sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Phụ Lục 2: Nỗi Đau Xuyên Thế Kỷ

Trong suốt một thập kỷ, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong lịch sử loài người tại miền Nam Việt Nam.

Theo số liệu thống kê, trong cuộc chiến tranh hóa học này, khoảng 3 triệu hecta rừng cây và đồng ruộng Việt Nam đã phải hứng chịu khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ và làm rụng lá cây (hay còn gọi là chất khai quang). Cho đến ngày nay, khi mà cuộc chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng hơn 30 năm, nhưng những “cơn mưa hóa chất” do những chiếc máy bay Mỹ phun từ trên trời xuống vẫn để lại hậu quả nặng nề: Cuộc sống của hàng triệu người Việt Nam đã, đang và vẫn sẽ còn bị âm thầm hủy hoại không biết đến bao giờ!

Cuộc sống đã và đang chứng minh một nghịch lý tồn tại trong xã hội ngày nay là nhiều phát minh khoa học, ngay sau khi được ứng dụng để phát triển sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống con người, thì cũng ngay lập tức được nghiên cứu để sử dụng trong các cuộc chiến tranh nhằm hủy diệt con người. Các chất diệt cỏ và làm rụng lá cây không nằm ngoài quy luật nói trên. Trước Việt Nam, hóa chất cũng đã được Mỹ và Anh sử dụng trong Thế chiến thứ II; được Anh sử dụng trong cuộc chiến chống du kích quân ở Malaysia vào những năm 1950, nhưng thực tế đã chứng minh rằng chưa bao giờ trong lịch sử chiến tranh, hóa chất được sử dụng lâu dài như ở Việt Nam.

Từ những năm 1950, chính quyền Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào cuộc chiến ở Đông Dương. Đến năm 1960, trước những thất bại liên tiếp trong âm mưu đàn áp phong trào cách mạng ở miền Nam Việt Nam và trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng ở khu vực này, trong khuôn khổ kế hoạch Staley-Taylor với mục đích bình định miền Nam Việt Nam trong vòng 18 tháng, chính phủ Mỹ với sự đồng ý của chính quyền Ngô Đình Diệm đã ráo riết chuẩn bị cho việc sử dụng chất diệt cỏ và làm rụng lá cây trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Chuyến bay đầu tiên phun chất khai quang dọc theo quốc lộ 14 nằm ở phía Bắc thị xã Kon Tum do máy bay trực thăng H34 thực hiện ngày 10/8/1961. Tuy nhiên, ngày 30/11/1961, Tổng thống Mỹ Kennedy mới chính thức chuẩn y kế hoạch khai quang ở chiến trường miền Nam Việt Nam và phải tới 4 năm sau, vào ngày 20/9/1965, Nhà Trắng mới chính thức thừa nhận việc sử dụng chất khai quang ở chiến tranh Việt Nam. Về phía chính quyền miền Nam Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài tiếng nói Hoa Kỳ ngày 7/3/1962, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã tuyên bố rằng việc rải chất khai quang là phương tiện rất hiệu nghiệm để chống lại chiến tranh du kích của cộng sản.

Thời gian đầu, chính phủ Mỹ muốn né tránh trách nhiệm trong việc dùng chất diệt cỏ trong chiến tranh Việt Nam, nên mặc dù chính máy bay của không lực Mỹ tiến hành các phi vụ rải chất độc hóa học, nhưng thân máy bay lại được sơn cờ của chính quyền Sài Gòn và phi công nhận được lệnh phải mặc thường phục khi bay. Chính phủ Mỹ muốn chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm phải nhận về mình trách nhiệm về việc sử dụng chất diệt cỏ và đã yêu cầu Diệm ra tuyên bố nói rằng các chất này không gây tác hại gì cho sức khỏe con người.

Thời gian đầu (từ năm 1961 đến năm 1964), việc rải chất độc hóa học được tiến hành ở quy mô nhỏ, hạn chế ở dọc các tuyến đường giao thông và quanh các căn cứ quân sự của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Đến những năm 1965-1969, cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã tăng vọt về quy mô và cường độ. Mục tiêu rải mở rộng ra các vùng nghi ngờ có quân giải phóng hoạt động và các khu vực ruộng đồng ở những vùng tranh chấp.

Tạp chí Science số ra ngày 18/8/1967 đã đưa tin: Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố về hóa chất diệt cỏ sử dụng ở Việt Nam đang được tăng cường. Lầu Năm Góc tuyên bố một ký kết cung cấp hóa chất diệt cỏ với 8 công ty Mỹ với tổng số tiền là 57,7 triệu đô-la. Theo thống kê, kinh phí cho chiến dịch này tăng từ 12,5 triệu đô-la trong năm 1966 lên 15,2 triệu đô-la trong năm 1967 và dự chi cho năm 1968 sẽ lên tới 43,4 triệu đô-la. Những công ty cung cấp hóa chất diệt cỏ là Dow Chemical, Diamond Alkali, Uniroyal Chemical, Thompson Chemical, Hercules, Monsanto, Ansul và Thompson Hayward.

Lịch sử đã ghi lại rằng các cuộc phun hóa chất thường được tiến hành vào buổi sáng sớm, khi không khí yên tĩnh hơn nên hóa chất rải rơi đúng địa điểm cần rải mà ít chịu ảnh hưởng của gió. Đến trưa, khi nhiệt độ lên cao nhất trong ngày, hóa chất sẽ phát huy tác dụng tối đa. Thông thường những chiếc máy bay rải chất độc hóa học thường bay thành phi đội gồm 2-3 chiếc. Để tránh hỏa lực từ mặt đất, khi còn xa mục tiêu, chúng bay rất cao, khi tới gần mục tiêu, máy bay đột ngột hạ xuống thấp sát ngọn cây và trong vòng vài phút xả xuống mặt đất toàn bộ số lượng hóa chất qua các vòi phun được thiết kế ở hai bên cánh máy bay.

Hàng chục năm qua, hàng triệu người dân Việt Nam, trong đó đa số là những người dân vô tội sống ở các vùng bị rải chất độc da cam, những cán bộ kháng chiến, bộ đội, thanh niên xung phong đã và đang bị hành hạ bởi những căn bệnh nan y do dioxin - một thành phần hóa học độc hại nhất của chất da cam, gây nên ung thư, dị dạng bẩm sinh, tiểu đường, suy kiệt sức lao động. Nhưng không chỉ những con người trực tiếp đối mặt với chiến tranh phải gánh chịu “nỗi đau da cam”, mà các thế hệ con cháu của họ cũng đang phải gánh chịu nỗi đau này. Họ chính là nhân chứng sống cho những tội ác “da cam” mà quân đội Mỹ gây nên ở Việt Nam.

“Nước Mỹ đã trút xuống (Nam Việt Nam) một lượng hóa chất độc hại tương đương mức bình quân đến 6 pound (gần 3kg) trên đầu người, kể cả phụ nữ và trẻ em.”

Thượng nghị sĩ Mỹ Gaylord Nelson

“The US dropped down (South Vietnam) with a volume of toxic chemicals equivalent to average level up to 6 pounds (nearly 3kgs) per head, including the women and the children.”

US Senate Gaylord Nelson

Mặc dù cuộc chiến tranh tàn khốc mà Mỹ gây ra ở Việt Nam đã chấm dứt cách đây hơn 30 năm, nhưng nỗi đau dai dẳng mà chất diệt cỏ đựng trong những chiếc thùng chứa được đánh dấu bằng những băng sơn màu da cam gây nên vẫn từng ngày từng giờ hủy hoại cuộc sống của nhiều người Việt Nam. Thực tế đang chứng minh lời nhận định cho rằng Việt Nam giống như một phòng thí nghiệm, nơi mà người ta có thể nhận biết được sự tàn phá của dioxin vẫn đang còn tiếp diễn chậm chạp.

Nếu tính toán chính xác thì chất độc hóa học mà Mỹ rải xuống Việt Nam đã qua một khoảng thời gian hơn 40 năm. Trong thời gian đó, nhiều nạn nhân đã qua đời và nhiều người trong số những nạn nhân chúng ta được biết hiện nay là những nạn nhân thế hệ thứ hai, thứ ba – con cháu của những người trực tiếp nhiễm chất độc da cam mà trong đó, dioxin là chất độc nhất trong số các chất độc mà con người đã tìm ra từ trước đến nay. Ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam. Đây là những người chủ yếu sống tập trung tại các tỉnh dọc đường Trường Sơn và sát biên giới với nước láng giềng Campuchia, nơi trước kia từng hứng chịu nhiều nhất lượng chất độc hóa học mà quân đội Mỹ rải xuống. Giờ đây, hàng triệu nạn nhân cùng con cháu họ đang phải sống cuộc đời bệnh tật, nghèo khó do di chứng của chất độc da cam.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, các nạn nhân chất độc da cam mang trong mình khoảng 35 căn bệnh khác nhau. Kết quả điều tra trên 92 phụ nữ đã có con tại tỉnh Đồng Tháp do một nhóm chuyên gia y học Nhật Bản tiến hành đã cho thấy một sự thật đáng sợ: Đến năm 1970, tỉ lệ đẻ con dị tật là 0%, nhưng đến những năm 1971-1975, tỉ lệ đẻ con dị tật là 6%, những năm 1976-1980 là 15,7%. Tỉ lệ này tăng lên 19,6% trong những năm 1981-1985 và trong thời kỳ 1986-1988 tỉ lệ đẻ con dị tật đã lên tới mức đáng sợ - 30,3%. Kết quả điều tra cho thấy trẻ dị tật là những trường hợp trẻ đẻ ra không có não, thân dính liền nhau, dị dạng về chi, không có nhãn cầu, hở hàm ếch. Ngoài ra, có nhiều trường hợp các bà mẹ đẻ non, sẩy thai, thai chết lưu. Đề cập di chứng chất độc da cam, giáo sư Lê Cao Đài - Giám đốc điều hành Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam, cho biết: Chất dioxin có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ ba. Theo điều tra mới đây, mỗi năm ở Việt Nam có 1/1000 trẻ em sinh ra bị dị tật.

Nếu có dịp tới thăm những gia đình bị đeo bám bởi “nỗi đau da cam”, chắc hẳn không ai có thể cầm lòng trước những đứa trẻ hình thù dị dạng, trước những ông bố bà mẹ đang phải từng ngày từng giờ vật lộn với nghèo khó để duy trì cuộc sống với những vết thương nhức nhối cả về tâm hồn và thể xác. Phần lớn những gia đình nạn nhân chất độc da cam là những gia đình ở trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, là những người nghèo khổ nhất trong số những người nghèo khổ. Hầu như tất cả họ chỉ có mong muốn thật giản đơn là làm sao con cái mình sinh ra lành lặn như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng ước mơ đơn giản đó đối với họ quá xa vời. Chất độc da cam như sợi dây vô hình đang trói chặt bao thế hệ người Việt Nam - nạn nhân chất độc da cam, với một tương lai mờ mịt không lối thoát. Họ đang sống đó, nhưng cuộc sống của họ được ví như địa ngục trần gian khủng khiếp và cuộc sống ấy còn đáng sợ hơn cả cái chết.

Ở Việt Nam có biết bao nhân chứng sống cho vụ kiện của Hội Nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam đối với các công ty sản xuất chất độc hóa học của Mỹ. Nhiều bà mẹ cùng những đứa con dị dạng phải sống trong tuyệt vọng, nhiều nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam đang phải sống cuộc sống thực vật đơn thuần không thể nhận biết được thế giới xung quanh, nhiều đứa trẻ mang dị tật bẩm sinh đang lặng lẽ khóc thầm trong cô đơn bởi hình hài không ra con người của mình.

Đã 10 năm nay “nỗi đau da cam” đã đè nặng lên cuộc sống của chị Nguyễn Thị Nhung ở xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Kết quả năm lần sinh nở của chị là năm đứa con với dị tật bẩm sinh. Hiện chồng chị – người bị nhiễm chất độc da cam, đang bị bại não và nằm liệt một chỗ. Giờ đây, gánh nặng cuộc sống đang đè nặng lên vai người phụ nữ cô đơn này. Bệnh tâm thần của ba đứa con còn sống sót ngày càng trầm trọng, chúng không thể kiểm soát được hành vi của mình, lên cơn điên chúng đánh cả bố mẹ. Các thành viên trong gia đình chỉ còn trông chờ vào chị Nhung - người đàn bà đang một mình vật lộn với số phận trớ trêu, đau khổ. Cuộc đời chị Nhung chỉ là một trong số nhiều ví dụ về những cuộc đời bất hạnh “nhuốm màu da cam” đáng sợ.

Đối với bất cứ quốc gia nào, thế hệ trẻ là thế hệ xây dựng tương lai của quốc gia đó. Nhưng chất độc da cam đang giết dần giết mòn không ít thành viên của các thế hệ tương lai ở Việt Nam. Chuyện về cô bé Trương Thị Sen (tỉnh Nghệ An) “đi bằng tay” đã vượt hàng ngàn cây số để đến trường, chuyện về cô gái tật nguyền Hoàng Lan Hương (tỉnh Tuyên Quang) phải sống chung thân với chiếc xe lăn đã vượt lên tật nguyền để tự học, tự xoa dịu “nỗi đau da cam” của bản thân và gia đình, chuyện về Kẹo – cậu bé tàn tật với sạp báo trên xe lăn đang khiến cho bao người bùi ngùi xúc động. Đó là những tấm gương vượt lên số phận của những nạn nhân chất độc da cam, nhưng còn biết bao nạn nhân khác đang trong hoàn cảnh không lối thoát. Nỗi đau da cam vẫn ngày đêm giày vò hàng triệu gia đình Việt Nam.

Bao nhiêu người đã phải ra đi, bao nhiêu người vẫn phải ở lại chống chọi với bệnh tật và bao nhiêu người nữa sẽ lại phải đầu thai với nỗi đau da cam? Đó là những câu hỏi không thể tìm thấy câu trả lời. Vậy mà, như lời Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân – nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, những kẻ gây nên tội ác đến nay vẫn còn lảng tránh, không nhìn nhận nghiêm túc tội lỗi của mình trước bao nhiêu số phận đau thương của các nạn nhân. Hy vọng, vụ kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đối với các công ty sản xuất vũ khí hóa học của Mỹ sẽ thu được kết quả để góp phần làm vơi bớt “nỗi đau da cam” mà những nạn nhân đang phải gánh chịu.

Lương tri thức tỉnh

Vào những năm 40 của thế kỷ XX, chất làm rụng lá, thuốc diệt cỏ được phát minh. Nó đã góp phần thúc đẩy các cuộc cách mạng xanh phát triển. Đói kém, khan hiếm lương thực - nỗi lo triền miên từ bao đời nay của các quốc gia, các dân tộc trên thế giới đứng trước viễn cảnh sẽ được khắc phục. Nhân loại khấp khởi vui mừng và mong đợi.

Nhưng người được hưởng lợi trước nhất, nhiều nhất không ai khác ngoài các nhà sản xuất chất làm rụng lá và thuốc diệt cỏ. Hàng hóa của họ tràn ngập thị trường. Các công ty hóa chất Hoa Kỳ (công ty HCHK) nhanh chóng trở thành các công ty giàu mạnh của nước Mỹ. Đã giàu lại càng giàu thêm, khi vào những năm 60 của thế kỷ trước, các công ty này được chính phủ Hoa Kỳ đặt mua một lượng lớn chất khai quang, diệt thực vật để sử dụng trong chiến tranh hóa học (CTHH) tại miền Nam Việt Nam.

Tội ác lớn nhất, bi kịch thảm khốc nhất đối với môi trường, sinh thái, con người, động vật, thực vật ở miền Nam Việt Nam bắt đầu từ thời điểm này.

Chất làm rụng lá, thuốc diệt cỏ phải được sản xuất theo một quy trình công nghệ nghiêm ngặt thì không có tạp chất dioxin. Để làm ra một mẻ sản phẩm không có dioxin thì thời gian phản ứng hóa học phải không dưới 12 - 13 giờ. Nhiệt độ chưng cất không được cao quá 88,8 độ C. Thời gian phản ứng càng ngắn, nhiệt độ chưng cất càng cao thì hàm lượng dioxin trong sản phẩm càng nhiều. Vì muốn có nhanh, có nhiều sản phẩm bán cho Chính phủ, các công ty HCHK đã tăng nhiệt độ lên 277,7 độ C. Thời gian phản ứng cho một mẻ sản phẩm rút xuống còn 8 phút. Sản phẩm của họ có hàm lượng dioxin cao hơn hàng chục lần so với ngưỡng đảm bảo an toàn. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, các công ty HCHK đã bán một lượng hóa chất có 170 kg dioxin để sử dụng trong cuộc CTHH ở miền Nam Việt Nam.

Theo Giáo sư Jeanne Mager Stellman (Trường Đại học Tổng hợp Columbia), con số là 366 kg. Về mặt lý thuyết, chỉ cần một thìa cà phê dioxin có thể gây chết chóc cho một thành phố có 8 triệu dân. Không cần số lượng nhiều hơn, chỉ với 170 kg là quá dư thừa để gây chết chóc cho cả nhân loại sống trên trái đất này. Sản phẩm làm ra càng nhanh, càng nhiều, thì lợi nhuận của họ càng cao. Lợi nhuận của các công ty HCHK tăng 1, thì mức độ nguy hiểm do họ gây ra cho nhân loại tăng lên gấp 10, gấp 100, gấp 1.000 lần. Chỉ có Chúa mới biết được quy mô, mức độ, thời gian của hậu quả do chất độc dioxin gây ra cho môi trường, sinh thái và sự sống của muôn loài. Trước và trong quá trình sản xuất theo đơn đặt hàng của Chính phủ Mỹ, các công ty HCHK đã biết rõ tính độc của dioxin mang tính hệ thống. Họ cũng đã biết cách loại bỏ dioxin ra khỏi sản phẩm. Họ biết rõ là sản phẩm của họ được dùng cho cuộc CTHH chống lại nhân dân miền Nam Việt Nam. Nhưng vì sợ bị cắt bỏ hợp đồng, họ cố bưng bít những gì họ biết, họ làm. Mỗi một đồng đô-la lợi nhuận của họ thấm đẫm máu, xương đồng loại.

Mối đe dọa đối với nhân loại sẽ lớn hơn, hiện hữu hơn, khi còn nhiều người trên thế giới chưa biết được tội ác về sản xuất chất độc da cam/dioxin của các công ty HCHK. Nhiều năm sau khi chiến tranh ở Việt Nam chấm dứt, hậu quả khôn lường của loại vũ khí hóa học đó mới dần dần bộc lộ. Nhiều cánh rừng nguyên sinh, nhiều cánh rừng ngập mặn của Việt Nam nay không còn nữa. Không một tiếng chim kêu. Không một chiếc lá lay động. Không một bóng dáng của sự sống. Môi trường bị hủy hoại. Sinh thái mất cân bằng. Nhiều triệu người gồm nhiều quốc tịch, màu da khác nhau bị phơi nhiễm chất da cam trong chiến tranh ở Việt Nam đã mắc phải nhiều bệnh nan y. Họ sống trong đau đớn không giới hạn và nghèo khổ tận đáy. Cái chết từ từ đến mà họ không có cách gì thoát ra được. Không có gì là quá đáng nếu như xếp chất độc da cam/dioxin là vũ khí giết người hàng loạt.

Tương lai loài người sẽ ra sao, môi trường sống của nhân loại sẽ như thế nào khi thảm họa về dioxin không được cảnh báo đầy đủ, khi chưa có một sức mạnh của Cộng đồng quốc tế, của Thần Công lý ra tay ngăn chặn những thủ đoạn làm giàu bất chính, bất nhân của các công ty HCHK.

Cách đây vừa đúng 230 năm, Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ (1776) long trọng tuyên bố: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Quyền được sống là quyền trước tiên. Quyền được sống bị tước đoạt một cách phi pháp thì nói đến hàng trăm, hàng nghìn quyền khác của con người là điều vô nghĩa, là đạo đức giả. Chất độc da cam/dioxin là kẻ sát thủ giấu mặt và tàn bạo nhất đối với quyền được sống của con người. Các công ty HCHK là những kẻ vi phạm quyền con người một cách lạnh lùng, vô cảm. Nhân dân Việt Nam không phản đối hoạt động ứng dụng thành tựu khoa học vào công việc làm giàu của họ. Các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đấu tranh để đòi Công lý. Các nạn nhân Việt Nam đòi các công ty HCHK phải bồi thường tất cả thiệt hại và đòi Chính phủ Mỹ phải cùng với Chính phủ Việt Nam tiến hành các hoạt động cụ thể nhằm khắc phục hậu quả của cuộc CTHH mà họ đã tiến hành ở Việt Nam.

Trong cuộc đấu tranh đòi Công lý, giành quyền được sống với đầy đủ nội dung của quyền này, các nạn nhân Việt Nam không đơn độc. Làm gì để tội ác của hôm qua, bi kịch của hôm nay không còn lặp lại? Đó là nhiệm vụ không phải của riêng ai.

Bài phát biểu của Tổng thống Bill Clinton trong buổi họp báo tại nhà trắng

Ngày 28 tháng 5 năm 1996 (trích)

… Hôm nay là một ngày rất quan trọng đối với nước Mỹ để tiến thêm một bước làm giảm nhẹ những đau thương mà đất nước chúng ta đã vô tình gây nên cho những người con của mình khi buộc họ tiếp xúc với chất da cam ở Việt Nam. Hơn hai thập kỷ qua, các cựu chiến binh đã than phiền rằng việc tiếp xúc với chất da cam trước khi họ rời chiến trường đang giết dần giết mòn họ và thậm chí tổn thương đến con cái của họ.

Trong nhiều năm, chính quyền đã không lắng nghe những lời than phiền này. Với những bước tiến hành từ năm 1993, và bước tiến quan trọng chúng ta đạt được hôm nay, chúng ta đã chứng minh rằng nước Mỹ có thể lắng nghe và hành động.

Tôi xin tuyên bố từ nay các cựu chiến binh tiếp xúc với chất da cam bị các loại ung thư: ung thư tiền liệt tuyến, rối loạn thần kinh, bệnh thần kinh ngoại vi sẽ được hưởng trợ cấp thương tật. Chính phủ cũng sẽ đề nghị với Quốc hội trợ cấp cho con các cựu chiến binh bị dị tật bẩm sinh gai đôi. Đây sẽ là lần đầu tiên các con cựu chiến binh cũng được hưởng trợ cấp do bệnh tật của người cha đã phục vụ chiến trường.

Từ ngày đầu, chúng ta đã cố gắng nhiều để tìm câu trả lời về các hậu quả do chất da cam, các hóa chất diệt cỏ khác dùng để hủy diệt cây cối trong chiến tranh Việt Nam. Một lần trước đây chúng ta đã có câu trả lời cho vấn đề này, chúng ta đã tìm những biện pháp thực tế nhất để làm giảm những đau thương mất mát của những người đã hy sinh rất nhiều cho đất nước.

Ngay sau khi tôi nhậm chức, Viện Hàn lâm khoa học đã công bố một công trình nghiên cứu về tác hại lâu dài của chất da cam đối với sức khỏe con người. Bộ Cựu chiến binh, dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Brown, đã nhanh chóng bồi thường và điều trị cho các cựu chiến binh bị các loại bệnh do chất da cam gây ra được Viện Hàn lâm thừa nhận.

Sau đó, chúng ta bổ sung thêm hai loại bệnh: bệnh Hodgkin và bệnh gan vào danh sách các loại bệnh được thừa nhận do tiếp xúc với chất da cam. Tiếp theo, Bộ trưởng Brown đã nghiên cứu kỹ lưỡng hơn các chi tiết trong báo cáo của Viện Hàn lâm khoa học. Theo đề nghị của ông ấy, tôi đồng ý trợ cấp cho các cựu chiến binh bị ung thư đường hô hấp và đau tủy. Cuối cùng, chúng tôi đã yêu cầu Viện Hàn lâm khoa học chú ý tới sự liên quan của chất da cam với các loại bệnh khác, bao gồm ung thư tiền liệt tuyến, bệnh thần kinh ngoại vi và dị tật gai đôi ở các con của các cựu chiến binh Việt Nam.

Buổi họp báo hôm nay công bố những kết quả nghiên cứu gần đây nhất của Viện Hàn lâm khoa học.

Tôi xin hoan nghênh Viện Hàn lâm khoa học và Viện Y học trong cố gắng to lớn của họ phục vụ cho các cựu chiến binh. Họ đã tập hợp được những nhà khoa học và các bác sĩ giỏi nhất của Mỹ trong việc tìm câu trả lời cho câu hỏi khó khăn về tác hại của chất da cam. Quan trọng nữa là họ đã tạo điều kiện cho các cựu chiến binh tham gia ý kiến vào các công trình nghiên cứu. Tôi cũng hoan nghênh quyết tâm của Bộ trưởng Brown, người đã nhiều lần biến các kết quả nghiên cứu thành hành động cụ thể, đây là cống hiến lớn lao của ông trong lĩnh vực chất da cam.

Sự việc này chứng tỏ đất nước ta có thể đối mặt với hậu quả của những hành động mà chúng ta đã làm và chúng ta dám chịu trách nhiệm về những tổn hại đó, thậm chí do vô tình gây ra…

Danh mục các loại bệnh do chất đôc da Cam/Dioxin

(Do Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NAS) thừa nhận năm 2000)

1- Những bệnh có đủ bằng chứng là do tiếp xúc với chất độc da cam/dioxin:

- Ung thư tổ chức phần mềm (Soft - tissue sarcoma)

- U lymphô ác tính (Non - Hodgkin’s lymphoma)

- Bệnh Hodgkin - Bệnh sạm da (Cloracne)

2- Bệnh có bằng chứng hạn chế là do tiếp xúc với chất độc da cam/dioxin:

- Ung thư đường hô hấp bao gồm: Ung thư phổi, phế quản, khí quản, thanh quản

- Ung thư tiền liệt tuyến (Prostate cancer)

- Bệnh đa u tủy (Multiple myeloma)

- Bệnh thần kinh ngoại vi cấp và bán cấp tính

- Bệnh nhiễm Porphyrin - da chậm (Porphyrin cutanea tarda)

- Bệnh tiểu đường (Diabetes)

- Hai loại dị tật bẩm sinh ở con cái các cựu chiến binh là: gai đôi và bệnh bạch cầu cấp tính (Spina Bifida và Acute myelogenous leukemia).

Thông điệp của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nhân gởi Tổng thống Bill Clinton (trích)

Ngày 18 tháng 11 năm 2000

Kính gởi Ngài Tổng thống.

…Tôi viết thư này vì trong buổi gặp Ngài không thể nói hết được mọi điều cần thiết. Được Ngài tiếp tuy thời gian hạn hẹp là một may mắn và vinh dự cho tôi.

Hôm nay, tôi đề nghị Ngài quan tâm giải quyết một vấn đề nhân đạo rất lớn ở Việt Nam. Đó là giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Kèm theo thư này là một số tài liệu làm bằng chứng (ảnh, băng video, sách). Chúng tôi có sự hợp tác chặt chẽ với Giáo sư A. Schecter ở Đại học Texas trong lĩnh vực này.

Tôi tin rằng Ngài rất hiểu vấn đề này vì Ngài đã quyết định giải quyết vấn đề các nạn nhân chất độc da cam trong số các cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam trở về. Tôi đã được đọc bài phát biểu của Ngài tại Nhà Trắng ngày 28 tháng 5 năm 1996.

Nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam rất đông, tình trạng sống của họ rất thảm thương. Điều đáng ngại là chất độc da cam đã tác hại tới đời con, đời cháu của họ. Mọi người, trong đó có nhiều người Mỹ tới thăm họ, đều đã rất xúc động.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã lập Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, có chi nhánh ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế thông cảm với Việt Nam đã ra lời kêu gọi giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam gửi tới các Hội Chữ thập đỏ quốc gia. Đáng mừng là Hội Chữ thập đỏ Mỹ, Quỹ Ford đã hưởng ứng, nhiều tổ chức nước ngoài cũng ủng hộ chúng tôi. Nhưng khả năng hiện nay so với nhu cầu còn rất xa.

Tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề nhân đạo, không phải chỉ của riêng Việt Nam, mà còn là vấn đề lương tâm và trách nhiệm của mọi người.

Tôi trân trọng đề nghị Ngài, đặc biệt với tư cách là một người đã không đồng tình việc tiến hành chiến tranh ở Việt Nam và đã thực hiện một số chính sách hữu nghị với Việt Nam về vật chất cũng như về tinh thần để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ nên giúp đỡ Việt Nam tẩy độc những vùng còn tồn đọng chất da cam đang tiếp tục tác hại tới cuộc sống nhân dân vô tội.

Tôi nghĩ rằng cần có sự hợp tác nghiên cứu của các nhà khoa học nhiều nước trong lĩnh vực này nhằm phòng ngừa tác hại di truyền qua thế hệ sau, phát hiện và chữa các tổn thương do chất da cam gây ra. Không thể đồng tình với quan điểm nghiên cứu khoa học trước, rồi mới giúp nạn nhân sau.

Hàng ngày có nạn nhân da cam chết trong đau khổ và đầy lòng oán trách. Hàng ngày có thêm các trẻ em vô tội trở thành nạn nhân chất độc da cam. Do đó cần phải tiến hành cùng lúc ba việc: giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, tẩy độc môi trường và nghiên cứu khoa học.

Thưa Ngài Tổng thống! Tôi viết bức thư này trong khi chờ đợi buổi tiếp kiến Ngài. Nếu hôm nay vì quá bận, Ngài không dành được thời gian gặp tôi, xin Ngài hiểu rằng đây là tấm lòng của Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gởi tới Ngài - người đỡ đầu Hội Chữ thập đỏ Mỹ. Tôi viết những dòng này với niềm tin và hy vọng vào sức mạnh của nhân đạo…

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trọng Nhân (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam)

Thư trả lời của Tổng thống Bill Clinton gửi Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nhân

Ngày 12 tháng 2 năm 2001

Thưa giáo sư Nguyễn Trọng Nhân

Tôi rất vinh dự được sang thăm Việt Nam và chuyến thăm đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc.

Cám ơn bức thư đầy xúc động của Ngài, bày tỏ tâm huyết với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Tôi xin chia sẻ với Ngài mối quan tâm lo lắng về những khó khăn bệnh tật và tâm lý mà các nạn nhân đang phải đối mặt. Tôi đồng ý rằng cần thiết phải làm cùng lúc nghiên cứu khoa học và nỗ lực trợ giúp nhân đạo của cả hai nước chúng ta. Tôi ca ngợi sự nghiệp khó khăn và sự cống hiến của Ngài trên cương vị là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Xin cám ơn Ngài về cuốn phim tư liệu, quyển sách “Chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam” và cuốn album ảnh đặc biệt về các nạn nhân chất độc da cam. Ngài đã trao tặng món quà đặc biệt đó cho tôi và tôi đánh giá cao nghĩa cử của Ngài.

Trân trọng Bill Clinton

Lời kêu gọi của Hội nghị quốc tế nạn nhân chất da Cam/dioxin Hà Nội

Chúng tôi, những nạn nhân chất độc da cam/dioxin và những hóa chất độc hại khác cùng với những người ủng hộ và các nhà khoa học từ các nước: Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Đức, Anh, New Zealand, Nga, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Việt Nam đến tham dự Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam/dioxin tổ chức tại Hà Nội --Việt Nam vào các ngày 28-29 tháng 3 năm 2006, xin gửi Lời kêu gọi sau đây đến cộng đồng quốc tế:

Chúng tôi thảo luận về những tác động của chất độc da cam chứa dioxin và những hoạt chất độc hại khác đến cuộc sống, sức khỏe và nỗi thống khổ của những người bị nhiễm chất độc. Trên cơ sở những ý kiến trao đổi, chúng tôi thống nhất khẳng định những nội dung sau đây:

1/ Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, các công ty hóa chất Hoa Kỳ đã cung cấp hàng chục triệu lít hóa chất độc hại núp dưới tên gọi là khai quang hoặc chất diệt cỏ cho quân đội Mỹ sử dụng. Nhiều hóa chất trên chứa hàm lượng dioxin cao. Đó là một chất cực độc.

2/ Những chất độc hóa học đó đã tàn phá môi trường, hủy hoại hàng triệu héc-ta rừng, gây mất cân bằng sinh thái, gây tổn thất rất lớn về tài nguyên gỗ, nhiều loài động vật cũng như nhiều loài thực vật rừng quý giá bị tiêu diệt. Do đó, thiên tai như lũ lụt, xói mòn, hạn hán ngày càng thường xuyên hơn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp, nguồn sống chủ yếu của nhân dân miền Nam Việt Nam.

3/ Tuy nhiên, hiệu ứng tồi tệ nhất của những hóa chất độc hại này chính là tác hại đến sinh mạng và sức khỏe của tất cả những ai bị phơi nhiễm.

Nạn nhân của chất da cam/dioxin và các chất độc hại bao gồm:

a) Hàng triệu người Việt Nam đã và đang sống tại quê hương của mình, những người trong lực lượng vũ trang giải phóng, và cả những người làm việc cho chính quyền và quân đội Sài Gòn cũ - một đồng minh của Mỹ lúc đó.

Nhiều cuộc điều tra, nhiều công trình nghiên cứu khoa học (thường có sự tham gia của các nhà khoa học nước ngoài và Mỹ) đã cho thấy các nạn nhân Việt Nam phải chịu đựng rất nhiều bệnh tật nặng nề (nhiều hơn danh sách các bệnh tật có liên quan với chất độc da cam/dioxin do Viện Y học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ công bố vào những năm 1994-1995). Ngoài ra, nhiều nạn nhân nữ còn bị những tai biến sinh sản. Nhiều người bị tước đi năng lực sinh con và hạnh phúc làm mẹ. Tuy nhiên, điều đau đớn nhất là chất độc da cam/dioxin còn tác hại đến cả thế hệ con, cháu của nạn nhân. Nhiều cháu sinh ra không hề biết chiến tranh là gì nhưng đã phải mang hình hài đầy dị tật khiến cho các cháu không bao giờ được hưởng hạnh phúc đơn giản nhất là được sống như một người bình thường!

Vì những lý do đó, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin và gia đình họ là những người nghèo khổ nhất, bất hạnh nhất của xã hội. Hàng vạn người đã chết mà không được hưởng công lý cho bản thân và gia đình của mình.

Thực tế, số nạn nhân ở Việt Nam đông và mắc nhiều bệnh tật nặng cũng dễ hiểu vì họ đã và đang sống trong những vùng bị rải chất độc da cam/dioxin.

b) Hàng chục vạn binh lính, sĩ quan đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand cũng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong khi tham chiến tại Việt Nam. Họ cũng mắc nhiều bệnh tật trầm trọng và do đó gây ra bao đau thương cho vợ con và những người thân. Một số nước đã thừa nhận những tác động về sức khỏe của chất da cam/dioxin cũng như các chất độc hóa học khác và đã dành trợ cấp y tế, các hình thức đối xử khác cho các nạn nhân bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân khác vẫn chưa được hưởng và vẫn còn phải đấu tranh để được thừa nhận, được trợ cấp và giành công lý.

c) Ngoài những người bị tác động bởi chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, còn có những người ở Gatetown, Canada và một số nước khác cũng liên hệ thấy những bệnh tật của mình do chất độc da cam/dioxin gây ra khi quân đội Mỹ nghiên cứu sử dụng tại đó nhiều năm trước đây. Hoàn cảnh của họ cũng tương tự như những người Việt Nam và các nạn nhân khác, vì thế họ cũng đến dự Hội nghị Quốc tế nạn nhân chất độc da cam/dioxin này để tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân trong cuộc đấu tranh vì công lý.

Vì nhiễm chất độc da cam/dioxin và các chất độc hại khác mà sức khỏe nhiều người bị tổn thương, nhiều người đã chết, gia đình mất hạnh phúc và phải sống trong nghèo khổ, thiếu thốn vì con cháu họ bị tàn phế, không nơi nương tựa khi ốm đau, già yếu. Việc sản xuất và sử dụng các chất độc kể trên là vi phạm luật pháp quốc tế.

4/ Chúng tôi rất không đồng tình với kết luận của ông Thẩm phán Jack Weistein đã bác đơn kiện của các nạn nhân Việt Nam vì đã không còn tôn trọng công lý và thực tế rất rõ ràng ở Việt Nam.

5/ Chúng tôi, những nạn nhân chất độc da cam/dioxin cùng với những người ủng hộ chúng tôi khẳng định cam kết đoàn kết hành động, không phân biệt màu da hoặc chính kiến, đòi các công ty hóa chất Mỹ phải đền bù theo đúng trách nhiệm như luật pháp quy định.

6/ Chúng tôi ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân Việt Nam cho đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc đấu tranh của họ vì công lý.

Chúng tôi chào mừng thắng lợi bước đầu của các nạn nhân Hàn Quốc và tiếp tục ủng hộ họ đến thắng lợi cuối cùng. Chúng tôi ủng hộ cuộc đấu tranh vì công lý của các cựu chiến binh Hoa Kỳ, Úc, New Zealand.

Chúng tôi cũng ủng hộ các nạn nhân da cam/dioxin ở Canada và các nước khác trong cuộc đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng của mình.

7/ Chúng tôi yêu cầu chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả của các chất độc hóa học.

8/ Chúng tôi kêu gọi các chính phủ Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Hoa Kỳ phải có chính sách thỏa đáng đối với các nạn nhân của nước mình và ủng hộ các nạn nhân Việt Nam.

9/ Chúng tôi kêu gọi các chính phủ, các tổ chức quốc tế và quốc gia, các tổ chức phi chính phủ ủng hộ vật chất và tinh thần cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam và giúp Việt Nam khắc phục những hậu quả nặng nề của các chất độc hóa học.

Nỗi đau và nỗi khổ này không của riêng ai.

Cuộc đấu tranh vì công lý này là vì toàn thế giới, vì các thế hệ tương lai và vì hành tinh trái đất lành mạnh của chúng ta.

Hà Nội, ngày 29 tháng 3 năm 2006

- HẾT -


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx