sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Giới Thiệu

Chúng ta chưa chuộc lỗi với những thiệt hại mà bom đạn và hóa chất của chúng ta đã gây ra tại Việt Nam. Tôi hy vọng rằng một ngaỳ nào đó, chúng ta có thể giúp đất nước tươi đẹp này tẩy xóa hết những hóa chất độc hại, những bom mìn chưa nổ, và rồi tạ lỗi cùng nhân dân Việt Nam về tất cả những gì chúng ta đã gây nên. Tôi hy vọng là chúng ta sẽ không quá kiêu hãnh và ngạo mạn để có thể thốt lên bằng tiếng Việt “CHÚNG TÔI CHÂN THÀNH XIN LỖI!”

Trên đây là những nhận định trong phần kết về những bài học chiến tranh trong tác phẩm tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam với tựa đề: “KHÔNG THỂ CHUỘC LỖI” của bác sĩ Allen Hassan.

Năm 1968, bác sĩ Allen Hassan là một trong số gần 200 bác sĩ Mỹ hưởng ứng lời kêu gọi nhân đạo của Hiệp Hội Y học Mỹ trong chương trình bác sĩ tình nguyện cho Việt Nam. Lên đường đến việt nam vào thời điểm vài tháng sau cuộc tổng công kích và nổi dậy của quân và dân Việt Nam trong Tết Mậu Thân, khi mà những cuộc trả đũa của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và quân đội Mỹ đã làm cho chiến sự ngày càng một ác liệt hơn, bác sĩ Allen Hassan đến Quảng Trị với nhiệm vụ của một bác sĩ dân sự chăm sóc và điều trị cho dân thường trong Tỉnh.

Tỉnh lỵ Quảng Trị chỉ cách vĩ tuyến 17 khoảng 35 km đã trở thành vùng tâm điểm của cuộc chiến từ hai phía. Do vậy mà tuy dân số thị xã Quảng trị thời bấy giờ chỉ ước khoảng 35.000 dân nhưng đã có đến hơn 87.000 lính thủy quân lục chiến thuộc Quân đoàn I trú đóng tại trung tâm thị xã và các khu vực lân cận. Và hiển nhiên, nơi đây đã trở thành vùng giao tranh ác liệt cả ngày lẫn đêm với xe tăng, xe bọc thép, phi pháo, bom đạn rải thảm không chỉ nhằm vào đối phương mà phần lớn người dân thường đã phải gánh chiụ những hậu quả tàn khốc của chiến tranh. Bệnh viện tỉnh Quảng trị đã trở thành nơi thường xuyên tiếp nhận binh lính, các nạn nhân chiến tranh gồm phụ nữ, người già và trẻ em bị thương vong bởi bom đạn và các cuộc giao tranh, càn quét khốc liệt, đẫm máu của quân lực Việt Nam Cộng hòa và quân đội Mỹ.

Đọc những trang viết mà bác sĩ Allen Hassan hồi tưởng lại thời điểm làm nhiệm vụ chữa trị, cứu người tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị, chúng ta luôn bắt gặp những cảm xúc thương cảm, bất lực xen lẫn niềm căm phẫn tột độ với tư cách một con người, một bác sĩ với lời thề Hippocrates trước nỗi đau của đồng loại và tội ác chiến tranh do người Mỹ nhân danh tự do, nhân danh niềm kiêu hãnh của nước Mỹ đã gây nên cho dân tộc và đất nước Việt Nam vốn nhỏ bé và hiền hòa này.

Không có nhiều thời gian để suy nghĩ về những thảm kịch mà ông đã nhìn thấy hoặc âu lo về những người mà mình sẽ chữa trị trong ngày, đêm đến Allen Hassan thường xuyên không ngủ được và luôn trăn trở “ Có quá nhiều thường dân vô tội bị thương. Người già, phụ nữ, trẻ em, những nạn nhân vô tội của các vụ ném bom ồ ạt, tàn nhẫn của Mỹ. Suy tưởng về tất cả những nạn nhân chết và bị thương làm cho tôi xúc động sâu sắc, âm thầm, lặng lẽ khóc một mình vào những giờ sáng sớm…”.

Trạng thái buồn bã, mệt lử, khóc trong đau đớn… đã thường xuyên hiện hữu trong suốt ngày tháng bác sĩ Allen Hassan phục vụ tại Việt Nam. Và không những thế, nó đã trở thành cơn ác mộng đeo đuổi và ám ảnh suốt cuộc đời ông cho đến hơn 40 năm sau.

“Trước mặt tôi là khoảng 40 em bé Việt nam đang quằn quại giãy chết. Đa số còn rất bé, đứa lớn nhất có lẽ chỉ chừng năm tuổi. Tất cả các bé đều mang băng buộc cánh tay và đang cố chống chọi với cái chết. Nhiều bé cố cựa quậy chân tay trong khi máu vẫn rỉ ra từ những vết thương tròn, nhỏ trên đầu – những vết thương không được chữa trị, và có thể không còn cứu chữa được nữa. Chúng đã bị bắn ngay vào đầu! Tôi hình dung ngay ra cảnh những em bé này bị sắp thành hàng rồi bị bắn như kiểu hành quyết…”

Đọc những dòng mở đầu tập sách: “ Một buổi chiều tháng năm – Những chiếc cáng chất đầy xác trẻ thơ”, bạn đọc ắt hẳn cũng như tôi, sẽ liên tưởng ngay đến sự kiện thảm sát Mỹ Lai ( Quảng Ngãi) ngày 16/3/1968 ( trước thời điểm thảm sát trẻ em do bác sĩ Hassan kể lại này gần hai tháng) với 500 người đã bị giết chết: “Đàn ông, đàn bà, trẻ em không vũ khí, một số đã bị dồn xuống một hố sâu và bị bắn chết, xác chồng lên nhau”.

Nhân danh một nước lớn, nhân danh cho cái gọi là chủ nghĩa tự do, công lý nhân quyền, nước Mỹ luôn muốn thể hiện vai trò của người đứng ra sắp đặt, dàn xếp trật tự thế giới và sẵn sàng trả đũa, trừng phạt – ngay cả bằng những vụ thảm sát rùng rợn như thế - với những gì gọi là “ lệch chuẩn” theo quan điểm, góc nhìn của chính quyền Mỹ.

Trong những năm tháng chiến tranh và sau khi hòa bình lập lại, tội ác và bài học về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam tiếp tục được che giấu, bưng bít. Và với bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào cố tình điều tra, phanh phui, đưa ra ánh sáng, thì: HÃY COI CHỪNG! Họ phải trả giá bằng những đòn trừng phạt thẳng thừng hay bí mật. Tuy rằng nước Mỹ luôn tự hào về dân chủ, tự do, nhân quyền… song nước Mỹ sẵn sàng lãng quên, xóa bỏ những gì mà họ đã gây ra cho người khác như những tội ác trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Việt Nam, trở về nước, trong nỗi ám ảnh về tội ác do người Mỹ gây ra tại Việt Nam, bác sĩ Allen Hassan đã bền bỉ, liên tục đi tìm công lý, đòi hỏi sự chuộc lỗi, và hành trình này đã gặp nhiều gian truân. Sau cùng, ông dành ra khoảng thời gian ròng rã hơn ba năm với sự hậu thuận của nhiều đồng nghiệp để hoàn thành cuốn sách FAILURE TO ATONE. Nhân danh người Mỹ nhân ái, trung thực, tác giả thay lời sám hối đồng thời cũng là lời kêu gọi nhân loại chống lại bạo lực, chống lại tội ác gây chiến tranh.

Xin được ghi nhận tấm lòng nhân ái và nghĩa cử cao đẹp của bác sĩ Allen Hassan khi ông kêu gọi nước Mỹ phải SÁM HỐI, phải CHUỘC LỖI.

Chỉ bằng những nỗ lực hành động hàn gắn vết thương chiến tranh, xoa dịu nỗi đau của nạn nhân bom mìn và chất độc màu da cam mà Mỹ đã gây ra cho hàng vạn gia đình Việt nam, nước Mỹ mới có thể thoát khỏi nỗi ám ảnh tội ác và “ quả báo nhãn tiền”. Đó chính là thông điệp mà chúng tôi tìm thấy ở sự trung thực, long tự trọng và tấm lòng nhân ái của tác giả FAILURE TO ATONE dành cho đất nước và nhân dân Việt nam mà ông đã từng xem như quê hương thứ hai của mình.

Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách đặc biệt này.

Tiến sĩ QUÁCH THU NGUYỆT

Giám đốc Nhà Xuất Bản Trẻ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx