sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 11: Chiến Tranh

Hồi đó bác ở Cao Bằng. Trung Quốc đánh mình là ngày 17/2/79. Trước đó vài hôm thì mọi việc vẫn bình thường, bác với mọi người trong đơn vị vẫn còn đánh bóng chuyền với lính bên Trung Quốc, rồi tối hôm 15 vẫn còn liên hoan vì có đoàn chiếu bóng ở Hà Nội lên bóng phục vụ mọi người, bác nhớ chiều hôm 16 cả đại đội còn giết lợn nữa, thêm lính bọn nó ở biên giới sang chơi, tình cảm rất thắm thiết. Đến khoảng 2 giờ sáng thì nghe đạn pháo ở đâu bắn bùm bùm nong trời lở đất, mọi người trong đơn vị vẫn còn ngủ say bị giật mình bởi tiếng pháo, ai cũng hốt hoảng và không biết chuyện gì xảy ra? Còi báo động hú lên và mọi người tập trung mới rõ là bọn Trung Quốc đánh Việt Nam.

Bác ở Cao Bằng, một trong những trọng điểm của bọn nó, ngoài ra còn trải rộng ở cả Lạng Sơn, Lào Cai nữa. Quân nó đông lắm, phải gấp 10 lần quân mình, do là trọng điểm nên nó huy động lực lượng xe tăng và pháo binh khá là nhiều, cháu cứ tưởng tượng đi ra đường mà toàn thấy lính bên nó, bên ta thì lác nhác mới thấy vài người thì biết số lượng nó đông như thế nào.

Trẻ em, phụ nữ và người già được ưu tiên đưa lên xe đi sơ tán, còn lại ai có thể chiến đấu được đều ở lại, lúc đó huy động rất nhiều người dân địa phương nữa chứ không chỉ có quân đội, vì địch rất nhiều, như bác đã nói khi nãy ấy, địch đông như kiến.

Chỉ huy cũng nói rõ về tình hình là bên nó đánh đợt này là chiến tranh hủy diệt, diệt không còn một ngọn cỏ của Cao Bằng để bên ta sợ mà suy yếu về lực lượng quân đội, nhằm đánh chiếm lãnh thổ, thời đó với bây giờ việc đánh chiếm lãnh thổ không dễ dàng như hồi còn phong kiến nữa rồi. Cháu thấy đấy, ngay cả những năm gần đây bọn nó cũng đánh vào kinh tế ta đó thôi, bà con nông dân điêu đứng với ốc bươu vàng một thời gian rất lâu, bây giờ thi thoảng vẫn có nơi còn nạn ốc bươu vàng nữa, thiệt hại về kinh tế thật đáng sợ. Chỉ huy ra chỉ thị mọi người trong đơn vị sẵn sàng chết vì Tổ quốc, quyết không để bọn Trung Quốc dẫm lên lãnh thổ của ta.

Chiến tranh thì ác liệt lắm, bọn nó nã pháo vào tàn phá hết tất cả, trường học, bệnh viện bị phá nát hết, sau vài đợt pháo thì quân nó tiến vào. Bọn lính bên nó đông như kiến, bên mình thì toàn dân quân địa phương với các đơn vị làm kinh tế tại đó. Tiếng người gào thét, tiếng trẻ con khóc, tiếng phụ nữ kêu cứu tràn ngập không gian rực lửa lúc đó. Nhiều người bị đạn pháo bắn nát người ra, xác chết nhiều lắm, hầu hết là phụ nữ và trẻ con vì lúc đó là giữa đêm, mọi người đều đang ngủ và đạn pháo cứ thế nã trên đầu thôi. Đồng đội của bác cũng chết nhiều, có những người đến bây giờ không tìm thấy mộ hoặc thi hài, vì trong chiến tranh loạn lạc mà, chết thường mất xác hoặc chôn tập thể luôn.

Bọn nó không hiểu ăn gì mà lì đòn lắm, trước kia bình thường bác thấy bọn lính bên nó rất sợ cánh lính nhà mình nhưng chẳng hiểu hôm đó bọn chúng ăn phải gan hùm hay sao mà nhiều đứa trúng đạn rồi vẫn bò lên đánh quân ta như thể chúng nó không biết đau đớn là gì. Mọi người trong đơn vị nói, bọn này được bùa gì đó, bác nghe lại vậy chứ thực hư cũng không biết thế nào.

Tôi chăm chú lắng nghe, quên cả ăn cơm, bác gái phải giục:

- Hai bác cháu ăn đi chứ, cơm canh nguội hết rồi còn gì.

Lúc này bác trai mới sực tỉnh và nhấp một ngụm rượu, tôi cũng cầm chén lên và kính bác một ly.

- Thế bác cháu về nghĩa trang Trường Sơn lâu chưa? - Bác Nam quay sang hỏi tôi.

- Hình như năm 98 bác, nhưng đến giờ gia đình cháu mới đưa bác về quê. - Tôi trả lời.

- Bác cháu là lính gì?

- Cháu cũng không rõ lắm, nhưng hình như là thông tin, điện đàm gì đó.

- Cái đó mà giờ còn sống, làm to lắm đấy.

- Bác kể tiếp chuyện đánh nhau với Trung Quốc đi. - Tôi nhắc bác.

- Uh, được rồi, uống chén nữa để nhớ lại nào. - Bác vừa nói vừa cười nâng chén rượu lên và nhắc tôi cạn.

Bác Nam kể bằng chất giọng Thanh Hóa đặc trưng, một chất giọng trầm đục tiếp tục với câu chuyện về thời chiến:

“Lúc đó khói lửa bốc lên nghi ngút, bên ta trụ được khoảng một tiếng, bác cũng không biết có phải một tiếng không nữa nhưng lúc đó thời gian trôi chậm lắm. Mọi thứ diễn ra rất nhanh nhưng thời gian thì trôi chậm, bác cùng một vài mọi người nữa trong đơn vị đưa những người bị thương đến nơi an toàn để một số bác sĩ y tá ở trạm xá băng bó và cấp cứu. Do bệnh viện đã bị đánh sập nên phải lập một cái lán, mà lán cũng không được lộ quá, bọn bác phải tìm tạm cái hang gần đó để lấy chỗ cho mọi người băng bó.

Thiếu thốn lắm cháu à! Thuốc thang lúc đó chỉ vừa đủ số cho đơn vị, số thuốc trong bệnh viện thì có lẽ mất hết rồi. Bác đưa người vào cấp cứu rồi lại ra tiếp tục chiến đấu. Trẻ con và phụ nữ, người già đã được đưa đi sơ tán sang tỉnh khác, một vài chiếc xe thoát được ra ngoài thì đưa những người đó về Hà Nội, còn lại hầu như là phải chạy bộ. Cái cảnh phải chia xa vợ con mình để ở lại chiến đấu bác chứng kiến mà không cầm được nước mắt. Bác còn nhớ anh bạn đó, (trong chiến tranh thời gian để hỏi tên nhau có khi cũng không có nữa) anh bạn đó với vợ là dân kĩ thuật hay sao ấy, lên trên này công tác chưa kịp về thì đã dính trận này và tự nguyện ở lại chiến đấu luôn.

Anh bạn đó kiếm đâu được đôi quang gánh và để hai người con vào đó ngồi, còn người mẹ thì gánh con chạy, cảnh tượng đó ai nhìn thấy ai cũng phải khóc cháu ạ. Người phụ nữ tần tảo nuôi con, yêu chồng, giờ phải chạy giặc mà không biết đến khi nào mới gặp được nhau. Chạy là một chuyện, sống hay không lại là một chuyện khác. Hai người đó vừa buộc con chặt vào cái thúng vừa khóc, anh chồng nói mãi cô vợ mới chịu chạy đi, sau khi cô vợ đi rồi thì anh này xung phong vào chiến đấu.

Còn có rất nhiều cảnh tượng bi thương nữa mà đến giờ nhiều lúc nghĩ lại bác vẫn bị ám ảnh, bác sinh ra trong thời bình ở miền Bắc, nhưng cũng hiểu nỗi đau chiến tranh nó như thế nào khi mà bố bác cũng chiến đấu ở Điện Biên Phủ và đã hy sinh.

Tầm 4 giờ sáng, mọi thứ im lặng ghê rợn lắm, bên địch nó không còn nã pháo nữa, mọi người bên ta bắt đầu kiểm tra quân số. Chết nhiều lắm! Những con người hôm qua còn ăn tiết canh, uống rượu với nhau hôm nay đã nằm xuống, xác người nằm như ngả rạ trên đất, có những người mất một phần cơ thể, mùi thuốc súng, mùi đất tơi vì đạn pháo kèm mùi máu xộc vào mũi làm bác choáng váng một lúc. Sau khi kiểm tra quân số của đơn vị thì cả đơn bị bác lúc đó còn khoảng 200 người còn sống, còn số người đủ sức để chiến đấu thì chắc chỉ hơn 100 người. Sau khi kiểm tra quân số và dặn dò mọi người có thể xảy ra trận càn lớn. Chỉ huy của bác đã nhận được điện của cấp cao, nói ở Lào Cai lúc đó cũng bị tàn phá hết rồi, bọn Trung Quốc nó đánh mạnh lắm. Vừa nghe xong báo cáo thì loạt pháo tiếp theo lại nã vào, sau hai loạt pháo tiếp theo thì quân nó tràn vào thị xã, nổ súng liên tục, quân nó đông hơn lúc trước, bác có cảm giác cầm súng bắn không cần mục tiêu cũng trúng vào thằng Trung Quốc nào đó. Lúc này hai bên nổ súng liên tục, số người chết và thương vong tăng lên chóng mặt. Như bác đã nói đấy, bên nó chết nhiều như vậy nhưng mà không hiểu sao vẫn cứ hết lớp này đến lớp khác xông lên một cách ngu ngốc. Sau này bắt được một thằng bên nó, tra hỏi thì nó nói nó được lệnh là bằng sống bằng chết cũng phải đánh, không đánh thì ở nhà, bố mẹ với người thân nó sẽ bị coi là phản quốc, thế nên bọn nó mới lỳ và liều như vậy, chứ bình thường bọn nó cũng sợ lính Việt Nam lắm.

Sau đợt càn đó quân nó rút về và cả hai bên tạm nghỉ, đến sáng thì quân nó đã sang nhiều hơn và tập hợp thành các nhóm, đi đến đâu tàn phá đến đó rồi lại bắn nhau. Bắn nhau và nghỉ, cứ thế cho đến chiều, bên ta cũng cố thủ ác lắm. Đến tối, tình hình có vẻ khả quan hơn, bên nó rút pháo về chỉ để lại quân ở đó. Quân nó đi đến đâu thì bắt giết tới đó, lính bên ta bị bắt là nó nổ súng bắn chết luôn, mọi người ai cũng căm phẫn nhưng để đảm bảo an toàn cho cả những người khác nên không ai dám manh động.

Đạn dược và vũ khí quân ta chỉ đủ để cầm cự trong vài ngày, nên đến ngày 23 quân nó chiếm được Cao Bằng, bác và một số mọi người nữa phải trốn sâu vào trong núi, nó còn cho quân đi lùng nhưng lạ là sau khi chiếm được Cao Bằng thì bọn chúng rút quân. Bọn bác lang thang trong rừng khoảng 2 ngày thì quay trở lại và được lên xe về Hà Nội. Sau đó thì có lệnh tổng động viên trên toàn quốc và quân ta kéo lên biên giới. Chiến đấu đến đầu tháng 3 thì bọn chúng rút hoàn toàn.

Trong xóm này cũng có mấy người đi cùng đợt đó với bác, có người đi đợt tổng động viên về với những thương tích đầy mình, bác trông như thế này thôi nhưng mất một đoạn ruột rồi đấy.”

Vừa nói, bác vừa vén bụng lên để lộ vết khâu dài trên bụng. Tôi định hỏi là bị lúc nào nhưng thôi. Tôi còn thắc mắc nhiều nữa về bác, về gia đình người đàn ông mà bác đang kể, về những chuyện xảy ra sau này khi ở trong rừng, nhưng những kí ức đó đối với bác Nam quá kinh hoàng nên tôi không dám hỏi thêm gì. Bữa cơm chìm trong im lặng sau câu chuyện của bác, như để tưởng nhớ những người đồng đội, đồng chí đã hy sinh trong trận chiến năm 79. Tôi bỗng thấy yêu cuộc sống hơn, tôi còn hạnh phúc chán so với thế hệ cha anh của chúng ta, những con người mang vết thương chiến tranh quá lớn.

Các bạn thấy đấy, để có được những gì tốt đẹp như hôm nay thì đã bao nhiêu người phải nằm xuống, biết bao người đã phải đánh đổi bằng xương, bằng máu và bằng cả nước mắt. Những gì theo lời kể của bác Nam tôi nhớ có thể không chính xác nhưng cái chính của câu chuyện đó đã cho chúng ta thấy chiến tranh đáng sợ như thế nào, không phải như chơi game, chết thì có thể hồi sinh, trong một trận chiến thật sự thì không ai có thể hồi sinh cho những người ngã xuống, chỉ cần sơ xuất một chút là phải trả giá đôi khi bằng tính mạng và người còn sống thì mang nỗi đau âm ỉ, kéo dài không bao giờ dứt…

Bữa ăn kết thúc mà tôi vẫn còn bùi ngùi xúc động. Những câu chuyện của bác Nam theo tôi cả vào trong giấc mơ, tôi mơ tôi cũng là lính như bác, cũng vác súng, cũng nuốt nước mắt khi thấy đồng đội ngã xuống…

Sáng hôm sau, tôi rời nhà bác Nam sớm, chợt nhớ cô bé Phương, cô bé đã hẹn đưa tôi đi chơi biển bằng thuyền thúng mà giờ tôi phải đi rồi. Không kịp nói lời cảm ơn cô bé, khiến tôi áy náy vì thế tôi nhờ bác Nam chuyển lời cảm ơn cho Phương và không quên tặng cô bé một chiếc vòng. Xe chuyển bánh, tôi mang theo những kỉ niệm về một Thanh Hóa ngọt ngào, khác xa những định kiến của mọi người. Tôi đến vùng đất đầy cát và nắng - Quảng Trị…


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx