Tôi là một trong số năm nhà văn được mời dùng bữa cơm riêng tại tư dinh của viên đại sứ Pháp. Tôi ăn sáng muộn lững thững đi bộ một mình và đến đúng giờ. Có hai nhà văn lớn tuổi hơn tôi và hai nhà văn kia thật trẻ. Hai nhà văn trẻ là một nam một nữ, tôi đã được nhiều lần nhìn thấy họ trên tivi. Nhà văn nữ trẻ nói tiếng Anh rất giỏi, không hiểu điều này có giúp gì cho cô bé khi tả các ẩn ức sex. Hình như cô bé có làm thơ, tờ báo của hội người cao niên kêu ca là dâm loạn, minh hoạ bằng chuyện một cụ ông bẩy mươi sáu tuổi bỏ nhà đi hoang cầm theo tập thơ “Nằm nghiêng vẫn thèm” của cô bé. Tôi đã đọc một tập truyện ngắn nhiều đàn bà tính của nhà thơ trẻ nữ. Cũng như thông thường có chuyện thích có chuyện không thích, nhưng tôi rất thích những bài trả lời phỏng vấn của cô bé, dù là báo hình hay báo chữ, tất cả đều rất mạnh mẽ nhiều ấn tượng. Tuỳ viên sách của Đại sứ bắt đầu lần lượt giới thiệu từng người. Đầu tiên là nhà văn quan chức. Ông này làm phê bình và đã viết hai bài rất dài trên báo Đảng nói về tính vô luân không nhân bản trong cuốn tiểu thuyết của tôi. Tôi thở dài cố không nhìn ông. Tôi đã dự vài ba lần ăn uống kiểu này sau vài ba lần thoái thác. Tôi không nói được tiếng Pháp và đấy là điều thật ngại. Gần như phải dịch riêng cho tôi là Giăng, một chàng đẹp trai người Pháp chuyên gia dân tộc học, có ngữ điệu tiếng Việt thật dễ chịu. Giăng nói với tôi là có đọc gần hết những cái của tôi và chân thành thích. Người Pháp được tiếng là giỏi xã giao nhưng Giăng thì có vẻ chân thực. Ngồi sát phía tay trái tôi là một nữ văn sĩ người Bỉ. Bà này có một hàng ria mờ và hút thuốc lá ở tốc độ khủng khiếp. Lúc nẫy bà ta có hỏi một vài câu tò mò rất thông minh về văn hoá Việt nam. Lần đầu tiên trong đời bà ta đến Hà nội. Bà có đọc truyện Kiều tóm tắt bằng văn xuôi và khẳng định một nữ tác gia như Nguyễn Du xứng đáng là một nữ sĩ. Tôi rụt dè quay sang, một nỗi ngần ngại mơ hồ khi tôi chủ động đối thoại. Tôi mong bà thông cảm vì tôi với bà đều là những người sáng tác. Vâng, tôi cũng chỉ biết thanh tra Maigré, chắc đấy là toàn bộ văn chương nước Bỉ ở tôi. Tuỳ viên sách nhấp một ngụm rượu vang rồi lịch thiệp nói về nhà văn nam trẻ, cho đến giờ anh ta đã viết ba cuốn tiểu thuyết và đều có dư luận. Một trong ba cuốn đã được dịch ra Pháp ngữ. Giăng nói nhỏ với riêng tôi là không hiểu tại sao người ta lại chọn dịch cuốn dở nhất. Tôi đã đọc cả ba cuốn đó ở dạng bản thảo, tôi và bố của nhà văn nam trẻ là bạn vong niên cựu giao. Ông bạn tôi xuất thân viết kịch nhưng khi về hưu với tiêu chuẩn tương đương thứ trưởng. Ông nổi tiếng về làm kinh tế và làm tình. Trong một bài trả lời phỏng vấn mà số báo sau có đính chính, nhà văn nam trẻ khẳng định là mình sinh trưởng trong một gia đình có đông bọn đạo đức giả. Nhà văn nam trẻ cũng hút thuốc lá liên tục. Bà người Thuỵ sĩ làm nghề nghiên cứu phê bình văn học, ngồi cạnh thỉnh thoảng lại gập người ho sặc sụa. Lớp nhà văn thành danh sau tôi khoảng chục năm có vẻ ít uống rượu. Có lẽ họ được hưởng một nền giáo dục tương đối chu đáo, những khát khao trong trắng ở họ không cần đô pinh. Họ thích viết truyện ngắn giọng điệu có đôi phần khinh bạc, những bài tiểu luận có dáng dấp báo chí. Nói chung họ có tiền và tốc độ sống thường nhanh. Tôi đã rất nhiều lần tự hỏi là tại sao người ta lại gọi một người viết chữ là nhà văn. Phải chăng vì anh ta có sách có bài hoặc dung tục hơn, có tên ở một hội nghề nghiệp nào đấy. Hoặc chính bản thân anh ta tự sâu sắc hiểu anh ta là một nhà văn. Cái sứ mệnh khắc nghiệt ấy được anh ta cảm nhận qua một giấc mơ hay một lời phán tặng đồng bóng linh tinh. Nếu đúng thế thì kể cũng đau đớn. Sự ngộ nhận, sự mê chấp thường được bao bọc trong long lanh rất nhiều biện giải minh triết. Khi có tuổi, tôi hay tự hỏi tôi. Làm thế nào để gạt đi sự lầm lẫn của người viết, những người mẫn cảm rất hay tự huyễn hoặc mình. Điều kiện chính xác cho một người được gọi là nhà văn có vẻ đơn giản, đấy là anh ta được các nhà văn khác công nhận. Kinh Thánh nói “Không ai biết người con, trừ Chúa Cha và cũng không ai biết Chúa Cha, trừ người con và kẻ mà Cha đã muốn mặc khải cho”.(Lc.10;21-22). Câu này rất hay nhưng đậm tính siêu hình, Nho gia nói cụ thể hơn về sự linh ứng đồng cảm, lân ti. Chỉ người có tài mới hiểu mà thương nhau. Như vậy, sự khẳng nhận từ một người đã là nhà văn với một người đang chập chờn viết mới chính là sự ấn chứng. Nó giống hệt như ấn chứng “việc ngộ” giữa các thiền sư với nhau, sự liên thông thuần tuý trực giác giữa hai người. Một việc rất khó nhọc và dễ lầm lẫn là người viết trước khi được ấn chứng phải tự âm thầm đi tìm nhà văn “chính danh” của riêng mình. Có phải chăng cách giản đơn nhất là đọc, đọc thật nhiều. ở đây phát sinh một vấn đề nữa. Thế những người đầu tiên được gọi là nhà văn thì ai là người đầu tiên gọi họ. Đã là có nhà văn đầu tiên thì ai là độc giả đầu tiên. Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt. Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân. Trương nhược Hư buông thắc mắc mà không giải thích. Người bồi bàn già mặc Smoking đen thao tác chuyên nghiệp rót thêm cho tôi một cốc Vang nữa. Tôi không sành Vang nhưng ông bạn nhà văn già xuất thân dịch giả ngồi đối diện tôi ngấm ngầm nheo mắt giơ một ngón tay cái. Bàn tiệc vẫn sinh động và uyển chuyển bởi những câu hỏi từ ông Đại sứ. Các nhà văn không hẳn là những kẻ vụng nói và nhà văn nam trẻ bắt đầu nói. Câu hỏi có tính muôn thủa là tại sao nhà văn lại phải viết và khi viết anh ta chịu ảnh hưởng từ những cái gì. Nhà văn nam trẻ nói ngắn, giọng khàn khàn của những người quen trác táng về đêm. “Theo cái hiểu hạn hẹp của tôi thì các người viết ở Việt nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của ba nền văn hoá. Lần lượt là Trung Quốc, Pháp và Nga. Rất dễ giải thích, từ góc độ độc giả, vì đấy là ba nền văn hoá được chuyển ngữ sang tiếng Việt đông nhất. Tôi chịu ơn nhiều từ văn học Pháp. Tất nhiên, đã có lắm lời kêu ca về chất lượng các bản dịch. Nhưng chẳng sao, Jésus khi vào Việt nam không thể mang khuôn mặt thuần Do thái được nữa. Cái chính là ở nước tôi vẫn có nhà thờ, thậm chí là nhiều”. Cách đây không lâu, trên một trang văn nghệ của một tờ tuần báo đã có bài luận gay gắt của nhà văn nam trẻ khi tranh luận về Jean Paul Satre và Camus. Các nhà phê bình có tuổi chớm bị vôi hoá cột sống ít có thời gian để ngồi đọc coi đây là hai hiện tượng vừa cũ vừa lạc hậu. Cái gọi là tiểu thuyết mới của Alain Robbe-Grillet hoặc của Natalie Sarraute là một thứ bọn Tây ăn chán đã nhè ra thì các nhà văn nông nổi ít tuổi ở ta hăm hở nhá lại. Người ta thích phán thật nhưng ít khi chịu đọc thật. Tôi nhớ những năm đầu thập kỷ tám mươi và vài năm cuối cũng thập kỷ đó. Chủ nghĩa hiện sinh được tái sinh trên mồm. Khá đông những người viết miền Bắc chỉ biết văn học phương Tây qua một cuốn nửa tiểu luận nửa điểm sách phổ cập thời thượng, hoặc bốc đồng cóp nhặt từ khảo luận của Nguyễn văn Trung của Trần thiện Đạo, luôn tiên phong to mồm là “hiện sinh” đã bị lịch sử vứt vào sọt rác. Nhà văn nam trẻ ký tên thật, đanh đá phản bác. “Chúng tôi tôn trọng các vị và các vị cũng nên tôn trọng chúng tôi. Chúng tôi đã chân thành hiểu các vị và các vị đã không chịu hiểu chúng tôi. Chúng tôi phải tập quen viết trong cái không khí đẫm đầy thành kiến và đố kỵ. Các vị ưa dùng những lời to tát nhưng luôn vu chúng tôi là đại ngôn. Một luận cứ tầm thường của một lối văn phê bình tầm thường luôn được các vị dùng đi dùng lại”. Tôi đọc bài luận không hiểu sao thấy mình uể oải. Bài “Đại ngôn không phải là độc quyền của người nhớn” cố tình chọc cáu những tờ Văn Nghệ đã lụ khụ. Đành rằng lớn tuổi cứ cố chiếm chỗ thì phải chôn, nhưng có nên hung hăng quá không. Văn chương tuyệt đối không có thời, miễn cưỡng thì phải chia ra trẻ già, giai đoạn này giai đoạn kia. Hơn nữa về thực chất, văn chương đâu có đại diện được hộ ai. Bảo nó là phương tiện cũng được, cứu cánh cũng được. Viết chỉ là bị viết có vậy thôi. Tôi đọc lại bài báo một lần nữa và thật sự thấy mình là một người viết làng nhàng đang già. Tôi bây giờ gần năm mươi tuổi và có chút danh mọn từ năm ba mươi sáu tuổi. Tôi tham dự chừng tám trại sáng tác và khoảng mười một lần các cuộc thi văn chương lớn cũng như bé. Tôi may mắn hơn những đồng nghiệp khác là chẳng được giải gì, đấy cũng là một trong vài nguyên nhân lẻ tẻ để đến giờ tôi còn cầm bút. Tôi đưa mắt tìm người bồi, không hiểu sao cốc vang của tôi đã hết. Giá mà có Whisky. Trong những bữa rượu kiểu này, tôi luôn là người tự mình uống nhiều. Ông nhà văn da mầu người Công gô lịch sự xin phép nói. Giăng buông phuốc sét dịch từng câu nhỏ nhẻ cho tôi. Ông nhà văn này xuất thân chính trị gia, đã từng làm đại sứ ở nhiều nước rồi hình như có thành thủ tướng. Ông bầy tỏ nghi ngờ về câu bản sắc văn hoá dân tộc. Ông viết tiếng Pháp và tôi chưa bao giờ được đọc tác phẩm của ông. Nhà văn nữ trẻ bắt đầu phản đối. Cô bé rồi sẽ nói nửa đúng nửa sai. Tôi mong cô bé đừng nói quá dài, văn hay là một chuyện kiến thức lại là chuyện khác. Cô bé bất cẩn vung tay suýt làm rơi bát súp khi nhấn ý, dân tộc tính là đặc điểm gần như duy nhất giúp người đọc nhận ra được nhà văn. Tôi lưỡng lự châm thuốc, phụ nữ Việt nam thường ý thức sâu sắc được mình khi đứng trước nhiều đàn ông ngoại quốc. Một nhà văn quân đội cùng đoàn với tôi đi Mỹ, lúc về có viết một quyển sách du ký và có kể riêng cho tôi nhiều chuyện không ghi trong sách. Tôi biết một vài chuyện và tôi hỏi.
“Lúc ấy anh thấy tủi thân lắm à”
“Cũng chẳng hẳn, nhưng hình như mình cũng thấy nhỏ nhoi”
“Anh thì còn sợ cái quái gì. Tuổi của anh, vị thế của anh”
“Mẹ cái bọn nước ngoài”
Tôi a dua gật gù, cái thói trịnh thượng của nhiều tay ngoại quốc thì tôi biết rồi. Lỗi chưa chắc đã hoàn toàn ở họ. Tôi xuất ngoại tính ra cũng nhiều, hoặc theo hội nhà văn hoặc đi ké những cơ quan không phải hội nhà văn. Tôi rất nhớ chuyến đi Pháp ba tháng và rất muốn quên chuyến đi Mỹ kéo dài hơn sáu tuần. Cái tuần thứ năm định mệnh ở Boston xoay đổi số phận tôi. Tôi đã quen rồi lấy người đàn bà ấy. Nếu như chúng tôi có con thì gần như chắc chắn tôi sẽ bẻ bút. Biết đâu đấy lại là điều hay. Hơn một lần tôi từng thề là không bao giờ viết về vợ, nhưng tôi nhu nhược không biết giữ lời. Giăng cậy tình thân hỏi sỗ.
“Đâu phải người Việt nào cũng có mặc cảm, hầu như tôi toàn gặp những người quá tự tin”
Mặc cảm thì sao, quá tự tin thì sao. Tôi cười nhạt, tôi không muốn kể những chuyện đã qua của tôi với Giăng. Tôi và Giăng cùng một nhà văn già, nổi tiếng nhờ dịch văn học cổ điển Pháp, đi chơi lang thang quanh Bờ hồ. Dịch giả đột ngột thèm rượu và chúng tôi kiếm một cái Bar nho nhỏ có vườn. Dịch giả vừa có món bổng lặt vặt, đây là thứ giời ơi đất hỡi từ một sự lầm lẫn của một quan chức Bộ văn hoá. Dịch giả gọi Whisky nguyên chai, giá dễ chịu, chênh với sạp lẻ Hàng Buồm chừng trăm nghìn. Ba cái ly có đá cục có chanh vắt, dịch giả hắt tất vào gạt tàn, ông quen uống rượu nặng không pha. Vô công tự nhiên hưởng lộc dịch giả muốn chia bớt cái hoạ ấy sang tôi và Giăng.
- Tôi tưởng đây là cái nhuận mồm cho việc anh tư vấn cái một nghìn năm Thăng long.
Dịch giả xua tay
- Bây giờ mà nói vo được tiền thì chỉ có là quan chức. Tôi vẫn phải viết một bài luận chừng hai ngàn chữ. Thế nhưng buồn cười là tôi viết nhầm đề, họ hỏi tôi Hà nội tôi lại đi kể Paris.
Quan chức thì bao giờ cho hết lầm lẫn. Tiền hối lộ thiếu hơn chục ngàn đô, chỉ đến khi ra toà lơ ngơ mới biết. Có ông ngây thơ uống rượu đi khánh thành lộn công trình, đọc đít cua chào mừng dây chuyền sản xuất máy nông cụ, xong xuôi thì ngớ ra là người ta mời đến cắt băng thông xe cầu mới. ở Việt nam ngập đầy những chuyện có thật về lầm lẫn hoặc ngu hoặc khôn của các quan. Tôi mệt mỏi cưòi nhìn Giăng đang hồn nhiên cười. Người Pháp cũng có nhiều lầm lẫn chứ. Cố nhiên. Giăng thuật lại một sai lầm rất vớ vẩn của tổng thống đương nhiệm. Dịch giả bật cười, ông xác nhận là đã biết chuyện này qua kênh TV5. Rượu chừng được một tuần thì chú ruột tôi tới, ông ta thập thò ở phía hàng rào có quấn nhiều hoa leo, tôi đứng lên đi vào toa lét. Dăm năm nay ông chú tôi hành nghề ở phía vùng Hồ bên này. Chú tôi bán xổ số dạo, postcard kèm những truyện tranh thiếu nhi in mầu loè loẹt. Nhờ cái vét tông không cũ lắm và cái kính trắng trên khuôn mặt sáng ánh mầu ria bạc, hồi đầu, chú tôi lọt vào mọi xó xỉnh của các nhà hàng và khánh sạn sang trọng. Tôi đứng trước gương ở phòng vệ sinh loay hoay rửa mặt, đủ thời gian cho tay gác dan râu quai nón đuổi những người bán rong hoặc xin xỏ. Tôi không sợ gặp mặt chú tôi, nhưng đôi phần có ngại, vài năm gần đây ông hay mặt dầy trắng trợn xin tiền. Tôi muốn có chút sĩ diện với Giăng. Đã vài lần, Giăng hỏi xuất xứ văn hoá của tôi. Giăng nói, tôi là một trong vài nhà văn Việt nam mà Giăng tôn trọng. Tôi cười trừ, tôi thấy cái gọi là văn nghiệp của tôi rất bình thường. Khi tôi ba mươi bẩy tuổi cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi đột nhiên gây ầm ĩ. Cuốn tiểu thuyết tôi viết trong vòng tám năm, một con số chẳng nói lên điều gì, ngoại trừ là một sự lười biếng và nặng nề hơn, một nghiệp chướng. Một trăm trang đầu xong rất nhanh, cái nhanh của sự hồn nhiên của sự háo hức sốt ruột và đương nhiên có cả sự phẫn nộ. Sau đấy là tắc là chán là đằng đẵng bỏ dở. Người ta không biết tại sao mình lại viết và cũng không biết như vậy khi tại sao mình không viết. Những quyển vở liêu xiêu chữ chép tay cong queo cả bốn mép nằm lăn lóc cạnh mấy vỏ chai còn mang máng chút rượu đọng cặn. Rồi một đêm mùa đông nào đó, nhỡ uống cà phê, đột ngột tỉnh rượu bật đèn vớ lại tập bản thảo cũ. Loay hoay đọc, rồi tranh cãi với những chữ đã viết rồi hí hoáy ngồi sửa. Thế là có thêm năm chục trang, thế là có thêm bẩy chục trang. Đấy là sức mình hay là ý Chúa. Hồi đấy tôi đã cảm động hỏi vậy bởi đức tin của tôi còn non nớt. Càng có tuổi những câu hỏi trong trắng càng ít. Cuốn tiểu thuyết đầu tay đã đem lại cho tôi một chút hào nhoáng, một cuộc hôn nhân và vô số hệ luỵ. Tôi đã dại dột trả lời phỏng vấn một nhà báo nữ, một bài phỏng vấn gần như đầu tiên và mong rằng sẽ là cuối cùng. Các nhà báo nữ đa phần đều có in thơ đã viết hoặc một truyện ngắn hoặc một tập truyện ngắn. Nếu họ tự khắt khe vứt bỏ đi vài sự nuông chiều nịnh nọt vớ vẩn thì họ đã trở thành những nữ văn sĩ rất giỏi. Tôi ghét cái giả thiết này, đấy là luận điệu đầu môi của đám văn sĩ đàn ông đang ao ước bỏ vợ. Với đa phần nhà văn, viết báo là khó, nó đòi hỏi những kỹ năng những tố chất khác hẳn. Nhà văn viết báo thường là miễn cưỡng hoặc là phải cố nên bịa ra cái câu viết báo nhiều làm hại văn. Làm báo thật và hay còn hơn rất nhiều làm những thứ văn chương làng nhàng. Trước cuốn tiểu thuyết tôi đã vào hội nhà văn bằng một tập truyện ngắn. Hai nhà văn một nam một nữ giới thiệu tôi vào.Văn nghiệp của họ tương đối bình thường nhưng cả hai đều rất nổi tiếng. Hội nhà văn là một hội nghề nghiệp có vị thế rất đặc biệt ở Việt nam. Tôi cũng ý thức được thế, so với rất đông các đồng nghiệp chịu nhiều vất vả khác chưa được vào hội, tôi là gã may mắn. Hôm làm lễ kết nạp hội viên mới tôi nhìn kỹ ông Tổng thư ký hội. Tôi biết ông sơ sơ theo những mối tương giao hành chính. Ông khách quan ủng hộ tôi khá vô tư, có thể là ông thích văn nhưng cũng có thể là do ông quan liêu. Ông là một nhà thơ, thỉnh thoảng có viết truyện mi ni xinh xinh và đương nhiên phải viết rất nhiều những bản báo cáo dài ăm ắp trang trọng. Lễ kết nạp sang và vui, tôi thấy mình vinh dự vừa phải. Tôi và chín người nữa thuần viết văn xuôi được kết nạp đợt này. Còn những người viết thơ hay làm phê bình số lượng bao nhiêu thì tôi không nhớ. Người già nhất ở miền Trung bật khóc, tôi mang máng biết lý do, tất nhiên không phải là việc chạy vạy tiền nong rồi bây giờ hối hận xót của. Ông ta tiếc là khi được thành nhà văn thì mồm miệng lại không nhai được, hôm qua, cái răng hàm cuối cùng vừa rụng. Người trẻ nhất ở thành phố Hồ chí Minh luôn nhếch mép cười khinh bạc. Về sau, khi trả lời phỏng vấn một tờ báo của những người trồng rau sạch chị này có nói đáng ra chị phải được vào từ đợt trước. Tàn cuộc lễ, tôi rủ riêng hai nhà văn đã giới thiệu tôi vào hội đi ăn chả cá. Cả hai người đều có thời gian sống rất lâu và rất sâu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhà văn nữ có nhiều năm là thanh niên xung phong ở Đông Trường sơn còn nhà văn nam là một tay súng bộ binh có hạng ở một đại đội trinh sát.
“Năm 1975 ông đang ở đâu”
“ừm, hình như em đang làm luận văn tốt nghiệp Đại học”
Tôi không muốn nhớ nhiều về quá khứ vì quá khứ của tôi nó nhạt. Trong cái nhạt thường ẩn nhiều những cái tầm thường. Và trong cái tầm thường thì có nhiều những cái ngu dốt ác độc. Hồi tôi mười ba tuổi tôi còm nhom như đứa bẩy tuổi. Một tối mùa hè những người lớn tổ chức ca nhạc ngoài trời ở cửa khách sạn Phú Gia. Hồi ấy như thế là hiếm lắm. Những tháng đó đang là khoảng lặng của chiến tranh. Mỹ đã bắt đầu ngồi vào đàm phán với ba bên Việt nam ở Paris. Dân Hà nội lục tục từ chỗ sơ tán trở về. Mặt ai nấy đều nhẹ nhõm hân hoan, lâu lắm mới thấy thật nhiều ánh điện. Đông nghìn nghịt người quây quanh sàn gỗ sân khấu. Bạt ngàn là trẻ con lốc nhốc ăn mặc đủ kiểu, bọn mặc sang trọng nhất là diện đồ viện trợ từ các nước Đông Âu. Tôi thèm thuồng nhìn thằng đứng sát cạnh, quần soóc lửng tới gần mắt cá với cái áo sơ mi thùng thình mầu đỏ ớt. Khoảng tám giờ tối thì buổi diễn lẫn lộn ca múa nhạc xiếc sẽ bắt đầu. Tôi tót ra trước từ sáu giờ chiều, theo mấy thằng lớn cùng phố đi xí chỗ. Bố tôi đi công tác, ông ngoại tôi dẫn mấy thanh niên ở tổ dân phòng đi kiểm tra gác chuông nhà Thờ. Quầy đổi bánh mì của mẹ tôi ở cửa hàng lương thực mậu dịch đóng cửa muộn. Bọn phố tôi chiếm được chỗ khá tốt sát ngay vệt căng dây thừng ngăn lối cầu thang đi lên sàn diễn. Mấy thằng lớn cố kiễng chân, một cô ca sĩ béo ị đang cởi trần thay áo ngay trong gầm sân khấu. Tôi thò tay vào túi cấu từng miếng bích cốt nhỏ nhai trộm cố không ra tiếng, nếu bọn xung quanh biết chúng nó sẽ nằn nèo xin hết sạch. Bích cốt làm từ những khoanh bánh mì phơi khô có tẩm đường, một thứ xa xỉ lạ lùng ngon mà ba mươi năm sau tôi không biết ví với bất cứ loại bánh đặc sản nào. Vợ tôi nghi hoặc “Cùng lắm thì như bánh chocolate hoặc gâteau phết dầy bơ tươi chứ gì”. Tôi không muốn giải thích vì không thể giải thích, vợ tôi chưa bao giờ bị đói. Anh chàng lùn tịt kéo ắc coóc mặc áo sơ mi trắng pha lon bắt đầu nhạc dạo bài Nổi lửa lên em và nàng ca sĩ béo ị đã lấy hơi hai lần nhưng vẫn trượt nhịp. Nàng nói nhỏ “Anh dập mạnh mạnh thêm nữa để em vào”. Tôi khó hiểu nhìn đám xung quanh ồ lên hồn nhiên cười, đội văn nghệ xung kích của quận hầu như chưa tập với nhau lần nào. Trăng đã dậy rồi khơi bếp hồng lên nhé. Lá nếp rau rừng xanh thắm tình anh nuôi. Đám đông càng lúc càng đông và tôi cố gồng mình để giữ chỗ. Phía bên kia đường sát mép hồ mặc kệ hai anh công an áo vàng khản giọng xua đuổi, người ta vẫn trèo hết cả lên nắp hầm trú ẩn. Sắp đến tiết mục xiếc, xiếc thật của đoàn trung uơng, mọi người nhao nhao ủn nhau hò hét. Một gã trung niên gầy nhẳng mặt vàng thếch của mầu bánh mì mốc đứng cách tôi chừng hơn một mét chợt nhẩy dậy lên văng tục, chắc bị đứa nào đứng sau lấy kim băng đâm vào đít. Chỗ của tôi tốt thật, nó là giữa khe của hai nút dây thừng lớn. ở chỗ này, không xem được các diễn viên thay quần áo nhưng nhìn những người hát thì rõ mặt. Chợt gót chân tôi đau nhói, ai đấy đã xéo day mạnh vào một cách cố ý. Tôi dụt rè quay lại, kề sát vai tôi là khuôn mặt tóc cong cớn phi dê của một thiếu phụ chừng bốn mươi. Hơn ba mươi năm sau tôi vẫn bị nhớ cặp lưỡng quyền cao đanh ác. Gần ngang dưới ngực thiếu phụ và loay hoay sau lưng tôi là một con bé cũng gầy gò như tôi. Thiếu phụ thì thầm với con bé nhưng rõ ràng muốn tôi nghe thấy. “Con cứ cắn vào vai nó”. Con bé không dám, cũng như tôi, nó đang sợ. Gót chân tôi lại nhói đau vì mũi guốc của thiếu phụ nghiến lên. Tôi cứng người chịu đựng. Trên sàn diễn là tiết mục ảo thuật hay lộn nhào gì đó. Thiếu phụ thò tay thô bạo trắng trợn véo vào sườn tôi, mặt bà ta lạnh tanh giả vờ hân hoan nhìn lên. “úi giời ơi, úi giời ơi, giỏi quá”. Kèm theo mỗi nhịp kêu tán thưởng nghệ thuật xiếc là mỗi cái véo căm thù. Đứa con gái sau lưng tôi chợt thút thít khóc. Tôi cố không khóc, nhưng cũng không biết mình chui ra khỏi cái đám đông đó như thế nào. Hơn ba mươi năm sau con bé vẫn còn nhận ra tôi, con bé đã là thiếu phụ chưa chồng tuổi già quá ba mươi nhưng vẫn còm nhom như đứa bé mười tuổi. Thiếu phụ ấy là phóng viên nữ của một tờ tuần báo nổi tiếng làm bài phỏng vấn tôi. “Cho em hỏi anh một câu riêng, em không ghi băng, anh có lúc nào còn bị người ta giầy xéo lên không”. Tôi lắc đầu “Không”. Thực ra tôi định nói thỉnh thoảng nhưng lại ngài ngại, đây là lần đầu tiên tôi nhận trả lời phỏng vấn. Hoàn toàn không ngẫu nhiên là tôi đồng ý, bởi tôi cũng nhận ra cô bé. John Updike khi đang nổi tiếng có nói “Tất cả những gì mà nhà văn muốn chia sẻ cho thế giới được anh ta nói lên bằng tiểu thuyết, truyện ngắn và tiểu luận. Nếu anh ta không làm được việc ấy thì anh ta đồng ý phỏng vấn”. John Updike ở Mỹ, mà ở đấy giới truyền thông rất đáng kể và đáng sợ. Tôi từ chối gặp gỡ báo chí vì đơn giản là tôi dát, có những chuyện hoàn toàn do thể tạng hợp hay không hợp chứ chẳng phải những lý do sâu xa cao đạo gì. Khi bị nói mồm miệng đông cứng ngượng ngập lúng túng thiếu tự tin kinh khủng. Cô phóng viên thành thạo an ủi, cái nào rồi cũng quen anh ạ. Tôi không nghĩ vậy, ví như chuyện bị giầy xéo chẳng hạn. Con người đa phần là vô tình khi dẫm đạp và làm nhục nhau, bởi họ không bao giờ ý thức được việc đó làm tổn thương người khác đến mức độ nào. Đau đớn chịu đựng được đã là khó lắm còn làm quen thì không thể. Hồi bé, tôi hay bị bố tôi tát, những cái tát bất thường không rõ lý do. Bố tôi là công nhân lái máy ủi ở một lâm trường xa xôi Tây Bắc. Tay ông lông lá cùng cục nhiều chai, thỉnh thoảng ông lại lấy những quyển sách tôi đang đọc dở đập vào mặt tôi. Một lần bố tôi lôi tôi sềnh sệch từ sau góc tủ lúc tôi đang cắm đầu đọc cuốn Những linh hồn chết, quyển sách có gáy dầy đó làm tôi bật máu mũi. Mãi về sau trông thấy ảnh Gô Gôn ở một hiệu sách cũ gần chỗ văn phòng tôi làm, tôi vẫn vô cớ nghẹn ngào. Bố tôi hầu như không bao giờ đọc sách, những năm đó ông miễn cưỡng phải đi nhà thờ vì đang phải ở rể nhà ông ngoại tôi. Trước khi cưới ông bị bắt buộc đi học bổn sáu tháng, ông đọc trôi chẩy được kinh Lạy Cha kinh Kính mừng kinh Tin kính kinh Sáng danh. Sau khi đẻ chị tôi được một tháng, đúng ngày làm lễ rửa tội cho chị tôi, bố tôi không bao giờ vào nhà thờ nữa. “Thằng vô đạo, thằng Giu đa. Lạy đức Chúa Lời ba ngôi, tôi lấy được vợ tôi thôi nhà thờ”. Ông ngoại tôi vừa uống rượu vừa lè nhè, mẹ tôi buông cái bát cơm dở rít lên “Ông có thôi đi không nào.Tại ai, tại bố hay tại con”. Mặt ông tôi chợt buồn sẫm đanh lại. Nghẹn ngào, ông ngoại tôi uống rượu trong im lặng. Những năm năm mươi ở miền Bắc Việt nam xẩy ra nhiều chuyện mà mãi mãi người ta không lý giải được là tại sao người ta đã làm như vậy. Chị tôi sinh trước tôi tròn một năm và cũng tròn đúng một năm sau giải phóng Thủ đô. Bố mẹ tôi nhiều lần cãi nhau, mặc dù cả năm bố tôi biền biệt không có nhà chừng tám chín tháng. Để tránh mọi người biết, hai người lầm lũi, hoặc một đi trước hoặc một đi sau ra phía Bờ Hồ. Tôi rón rén nức nở lẽo đẽo theo sau. Hà nội đi sơ tán đường Tràng thi vắng đen lỳ nhựa không có điện. Thỉnh thoảng có toán dân phòng đội mũ sắt đeo băng đỏ tay cầm gậy sơn đen đi ngược. Bố và mẹ tôi lần nào cũng đứng khuất sau cái cửa hầm trú ẩn công cộng rất lớn phía trước trụ sở công an khu Hoàn Kiếm. Quanh Bờ Hồ chỉ có hai cái hầm như vậy. Tôi run rẩy nấp sau cây sấu già. Những tiếng rít khe khẽ của cả bố mẹ tôi. Bố tôi tát mẹ, bà không vừa dùng cả hai tay tóm tóc ông. Bố tôi chồm lên giật cái dây chuyền mỏng mảnh vàng tây có đính cây thánh giá bằng bạc tượng Chúa Giê Su chịu nạn. Ông hung dữ ném nó xuống chân, rồi lấy đôi ủng bê bết bùn đạp bồm bộp lên. Mẹ tôi buông tóc bố tôi lao vào cào cấu. Tôi oà khóc hoang mang chạy về phía nhà thờ Lớn.
“Cậu tin vào đạo Thiên Chúa thật à”
Nhà văn nữ nhấp ngụm rượu nhỏ tò mò nhìn tôi. Rất nhiều người biết tôi là viết văn và theo đạo Công giáo. ở Việt nam, quen gọi đạo Công giáo là đạo Thiên Chúa, không rõ cái sai này xuất xứ từ đâu. Ngay cả gọi là Ki Tô giáo cũng chưa hẳn đúng. Ki Tô hữu, ngoài người Công giáo còn bao gồm cả người Tin lành, Anh giáo và Chính Thống giáo nữa.
“Cậu có tin thật không”
Tôi đánh trống lảng “Cũng không hẳn vậy”
Nói về đức tin quả thật là khó, làm sao biện giải minh bạch được. Tin cũng giống như yêu, chỉ biết tin là Tin thôi. Tôi đã đọc đi đọc lại cuốn Hành trình và truyền giáo của cố Đắc Lộ, những tín đồ đầu tiên người Việt nam chẳng lẽ tin Phúc Âm một cách ngây ngô thế sao. Người bình dân thì có thể, còn quí tộc hoặc trí thức thì không thể đơn giản như vậy. Quán chả cá có ba mẹ con đứng bán hàng đều béo. Cô con gái béo hơn nhìn nhà văn nữ bằng cái nhìn là lạ. Chắc cô bé ít được thấy một khách hàng phụ nữ nào như vậy. Hút nhiều và uống nhiều. Nhà văn nữ có một truyện ngắn rất hay. Tất nhiên chỉ có một truyện ấy thôi. Vào lúc đó nhà văn nữ hai mươi bẩy tuổi.
“Đáng nhẽ ra tôi phải lấy chồng. Tôi không nghĩ chữ nghĩa nó lại quái quỉ đểu giả đến vậy. Còn cái ông ấy thì hay khen tôi quá, thế là cắm mặt vào mà viết tiểu thuyết.”
Nhà văn nữ đanh đá khe khẽ thở dài. Tôi có cảm tình với chị chỉ những khi chị ngồi uống rượu. Có thật nhiều tâm sự buồn bã chân thành ở những lúc chị vừa uống vừa nói. Nhưng sau cơn say chị thường tỉnh và mọi sự tự nhiên lại khác lắm. Cái ông ấy mà chị nhắc là một nhà thơ già rất thích viết phê bình. Thủa tóc xanh ông cũng đã nổi tiếng nhờ một bài lục bát và về già ông càng nổi tiếng vì nhờ có chị. Họ chênh nhau chừng ba chục tuổi, ông nhà thơ là bạn văn đồng tuế với bố chị. Sáng sáng cặp người tình công khai ngồi uống cà phê đen ở quán Lâm “toét”. Chỗ bất di bất dịch là dưới bức sơn dầu cửa Ô Quan chưởng của Phái “phố”. Đôi lúc gặp người quen, chị nghênh ngang xã giao chào còn ông thờ ơ thở khói thuốc lên quạt trần. Cũng chẳng có dư luận gì, người Hà nội vốn rộng tính, hơn nữa văn nghệ sĩ không hẳn đồi truỵ nhưng phải lập dị. Chị tự nhận mình là gợi tình, đám đàn ông viết trẻ đang loay hoay tìm cách lớn liếc trộm chị dãi nhỏ tong tong. Hình như vì ông nhà thơ xui mà chị viết tiểu thuyết. Chị lang thang tám tháng qua ba trại sáng tác. Một lời xui dại. Cuốn tiểu thuyết dầy dặn gần bốn trăm trang đã vét sạch nhẵn những trong trắng nông nổi ở chị. Sau cuốn đó người ta bắt đầu gọi chị là nhà văn. Nghĩa là không cụt lủn trụi độc cái tên mà dài dòng trân trọng cả họ và đệm. Những năm giữa tám mươi được lên ti vi là rất hiếm, thế mà có tháng chị thấp thoáng ở trên màn hình tới hơn một lần. Những nhà thơ trung niên tóc thưa hoặc xoăn bắt đầu làm thơ tặng chị. Ông nhà thơ già uất, viết một bài phê bình công phu đăng hai kỳ ở một tạp chí thuộc nghành vận tải, ông phân tích sự hơn kém khác nhau giữa những nhà thơ thời chống Pháp và những nhà thơ thời chống Mỹ. Bài phê bình có một tiếng vang, vài giáo sư ở đại học không quen biết ông vô tư nhận xét đây là một nhát roi quất vào đít con ngưạ sáng tác đang lẻo khẻo. Tôi có đọc cuốn tiểu thuyết của chị khi tôi đang chập chững viết vài truyện ngắn đầu. Tôi cố ép mình đọc hết, những năm ấy tôi đang còn rất khoẻ. Nhà văn nữ rít điếu ba số năm một hơi thật sâu, mắt chị đẹp thật.
“Cuốn đó bao nhiêu là người đọc. Tôi nhận vô thiên lủng thư của độc giả. Tôi đố các ông biết chính xác tia ra của nó. Lão giáo sư Tấm còn đề nghị Bộ giáo dục đưa một trích đoạn tám trang vào sách giáo khoa cho bọn học sinh trung học.”
“Thôi bà ơi, uống nốt chén này đi. Già rồi có khác, toàn là thở than khảo cổ, sốt cả ruột.”
Nhà văn nam khẽ cụng chén rồi nuốt một ngụm rượu lớn. Nhà văn nam cũng đã viết tiểu thuyết, một cuốn không dầy chỉ chừng hơn hai trăm trang khổ vừa, nhưng nó cũng nhận được hơn hai mươi bài chê khổ lớn trên nhiều báo và tạp chí. Hầu hết người ta đều khẳng định nhà văn xuất thân từ quân đội này có cái nhìn không đúng về chiến tranh. Đã thế nó lại tục, cuốn tiểu thuyết được viết bằng thứ chữ nôm na lính tráng. Một số cựu chiến binh cao cấp đòi bắt nhà văn bỏ vào tù. Đông đảo các nhà văn chưa bao giờ đi bộ đội tinh tế viết bài gay gắt giải thích những chỗ bịa đặt sống sượng của cái gọi là tác phẩm. Làm gì chiến tranh vệ quốc lại dã man và u ám đến thế. Không biết có phải những chuyện linh tinh ấy không, vợ nhà văn đột ngột bỏ anh. Hai anh chị có hai đứa con nhờ nhỡ, cả nhà mếu máo khóc. Đứa con gái lớn ở với bố còn đứa con trai bé thì theo mẹ. Tôi biết anh trước cái tai nạn đó một đoạn. Có buổi tối tôi đang ngồi lẻ loi lang mang nghĩ chẳng viết chẳng đọc, nhà văn nam chủ động gọi điện thoại đến nói rằng rất thích tập truyện ngắn của tôi. Anh thích giọng văn, nhưng rất khó chịu các nhân vật của tôi, nhất là khi họ yêu nhau hoặc cãi giận nhau. Và anh, khẳng định rằng trong số những người anh coi là nhà văn anh xếp tôi thứ năm mươi. Như phần đông những người nhập môn, tôi cảm động, vài hôm sau tôi trân trọng mời anh ra một quán rượu. Anh uống được nhiều, không lựa rượu, và đồ mồi đắc ý nhất là đậu phụ luộc, nhiều lúc không cần cả mắm tôm lẫn rau kinh giới. Anh đã viết một bài luận dài đăng trên báo của Hội về tập truyện ngắn của tôi. Anh em chưa biết mặt nhau, thực ra điều này cũng không quan trọng, nhưng anh em gặp nhau thì hay hơn. Anh viết, anh là nhà văn nông dân không hiểu lắm cái đỏng đảnh của đám tiểu thị dân nhưng văn của tôi hay thì phải khen là hay. Tôi biết anh nói chân thành vì anh là người hồn nhiên. ở khoảng thời gian này, khen chê hoặc phê hoặc bình đang bị ô nhiễm bởi nhiều thói dung tục. Đáng sợ nhất là người viết khen thường bị coi là bè đảng, là tụi lăng xê mấy đứa sáng tác dỏm, thật lòng thích cũng đành ngần ngại, cho nên viết phê bình văn chương vô tư khách quan là phải chửi thật nặng. Anh xua tay, nhai đậu phụ luộc thành tiếng, nói là tôi vẫn còn nông nổi chưa hiểu hết chuyện. Có những người viết thuê người khác chửi hoặc chính mình viết bài chửi mình. Cái đích vẫn là sự nổi tiếng. Tôi xã giao cãi là làm gì có chuyện tệ thế, anh cũng đang là biên tập viên của một tạp chí anh đã gặp chuyện ấy chưa. Anh nói là chưa, dưng mà dư luận nó cứ đồn thổi thế. Tôi triết lý suông là vàng thau lẫn lộn, bọn gian hùng thường thích thời loạn. Kinh Dịch bảo, tiểu nhân đầy đường quân tử nên núp trong nhà. Anh trợn mắt nhìn tôi rồi nốc rượu. Vâng, người tử tế ở thời này phải bơn bớt cái mồm.Tất nhiên, nói thì vậy, nhưng khi nhắc tới cuốn tiểu thuyết mới viết đang lăn lóc qua mấy nhà xuất bản, vẫn phấp phỏng hy vọng cuối năm sẽ được in. Anh cụng ly uống liên tiếp với tôi rồi say lăn quay ra gầm bàn. Tôi ít thấy ai hồn nhiên giống anh, mấy tháng sau gặp chuyện khốn khổ khốn nạn, anh nghe người ta xui loay hoay ngồi thiền. Nhìn anh ngồi kiết già mà phì cuời, nhấp nha nhấp nhổm như con khỉ. Hồi ấy, với tư cách là một tiểu thuyết gia thời thượng, nhà văn nữ cũng viết một bài tương đối dài giọng nửa ấm ớ nửa đanh đá moi móc văn của anh. Khi có riêng tôi và anh, tôi thóc mách chuyện cũ, nhà văn nam nhăn nhó cười.
“ối giời, đàn bà. Mụ ấy thì biết cái quái gì phê với bình. Cả bài sặc mùi thằng tình già. Nhưng mà có điều này hay lắm, mụ ta bảo sau cái bài viết ấy mụ ta đâm ra biết uống rượu.”
Tôi và nhà văn nam có một thoả ước bất thành ngôn. Thỉnh thoảng, nhà văn nữ gọi chúng tôi tụ tập ngồi nhậu, tôi và anh đều chọn đến khoảng đã già nửa bữa. Chúng tôi đều quí chị lúc chị đã uống nhiều. Khi chị không uống, chị hay đau đớn chuyện người khác hoặc tệ hơn chị cáu kỉnh bình luận thời sự chính trị trong nước và quốc tế. Chủ đề gần đây nhất của chị là Việt nam sẽ hoá rồng như thế nào.
“Ông đưa tôi xem cái thẻ hội viên mới nó in có đẹp không.”
Tôi đưa cho nhà văn nam cái thẻ, anh ngắm nghía rồi đưa cho nhà văn nữ.
“Ông bị dở hơi đấy à”, chị sỉ mũi vào góc gầm bàn.
Khi ngà ngà rượu người ta hay có các động tác vô thức ngộ nghĩnh, nhà văn nam ngu ngơ cười. Bạn văn ngồi với nhau đa phần là nói chuyện linh tinh, có chuyện tục vừa có chuyện rất tục. Cũng đôi khi nói chuyện viết lách, nhưng nói cũng chỉ để mà nói thôi.
“Cái hồi tôi in xong tập truyện ngắn thứ hai, cơ quan tổ chức hội thảo. Có bao nhiêu là lời chúc tụng nhưng mình cứ nhớ mãi một lời chúc độc đáo. Chúc ông phấn đấu trở thành hội viên Hội nhà văn.”
Nhà văn nam và nhà văn nữ cùng rũ ra cười. Tôi cầm chai rót đều ra thêm ba chén rượu, tôi chẳng thấy buồn cười. Câu chúc đấy không lấy gì làm độc đáo. Tôi xem nhiều chương trình giao lưu văn nghệ giữa tác giả và độc giả trên ti vi, hầu hết những người viết trẻ cả nam lẫn nữ đều xin hứa sẽ nỗ lực phấn đấu trở thành hội viên Hội nhà văn. Làm nhà văn thì cũng có thể là hay nhưng là việc không thể cố, thường người ta chỉ cố phấn đấu để trở thành lao động tiên tiến. Tôi đã có hơn tám năm làm công chức, tôi thấy người ta thường chỉ cố được trong những việc cụ thể. Văn chương mà hay đa phần đều mơ hồ, thậm chí mông lung không ý nghĩa. Nếu quả thật muốn cố phấn đấu để tới thì cũng chẳng biết đường quái nào mà lần. Nhà văn nữ bắt đầu bảng lảng say và khi phê phê chị hay khúc khích tự cười.
“Tôi vào hội cùng ngày với thằng Vẫn. Lúc ấy bia uống bao cấp nhưng nó khuân đâu ra được nửa thùng. Tàn bữa nước mắt nó lã chã vừa gào vừa khóc. Từ bây giờ tôi trở thành thằng nhà thơ mậu dịch rồi. Chao ôi, tự do của tôi. Chao ôi, thơ của tôi.”
Nhà văn nam bật cười gằn “Đừng nhắc đến thằng điếm ấy nữa, gở bỏ mẹ”.
Tôi tò mò muốn nghe. Khi người ta còn trẻ người ta thích hóng hớt những chuyện nửa hư nửa thực. Mà nữa, tôi cũng khá thích thơ của anh chàng nghiện ngập ấy. Từ vựng của anh ta chỉ chừng hơn nghìn chữ long lanh đẫm mùi rượu. So với cái tỉnh táo của đám văn xuôi, đa phần những người làm thơ thường điên điên hơn. Họ uống cũng nhiều, say cũng nhanh nhưng đến lúc tỉnh táo thì đến quá nửa số người trong bọn họ sẽ đi làm quan. Nguyên khí thơ ca vì thế hay bị thất thoát. Nhà văn quân đội lớn tuổi đi Mỹ ngủ cùng buồng với tôi giải thích. “Bọn nhà thơ độ thăng hoa của chúng nó rất cao nên khi sáng tác không cần thời gian. Còn bọn văn xuôi hay lê thê, nặng nề mài đít ở ghế hết mẹ cả thời giờ đầu tư vào hoạn lộ.”. Tôi đồ rằng không phải. Người Tầu chia chữ nghĩa chính danh ra làm hai loại. Một là đại thuyết, tức là lời nói to, bao gồm Kinh, Sử, Tử, Tập. Thể loại Tập ở đây chủ yếu là thi tập, như vậy, bọn thi sĩ luôn thuộc vào loại lớn. Hai là tiểu thuyết, tức là lời nói nhỏ, đương nhiên chỉ đám văn xuôi. Đoản thiên tiểu thuyết bị dịch theo lối Tây mà thành truyện ngắn. Trung thiên tiểu thuyết là truyện vừa. Còn cái novel mà bọn Mỹ hay gọi tôi với bác là Novelist thì chính thị trường thiên tiểu thuyết. Mà đã là lời nói nhỏ, kể cả qua ăm pli nó vẫn thì thào, làm sao oai hùng mà thành quan nhớn được. Đại tá nhà văn gật gà gật gù. Trong nhà tôi, cả hai bên nội ngoại chẳng có ai được thành quan nhớn và cũng chẳng có ai mê thơ hoặc mê văn. Toàn bộ giới nghệ sĩ chỉ bao gồm đám diễn viên sân khấu điện ảnh ca nhạc xanh xanh đỏ đỏ do lổn nhổn đọc qua báo. Người tình đầu của chị tôi là một gã diễn viên xiếc vai u thịt bắp. Chị tôi mười bẩy sang mười tám, run run nói dối bố mẹ, cầm đôi vé mời rủ tôi đến nhà tròn căng bạt ở gần bến xe Kim liên ngái nồng mùi nước giải. Anh chàng ra đón tận cổng trong bộ đồ sắp biểu diễn lóng lánh kim tuyến. Chị tôi bẽn lẽn nhưng ngấm ngầm hãnh diện liếc xung quanh. Hai chị em có chỗ ngồi tốt và rạp kha khá đông người, có tới phân nửa là những người ngoại tỉnh nhỡ tầu nhỡ xe. Trong khi chờ mở màn họ hoặc ăn bánh mì hoặc xôi hoặc cơm nắm. Tiết mục của anh chàng lưng lửng gần cuối đó là trò vừa xếp người vừa tung hứng. Anh chàng làm trụ và leo lên đầu anh ta là hai gã lực lưỡng cũng kim tuyến lóng lánh. Trên cùng là một cô bé mảnh dẻ uốn dẻo lấy chân tung vòng. Anh chàng khoẻ thật, cổ nổi gân đỏ thở phì phà phì phò. Lúc ấy tôi mười sáu tuổi và đấy là người nghệ sĩ tôi gặp đầu tiên trong đời.
- Cái ông bán dạo lúc nẫy hình như có biết anh - Giăng tò mò hỏi
- Ông ấy là chú ruột tôi
- Nhân vật sở trường của anh phải không, lại một trí thức thất cơ lỡ vận à.
Giăng luôn có cái hồn nhiên của người đọc nhiều. Nếu một người đã từng được hưởng một nền giáo dục tử tế cũng nên gọi là trí thức. Năm 1964, chú ruột tôi tốt nghiệp đại học. Những năm ấy thì cái bằng ấy là cực kỳ quí. Chú tôi đã từng có tiền đã từng có quyền và cuối đời ông ta ra thế này. Chẳng ai làm gì có thể hại ông ta cả, vì ông ta là một thằng dối trá điêu luyện. Ông ta quen sống với người và thô bạo nghĩ rằng cái cuộc đời không quá phức tạp này chỉ có người. Ông ta ăn được người nhưng làm sao ăn được giời. Ông ta giống hệt bố tôi, một cặp song trùng, tuy một người thì có học một người thì thất học. Chú tôi là ví dụ điển hình của sự vô đạo, hiểu theo nghĩa nôm na của người Việt hoăc như những người phương Đông đã quen gọi. Những người sẵn sàng tàn nhẫn chỉ để đổi lấy một vài ích kỷ vặt vãnh.
- Hình như tôi có biết ông chú cậu
Tôi nhìn dịch giả già, khe khẽ gật đầu. Chú tôi sẽ không bao giờ còn nhớ nổi dịch giả. Sau lần làm một con bé mười bẩy tuổi có bầu, bố nó là một tay đạp xích lô thô bạo vụt thẳng cả cái xích xe máy vào đầu chú tôi, từ đó ông ta lú lẫn nhiều. Có một đoạn thời gian không ngắn lắm, dịch giả dậy trong trường Tổng hợp. Rồi thì không rõ lý do ông bỏ dậy ra làm một biên tập viên làng nhàng ở một tờ báo không văn chương. Hồi ấy trong khoa người ta hay họp, ông ngồi dúm dó một góc không tham gia phát biểu xây dựng nhưng cũng không kêu ca. Ông là một giảng viên dậy ăn lương bình thường không Đảng tịch không học vị. Hồi ấy chú tôi đang là sinh viên năm cuối có học môn của ông.
- Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Đấy là câu của chú anh trong một lần gặp lại tôi gần như là duy nhất.
- Thế nghĩa là ông ta rất tôn trọng thầy - Giăng chăm chú vẻ láu cá.
Tôi và dịch giả cùng cười nhàn nhạt. Học trò bán rẻ thầy thì không có nhiều và chú tôi đặc biệt có năng khiếu đó. Ông thầy bị bán sau cùng là bạn thân của dịch giả và là bạn vong niên của tôi. May mà đám người mua lại là đám lương thiện, thầy của chú tôi suýt nữa thì thân bại danh liệt. Khổ nhất là cô con gái, yêu chú tôi đến mức uống thuốc ngủ quá liều rồi bị tâm thần. Cứ cuối chiều thứ Bẩy, cô đó đi lang thang quanh Bờ Hồ vừa cười hiền lành vừa lảm nhảm đọc thơ tình của chú tôi riêng tặng. Tôi xộc cửa vào văn phòng Bộ, năm ấy chú tôi vừa lên chức khệnh khạng ngồi ở buồng riêng. Dịch giả yếu hơn lập cập đi sau cầm ba toong chỉ vào mặt chú tôi đang đứng lạnh tanh sau bàn có phù hiệu mi ca kê chức phó tổng.
“Mày bán thầy, nói cho cùng thì cũng được, thời thế mà. Nhưng mày bán ông ấy rẻ quá. Này, kẻ đang muốn làm quan kia hãy nhớ cho một điều, muốn làm ông lớn thì đừng ti tiện.”
Chú tôi lầu bầu cái câu một chữ cũng là thầy nửa chữ cũng là thầy để nói là tại sao không báo công an đến bắt dịch giả. Còn tôi, ông chửi là thằng cháu khốn nạn ưa đua đòi theo những phường mất dậy. Năm ấy tôi ba mươi tuổi và vừa in một truyện ngắn đầu tiên.
-Truyện ngắn đấy hay chứ.
Dịch giả nheo mắt cười uống Whisky. ừ, cũng được. Cách đây hơn mười năm Giăng đương là sinh viên khoa tiếng Việt, tập tễnh hồn nhiên dịch nó sang tiếng Pháp. Giăng hơi nhăn nhó nuốt hết ngụm Chivas, anh chàng không phải là dân chuyên nghiệp uống rượu nặng.
-Anh đang viết cuốn tiểu thuyết mới à.
Tôi lưỡng lự ừ. Dịch giả ngong ngóng nhìn tôi, ông thường chê tôi là thằng viết ít. Cuốn tiểu thuyết duy nhất của tôi được in cách đây đã bẩy năm, nó từng được coi là một hiện tượng văn học. Mẹ kiếp, biết bao thế hệ nhà văn phải khổ sở bởi cái cách gọi trịnh thượng ấy. Cuốn sách dắt theo nhiều ồn ào và tôi vớ được hàng mớ những điều dung tục. Đối với một người viết, sự nổi tiếng là cần thiết, nhưng nó phải phù hợp với phúc và đức của chính người ấy. Tôi đức bạc phúc mỏng nên cứ nhận được một cái lợi nhờ nhỡ là kèm một cái hoạ. Tôi nhớ cái vẻ gay gắt của bố mẹ vợ tôi khi bàn đến khoản tiền viện phí mà tôi đã chăm bố tôi. Tôi nhớ lại những nhục nhã khi tham gia cái đoàn làm phim dựa trên cuốn tiểu thuyết. Không phải ngẫu nhiên mà những người già kêu văn chương là chốn trường văn trận bút. Một người bạn học cùng với tôi suốt mười năm phổ thông phì buồn cười “Mày đừng lẫn lộn, mày chỉ là thằng biết viết văn thôi”. Tôi nhìn người bạn, một thương gia thành danh đã cho tôi vay tiền, đang mò mẫm sang một vài chuyện chính trường. Anh bạn tôi nói có vẻ đúng. ở đời, một người phải may mắn lắm mới làm xong một việc mà mình muốn. Tôi chỉ nên ngồi mà viết một cái gì đấy. Thực ra, vấn đề quan trọng nhất với tôi là tại sao lại phải viết chứ không phải là sẽ viết như thế nào. Trong quyển kỷ yếu của hội nhà văn có rất nhiều những dòng tự bạch của các hội viên nhằm trả lời cho câu hỏi tại sao này. Tôi viết vì tôi cô đơn. Tôi viết vì những ám ảnh của một thời ngập đầy kỷ niệm hoặc chiến tranh hoặc tuổi thơ nhọc nhằn. Tôi viết vì những bức xúc với hiện thực xung quanh. Hầu như tất cả những người viết văn đều không nói mình viết chỉ vì kiếm danh hoặc kiếm lợi. Điều này là hiển nhiên. Danh và lợi đến với văn chương thường rất chậm. Có những người viết vĩnh viễn vất vả mà không bao giờ được nhìn thấy hai thứ đó. Nhà văn áo Karl Kraus có đùa không khi nói, tại sao người nào đó lại viết văn. Vì anh ta không đủ tư cách để không viết. Đại đa số người viết đều khẳng định một luận cứ mang vẻ chủ quan, viết là một sự giải thoát. Câu này hay nhưng hơi buồn cười, không phải vì nó cao đạo hoặc lầm lẫn mà vì sâu thẳm của việc viết văn thì chẳng do ai trói buộc. Đã có lần thiền sư Đạo Tín, khi chưa thành Tứ Tổ băn khoăn đi hỏi Tam Tổ Tăng Xán cầu xin được giải thoát. Tam Tổ mim mỉm hỏi lại “Thế ai trói buộc ngươi”. “Dạ không ai trói buộc cả”. “Vậy đã không ai trói buộc thì đâu cần giải thoát”. Tôi cố nhớ lại cái truyện ngắn đầu tiên tôi viết, lý do quả thật cũng mù mờ lắm. Để giải trí cho mình nhà văn nên viết nhiều hơn đọc. Viết nhảm và linh tinh thôi. Nhưng có điều dễ nhận là khi viết được văn thì tự bản thân truyện đó cũng rất thú vị. Có những lúc khá lạ lùng. Mùa đông mưa phùn rét mướt ngồi trên lầu cao co ro nghe gió lạnh cầm bút viết tả cảnh mùa hè, được một chốc bỗng thấy người hầm hập nhiều giọt mồ hôi lõng bõng nóng chẩy. Còn giữa tháng Bẩy chính ngọ chang chang nắng viết một đoạn về tảo mộ Thanh minh, cái thê lương lảng vảng hàn khí của bãi tha ma lạnh run vào đến tuỷ, đành lập cập mở tủ khoác thêm cái áo vét. Tôi có đùa với người bạn linh mục già là lúc ấy hình như bọn nhà văn đã đoạt được quyền của tạo hoá, làm gì mà chẳng hoang tưởng cắm đầu vào mà ngồi viết. Vị cha bề trên của một dòng tu Phước sơn lắc đầu, đấy chính là sức mạnh của tạo hoá, đấy chính là ý chỉ của Chúa mà may mắn làm sao những người viết các ông lại mong manh nhận được. Tôi thật thà hỏi, liệu nhà văn có phải là một bí mật đã được Thiên Chúa mạc khải. Vị linh mục già láu lỉnh, nếu ông cứ sa đà vào chuyện đó nghĩa là ông mê tín đấy. Đã khuya khuya ti vi có truyền hình trực tiếp bóng đá nên Bờ Hồ có vẻ vắng hơn thường ngày. Phảng phất từng tiếng chuông đồng hồ nhà thờ Lớn. Tôi nhìn cái Gimicô vỏ nhựa giả gỗ, còn sớm lắm. Dịch giả gọi ba bát mì nấu hải sản, chắc Giăng đã đói ngấu, còn tôi vẫn thấy ngang ngang bụng. Giăng nắn nắn túi áo lôi ra một cái tẩu bằng sừng, Giăng vụng về nhồi thuốc lá ba số năm vào. Cái tẩu sang trọng này chắc mới được ai tặng. Hình như Giăng hút nghịch ngợm chứ không nghĩ như người tặng là học giả lớn phải ngậm píp. Diêm loé một ngọn lửa nhỏ mầu xanh và Giăng nhả một hơi khói mù mịt đặc.
-Anh sẽ định viết cuốn tới như thế nào.
Nói chung thì tất cả những người viết đều ngại kể về việc mình đang và sẽ làm. Một thứ ta bu. Chẳng phải vì chuyện nói trước thì không bước được qua. Nó là một thứ mơ hồ ngần ngại. Tôi ngập ngừng nói. Tôi muốn viết về công việc của một nhà văn. Nó sẽ dài khoảng năm sáu trăm trang in. Nhà văn này nói về việc anh ta đang viết một cuốn tiểu thuyết. Đương nhiên là cuốn tiểu thuyết ấy dang dở và anh ta bị sống lẫn lộn vào các nhân vật. Cố nhiên là tư duy của anh ta hiện hữu độc lập với văn bản tiểu thuyết của anh ta. Việc này tương đối khó, vì anh ta luôn phải cho độc giả biết là anh ta nghĩ ra các nhân vật như thế nào. Tôi để một chương giọng của anh ta lẫn vào giọng của một nhân vật, cả anh ta và nhân vật kia đều ý thức rất rõ về cái đó. Nếu đơn thuần về thủ pháp thì đây là một sự thoả hiệp, tôi không muốn đánh đố độc giả. Thực ra cái thủ pháp “tiểu thuyết trong tiểu thuyết” đã quá nhiều người sử dụng, nhưng để thật nhuần nhuyễn thì chẳng có mấy ai. Tiểu thuyết gia nào cũng khát khao một sự đa âm. Điều này nhiều nhà phê bình chuyên nghiệp hiểu nhưng không chịu thông cảm. Cái cách họ khen hoặc chửi đều rất tệ. Bởi vậy, muốn một cuốn tiểu thuyết trong sáng ở phương diện dễ đọc nên cho nó một cốt truyện. Cuốn tiểu thuyết của nhà văn này tập trung mô tả một cuộc tình có hai người. Hai nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là một cô bé người mẫu và một trung niên trí thức rất thành danh về hoạt động chính trị. Họ chênh nhau khoảng một thế hệ, mười bẩy đến hai mươi tuổi. Nhưng nếu kể mãi về chuyện tình thì cũng hơi chán nên anh nhà văn mở thêm một tuyến nữa. Đấy là vị quan chức trung niên kia có một ông chú ruột làm linh mục. Do phải đối đầu với vài băn khoăn của cuộc sống anh chàng trung niên có tìm đến ông chú xin tư vấn. Ông linh mục vào lúc rảnh có viết về Alexandre de Rhodes. Tôi muốn giành một chương dài về vị giáo sĩ tiên khởi rất đặc biệt này.
- Nghe lằng nhằng nhỉ- Giăng hơi cười nhả thêm một hơi thuốc.
Thực ra thì cũng chẳng lằng nhằng gì, các chuyện nó cứ tự móc vào nhau. Khi viết tôi không quan tâm lắm đến nội dung câu chuyện, tôi chỉ để ý đến cấu trúc của nó. Do thói quen tôi thường để các nhân vật tự kể ở ngôi thứ nhất và những độc thoại này vẫn chỉ là sản phẩm một kiểu viết của nhân vật nhà văn. Như vậy ở đây có điều tôi rất không muốn nhưng không thể làm khác, anh chàng nhà văn trở thành một nhân vật chính nhất. Thoạt đầu khi mới khai bút, tôi đã định chọn nhân vật chính là một hoạ sĩ hoặc một bác sĩ. Đối với nhiều người viết thì một trong vài cái rất khó đấy là chọn nghề cho nhân vật. Nói chung, nghề của nhân vật không cứ nhà văn phải am tường, nhưng bắt buộc trong sâu xa tâm thế phải có sự liên đới. Một điều mà người cầm bút nào cũng biết, người viết chỉ viết được và viết hay những cái ở gần mình. Thường thì quá xa là phải mò mẫm đoán định. Mà đã đoán mò thì cho dù trí tưởng tượng có dồi dào đến mấy bắt buộc cũng phải sắp xếp dàn dựng. Đã nhiều người lý giải rất hay là tại sao nhiều nhân vật chính của văn chương là các hoạ sĩ. Cái thao tác tư duy hướng nội của người viết và người vẽ, cả hai có một độ tương tự đậm đặc như nhau. Họ đặc biệt giống nhau, trong cách cư xử với cô đơn, khi hân hoan hoặc buồn bã khi ngông nghênh hoặc mệt mỏi. Nhà văn ồn ào hơn, hoạ sĩ trầm lắng hơn. Đã thế hoạ sĩ còn hơn hẳn ở sự hấp dẫn lung linh “chất nghệ”, những suy tư có thiên hướng tiệm cận tôn giáo. Và những ưu điểm thuần tuý “văn chương” này làm ngòi bút nhà văn dễ trôi chẩy. ở các nghành nghề khác thì bác sĩ cũng là mẫu người được các nhà văn để ý. Người viết bị hấp dẫn bởi các thao tác nghề rất tinh tế phức tạp xuất phát từ một thứ khoa học đáng kể là có nhiều nhân tính bậc nhất. Y học luôn luôn đồng hành với tiến trình hoàn thiện con người. Trong cái tiến trình nhiều mệt mỏi ấy, văn chương là thứ đến sau. Dịch giả và Giăng trầm ngâm nghe tôi lộn xộn nói. Tôi bâng khuâng hạnh phúc khi các bạn tôi luôn sẵn sàng hiểu tôi. Họ là những người lịch duyệt có kiến thức nhiều cảm nghiệm từng trải. Hơn hết, họ chân thành nhân hậu. Dịch giả khẽ đẩy về phía tôi ly nước suối để chữa lửa, ông chầm chậm với chai Chivas rót thêm đầy ly rượu của tôi.
- Tôi luôn thích những người viết tiểu thuyết. Nói tôn trọng thì khách sáo quá. Viết dài là công việc khổ nhọc không phải ai cũng dám. Tất nhiên là phải viết cho hay. Tôi theo quan điểm cũ, văn hay là tình là hồn nhiên xúc động.
Dịch giả đưa ly cụng nhẹ với tôi và Giăng. Ông bạn già của tôi khi cảm động hay nói chuyện những nguyên lý đương nhiên. Tôi bật cười định đùa, vâng, hai lần hai là bốn thì thế đấy. Viết tiểu thuyết vừa dễ vừa khó vì việc đầu tiên là có tổ chức được một cuộc sống thích hợp với nó không. Tiểu thuyết là trường thiên, nó chạy dài trong một năm hoặc nhiều năm của người viết. Nó sống lẫn lộn với vợ với con với bốn bề nội ngoại. Nó nằm giữa và chen ngang vào các mối quan hệ xã hội, đặc biệt nguy hiểm là nó không sinh lợi. Và điều phức tạp đến đáng sợ nhất, nó là một thứ công việc không phải là công việc. Nó quấy rầy đòi chiếm tiện nghi trong căn phòng vốn hẹp của người viết. Những nhà văn nghèo đã có gia đình rất khó viết được cuốn thứ hai. Hồi chưa lấy vợ tôi có thói quen viết được vào buổi đêm và không thể viết được khi có bất cứ ai ngồi ở bên cạnh. Đấy là một thứ xa xỉ chỉ có khi chưa có vợ. Sự độc thân luôn là một thứ lợi thế. Hầu hết các nhà văn Việt nam đều không có thư phòng. Có một hồi nhà xuất bản Tiến Bộ thời Liên Xô chưa tan vỡ có tổ chức triển lãm sách trên phố Tràng tiền, dành riêng một bàn bầy các vựng tập về các đại văn hào Nga thế kỷ mười chín. Phần phụ lục có in nhiều ảnh mầu chụp phòng làm việc của Puskin của Tônxtôi của Đốt. Tôi lúc ấy ngơ ngác nhập môn lớ quớ chứng kiến thấy nhiều nhà văn quen mặt đứng rờ rẫm những tấm ảnh đó nước dãi chẩy thành dòng. Cửa sổ trông ra vườn này, bàn mặt rộng gỗ sồi này. Sau cái ghế uy nghi bọc da là tủ sách tăm tắp gáy mạ vàng mênh mông như thư viện. Vài năm gần đây, đời sống đám viết văn có khá hơn nhưng nói như nhà văn nam, người đã giới thiệu tôi vào hội, thì vẫn rụt rè không dám nhìn lại mấy tấm ảnh đó. Tôi thừa nhận, dãi không cuồn cuộn chẩy nữa nhưng rỏ thành từng giọt nặng thì vẫn. Giăng soi mói nhìn tôi rồi đột ngột bật cười hà hà. Dịch giả gọi bồi bàn tính tiền. Những chuyện lăng nhăng nói lảm nhảm mãi thế là cũng đủ. Hai bạn tôi kêu tắc xi, tôi đòi đi bộ loạng choạng chia tay, khi chui vào xe dịch giả bị cụng đầu. Thói quen của bao nhiêu năm chỉ biết đi xe đạp. Đêm muộn Hà nội thật đẹp vừa quen vừa lạ. Tôi vô thức tự đưa tay vả vào mồm tôi. Dạo này, không hiểu sao, tôi hay nghĩ và nói những câu nhảm nhí sáo rỗng./.
2
*
* *
Thằng Bạch chịu lễ lần đầu lúc mười một tuổi và không bao giờ nghĩ hai mươi hai năm sau, nó lại dự lễ kết nạp hội viên Hội nhà văn. Hai buổi lễ hao hao giống nhau, đều là một thứ hành chính nào đó nhằm ấn chứng tâm linh ở Bạch. Tất nhiên, cũng có nhiều khác biệt. Khi chín thằng con giai lổn nhổn quỳ xuống chờ ban thánh thể, chỉ khâu mông quần bọn chúng, đồng loạt bị bục. Một mầu da trắng xanh của một thời khổ ải non nớt vì thiếu đạm. Hồi ấy, hầu hết bọn trẻ con không mặc gì bên trong. Còn hôm lễ kết nạp hội viên mới, mấy nhà văn nam hội viên cũ có uống nhiều bia, hớ hênh để mở phét mơ tuya quần. Những quần xịp sặc sỡ hình như có đăng ten. Chịu lễ lần đầu là lễ bắt buộc cho việc xác tín đức tin của những đứa trẻ có đạo. Cùng chịu lễ với thằng Bạch, lốc nhốc khoảng chục đứa từ tám đến mười hai tuổi. Duy nhất có hai đứa con gái, là hai chị em sinh đôi trắng hồng như nhau con ông bõ Hạt. Ngực hai đứa nhu nhú dậy thì, chân tay lỏng lẻo trong cái áo dài ngà ngà mốc mầu trắng, chắc là của bà hay của mẹ. Mấy thằng con giai mặc áo sơ mi mầu tạp nham, chân đi dép lê, sạch sẽ khác ngày thường. Bố mẹ ruột hoặc bố mẹ đỡ đầu, mặt mũi sùng kính vinh dự, ngồi cách mấy hàng ghế phía sau bọn trẻ. Bọn trẻ đều ở cùng một phố học cùng một cấp ở tiểu học mà lúc ấy người ta gọi là phổ thông cấp Một. Suốt mùa Hè trước đó và mùa Hè năm nay, bọn trẻ đều dặn vào Nhà Chung học Bổn. Ông cha xứ rồi mười bẩy năm nữa trở thành Hồng y giáo chủ thứ hai của giáo hội Công giáo Việt nam, dạy giáo lý căn bản cho bọn trẻ vào thứ Hai thứ Tư và thứ Sáu. Buổi sáng khoảng từ mười giờ đến mười một rưỡi. Buổi chiều khoảng từ hai giờ đến ba rưỡi. Lớp học giáo lý được dạy trong một phòng rất rộng, mùa nào cũng mát lạnh. Bọn trẻ ngồi trên ghế băng dài gắn ngai quỳ, mắt lơ mơ nhìn bức tường đối diện có tượng Đức Chúa Giê su bằng đồng chịu nạn trên cây Thánh giá gỗ rất lớn nâu sẫm. Cha xứ cao to, đầu húi cua, mái tóc cứng vài ba sợi bạc xâm xấp chừng phân rưỡi. Ông hay bật cười trước những câu trả lời ngô nghê của bọn trẻ. Đến bây giờ, tuổi đã là nhiều, Bạch vẫn hiếm được thấy cái kiểu cười hồn hậu như vậy. Đang cầm cốc mạ vàng đựng Mình thánh Chúa, nhìn chín thằng nhóc hở mông, ông cười rung cả tay. Quần thằng Bạch được chữa lại từ quần phăng
của chị nó. Còn bọn kia sâu sắc bất hạnh hơn, quần đều của ông hoặc của bố. Cha xứ tự dẫn bọn trẻ vào phòng thay áo, để mẹ chúng nó khâu lại đít quần. Bọn nhóc sợ sệt liếc trộm cha. Trong ánh sáng nhờ nhờ của căn phòng có cửa sổ mất kính che tạm bằng gỗ dán, hình như cha xứ đang mếu máo cười. Cha xứ luôn cầm một cái thước lim dài chừng mét hai có cẩn chỉ bạc. Cha gõ thước vào cạnh bàn để giữ nhịp đọc Bổn của bọn trẻ. Hỏi: Đức Chúa Lời có mấy ngôi. Thưa: Đức Chúa Lời có Ba ngôi. Ngôi thứ nhất l Cha, ngôi thứ hai l Con, ngôi thứ ba l Thánh Thần. Để bọn trẻ khỏi ngủ gật và nhất là không quên giờ học Bổn, ngoài một chai lạc rang cha xứ còn cho chiếu phim Vanh Vét lên tường. Đã là phim đèn chiếu thì đương nhiên không cử động và hai mầu đen trắng. Phim kể về hai anh em sống ở ngôi nhà nhỏ trong rừng với rất nhiều muông thú. Thằng anh tên là Vanh, con bé em tên là Vét. Tất nhiên phải có một con Sói gian manh, ngấm ngầm rình ăn thịt hai anh em cùng bọn thú nhỏ. Phim ly kỳ hồi hộp, ám ảnh hấp dẫn tất cả bọn trẻ. Bạch hồi hai mươi bẩy tuổi, suýt nữa cưới một cô gái gian manh như sói, chỉ vì khuôn mặt cô ta ngây thơ giống hệt con bé Vét. Phim chỉ chiếu một tuần một lần và vào khoảng những tuần cuối nghỉ hè gần lễ Đức Bà lên Giời thì tuần chiếu hai lần. Trước hôm chiếu bọn trẻ con loay hoay mất ngủ cả đêm. Lúc ấy, ở ngoài các rạp lớn như Tháng Tám Kim Đồng cũng chiếu phim hoạt hoạ có cử động, nhưng phim đèn chiếu vẫn là thứ vô cùng xa xỉ. Vanh Vét từa tựa Hãy đợi đấy của Liên xô, Tôm và Che ri của Mỹ, những phim giống hệt sự hồn nhiên ở trẻ thơ, vĩnh viễn dài không bao giờ hết. Nó ăm ắm đựng đầy tiếng khanh khách cười thỉnh thoảng lại điểm trong veo vài giọt lệ. Nó không ngắn ngủi khô khốc giả trá như bọn có tuổi hoặc vui hoặc khóc. Cái hài cái bi ở người lớn, dù có thành thực đau đớn đến mấy cũng trống rỗng hết sạch trong trắng. Bạch khi đã nhiều tuổi vẫn nhớ như in chừng hai chục tập Vanh Vét, mà hồi hộp chẳng thấy tập nào giống tập nào. Cha xứ đứng sát tường trắng lấy thước lim chỉ vào từng khuôn hình dịch một đám chữ Pháp đang tuôn ra từ mồm thằng Vanh hoặc con Sói. Con bé Vét là con bé cả tin, nó sắp sa vào bẫy của Sói, bọn trẻ căng thẳng hét rú ầm ĩ. Hai chị em sinh đôi con nhà bõ Hạt, ngực non nhú phập phồng lầm nhầm kêu tên cực trọng. “Giê su ma, Đức Bà đồng trinh”. Cha xứ lại gần một đứa đang gào to nhất véo thật mạnh vào tai nó. “Các con đừng sợ, Chúa bao giờ cũng đứng về phía những đứa trẻ ngoan”. Cái thước lim gõ cạch một cái, khuôn hình giật sang cảnh kế. Thằng Vanh nấp trong bụi rậm mồm méo xệch, đang ghì một đầu dây thừng thắt lòng thòng con Sói ở cành cây. Bọn trẻ hoan hô ầm ĩ. Cha xứ hớn hở giải thích, ngữ điệu của giọng ông, thằng Bạch không bao giờ quên. Cái hồi Đức Hồng y ký vào thư gửi Đức Thánh cha xin phong cho một trăm mười bẩy Chân phước Việt nam tử vì đạo được thành á Thánh, có quá nhiều chuyện ồn ào. Vài học giả đáng kính chuyên nghiên cứu lịch sử Đảng, viết bài công phu, vạch mặt bọn phản động đội lốt tôn giáo. Bạch đang loay hoay sắp thành nhà văn, đã viết xong gần hết chương cuối của cuốn tiểu thuyết đầu tay. Theo mấy gã phóng viên trẻ rủ rê, Bạch hóng hớt đi lẫn lộn vào một đoàn bên ban Tôn giáo Trung ương, xin yết kiến Đức giám mục Hà nội. Buổi gặp mặt nhiều xã giao khá căng thẳng, Bạch lẳng lặng ngắm cái đầu húi cua bạc trắng không còn sợi đen. Lạy Chúa, đã ngần ấy năm, vẫn cái giọng trầm sang sảng. Bạch có lần hỏi Cẩm My, cô bé người mẫu mà Bạch muốn viết vào văn, là đã bao giờ cô đi lễ Nhà thờ chưa.
“Anh tin vào mấy ông cha à”
“Anh có quen với họ”
“Em chỉ biết mấy ông sư, nhưng em có xem phim Ngày lễ Thánh”
“Thế em đã xem cái tiểu thuyết mà từ đó người ta dựng thành phim chưa”
Cẩm My lắc đầu. Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa có nhân vật chính là các ông cha thì không nhiều, nhưng cũng chẳng hiếm. Hầu hết đều tham ăn rượu chè háu gái, nói dối như Cuội. Mấy tay bạn viết thân thân không có đạo, uống rượu rỗi chuyện hỏi Bạch.
“Ông thấy có đúng không”
Bạch ầm à ầm ừ, Bạch không biết. Nghĩ cho cùng, Bạch cũng chẳng biết gì nhiều về những sinh hoạt thường nhật của mấy người trong Giáo hội. Cái cách kìm giữ thể xác, cái kiểu vật lộn với mơ mộng dục vọng, rồi sự ăn sự uống. Còn chuyện cụ thể là họ có yêu một người đàn bà nào không thì chỉ Chúa biết. Nhưng chắc chắn là không, vì hồi ấy người ta đang sợ rất nhiều thứ. Mà đã sợ thì làm sao dám yêu. Hơn một lần khi đã thân, Bạch có hỏi cha Lệ, Người đã cùng học với Bạch suốt cả bẩy năm phổ thông.
“ Lạy cha, con có nghe đồn là thỉnh thoảng lúc xưng tội, một vài thiếu nữ buột mồm tỏ tình với cha xứ”
“ Tôi cũng nghe đồn vậy. ở phương Tây, các nhà văn có vẻ thích đề tài này lắm”
“ Dạ thưa, thường thường tu sĩ là một mẫu đàn ông quyến rũ. Họ huyền bí và hấp dẫn phụ nữ chẳng kém gì các chính trị gia lỗi lạc”
“ Mà đàn bà thì tò mò”. Cha Lệ bẽn lẽn đẹp trai cười.
“ Vâng, thế thì chính cha, cha đã lần nào bị như vậy chưa ạ”
“ Tôi à. Tôi chỉ có một đức tin và như vậy tôi chỉ có một tình yêu. Ông không cần phải nhìn tôi như thế. Tôi đã đọc kỹ bản thảo ông đưa viết về cố Đắc Lộ. Ông là nhà văn nên tôi không tranh cãi”.
Bạch không trong cuộc, mang máng hiểu kiểu của người ngoại đạo. Là nhà văn, Bạch tò mò muốn biết đức tin của những người ấy. Đối với Bạch, đó là bí mật huyền nhiệm. Bạch đã ở dài dài trong một chủng viện, đã lân la nằm vài tháng ở một dòng tu. Cũng là vớ vẩn, cũng là cưỡi ngựa xem hoa. Có một ông nhà văn hơn tuổi Bạch nổi tiếng sắc sảo vì viết về những băn khoăn đức tin ở các cha. Sống Phúc Âm trong lòng dân tộc. Kính Chúa yêu nước. Đồng hành cùng Tổ quốc, bởi trước khi là giáo dân phải là người Việt. Chữ nghĩa thì đúng, lề luật thì đúng, tình và tâm cũng đúng nhưng rốt ráo vẫn không phải vậy. Một thứ kinh nghiệm tâm linh qua cái nhìn của một nhà văn tuyên huấn. Nhiều khi người ta đến với Chúa bằng những lý do bình thường. Tất nhiên cũng có những thứ hình như dung tục. Hoặc thất tình, hoặc nghèo quá đói quá. Cha tu viện trưởng bề trên của một dòng tu trầm ngâm thật thà nói với Bạch “Quá nửa tu sinh khấn tạm của dòng ở quê họ khổ lắm”. Bạch hy vọng đấy là khổ tâm. Tan hết cuộc yết kiến, Bạch đứng đợi Đức Hồng y ở chỗ rẽ hành lang.
“Lạy cha, liệu Người còn có nhớ con”
“Mày là thằng Bạch, cháu ngoại cụ trùm Phúc”
“Dạ, lạy Đức Hồng y Người có khoẻ không ạ”
“Ta khoẻ. Dạo này con làm gì. Ta nghe cha xứ nói lâu lâu rồi không thấy mày đi lễ. Con nhà đạo gốc mà khô đạo, tệ thật”
Bạch định thanh minh là mình vẫn đi đều lễ Chủ nhật. Còn quả thật, xưng tội Bạch đã bỏ hẳn. Ngày xưa, chưa bao giờ thằng Bạch bị cha xứ véo tai. Thỉnh thoảng, có bị Người cốc. Một lần sau buổi giúp lễ, nó lấy trứng gà đã ung xếp thành sọt có ngọn ở đằng sau nhà bếp, ném bọn trẻ con phố khác nhao nhao đòi vào xem phim. Mẹ thằng Bạch vừa rang muối vừng, xa xỉ cho thêm ít lạc vụn, vừa rụt rè mách. Cô Liễu có kể hôm qua trong nhà Chung đổ đi cả bát súp nấu nửa con gà để thiu. Ông ngoại thằng Bạch trừng mắt. “Ma quỉ nhà chúng mày, cái mồm đàn bà chỉ quen đặt điều rêu rao. Mai tao vào trình cha cái nhà cô mụ Liễu”. Cái cô mụ đấy rồi hai mươi năm sau, Bạch có viết vào một truyện ngắn không được đăng. Cô Liễu đẹp như Đức Mẹ, có một lần vào bệnh viện Việt nam – Cu ba mổ ruột thừa, một anh bác sĩ chưa có vợ đã yêu cô. Và cô đã yêu lại. Câu chuyện suýt nữa thì giống cuốn tiểu thuyết được giải của Hội nhà văn, kể về cuộc đời của một nữ tu Tê rê sa nào đó. Cô nữ tu trẻ đẹp tràn trề sinh lực bỏ nhà dòng để làm lại hạnh phúc với cuộc đời bên ngoài. Sau khi ly dị, Bạch lang thang giang hồ vặt suốt một thời gian dài, Bạch đã mệt mỏi Hà nội. Khi gặp lại cô nhà mụ Liễu, Bạch sững người. Một mụ đàn bà phốp pháp
thất thường tâm thần nhẹ, sống lê la trong cái lều ở bãi rác sát nhà dòng Mến Thánh giá. Nửa đêm thỉnh thoảng uống rượu nanh nọc vung vãi chửi đổng. Mấy bà già sùng đạo khô quắt đi ngang nguyền rủa, cho đáng kiếp quân ăn cơm dở dang nhà Đức Chúa Trời. Mẹ Bạch kể, cái anh bác sĩ đó bỏ đi làm giám đốc một bệnh viện ở đồng bể, còn cô Liễu đội sụp nón che mặt về quê nhưng loay hoay lại ra. Cô ta bán mấy thứ lặt vặt ở sân nhà Thờ, chẳng ai mua. Rồi mấy gã trai lơ gạ gẫm đến tìm. Có vài lần, cô ta chửa với lẫn lộn vài thằng có đạo và không có đạo. Bạch đứng xa xa nhìn cô Liễu. Rơi rớt đâu đó vẫn còn vài nét đẹp thủa xa xăm thiếu nữ. Thằng bác sĩ khốn nạn đấy đã trở thành lương y kiêm giám đốc. Cũng có thể là Bạch suy diễn. Bà ta quay lại trừng trừng nhìn. Quanh mắt quanh miệng là những vệt chân chim chạy nhầu nát ngu muội. Khuôn mặt nhễu nhão vắng thiếu đức tin. Lạy Chúa, hình như ông ngoại của Bạch đã đúng. Vâng, con xin Người, con cũng loay hoay quá. Người đã ràng buộc chúng con bằng những thứ gì. Đến những năm tám mươi, ông Ngoại thằng Bạch khi ăn cơm vẫn lầm rầm đọc hết kinh Lạy cha. Hồi lên bẩy, thằng Bạch thấy có trứng tráng ăn vội quên không làm dấu, ông ngoại cầm cả cái bát cơm vả vào mồm nó. Anh bạn nhà văn xuất thân từ quân đội có kể, trong đại đội anh lác đác vài tay Công giáo người Phát Diệm. Đánh nhau cũng tàm tạm được, bọn ấy ăn cơm có làm dấu nhưng là làm trộm. Anh khua tay lung tung vạch ngoằn nghèo mấy nét lên trán lên ngực rồi phá ra cười. ở vài phim Việt nam, đạo diễn cho diễn viên làm dấu Thánh giá bằng tay trái. Bạch hỏi anh bạn vong niên Đỗ Thanh, đã học Thần học ở một Đại học đường có tiếng ở Pháp, tại sao người Công giáo làm dấu lại chỉ bằng tay phải. Nguyên là thày tu xuất đến giờ vẫn chưa lập gia đình gật gù. ừ nhỉ, không rõ lắm. Bên Lương khi thắp nhang ở bàn thờ thường thắp ba nén. Có ông giáo sư dạy xã hội học đầu hói, lên ti vi uyên bác giải thích. Một nén là biểu thị cho quá khứ, một nén biểu thị cho hiện tại, còn một nén là của tương lai. Người nhiều chữ mà có bằng là người hay đi giải thích. Bạch quen sơ sơ, nên có hỏi thẳng vị giáo sư đầu hói ấy. Ông vào thư viện tra sách rồi nghiêm túc suy đoán. Ki tô giáo bắt nguồn từ Do thái giáo và sau đấy được người La mã hoàn thiện lễ nghi. Ngày xưa, cả hai dân tộc đó khi đi xong toa lét đều không dùng giấy, họ thường rửa bằng tay trái. Như vậy tay phải là thanh sạch là thiêng liêng. Bạch kể lại với vị suýt được Chúa chọn làm cha, ông bạn già tủm tỉm cười hỏi lại, thế ông có ngửi tay thằng cha đồ gàn ấy không. Bạch lườm bạn, nhưng mang máng nhớ. Cả hai tay của giáo sư, hình như đều có mùi thum thủm. Trong sinh hoạt tập thể, những người Công giáo không bị coi là dị hợm, nhưng vẫn bị coi là loại là lạ. Hồi chập chờn mối tình đầu, cô bé sinh viên trường Dược lim dim cặp lông mi dầy lúc cho Bạch hôn, có hỏi giọng ghen.
“Con gái xứ đạo, mắt buồn lắm hả”
Bạch không hẳn thấy là vậy. Có điều, từ đó trở về sau, Bạch hay để ý mắt đàn bà con gái khi đi lễ. Quả cũng có nhiều buồn thật. Từ bé xíu, cho đến khi biết ngồi viết văn, Bạch chưa bao giờ nhìn kỹ mắt chị gái mình. Chị Thảo của Bạch là một thiếu nữ ngoan đạo. Chị nhiều năm ở trong hội hát, mảnh khảnh đứng hàng đầu. Những buổi lễ có rước, thường là rước kiệu Đức Mẹ hoặc kiệu Mình Thánh, chị Thảo mặc áo dài trắng đầu cài vòng hoa đại trắng đi thứ ba ở hàng phía trái. Tất cả những thiếu nữ trong hội rước đều đeo các giỏ cói đựng đầy những cánh hoa trắng. Khi tung hoa về phía kiệu vàng, mắt họ lấp lánh sáng. Anh chàng diễn viên xiếc mối tình đầu nói yêu chị cũng bởi vô tình một lần anh ta đi xem người có đạo làm trò rước lễ. Chàng diễn viên đêm về vơ vẩn làm thơ, nghẹn ngào tả đôi mắt của cô thiếu nữ xứ đạo. Những năm đó để có một đám rước là điều hiếm hoi. Phải trực tiếp được phép chính quyền ở khu, mặc dầu trước đó ban Tôn giáo đã ngấm ngầm bật đèn xanh qua uỷ ban Đoàn kết những người Công giáo yêu nước. Đám rước làm nhỏ, đi loanh quanh ở đường viền rải nhựa khuôn viên phía sân sau Nhà Thờ. Người đi xem chen chúc nhìn đám rước trang trọng chậm rãi qua cửa hậu đi vào cung Thánh. Đức Tổng Giám mục người tròn mặt tròn, da trắng hồng đội mũ dạ tím khoan thai đi sau thằng con nhà ông lang Thế. Thằng này học cùng lớp với Bạch mặt hãnh diện, tay ửng đỏ nâng cao cây Thánh giá to mạ vàng. Đức Tổng là nhân vật thần tiên, thằng Bạch hay ra vào Nhà Chung mà cũng rất hiếm khi được gặp. Các giáo dân ngoan đạo sốt sắng rình chờ Đức Tổng để được hôn nhẫn. “Con lạy Đức Cha ạ”. Cả dàn người lập cập quỳ, mắt mụ mị thành kính. Mẹ thằng Bạch cùng bà cả Tích, nổi tiếng bán bún ốc, run rẩy quỳ vội xuống vũng nước còn ngân ngấn những bùn. Thằng Bạch lấy mũi hít hà viên xa phia trên mặt nhẫn. Bàn tay của Đức Tổng đẹp khó tả và vô cùng thơm. Bạch bây giờ ngồi cắn bút, không thể nhớ là mình đã được hôn tay Đức Tổng bao nhiêu lần. Rước xăng ti là lễ rước trọng thể nhất. Ông ngoại thằng Bạch dậy từ sớm, đốc thúc đám thanh niên đi quét đường, rồi rải chiếu dọc suốt tuyến rước. Để bớt bẩn áo dài lễ thôi, chứ chốc nữa nhiều bà
nhiều cụ cứ quỳ bê bết cả ra đất. Đi hơi lùi bên cạnh Đức Tổng là Đức Cha phó, Người thắt ngang bụng một dải xa tanh mầu xanh da trời. Rồi tiếp đến dáng trầm mãnh to cao của cha xứ. Thằng Bạch đi ngay sau đít cha vì nó được cầm lư trầm. Mắt nó long lanh mồ hôi kiêu hãnh nhìn những thằng nhóc không có đạo cùng phố. Chưa bao giờ thằng Bạch được đi đầu nâng Thánh giá, vì đấy là đặc quyền miên viễn của thằng Lệ con nhà ông lang Thế. Thằng Lệ thuộc nhiều kinh đến mức khó tin, mặt mịn như mặt con bé Vét, da bủng xanh vì ăn nhiều rau muống mậu dịch. Ông nội nó là ông cố của hai cha, một đã di cư theo bọn phản động vào Nam, một hình như đang làm cha thư ký ở dưới toà Phát Diệm. Thằng Lệ không có chim, bọn trẻ con ở phố đồn đại như thế. Hai chị em sinh đôi con ông bõ Hạt, đã phải nhiều lần đánh nhau để cứu thằng Lệ. Hai chị em nó dậy thì sớm, chân tay dài, lợi hại đánh bọn cùng tuổi chạy tan tác. Bọn này cậy khoẻ, bắt nạt thằng Lệ, đòi xem chim. Vài năm gần đây, Bạch vẫn gặp hai chị em nhà đó. Cả hai đều bỏ học sớm, đi quét rác đêm có thâm niên cho công ty vệ sinh. Thỉnh thoảng sáng Chủ nhật nghỉ, cả hai vào nhà dòng Mến Thánh giá dọn cống không lấy công, giúp mấy cô nhà mụ. Gặp Bạch vừa đon đả chào vừa nâng một thùng rác đem đi đổ, nặng dễ có đến tạ rưỡi. Chẳng biết chuyện chồng con đến đâu rồi. Còn cái buổi chiều muộn hôm ấy, vô phúc, thằng Bạch lại đi cùng đường với thằng Lệ. Thằng Khánh con nhà ông Khởi cán bộ tập kết, dẫn đầu sáu thằng không có đạo thật khoẻ núp rình những đứa tan học bổn. Sáu ông mãnh đè ngửa thằng Lệ và thằng Bạch ra bãi cỏ sát hàng rào dâm bụt chạy dọc nhà nguyện. Chúng nó lấy giấy báo bọc đất nhét vào mồm hai thằng để khỏi kêu. Một trong sáu thằng mất dạy này về sau trở thành uỷ viên tử tế trong Hội đồng duyệt kịch bản phim quốc gia. Nhờ thế của nó mà kịch bản của Bạch không bị Hội đồng đè ra duyệt lần thứ chín. Thằng Khánh đầu têu giọng còn nặng xứ Nghệ ra lệnh “Trị xem dái thằng Lề”. Thằng Lệ bị bịt mồm hụt hịt khóc, nước mắt của nó cũng bủng xanh như da nó. Thằng Bạch tuy sợ nhưng quá tò mò cố hơi nhổm ghé mắt nhìn sang. Vẫn có chim, một mẩu ngắn xinh xinh xoăn như khúc lòng gà bị cắt dở lúc cho vào xào miến. Hai mươi nhăm năm chẵn sau, khi đi theo một đoàn làm phim nhựa mà Bạch là tác giả kịch bản, Bạch gặp lại cha Lệ. Bây giờ Người là cha chánh xứ của một giáo xứ trù mật rất đông giáo dân. Hai cha con đều mừng, không đừng được Bạch vô thức nhìn xuống hàng khuy dưới áo chùng của cha. áo rộng, những nếp ly lụng thụng không rõ hình. Cha Lệ hơi ưng ửng hồng mặt, chắc bây giờ cái ấy của Người nó có dài ra thật. Cha Lệ khá ngạc nhiên khi biết Bạch viết văn. Học đến cấp hai, thằng Bạch ngồi dưới thằng Lệ một bàn. Suốt những kỳ thi hoặc kiểm tra văn, thằng Bạch đều liều lĩnh lấy quản bút chọc vào sườn thằng Lệ. Thằng này rút dát liếc giám thị rồi thì thào đọc những đoạn dẫn chứng thơ Tố Hữu. Thằng Lệ có trí nhớ siêu việt, nó có thể đọc lộn ngược cả bài Việt Bắc từ câu tám lên câu sáu.
“Thế ông đang viết cái gì”
“Dạ thưa, con viết lung tung”
“Hồi tôi đọc cái quyển tiểu thuyết đó, hơi ngờ ngợ, hoá ra lại là bút danh của ông”
Cha Lệ mời Bạch và tay đạo diễn cùng ăn cơm chiều. Cha uống rượu lễ, một chai vang Sauvignon, còn nhà văn và đạo diễn thì uống rượu mạnh.
“Nghệ sĩ là phải uống thứ này”
Cha rút từ trong tủ ra một chai cô nhắc Pháp còn nguyên tem, Raynal vỏ xanh đít lõm. Bạch nghe nghé mắt nhìn trộm, giống như hồi xem cha bị mấy thằng vô đạo vật ngửa. Trong ngăn tủ lờ mờ tối, lấp lánh sáng thần bí mấy các mác vàng của cả một dẫy Whisky. Thứ rượu mà thỉnh thoảng vì nó, một vài bậc chân tu rơi tõm xuống hoả ngục. Thức ăn được hai thằng bé phụ lễ bưng lên, tinh tế và sang trọng. Gà ri bọc đất nướng, ốc nấu khế, đặc biệt có món gỏi tôm rất lạ. Ngạn ngữ Châu Âu thời Trung cổ nói nửa đùa nửa thật. Sành ăn nhất trong các loại ham ăn ở thiên hạ là cha cố và văn sĩ. Bạch và cha Lệ hay gắp trùng đĩa, đũa lách cách chạm nhau. Tay đạo diễn ăn cùng quả có ngu thật, gã chăm chỉ mồi rượu vã hết đĩa chân giò luộc.
“Cô chị của ông dạo này thế nào”
“Dạ thưa, chị con buôn bán lặt vặt nuôi ba đứa con đần và một thằng chồng nát”
Bạch ngâm ngấm say định đùa, bỗng thấy nghèn ngẹn đắng cổ. Bạch cố không muốn nhớ cái cảnh bố Bạch cầm cả cây gậy dài đuổi theo anh chàng diễn viên nhào lộn. Anh chàng này có tặng chị Thảo một tập thơ nắn nót viết tay. Nhà hẹp không có chỗ giấu, bố Bạch vô tình tóm được. Hai chị em chùm chăn chỉ để một khe sáng, chị Thảo thì thào đọc thơ cho Bạch. Tập ấy nhiều bài lắm, nhưng Bạch duy nhất chỉ nhớ có một.
Em hiền như linh mục.
Đưa em về giữa trưa
Nói năng chi cũng thừa
Đưa em về dưới mưa
Qua cửa hàng bán sữa
Chị Thảo xa xăm cảm động “ Hôm ấy anh có mời chị, chị nói là hôm nào phải đi cùng cả em”. Nghi lễ tình yêu trong chiến tranh phá hoại lần một, xa xỉ nhất là mời người yêu lên hồ Tây ăn bánh tôm. Kém sang trọng hơn một ít thì mời uống sữa ở các cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Mãi về sau bẩy nhăm Sài gòn giải phóng, Bạch mới biết anh chàng này chép thơ qua đài địch. Bố Bạch gào lên, lấy ai không lấy lại đòi lấy cái thằng làm xiếc rong. Ông ngoại muốn bênh cháu gái nuốt bực thở dài. Anh diễn viên định làm cháu rể, ngấm ngầm gặp riêng thề sẽ đều đặn đi học bổn. Ông ngoại Bạch uống say chỉ dám lè nhè âm thầm chửi, ông đã công khai từ mặt thằng con rể. Còn mẹ Bạch lặng im, nước mắt bà có thói quen chẩy ngược. Bà đã lặng im khi lấy bố Bạch, một cuộc hôn nhân mang đặc thù của thời kỳ quá độ, nửa phong kiến nửa xã hội chủ nghĩa. Bố Bạch là dân ngoại thành Hà nội, lầm lỳ ranh ma mà lên được thành phó giám đốc. Ông ở rể, quần quật kiếm tiền nuôi cả nhà vợ. Ông ghét thơ, ghét gã công an hộ khẩu, ghét cái kiểu ăn cơm mà phải làm dấu. Rồi một hôm ông dẫn về nhà một thanh niên gân guốc trạc khoảng gần ba mươi. Anh ta nói giọng miền biển của vùng duyên hải Thái bình, gọi bố Bạch là thủ trưởng. Vài ngày tới, bố Bạch cùng anh ta sẽ là trưởng và phó một đoàn dân công chuyển gạo vào tuyến lửa Quảng bình. Mẹ Bạch làm cơm có đậu phụ sốt cà chua, có cá bể vụn mậu dịch mua bìa cuối quí rán đẫm hành hết hẳn mùi tanh. Qua tay con phe, mâm cơm có thêm đĩa thịt lợn luộc thái mỏng. Bố Bạch rút ra chai “Lúa mới” cất sâu trong đáy tủ quần áo. Ông ngoại Bạch lấy cớ đau lưng nằm trên gác xép không xuống. Chị Thảo ngồi đầu nồi xới những bát cơm không độn mỳ. Bạch hồi mới nhập nhoạng văn chương, kỳ công ngồi viết một truyện ngắn về bữa cơm chia ly trong chiến tranh. Bạch ngắc ngứ được chừng dăm trang thì bỏ dở. Không phải tại Bạch nhiều chữ quá, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi, mà vì Bạch a dua theo thói viết bi hùng của hầu hết nhà văn đang thời thượng ở thế hệ chống Mỹ. Thế hệ của những nhà văn thừa thắng được vào miền Nam. Văn chương thì tỏ vẻ khách quan lầm lũi đau đớn, nhưng trót có vị thế thượng phong như giời nên toàn giọng phán xét. Bữa cơm nằng nặng nhàn nhạt và khô khan. Bố Bạch uống hết già nửa chai, khác ngày thường cục cằn không nói. Mẹ Bạch và chị Thảo đi ra hang đá Đức Bà lầm rầm quỳ lần tràng hạt. Chiến tranh làm phụ nữ thật sự trở thành thuỷ chung vợ và thành tần tảo mẹ, cái mà những ngày bình yên nhăng nhố bạc bẽo này không sao làm nổi. Đám phụ nữ bây giờ chỉ thích làm bà, mồm miệng lanh canh nồng nực tanh mùi đồng. Bạch ngơ ngác ăn nhiều. Bố Bạch nhìn, lần đầu tiên ông gắp thức ăn tiếp cho thằng con giai. Anh chàng miền biển không uống, hình như tiềm năng tửu lượng để giành dự trữ giai đoạn sau hôn nhân. Bốn tháng sau bữa cơm đó, anh ta quay ra xơ xác đến nhà Bạch một mình, báo bố Bạch đã hy sinh. Bạch hồi thi Đại học có được cộng điểm ưu tiên con liệt sĩ. Chiến tranh biên giới Tây nam, tiếp đến cuộc chiến biên giới phía Bắc, Bạch không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng nhờ tiêu chuẩn này. Cái tiêu chuẩn đó còn hành hạ làm Bạch phiền toái nhiều. Năm 1982, đúng mười ba năm sau cái bữa cơm ấy, đúng vào ngày giỗ đầu ông ngoại Bạch, bố Bạch hốc hác nói giọng trọ trẹ miền Trung gõ cửa nhà mẹ con Bạch. Vào Quảng bình chừng được hai ngày, sau một lần nằm đúng toạ độ rải thảm của bom B52, bố Bạch bỏ đoàn cắt rừng lộn ngược ra Bắc. Những người sống đau đớn dựng bia căm thù, họ dồn những thi thể dang dở của các dân công hy sinh vào một ngôi mộ tập thể. Bố Bạch lạc tới một bản dân tộc thiểu số ít người ở sát biên giới Lào. Kinh nghiệm láu lỉnh của một cán bộ nhiều năm làm quản lý dưới thể chế xã hội chủ nghĩa giúp bố Bạch vượt qua những thủ tục hành chính. Bố Bạch đã may mắn. Đây là vùng đất hẻo lánh chân chất, ở đấy người ta còn rất tin nhau. Mẹ Bạch oà khóc kêu tên cực trọng, nước mắt bao năm đọng ngược nứt vỡ lã chã trôi. Bạch nhìn, mang máng nhận ra bố. Cái chất tiểu thị dân bị rừng rú hoá làm ông có nhiều nét tàn nhẫn. Bố Bạch lấy thêm vợ, có thêm ba con. Năm 1992, bố Bạch mất ở cái bản miền núi mây phủ sương giăng đó, Bạch vào trễ một ngày. Buổi chiều xám chì nhập nhoạng, Bạch trống rỗng ngồi ở bậc thang cuối nhà sàn trong tiếng hờ của bà vợ thứ. Bà ta cũng người Kinh, Nam định hay Thái bình gì đó. Bà ta cũng lầm lũi, cũng vẻ cam chịu nức nở giống mẹ Bạch. Tại sao bà ta lại trôi giạt lên đây. Ăn sắn, quấn váy Mường đen rồi lấy bố Bạch. Tiền định, số kiếp, ý Chúa. Khi đã thành nhà văn, nghĩa là nhờ chữ mà nổi tiếng, Bạch mới sâu sắc biết ngôn ngữ quả là vô nghĩa. Bạch hút thuốc, chăm chú nhìn con bé út đang thái thịt lợn cho mâm cỗ cúng, Bạch sửng sốt thấy nó giống chị Thảo không thể tả. Rồi nó sẽ lấy chồng, xin Thiên Chúa nhân từ cho nó thoát khỏi cái bất hạnh tội tổ tông miên viễn truyền kiếp của nhà Bạch. Chị Thảo đã ra ở riêng lấy chồng là anh chàng miền biển. Anh rể Bạch ít học bị tai nạn lao động, ban giám đốc xét thành tích quá trình công tác ưu ái chuyển sang cho làm bảo vệ. Anh rể Bạch đi đứng liêu xiêu vì chấn thương cột sống và lại càng liêu xiêu hơn vì đều đặn hàng ngày nốc trọn hai chai sáu nhăm rượu. Vợ Bạch chua chát nhìn Bạch. Đã xê xế nắng hanh chiều, Bạch vẫn đang ngồi ngà ngà độc ẩm chai Jack Daniel không có đồ mồi.
“Tôi đã nhầm tưởng cái văn hoá của anh, nó che giấu quá giỏi cái gốc gác hạ tiện”
Ba tháng sau khi cưới thì hai vợ chồng bắt đầu liên miên cãi nhau. Bạch ngạc nhiên thấy mình cũng lắm mồm và nhỏ nhen. Những thói quen độc thân không dễ sửa và cuối cùng thì không thèm sửa. Nguyên nhân cãi nhau từ vô số thứ. May mắn là chưa có con và không phải chuyện tiền nong. Hình như lý do chính là Bạch đã làm vợ thất vọng. Nếu đúng thế thì vớ vẩn nhỉ. Vợ Bạch có nhiều bằng, đã làm xong Master ở Mỹ và sẽ làm giầu ở Việt nam. Bạch đã là một nhà văn của Hà nội (ít nhất có ba bài báo nói thế), nhưng vẫn chỉ là một gã nhỏ nhoi tiểu thị dân. Vợ Bạch chân thành có một ước mơ. Cái ước mơ sẽ trở thành người sang trọng luôn giầy vò vợ Bạch. Bố công nhân mẹ cũng công nhân, vợ Bạch đã quá hiểu để khinh bỉ cái gọi là dân nghèo thành thị. Muốn thoát ra khỏi cái bùng nhùng vất vả ấy, vợ Bạch cắn răng vào học. Vay tiền người để mà học, cho người vay mình để mà học. Ban ngày, treo tóc lên xà nhà để khỏi ngủ gật. Ban đêm, bắt đom đóm thay đèn điện mà thức, vợ Bạch nhẫn nại nuốt chữ lấy bằng. Nhất tướng công thành vạn cốt khô, vợ Bạch kiên trì leo lên những xác chữ. Học, học nữa học mãi. Bạch rùng mình.
“Cô cầm hết tiền rồi về nhà của cô đi”
“Tất nhiên”
Vợ Bạch giỏi tiếng Anh và sâu xa ghét người ngoại quốc. Loại như vợ Bạch càng ngày càng đông. Độc quyền tự hào rằng mình là thuần Việt, không vong bản. Đi Tây nhiều như đi chợ, chọn thằng nước ngoài làm nhân tình nhưng xưng xưng mắng kẻ khác là tha hoá vọng ngoại. Vợ Bạch yêu văn học Việt nam, nhất là tạp chí Văn nghệ quân đội. Vợ Bạch đồng ý lấy Bạch bởi lúc ấy cả hai người đều lầm tưởng Bạch là tài năng trẻ của nền văn học nước nhà. Tương lai sẽ xí được một chỗ trong đám thượng lưu quí tộc mới.
“Tôi đã tự lừa tôi, còn anh cố ý giả dối thêm vào. Đồ khốn nạn”
Vợ Bạch nức nở cong cớn nói. Mẹ Bạch nằm đúng chỗ ông ngoại Bạch nằm, cũng bị đúng cái bệnh thấp khớp ấy, sụt sịt khóc.
“Chúng con đừng bỏ nhau, nhà mình là nhà có đạo”
Sự gì Thiên Chúa kết hợp con người không được phép phân ly. Nhưng Bạch với vợ Bạch có làm lễ cưới ở nhà thờ đâu. Thực ra hôm cưới vợ Bạch cũng rất háo hức được làm ở nhà thờ. Album ảnh cưới có cảnh cha xứ chứng kiến trao nhẫn, phía xa xa là giàn đồng ca áo dài trắng trinh bạch đang ngân nga hát. ồ, độc đáo và sang trọng. Vợ Bạch hình dung đám bạn gái vừa xem ảnh vừa trợn ngược lòng trắng mắt thèm muốn ghen tỵ. Nhưng vợ Bạch bận, không có thời gian cho mỗi tối thứ Năm vào Nhà Chung học Bổn. Cha già phật ý, bí tích hôn nhân đâu phải đồ trang sức cho bọn trẻ ngông nghênh. Bạch quỳ cạnh mẹ Bạch nghe cha già quở. Mẹ Bạch nằn nì, lạy Cha, xin người tha tội cho chúng nó mà làm phép Giao. Nước mắt nhăn nheo của mẹ Bạch hình như có rơi mấy giọt sang phía Bạch.
“Con ơi, con đừng uống nữa”
Tốt nhất là đừng viết, còn uống thì vẫn nên uống. Nếu không uống có khi là Bạch khóc. Bạch đã thấy vài người đàn ông tử tế vừa khóc vừa uống rượu. Chẳng hay ho gì, điều tệ nhất là nhìn nước mắt rơi vào chén.
Con người ta hình như sống càng lâu thì càng khôn. Thời gian cho kinh nghiệm và kinh nghiệm cho nó kiến thức. Đáng nhẽ ra trong quá trình khôn nó cần phải hiền và ngoan hơn, thì nó lại làm ngược lại, ác và hư.
Vài tháng trước và vài năm sau ly dị, Bạch hoàn toàn không viết. Đến bây giờ khi bình tĩnh ngẫm lại Bạch thấy thời gian lúc đó chẳng hề thừa. Một trong vài cái quan trọng nhất đối với một nhà văn là những quãng lặng. Đó là một thời gian đằng đẵng anh ta không làm gì cả. Thời gian chết và anh ta sống. Anh ta không đọc, không viết và nếu thật may mắn thì không phải bị nghĩ. Điều sau cùng này rất khó, vì theo một thói quen nào đấy, anh ta vẫn miên man trong một dòng nghĩ linh tinh. Đảo hoang, tu viện vắng, chẳng có ích gì khi tâm viên ý mã. Hơn nữa, ở người viết văn thường hiếm hoi có sự cực đoan. Cái đáng kể nhất đối với anh ta là dứt mình ra khỏi những lằng nhằng thường nhật. Ăn hay uống chỉ thuần tuý cảm giác dinh dưỡng, mọi thứ xung quanh trở nên rõ nét nhưng anh ta không nhìn thấy. Anh ta không cố trong bất cứ chuyện gì, cứ đứng nguyên nhưng lại được trôi. Bạch đã một mình nhiều lần đi đến siêu thị. Anh đứng vào thang tự động, nó trôi một đoạn rất dài mới lên đến tầng hai. Bên trái, bên phải cũng như đằng trước và sau Bạch nườm nượp là người. Rất nhiều những gã đàn ông lần đầu tiên đi chợ vội vàng hấp tấp chạy trên cái cầu thang đang tự động trôi ấy. Nó giống hệt cái vội vàng của đám công chức, hồi Bạch đang đi làm ở công sở. Họ vất vả cuống quít mà không biết rằng có về đến đích sớm hay muộn thì cũng đều vô nghĩa. Nó cũng giống sự sốt ruột hấp tấp của những người viết trẻ khi chưa được công nhận là hội viên Hội nhà văn. Đàn bà trong siêu thị thì lao nhao thản nhiên, họ lộn xộn giống như mớ tiền lẻ. Các nữ văn sĩ đa phần đều muốn thành chẵn. Hình như trong môn sóc đĩa của cờ bạc, chẵn là ngửa. Đến đầu của điểm đỗ, Bạch lững thững bước sang cầu thang đổi chiều xuống. Nó hùn hụt lừ đừ như là rơi. Bạch khe khẽ nhắm mắt. Có tiếng khúc khích cười, anh nhè nhẹ nhìn. Có thằng bé nhuộm tóc hoe vàng, chừng sáu tuổi, nó đang làm y như anh. Khi xuống đầu của điểm đỗ kia, nó nhìn Bạch rất láu rồi lon ton chạy sang chiều cầu thang trôi lên. Phía trên lan can tầng hai, mẹ nó, một phụ nữ núng nính mỡ trong bộ đồ ở nhà mầu hoa cà đang nháo nhác đi tìm thằng con. Bạch mỉm cười với thằng bé, nó nhe răng cười lại. Răng nó sún cả hai chiếc trên và hai chiếc dưới. Thế là hết một quãng lặng. Bạch đến rủ Đỗ Thanh, người ẩn sĩ Công giáo mê Thiền, ra quán rượu ít người sát bờ sông Hồng. Bạch độc ẩm nhìn nước mùa lũ cuồn cuộn chảy, còn người bạn già uống cà phê nhìn Bạch. Đã hơn bốn năm rồi, Bạch mới gặp lại người mà anh kính trọng coi nửa như thầy nửa như bạn. Hết tuần rượu đầu, Bạch trầm ngâm.
“Người tu hành muốn tĩnh tâm thì sợ nhất điều gì”
“Tham sân si. Giáo lý của người Công giáo nói rất nhiều và rất dài về những điều này. Phật giáo có ưu điểm là họ nói được ngắn. Ông là kẻ có học, cứ nên hiểu vắn tắt tàm tạm như vậy”
Bạch tự rót thêm rượu. Một cái xà lan ì ạch trôi ngược dòng nước xiết. Trên boong, có mấy thanh niên cởi trần mặt lầm lũi đen nhẻm đang xúc than.
“Bên nghề của em, mọi người thường thích nhắc câu, rất nhiều kẻ được Chúa gọi nhưng rất ít người được Chúa chọn. Em thấy đi tu hoàn toàn không giống viết văn”
“Cũng chưa hẳn đúng. Có thể mọi người hiểu theo nghĩa thường tục là nghề văn phải vất vả phải chịu nghiệt ngã mới thành đạt. Tôi thì hiểu theo tinh thần mạnh nhất của câu, mọi sự đều là ý Chúa. Nhưng tại sao ông nghĩ mình lại phải đi tu, hoặc đơn giản hơn, ông nghĩ mình lại phải viết văn”
Bạch nheo mắt, vẻ muốn cười, bâng quơ.
“Hay là con đã được Chúa chọn”
Kẻ mãi mãi không là cha nhìn Bạch. Bạn của Bạch biết Bạch là đứa ngỗ ngược hay đùa, ông tủm tỉm cười giơ tay làm phép lành.
“Xin Chúa mang bình an đến cho con”
Bạch vẫn nhăn nhó. Chợt vị ẩn sĩ già nghiêm mặt hỏi.
“Thế tại sao ông không nghĩ là mình không thể không viết”
Bạch quay về nhà lên căn gác được cơi sau hồi lấy vợ. Mặt bàn viết lờ mờ mốc rêu trắng phủ lớp bụi dầy. Bạch rút ví tìm cái thẻ hội viên Hội nhà văn kẹp vào cuốn Album ảnh cưới. Có một lần nồng nàn nào đó, đã có một cô bé trong trắng đòi chụp ảnh khoả thân cùng Bạch. Bạch vất vả từ chối và cả hai suýt nữa cùng cáu.Bạch cầm tập ảnh cưới cất sâu vào đáy tủ, phía bìa cuối quyển Album là giấy xác nhận đã li dị. Bạch nín hơi khe khẽ thở, đều đều đọc kinh Lạy Cha. Rồi lau sạch bàn, Bạch cầm bút, ngồi viết lại. Vào nửa đêm của một mùa Đông, Bạch lọ mọ mất ngủ, nằm đọc bản thảo quyển tiểu thuyết thứ hai của mình đang viết dở. Đứt mạch lâu quá, những trang viết mới ngắc ngứ xộc xệch. Cuốn tiểu thuyết dự định có nhân vật chính là một ông cha già và một quan chức cấp cao tuổi còn trẻ. Nghề nghiệp cả hai, Bạch có biết ít nhiều, nhưng thực ra cũng chỉ là hóng hớt. Xét về khía cạnh phải giao tiếp, viết về một ông linh mục có vẻ dễ hơn là viết về một ông quan chức. Bạch đã đến vài nhà Thờ, không cung kính lắm, quỳ xuống mà xưng rằng “Lạy cha, con là một giáo dân và tệ hơn, con lại viết văn. Con muốn viết về những sâu xa suy nghĩ tâm linh ý thức hoặc vô thức của một vị linh mục. Lạy cha, xin người làm ơn kể cho con nghe về chính cha”. Còn Bạch không thể quỳ xuống chân một quan chức được, cho dù ông ta đã thất sủng. Đơn giản là các quan chức rất bận. Hơn nữa, Bạch chưa kịp quỳ thì đã có năm mươi người khác quỳ rồi. Toàn những người miệng có gang có thép. Những người này chỉ cần hắt hơi là có thể làm xám đen số phận của năm mươi người khác nữa. Nghề văn, có một lợi thế nho nhỏ không như nhiều nghề viết khác. Nó có thể dựa vào một cái gì đó để hư cấu đoán định. Thư tình chẳng hạn, nhật ký chẳng hạn. Thế nhưng hầu hết các quan chức lớn nhỏ khi bộc bạch mình chỉ toàn làm thơ. Thơ khó đoán lắm. Sự kín đáo của nghề quan chức có điểm tế nhị giống nghề ca ve, khi về hẳn hưu mới thong thả viết hồi ký. Hoặc tự mình hoặc thuê người khác, thông tin chung chung, nhũn nhặn ca ngợi chính chủ. Đại loại, hao hao giống văn điếu nhưng không thê thảm bằng. Điều này lịch sử đã chứng minh nhiều rồi.
“Ông diễu cợt bọn tôi quá. Và như thế ông chả hiểu gì về quan trường thời này cả”
Bạch ngồi song ẩm với một vị gần gần là thượng thư vừa bị huyền chức. Ông ta chưa tới sáu mươi, khi đương nhiệm ông có tiếng là yêu quí đám văn nghệ sĩ. Rất nhiều nhà thơ để trong ví các tấm ảnh chụp chung với ông. Ông không làm thơ cũng không làm văn và thật thân với một nhà văn lứa đàn anh của Bạch. Hôm nhà văn tài năng này mất do uống rượu viêm gan cấp, ông trầm trọng đến phúng, nức nở khóc nhiều. Từ lâu rồi ông ta thích ngồi uống tay đôi với Bạch ở vài quán khuất có giá rượu khá đắt. Lý do thì giời biết.
“Những người làm quan đa phần đều là những người ưu tú. Cây cao gió cả có điều này tiếng kia thì cũng là chuyện đương nhiên. Các ông viết văn thích thêm dấm thêm ớt, chân dung đám bọn tôi bị méo mó lung tung cả. Tôi đọc tiểu thuyết Tây thấy người ta viết về quan chức hay hơn hẳn đám các ông.”
Bạch ề à đồng ý. Bạch chân thành nói mong ông bạn quan chức thông cảm. ở ta có những điều cấm kỵ bất thành văn, tưởng là vớ vẩn, nhưng bất cứ người viết chuyên nghiệp nào cũng phải biết. Thế là tự sợ. Câu cú trên bản thảo đâu đã có ai kiểm duyệt, nhưng cứ tự mình biên tập lấy cho nó tròn vo đã. Văn chương muốn nó tươi nó thật thì phải được đùa, mà đã run rẩy rồi thì bố ai dám đùa nữa. Ngưòi đối ẩm với Bạch tự rót một ly Chivas Regan bật cười khẩy.
“Nụ cười của con người là cách con người nhe nanh vuốt. Văn chương ghê gớm lắm nhưng các ông cứ viết thật hay đi đã. Đừng cậy có chút tài mà ám chỉ xỏ xiên thì có ai làm gì. Tôi hỏi thật ông nhá, vì tôi coi ông là thằng viết văn tử tế. Liệu ông có thích thú không khi ông làm độc giả hoang mang”
Bạch cố moi óc, tìm một chuyện vui nào đấy thích hợp để đánh trống lảng. Người đang uống cùng Bạch rất sắc sảo. Giống như thật nhiều người sắc sảo khác, họ hay hiểu văn chương là xỏ xiên ám chỉ. Hiểu thô bạo thật. Về bản chất, những người biết viết văn là trắng trợn. Họ cố làm dịu những minh bạch của mình bằng kiểu cách dụ ngôn, ẩn ngôn hoặc bóng bẩy hàm ngôn. Họ không hề xỏ xiên ai, bởi đối tượng để viết đâu có dung tục cụ thể đến vậy. Bạch nhìn ông bạn, rất khó giải thích cho một người đã ổn định ở một tầm. Ngày xưa, bố Bạch cũng không bao giờ cho chị em Bạch cãi lại. Ông bạn quan chức của Bạch, nói theo văn dã sử Tầu thì ở dưới vài người và đứng trên vạn người. Ông vĩnh viễn có cái thế hiểu của ông, cũng như Bạch, vĩnh viễn không được quên cái thế hiểu của mình. Nếu nhân vật của Bạch, cỡ dưới thứ trưởng, thì có thể xấu tốt gì đấy vẫn dám viết hết tay. Cũng chẳng phải là bôi bác, cũng chẳng phải là ngợi ca, mà là dám sống hết cái buồn vui đau đớn hoặc hạnh phúc của mình với nhân vật. Nhưng cứ viết về cỡ như ông bạn của Bạch thử xem, không hiểu từ đâu ra bao nhiêu là ngần ngại. Đành tự mình mặc cả an ủi mình. Thôi thì cái xấu cái tốt đều không tới, bởi đơn giản dấu ấn của các ông ấy đóng xuống đám đông đậm quá, theo một kích thước quy chuẩn quá. Làm đám đông hoang mang vốn dĩ chẳng hay ho gì, huống chi còn phải hứng ngược cả một áp lực khởi từ đó xét nét lại. Ông bạn quan chức chằm chằm nhìn Bạch nốc từng ly rượu, ông thừa thông minh để đủ hiểu những cái loăng quăng chạy trong đầu Bạch.
“Thế thì sự trung thực và dũng khí của các ông để ở đâu. Hơn nữa, các ông lầm tưởng rằng chúng tôi là ai. Xã hội đến thời đoạn ổn định và yên bình có quá nhiều những người kiểu như tôi. Những người thực ra cũng chỉ là một anh công chức cao cấp, có đầy đủ chuyện buồn vui tầm thường và bình thường. Chúng tôi đâu phải là bóng dáng lồng lộng lịch sử gì. Chúng ta không nên có thói quen thiêng liêng hoá quan chức.”
Bạch cụng chén, rụt rè dùng tay xé miếng cá Nga nướng. Tên con cá gọi là cái quỉ quái gì nhỉ. A rờ khan à. Tiếng Nga được học từ hồi phổ thông Bạch lõm bõm không thể nhớ. Rất đông các nhà nghiên cứu lý luận phê bình chỉ đọc được tiếng Việt đau đớn kêu lên rằng, nhiều người viết văn ở ta dốt ngoại ngữ quá. Đây đang là bữa nhậu ở một quán phía ngoài có vỉa hè. Nếu là ở trong một phòng thật rộng thật trang nghiêm, kể cả đã hồi hưu, liệu ông bạn có dám phát biểu như thế không. Nghĩ là một chuyện, nói ra là một chuyện, còn làm được lại là một truyện khác. Cách đây chừng sáu bẩy năm, một tờ báo có phỏng vấn một trí thức trẻ về khát khao trong mười năm nữa của anh ta. Anh này có nói rằng mình muốn làm Thủ tướng. Tờ báo đăng bài phỏng vấn ấy, đã nhận được không biết bao nhiêu những phản hồi đầy chân thành phẫn nộ. Hầu hết đều coi câu trả lời là sự bốc đồng ngông nghênh hỗn hào của tuổi trẻ. Người ta có thể mơ ước trở thành một anh kỹ sư, một chị bộ đội. Hoặc vớ vẩn sang trọng hơn là thành một nghệ sĩ, hoặc thành một nhà văn chẳng hạn. Còn mơ thành Thủ tướng, kinh khủng, không thể hiểu nổi. Quan chức thực sự đã được thiêng hoá. Nền văn minh thương mại vô đạo dám đem khách hàng coi ngang bằng Thượng đế. Một ví von đáng bị ném đá. Thế nhưng, cả người bán và người mua, chẳng ai cảm thấy là bị xúc phạm. Sự tự tin dung tục đó cho phép một gã lang băm liều lĩnh dám treo biển “Cứu Thế” ở tiệm thuốc của mình. Một danh xưng mà ngay cả những giáo chủ vĩ đại nhất còn rụt dè chưa dám nhận. Erich From, hình như là một đồ đệ chân truyền của thiên tài tâm lý gia Freud, có kể. Nhiều lần ông đi khảo sát chuyên đề giới tính ở trẻ thơ. Khi được hỏi là lúc lớn lên chúng muốn sẽ thành gì. Thường các bé gái trả lời mình về sau sẽ trở thành một bà mẹ, điều này được coi là bình thường. Nhưng nếu các bé trai trả lời rằng, mình muốn thành một người cha, chao ôi, quá bất bình thường. Cái vệt nghĩ đã thành rãnh. Đàn ông cơ mà, phải hùng tráng có danh vọng sự nghiệp chứ. Tất cả mọi thứ đã được đổ khuôn. Trên ti vi, thế lực truyền thông phổ cập nhất, nhan nhản nhiều nghệ sĩ tóc dài để râu được giới quyền quí kính trọng. Những người mẫu này bán mặt tỏ vẻ cô đơn giữa đám đông vừa ưỡn ẹo lao động vừa u mặc đau khổ coi đồng tiền như rác. Bạch mặt mũi nhặn nhụi nằm ườn nhếch nhác uống rượu. Suốt một thời gian dài, Bạch chẳng viết được cái gì và cũng chẳng có nổi mối quan hệ sang trọng nào để làm được ra tiền. Vợ Bạch vừa loay hoay tự cài cái dây chuyền ở cổ vừa xa xả.
“Anh tưởng những cái đã viết nhảm nhí của anh là văn chương à. Tôi đã lầm cái danh hiệu nhà văn ở anh, lúc ấy không hiểu sao tôi lại mù quáng say mê nó”
Lúc ấy cô ngu mà tôi cũng ngu, Bạch cay đắng nhớ cái chuyến đi Mỹ. Đoàn nhà văn Việt nam được phía Hoa kỳ mời, Bạch nằm ở trong danh sách vét. Bạch thay thế cho một nam nhà văn trẻ khoẻ, vì chị vợ anh này tháng rưỡi trước khi bay đột ngột sinh ba. Bạch được lãnh đạo ưu ái nhặt nhạnh, bởi những cái đã viết của Bạch đều bình bình chẳng hay chẳng dở. Hơn nữa Bạch là hội viên mới suýt soát bốn mươi, tiêu chuẩn lần này dành cho các nhà văn trẻ, các nhà văn già đi Mỹ nhiều lần quá rồi. Giao lưu văn hoá Việt Mỹ, mong manh hy vọng có thêm sinh khí mới. Đoàn đi không đông, khoảng sáu bẩy người, trưởng đoàn là một nhà văn nữ. Gọi thế cho nó thuận, chứ chị trưởng đoàn viết nhiều loại. Kịch sân khấu, lý luận, truyện ngắn, làm thơ, tiểu thuyết. Đi cùng lâu lâu, mọi người mới biết thêm, chị vẽ tranh cũng rất đẹp chị hát cũng rất hay. Tóm lại là có nhiều nhà ở trong một chị. Những người đàn ông cùng đoàn, tất thẩy đều biết uống rượu, suốt chuyến đi ngật ngưỡng chung phòng với nhau. Thứ nhất là vui, thứ hai quan trọng hơn là tiết kiệm được tiền. Mọi người thống nhất, ngoài những bữa được mời thì những bữa còn lại nên ăn mỳ ăn liền. Vấn đề không hẳn là tiếi kiệm mà vì nó tiện. Giờ giấc khẩu vị ăn uống bị đảo lộn, thượng sách nhất là trệu trạo nuốt gói “milikét”. Kinh nghiệm ưu tú bất thành văn này, được ghi trong cẩm nang mồm của các đoàn có đông người Việt đi ra ngoài nước. Vừa đến Boston, Bạch bị cảm. Chương trình giao lưu và hội thảo của đoàn nhà văn thì rộng, Bạch kém sức đành khật khừ nằm lại khách sạn. Và Bạch đã gặp nàng. Lòng hâm mộ văn chương Việt nam ở nàng là điểm son ấm áp an ủi cho các nhà văn nhà thơ đang bắt đầu chơm chớm tủi thân. Trước hôm đi, mọi thành viên trong đoàn đều háo hức lo lắng cho sự kiện đoàn của mình đến Mỹ sẽ gây nhiều phản ứng ồn ào. Các nhà văn nổi tiếng đi trước, nếu về có viết sách thường kể vậy. Vô số những cạm bẫy ngọt ngào quyến rũ. Chỉ cần quan điểm hơi lao đao là sẽ mắc mưu. Mọi người căng thẳng họp, đôi lúc có lãnh đạo dự. Thể diện của mình là nhỏ, cái chính là thể diện quốc gia. Thế rồi, suốt hai tháng bẩy người hùng dũng đi lại chín bang nước Mỹ, chẳng ai biết đấy là đoàn nhà văn. Có thể Mỹ
là bọn nông nổi ham a dua thời thượng cho Việt nam là đề tài đã lỗi mốt. Có thể bọn phản động người Việt sa đoạ thích kiếm tiền nên quên cả đi biểu tình. Chẳng biết nữa. Vậy thì một cô bé thạc sĩ tối tối đến chơi thăm đoàn, biết nghe thơ biết nghe văn, chao ôi là trân trọng. Đấy còn chưa kể ban ngày nàng thu xếp đi lang thang cùng, dịch hộ những dịch vụ mua sắm lặt vặt.
“Anh bị cảm à”
Bàn tay mát lạnh của nàng dịu dàng để lên trán, nhiệt độ cao của cơn sốt ở Bạch giảm hẳn. Nàng rủ Bạch đi ăn trưa uống cà phê trong một cái siêu thị ồn ào đủ các mầu da. Nàng khúc khích.
“Chị trưởng đoàn nói anh vẫn chưa lấy vợ, sao anh kén thế”
Bạch sáng nay giả vờ ốm, kiếm cớ không phải đến giao lưu ở một toà soạn báo. Những biên tập viên người Mỹ ở đấy giản dị không trịnh thượng hình như có làm thơ. Rất hóm hỉnh, mong các anh chị coi chúng tôi là đồng nghiệp. Mọi người quây quần trong một phòng nhỏ, treo lộn xộn không theo thời gian các chân dung Tổng thống. Hầu hết trong số đó đều bị tờ báo cay chua chửi. Chị trưởng đoàn bắt đầu nói những câu xã giao có nhiều khẳng định chính trị, chị sẽ còn nói một mình rất dài. Bổ sung cho chị là nhà thơ phó đoàn. Những nơi hoặc tế nhị hoặc nguy hiểm như ở đây phải là người rất vững vàng mới được phát biểu. Việc này đã được cả đoàn thống nhất thông qua như việc ăn mỳ. Bạch lơ mơ buồn ngủ, sang Mỹ bị lệch giờ, tính Bạch bảo thủ mãi không thể quen.
“Hồi mới sang em phải tập uống cà phê. Lúc đang nghe giảng cứ ngủ gà ngủ gật”
Nàng dẫn Bạch tới quầy buffet sành sỏi lựa đồ ăn. Món này đắt nhưng không ngon. Món này là anh ăn cho biết. Bạch bỗng cồn cào nhói nhớ tới một cô bé. Một cô bé đã nhiều lần rủ anh đi ăn những bữa trưa. Cô bé đấy là nỗi ám ảnh đâu đớn nhất của Bạch. Nàng thạc sĩ hỏi một bà da vàng sậm đứng sau quầy, quen mồm quay lại hỏi Bạch một tràng tiếng Anh dài. Bạch xã giao ngô nghê cười. Cũng như những người trong đoàn, Bạch chỉ biết hai câu Thank you và sorry. Thực ra, nữ nhà thơ trẻ nhất đoàn biết nhiều hơn, cô bé có bằng B hay C buổi tối gì đấy. Hôm xuống sân bay Kennedy, cả đoàn đứng bơ vơ, vị giáo sư phiên dịch có trách nhiệm ra đón đi nhầm cửa. Cô bé nhà thơ được phân công hỏi thăm lối ra. Có một gã da đen cao lừng lững mặc đồng phục đội mũ kêpi đang bần thần cạnh cửa kính nhìn tuyết rơi. Mọi người hồi hộp đứng xung quanh xem hai người vừa nói vừa hua tay. Chừng hơn hai phút, cô bé quay lại thông báo là gã này ngu, nói lung tung chẳng hiểu cái gì. Có điều, cuối cùng gã cũng đã biết tên cô và cô cũng đã biết tuổi gã. Trưởng đoàn thất vọng, tiến gần tới ông Tây da đen, trưởng đoàn chỉ vào ngực mình “Việt nam, viết nam”.Theo như một nhà văn đã đi Mỹ về kể, chỉ cần nghe thấy vậy là họ nhẩy lên ôm hôn. Nhưng gã da đen mắt trợn vẻ ngạc nhiên, rồi ngượng nghịu đi lảng ra phía khác. Cái thằng Mỹ này đúng là ngu thật. Trong các cuộc hội thảo, lãnh đạo đoàn phân công cô bé nhà thơ cố gắng nghe xem người phiên dịch có dịch xuyên tạc không. Cô bé căng thẳng cầm sổ cầm bút nhìn trừng trừng vào mồm các đại biểu đang nói. Chợt quyển sổ và cái bút cùng rơi, cô bé giật mình cúi xuống lơ mơ mộng du quờ quạng. Hoá ra, sau nửa tháng sang Mỹ dự nhiều cuộc xê mi na, cô bé đã luyện được kiểu ngủ ngồi mở mắt.
“Thế anh là nhà văn thì anh hay viết cái gì”
Nàng chưa đọc Bạch và Bạch cho nàng xem thẻ hội viên. Vẻ ngoài của Bạch trông không giống văn sĩ lắm, nên từ hồi vào hội Bạch cố gắng khắc phục điểm yếu này. Bạch để tóc bù xù hơn và chịu khó nói tục. Một đám hình như nữ sinh ồn ào ngồi xuống bàn bên cạnh. Các cô bé tháo khăn cởi áo khoác, áo phông trễ cổ da ngực trắng hồng. Quần bò trễ cạp nhễ nhại những lỗ rốn phập phồng đầy sức sống. Bạch cố nuốt đĩa cơm rang kiểu Mễ Tây Cơ, kinh khủng là mùi vị. Nàng âu yếm nhìn Bạch, sao lúc ấy em lại có thể dịu dàng được đến vậy. Sao em chẳng như em những phút ban đầu. Léc Môn Tốp bị chết yểu đã sững sờ hỏi. Bạch cảm động nghịch ngợm cầm tay nàng. Những ngón tay để yên, ngoan thật. Bạch đọc Love story vào cuối những năm cấp hai. Bản Việt ngữ của một nhà xuất bản Sài gòn in trên giấy lem nhem xấu. Bạch yêu cái mối tình dịu dàng trong trắng sinh viên ấy suốt trong nhiều năm sau. Có lẽ, ám ảnh không gian trinh bạch của trường cao đẳng Racliff đã làm Bạch nhầm lẫn về nàng. Lúc ấy, Bạch đang mệt mỏi và mênh mông chán. Nàng trưởng đoàn tiếp tục kể lể những điều nửa trắng trợn nửa dối trá. Những điều nàng đã nói ở Washington D.C, ở New york, ở San Francisco. Còn đây là đang ở Boston, có trường Harvard mà Erich Segal đau đáu tả. Sự lố bịch thì ở đâu cũng vậy và muốn chịu đựng nó phải luyện một cách nghĩ rất khác thường. Khi tiểu nhân ra đường thì quân tử phải nằm nhà. Kinh Dịch đã hiển nhiên viết, chỉ cần có chút ít thông minh là đọc ra điều đó. Nhìn vũng đục thì ghê, thế nhưng lại tiếc những cơ hội, cái cơ hội hình như chỉ đến có một lần. Này là danh này. Này là lợi này, đừng để vuột mất. Bạch đã quá nhiều lần tự mặc cả rồi lại cay đắng dằn vặt. ở đâu đó có nhiều tiếng cười vui, vài nghệ sĩ vài giáo sư chưa từng đến Việt nam bao giờ chân thành đặt câu hỏi. Họ muốn biết giới trí thức, giới văn nghệ đang sống và nghĩ như thế nào. Phó đoàn ngấm ngầm khoe kiến văn trả lời vòng vo không rõ là cố ý hay vô tình không hiểu câu hỏi. Trưởng đoàn thao thao bổ sung, trưởng đoàn đang độc quyền yêu nước. Đất nước tôi có ba triệu nhà thơ vì mặt bằng dân trí của trẻ em đã phổ cập hết cấp Một. Chúng tôi luôn luôn đoàn kết. Chúng tôi luôn luôn nhất trí. Chúng tôi tuy nghèo nhưng luôn luôn kiêu hãnh. Cái hội trường nhỏ của đại học đường Berkeley có khá đông sinh viên đang nghe trưởng đoàn. Bạch tỉnh ngủ. Bạch sâu xa lo lắng thấy thương cho trưởng đoàn. Những câu dạng thế này nên giành cho chính trị gia. Trưởng đoàn đâu phải quan chức, nàng được một số khá đông gọi là nhà văn cơ mà. Vả lại, có ai trong nước bắt nàng phải nói thế đâu. Chẳng qua, sự huyênh hoang của lòng tự ti khiến nàng bốc đồng. Phẩm chất này sẽ giúp nàng trước sau cũng trở thành một quan chức lớn phụ trách Văn nghệ. Cái thật thà thích khoe mẽ của muôn đời người nông dân Việt đã làm trưởng đoàn lố bịch. Hai vị giáo sư có tiếng thiên tả điềm đạm nhường nhau dịch. Phải dịch những thứ ấu trĩ phản tuyên truyền ngô nghê như vậy, đáng kể là đau lòng. Bạch quen rồi, và dù không quen cũng phải quen thôi. Bạch thở dài, quen với những điều đê tiện là một thói quen rất khổ.
“Tối nay bọn anh mời em đi uống rượu”
Mọi người trong đoàn vừa được lĩnh một khoản tiền không ngờ nhiều đến vậy. Bạch và ba anh bạn chung phòng mời nàng đến một quán ăn Tầu. Bạch mua sẵn hai chai Jack Daniel cho vào một túi giấy. Rất nhiều quán ăn ở Boston người ta chỉ bán đồ uống nhẹ. ở chung phòng còn một nam nhà thơ nữa, nhưng anh này cùng cô bé làm thơ trẻ đi ăn cơm với trưởng đoàn tại nhà một người họ hàng. Vả lại, nam nhà thơ kia sâu xa cũng không thích uống rượu lắm, chỉ thích xem tạp chí PenHouse hoặc Playboy. Mắt đỏ khè, cổ nuốt ừng ực nước bọt, miệng anh ta vẫn học thuật uyển chuyển nói về các đường cong đầy nghệ thuật của ảnh nude. Sang đến New York, anh ta nửa nạc nửa mỡ hỏi thăm cái phố có đông gái điếm. Hỏi thăm thôi, để viết văn ấy mà. Kể cả thẳng tưng ra, nếu có cho không thì đi với đoàn nhung nhúc người như thế này bố thằng nào dám. Anh ta tặc lưỡi, tất cả bọn ông cũng đều dâm tặc vậy thôi. Hội thảo có gái Mỹ, mắt thằng nào thằng ấy lấm lét liếc vào mông vào ngực. Tổ sư những thứ lập trường. Anh ta khét tiếng là nhà thơ giỏi Thiền đạt tới cảnh giới thõng tay vào chợ. Anh ta hay bị đám nhà thơ trẻ đấm ở quán “Quê mình” khi thỉnh thoảng ngồi đấy toạ thiền độc ẩm. Có lần, Bạch giả say cũng nhẩy vào đấm hôi. Anh ta đã mồi chài bẩn thỉu con gái của một người bạn. Cô bé nhấp nhổm tin tưởng theo bạn của bố để học làm thơ. Kết quả là chưa thành công thì đã thành nhân. Cái bầu ở tháng thứ tám bắt buộc đành phải đẻ. May mà nhà có tiền, hai mẹ con bồng bế biệt tích ẩn náu bên Đông Âu. Môi bị đá nát toét nằm dúm dó dưới sàn, anh ta vẫn cố giải thích cho những người đánh anh là anh đang ở cảnh giới phi thiện phi ác.
“Hôm nay em sẽ uống say với điều kiện anh Bạch phải say”
Không khí phóng khoáng kiểu cách nghệ sĩ đã làm nàng vui. Mọi người hùn nàng ngồi sát gần Bạch, hứa là sẽ để Bạch đưa nàng về tận nơi nàng trọ. Hết chai thứ nhất nhà lý luận phê bình có tuổi nghẹo cổ lơ mơ cắn tóc nàng. Bạch ngấm ngầm đổ một ít nước đá vào cổ con dê già, rồi tỏ vẻ sở hữu ôm vai nàng. Rét mướt làm những người thông minh tê tái mụ đi và nhiều ngu xuẩn nẩy nở. Tại sao Bạch lại đưa nàng về và chưa đầy bốn tháng sau Bạch lấy nàng. Hôm ra mắt nhạc phụ nhạc mẫu, bố mẹ vợ hiền lành nhìn Bạch mắt thấp thoáng nét vui. Con gái của họ sẽ có bằng tiến sĩ và bây giờ đã có chồng. Tết cách đây hơn hai năm, Bạch có gặp lại đã-là-bố-mẹ vợ. Bạch xã giao đưa đẩy định chuồn, nhưng hai ông bà chân thành hỏi thăm sức khoẻ mẹ Bạch. Hai ông bà thành thật buồn khi biết Bạch vẫn độc thân, thở dài khi biết Bạch đã nát rượu. Mẹ vợ Bạch hãnh diện kể chuyện thằng cháu ngoại mắt một mí, lên ba tuổi đã biết chửi ông bà. Chồng mới của vợ Bạch là thương gia thành đạt người Sing gốc Tầu. Bố vợ Bạch khoe, vợ Bạch bây giờ cũng là nhà văn nhưng chỉ chuyên làm thơ. Vợ Bạch chính thức đã là hội viên của Hội Văn Hà nội, nơi có ban chấp hành nổi tiếng khó tính về nhân sự. Còn hôm ở Boston, vợ Bạch bị ép có đọc một bài lục bát. Đã hết cả hai chai Jack Daniel và nàng phải về vì quá muộn. Bạch loạng choạng đi theo và nàng khoác chặt tay Bạch. Lúc đó là mười một giờ mười lăm phút tối. ở Boston khoảng mười hai giờ đêm tầu điện ngầm sẽ không chạy, nghĩa là Bạch và nàng phải chạy. Bạch còn phải quay về khách sạn vì nàng ở trọ có một mình và Bạch thì sợ lãnh đạo đoàn.
“Liệu anh đã nhớ chưa”
Bạch và nàng chờ ở điểm đỗ số “ mười bốn”. Loay hoay, nàng lấy bút vẽ vào vỏ bao Malboro những điểm tầu sẽ dừng ở subway. Anh sẽ đi bộ một đoạn tới bến cuối cùng ở chỗ này. Rồi anh đi ngang qua cái ngã sáu có vườn hoa vừa nẫy. Đây là Arlington, muốn về Boston phải qua Cambrigde. Nàng lo lắng nhìn vẻ ngơ ngơ cố nhớ của Bạch.
“Em lo lắm, anh lại không biết tiếng”
“Anh sẽ cố, nhà em kia à”
Trời vẫn đổ tuyết nhẹ có nhiều gió thật lạnh. Nàng tháo chiếc khăn phu la quàng một vòng quanh đầu Bạch. Nó hôi hổi ấm mùi đàn bà.
“Anh vào trong nhà uống với em một cốc chè nóng”
“Thôi, anh sợ không kịp”
Bạch nhìn đồng hồ, mười hai giờ kém mười lăm, anh hôn tạm biệt lên trán nàng rồi cắm cúi chạy. Đường Broadway hun hút vắng. Về sau, khi đã được đi nhiều, Bạch mới biết là đô thị lớn nào ở Mỹ cũng có đường mang tên Broadway. Và hôn nhân nào cũng có một bất hạnh mang tên là vợ. Có ba thanh niên cao lớn đi ngược chiều nhìn thấy cái đầu quấn khăn to xù của Bạch, hoảng hốt rảo bước sang hè bên kia. Cái ngã sáu đây rồi, Bạch chẳng nhớ là rẽ đường nào. Bạch lóng ngóng lạnh lấy tay sờ ví, lò cò đứng xuống hè vẫy tắc xi. Từ đây về đến khách sạn Bạch ở chắc cũng chỉ hết chừng một trăm đô. Vài cái tắc xi vút qua, xe có người hay không có người đều không đỗ. Đã nửa đêm và lù lù khả nghi một thằng đàn ông châu á. Gió là là xào xạc rít trên con phố lạ vừa thẳng vừa dài. Bạch run run châm điếu thuốc tỉnh hết cả rượu. Bạch thấy sợ, hoang mang nhìn về phía nhà nàng. Có bóng người đi như chạy về phía Bạch. Nàng nhợt nhạt hỏi.
“Em lo quá, đúng như em đoán là anh còn đứng đây”
Cũng như nhiều phụ nữ, nàng bừng bừng hạnh phúc thấy mình lớn lao khi phải vất vả hy sinh. Bạch lại gần để tay lên vai nàng, đột ngột nàng vòng tay qua cổ Bạch ghì chặt môi đắm đuối hôn. Hai người lảo đảo đi về nhà nàng. Nàng có kiểu hôn thật dài, khi dứt ra là hết hơi. Bạch lùa tay vào ngực nàng, ngực không còn mềm nữa, nó nhũng nhẵng nát. Nàng đã biết nhiều đàn ông hơn tất cả những nữ nhân vật của Bạch. Khi cãi nhau, vợ Bạch có lối nói trắng phớ rất bạc. Lòng say mê văn học đã giúp nàng, những câu đay nghiến đa dạng phức tạp. Bạch im lặng nghe, tới một đoạn nào đấy thì cục cằn đập cốc. Duy nhất một lần Bạch đập cả chai. Chắc là nhỡ tay, Bạch xót xa nhìn rượu sóng sánh lênh láng khắp mặt sàn. Mẹ Bạch run run trên gác xép ngó đầu qua cái cửa sổ hẹp. Vợ Bạch ưỡn ngực thách, đây này có dám không. Bạch liếc mẹ từ từ lỏng người ra bất lực. Vợ Bạch đúng, Bạch là thằng nát rượu hèn hạ vô tích sự. Cả hai đều nắn nót ký vào đơn ly dị, sâu xa thấy hạnh phúc vì chưa kịp có con. Bạch ngồi quán lạ, lờ nhờ buồn nôn nhìn cô bé sinh viên Dược mối tình đầu, bây giờ là bà chủ một tiệm thuốc Tây đanh đá lúc lắc mỡ.
“May mà em chỉ yêu anh, chắc lấy nhau thì cũng đến thế”
Bàn tay nần nẫn nhiều mùi vi ta min C và B1 vùi vào tóc Bạch. Tình cũ không rủ cũng tới. Bạch nhắm mắt, anh đã quên được hẳn rồi cái cô bé sinh viên thực tập tiểu thư quý tộc. Nàng sinh viên Dược thon thả xa xưa nghe được chuyện, thỉnh thoảng buổi chiều trốn chồng an ủi rủ Bạch đi uống rượu. Vợ Bạch công khai ngồi xe Camry với một thương gia người Hoa. Biết nói thế nào nhỉ, vợ Bạch không phải mẫu người tham tiền, cô ta sắc sảo kiếm được dư dật. Cô ta muốn mọi người nhìn thấy Bạch ngồi viết, mắt trí tuệ trầm lắng trong khói thuốc, bên cạnh bừa bãi bút vở là cô đơn một lọ hoa cúc trắng muốt. Đến những đoạn cao trào cảm động, Bạch quỳ xuống đốt một thẻ trầm, rồi rưng rưng đứng dậy đọc cho các bạn văn nghe. Hoặc đọc cho các tao nhân mặc khách, quí bà quí ông mà vợ Bạch dầy công giới thiệu đến xem. Chưa hết, những buổi tối cuối tuần Bạch ngậm píp mặt khinh bạc hào hoa khoác tay vợ Bạch điềm đạm tới những hội nghị thượng đỉnh những hội thảo thượng lưu. Vợ Bạch sang trọng kính trắng hững hờ giở tờ rơi có đề tên nhà văn Bạch và quý phu nhân ở trang đầu. Văn chương đích thực phải là vậy. Một nhà văn đàn anh nhăn nhó bảo, nghề văn là cái nghề thổ tả. Bạch mệt mỏi thở dài gục đầu nốc rượu. Anh bạn nhà văn già lo lắng “Mày đừng uống nữa, có khi rồi mày lại viết”. Bạch lắc. Bạch lảo đảo đi về phía nhà thờ dự lễ chiều. Đang mùa Chay. Mẹ Bạch quỳ lẫn trong đám các bà nhăn nheo thưa kinh. Mấy vách kính có vẽ mười lăm sự thương khó, trầm buồn quanh Thánh đường âm âm chạy những lời nguyện khàn khàn. Lạy Chúa, con chẳng dám chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con được lành mạnh./.
@by txiuqw4