sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chớp Bể Mưa Nguồn

Chiều hôm ấy, tất cả làng Nghĩa Đô nháo lên về câu chuyện bà Móm tự tử. Đầu tiên, cái tin hỏa tốc bùng đến tai họ:

- Bà Móm tự tử.

- Ở đâu?

- Chết ở ngoài ao giếng.

Người ta ào ào kéo đi xem. Hóa ra không phải. Câu chuyện xoay nghiêng ra thế này: Chẳng biết có một điều gì bực dọc, bà Móm giận con trai và nàng dâu. Không giận vừa vừa, mà bà lại giận quá. Thế là cơn tức bừng bừng lên. Bà xắn hai mép váy, xăm xăm chạy ra ngoài cái ao giếng đất. Bà la vang cho bốn bên hàng xóm và cho vợ chồng thằng cả Mí biết rằng bà đương đi đâm đầu xuống ao đây. Không có ai ra can bà. Vậy bà nhảy phóc xuống ao thực. Đánh ùm một cái. Rồi bà bíu hai tay vào cái cọc cầu ao. Bà rúc đầu vào giữa bụi cây cúc tần mọc lòa xòa xuống vệ nước. Không phải để hắt hơi. Bà ngoác mồm ra kêu thật to. Kêu như có nhà ai cháy ở trong xóm. “Ối làng nước ôi! Ối làng nước ơi!”.

Làng nước chạy đến rầm rập. Ai cũng chưng hửng. Người ta hốt hoảng chạy đến, không cốt để xem bà lão tự tử cái kiểu hài như thế. Tay bíu vào cái cọc, đầu ngóc lên ở trong bụi. Miệng la om sòm. Những người khó tính văng ra mấy câu chửi. Họ chớ thây, điềm nhiên đứng xem bà lão kêu. Vợ chồng anh cả Mí tưởng là mẹ cãi nhau tay đôi với ai đó ở đầu ngõ, rủ nhau đóng kín cổng lại. Ở dưới mặt nước, bà lão vẫn kêu ông ổng. Hơi lọt qua những kẽ khe răng hểnh, làm cho những tiếng vỡ ra phều phào. Ai cũng tưởng, bà chỉ kêu được vài chục câu thì chối cổ, phải lóp ngóp bò lên. Chẳng ngờ, họng bà lão khỏe quá. Bà lão chúi trong nước vẫn kêu rầm rầm. Mãi về sau, có người sốt ruột, xuống kéo bà lão lên, đưa hộ về nhà. Bà lão liền lên ngay. Ở dưới nước một lúc, đã thấy chán!

Bây giờ bà lão Móm ngồi đấy, ngay phía ngoài đầu hè. Váy áo vẫn ướt sũng. Cái màu nâu bệch, dúng thêm vào nước và bùn, thâm xỉn lại. Khuôn mặt nhăn nheo xịu xuống.

Đôi vành mắt khép lại. Tất cả những nếp nhăn trên khuôn mặt cằn đều chảy giạt xuống phía cằm, chiếc cằm méo mó, thủng một hõm mồm. Cái mồm móm mém ấy, thế mà kêu to. Giá cứ yên lặng mãi, thoạt nhìn, người ta tưởng đấy cũng là một đống rạ nát như những đống rạ nát ở xung quanh. Chợt bà lão Móm nheo mắt, kêu é một tiếng, hai tay bà xốc váy lên. Ở dưới bụng chân, lủng lẳng, lắc lư một con đỉa trâu. Nó to mòng mọng như quả chuối bụt. Ra nó theo bà lão từ dưới ao lên. Máu bà lão đựng vào trong bụng nó, làm cho bụng con đỉa tròn xoe đỏ máu to kềnh.

Bà lão rứt chú đỉa trâu ra. Máu cũng tuôn theo tay. Bà quẳng con đỉa ra giữa sân. Một anh gà ở đâu chạy đến, xỉa thử một mỏ, rồi đứng hiếng một mắt lên trời mà ngẫm nghĩ. Một lát, chừng như đã ngẫm nghĩ xong, anh gà cung cúc tha chú đỉa ra phía đằng sau nhà.

Bà lão Móm đi lấy vôi khoanh vào chỗ đỉa cắn một vòng tròn. Rồi bà lão lại về ngồi chỗ cũ. Bà bắt đầu một cuộc chửi. Trước hết bà chửi con đỉa. Con đỉa nó hút máu bà. Thứ, bà chửi đứa con dâu. Thứ nữa, bà chửi đứa con trai. Rồi bà chửi đến những đứa nào lúc nãy kéo bà lên, không để cho bà được chết.

Hai vợ chồng anh cả phải sang thổi cơm nhờ bên hàng xóm. Và cũng ăn nhờ ngay ở nhà người ta.

Ngày tháng Tám năm ngoái, thằng Mí lù lù dẫn ở đâu về cái báo chướng của nó về. Cái báo chướng ấy là một con đàn bà. Nó gặp “người ta” ở một đám hát trống quân bên làng Phú Gia. Chắc là hai đứa bắt chim nhau. Rồi con kia theo thằng này về nhà. Ở lì với nhau. Thành vợ chồng từ đấy.

Ôi thiên địa! Bà lão Móm ngạc nhiên không thể tưởng tượng được. Bà không thể tưởng tượng được rằng ở trên đời lại có một con đàn bà đốn mạt như thế. Chẳng cưới xin gì hết, nó đường hoàng đến nằm vạ nhà người ta. Bà càu nhàu phản đối. Thỉnh thoảng Mí lại bênh vợ - cũng là vợ ư? - mà cự bà kịch liệt. Nó cự bà cố chấp. Bà khoảnh. Bà ác. Nó lại giải nghĩa rằng bà không có tiền lấy vợ cho nó, thì nó phải lấy như thế đấy. Cái thằng bất hiếu, mở miệng ra nói toàn những câu chối tai.

Bà khoảnh gì? Bà ác gì? Bà không có tiền lấy vợ cho nó à? Bà đâu có muốn thế. Chẳng qua là cái ông trời cay đắng kia chưa muốn cho bà khá. Thôi thôi vứt đi ráo con gái con trai, con trai lấy vợ hoang, là vất đi ráo! Nhà bà không có cái giống ấy. Ngày xưa, bà đi lấy chồng, nghèo khó lắm. Vậy mà hàng xóm cũng được nhai bỏm bẻm miếng trầu. Làng nước cũng nhận được năm chục viên gạch thay tiền cheo...

Trong nhà, sinh ra lắm sự ủng oẳng. Cũng may về phần kinh tế, ai cũng độc lập cả. Người ta chỉ trong một nhà, còn người ta ăn riêng của nhau. Đồng tiền, phân bạc chia rẽ nhau ra. Bà mẹ đi khâu vá mướn kiếm ăn. Hai vợ chồng người con cũng làm lấy nuôi miệng. Không ai phải nhờ lụy ai. Thành thử cả nhà cứ cãi nhau suông. Phần nhiều, chỉ vì những câu chuyện rất cỏn con. Người ta cãi nhau cho ầm nhà.

Cứ trông thấy mặt vợ thằng Mí là bà lão Móm đã lộn ruột lên rồi. Bà ghét nó về cái gì? Đủ thứ. Ví dụ như bà ghét cái áo cánh của nó mặc. Áo đâu mà áo hồ lơ xanh lè. Chỉ có nhà thổ, chỉ có nhà trò, mới hồ lơ cái áo chướng mắt như thế. Con này đích là ở hai cái phường ấy.

Áo đâu mà lại may chẽn vào người, xung quanh gấu tròn xoe, không xoe không chiết. Thực là dơ dáng. Bà đây đã già đời cầm kéo, cầm kim, cũng chưa thấy ai mặc cái áo lố lăng như nó mặc. Bà lão nói bô bô tất cả những ý nghĩ của mình lên đấy chứ. Con vợ nó tím mặt lại. Thằng chồng nó tái mặt lại. Chúng nó đối lại rằng bà hủ lậu. Cả đời, bà chưa bước chân qua cái đất Hà Nội, bà biết đâu những sự tân thời bây giờ. Bà chỉ nói vu vơ. Bà chẳng biết cóc khô gì hết.

Tức quá, bà lão chửi tế lên một độ. Chúng nó im. Chỉ có chửi là chúng nó phải câm. Chúng nó sợ miệng bà. Cái miệng móm mém mà nói loe loe.

Một hôm. Đâu sau cái ngày bà Móm tự tử hụt được độ nửa tháng. Buổi chiều, vợ cả Mí đi làm về, bỗng kêu đau chân. Nguyên từ một phiên chợ nay chị ả đi đường, giẫm phải cái vỏ hến vỡ. Nó cắm vào gan bàn chân. Máu loang ra. Chị ta nhổ mảnh vỏ hến rồi nhét đất vào chỗ vết đau, để cho máu cầm lại. Cũng coi làm thường.

Chẳng ngờ vết đau loét mãi ra. Hôm nay nó nhức nhối. Một thứ nước vàng lầy nhầy theo vết loét chảy ra. Chị ả thấy kệnh kệnh dưới bàn chân. Đi đứng có vẻ khó khăn. Rồi chị không thể đi được nữa. Ấy là khi vết đau bắt đầu tấy. Nó sưng lên vù vù. Đầu tiên, cái gan bàn chân to như chiếc bát úp và đỏ lừng lững. Cả đến cái bụng chân cũng béo ra. Nó thấy cứng cứng như có tụ máu. Chị ả nhăn nhó ngồi ôm chân cả ngày. Rồi mủ, rồi máu tươi do chỗ đau cứ phòi lên. Người ta bảo rằng bị sưng bắp chuối. Người ta bảo rằng mụ lên đầu gối ông voi. Mụ đành nằm mà rên hừ hừ. Sung sướng cho bà lão Móm! Bởi vì, nhân dịp này, bà lão có thể trả thù được con mụ. Nó nằm chỏng đấy, không lạch đi đâu được. Bà lão có thể bắc ghế lên mà chửi rủa, mà nhiếc móc nó. Nó không thể lảng đi đâu được. Nó phải nghe đầy hai lỗ tai.

Thế rồi, bà lão Móm làm như vậy thực. Mỗi buổi sáng, từ lúc trở dậy, bà nhiếc, móc nó, cho tới khi bà cắp thúng đi khâu. Chiều về, bà ngồi ngang trước bậc cửa mà chửi. Bà chửi mãi đến lúc bà đi ngủ. Cô ả nằm bệt trong giường. Không dám hé răng. Chắc cũng chối tai lắm. Nhưng mà đau quá, không thể nói được.

Bà lão tha hồ nói. Đủ các câu nhảm nhí và đủ các kiểu chửi. Anh cả Mí cãi nhau với mẹ, không thể địch lại được. Bà lão thắng thế, càng chửi già. Người đau nằm kia, tiếng của bà lão bay vào choi chói, nghe như đóng đinh vào lỗ tai, nghe nhức như vết nhức dưới chân.

Được nửa tháng, vết đau của nó bắt đầu dịu xuống. Nó chán phồng lên, thì nó tẹt xuống. Mụ đàn bà tin như thế, và mặc kệ. Cũng như mụ mặc kệ cho bà lão dở hơi muốn nói đông nói tây gì thì nói, tùy sở thích. Nhưng ở chính chỗ đau dưới bàn chân, lại nổi bờ lên cao vờ vờ. Những đường trăng trắng bò xung quanh miệng. Cái miệng đỏ hoe, sâu vào, thành một cái lỗ tun hút. Lúc nào cũng nực lên một mùi thối lặm. Bây giờ nó hóa ra một vết sâu quảng. Bà lão Móm lại rủa cái vết sâu quảng của nó. Nó tập tễnh đi ra cửa. Nó đã chán tai nghe chửi, từ bữa nằm giường. Nghe lắm, như nghe hát hay. Không thấy cảm động và tức tối nữa. Nhưng thực nó đã ngán cái cảnh nhà này rồi. Bởi vậy, một bữa kia, nó khập khiễng tếch đi mất.

Khi anh chồng biết vợ mình đi, chắc không bao giờ trở lại nữa, thì buồn ỉu mặt xuống. Bà lão mừng rơn, bà bảo con:

- Cái ma cái quái nó vào nhà mày đấy. Mày lại còn thương tiếc nó nỗi gì!

Sau ngày vợ đi được vài tháng, anh cả Mí cũng ra đi nốt. Không phải là đi tìm vợ, mà anh đi làm ăn. Ở làng nước, vào hồi này, cơm gạo cũng khó kiếm lắm. Vả lại, anh chán và sợ bà mẹ lắm điều quá. Vợ anh đi rồi không có ai để cãi nhau, bà lão cứ hục hặc với anh. Cãi nhau đã thành nghiện!

Người ta đồn rằng anh cả Mí đi Sài Goòng, và người ta lại đồn rằng vợ anh cả Mí đem cái chân sâu quảng vào nằm nhà thương, người ta cưa cụt ngoéo chân đi rồi.

Bà lão Móm cũng chỉ được nghe làng nước đồn đại mơ hồ như thế. Bây giờ thì bà lão ở một mình trong cái nhà rộng thênh thênh. Có những buổi chiều mùa hè, từng tảng mây trắng đùn lên ở phía chân trời Tây. Không có cơn mưa. Nhưng có chớp dây chớp dợ ở trong những đám mây. Có ì ầm tiếng sấm ở đâu đâu. À, đấy là chớp bể, đấy là mưa nguồn.

Bà lão đứng trong cổng ngó trông ra.

Chao ôi! Chớp bể mưa nguồn. Chắc ở bên Sài Goòng đương mưa to lắm.

Bà Móm ôm mặt, hu hu khóc: “Ối con ơi!...”.

1942


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx