sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 6: Thái Nguyên Những Chuyến Đi Bắt Đầu

Cuộc đời tôi từ nhỏ luôn gắn liền với chiếc xe lăn, không thể nào thoải mái đến những nơi bản thân tôi muốn đi được, chỉ biết ngồi một chỗ, ai bế đi đâu thì đi, đó là hình ảnh minh chứng rõ nét nhất của câu nói "Đặt đâu ngồi đấy". Trong những suy nghĩ non dại nhất, tôi vẫn có thể tưởng tượng ra niềm vui nếu có thể đi bằng đôi chân một cách bình thường như bao người khác. Dần dần nó trở thành một ước mơ của tôi, cái ước mơ khi lớn lên sẽ phải đi thật nhiều, sẽ đến bất kỳ chỗ nào tôi thích. Cảm giác thất bại nặng nề là khi những người xung quanh luôn phải xem xét tình trạng sức khỏe của mình để đưa ra quyết định rằng có làm việc này, việc kia hay không. Những điều đó đã hun đúc, đã tạo ra trong tôi khát khao chinh phục quá lớn và nhất định phải có một hành động nào đó để bắt đầu cho thử thách số phận này, do đó tôi ghét tôi bất động trong khi mọi thứ đang chuyển động, tôi ghét tôi tụt về phía sau so với người khác, nói chung tôi ghét ngồi một chỗ.

Có những ngày tháng tôi thấy cuộc đời mình thật bế tắc, cứ thụt lùi mãi về phía sau, nhiều lúc ngồi một mình thấy sao mình vô dụng quá, mình chả làm được gì có ích cho bố mẹ, mình là đứa vô tích sự, tôi cần phải đi đâu đó thoát khỏi Hà Nội, thoát khỏi sự dẫm chân này. Cũng may đợt bế tắc đó, câu lạc bộ Tháng Năm hay tổ chức những chuyến đi tình nguyện ở những vùng xa như Thái Nguyên, Hà Giang, Sapa… nên tôi hăng hái đăng kí đi theo. Công việc tình nguyện, giúp đỡ các em nhỏ và đồng bào thiểu số cần những người có sức khỏe còn tôi thì… nên chả ai trong Câu lạc bộ đồng ý cho tôi đi. Tôi phải năn nỉ đủ mọi cách, chỉ thiếu nước viết thư máu để xin, sau hồi nghe tôi ỉ ôi, cuối cùng mọi người cũng đồng ý, tôi còn phải cam kết “nếu em không theo được đoàn, thì em sẽ tự tìm cách trở lại, sẽ không phiền gì mọi người cả”.

Nơi tôi đến trong chuyến tình nguyện xa đầu tiên đó là xã Thượng Nung, Thái Nguyên - một xã vùng núi thuộc dạng nghèo nhất tỉnh Thái Nguyên. Đêm trước chuyến đi tôi hồi hộp và háo hức không thể nào chợp mắt được, 4 giờ sáng lục đục ra khỏi nhà độ khoảng 20m, do trời tối, xe lăn của tôi vấp phải ổ gà, tôi bị bắn ra khỏi xe, nhưng đúng là trời thương nên tôi không bị làm sao cả chứ như trước kia có lẽ tôi đã vào viện vì bị gãy xương rồi. Tôi tiếp tục lại trèo lên xe lăn và đến chỗ tập kết tại Đào Tấn, 6 giờ xe rời khỏi Hà Nội.

Đường vào đến Thượng Nung ngày đó người ta đang chuẩn bị làm đường nên rất sình lầy, đầy rẫy ổ voi, ổ trâu, phải mất đến tận 4-5 giờ đồng hồ mới tới nơi, mà nào có đến được điểm tập kết (trường tiểu học Cây Thị), cả đoàn phải dừng cách đó 5 km để đi bộ vào. Mọi người đi bộ mất 2km mới vượt qua hết chỗ sình lầy, đường khó nên mọi người giúp tôi đẩy xe lăn để đi nhanh. Một “thằng” nài nỉ đi, đã phải cam kết miệng sẽ không làm phiền cả đoàn vậy mà giờ đây mọi người phải giúp. Dù tôi từ chối sự giúp đỡ của mọi người thế nào cũng không được, tôi muốn tự đi để xem giới hạn của bản thân là bao nhiêu nhưng không ai đồng ý, phải đợi đến lúc anh Ngọc đứng ra nói hộ mọi người mới để tôi tự đi. Anh Ngọc chính là người đầu tiên giúp đỡ tôi ở Hà Nội, tôi coi anh như anh ruột của mình, anh là người hiểu tôi có thể làm được gì, sức khỏe của tôi ra sao chỉ sau những người trong gia đình tôi.

Hơn 2 km đánh vật với bùn đất, xe lăn của tôi và cả chân tay tôi bê bết bùn đất, lấm lem, vai và các cơ bắp mỏi nhừ, chân đau nhức vì phải dùng tất cả mọi thứ đẩy cái xe đi, có lúc còn bị lún bánh, phải cố gắng lắm để không lật xe và thoát ra khỏi đó. Bạn nào biết tôi sẽ biết cách tôi lăn xe ra sao... Do tay và chân tôi cũng yếu nên để di chuyển xe lăn thì tôi dùng đến cả tay và chân, tay để lăn bánh xe còn chân thêm lực vào ủn cái xe đi. Tiến từng bước một cách chậm rãi và cẩn thận hết mức có thể.

Qua được đoạn đường đó thì đến một con suối. Đối với một đứa sống ở tỉnh gần biển thì việc được đặt chân lên một con suối thật mới lạ, thích thú. Cái cảm giác chân chạm vào dòng nước mát lạnh, mọi thứ đau đớn như tiêu tan, cả đời tôi có lẽ sẽ không bao giờ quên. Rửa ráy chân tay xong, tôi vội đuổi theo đoàn vì mọi người đã đi cách tôi khá xa, thêm một cái may nữa, đoạn đường phía sau chủ yếu là đường đất bằng phẳng, chưa được trải nhựa nhưng như thế là quá tốt rồi, nó sẽ giúp tôi lăn xe nhanh hơn và đuổi kịp cả đoàn.

Trời lúc đó khoảng 11h trưa và không nóng lắm. Cảm giác một mình đi giữa đường, hai bên là ruộng ngô thú vị đến không ngờ. Nơi này vừa có chút dáng dấp của quê tôi với hai bên đường tràn ngập những cây lúa trổ bông và những cây thuốc lào xanh rì, vừa là một thế giới mới khác lạ, rất lạ. Tôi tự nhiên bỗng thành “ông chủ” của thiên nhiên, của thế giới này, của những bình yên này... Con người mà, đặt chân đến những vùng đất mới bao giờ cũng có những cảm xúc mà chả bao giờ nói được lên lời. Với tôi những chuyến đi như vậy vừa giúp tôi giải tỏa tâm trạng, vừa trải nghiệm cuộc sống, chinh phục bản thân và vừa có thể giúp đỡ được người khác kém may mắn hơn mình. Đường đi ở miền núi thật không bằng phẳng, lúc thì lên cao, lúc thì xuống thấp nhấp nhô. Thế nên mới có cảnh tôi è cổ ra nặng nề lăn xe lên dốc và cũng có lúc thả tự do cho nó… đổ đèo. Thú vị phết, nhưng nếu vấp chướng ngại vật thì đúng nghĩa “vỡ mặt” luôn.

Tự lăn xe nên sau một tiếng tôi mới tới nơi tập kết, vừa thấy tôi mọi người dừng tay, chạy ta hỏi thăm rồi lại bắt tay làm tiếp chương trình cho các em nhỏ nơi đây. Anh Ngọc vừa thấy tôi liền ra hỏi luôn:

- Bây giờ mọi người sẽ leo núi, đến một điểm trên kia, các nhóm khác cũng vậy, một là mày đi theo bọn anh, hai là ở lại điểm tập kết làm chương trình nhỏ cho mấy bé.

- Đi theo bọn anh chứ.

- Uhm được rồi, thế để thu xếp.

Vậy là tôi đi theo nhóm anh Ngọc nhưng tôi không hề lường trước được rằng chuyện leo núi lại khó khăn đến vậy… Tuy đường đã được bê tông hóa nhưng chỉ nhỏ chưa đến 80cm, đúng vừa chiều ngang của 2 bánh xe lăn. Tất nhiên đối với một thằng lăn xe lên núi thì nó không thể nhanh như những người bình thường được nên tôi đành giở chiêu bài cũ trấn an mọi người bằng cách, “Anh chị đi trước đi, em theo được đến đâu thì em theo, không thì em về điểm chính” và không quên nở một nụ cười thật tươi.

Mọi người đã đi hết, chỉ còn lại một mình tôi với dãy núi đang cố gắng leo lên, qua chân núi còn dễ dàng, sức còn khỏe và tinh thần còn quyết liệt nhưng càng leo lên đỉnh tôi càng thấm mệt và xuống sức rất nhanh. Đôi cánh tay này quá yếu, tôi không thể nào đẩy bánh xe một cách bình thường nữa mà khi di chuyển tôi phải dùng thêm cả chân để truyền thêm lực cho xe lăn bánh. Chính vì thế khi lên dốc núi tôi không thể nào đi hướng đầu lên phía trước mà phải quay ngược lại đi lùi và từng bước từng bước nhích dần lên. Nguy hiểm luôn luôn rình rập, nó có thể lấy đi mạng sống của tôi lúc nào không hay.

Tôi còn nhớ lúc đó tôi mới đi được nửa đường đã phải dừng lại nghỉ vì quá mệt, cộng với chân tay đã mỏi nhừ, cơ căng như muốn bục ra khỏi cơ thể. Trong lúc nghỉ ngơi chứng kiến những gì bản thân đã làm được, nhìn xa xa xuống dưới thung lũng, cảnh vật hiện lên hùng vĩ, thơ mộng dường như mọi chán nản, mệt nhọc tan biến, thời gian bỗng trôi chậm lại, tôi cảm nhận được mùi hương của cỏ cây, tiếng côn trùng kêu, tiếng chim hót. Bình yên quá! Cuộc sống tươi đẹp quá! Tôi đã vượt qua được giới hạn của bản thân, dù nhỏ thôi nhưng mang lại hạnh phúc và bất ngờ quá lớn, ai mà nghĩ được một thằng què có thể ngồi xe lăn leo núi mà không cần sự trợ giúp của ai, ai có thể nghĩ được rằng nó đã nhận ra được giá trị đích thực của cuộc sống, ai mà ngờ rằng một phần nhỏ trong ước mơ được đi nhiều của nó thành hiện thực.

Lúc đó trong đầu tôi chỉ vang vọng ý nghĩ “Tiếp tục, phải tiếp tục, như thế này là chưa đủ để dừng lại, nhiệt huyết vẫn còn và quyết tâm vẫn còn thì phải tiếp tục!”. Tôi lại bắt đầu lăn xe với tư thế ngược, cái đường thì bé nên mỗi khi có xe máy chạy qua là tôi phải nép vào một bên đường, nép vào bên vách núi thì không sao, nhưng có lúc chỉ nép được vào một bên gần vực thì thực sự là cần lắm một vòng tay. Khoảng cách giữa bánh xe và mép vực chỉ tính bằng một gang tay, cảm giác cận kề với cái chết chưa bao giờ gần gũi như vậy, rơi xuống, chết, xong phim. Muốn nép vào cũng không đơn giản, khi nghe tiếng xe máy từ phía xa là tôi bắt đầu quay ngang xe ra để cho đỡ bị trôi, rồi từ từ nép vào 1 bên sườn núi, nhưng đôi lúc tiếng cưa máy ở phía xa xa nó cũng giống như tiếng xe máy vậy, nhiều lúc đang đi thì nghe tiếng nổ, dừng lại nép vào vách núi đến năm phút sau cũng không thấy cái xe nào đi qua cả.

Tôi tiếp tục đi được khoảng 20 phút nữa, đột nhiên có điều gì đó không ổn đang diễn ra, bàn tay bắt đầu thấy xót và có cảm giấc mọng nước, nhìn xuống thì thấy lòng bàn tay đang rộp lên, da ở đoạn đó đã bị tróc ra rướm máu lúc nào không biết. Tôi dừng lại một chút để kiểm tra cả hai tay, thì tay bên kia cũng bình tình trạng tương tự. Ngay khi dừng lại là toàn thân tôi bắt đầu có dấu hiệu bất bình thường, do phải vận động quá sức trong một thời gian dài, các cơ bắt đầu đau và mỏi, có triệu chứng co rút ở các bắp cơ, cảm giác xương sắp bị các bó cơ rút cho gãy là cảm giác rõ ràng nhất, ngay lúc đó tôi chỉ có thể với tay ra sau ba lô lấy một ít Salonpas để bôi và băng lại những chỗ bị xước, tôi muốn tiếp tục cuộc hành trình, muốn chinh phục được bản thân, nhưng điều đang diễn ra cản trở những gì tôi mong muốn. “Đi tiếp hay dừng lại?” Câu hỏi đó lại một lần nữa xuất hiện trong đầu tôi và cần tôi phải trả lời thật nhanh. Hai dòng suy nghĩ cứ đan xen nhau, chảy qua ào ào như tiếng suối ở đâu đó. Tất nhiên để chọn thì chỉ được phép chọn một. “Tiếp tục, có chết cũng tiếp tục đó chính là quyết định cuối cùng”. Tôi chỉnh lại tư thế ngồi, chỉnh lại xe và bắt đầu tiếp cuộc hành trình. Nhích từng bước, từng bước một, trong khi bàn tay đang rướm máu, chân thì căng ra, và hậu quả thì đến bây giờ tôi nghĩ lại cũng thực sự sợ. Điều gì tới cũng phải tới, đáp trả lại cái thói cứng đầu và coi thường bản thân bao giờ cũng là điều đáng sợ. Tôi bị trượt tay, tay tôi không thể còn sức giữ lại được bánh xe nữa, và xe cứ thế trôi xuống dốc, trong cơn hoảng loạn đó tôi chỉ có thể cố gắng lái xe lăn về phía vách núi, ai dè nó cứ trôi rồi chệch bánh đâm vào vách núi, tôi bị bắn ra phía trước. Người rơi ra khỏi xe, lúc đó tôi không nhớ nổi đầu của mình có đập vào đâu không nhưng cũng có cảm giác choáng váng, mọi thứ diễn ra quá nhanh, tôi nằm bất động rồi cố gắng bò dậy kiểm tra xem tay chân có gãy gì không, sau khi cử động được và thấy không làm sao tôi mới thật sự hoàn hồn, mọi sức lực và ý chí tự dưng bay đi đâu hết rồi tôi thiếp đi lúc nào không hay.

Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những gì xảy ra lúc đó, trong mơ tôi thấy có một vài người đi qua, hình như là một nam, một nữ (tôi đoán vậy qua trí nhớ về hình dáng của họ trong giấc mơ của tôi), họ gọi và lay tôi dậy, bảo là dậy thôi đi, nhà ở đâu, họ sẽ giúp tôi xuống núi. Tiếng cưa gỗ làm tôi choàng tỉnh, tôi vẫn đang nằm bên cạnh vách núi, chiếc xe lăn đứng im, không bị trôi xuống vực, lục tìm điện thoại trong túi, tôi mới biết mình chỉ thiếp trong vài phút thôi. Vài phút đồng hồ đó không ngờ dài đến vậy, như một giấc ngủ sâu, như một giấc mơ dài hàng thế kỉ. Có lẽ giấc ngủ và giấc mơ kì lạ đó đã làm cho tinh thần tôi thoải mái và sức khỏe tốt hơn nên tôi cố gắng ngồi dậỵ, bò đến gần chiếc xe hơn và lấy hết sức bình sinh ngồi lên nó. Lần này, tôi quyết định đi xuống núi, giúp đỡ nhóm còn lại làm văn nghệ cho các em tiểu học nơi đây. Không phải tôi từ bỏ việc leo núi mà tôi không muốn mạo hiểm thêm nữa, còn mạng sống tôi còn có cơ hội để lần sau chinh phục ngọn núi cao hơn. Xã hội cứ hay định kiến, ghét bỏ những người “ham sống sợ chết” nhưng chỉ khi đối diện với cái chết mới thấy họ làm thế là không có gì sai, họ làm thế chỉ vì tính mạng có một, nếu chết đi thì những ước mơ, dự định của họ vứt cho ai. Đoạn đường đi xuống lúc nào cũng khó hơn, vì nếu không làm chủ tốc độ sẽ còn nguy hiểm hơn cả lúc leo chưa kể tôi đang bị thương khá nặng. Tôi đã phải lấy lá cây bên đường xếp lại và quấn vào tay, làm giảm ma xát giữa tay và bánh xe, rồi từ từ nhích xuống. Trên đường xuống tôi còn 2 lần nữa bị trượt, nhưng do đã gia cố cái tay bằng lá cây nên “phanh” cũng xịn hơn một tí… Xuống đến nơi đôi tay tôi không cầm được bất cứ vật gì nữa, nó cứng đơ và sưng phồng như bánh rán trong chảo chiên. Lấy lại hơi sức một chút, tôi ra chơi với lũ trẻ vùng cao đang nô đùa tại trường.

Lần suýt chết ở núi đã dạy cho tôi bài học quý báu, tôi giống như nhà tu đi tìm đạo lý của Phật pháp để rồi khi đứng giữa những điều tưởng chừng như không thể thì ngộ ra chân lý sâu xa, đơn giản nhưng cũng thật phức tạp. Từ sau lần đó tôi đã biết lượng sức của mình, không còn ương ngạnh, dám thách thức cả tử thần nữa. Có suýt chết tôi mới hiểu, dù mình chưa làm được gì to lớn như kiểu giải cứu thế giới của siêu nhân, không giàu có như Bill Gates, không đẹp trai như mấy anh sao Hàn nhưng tôi có hạnh phúc. Hạnh phúc thật ra rất đơn giản, như bọn trẻ con ở Thái Nguyên dù thiếu thốn chúng vẫn cười vì chúng được đến trường, tôi hạnh phúc vì khi về nhà có bố mẹ, anh chị dang vòng tay rộng lớn ra đón tôi, mỉm cười với tôi, khóc cùng tôi. Thi thoảng cũng cần “đèn vàng” để dừng lại, nhìn lại quá khứ, nhìn lại bản thân để rồi bước tiếp.

Ngoài kia, mọi người đang bắt đầu thực hiện giấc mơ đời mình và kiếm tìm hạnh phúc rồi đấy.

Phút “tĩnh lặng” bên vách đá Thái Nguyên đã khiến tôi trưởng thành và đi nhiều hơn trên chiếc xe lăn của mình. Dù chân tôi yếu, nhưng tôi còn đôi tay, tôi còn có thể lăn xe được, tôi sẽ dùng chính nó để đi khắp dải đất Việt Nam hình chữ S có thêm hai dấu chấm cạnh bên này, đi đến những nơi mà ngày xưa tôi chỉ được nhìn thấy trên ti vi hoặc trên báo chí. Và rồi tôi tiếp tục cuộc hành trình tiếp theo của mình bằng việc đặt chân đến mảnh đất của địa đầu tổ quốc, mảnh đất mà sau này tôi sẽ phải quay lại vì những điều tiếc nuối mà tôi chưa làm được tại đây – mảnh đất Hà Giang.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx