sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 8: Thanh Hóa Và Những Điều Chưa Bao Giờ Được Kể

Sau chuyến Hà Giang, tôi càng muốn đi hơn nhưng lại bị vòng xoáy cơm áo gạo tiền giữ chân tôi lại Hà Nội. Số tiền kiếm được cũng chỉ đủ tiền ăn và tiền nhà. Chả lẽ lại ngồi lì mãi trong cái nhà trọ này? Mong mỏi được đi cứ thúc giục trong tôi, làm ruột gan tôi nóng như lửa đốt, không sao tập trung làm việc được. Sau cùng không chịu được, tôi ngồi thổ lộ với anh Ngọc về chuyến đi tiếp theo:

- Em chuẩn bị đi Thanh Hóa.

- Đi làm gì?

- Đi cho biết thôi anh.

- Có người quen ở đó không Vếu? (nick-name của tôi trên vOzforums).

- Không anh, chắc em đi một mình thôi.

- Mày đi một mình sao được, hay để anh thu xếp đi cùng, anh cũng đang muốn đi đâu đó.

- Em đi một mình cũng được mà, chả phải em đang sống một mình xa nhà đó sao?

- Sống nó khác với đi chứ.

Nói chơi chơi với anh Ngọc vậy thế mà tôi lại chuẩn bị đi Thanh Hóa thật, chuyến đi này không có anh Ngọc, vì lúc đó sau 2 tuần cân nhắc và có lẽ do công việc bề bộn anh đành thất hẹn với tôi. “Thích là nhích”, chả cần quan tâm túi còn bao tiền, tôi cứ thế vác balô lên đi.

Từ sau những chuyến đi Hà Giang với nhóm tình nguyện Tháng Năm, tôi mới lại được đi xa như vậy. Từ Hà Nội đến Thanh Hóa cũng bằng khoảng cách từ Hà Nội về nhà tôi ở Hải Phòng, cỡ độ 150km, di chuyển mất khoảng 3 tiếng đồng hồ chạy xe. Chuyến đi này vỏn vẹn trong túi tôi chỉ có khoảng 800K cho tổng hành trình (vừa nhận được tiền dịch bài cho mấy báo làm cộng tác).

Các chuyến đi, tôi hay tối giản nhất tất cả mọi thứ để mang vác nhẹ nhàng, quần áo thì chỉ 3 bộ là đủ dùng, còn lại những vật dụng đơn giản nhất như: điện thoại pin “trâu bò”, pin dự phòng, thẻ ATM để hết tiền thì còn gọi cứu trợ từ bạn bè được, một chiếc điện thoại khác có chức năng bản đồ, máy ảnh cá nhân, máy nghe nhạc… Tất cả những thứ cồng kềnh và nặng tôi đều bỏ lại ở nhà. Người khỏe mạnh bình thường đi xa mang vác đồ dù chỉ có vài thứ đã ngại huống hồ là tôi - một thằng ngồi xe lăn từ nhỏ - tôi phải ngồi tính toán từng tí một xem cái gì cần thiết nhất cho chuyến đi, ví như cái gì tuy cần thiết nhưng có thể bỏ ở nhà được vẫn phải bỏ. Phải thật nhẹ nhàng! Nếu không nhẹ nhàng tôi sẽ khó đi lại và khi có “chuyện” cũng sẽ khó chạy thoát thân. Trên những chuyến xe hành trình của bản thân, ngoài việc sử dụng nhạc để thời gian trôi qua nhanh hơn tôi còn hay để ý người bên cạnh nói gì.

Có thể là do thói quen, hoặc cũng có thể do tính tôi “tọc mạch” hoặc cũng có lẽ tôi muốn tìm hiểu con người ở vùng tôi sắp đến. Nếu các bạn để ý thì mỗi vùng miền lại có âm sắc giọng nói khác nhau, có khi dù thuộc một tỉnh nhưng hai người ở hai huyện lại có ngữ điệu nói khác biệt, ví dụ như vùng Hà Tây cũ, giọng người Ba Vì rất nặng, ngang ngang với dân miền Trung trong khi những người sống gần khu vực Hà Nội có giọng nhẹ nhàng hơn, mềm mại hơn. Chúng hình thành sự đa dạng trong văn hóa của người Việt, chúng làm tôi thấy những cuộc hành trình của mình mới lạ, hấp dẫn đến bất ngờ.

Trên những chuyến xe khách không phải lúc nào cũng ồn ào, xung quanh đặc tiếng nói chuyện của hành khách như mọi người vẫn nghĩ, trong cả chuyến đi đường dài, đôi lúc mọi người lặng im, mải theo dõi một bộ phim hay chương trình tạp kĩ trên màn hình LCD đặt ngay đầu xe. Tôi thì không bao giờ có thể tập trung xem như họ hay ngồi đọc báo, nhắn tin.., chỉ cần làm vậy là tôi thấy nôn nao ngay, tống ra tất cả những thứ trong dạ dày. Thế nên ngồi ngắm đường, ngủ hay nghe nhạc luôn là lựa chọn hàng đầu của tôi khi đi xe, đôi lúc một bài hát cũ vang bên tai làm cho những kỉ niệm tưởng chừng đã chôn sâu tự nhiên ùa về như con sóng biển bất chợt đến.

Sau khoảng 3 tiếng đồng hồ ngồi trên xe thì tôi cũng đến Thanh Hóa với sự giúp đỡ tận tình của anh phụ xe. Vừa bước xuống cửa xe, cảnh quen thuộc của bất kì bến xe nào hiện ra.

- Xe ôm không?

- Dạ không.

- Taxi không?

- Dạ không.

Nắng nóng, bụi bặm, tiếng mời chào xe ôm, taxi, bánh mì, đồ ăn, đồ chơi khiến tôi và nhiều hành khách khác cảm thấy mệt mỏi. Thành phố Thanh Hóa không có gì khác biệt so với Hà Nội, nếu có khác thì chỉ là chưa có nhiều hàng thức ăn nhanh mọc lên như nấm sau cơn mưa, còn lại hàng quán ở Hà Nội có gì thì ở đây có thứ đó. Ngắm nghía vài chỗ quanh bến xe, tôi tạt qua uống nước ở quán nhỏ sát bến, tiện hỏi chuyện cô bán hàng:

- Mấy giờ có xe đi Tĩnh Gia hả cô?

- Đến chỗ nào Tĩnh Gia?

- Dạ, Hải Hòa.

- Từ đâu tới?

- Hà Nội ạ.

- Hà Nội sao không bắt xe về Tĩnh Gia luôn, đỡ phải xuống ở đây?

- À, tại bạn cháu mới có việc bận nên không ở lại thành phố được, nên cháu đi luôn. - Tôi nói và cười trừ, chả nhẽ lại bảo cô bán nước ở thành phố Thanh Hóa không có gì nên đi luôn.

- Vậy chờ tí, tầm một giờ có xe chạy, cháu nên nhảy xe đi Nghệ An, nó có dừng ở Tĩnh Gia, từ đó vào Hải Hòa thì đi xe ôm.

- Có taxi không cô?

- Có, nhưng taxi đắt.

- Vâng, cháu cảm ơn.

Trả tiền nước, tôi ngồi đợi xe cô, hàng nước mách đến tận 12 giờ trưa. Lóc cóc vác hành lý và đẩy xe lăn đến xe, anh phụ xe hất hàm hỏi tôi với ánh mắt e dè:

- Đến Hải Hòa làm gì thế?

- Dạ đi chơi.

- Lần đầu hay là sao?

- Lần đầu ạ.

- Mà sao không có ai đi cùng, một thân một mình xe lăn ba lô như thế này, nhỡ có chuyện gì thì làm sao?

- Dạ không sao, cháu đi cũng quen rồi mà.

- Đi cẩn thận chút.

Tôi không phải là người hay nói, và cũng không hay nói khi cảm giác không cần thiết nên đôi khi thấy nói chuyện với người khác là rất khó. Sau này, phải đi rất nhiều nơi mới sửa được cái tính đó, mới mạnh dạn “chém gió” nhiều, vì đôi khi nếu cứ im im mà không dám hỏi thì bạn mất đi một mối quan hệ, hay một chút kinh nghiệm nào đó rồi. Đi nhiều, cho tôi biết được rằng không biết cái gì thì phải hỏi ngay lập tức, đừng giấu dốt vì có rất nhiều kiến thức mà ta không bao giờ hỏi ông Google được.

Ngồi chờ một lát trên xe thì xe đi Nghệ An mới bắt đầu xuất phát, đến giữa đường thì bị “đuổi” xuống vì xe chỉ chạy qua thị trấn Tĩnh Gia như lời cô hàng nước bảo. Lúc ngồi trên xe, tôi định vào Nghệ An luôn, đỡ mất công đi đi lại lại nhưng tính đi tính lại chi phí không đủ nên đành thôi. Vừa đặt chân đến Tĩnh Gia, tôi chỉ muốn tìm đường nhanh chóng ra biển, một cảm giác thèm nước biển, thèm chất muối cứ thúc giục tôi đi nhanh thôi, biển vẫy chờ.

Để tiết kiệm số tiền ít ỏi trong túi, tôi chọn giải pháp đi bộ ra biển cách chỗ xe thả tôi 4km. Đường đến bãi biển khá bằng phẳng, nhưng có những đoạn toàn đá hộc do mới làm nên tôi vượt qua hơi khó khăn, gần 1 tiếng sau thì tôi đến được biển. Trên con đường quanh co ra biển, có vài cái nhà nghỉ, khách sạn nằm lấp ló sau những cây dừa cao chót vót, tôi dự định đi hỏi chỗ nghỉ nhưng biển ngay trước mặt chả lẽ không ra “nhảy” sóng nên “cứ đi đã, tính sau”. Đi một mình, nhất là đi kiểu như tôi thì chuyện đầu tiên và tốn tiền nhất có lẽ là tiền khách sạn hoặc nhà nghỉ, nó không giống như một số các bạn đi phượt, bản thân tôi không bao giờ nhận tôi là đi phượt hay một cái gì đó kiểu như “du lịch bụi” mặc dù bản chất nó chính là “du lịch bụi”. Cái tôi luôn nghĩ chỉ là đi, đi để thoải mái, đi để đặt chân lên những chỗ tôi chưa biết, những vùng đất tôi chưa đến, những nơi mà bản thân mong muốn được đi.

Biển Hải Hòa lúc đó còn hoang sơ, không phải hoang sơ về mặt địa lý mà hoang sơ về mặt du lịch, có lẽ bây giờ đã khác. Nó khác hẳn với “anh em” Sầm Sơn cùng tỉnh với nó hay Đồ Sơn ở Hải Phòng, nó có một kiểu gì đó giống cái cửa sông Văn Úc ở quê tôi. Nhẹ nhàng và đơn giản, nhưng đẹp hơn biển Hải Phòng nhiều! Hình như càng đi về phía nam thì biển càng đẹp theo cái nhìn của tôi và tôi nghĩ điều đó là sự thật. Tôi ngồi nghỉ ở một quán nước gần biển…

Uống xong chai nước, tôi đang ngồi nghỉ trong cái mặn mòi của gió biển, lim dim mắt thì có người đi tới.

- Ăn lạc không cháu? Một người đàn ông da đen bóng vì rám nắng đi tới hỏi.

- Bán như thế nào ạ?

- 5.000đ một ống này. Cái ống đó tôi thấy nó phải bằng ½ hộp sữa Anlene 800g. Nhiều phết!

- Cho cháu 1 ống đi.

Người đàn ông có da rám nắng vừa xúc lạc vừa hỏi tôi:

- Cậu đi với ai à?

- Cháu đi một mình thôi ạ.

- Đến chơi hay ở nhà bà con? - Người đàn ông da rám nắng vừa bốc lạc vừa tò mò hỏi tôi.

- Dạ cháu đến chơi. Nhà nghỉ ở đây giá cả như thế nào hả bác? Cháu mới tới nên cũng chẳng biết giá cả.

- Bình thường thì 250K/ngày.

- Vậy cơ ạ!

- Cậu đi một mình thế này ở cũng hơi phí, mà sao không rủ bạn đi cùng.

- Cháu đi một mình quen rồi. Bác có biết chỗ nào ở rẻ hơn không?

- Có, nhưng không đủ điều kiện như trong nhà nghỉ đâu nhé.

- Dạ, cháu có chỗ ngủ với lại tắm rửa là tốt rồi, đâu cần gì hơn.

- Nhà tôi.

- Nhà bác ạ? Nhà bác cũng làm dịch vụ này ạ?

- Thường là không, nhưng khi có người hỏi thì tôi mới chỉ thôi.

- Giá cả như thế nào bác?

- 80K/ngày với 1 bữa trưa cùng gia đình, bữa tối thì thêm 20K.

- Vậy là 100K. Vâng, cháu đồng ý, nhà bác xa đây không?

- Cách biển hơn 1km, cậu đi ngược lại cái đường này, sau đó hỏi nhà bác Nam, người ta chỉ cho.

- Dạ vâng, bác cho cháu số điện thoại lát nữa cháu về cháu gọi.

Một thằng không có một chút kiến thức nào về du lịch như tôi mãi sau này mới biết đó chính là hình thức ở homestay mà nhiều bạn hay dùng khi đi du lịch. Với đứa lần đầu ở homestay, điều đầu tiên nó sợ nhất chính là bị lừa, bị rơi vào “hang cọp” và bị cướp hết hành lý nhưng thôi đành kệ, đâm lao thì phải theo lao thôi, với 600K trong túi tôi không còn cách nào khác, càng tiết kiệm được đồng nào thì hay đồng đấy.

Tôi ngước nhìn biển một lúc thì hoàng hôn bắt đầu buông, những ánh dương ban ngày yếu ớt sắp tắt lịm dưới bầu trời. Hoàng hôn luôn khiến tôi sợ sệt, cảm thấy bất an, nó luôn trong cảnh giữa ánh sáng và bong tối, chập choạng giống những giấc ngủ không bình yên, giống cơn ác mộng làm ta sợ hãi bật dậy lúc nửa đêm để rồi thao thức mong trời sáng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx