sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 2 - Chương 29 - Phần 1

Chương Hai Mươi Chín

Chuyến công tác Bình Trị Thiên

Đoàn Văn Nghệ của Trung Đoàn 304 sau khi xong công tác tại Hà Tĩnh rồi thì chia ra làm hai. Phạm Văn Đôn dắt một nửa đoàn trở ra Bộ Tư Lệnh Quân Khu IV. Tôi, Bửu Tiến, Ngọc Khanh (em gái của nhạc sĩ Ngọc Bích), Vĩnh Cường và một số đội viên đi vào phía Nam. Giã từ những đoàn viên đang quay chân trở về Thanh Hóa, chúng tôi lên đường đi vào một miền đất nước được mệnh danh là Bình-Trị-Thiên khói lửa. Một đại đội Vệ Quốc Quân do một cán bộ tên là Ngô Đại Hành chỉ huy được phái đi để phòng vệ cho đoàn văn nghệ. Họ đi cách chúng tôi chừng 2, 3 cây số.

Ngày đầu tiên khởi sự ra đi, vừa qua một mảnh đồng bằng rất hẹp không có đất cầy mà chỉ có những búi cỏ cứng mọc trên bãi cát, chúng tôi phải leo ngay lên núi. Và đã leo một bước rồi là cứ tiếp tục leo, leo hoài, leo mãi. Leo từ sáng sớm cho tới chiều tối, không có một bước chân nào của chúng tôi được đặt trên một lối đi gọi là phẳng phiu cả. Toàn là phải cong lưng, cúi đầu, co gối... leo hết bước này leo tới bước khác. Leo khoảng vài chục bước là phải ngồi bệt xuống bờ núi để ôm ngực thở. Phải mất một ngày đường mới leo được từ chân núi tới đầu núi. Nghỉ ngơi một đêm rồi hôm sau lại mất một ngày nữa mới đi được từ đỉnh núi xuống thung lũng. Không trách gì người dân ở đây đã gọi các cao điểm này bằng những cái tên nghe phát sợ: núi Ba Lùm Ba Lòi, núi U Bò... Cứ tưởng rằng đi xuống thì đỡ mệt hơn leo lên, nhưng vì ngoài cái ba lô nặng, bây giờ chúng tôi lại còn phải choàng thêm một cái ruột tượng đựng gạo, cho nên sự xuống dốc cũng chẳng sướng hơn sự lên dốc là mấy. Đường núi rừng Việt Bắc mà tôi đã nếm mùi, tuy cũng khó đi nhưng không khốn khổ như đường Trường Sơn.

Trong suốt một tháng đi trên đường này, từ Hà Tĩnh vào tới cái đích là Bộ Tư Lệnh Phân Khu đang đóng ở Mật Khu Ba Lòng, trên con đường núi, ngoài những cái trạm rất thô sơ, chúng tôi không gặp một cái quán nhỏ nào để mua một li cà phê sữa nóng uống cho ấm bụng. Ngoài ra, trong suốt mấy năm kháng chiến, đây là lần đầu tiên tôi phải tự hầu cơm mình chứ không còn được anh nuôi hay chị nuôi giúp mình trong việc ẩm thực như trước nữa. Anh em trong đoàn góp gạo rồi chia nhau mỗi ngày một người phụ trách việc thổi một nồi cơm chung. Thức ăn thì đội viên phải tự lo lấy. Sau mấy ngày đầu ăn hết số thịt kho mà hôn thê Thái Hằng làm sẵn để mang đi, nỗi khổ tâm nhất của tôi bây giờ là phải ăn cơm với gói mắm tôm mà tôi mua được tại một cái trạm hiếm hoi trên con đường mòn này. Từ xưa tới nay, trong các món ăn quốc hồn, quốc túy, tôi sợ nhất là hai món thịt chó và mắm tôm. Trong kháng chiến, đã có lần tôi chê thịt chó dù đang đói lả người, nhưng bây giờ thì tôi đành phải le lưỡi nếm món mắm tôm vậy. Sự ăn uống càng ngày càng kham khổ, cô Ngọc Khanh ở trong đoàn phải chế ra một thứ thức ăn là mỡ pha với muối rồi cho vào ống tre mang đi. Có ngày hết gạo, chúng tôi phải vào rừng kiếm rau mà ăn.

Có lẽ chúng tôi là một trong những đoàn người đầu tiên mở ra con đường về sau được gọi là đường mòn Hồ Chí Minh. Đã nhiều lần chúng tôi đi trong rừng rậm không có lối mòn, mọi người phải lấy dao rừng để chặt cây làm lối đi. Có những nơi chúng tôi đang đi thì ngửi thấy mùi cọp. Mới đây ở Chi Nê, tôi đã thấy cọp rừng không giống như cọp ở Sở Thú. Cọp nhốt ở trong chuồng. Hằng ngày được nhân viên Sở Thú phun nước tắm còn cọp trong rừng bao giờ cũng tỏa ra một mùi dễ sợ. Nghe đâu đã có nhiều vụ cọp vồ người ở đây. Mọi người trong đoàn bảo nhau đi sát vào lưng nhau, nếu cọp nhẩy ra thì một người phải hi sinh đó nhé. Rất may là lúc đó cọp Trường Sơn để cho chúng tôi yên thân ra đi. Có nhiều khi chúng tôi đi lấn qua địa phận nước Ai Lao chứ không còn đi ở trên đất nước của mình nữa. Tuy rất là gian nan nhưng cuộc ra đi này đối với tôi cũng rất là lí thú. Trước hết, tôi vốn là một kẻ ham chơi, lại vừa mới chiếm được trái tim của một người đẹp, đáng lẽ ra tôi phải sợ gian khổ và ở lại hậu phương để lấy vợ thì tôi đã xung phong đi vào chốn khói lửa (!) này để tỏ cho mọi người - nhất là cho tướng Nguyễn Sơn và cho vị hôn thê Thái Hằng - biết rằng tôi là một người trai xứng đáng của thời đại. Âu cũng là bởi vì ngoài cái tính ham chơi ra, tôi còn có thêm cái tính hiếu thắng.

Hơn nữa, dù rằng trong quá khứ tôi cũng đã có cơ hội sống với biển cả (như hồi đi theo Kháng Chiến Nam Bộ chẳng hạn) nhưng tôi vẫn cho rằng muốn nhìn thấy biển Thái Bình Dương rộng rãi bao la như thế nào thì phải leo lên đứng ở trên một đỉnh cao nhất của dãy Trường Sơn. Bây giờ tôi làm được điều đó. Ở chốn này, giữa biển và núi chỉ có một khoảng đất hẹp, tôi có cái nhìn rộng rãi hơn vào biển Đông. Nói một cách lộng ngôn, đứng ở nơi cao nhất của nước mình, tôi có thể nhìn qua được đại dương để thấy rằng đất liền Âu Á cũng không xa gì... Nếu có ai yêu nhạc của tôi mà nhìn thấy trong đó có đủ chiều cao chiều rộng thì nên biết rằng một trong những nguyên nhân của nó, chính là chuyến đi vào Bình-Trị-Thiên này. Rồi đây, chiều sâu mà tôi học được trong chuyến đi, đó là sự đau khổ của người dân đang phải sống quằn quại ở dọc một con đường mà Quân Đội Pháp sẽ đặt cho cái tên là La Rue Sans Joie (Con Phố Buồn Thiu) ở dưới miền đồng bằng khủng khiếp kia...

... Được đại đội phòng vệ dẫn đi đúng đường, sau gần một tuần lễ leo núi, chúng tôi tới được trụ sở của ủy Ban Kháng Chiến Tỉnh Quảng Bình. Trụ sở là một cái nhà làm bằng nứa được dựng lên tại một bìa rừng cách thị xã và làng mạc ở dưới đồng bằng cũng không xa lắm. Được nghỉ ngơi vài ngày rồi được dẫn xuống một làng phụ cận, và dù rằng đồn canh của Pháp chỉ cách đây có vài cây số, chúng tôi cũng tổ chức một đêm trình diễn văn nghệ tuy đơn sơ nhưng rất hào hứng. Sau ba năm chiến tranh và chịu đựng rất nhiều sự khủng bố của lính Pháp, đây là lần đầu tiên mà dân chúng Quảng Bình được gặp những văn nghệ sĩ nổi tiếng do Bộ Tư Lệnh Quân Khu gửi vào. Sự có mặt của chúng tôi cần thiết hơn là những vở kịch hay những bài hát của chúng tôi. Làm xong công tác có tính chất ủy lạo rồi, chúng tôi sống với đồng bào vài ngày để lấy chất liệu sáng tác. Chúng tôi được nghe nhiều chuyện rất thương tâm của người dân ở trong vùng này và tôi soạn ngay tại đây một bài hát nhan đề Bao Giờ Anh Lấy Được Đồn Tây:

Chiều qua, tôi đi qua vùng chiếm đóng

Không bóng trâu cầy bên đồng

Vắng tiếng heo gà trên sân.

Chiều qua gánh nước cho Vệ Quốc Quân

Nghe tiếng o nghèo kể rằng:

Quân thù về đây đốt làng...

Tuy đã đi kháng chiến từ 1945, đây là lần đầu tiên tôi thấy được sự thống khổ của người dân trong vùng bị Pháp chiếm. Tôi biết được rằng phụ nữ ở đây bị hãm hiếp hai trăm phần trăm, nghĩa là gia đình nào cũng có mẹ, có chị, có em gái bị làm nhục, mỗi người tối thiểu cũng bị hiếp hai lần. Do đó, người dân ở đây ai cũng mong chờ Vệ Quốc Quân về đánh đồn:

Bao giờ anh lấy được đồn Tây, hỡi anh?

Để cho cô con gái không buồn vì chiến tranh.

Sau này, khi tôi trở về Thanh Hóa và lên Việt Bắc, qua bài hát này, có nhiều người có nhiệm vụ lãnh đạo văn nghệ phê bình tôi là tiêu cực. Họ nói: Dân chúng phải tự động đứng lên đánh đồn, đừng chờ Vệ Quốc Quân... Tôi buồn và nghĩ rằng có lẽ những người này chưa bao giờ nhìn thấy cảnh quê nghèo ở miền Trung trong chiến tranh, chưa có dịp nhìn thấy những ruộng khô có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy và chỉ có người bừa thay trâu cầy... như tôi nhìn thấy vào năm 1948 này. Hay là đã chưa có dịp nghe được tiếng o nghèo, miệng thì thở dài, đôi bàn tay khẳng khiu thì vỗ về trẻ thơ bùi ngùi trong những nửa đêm thanh vắng không một bóng trai... Không một bóng trai, bởi vì bao nhiêu người trai ở trong làng đều đã bị giết chết cả rồi. Lấy đâu ra trai làng để đi đánh đồn Tây? Hở những người sẽ trở thành nhất tướng công thành vạn cốt khô? Nhờ ở chuyến đi công tác tại đây mà tôi thấy được bộ mặt khác của kháng chiến. Trong vinh quang của chiến đấu có thống khổ của chiến tranh. Con người không phải lúc nào cũng chỉ ở trong hoàn cảnh hùng dũng mà nhiều khi còn bị đẩy vào những cảnh bi thương. Và không chỉ có tôi mới nhìn thấy sự kiện đó. Ở ngay trong Khu IV lúc này, một cán bộ chính trị kiêm thi sĩ, với bút hiệu Hữu Loan, cũng nói tới nỗi bi thương của những đôi vợ chồng trẻ trong chiến tranh:

Nhà em ở dưới mái chè

Chồng em chết trận em về quay tơ...

Hữu Loan trông bề ngoài rất là oai, nhất là khi anh cưỡi ngựa đi công tác trong khu IV này. Đầu húi cua, tiếng nói lớn, và khi ngủ thì ngáy như sấm, vậy mà khi làm thơ thì toàn là thơ buồn. Anh còn có một bài thơ rất nổi danh sau này là bài Mầu Tím Hoa Sim mà nhiều người đã phổ nhạc, trong đó có tôi:

Nhưng không chết người trai khói lửa

Mà chết người gái nhỏ hậu phương...

...

Áo anh sứt chỉ đường tà

Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu...

Tôi không nghĩ rằng văn nghệ sĩ đi theo kháng chiến là phải viết ra những bài uống máu quân thù, ăn thịt giặc không tanh... hay là phải xây dựng những con người Việt Nam bằng sắt bằng đá. Người nghệ sĩ còn phải nói lên tiếng nói con tim của những người đang hi sinh hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc gia đình để đi chiến đấu. Do đó tôi rất yêu Hoàng Cầm khi nó đưa ra hình ảnh vợ con của chiến sĩ qua bài Tâm Sự Đêm Giao Thừa.

Đi diễn ở một vài nơi trong tỉnh Quảng Bình xong, chúng tôi lại phải leo núi để đi đường rừng vào Quảng Trị vì ở dưới đồng bằng, Quân Đội Pháp xây rất nhiều đồn canh, ban ngày chúng cho lính đi vào các làng mạc để khủng bố dân chúng, ban đêm chúng ở trong đồn bắn ra bừa bãi. Nhưng lúc đó chúng tôi còn rất trẻ và chẳng biết sợ là gì cả, cho nên sau khi ở với Ủy Ban Kháng Chiến tỉnh Quảng Trị ở trên núi vài ngày, chúng tôi đề nghị với chính quyền điạ phương cho chúng tôi xuống đồng bằng để đi công tác. Và một hôm, chúng tôi tới một làng trong huyện Gio Linh.

Khi chúng tôi tới đầu làng, dân chúng lảng đi không muốn nói chuyện vì lính Pháp vừa tới khủng bố làng này. Họ tưởng chúng tôi là người của Pháp. Nhưng sau khi biết chúng tôi là đoàn văn nghệ được Tỉnh ủy phái tới để nâng cao tinh thần đồng bào thì dân làng niềm nở đón tiếp. Sau khi hỏi thăm tình hình nơi đây, họ kể cho nghe chuyện lính Pháp vừa tới khủng bố làng này và đưa chúng tôi đi coi cái hố chôn tập thể. Khi đi qua một cái cầu tre, tôi thấy nước ở dưới chân cầu hãy còn nhuộm mầu máu đỏ, hỏi ra thì được biết chuyện mười hai người mẹ vừa bị bắn chết. Chuyện như thế này:

Sau khi một toán lính Pháp đi tuần tiễu và bị du kích bắn chết hay bị giật mìn gì đó, lính Pháp được phái tới làng này để trả thù. Chúng tập trung dân làng lại và thấy trong đám đông có mười hai người mẹ đang bồng trong tay mười hai đứa con thơ. Chúng bắt dân làng phải khai ra nơi trú ẩn của những du kích quân vừa gây thiệt hại cho chúng, nếu không chúng sẽ giết mười hai người mẹ này. Vì không có ai khai cả cho nên chúng lôi mười hai người mẹ đang bồng con thơ đó ra bờ sông, và ra lệnh cho mười hai người mẹ đó ném mười hai đứa con của mình xuống nước. Lẽ dĩ nhiên là mười hai người mẹ đó không làm theo lệnh chúng và bị chúng bắn chết cùng mười hai đứa con thơ. Tôi soạn ra một bài có âm hưởng dân ca miền Trung nhan đề Mười Hai Lời Ru để ghi lại tội ác này:

Miền Trung yêu dấu có một bài ru

Vọng từ quê mẹ là nơi căm thù.

...

Mười hai người mẹ

Giặc bắt ôm con

Thả trôi xuôi dòng...

Bài hát kể lại câu chuyện hãi hùng đó với kết luận là mười hai người mẹ ôm con chết đi, nhưng từ đó, hằng đêm, trên con sông đau thương này, người ta vẫn nghe văng vẳng mười hai lời ru của mười hai người mẹ Việt Nam chết trong kháng chiến:

Mười hai câu hát đưa tự miền xa

Để thành lời ca ghi vào lòng ta.

Ngoài chuyện mười hai người mẹ bị hi sinh đó, dân chúng ở trong làng này còn kể cho chúng tôi nghe thêm câu chuyện của một bà mẹ ở trong một làng gần đó, có người con đi dân quân bị lính Pháp bắt rồi bị chặt đầu treo giữa chợ. Không ai dám lấy cái đầu của anh dân quân xuống để đem đi chôn. Rút cuộc bà mẹ lẳng lặng ra chợ lấy đầu con bỏ vào khăn gói mang về. Nghe xong câu chuyện, tôi xin với một anh dân quân đưa tôi tới cái làng đó để gặp bà mẹ. Đây là một người đàn bà với bộ mặt có nhiều nét mặt nhăn nheo nhưng đối với tôi thì bà đẹp như một vị thánh. Gặp bà, tôi lúng túng không biết nói năng gì và đẩy cho người đưa đường nói hộ tôi. Tôi đã rợn người khi nghe bà kể lại câu chuyện của bà bằng một giọng nói rất bình thản. Rồi bà dẫn tôi đi qua một rặng tre để ra tới chợ là nơi ngày nào bà đã tới để lấy đầu con đem đi chôn.

Tôi không khóc khi đứng ở giữa nơi sân khấu chưa đóng màn của một tấn tuồng bi thảm trong kháng chiến, bên cạnh vai chính của vở bi-hùng-kịch này, nhưng trong đêm đó, tôi trở về nằm lăn trên cái giường nứa ở một cánh rừng không tên trên chiến khu Quảng Trị, rồi tôi đã khóc rưng rức khi ngồi dậy và viết ra những câu ca đầu tiên của bài hát. Lúc đó cũng là lúc tôi nghĩ tới mẹ tôi:

Mẹ già cuốc đất trồng khoai

Nuôi con đánh giặc đêm ngày

Cho dù áo rách sờn vai

Cơm ăn bát vơi bát đầy...

...

Mẹ già tưới nước trồng rau

Nghe tin xóm làng kêu gào.

Quân thù đã bắt được con

Đem ra giữa chợ cắt đầu.

Nghẹn ngào không nói một câu

Mang khăn gói đi lấy đầu.

Đường về thôn xóm buồn teo,

Xa xa tiếng chuông chùa gieo...

Tôi đã có lần nói tới cái xác không đầu của người chiến sĩ trong một hai bài hát. Lúc đó tôi tham gia cuộc Kháng Chiến Nam Bộ và đã nhìn thấy xác một đồng đội ở trong khu rừng Đất Đỏ. Cái xác chết chỉ còn thân hình mà thôi, cái đầu đã bị lính Pháp da đen mang đi hay bị thú rừng tha mất. Để không ai quên được cái xác không đầu đó, tôi đã soạn bài Nợ Xương Máu:

Ai nghe không sa trường lên tiếng hú

Tiếng lầm than, những tiếng người đời quên

Đi lang thang tiếng cười vang rú

Xác không đầu nào kia?

Cái đầu bị mất tích vào năm 1945 đó cứ ám ảnh tôi hoài và trong bài quân ca Khởi Hành soạn vào năm1947, tôi cũng đã nhắc tới:

Thân ôm tường

Đầu gục đâu?

Bây giờ, tôi mường tưởng như cái đầu chiến sĩ đó đang nằm trong tay Bà Mẹ Gio Linh. Chẳng khác chi trái tim của anh Trương Chi có ngày phải về nằm trong đôi tay Mỵ Nương để hứng lấy giọt lệ:


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx