân tộc khác của Malaysia không được hưởng bình đẳng chính trị với người Malay, thì không cần gì Sukarno và cuộc chiến đối đầu của ông ta mới bóp chết được chúng ta đâu. Vẫy bản hiến pháp trong tay phải, tôi nói: “Một khi bạn ném cái này vào lửa và nói ‘Thế là xong’, điều đó có nghĩa là bạn đã làm điều đó từ lâu rồi; và lịch sử đã là một tiến trình dài không ngừng nghỉ.” Tôi nói Albar muốn chúng tôi rút lui và phó mặc bạn bè ở Sabah, Penang, Malacca và những nơi khác nữa trên đất Malaysia trong bàn tay sinh sát của UMNO; chúng tôi sẽ không làm như vậy dâu.

[39] Không tìm ra định nghĩa chính thức của “luật tắc”, tuy nhiên từ này được sử dụng trong một vài bài viết cũ, mang ý nghĩa “luật lệ” và “phép tắc”.

Tôi đập tan lời cáo buộc chúng tôi thiên trọng người Hoa. Nếu chúng tôi ủng hộ một Malaysia của người Hoa, chúng tôi không thể lôi cuốn được sự ủng hộ của đa số, bởi người Hoa chỉ chiếm 42 % dân số. Nếu tôi cứ đi khắp nơi để nói về người Hoa như những gì Albar đã nói về vai trò là người Malay – “dù ở đâu tôi cũng là người Hoa” – thì điều đó sẽ dẫn chúng ta đi về đâu? Trái lại, tôi luôn nhắc nhở dân chúng rằng: “Tôi là một người Malaysia, tôi đang học tiếng Bahasa Kebangsaan (quốc ngữ) và tôi chấp nhận Điều 153 của hiến pháp (nói về các đặc quyền dành cho người Malay).”

Đã đến phần cảm xúc nhất trong bài diễn văn của mình, trong đó tôi bày tỏ sự thiếu thỏa đáng trong các chính sách của UMNO, nên tôi quyết định phát biểu bằng tiếng Malay. Mặc dù tôi không giỏi tiếng Malay như tiếng Anh, nhưng cũng lưu loát không thua những đại biểu quốc hội không–Malay khác. Tôi nói rằng trong khi tôi chấp nhận tiếng Malay là ngôn ngữ chính thức duy nhất, tôi vẫn không thấy nó có thể giúp nâng cao địa vị kinh tế của dân chúng ở chỗ nào. Điều đó sẽ có nghĩa rằng sản phẩm của người nông dân Malay sẽ có giá hơn, rằng anh ta sẽ được hưởng những mức giá thuận lợi hơn chăng? Liệu anh ta sẽ được hưởng những tiện ích tốt hơn do chính quyền mang lại không? Tôi nói thêm rằng nếu chính phủ Liên hiệp không có những giải pháp đích thực cho các vấn đề kinh tế hiện nay, thì chính phủ không nên bóp nghẹt đối lập. Bởi vì chúng tôi đang có một giải pháp khác, và nó sẽ hữu hiệu: “Trong mười năm, chúng ta sẽ vun bồi một thế hệ người Malay, có học, có hiểu biết về các kỹ thuật khoa học và quản lý công nghiệp hiện đại”.

Tới đây, tôi trích dẫn lời của Tiến sĩ Mahathir đã phát biểu trước đó:

“Dĩ nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng có hai loại người Hoa… những người ủng hộ MCA là những người Hoa đã mấy đời sống và làm việc chung với người Malay và dân tộc bản địa khác, và một loại người Hoa xa cách, ích kỷ, ngạo mạn, điển hình trong số này là ông Lee. Loại người Hoa thứ hai này sống trong khung cảnh thuần túy Hoa, trong đó người Malay chỉ tồn tại ở mức tôi đòi… Đa phần trong số họ chưa từng băng qua đường đê (nối Singapore và bán đảo Malaysia). Họ thật ra trước hết là những người Hoa hải ngoại, xem Trung Quốc như là trung tâm thế giới và Malaysia là một xứ thứ yếu rất nghèo.”

Tôi nói tiếp: “Điều đó có nghĩa là gì, thưa ngài chủ tọa? Chúng không phải là những lời thốt ra trong lúc vội vã, chúng được biên soạn, được chuẩn bị và được đọc lên một cách thành khẩn, và nếu chúng ta rút ra những hàm ngụ từ đó, câu trả lời đơn giản sẽ là: Malaysia sẽ không phải là quốc gia của người Malaysia. Tôi nói, có nói như vậy, thì bây giờ chúng ta biết rồi đấy.”

Còn về chuyện người Malay “chỉ tồn tại ở mức tôi đòi”, tôi đã nói rằng chính Tunku thường phát biểu trước công chúng và cũng như trong chỗ riêng tư rằng người Hoa giàu và người Malay nghèo, nhưng tôi đã dùng một số ví dụ đơn giản để làm sáng tỏ một vài điểm, vẫn dùng tiếng Malay. Các đặc quyền và tiếng Malay quốc ngữ chẳng phải là câu trả lời cho vấn đề kinh tế này. Nếu trong số bốn triệu rưỡi người Malay cùng ba phần tư triệu người Iban, người Kadazan và các dân tộc khác nữa, chúng ta biến được 0,3 % số đó thành cổ đông trong các công ty, liệu chúng ta có thể giải quyết được vấn đề nghèo đói của người Malay không?

“Làm thế nào để người dân quê Malay tìm được cách bước được vào xã hội hiện đại hóa này? Bằng cách trở thành tôi tớ của con số 0,3 % gồm những người có tiền thuê họ lau giày, mở cửa xe chăng?… Dĩ nhiên, có những người Hoa triệu phú, có xe hơi to, có nhà rộng. Tạo ra được vài người Malay triệu phú có nhà cao cửa rộng thì có phải là câu trả lời không? Làm thế nào mà việc thuyết phục một tài xế xe buýt người Malay rằng anh ta phải ủng hộ đảng của giám đốc người Malay (UMNO) và bảo nhân viên soát vé xe buýt người Hoa là phải tham gia vào một đảng khác của ông chủ người Hoa của anh ta (MCA) – làm thế nào mà việc đó cải thiện được mức sống của anh tài xế người Malay và anh soát vé người Hoa vốn đều là công nhân trong cùng một công ty?

“Nếu chúng ta cứ đánh lừa làm công chúng tưởng rằng họ nghèo bởi vì không có những quyền dành cho người Malay hay bởi vì các phe đối lập chống lại các quyền dành cho người Malay, chúng ta sẽ đi được tới đâu? Các ông cứ để cho dân chúng nơi làng quê tin rằng họ nghèo bởi vì chúng tôi không nói tiếng Malay, bởi chính quyền không viết tiếng Malay, tất anh ta sẽ chờ đợi một điều thần kỳ xảy ra vào năm 1967 (thời điểm mà tiếng Malay sẽ trở thành quốc ngữ chính thức duy nhất). Lúc tất cả chúng ta đều khởi sự nói tiếng Malay, thì anh ta sẽ có một mức sống khá hơn, và nếu điều đó không xảy ra, thì chuyện gì sẽ xảy ra?… Cùng lúc đó, mỗi khi có một thất bại trong chính sách kinh tế, xã hội và giáo dục là các ông quay lại nói, ồ, bọn người Hoa, người Ấn và những dân tộc xấu xa khác đang chống các quyền dành cho người Malay. Họ không chống lại các quyền dành cho người Malay. Họ, những người Malay, đều có quyền, với tư cách những công dân Malaysia, để vươn lên tầm cao trong đào tạo và giáo dục mà các xã hội có tính cạnh tranh hơn, xã hội phi–Malay, đang có. Đó là những gì nên làm, có phải không? Đừng nuôi dưỡng họ bằng thứ lý thuyết ngu dân rằng tất cả những gì họ phải làm là giành lấy những đặc quyền Malay cho một số ít người Malay nào đó và vấn đề của họ sẽ được giải quyết…"

Trong tranh luận chính trị của Malaysia từ trước tới nay, người ta chưa từng được nghe những lập luận như thế, được đưa ra bằng những ngôn từ kinh tế và xã hội rất thực tế, bình dân và bằng tiếng Malay. PAP đã đưa ra công khai những vấn đề cốt lõi và bức xúc, theo một cách thức hợp lý để vạch trần sự phiến diện trong lập luận chính trị của UMNO, rằng bởi vì các nhà lãnh đạo Malay (phần lớn là các nhà quý tộc và tầng lớp ưu tú có học) đã làm việc chung với các nhà lãnh đạo người Hoa (phần lớn là những thương nhân thành công) và các nhà lãnh đạo Ấn (phần lớn là những nhà chuyên môn), nên tất cả đều sẽ tốt đẹp.

Đó là bài diễn văn bằng tiếng Malay có ý nghĩa nhất của tôi từ trước tới nay, và tôi đã phát biểu nó trước cử tọa là những đại biểu quốc hội người Malay, nhiều người trong số họ đại diện cho các vùng nông thôn, và trước đám đông người Malay đứng chật ních ở hành lang. Tôi đã nói mà không hề có bài viết sẵn, và do vậy nó đã gây được rất nhiều ấn tượng cho mọi người. Lúc tôi đang phát biểu, đã có một sự im lặng đến rợn người. Bầu không khí thật sôi động.

Hai mươi năm sau đó, trong dịp kỷ niệm ngày độc lập của Singapore, Eddie đã nói về tôi trong một cuộc phỏng vấn: “Ông đã nói suốt nửa tiếng đồng hồ. Đã có khoảng trên dưới 500 người trong Hội trường và trong hành lang, nhưng bạn vẫn có thể nghe được tiếng cây kim rơi. Tôi nghĩ nếu họ hoan hô được, họ tất sẽ làm. Nhìn lại, tôi nghĩ đó chính là giây phút Tunku và các đồng sự của ông nghĩ tốt nhất là nên để cho Singapore và ông Lee ra đi.”

Đồng sự người Malay trong nội các của tôi, Othman Wok, cũng có mặt ở hội trường. Ông nhớ lại: “Hội trường im phăng phắc và chẳng một ai nhúc nhích. Các Bộ trưởng của chính quyền trung ương thụt người xuống ghế đến nỗi chỉ thấy trán của họ ló lên khỏi mặt bàn. Các nghị viên bình thường thì cứ như đang xuất thần. Họ có thể hiểu được từng lời từng chữ. Đó là một bước ngoặt. Họ đã cảm nhận ra rằng Lee quả là một tay nguy hiểm, một người mà ngày nào đó có thể trở thành Thủ tướng Malaysia.”

Tôi không có những ảo vọng như vậy. Trong một thời gian, rất dài, Malaysia sẽ không thể có một Thủ tướng người Hoa đâu.

Người Malaysia hiện nay không ngờ chuyện tôi, một kẻ được cho là một tên người Hoa mang tư tưởng dân tộc hẹp hòi và quyết chống lại người Malay, lại đang nói bằng tiếng Malay mà không hề có tí âm sắc tiếng Hoa nào như phần đông người Hoa khác vẫn mắc phải. Tôi đã được sinh ra và lớn lên tại Singapore, nói thứ tiếng này từ khi còn nhỏ. Tôi có thể truy ngược tổ tiên của mình đến ba đời đều là người Singapore. Họ đã có những đóng góp lớn cũng không kém gì bất cứ người Malay nào đang có mặt trong hội trường này. Và tôi đang đứng bên cạnh họ, chứ không phải chống họ. Tôi muốn cải thiện số phận của họ.

Tunku và Razak trông có vẻ không vui. Tôi đang chạm trán với họ trên chính mảnh đất Malay của họ và đang tranh thủ sự ủng hộ một cách hòa bình bằng những lý luận trong một cuộc tranh luận công khai. Tôi không phải lo lắng vì những tiếng kêu la lạm dụng và chê bai the thé, ầm ĩ và thậm chí cuồng nộ của họ. Tôi có thể giữ vững được lập trường của mình. Nếu được phép tiếp tục, tôi có thể bắt đầu chinh phục được một số người Malay. Họ có thể thấy rằng trong số các vị dân biểu đội mũ chỏm Haji của những vị đã từng hành hương sang tận Mecca, có những người đang gật gù đồng ý khi tôi vạch ra rằng chuyện đơn thuần lấy tiếng Malay làm quốc ngữ sẽ không cải thiện số phận kinh tế của họ được. Họ cần phải có những chương trình thực tiễn hướng vào các lĩnh vực nông nghiệp và giáo dục.

Bài diễn văn đó đã dấy lên sự bất an nơi các nhà lãnh đạo chính phủ Liên hiệp và các nghị viên đến nỗi, trái với trình tự nghị sự, viên chủ tịch Hạ viện đã quyết định không cho tôi trả lời những ý kiến phản biện. Đó là một đòn trả đũa gián tiếp cho hiệu năng sử dụng tiếng Malay của tôi. Thay vào đó, ông đã mời Razak, thế vào chỗ của Tunku, lên kết thúc buổi tranh luận. Razak tuôn ra một bài diễn văn lê thê đầy những lời cáo buộc: tôi đang tạo ra hỗn loạn và âu lo, những mong để được xuất hiện như một lãnh tụ cứu rỗi cho đất nước. Tôi là một chuyên gia tạo ra những tình huống không hề có. Tôi đã bóp méo sự thực và gieo các mối nghi ngờ trong lòng công chúng. Tôi mưu đồ chia cắt đất nước ra làm đôi – “một Malaysia của người Malay, và một Malaysia của Lee Kuan Yew.” Razak đã cực kỳ cay đắng khi kết luận rằng: “Hố sâu phân cách PAP và chính phủ Liên hiệp giờ đây đã quá rõ ràng. PAP có nghĩa là Chia ly và Hủy diệt.”

Tôi không ngờ diễn văn của tôi đã đóng vai trò cốt lõi trong quyết định của Tunku là cho Singapore ly khai khỏi Malaysia. Mười hai năm sau đó, năm 1977, trong tác phẩm Looking Back (Nhìn lại), Tunku đã viết: “Giọt nước cuối cùng làm tràn ly chính là bài diễn văn của ông Lee Kuan Yew đọc tại Quốc hội, lúc ông ta đề nghị tu sửa ‘ý kiến cám ơn quốc vương vì bài phát biểu của ngài hồi tháng 5/1965’. Ông ta đã đưa ra nhiều vấn đề làm rối loạn sự ổn định tư tưởng của các dân biểu Hạ viện thuộc loại ôn hòa nhất.” Ông gửi tặng tôi một bản, có lời ghi rằng:

“Ông Lee Kuan Yew

Người bạn đã hết mình cho sự thành lập đất nước Malaysia và thậm chí còn hết mình hơn nữa để nó được chia tách.

Với lời thăm hỏi tốt đẹp,

Tunku Abdul Rahman, 26/5/77”

Năm năm sau, 1982, Tunku đã nói với tác giả của một quyển sách về Singapore: “Ông ta (Lee Kuan Yew) nghĩ mình cũng chính thống như tôi vậy trong vai trò một nhà lãnh đạo của Malaysia bởi ông ta nói tiếng Malay hay còn hơn cả tôi nữa.” Tôi không nói tiếng Malay hay hơn cả Tunku đâu. Thậm chí có như vậy đi nữa tôi cũng vẫn không phải là người Malay và không thể trở thành nhà lãnh đạo của Malaysia được. Nhưng khi nghe tôi vào cái ngày ấy ở quốc hội, ông nhận ra rằng tôi đã làm cho ngay cả những nghị viên bình thường cũng hiểu được và tán đồng ý nghĩ của tôi. Điều đó là không thể chấp nhận được.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx