Lễ cưới của Cosette và Marius được tổ chức vào ngày 16 tháng hai 1833 và không hiểu thế nào mà ngày ấy lại đúng là ngày Thứ Ba, ăn mặn.
- Một ngày Thứ Ba - ăn mặn. - ông Gil-lenormand kêu lên - càng hay. Tục ngữ có câu:
Cưới ngày ăn mặn - Thứ Ba Con cái hẳn là chẳng bội bạc đâu!
Lễ cưới được làm dưới chế độ cộng đồng, giấy tờ đơn giản.
Từ nay, Toussaint không cần cho Jean Valjean nữa.
Cosette đã được thừa hưởng mụ và đã đề bạt mụ lên làm bà hầu phòng.
Còn về phần Jean Valjean, thì trong nhà Gil-lenormand có một phòng đẹp, đủ đồ đạc, dành cho ông, mà Cosette thì cứ nói mãi: "Thưa cha,.con xin mời cha" khiến ông nể quá, hầu như đã phải hứa với nàng rằng mình sẽ đến ở đó.
Vài hôm trước ngày đã định cho lễ cưới, Jean Valjean bị một tai nạn, ngón cái bàn tay phải của ông bị dập một chút. Không có gì nghiêm trọng, và ông không muốn để ai phải lo cho ông, hoặc băng bó cho ông, hoặc xem xét chỗ đau của ông, ngay cả Cosette. Vậy mà ông cũng buộc phải bọc bàn tay trong một miếng vải, và đeo chéo qua vai, và không thể ký kết gì được.
Ông Gillenormand, với danh nghĩa là thế giám hộ của Cosette, đã ký thay ông.
Đám cưới đi bằng xe, ngang qua thành phố, giữa những tiếng reo hò và những hoạt động của hội giả trang. Nó được hai nhân vật đeo mặt nạ chú ý: một người đàn ông và một người đàn bà.
- Hình như tao biết lão già ngồi trong cái xe đầu tiên. - Người đàn ông nói. - Thằng cha bị thương ở cánh tay ấy. Alzema này, mày sẽ phải nói cho tao biết đám cưới này đi đến đâu đấy nhé.
Người đàn bà cho rằng điều đó chẳng dễ dàng gì, nhưng mụ hứa sẽ cố gắng.
Về nhà, cỗ cưới rất vui, mặc dù Jean Valjean vắng mặt, ông đã bỏ về, viện cớ là bàn tay mình hơi đau.
Người ta nhảy nhót. Người ta cười đùa, đó là một đám cưới vui vẻ.
Jean Valjean thì thế nào rồi?
Ông đã rời khỏi phố Filles-du-Calvaire, và trở về phố Homme-Armé.
Jean Valjean về nhà, trong căn hộ trống trải của mình. Bà già giúp việc Toussaint cũng không còn ở đây nữa.
Chỉ có một cái giường đã được dọn sẵn và dường như đang chờ ai đó, đó là giường của Jean Valjean.
Jean Valjean nhìn ngắm các bức tường, đóng một vài cánh cửa tủ, đi đi, lại lại, hết phòng nọ sang phòng kia.
Rồi ông trở về phòng mình, và đặt cây nến lên một cái bàn.
Ông đã bỏ cánh tay ra khỏi đoạn băng chéo, và sử dụng bàn tay phải của mình như thể chẳng đau đớn gì.
Jean Valjean bày lên giường mình những quần áo mà, mười năm trước đây, Cosette đã mặc khi rời khỏi Montfermeil, trước hết là cái áo dài nhỏ màu đen, rồi đến cái khăn quàng đen, đôi giày trẻ con to đùng mà có lẽ Cosette vẫn còn.đi vừa, vì chân nàng bé tý, rồi đến cái áo cánh bằng vải phu-ten rõ dày, rồi cái váy ngắn bằng hàng dệt, rồi đến cái áo choàng có túi, rồi đôi tất len. Đôi tất này vẫn còn hằn dấu vết duyên dáng của một cẳng chân nhỏ và không dài hơn bàn tay Jean Valjean là bao.
Ông nghĩ đến khu rừng Montfermeil ấy.
Cosette và ông đã cùng băng qua. ông nghĩ đến thời tiết khi đó, đến những cái cây trụi lá, đến vạt rừng không tiếng chim, đến bầu trời không ánh nắng và cảm thấy thú vị. ông xếp những quần áo cũ bé nhỏ xuống giường, cái khăn quàng bên cạnh cái váy ngắn, đôi tất bên cạnh đôi giày, cái áo cánh bên cạnh cái áo dài, rồi ông ngắm nhìn những thứ đó, hết cái nọ đến cái kia.
Thế là mái đầu bạc đáng kính của ông gục xuống giường, trái tim già cương nghị đó như vỡ tung ra, và có thể nói rằng mặt ông chìm ngập trong đống quần áo của Cosette, và, nếu có ai đi qua cầu thang vào lúc đó, sẽ có thể nghe thấy những tiếng nức nở đáng sợ.
Ông đã đi tới điểm giao nhau tuyệt đỉnh của cái thiện và cái ác. Điểm giao nhau tối tăm đó đã hiện ra trước mắt ông. Một lần nữa, như đã xảy ra với ông trong những biến cố đau đớn khác, hai con đường lại mở ra trước mặt ông, một đường thì hấp dẫn, đường kia thì đáng sợ. Chọn đường nào đây?
Con đường làm ông khiếp sợ là đi theo lời khuyên của ngón tay chỉ đường bí mật mà tất cả chúng ta đều nhìn thấy mỗi khi chúng ta chăm chú nhìn vào bóng tối.
Lại một lần nữa, Jean Valjean phải chọn giữa số phận khủng khiếp và cạm bẫy tươi cười.
Vậy ra điều đó đúng thật ư? Tâm hồn có thể chữa khỏi được, số phận thì không. Một vật ghê tởm! Một định mệnh không chữa được!
Vấn đề đặt ra là thế này:
Jean Valjean sẽ xử sự như thế nào với hạnh phúc của Cosette và Marius? Hạnh phúc ấy chính ông đã muốn, chính ông đã làm ra nó; chính ông đã tự ấn nó vào sâu trong ruột gan mình, và vào giờ này, khi ngắm nhìn nó, ông có thể thấy hài lòng, giống như sự hài lòng của một người thợ làm vũ khí khi vừa nhận ra nhãn hiệu chế tạo của mình trên một con dao, vừa rút nó, còn tỏa hơi nóng, ra khỏi lồng ngực mình.
Cosette có Marius. Marius đã chiếm được Cosette. Họ có tất cả, cả sự giàu có. Và đó là công trình của ông..Nhưng hạnh phúc đó, bây giờ nó đang tồn tại, bây giờ nó đang ở đó, thì ông, Jean Valjean, ông sẽ làm gì đây? Buộc người ta phải để cho mình cũng được hưởng hạnh phúc đó chăng? Coi hạnh phúc đó thuộc về mình chăng? Chắc chắn Cosette thuộc về một kẻ khác rồi. Nhưng ông, Jean Valjean, liệu ông có nên giữ lại tất cả những gì ông có thể giữ lại ở Cosette không? Liệu ông có còn là kiểu người cha ít được nhìn thấy, nhưng vẫn được kính trọng, như từ trước đến giờ không?
Liệu ông có được lặng lẽ len lỏi vào nhà Cosette không? Liệu ông có nên chẳng nói chẳng rằng, đem quá khứ của mình vào cái tương lai đó không? Liệu ông có nên tự giới thiệu mình là một kẻ có quyền, và đến ngồi, che mặt, ở căn hộ sáng sủa ấy không? Liệu ông có nên vừa nắm lấy tay những kẻ trong trắng ấy trong hai bàn tay bi thảm của mình, vừa cười với chúng không?
Liệu ông có nên đặt đôi chân mình, kéo theo bóng tối bêu riếu của luật pháp, lên những thanh gỗ yên tĩnh ở phòng khách nhà Gillenormand không? Liệu ông có nên xen vào chia sẻ may mắn cùng Cosette và Marius không? Liệu ông có làm dày thêm bóng tối trên trán mình và mây mù trên trán chúng không? Liệu ông có để hai con người đại hạnh phúc đó phải cùng chia sẻ nỗi thảm họa với mình không? Liệu ông có tiếp tục im lặng không? Tóm lại, liệu ông có sẽ là một thằng câm độc địa của định mệnh bên cạnh hai con người sung sướng kia không?
Ông cân nhắc, ông ngẫm nghĩ, ông xem xét những đợt xen kẽ nhau của sự cân bằng bí hiểm giữa ánh sáng và bóng tối.
Buộc ngục tù của mình vào hai đứa trẻ tươi đẹp rực rỡ kia, hoặc tự mình chịu đựng nốt cảnh chìm nghỉm không sao tránh khỏi được của số phận. Một bên là sự hy sinh của Cosette, bên kia là sự hy sinh của chính mình.
Ông cứ mơ mộng bàng hoàng như vậy đến hết đêm.
Cho đến tận lúc trời sáng, ông vẫn ở đó, vẫn trong tư thế ấy, người gập làm đôi trên cái giường ấy, cúi rạp dưới sức nặng to lớn của số phận, có lẽ là đã bị đè bẹp, than ôi! Hai nắm tay ông co quắp, hai cánh tay dang ra, thẳng góc, chẳng khác một kẻ bị đóng đinh câu rút đã được tháo ra và bị vứt bỏ, mặt úp xuống đất. Suốt mười hai tiếng đồng hồ của một đêm dài mùa đông, người lạnh buốt, ông không ngửng đầu lên và cũng chẳng thốt lên một lời nào. Hôm sau ngày cưới, Jean Valjean đến nhà đôi vợ chồng trẻ và xin được nói chuyện với Marius.
Vừa ló mặt ra và trông thấy Jean Valjean, chàng kêu lên:
- Cha đấy ạ! Nhưng cha đến sớm quá! Mới mười hai rưỡi trưa... Được gặp cha, con rất vui, cha có biết là hôm qua chúng con nhớ cha đến thế nào không? Xin chào cha, bàn tay cha thế nào rồi? Đỡ rồi, phải không?
Rồi, hài lòng vì đã tự trả lời câu hỏi của mình, chàng nói tiếp:
- Cả hai chúng con đã nói nhiều về cha.
Cosette yêu quý cha biết chừng nào! Cha đừng quên rằng cha có một phòng ở đây. Chúng con không thích cái phố Homme-Armé nữa đâu.
Chúng con không thích nó một tý nào nữa. Làm sao mà cha đã có thể đến ở trong một phố như thế, nó ốm đau, nó càu nhàu, nó xấu xí, nó có một rào chắn ở một đầu, ở đó người ta thấy lạnh, ở đó người ta không thể vào được? Cha sẽ đến ở đây. Và ngay từ hôm nay. Hoặc cha sẽ có chuyện với Cosette. Cô ấy muốn dắt mũi tất cả mọi người, con xin báo để cha biết trước như thế. Cha đã trông thấy phòng của cha, nó ở ngay cạnh phòng chúng con, nó trông ra vườn. Người ta đã thu xếp chuyện cái khóa, giường đã dọn xong, phòng đã sẵn sàng, cha chỉ việc đến ở.
Chính cha sẽ đưa Cosette đi dạo, vào những ngày con phải ở tòa, cha sẽ đưa tay cho cô ấy khoác, cha biết không, giống như ở v ườn Luxembourg ngày xưa. Chúng con nhất định sẽ sung sướng. Và cha cũng sẽ sung sướng vì hạnh phúc của chúng con, cha hiểu không, cha. à! Này, hôm nay, cha sẽ ăn trưa với chúng con chứ?
- Thưa ông, - Jean Valjean nói, - tôi có một điều muốn nói với ông. Tôi là một tù khổ sai cũ.
Giới hạn của những âm cao nghe thấy được có thể bị vượt qua đối với cả tâm trí và lỗ tai.
Những tiếng: "Tôi là một tù khổ sai cũ" ra khỏi miệng ông Fauchelevent và vào trong tai Marius, đã vượt ra ngoài điều có thể hiểu được. Marius đã không nghe thấy. Chàng thấy hình như người ta vừa nói với mình một điều gì đó. Nhưng chàng không biết đó là cái gì. Mặt chàng ngây ra.
Thế rồi chàng nhận thấy người đàn ông đang nói với mình thật đáng sợ. Bị hạnh phúc làm cho chói lòa, cho đến tận lúc đó, chàng chưa nhận thấy cái vẻ xanh xao kinh khủng ấy..Jean Valjean cởi cái cra-vat đen đỡ cánh tay phải của mình ra, tháo miếng vải cuốn quanh bàn tay, rồi chỉ vào ngón tay cái đã lộ ra.
- Bàn tay tôi không sao cả. - ông nói.
Marius nhìn ngón tay cái.
- Nó chưa hề làm sao bao giờ. - Jean Valjean nói tiếp.
Quả thực, chẳng có vết thương tích nào.
Jean Valjean nói tiếp:
- Tôi thấy mình nên vắng mặt trong lễ cưới của ông. Tôi đã cố làm cho mình vắng mặt, càng nhiều càng tốt. Tôi đã giả vờ gây ra vết thương ấy để khỏi phải làm một giấy tờ giả, để khỏi đưa sự vô hiệu vào các văn bản hôn thú, để được miễn phải ký.
Marius lắp bắp:
- Thế nghĩa là thế nào ạ?
- Thế nghĩa là, - Jean Valjean trả lời. - tôi đã ở tù.
- Cha làm con đến phát điên! - Marius hoảng hốt kêu lên.
- Thưa ông Pontmercy, - Jean Valjean nói. -tôi đã ở trong tù mười chín năm. Vì trộm cắp.
Rồi tôi đã bị kết án chung thân. Vì tái phạm.
Vào giờ này, tôi đang trốn khỏi nhà tù.
Marius đã lùi lại trước thực tế, từ chối sự việc, cưỡng lại sự thật hiển nhiên, một cách vô ích, đành phải đầu hàng. Chàng bắt đầu hiểu, và như thường vẫn xảy ra trong trường hợp như vậy, chàng còn hiểu xa hơn. Một tia chớp gớm ghiếc trong người khiến chàng rùng mình, một ý nghĩ xuyên qua tâm trí, khiến chàng run lên. Chàng thoáng thấy, trong tương lai, cho chính mình, một định mệnh dị hình, xấu xí.
- Xin hãy nói tất cả, hãy nói tất cả đi! -Chà ng kêu lên. - ông là cha của Cosette?
Rồi chàng lùi lại phía sau hai bước, với một động tác ghê sợ khó tả.
Jean Valjean ngửng đầu lên trong một tư thế thật uy nghi, làm cho ông hình như cao lên đến tận trần nhà.
- ở đây, thưa ông, ông cần phải tin tôi. Và mặc dù, với những người như chúng ta, lời thề của chúng ta không được tòa án tiếp nhận...
Đến đây, ông im lặng, rồi với một thứ uy quyền của chúa tể và nơi phần mộ, ông nói thêm, rành mạch, chậm rãi và nhấn mạnh từng vần:.- ông sẽ tin tôi. Tôi có phải là cha Cosette không? Trước Chúa thì không. Thưa ngài nam tước Pontmercy, tôi là một nông dân ở Faverolles. Tôi đã sống bằng nghề tỉa xén cành cây. Tên tôi không phải là Fauchelevent, tên tôi là Jean Valjean. Tôi chẳng là gì của Cosette cả.
Ông hãy yên tâm.
Marius lắp bắp:
- Ai chứng thực cho tôi?...
- Tôi. Bởi vì tôi nói thế.
Marius nhìn người đàn ông. Trông ông sầu thảm và lặng lẽ. Không thể có một lời dối trá nào thốt ra từ một con người điềm tĩnh như thế.
Cái gì lạnh giá thường là thật thà. Người ta cảm thấy sự thật trong cái lạnh lẽo của nấm mồ kia.
- Tôi tin ông. - Marius nói.
Jean Valjean cúi đầu, như để thừa nhận, rồi nói tiếp:
- Tôi là gì đối với Cosette ư? Một người qua đường. Cách đây mười năm, tôi còn chưa biết đến sự tồn tại của cô ấy. Tôi thương yêu cô, điều đó đúng. Một đứa con gái mà người ta trông thấy khi còn bé tý, mà mình thì đã già rồi. Khi người ta đã già, người ta cảm thấy như mình là ông của tất cả các cháu. Tôi thấy hình như ông có thể giả thiết rằng tôi có một cái gì đó giống như một trái tim, một tấm lòng. Nó mồ côi.
Không cha, không mẹ. Nó cần đến tôi. Vì vậy mà tôi đã đem lòng thương yêu nó. Trẻ con, chúng thật quá yếu ớt, khiến cho bất cứ ai, ngay đến một người như tôi, cũng có thể là người bảo trợ cho chúng. Tôi đã làm nghĩa vụ đó đối với Cosette. Tôi không nghĩ rằng chỉ ít thế thôi mà thật sự người ta đã có thể gọi là một việc thiện.
Vậy thì, cứ cho là tôi đã làm được điều đó.
Xin hãy ghi nhận tình tiết giảm tội này. Hôm nay, Cosette rời khỏi cuộc đời của tôi. Hai con đường của chúng tôi đã tách rời nhau. Từ nay, tôi chẳng thể làm gì cho cô ấy. Cô ấy đã là bà Pontmercy. Người chăm sóc cho cô ấy đã thay đổi. Và sự thay đổi đó có lợi cho Cosette.
Tất cả đều tốt. Về phần tôi, tôi chỉ cần ông biết tôi là ai thôi.
Rồi Jean Valjean nhìn thẳng vào mặt Marius.
Vì quá sững sờ trước tình huống mới xảy ra với chàng, Marius đã nói với người đàn ông ấy, gần như ai đó muốn trách ông ta vì lời thú tội ấy.
- Nhưng rốt cuộc, - Chàng kêu lên. - tại sao ông lại nói với tôi tất cả những điều đó? Cái gì bắt ông phải nói? ông có thể giữ điều bí mật.cho riêng mình. ông chẳng hề bị tố cáo, truy nã, lùng bắt gì cả. Một sự tiết lộ như vậy, ông có lý do, để làm vui lòng ư? ông nói nốt đi. Hay còn có lý do khác. Nhân việc gì mà ông thú nhận như thế? Vì lý do gì?
- Vì lý do gì ư? - Jean Valjean trả lời, bằng một giọng quá thấp và quá trầm, khiến người ta có thể bảo là ông nói với chính mình, hơn là nói với Marius. - Thực tế, tên tù khổ sai này vừa mới nói: Tôi là một tên tù khổ sai, vì lý do gì ư? Vậy thì có! Lý do thật lạ lùng. Đó là sự thành thực. Này, thật khổ cho tôi, là tôi có một sợi dây, ở đây này, trong trái tim ấy, nó trói buộc tôi. Nhất là khi người ta già, sợi dây đó ngày càng chắc. Tất cả cuộc đời bị dỡ hết ra xung quanh, nhưng chúng vẫn ở lại. Nếu tôi có thể giằng sợi dây đó ra, dứt đứt nó đi, cởi hoặc cắt đứt cái nút buộc, bỏ đi thật xa, thì tôi sẽ được giải thoát, tôi chỉ việc lên đường. Có những xe chở khách ở phố Bouloy. Các người đang sung sướng, tôi có thể ra đi. Tôi đã thử dứt đứt nó, sợi dây ấy, tôi đã kéo nó ra, nhưng nó bám chắc quá, nó không đứt, tôi dứt cả tim tôi ra cùng với nó. Thế là, tôi bảo: Mình không thể sống ở nơi nào khác. Mình phải ở lại. Vậy thì phải, chính là ông đúng, tôi thì ngốc, tại sao không ở lại, điều đó thật đơn giản? ông đã dành cho tôi một phòng trong nhà, bà Pontmercy rất quý tôi, bảo chiếc ghế bành kia: dang tay ra đón ông đây đi. ông của ông không đòi hỏi gì hơn là có tôi ở cùng, chúng ta sẽ sống chung dưới một mái nhà, ăn uống chung với nhau, tôi sẽ đưa cánh tay cho Cosette... - à cho bà Pontmercy, tôi xin lỗi, đó là do quen miệng, - chúng ta sẽ chỉ có một mái nhà, một cái bàn, một bếp lò, vẫn cái góc lò sưởi mùa đông ấy, vẫn cuộc dạo chơi mùa hè ấy, đó là sự sung sướng, đó là niềm hạnh phúc, đó là tất cả những thứ ấy. Chúng ta sẽ sống trong một gia đình. Trong gia đình!
Nói đến đây, Jean Valjean bỗng trở nên dữ tợn. ông khoanh tay lại, chăm chú nhìn xuống sàn nhà dưới chân mình, như thể muốn đào một cái vực ở đó, và giọng ông bất thình lình nổ tung ra:
- Trong gia đình! Không! Tôi, tôi chẳng thuộc gia đình nào cả. Tôi không thuộc gia đình ông. Tôi không thuộc gia đình của loài người.
Trong những ngôi nhà người ta ở với nhau, tôi là kẻ thừa. Có những gia đình, nhưng không phải dành cho tôi. Tôi là kẻ khốn khổ, tôi ở ngoài lề cuộc.đời. Tôi có một người cha và một người mẹ không? Tôi hầu như vẫn còn nghi ngờ điều đó.
Ngày tôi gả chồng cho con bé, mọi việc đã xong, tôi đã thấy nó sung sướng, và thấy nó được sống với người đàn ông nó yêu, và thấy ở đó có một ông già tốt bụng, một cặp thiên thần, tất cả những niềm vui trong căn nhà ấy, và thấy thế là tốt, tôi đã tự bảo mình: Ngươi, ngươi đừng có vào.
Tôi có thể nói dối, đúng vậy, đánh lừa tất cả mọi người, cứ vẫn là ông Fauchelevent... Im lặng, mà điều này thật dễ. Tôi đa thức suốt đêm để cố thuyết phục mình làm điều đó. Tôi đã xưng tội với ông và những điều tôi vừa nói với ông thật là khác thường, nên ông có quyền được nghe. Vâng, tôi đã thức suốt đêm để tự tìm cho mình những lý do, tôi đã tự cho mình nhiều lý do rất tốt, tôi đã làm hết sức mình, ông hiểu cho. Nhưng có hai việc mà tôi đã không thành công. Đó là không dứt đứt được với sợi dây nó giữ tôi bằng trái tim cố định, gắn chặt ở đây, cũng không bịt được miệng ai đó cứ nói khẽ với tôi mỗi khi tôi có một mình. Vì vậy, sáng nay, tôi đến đây để thú nhận tất cả với ông. Cứ tiếp tục làm ông Fauchelevent, mọi thứ đều ổn. Phải, trừ tâm hồn tôi. Khắp người tôi, chỗ nào cũng vui, trừ có đáy lòng thì vẫn đen. Được sung sướng vẫn chưa đủ, còn phải được hài lòng nữa. Như vậy, nếu tôi vẫn là ông Fauchelevent, thì tôi vẫn che giấu bộ mặt thật của mình. Khi đó, trước thái độ cởi mở của ông, tôi vẫn còn giữ một điều bí ẩn. Có nghĩa là, giữa cảnh thanh thiên bạch nhật của ông, tôi vẫn còn những bóng tối. Như vậy, không báo trước, tôi đã thực sự đưa ngục tù vào gia đình ông, tôi sẽ ngồi vào bàn ăn của ông, với ý nghĩ là nếu ông biết tôi là ai, ông sẽ đuổi tôi ra, tôi sẽ để bọn đầy tớ phục vụ mình, và nếu chúng biết, chúng sẽ bảo: Ghê tởm quá!
Jean Valjean dừng lại. Marius vẫn chăm chú nghe. Những chuỗi ý nghĩ và lo buồn như vậy không thể bị cắt đứt.
Jean Valjean lại hạ bớt giọng, nhưng không còn là giọng trầm nữa, mà là một giọng rầu rĩ.
- ông hỏi vì sao tôi nói ư? Tôi không bị tố cáo, cũng chẳng bị truy nã, lùng bắt gì cả, có phải ông đã nói vậy. Có đấy! Tôi có bị truy nã!
Có đấy! Tôi có bị lùng bắt! Bởi ai ư? Bởi chính tôi. Chính tôi tự chắn lối đi của mình, tôi tự lôi kéo mình, tự đẩy mình đi, và tôi cũng tự giữ.mình lại. Tôi tự xử mình, và khi người ta bị cầm giữ mình, thì người ta cầm giữ được rất chắc.
Ông thở nặng nhọc, rồi phát ra lời cuối cùng này:
- Ngày xưa, để sống, tôi đã ăn cắp một chiếc bánh mỳ. Ngày nay, để sống, tôi không muốn lấy cắp một cái tên. ôi! Tôi hiểu. - Jean Valjean vừa thở dài, vừa ngửng đầu lên lại cúi đầu xuống một cách chậm chạp và nhiều lần liên tiếp.
Có một lúc im lặng. Cả hai người cùng không nói gì, mỗi người đắm mình trong một vực thẳm suy nghĩ. Marius đã ra ngồi cạnh một cái bàn và tỳ mép lên một ngón tay gập vào. Jean Valjean đi đi, lại lại. ông dừng lại trước một tấm gương lớn và đứng bất động.
Rồi, như để trả lời một lập luận nội tâm, ông vừa nói, vừa nhìn vào tấm gương ấy, nhưng không trông thấy mình trong đó:
- Còn bây giờ, tôi đã thấy nhẹ người!
Ông lại tiếp tục đi đến đầu kia của phòng khách. Vào lúc ông quay lại, ông nhận thấy Marius đang nhìn theo bước chân ông.
Thế là ông bảo chàng bằng một giọng khó tả:
- Chân tôi hơi kéo lê. Bây giờ ông đã hiểu tại sao.
Rồi ông quay hẳn về phía Marius.
Marius từ từ đi ngang phòng khách, và khi đến gần Jean Valjean, chàng chìa tay cho ông.
Nhưng Marius phải đi bắt lấy cái bàn tay không chìa ra ấy, Jean Valjean vẫn để yên, nhưng Marius cảm nhận thấy như mình đang siết chặt một bàn tay bằng đá.
- ông tôi có một số bạn bè. - Marius nói.
- Tôi sẽ xin ân xá cho ông.
- Vô ích, - Jean Valjean trả lời. - Người ta tưởng tôi đã chết, thế là đủ. Những người chết không cần ai giám sát. Họ được coi như lặng lẽ thối rữa. Cái chết, cũng là một thứ như ân xá.
Và, rút tay mình ra khỏi tay Marius, ông nói thêm, với một thứ phẩm cách không ai lay chuyển nổi:
- Vả lại, làm nhiệm vụ của mình, đó là người bạn mà tôi nhờ đến. Tôi chỉ cần đến một sự ân xá, đó là sự ân xá của lương tâm tôi.
- Cosette tội nghiệp! - Marius lẩm bẩm. -Nà ng mà biết...
Nghe thấy thế, Jean Valjean run bắn cả chân lẫn tay. ông trân trân nhìn Marius, mắt nhớn nhác..- Cosette! à phải, đúng rồi, ông sắp nói chuyện này với Cosette. Đúng thế. Này, tôi chưa nghĩ đến điều đó. Người ta có sức để làm việc này, thì lại không có sức để làm việc khác. Thưa ông, tôi khẩn cầu ông, tôi van xin ông, thưa ông, ông hãy ban cho tôi lời hứa thiêng liêng nhất của ông, là ông không nói với nó. ông biết chuyện này, chẳng lẽ như thế vẫn chưa đủ hay sao hả ông? Chính tôi đã nói ra chuyện này mà không hề bị bắt buộc, tôi còn có thể nói với cả vũ trụ, với tất cả mọi người, thế nào cũng được.
Nhưng nó, nó chẳng hiểu thế là thế nào, điều đó sẽ làm nó khiếp sợ. Một tên tù khổ sai, là cái gì? Người ta bắt buộc phải giải thích cho nó hiểu, phải bảo nó rằng: đó là một kẻ đã ở trong ngục tù. Một hôm nó đã nhìn thấy cảnh những người bị xiềng xích đi qua. ôi, lạy Chúa tôi!
Ông ngã quỵ xuống một cái ghế bành và giấu mặt trong hai bàn tay. Người ta không nghe thấy, nhưng nhìn thấy hai vai ông rung lên, người ta biết ông đang khóc. Tiếng khóc thầm lặng, là tiếng khóc khủng khiếp.
Có sự nghẹn ngào trong tiếng nức nở. ông bị một cơn co giật, ngật người ra phía sau, trên lưng cái ghế bành, như để thở, hai cánh tay buông thõng, khiến Marius nhìn thấy mặt ông giàn giụa nước mắt, và nghe thấy ông lầm rầm, khẽ đến nỗi tưởng chừng như tiếng ông phát ra từ một nơi sâu thẳm không có đáy:
- ôi! Tôi muốn chết!
- ông cứ bình tĩnh. - Marius nói. - Tôi sẽ giữ điều bí mật của ông cho một mình tôi.
Jean Valjean như còn có một nỗi do dự tột cùng. Và, không thành tiếng, gần như không có hơi thở nữa, ông lắp bắp, chứ không còn là nói:
- Bây giờ ông đã biết rồi, thưa ông, ông là ông chủ, ông có nghĩ rằng tôi có nên gặp Cosette nữa không?
- Tôi nghĩ rằng như thế có lẽ hơn. - Marius lạnh lùng trả lời.
- Tôi sẽ không gặp nó nữa! - Jean Valjean lầm rầm.
Và ông đi ra phía cửa.
Ông đặt bàn tay lên quả đấm, lưỡi khóa thụt lại, cánh cửa hé mở, Jean Valjean mở cửa vừa đủ để có thể đi ra. ông dừng lại trong một giây, bất động, rồi lại đóng cửa lại và quay về phía Marius..ạng không còn xanh xao nữa, mà đã xám ngắt. Không còn nước mắt nữa, mà là một thứ lửa bi thảm. Giọng ông trở lại bình tĩnh một cách kỳ lạ.
- Này ông, - Jean Valjean nói. - nếu ông muốn, tôi sẽ đến gặp nó. Tôi xin đoan chắc với ông rằng tôi muốn thế lắm. Nếu tôi không tha thiết muốn gặp Cosette, thì tôi đã không thú nhận với ông như tôi đã làm mà tôi đã ra đi; nhưng vì muốn ở lại nơi có Cosette, và tiếp tục gặp nó, nên tôi đã thành thực nói tất cả với ông.
Ông vẫn theo dõi lập luận của tôi đấy chứ? Đó là một điều có thể hiểu được. ông thấy không, đã chín năm qua, tôi có nó ở bên cạnh. Nếu ông không thấy có gì xấu xa, thì thỉnh thoảng tôi sẽ đến thăm Cosette. Tôi sẽ không đến luôn. Tôi sẽ không ở lại lâu. ông sẽ bảo người ta tiếp tôi trong căn phòng thấp, bé, ở tầng trệt. Đáng lẽ tôi có thể vào được bằng cửa sau, là cửa dành cho đầy tớ, nhưng điều đó có thể sẽ làm người ta sửng sốt. Tôi nghĩ là tôi vào bằng cái cửa của mọi người thì hơn. Thưa ông, thật thế. Tôi vẫn còn mong muốn được gặp Cosette một chút. ít đến đâu là tùy theo ý ông. ông hãy đặt mình vào địa vị của tôi, tôi chỉ còn có thế. Và rồi, cũng cần cảnh giác. Nếu tôi không đến gì cả, sẽ có thể có hiệu quả xấu, người ta sẽ thấy là kỳ cục. Chẳng hạn, điều tôi có thể làm được là đến vào buổi tối, khi trời bắt đầu tối.
- Tối nào ông cũng đến, - Marius nói, - và Cosette sẽ chờ ông.
- ông thật tốt, thưa ông. - Jean Valjean nói.
Marius chào Jean Valjean, con người hạnh phúc tiễn đưa con người đau khổ đến tận cửa, rồi hai người chia tay nhau.
Marius thấy ngao ngán. Còn lại một mình, chàng ngẫm nghĩ và đi đến tự hỏi mình, xem có phải mình đã nhẹ dạ, dấn thân vào một cuộc phiêu lưu đưa đến việc mình lấy Cosette hay không.
Giờ đây, chàng đã hiểu tại sao chàng đã luôn luôn cảm thấy xa cách đối với người đàn ông ở bên cạnh Cosette. Trong nhân vật ấy, người ta không biết có một cái gì bí ẩn mà bản năng của chàng đã báo trước. Bí ẩn đó là điều xấu hổ gớm ghiếc nhất, nhà tù. Cái ông Fauchelevent ấy là tên tù khổ sai Jean Valjean.
Đột nhiên tìm thấy một điều bí mật như thế giữa niềm hạnh phúc của mình, việc đó giống.như sự phát hiện một con bọ cạp trong tổ chim gáy.
Hạnh phúc của Marius và Cosette từ nay sẽ buộc phải chịu đựng cảnh gần gũi đó chăng? Phải chăng đó là một việc đã rồi? Sự tiếp nhận con người ấy có phải là một phần của đám cưới đã hoàn thành không? Phải chăng không còn gì để làm nữa?
Phải chăng, khi cưới vợ, Marius cũng đã cưới một tên tù khổ sai?
Được bao trùm trong ánh sáng và niềm vui, được thưởng thức giờ phút trọng đại màu hồng của cuộc đời, tình yêu sung sướng, cũng đều là vô ích, vì những rung động ấy sẽ bắt buộc, ngay cả tổng thiên thần khi đang nhập định, ngay cả á thần chưa nổi tiếng, cũng phải rùng mình.
Như thường vẫn xảy ra trong những sự thay đổi nhìn thấy được thuộc loại ấy, Marius tự hỏi liệu mình có điều gì phải tự trách mình không?
Nhưng, giả sử như chàng đã phát hiện từ trước rằng Jean Valjean là một tên tù khổ sai, thì liệu chàng, Marius, có thay đổi không? Liệu nàng, Cosette, có thay đổi không? Không. Vậy không có gì để tiếc nuối, không có gì để tự trách mình, tất cả đều tốt.
Trường hợp của Jean Valjean vẫn còn gây bối rối. Tên tù khổ sai đã tiết lộ căn cước thật của mình, lão đã cho Cosette một món hồi môn - trao lại một món tiền gửi, như lão nói, mà đáng lẽ lão có thể không nói gì cả và không đưa gì cả.
Bây giờ, quá khứ đã được soi sáng một chút.
Marius hiểu tại sao Jean Valjean đã im lặng trong căn nhà ổ chuột của Jondrette, chàng hiểu tại sao ông đã tránh xa khi cảnh sát đến, và tại sao ông đã xuất hiện trên chiến lũy... Marius như còn nghe thấy phát súng ngắn ghê gớm hẳn là đã giết chết Javert. Jean Valjean đã trả thù, và sự hiện diện của ông ở phố Chanvrerie chẳng có mục đích nào khác.
Marius còn tự hỏi làm sao mà giữa Cosette và Jean Valjean, nhiều ánh sáng đến thế và nhiều bóng tối đến thế, lại đã có thể sống chung với nhau. Và chàng không tìm ra được câu trả lời cho điều bí ẩn ấy.
Giữa những ý nghĩ đó, Jean Valjean hiện ra trước chàng, dị dạng và ghê tởm. Đó là kẻ bị dày đọa. Đó là tên tù khổ sai. Đối với chàng, từ đó như một tiếng kèn phán xử. Và sau khi đã xem xét Jean Valjean một hồi lâu, cử chỉ cuối cùng của chàng là quay mặt đi. Vade retro Người đàn ông đó là đêm tối, đêm tối sống động và kinh khủng. Sao mà dám dò tìm cái đáy của nó. Đi hỏi bóng tối thì thật ghê sợ. Ai mà biết nó sẽ trả lời thế nào? Cảnh bình minh có thể bị nó bôi đen mãi mãi.
Trong tâm trạng đó, Marius cảm thấy lúng túng xót xa khi nghĩ rằng người đàn ông ấy từ nay sẽ có thể có một sự tiếp xúc nào đó với Cosette.
Trước những vấn đề đáng sợ đó, chàng đã lùi bước, mà đáng lẽ từ đó đã có thể rút ra một quyết định khe khắt và dứt khoát, nên bây giờ, chàng gần như tự trách mình là đã không đặt chúng ra. Chàng tự thấy mình quá tốt, quá hiền, là quá yếu đuối. Sự yếu đuối ấy đã kéo chàng vào một sự nhượng bộ dại dột. Chàng đã để cho mình mủi lòng. Chàng đã sai. Đáng lẽ chàng phải, thẳng thắn và đơn giản, vứt bỏ Jean Valjean. Jean Valjean là một phần của đám cháy, lẽ ra chàng phải khoanh vùng nó lại, và tống cổ con người đó ra khỏi nhà mình. Chàng tự trách mình, chàng trách cái cơn lốc cảm xúc đột ngột ấy nó đã khiến chàng như điếc, như mù và lôi cuốn chàng đi. Chàng bất mãn với chính mình.
Làm thế nào bây giờ? Những cuộc viếng thăm của Jean Valjean làm chàng ghê tởm sâu xa. Con người ấy có ích gì ở nhà chàng? Làm thế nào đây? Đến đây, chàng tự huyễn hoặc, chàng không muốn đào lên, chàng không muốn khơi sâu, chàng không muốn tự thăm dò chính mình. Chàng đã hứa, chàng đã tự để cho mình hứa, ngay với một tên tù khổ sai, nhất là với một tên tù khổ sai, người ta càng phải giữ lời hứa.
Tuy nhiên, nghĩa vụ đầu tiên của chàng là đối với Cosette. Tóm lại, một sự ghê tởm chi phối tất cả, làm chàng phẫn nộ.
Toàn bộ những ý nghĩ ấy quay cuồng lộn xộn trong tâm trí Marius, chàng đi từ ý nghĩ này sang ý nghĩ kia và bị tất cả bọn chúng khuấy động. Từ đó, gây ra một sự bối rối sâu xa.
Không có mục đích rõ ràng, chàng đặt một số câu hỏi cho Cosette, ngây thơ như một con bồ câu trắng, và không nghi ngờ gì cả, nàng nói với chàng về thời thơ ấu và thời thanh niên của nàng, và càng ngày chàng càng phải tin rằng tất cả những gì một người đàn ông có thể có, là tốt bụng, là tình cha con và là đáng kính, thì tên tù.khổ sai đó đều đã có đối với Cosette. Tất cả những gì mà Marius đã thoáng thấy và giả định thì đều là thật. Cây tầm ma thảm thê đã yêu thương và che chở cây loa kèn trắng ấy.
@by txiuqw4