sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Con Gà Trống Ri

Trời sớm chưa rạng hẳn đã nghe thấy tiếng gà te te gáy.

Tiếng gà non gáy e é như một giọng rít hơi đưa từ trong cuống họng ra. Rồi thì cả nhà ai cũng nhắc đến:

- Ồ, con gà gáy đã dọn giọng ra phết đấy!

Một lát sau, cu Lặc ra mở tung hai cánh cửa chuồng gà vịt. Lập tức, anh gà trống te tái chạy ra đầu tiên, sau mới đến mấy mụ ngan lạch bạch, mươi chú ngỗng khề khà vừa bước vừa thò cái cổ dài nghêu ra nghe ngóng. Thật là một cuộc điểm binh long trọng mà anh gà giữ địa vị một ông thống soái đi dẫn đầu. Nó nhảy phóc ngay lên cái sàn chạn bát ở ngoài hiên, vỗ đồm độp đôi cánh rồi lấy thẳng gân cổ, gáy một câu rõ thật oai: “Kéc... ke...ke...”.

Xa đây chừng hơn một tháng, một ngày phiên chợ Bưởi, u tôi mua về đôi gà nhỏ giá có gần ba hào cả hai.Người bảo: “Có thêm mấy con gà lắt nhắt cho nó vui sân”.

Hai con gà - một trống, một mái - còn bé tẹo, dáng như mới lìa đàn, suốt ngày cứ rúc vào một góc sân và kêu chíp chíp bằng một giọng thảm thê. Chúng nó biếng ăn. Gạo rắc đầy ra chỗ cạnh lon nước mà thỉnh thoảng chúng mới mổ vài hột. Con gà trống đôi khi cũng nhanh nhẹn, chạy chỗ nọ chỗ kia, ngơ ngác như muốn tìm đường về. Còn ả gà mái, dễ thường ốm bệnh nhớ: nó nằm liệt giữa bụi cây sói mà kêu ai oán. Rồi được đâu có vài hôm, một buổi sáng, tôi mở cửa chuồng chỉ thấy có một nhách gà trống lò dò đi ra. Còn gà mái nằm chết còng queo dưới bục gỗ. Người ta đem ném xác con gà chết ra đồng và từ hôm ấy, anh gà trống còn lại sống lủi thủi một mình.

Nó là một giống gà ri, thấp bé và nhỏ nhắn hơn giống gà thường. Nó còn nhỏ chưa vỡ lông vỡ cánh mà ủ rũ như một người buồn, cho nên trông càng ái ngại. Lông cánh nó màu xám xịt. Cái mào nhu nhú tái ngoét ở trên đôi mắt lờ đờ mà lúc nào cũng muốn nhắm. Hai cái chân nhỏ quá, thấp quá, xám đen lại luôn luôn run rẩy như sắp ngã quỵ, như không chịu được thời tiết, dù đấy là thời tiết đầm ấm của những ngày mùa xuân. Nên khi nó đứng ở một góc sân kia, Cu Lặc ném từng nắm thóc ở đằng này cho ngan, cho ngỗng ăn mà nó cũng không buồn chạy lại. Nó ngẩn ra nhìn lũ ngan con bước đi líu tíu.

Những con ngan nhỏ mới được ba hôm, chỉ to hơn cái trứng một ít. Chúng có bộ lông vàng óng - một màu vàng đáng yêu - như màu những con tơ nõn mới guồng. Nhưng đẹp nhất là đôi mắt và cái mỏ. Đôi mắt chỉ bằng hột cườm, đen nhánh hạt huyền, lúc nào cũng long lanh đưa đi đưa lại như có nước, làm hoạt động hai con ngươi bóng mỡ. Một cái mỏ màu nhung hươu vừa bằng ngón tay đứa bé mới đẻ và có lẽ cũng mềm thư thế, mọc ngăn ngắn đằng trước. Cái đầu xinh xinh vàng nuỗn và ở dưới lũn chũn hai cái chân bé tí màu hồng. Chúng nó chỉ líp chíp khe khẽ và lẩn quẩn dưới chân mẹ. Mụ ngan mẹ, lờ đờ như một người đàn bà đụn và hiền, lúc nào cũng mải nghĩ ngợi một điều gì ở tận đâu đâu. Thỉnh thoảng mụ kêu kíu kíu, dụi mỏ vào lũ con lắc cái đuôi. Lối chăn con của mụ thật là vụng.

Anh gà trống ri bé nhỏ và cô độc lắm lúc đứng nhìn đàn ngan bằng đôi mắt hó háy thèm muốn. Anh ngoe nguẩy cái đuôi ngắn củn khi có mấy con ngan tí hon sán đến chân. Và khi chúng hấp tấp chạy lại với mẹ chúng đang lừ đừ đi, con gà trống khốn nạn cũng lây cái vui sướng, cong cóc đuổi theo. Nhưng đến gần, mụ ngan cái xù xì liền giơ mỏ lên quàng quạc đuổi nó. Nó chợt tưng hửng. Nó lùi lại, lảng đi một phía, ngẩn ngơ kêu chim chíp, khắc khoải như tưởng nhớ, như đau thương. Có lúc nó nằm gục xuống vệ cỏ, buồn nghiêng một bên má, màng trắng kéo che kín mắt.

Tội nghiệp con gà trống ri bé nhỏ sống một thân một mình.

Nhưng rồi con gà trống ri cũng lớn và đẹp, sau đấy hơn một tháng. Qua mấy bữa ốm o, tiếp đến những ngày đẹp trời, có ánh nắng dịu lồng đầy góc sân, con gà trống bắt đầu rỉa lông, rỉa cánh, sửa sang bộ mã cho bớt bẩn ướt. Rồi trông nó cũng choai choai đẹp mắt và nhớn nhao dần lên. Đến bây giờ ngắm nó trông cũng khá đường được.

Một buổi sớm, cả nhà đều nghe thấy một tiếng gì khang khác đằng sau nhà. Tiếng kêu rít như tiếng ho thúng thắng của một người khản cổ. Một lát, cu Lặc chạy hộc tốc vào gọi:

- Cả nhà ra mà xem con gà ri nó học gáy.

À đấy là tiếng con gà ri tập gáy. Thảo nào. Nghe như tiếng người ta ọe. Nó đứng trên đầu một cái cọc giậu nứa, chốc chốc lại thuỗn dài cổ, phồng tướng cái diều đựng cơm lên rồi đưa ra một hơi “Quéc... ke... ke...” Cứ một lát lại thế. Gáy rất khó nhọc, nhưng xem ra anh gà khoan khoái lắm, mỗi khi xong được một tiếng như vậy. Vì thấy lúc tiếng “ke” cuối cùng vừa thoát ra khỏi mỏ, gà ta nhìn ngang nhìn ngửa, hiêng hiếc hai con mắt tráo trâng ra vẻ lắm! Và lại bộ tịch nữa!

Rồi ngày dần qua, con gà trống trút được cái dáng điệu buồn thỉu, buồn thiu buổi nọ đi. Có lẽ nó quên đàn, quên mẹ, quên con gà em chết hôm mới đây, quên rồi. Vì nó đã lớn. Khi người ta lớn, những ý tưởng liên lạc về gia đình cứ lỏng lẻo dần. Con gà đang thời kỳ sắm sửa, thời kỳ ăn chơi, của chàng thanh niên.

Màu sắc bộ mã nó sẫm lại, đen thì đen biếc, trắng thành trắng bạch và đỏ trở nên đỏ khé. Mào nó mọc dài, thắm hoe như dải lá cờ nheo. Đuôi nó uốn vồng lên như chiếc lông dài huyền bóng. Mỏ nó thẫm ngà vàng và rắn chắc, có thể mổ đôm đốp được vào thân một cây nứa tép.

Bây giờ những buổi sớm, cậu gà trống ri thường trở dậy gáy te te từ lúc chưa tỏ mặt người. Mỗi ngày cái câu “kéc... ke... ke...” lại nối dài thêm tiếng “ke” vào. Bác xã Khóm làm nghề bán cháo rong bên hàng xóm đã phải theo tiếng gà báo thức để trở dậy làm hàng. Bác thường khen con gà báo đúng giấc lắm.

Nó đứng đắn và hóa ra có bộ mặt khinh khỉnh ta đây. Nó bắt đầu coi thường mấy chú ngan nhép cứ quẩn bên chân, những con ngan nhỏ nhắn ngày xưa đã làm nó vương nhớ đến mẹ nó. Nó thị uy bằng cách đá cho chúng mấy cái. Bọn trẻ con này sợ, phải lảng ngay ra xa. Nó rất bằng lòng với cái sự tấn công đầu tiên mà lại được thắng lợi. Dần dần nó lấn lên một bước, nghĩa là con gà ri của tôi, một bữa kia mổ ông ngỗng cao lêu nghêu một cái vào cổ rồi lùi chạy rất nhanh để giữ miếng. Ông ngỗng bại và lẩn. Thế là một lúc sau, con gà kiêu hãnh ấy nhảy lên vừa đá vừa mổ vào lưng bà ngan cái lừ đừ. Lúc này lại khiêm tốn, bà ngan cũng đờ đẫn, làm ngơ đi.

Từ đấy, con gà trống ri lên ngôi cửu ngũ ở cái sân nuôi gà vịt con con. Mỗi buổi mai, khi người ta mở cửa chuồng, nó bay ngay ra đậu trên một cái sào nứa ngất nghểu, cất cao tiếng gáy trong khi mấy con ngan, mấy con ngỗng lần lượt diễu binh qua dưới chân.

Ra vẻ tài ba lắm. Cái dĩ vãng buồn teo thật là xa, xa lăng lắc.

Đáng tiếc một nỗi, gà lại là giống gà ri. Một thứ gà bé nhất trong loài gà. Cho nên khi anh ta làm bộ tịch người lớn thì chỉ buồn cười như những anh lùn mà đi cái lối ngoe nguẩy. Gà cũng uống nước, cũng rỉa lông, cũng hiếng mắt lên nhìn trời những khi nắng to. Chỉ phiền một nỗi, anh gà bé và thấp lũn chũn. Bác lùn tịt lại hay làm điệu bộ của người cao. Có một lần, anh mon men sang bên sân nhà hàng xóm, chợt gặp một bác trống thiến. Chao ơi! Sao mà bác gà trống thiến kia mới to thế, béo mẫm làm sao! Nó đứng mới đến bẹn anh khổng lồ. Nó chuồn ngay về nhà và từ buổi đó không bén mảng sang bên ấy nữa.

Nó đi kiếm ăn phương khác.

Và con gà ri nhỏ cũng đa tình lắm. Nó có cái tật mê gái, như tính chung của loài gà - cả của loài người, khi mới lớn lên. Nó yêu rất ham, mặc dầu con đường tình của nó khó khăn và gặp nhiều trở ngại lớn. Bởi một duyên cớ.

Xung quanh khu vực chỗ nó ở, tuyệt nhiên không có đến hai con gà ri. Trước sau, có mỗi một mình. Tìm một người bạn tri âm bằng trạc, không tài nào thấy. Có vài ba chị láng giềng thì đã “nái xề”, chỉ biết đẻ trứng và biết “cục ta cục tác” loạn xạ chứ không còn chú ý những giọng yêu đương tình tứ. Anh gà ri của tôi đang ở cái tuổi mộng mơ, nghĩ những chuyện ái ân cao xa. Vả lại trạc vai anh ta cũng không bằng các ả mái nọ. Có lúc buồn muốn gỡ gạc, anh đến bên cạnh xòe cánh theo kiểu ghẹ mái, chực tán phó mát một đôi câu, nhưng lập tức bị các nàng phản đối và bị các chú gà trống - nhất là ông gà chọi - đánh cho chạy bán xác không kịp. Anh gà ri hoảng.

Trong vùng quanh đây cũng có hai chị mái tơ. Nhưng có lẽ nó đã biết thân phận cho nên không dám hé mỏ tán tỉnh. Hai chị thuộc về giống gà lớn. Tán như vậy, nếu gặp những thằng nhân tình của chúng thì thật là gặp cơn tối đại nguy hiểm của những trận đòn ghen. Anh chàng chịu thua. Đành chịu làm ăn một mình.

Nhưng anh bực mình. Những sớm sớm, những chiều chiều, đứng giương cặp mắt hau háu trong bụi cây, nhìn từng cặp một vui thú tâm tình, lòng anh rạo rực và phiền muộn làm sao. Chúng khinh anh bé nhỏ quá. Anh rất buồn rầu và buồn rầu, ảo não bao nhiêu anh lại càng hay cáu kỉnh, bực dọc với lũ ngan, lũ ngỗng bấy nhiêu. Anh đá, anh đạp, anh mổ, anh đuổi.

Nhưng rồi anh gà trống ri cũng học đòi đi kiếm ăn xa nhà. Hắn lần thần đến những khoảng vườn lạ. Như thế có lẽ đỡ được buồn và trong khi rẽ bước giang hồ từ vườn cây này sang mô đất nọ, được từng trải và hiểu biết nhiều cảnh khác nhau, anh cũng giác ngộ thêm. Và anh còn hy vọng gặp được một người bạn đồng tâm.

Anh hay đi vắng, ít khi phải về bới xó bếp. Bây giờ anh đã tiêm nhiễm cái thú của sự du lịch. Có khi một ngày anh chỉ về nhà có một lần, lúc sẩm tối, khi trở lại chuồng ngủ.

Rồi không ai biết rõ là bữa nào, con gà trống ri ra đi. Có lẽ hắn đi theo tiếng gọi của ái tình. Một sáng, cu Lặc mở cửa chuồng như thường lệ, thấy vắng anh gà ri, tìm cũng không có.

U tôi chép miệng:

- Mất con gà ranh rồi!

Tưởng là mất hút. Nhưng một hôm, chúng tôi ra ngoài đầu xóm chơi, lại bắt gặp anh gà trống ri. Trông anh tang thương phờ phạc quá, gầy guộc phong trần cả đến lông cánh. Khi đó, chú gà đương mải mê đi theo một chị gà mái. Đó cũng là một chị gà mái ri. Chả trách, bấy lâu nay vắng mặt chàng cũng có nhẽ.

Bọn trẻ chạy về gọi cu Lặc. Lặc đuổi theo hai con gà thì thấy chúng chạy xô cả vào một cái ngõ gần đấy. Người ta bảo:

- Một hôm, tự dưng có anh gà này không biết ở đâu, theo con gà mái của nhà tôi. Chẳng thấy ai trong xóm kêu mất gà nên tôi cũng mặc. Mà anh này thì mê tít con gà mái, không rời đi đâu nữa.

Chúng tôi ôm con gà trống ri về. U tôi bảo Lặc ra ngoài xóm hỏi mua con gà mái ri kia để cho có đôi. Và cốt là để buộc cẳng chàng gà. Nhưng người ta trả lời:

- Ngày kia, nhà tôi có kỵ. Cũng phải thịt đến nó.

Thực thất vọng gớm ghê cho anh gà ri. Và chỉ luẩn quẩn được vài hôm, anh lại biến đi đâu mất mặt. Nó đi tìm bạn tình. Nhưng cái nàng gà ri đã khiến cho gã phải bỏ cửa bỏ nhà, thì không còn nữa.

Rồi gã đi biệt hẳn. Chắc chẳng phải là đi với nỗi nhớ thương cô ả má đào bạc mệnh ấy. Gã vốn tính mau quên.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx